Trang chủ » Truyện

LÃO TƯ TÀNG TÀNG

Đinh Quang Tỉnh
Thứ hai ngày 4 tháng 1 năm 2010 2:15 PM
Chuyện cũ chép lại
Hắn tên là Tư, nhưng người ta cứ phải gọi đủ là Tư tàng tàng bởi vì hắn giống như một manh áo cũ, vứt đi thì tiếc, để thì không biết dùng vào việc gì. Hắn dong dỏng cao và đen, đầu trọc, răng vẩu, đôi lông mày rậm lốm đốm bạc như hai con sâu róm nằm đè lên cặp mắt ti hí. Tư nghèo nhất làng Liêu, quanh năm suốt tháng chỉ mặc độc một cái áo nâu bạc phếch, vá chằng vá đụp và chiếc quần lửng trên đầu gối để lộ đôi chân thật khác người, hai bàn chân to như hai cái mo cau, trên mu thì đen nhẻm, vành chung quanh bàn chân lại trắng bợt như lòng bàn tay thằng Tây da đen; hai ống xương chân khủng khẳng như hai cành núc nác cắm vào bãi phân trâu. Đầu gối vừa tròn lại vừa to, trông không biết ví nó giống thứ gì. Hình hài Tư tàng tàng quái đản đến mức trẻ con trong làng hễ đứa nào khóc hờn, mang hắn ra dọa là nín bặt, dọa ma bọn trẻ cũng không sợ bằng. Giọng nói của hắn rất lạ, cứ lơ lớ như tiếng Tầu. Hắn là giống người vô tư lự.
Tư bị lạc bố mẹ từ ngày còn rất nhỏ. Cậu bé thông minh, sáng dạ lại khéo tay nên được một hiệp thợ nổi tiếng cho đi theo. Vì quá giỏi, thầy sợ hắn ăn cắp mất nghề nên kiếm cớ gây chuyện. Tư biết ý bèn bỏ đi theo một gánh hát rong để được ngao du thiên hạ.
Đêm hát cuối cùng ở chợ Cát Xuyên, phông màn đã hạ từ lâu, mọi người vội vã thu dọn khăn áo, kèn trống đem xuống thuyền để kịp đi biểu diễn nơi khác. Thằng Tư làm quần quật cả ngày, đêm lại thức phục dịch đào kép, nên mệt quá, nó nằm lăn trên phản thịt cuối chợ ngủ say như chết. Cả gánh hát nháo nhác đi tìm nhưng không thấy hắn, thuyền đành nhổ neo, bỏ mặc thằng Tư trơ vơ giữa chợ. Tuần đinh bắt gặp, hỏi thì hắn trả nhời ú a, ú ớ nên bị “giã” cho một trận nhừ tử, rồi giải về nhà Cụ Chánh. May cho thằng Tư, hai đêm liền cụ Chánh đi xem hát nên khi nhìn thấy hắn Cụ nhận ra ngay thằng loong toong bên cánh gà sân khấu. Thương cảnh ngộ, cụ Chánh cho hắn làm đầy tớ trong nhà. Nhưng chưa tới vụ gặt, Cụ bà không chịu, nói với Cụ ông rằng thằng Tư như con chuột chù làm hôi hám nhà cụ. Cụ Chánh là người nhân đức nhưng vì nể cụ bà, đành phải mượn cớ đuổi hắn ra khỏi nhà. Thế là Tư tàng tàng lại phải sống cảnh vất vưởng từ đấy.
Tư tàng tàng làm đủ việc, mà việc nào hắn làm cũng cẩn thận, cũng khéo léo, từ việc bốc mộ, bó người chết cho đến cắt cỏ, chăn bò, lợp nhà, sửa mả. Vì thế mà việc lớn nhỏ trong cái làng Liêu này đều không vắng mặt hắn được. Lâu dần hắn cũng khôn ra, chỉ chọn việc nhẹ mà được ăn no hắn mới làm.
Phía sau đình làng Liêu có cây bàng đổ, làng cưa lấy gỗ còn lại gốc, đào lên thì bị đổ tường đình nên đành để vậy, lâu dần cỏ mọc um tùm, sợ có rắn độc làm tổ nên trẻ con người lớn trong làng không ai dám bén mảng tới.
