Trang chủ » Truyện

HẠNH

Doàn Nhất Trí
Thứ năm ngày 31 tháng 12 năm 2009 3:16 PM

truyện ngắn 
   Tặng Liên
          Ở một làng lúa vùng quê Thái Bình, có ông giáo Nguyên gầy còm, ốm yếu, không vợ con. Người ta có cảm giác như ông sống được là do đang chờ đợi một cái gì đó bí hiểm lắm. Chưa gặp, ông chưa thể ra đi. Thật vậy, từ ngày đất nước mở cửa, có hàng nghìn khuôn mặt Việt kiều từ Canada về nước, ông giáo Nguyên chỉ mong gặp được khuôn mặt ấy. Khuôn mặt thân yêu đã thành máu thịt một thời với ông. Thế nhưng, đằng đẵng mong ngóng, chờ đợi, vẫn biệt vô âm tín.
         Chả là, cách đây mấy năm, Ông Nguyên nhận thư từ Canada gửi về. Thư của Hạnh. Cô nói sẽ trở về sống những ngày cuối cùng nơi quê cha đất tổ. Trong thời gian ấy, nếu may mắn tìm được quê ngoại thì đó là điều hạnh phúc cho cô. Còn, nếu không tìm được mà đã phải “ra đi” thì đó là do cái số kiếp cô nó thế. Sự nghiệt ngã, khổ đau nó phải đeo đẳng cho đến ngày tận cùng. Khi ấy, chỉ mong Nguyên là người duy nhất trong hơn tám chục triệu con dân đất Việt thấu hiểu hoàn cảnh và cuộc đời cô hãy bước qua địa giới tỉnh, sang đất Thái Bình, thắp cho cô một nén nhang vào ngày giỗ rồi cắm xuống bất kỳ mô đất nào cũng được để linh hồn cô tìm về quê, khỏi bơ vơ lạnh lẽo. Ở cuộc sống vĩnh hằng nơi âm phủ, cô sẽ tiếp tục cuộc hành trình tìm về với quê hương bản quán, con Lạc, cháu Hồng.
          Lá thư ấy của Hạnh như sợi dây vô hình và duy nhất níu kéo ông giáo Nguyên ở lại cõi trần gian. Ông sống lặng lẽ như cái bóng. Ông vô cảm trước mọi thứ trên đời. Duy nhất một điều ông quan tâm, đó là làm sao được gặp lại con người xưa cũ mà cuộc đời người ấy khổ đau, chìm nổi trăm bề, là có phần lỗi tại ông. Tại cái sự ngu muội, hèn nhát và bội bạc của ông.
          Bây giờ, cái lưng ông giáo Nguyên ngày càng còng xuống, mắt càng mờ đi. Trước cửa nhà, là nơi ông giáo thường ngồi suốt từ sáng đến đêm. Đôi mắt mờ đục dõi nhìn ra cổng đau đáu chờ đợi mong manh hy vọng như sương khói. Trong đôi mắt già nua ấy, chỉ còn le lói chút síu ánh sáng giành cho tương lai, còn lại, đa phần là để nhìn vào dĩ vãng. Một dĩ vãng vui, hạnh phúc thì ít mà buồn đau, ân hận, nối tiếc thì nhiều. Ông tự trừng phạt mình bằng cách mỗi ngày ôn lại hàng nghìn lần dĩ vãng đau đớn, xót xa, ân hận.                                                    
                                                      * 
                                                  *      *
          Vào cuối những năm sáu mươi, tốt nghiệp đại học sư phạm, Nguyên được phân công về công tác ở trường cấp ba của một huyện thuộc tỉnh biên giới phía bắc. Ngôi trường xinh xắn và tươi rói như mô hình đồ chơi nằm gọn trên khu đất trống. Xung quanh, chập trùng những núi than đen nhẻm. Kế bên, phía trước mặt nó là cái thị trấn bé nhỏ mà người ở đấy thường quen gọi là thị trấn mỏ. Cái thị trấn mỏ này cũng lầm lũi và nhem nhuốc như con người ở đây vậy. Nó chỉ có hai dẫy phố chính dọc và ngang hình chữ thập. Những ngôi nhà cũ kỹ xộc xệch kiểu cổ của Tầu với những mái ngói lòng máng úp ngược xuôi lên nhau đeo bám một cách lỏng lẻo hai bên lề phố. Suốt ngày đêm, phố đầy ắp tiếng còi tầu hú hối hả, tiếng bánh sắt nghiến vào đường ray phầm phập, ình ình xen lẫn tiếng nổ mìn mở vỉa, cùng tiếng ủ hụ nặng nhọc của từng tốp xe Ben mười bốn mười năm tấn chở than ra bến, vang động cả một vùng thung lũng.          
         Thời kỳ này, tiếng bom leo thang đánh phá của giặc Mỹ đã lan ra khắp Miền Bắc... Có lẽ, Nguyên không thể yên tâm ngồi đây dậy học được nữa. Thực tế là anh cũng đã có tên trong danh sách đội quân dự bị bổ xung cho tiền tuyến. Hiệu trưởng đồng thời là bí thư chi bộ dặn dò anh: Đồng chí cứ chuẩn bị tinh thần sẵn sàng ở mức cao nhất, để sao cho có lệnh là lên đường được ngay.         
          Đêm đêm, rất khuya, soạn giáo án và chấm bài xong, Nguyên thường mở cửa phòng, lững thững bước lên một bãi trống trên khu đồi sau dẫy nhà tập thể. Anh ngồi ở đây hàng giờ để đắm mình trong suy nghĩ. Dù nghĩ gì thì đầu anh lúc nào cũng hiện lên hình ảnh một cô bé đang học lớp chín B, lớp do Nguyên chủ nhiệm. Em tên Hạnh. Hạnh tuy chưa đến tuổi trưởng thành nhưng đã hứa hẹn một thiếu nữ tuyệt đẹp bởi nước da trắng hồng, đôi môi không cần son phấn nhưng lúc nào cũng tươi như nụ hoa hé nở. Sống mũi thẳng, môi cong đậm nét, mạnh mẽ và cương nghị như được đúc ra từ một cái khuôn nào đó của tượng thần Hy lạp. Nét đặc biệt của Hạnh ở đôi mắt. Trời phú cho Hạnh đôi mắt mà ai đó chỉ nhìn vào một lần thôi cũng đủ để nhung nhớ cả đời người. Đôi mắt  to, sáng trong và thơ ngây. Tròng mắt đen lay láy như phát ra thứ ánh sáng của gương than kíp lê có tuổi triệu năm. Tuy nhiên, cái vẻ đẹp thuần khiết bề ngoài ấy không thấm gì so với phẩm chất bên trong của em. Hạnh học giỏi toàn diện, kính thày, yêu bạn. Em không chỉ biết lo cho mình, còn khi thì giúp bạn đan chiếc mũ rơm, khi ghé vai vác đỡ bạn một cây gỗ về làm hầm kèo, khi san bớt phần cơm ít ỏi của mình cho những bạn nghèo hơn trong những buổi tập dã ngoại thời chiến. Có lần, Hạnh và ba bạn cùng lớp đến lớp muộn hai tiết học vì các em tự nguyện giúp các cô chú công nhân khắc phục một đoàn tầu trật ray, với những xe goòng than đổ ngập đường sắt. Cuối năm ấy cả bốn em được nhà trường tuyên đương, khen thưởng.
          Có một điều đặc biệt làm Nguyên không thể không lo lắng, đó là ngay từ những ngày đầu của năm học lớp chín này, tình cờ anh biết được đời tư cũng như cuộc sống gia đình khá éo le của Hạnh. Những bí mật này hoàn toàn không có trong hồ sơ học tập của em. Trong một lần lớp lao động củng cố phòng lớp nơi trường sơ tán, Nguyên để ý thấy nét mặt Hạnh không vui như ngày thường. Em gắng gượng và lầm lũi bê từng hòn đá. Em giống một cái bóng người đau khổ đi đi lại lại với một hòn đá nặng trĩu trên đôi tay nhỏ bé. Nguyên đến gần Hạnh hỏi xem có chuyện gì xẩy ra. Hạnh không nói.          Tối hôm ấy, anh gọi bí thư chi đoàn cùng lớp phó phụ trách học tập vòng ra lối sau dẫy nhà, leo lên một đoạn dốc chừng dăm bẩy mét, trên ấy có một bãi đá rộng và bằng phẳng, lơ thơ những bui cỏ cằn cỗi. Cả ba cùng ngồi xuống với ý định làm công tác cá biệt với Hạnh. Tuy nhiên, động viên, khuyến khích thế nào cũng không làm Hạnh nói ra lý do vì sao chân em đau, vì sao em khóc. Nguyên đành chuyển qua cách nói chuyện tâm tình chỉ có giữa anh và Hạnh. Đợi cho Hạnh nguôi cơn xúc động và lau khô nước mắt, Nguyên trân trọng lắng nghe những lời ruột gan từ miệng em. Hạnh bắt đầu bằng câu hỏi:
- Em có thể tin tưởng ở nơi thày được không, thày Nguyên?