Từ ngày Tư tàng tàng ra khỏi nhà cụ Chánh, hắn đành tá túc ở hiên đình. Đêm đêm nằm co ro với manh chiếu rách, đôi mắt ti hí nhìn lên bầu trời đầy sao. Hắn nghĩ miên man, ao ước đủ thứ. Rồi đột nhiên hắn nhớ ra ở khu mộ họ Hoàng bên làng Hạ mới cải táng, bao nhiêu ván thôi còn tốt nguyên vứt phí hoài. Sớm hôm sau, Tư tàng tàng quàng lên vai một cuộn dây chuối khô đi thẳng ra nghĩa địa làng Hạ. Hắn lật từng tấm ván, chọn lấy bốn tấm còn tốt nguyên, rồi dùng chiếc nón mê té nước rửa thật kỹ càng, sau đó hắn khệ nệ kéo từng tấm vứt ùm xuống sông. Hắn cởi truồng tồng ngồng, cuốn quần áo lên đầu rồi lõm bõm tha nguyên cỗ ván thôi đem về đình làng Liêu. Xong việc, hắn ngồi thở hổn hển một hồi lâu rồi thò tay vào lỗ thủng của tường đình, nơi giấu mấy củ khoai nướng, đem ra ăn bữa tối. Nhai xong mấy củ khoai hắn vươn vai đứng dậy đi ngang qua nhà bà Tý, tạt vào xin ngụm nước mưa. Hắn vừa hỏi vừa với cái gáo dừa đưa lên mồm uống ừng ực.
Tạm no bụng, hắn quay về hiên đình đánh một giấc đến sáng.
Tư tàng tàng có một cái bị cói, hắn gọi là “Bỉu bối”, cất giấu rất cẩn thận, đi đâu xa hắn cũng mang theo. Bên trong bị đựng một bộ đồ thợ mộc, nào là bào, chàng, đục, vọm…cái to, cái nhỏ đủ thứ, được gói ghém rất cẩn thận bằng mấy miếng vải tốt. Cứ trước khi đi ngủ là hắn đem ra mài, cái chàng, cái đục bị mòn ngắn tũn lại, sắc như dao cạo râu. Chẳng vậy mà cứ vài tháng hắn lại soi mặt xuống vũng nước trâu đầm, một tay vuốt tóc, một tay đưa cái chàng nhất lên đầu thong thả cạo từng nhát một, chỉ một chốc đã cạo xong cái đầu trọc lóc như đầu sư.
Mặt trời lên quá con sào, Tư tàng tàng mới mở mắt vì chiều qua vật lộn với mấy tấm ván thôi làm hắn mệt bã người. Bụng có vẻ ngót, hắn ngồi ngáp dài một lúc, không thấy người trong làng sai khiến việc gì, bỗng nhiên hắn nghĩ  mình như bị thừa, hắn muốn làm việc, hắn sợ nhàn hạ. Ngồi thừ ra một lúc, hắn đứng dậy thủng thẳng ra sau đình. Đi tiểu xong nhẹ người, tự nhiên hắn nhanh nhẹn hẳn lên. Hắn cúi xuống nhấc kênh tấm ván thôi, thò tay vào cái hố phía dưới moi bỉu bối lên, lấy từ trong bọc vải ra mấy thứ lỉnh kỉnh, rồi chêm chêm, gõ gõ một lúc thì hắn lắp xong cái bào. Hắn kê ngay ngắn tấm ván thôi, xòe bàn tay xoa cẩn thận khắp tấm ván xem có đầu đinh nào chồi lên không. Xong xuôi, hắn yên trí bắt tay vào bào, hai bàn tay hắn vụm chắc vào thân cái bào. Rồi chân co, chân duỗi hắn lia lưỡi bào xuống ván đều đều từng nhát một như bò gặm cỏ. Phoi bào mỏng tang vung vãi ngập chung quanh hắn. Khoảng giữa trưa thì Tư tàng tàng đã biến tấm ván thôi thành một tấm phản phẳng phiu, nhẵn nhụi. Một hình người nằm thẳng đuỗn, nổi thẫm trên mặt gỗ Gie. Hắn cẩn thận nhặt từng miếng dăm bào mỏng, rồi vò thành một búi to, nắm chặt tay đánh đều lên mặt tấm phản. Một loáng cả tấm ván đã bóng lộn xà cừ. Tư tàng tàng vừa ý lắm, hắn tủm tỉm cười một mình, rồi cẩn thận đặt cái bào lên trên đống phoi gỗ, đoạn hắn ghếch mông, từ từ nằm ngửa lên tấm phản, hai bàn tay rờ rẫm cầm hờ vào nhau đặt yên trên rốn. Cái lưng cong của hắn như được vuốt thẳng ra, áp trùng khít vào vết ố mà người chết để lại. Hắn thật thảnh thơi, đôi mắt tí hí khép lại như đang mơ màng, mộng mị.
       Ông Cương được huyện chỉ định làm chủ nhiệm hợp tác xã, để chuẩn bị đại hội, sẽ bỏ phiếu chính thức theo quy định. Dáng ông thấp, đậm, chắc như nắm xôi gấc. Nhưng khi chụp chiếc mũ lá lên đầu thì nhìn ông lại giống hệt cái nấm rơm gặp mưa. Ông Cương đi đến cổng đình thì xuống dắt xe, rồi tự mình nhấc chiếc xe đạp còn mới đến tám chín chục phần trăm lên hiên đình, cẩn thận dựa xe vào sát tường. Ông sai bà Tý mở cửa đình. Nhắc bà đem ấm nước chè tươi sang để ông tiếp khách. Đoạn, ông ngoảnh về phía sau đình, dõng dạc gọi: “Anh Tư có đấy không? Ra tôi gặp!”. Ông chủ nhiệm cất nhời gọi hai ba bận, mới thấy tiếng Tư tàng tàng càu nhàu nói vọng ra: “Người ta có nhà có cửa hẳn hoi không vào mà gọi, lại cứ đứng giữa sân đình mà gào”. Chui ra khỏi ba tấm ván thôi kê nghiêng mà hắn gọi là nhà, đôi mắt ti hí như lòi ra, khi biết người gọi là ông chủ nhiệm hợp tác xã, miệng hắn lắp bắp không thành lời: “Dạ, ông chủ nhiệm kiếm tôi ạ?”
Ông Cương nghiêm nét mặt, rồi ông khoát tay bảo hắn vào trong đình. Tư tàng tàng khúm núm, ghé mông vào sát mép cái bục đắp bằng xi măng nằm trơ trọi giữa đình, không giải chiếu nên lạnh ngắt. Ông chủ nhiệm nhấc ấm nước chè tươi còn nóng, rót một chén đặt về phía Tư tàng tàng, ông mời hắn:
- Anh uống nước đi, cái ngữ chè tươi này chưa ăn sáng mà làm một chén tống là ấm bụng.
Tư tàng tàng cung kính đưa cả hai tay ra đỡ lấy chén nước.
Ông Cương đằng hắng một tiếng rồi nói vào việc:
       - Nghe nói anh giỏi mộc? lâu ngày rồi còn nhớ nghề không nhỉ?
Tư tàng tàng tưởng việc hắn lấy mấy tấm ván thôi ở mả họ Hoàng đã đến tai ông chủ nhiệm, nên lúng túng chưa biết nói thế nào, thì ông Cương hỏi tiếp:
       - Tôi hỏi, bây giờ xã trả công anh bằng thóc hẳn hoi, anh có thể đóng nổi một bộ bàn ghế không?
Tư tàng tàng sợ ông đòi mấy tấm ván thôi của hắn để đóng bàn ghế cho xã nên hắn khôn ngoan hỏi lại:
       - Dạ, Chỉ một bộ bàn ghế thì tôi đóng ngon ơ, dưng mà thưa ông, xã đóng bằng gỗ gì ạ?
Ông chủ nhiệm thủng thẳng nói:
       - Xã có cây xoan to bị bão làm đổ cuối năm ngoái. Tôi đã cho xẻ thành ván định thay mấy cánh cửa sổ trụ sở ủy ban, nhưng việc của hợp tác cần hơn nên quyết làm trước. Tôi tính kỹ rồi, chỉ đóng một cái bàn và một cái ghế thì số gỗ ấy thừa thãi chán. Nếu anh làm được, bây giờ về nhà chị Tý nhận ngay hai thùng thóc “Nông hội” xã gửi bên đó. Sáng mai, đúng giờ chính quyền anh lên kho cô Hoa nhận gỗ, tôi đã quán triệt rồi. Nếu không gặp tôi, anh cứ ngó qua bộ bàn ghế kê trong phòng ông chủ tịch lấy mẫu, rồi áng chừng mà đóng không cần đo đạc gì cho phiền phức. Nhớ đến cuối tháng phải xong, không được để lỡ việc của xã đâu đấy.
Rồi ông Cương nói vọng ra:
- Chị Tý ơi, đem ấm chén về rồi khóa cẩn thận cửa đình lại nhá. Phiền
chị đong hai thùng thóc Nông hội cấp cho anh Tư hộ tôi.
Bà Tý vội thưa:
- Bác cứ để em lo,
Tư tàng tàng le te nhảy bổ ra định vác hộ ông chủ nhiệm chiếc xe đạp từ trên hiên đình xuống sân, nhưng ông Cương đã ngăn lại:
- Này! Tay chân gớm giếc thế kia đừng đụng vào xe tôi. Anh đi theo Chị Tý nhận thóc về mà xay, ăn no bụng rồi nhớ làm tốt đấy. Lơ-tu-mơ tôi cho du kích gô cổ lại thì đừng có trách.
Ông Cương như đã làm xong một việc lớn, ung dung lên xe thong thả đạp về nhà. Vừa đi vừa lâng lâng ấp ủ hình ảnh ông đang ngồi rung đùi trên chiếc ghế “ba nan”, để viết báo cáo công việc của hợp tác trên cái bàn mới toanh còn thơm mùi vec-ni…
Tư tàng tàng gửi lại bà Tý một thùng thóc, y chỉ dám xay giã có một thùng bởi vì bếp đâu, nồi niêu bát đĩa đâu, rơm rạ đâu mà thổi với nấu. Bà Tý thấy hắn lúng túng chợt hiểu ra, đon đả nói:
         - Từ hôm nay đến khi đóng xong bàn ghế cho xã, ông cứ tự nhiên thổi nấu ở bên này. Nồi niêu bát đũa tôi cho mượn. Vại dưa đấy, cứ lấy mà ăn. Nhạt thì rang tí gạo giã với muối thay vừng, cũng ngon chán. Thịt cá thì nhà tôi không có chứ muối thì đầy, ông cứ ăn thả sức.
Tư tàng tàng nghe bà Tý nói vậy cứ gật đầu lia lịa. Không chờ bà nói hết câu, hắn đã đong hai “bơ sữa bò” gạo, rồi mượn tạm cái niêu đất đem ra cầu ao vo gạo.
Tư tàng tàng ngồi xếp chân bằng tròn giữa sân nhà bà Tý đánh hết sạch niêu cơm với một tô dưa muối. Như no bụng đói con mắt, hắn nhìn xuống mâm thấy tiếc của giời nên hắn ngửa cổ húp nốt chỗ nước dưa chua còn lại, rồi  dẩu mồm ra, chập đôi đũa lại, tay thượng tay hạ đưa lên môi quệt đi quệt lại bắt chước lối chùi mồm sau khi ăn cỗ của các cụ trong làng. Tư tàng tàng vươn vai đứng dậy thu dọn sân bếp rất sạch sẽ, gọn gàng cho bà Tý rồi hắn ra chum nước mưa làm một hơi hết nửa gáo dừa.
Như người ốm được phục nhân sâm, trông bộ dạng hắn tươi tắn, hả hê rất lạ. Hắn xoa tay lên cái đầu trọc lốc, chào bà Tý rồi xách bao gạo về “nhà”.
Đêm ấy, Tư tàng tàng nằm trên tấm phản nhẵn bóng, êm lưng mà trằn trọc không sao ngủ được.
Sáng hôm sau, Tư tàng tàng lật đật lên ủy ban từ rất sớm. Căn nhà “cấp 4” trụ sở ủy ban xã vẫn còn vắng teo. Hắn đi loanh quanh một lúc mà trời vẫn chưa sáng hẳn. Hắn đánh liều nhón chân đến bên bệ cột cờ xây bằng gạch trần, nằm chính giữa sân ủy ban, rồi cẩn thận ngoặc cái quai nói vào khuỷu tay, thả người ngồi bệt xuống bệ gạch để yên trí ngồi chờ. Đang thiu thiu ngủ thì hắn giật mình, vì có người vỗ mạnh vào vai hắn. Tư tàng tàng bật dậy, tỉnh như sáo, hắn gật đầu chào, rồi cắp cái nón rách vào nách đi theo cô Hoa về nhà kho, chui vào tận cuối kho tối om, cẩn thận vác từng tấm gỗ xoan nặng mùi ẩm mốc đem ra xếp ngay ngắn trước cửa kho, hắn đếm cẩn thận đủ mười hai tấm, trong đó có bốn tấm dầy mười phân, còn lại là loại hai phân, rồi nương nhẹ nhấc từng tấm xếp lên chiếc xe cải tiến, buộc chặt gỗ vào thùng xe, hắn toan kéo xe đi thì cô Hoa kho gọi giật lại.
        - Ấy, ông phải điểm chỉ vào hóa đơn xuất kho đã chứ, chẳng quán triệt gì xất.
Tư tàng tàng trợn mắt hỏi xẵng lại cô Hoa:
- Sao phải điểm chỉ?
Cô Hoa đỏ mặt tức tối, vì cả xã này không ai lĩnh vật tư mà dám cãi lại Hoa thủ kho, nên cô nói như quát:
        - Ông không quán triệt hả? Lĩnh vật tư là phải ký nhận vào hóa đơn xuất kho, ông không biết chữ thì phải điểm chỉ chứ còn hoạnh họe gì? Có định lĩnh gỗ nữa hay không thỉ bảo?
Tư cười khẩy, nói thẳng tưng:
        - Cô mang giấy tờ ra đây tôi ký nhận. Việc gì phải điểm chỉ? Chẳng hóa ra chỉ cô mới có chữ phỏng?
Nghe lão Tư nói như chuyện trên trời, Hoa phì cười rồi nói gọn một tiếng:
- Được!
Cô hất mạnh mớ tóc rối ra sau lưng, cong cái mông lồng bàn lên, nện chân huỳnh huỵch xuống nền nhà kho cho hả cơn bực tức. Cô mở tủ đem ra một tập hóa đơn bằng giấy pơ-luya, có kẹp miếng sắt tây bằng bàn tay lót ở dưới tờ giấy than màu xanh. Vẻ mặt khinh khỉnh, bông phèng:
- Mời ông ký vào đây cho con nhờ
Tư tàng tàng lau hai bàn tay vào ống quần, rồi trịnh trọng đỡ lấy tập hóa đơn đặt lên mặt tấm gỗ xoan, dáng điệu rất thành thạo, đoạn kéo vạt áo lên cẩn thận lau đầu ngòi bút bi. Hắn thong thả viết thử vào mặt gỗ rồi mới đặt bút viết vào phía trái của tờ hóa đơn: “Tôi tên là Huỳnh Thọ Tư, ngụ tại làng Liêu đã nhận đủ số gỗ ghi trong tờ hóa đơn này”. Hắn ký hai chữ “Thọ Tư” có gạch dưới ngay ngắn còn ghi đầy đủ họ tên phía dưới chữ ký. Thấy Lão tư ký nhận quá bài bản, Hoa không còn tin vào mắt mình nữa. Cái lão Tư chăn bò không những biết chữ mà chữ lại đẹp hơn cả chữ viết bằng khen, nên cô đổi giọng ngay:
 - Chữ bác Tư đẹp thật đấy, tôi bái phục.
Rồi cô tỏ thiện cảm nói như động viên lão Tư:
        - Bác chở gỗ về đi cẩn thận, đường về Liêu nhiều ổ trâu, ổ gà lắm, xe mà long bánh là “cơm toi”. Bác nhớ quán triệt nhiệm vụ đồng chí chủ nhiệm giao sẽ có thưởng to đấy.
Tư tàng tàng cười tít mắt, gật đầu chào cô Hoa đầy vẻ đắc ý. Hắn  quàng sợi dây thừng qua vai, hai tay cầm chắc càng xe cải tiến rồi bậm môi lấy sức kéo xe gỗ về đình làng Liêu.
Đặt xe gỗ trước cổng nhà bà Tý, Tư tàng tàng nói vọng vào:
- Bà Tý ơi, tôi ngâm nhờ mấy tấm gỗ xuống ao nhà bà nhá.
Bà Tý chạy ra hỏi:
- Gỗ đang khô vênh vểnh thế này sao lại phải ngâm?
Tư tàng tàng có vẻ thông thạo nói:
         - Khô là khô thế nào? Cái giống xoan này muốn hết co cứ phải ngâm bùn ao năm, bảy ngày rồi đem hong gió cả tháng, gỗ mới đanh lại, hết co bà nghe ra chửa? Với lại đóng bàn cho xã làm ẩu đâu có được. Tôi vào mộng đến sợi chỉ cũng không lọt qua, bà cứ chờ mà xem.
Chẳng biết bà Tý có nghe hắn nói hay không, nhưng hắn cứ triền miên kể chuyện ngày xưa hắn theo cụ Cả Hàm vào tận kinh đô Huế đóng hương án cho chúa Nguyễn, rồi chuyện đóng tràng kỷ cho dinh tuần phủ Thanh Chương. Bà Tý cứ mặc kệ để hắn nói nghe cho sướng tai.
Gần mười ngày sau, ông Cương đạp xe ngang qua vẫn thấy mấy tấm gỗ chụm đầu vào nhau hóng gió ở sân đình. Ông dừng xe, nói vọng vào:
- Liệu hôm nào xong bàn ghế cho tôi đấy anh Tư?
Nghe thấy tiếng ông chủ nhiệm, Tư tàng tàng chạy vội ra thưa:
- Chỉ dăm hôm nữa gỗ khô hẳn là làm thôi ông ạ. Ông cứ yên chí, tôi
quán triệt rồi.
Ông Cương không trả lời hắn, ghếch mông lên yên xe rồi túc tắc đạp về trụ sở ủy ban.
Trong khi chờ cho gỗ khô hẳn, Tư tàng tàng lên kho cô Hoa mượn được cái cưa tay và một cái dũa tam giác cùn, đem về hắn tỉ mẩn dũa từng chiếc răng cưa, tiếng kêu ken két suốt ngày nghe đến ớn cả răng miệng.
*
Tư tàng tàng đang nằm duỗi dài trên tấm ván thôi, bỗng nghe thấy tiếng dạ vâng rối rít của bà Tý và tiếng cáu gắt om sòm của ông chủ nhiệm cùng với tiếng của một vài người nữa. Hắn giật thót khi nghe bà Tý gọi, hắn vội nhổm dậy chạy ra. Bà Tý đưa mắt ra hiệu cho hắn vào trong đình, ông chủ nhiệm đang chờ, vừa trông thấy mặt Tư, ông Cương đã quát:
     - Anh định chống lại chủ trưởng của xã hay sao mà đến hôm nay vẫn “sáng dũa cưa, trưa mài đục” không nhúc nhích được tí nào thế này? Bao giờ thì anh đóng xong bàn ghế cho tôi hả anh Tư?
Tư tàng tàng điềm nhiên trả lời:
     - Thưa ông chủ nhiệm, cái việc đóng bàn ghế cho các vị không thể vội vã được ạ. Hôm nay được gió, gỗ săn, mai tôi rọc một buổi, đóng thật kỹ cũng chỉ mươi ngày là xong tinh tươm tất cả. Ông cứ yên chí, tôi vào mộng đến sợi chỉ cũng không thể lọt qua được.
Ông Cương đỏ mặt tía tai mắng như tát nước vào mặt hắn:
      - Năm ngày nữa người ta đại hội rồi, bàn chửa có, ghế thì không. Tôi cần đếch gì sợi chỉ hay sợi tóc không lọt qua cái mộng của nhà anh? Anh cứ vào mộng đút lọt cả ngón tay vào cũng được. Ba ngày nữa mà không xong tôi gô cổ anh lại, anh tưởng tôi nói đùa đấy phỏng?
Tư tàng tàng cứ điềm nhiên nói:
       - Ông chủ nhiệm cứ nói đùa thế chứ, Tôi bảo đảm chắc chắn với ông rằng bộ bàn ghế tôi đóng này, ông cứ dùng cả đời cũng không hỏng được.
Ông Cương đứng phắt dậy, chỉ tay vào mặt hắn, ông quát tung cả bọt mép:
        - Ơ cái anh này, anh tưởng tôi ôm cái ghế chủ nhiệm cả đời chắc?
Rồi ông nghiêm nét mặt nói tiếp:
        - Năm hôm nữa đại hội xã viên, tôi lệnh cho anh ba ngày phải đóng xong bàn ghế cho tôi. Mẹ kiếp con bò chui qua mộng cũng được.
Rồi ông ngoảnh sang nói với mấy người trong ban quản trị cùng đi kiểm tra với ông, ông giao nhiệm vụ luôn:
        - Ba ngày nữa anh Thu, anh Điều phối kết hợp nghiệm thu bàn ghế rồi chỉ đạo anh Tư chở thẳng xuống trụ sở ủy ban cho kịp triển khai đại hội.
Tư tàng tàng nghe ông chủ nhiệm Cương nói xong thì rụng rời chân tay, hồn siêu phách lạc. Hắn chấn tĩnh lấy hết sức bình sinh thưa lại với ông chủ nhiệm rằng:
- Thưa ông chủ nhiệm, thưa tất cả các vị có mặt ở đây. Ông chủ nhiệm vừa ra lệnh cho tôi làm một việc còn khó hơn cả leo lên trời. Đóng bàn ghế cho các vị làm việc dân việc nước đâu có thể đóng ẩu tả như vậy được. Làm kỹ lưỡng thì tôi làm được, còn làm như ông chủ nhiệm ra lệnh thì đến bố tôi sống dậy cũng không dám làm. Ông chủ nhiệm mà quyết như vậy thì tôi giả nhời luôn rằng tôi không thể làm được việc này.
Rồi hắn hạ thấp giọng xuống để phân trần:
        - Gỗ của xã tôi đã ngâm tẩm đầy đủ đem dùng vào việc gì cũng tốt cả. Hai thùng thóc Nông hội cấp cho tôi, tôi chót xay mất một thùng, còn một thùng vẫn gửi bên bà Tý. Gỗ mai tôi trả kho cô Hoa, còn thùng thóc tôi sẽ tìm cách trả đủ cho xã. Tôi không dám sai lời.
Ông Cương đoán chừng thằng cha chăn bò này đã làm hỏng bét việc lớn của ông rồi. Tức khí, ông đứng phắt dậy nhảy phốc lên xe, chổng mông đạp thật lực về phố huyện. Bóng ông đã khuất, mọi người vẫn còn nghe văng vẳng tiếng chửi:
        - Cái thằng chăn bò nghèo kiết xác có đến chết cũng chẳng mò đâu ra thùng thóc mà trả lại cho xã lại còn hứa với thề. Lỡ mẹ nó hết cả việc của người ta.                                     
*
Mới có mấy ngày mà ông Cương gầy xọp hẳn đi. Ông tần ngần ngồi ngắm cái bàn cũ kỹ, mười năm qua biết bao công việc hệ trọng của hợp tác ông đã giải quyết trên chiếc bàn này. Mảnh gỗ ghép mặt bàn nay đã co lại, mộng hở toang hoác, nhìn xuyên qua thấy cả đôi dép cao su của ông dưới nền gạch. Nhớ lại cái đận gần đến ngày đại hội xã viên thì tay Tư tàng tàng này dở chứng đem trả lại gỗ, việc tự đóng bàn ghế của xã thế là đi tong. Ông Cương đánh liều đạp xe lên huyện kêu cứu đồng chí chủ tịch. Thật là may hơn khôn, đúng dịp bách hóa huyện nhập bàn ghế để trang bị cho các phòng ban. Ông Cương vò đầu bứt tai nên huyện ưu tiên cấp một bộ bàn ghế mới toanh cho xã. Thế là đại hội thành công tốt đẹp. Điều thật sự mãn nguyện là cả hai khóa liền ông đều được trúng cử với số phiếu cao nhất.
Mặt trời lên đến đỉnh đầu, bà Tý nhìn qua hàng rào râm bụt vẫn không thấy bóng dáng lão Tư tàng tàng ra ngồi ở hiên đình như mọi ngày. Hình như có điềm chẳng lành, bà lật đật chạy sang ngó vào nơi ở của lão thì thấy Tư tàng tàng nằm ngay ngắn trên tấm ván hậu, cái đầu trọc lóc gối cao lên chiếc bị cói “Bỉu bối”, hai bàn tay úp chéo lên nhau đặt trên bụng, lặng ngắt. Tư tàng tàng đã chết trong sự cô độc. Mộ lão đắp bằng đất sỏi, nằm khiêm nhường ở hoang Táo Viết tại Hạ Hồi tháng 10/2008