- Được! Nhưng sao em lại hỏi thế?
- Vậy....Chuyện này ngoài những người trong cuộc trong gia đình em biết, hôm nay, em quyết định có thêm cả thày.
          Gió hè lồng lộng thổi, xua tan cái nóng nực của buổi ban chiều. Hạnh tin tưởng xích lại gần Nguyên hơn. Mảnh trăng thựơng tuần treo lơ lửng trên đầu vừa mới hé ra từ một đám mây như đám khói nhưng cũng đủ để Nguyên kịp nhận ra vẻ sợ hãi cùng những đau khổ tột cùng hiện ra trên khuôn mặt đẹp như thiên thần của Hạnh. Lẫn trong sao trời, bóng núi và tiếng gió thì thào, lời Hạnh kể như rót muối vào lòng Nguyên làm anh đau đớn chẳng kém người trong cuộc. Em không biết nhiều về bố mẹ đã yêu nhau rồi lấy nhau như thế nào. Bà chỉ kể đơn giản, ngày ấy đoàn nghệ thuật ca múa nhạc vùng mỏ về Thái Bình biểu diễn một tuần có tính chất giao lưu văn nghệ. Trong đoàn của họ có một nam ca sĩ rất đẹp trai, khỏe mạnh, hát rất hay. Giọng anh ta trầm ấm, vang vọng mượt mà, vì thế, anh đi đâu cũng được các cô gái mến mộ. Trong số khán giả chết mê chết mệt người ấy có mẹ em. Mẹ mới mười sáu tuổi nhưng đã là một cô gái nông thôn xinh đẹp nhất vùng, lại nết na, chăm làm và cũng có giọng hát rất hay. Tối tối, mẹ không bỏ sót một buổi biểu diễn nào, chỉ để được nhìn và nghe chàng ca sĩ hát. Ban ngày, mẹ lân la đến khu vực đoàn đóng quân với mong muốn xin được làm diễn viên. Dĩ nhiên, trước sắc đẹp và tuổi trẻ của mẹ em, anh chàng diễn viên nọ bèn chớp thời cơ, tán tỉnh. Trong khi chưa được trưởng đoàn chấp nhận, anh ta đã thuyết phục mẹ đi theo, để anh “bồi dưỡng” rồi ra, anh nói chắc chắn sẽ xin được. Hy vọng được yêu, được nhận vào Đoàn làm mẹ quyết tâm. Khi đoàn rút đi, cô gái nông thôn khờ dại nhưng hết lòng yêu nghệ thuật ấy cũng lặng lẽ bỏ nhà đi theo. Tuy nhiên, chỉ sau ba tháng ở cùng chàng ca sĩ, chưa kịp được kiểm tra tuyển dụng vào đoàn, bụng mẹ em đã to lên. Chàng ca sĩ nài nỉ mẹ em phá thai nhưng mẹ không đồng ý bèn đưa đến ở nhờ nhà người quen. Nhà này ở thị trấn mỏ cách xa thị xã trung tâm chừng bẩy tám chục cây số. Họ là hai anh em ruột, gốc Hoa. Người anh làm nghề bốc thuốc bắc, có vợ, có cửa hàng ngay ở thị trấn mỏ. Em là công nhân khai thác hầm lò. Trước đây hồi còn rất trẻ, chàng ca sĩ từng làm ăn với hai người này bằng công việc buôn lậu đủ thứ giữa hai nước, qua con sông Ka long. Khi có tiền, hai anh em người Hoa lùi về thị trấn mỏ này mua nhà, lập cửa hàng bán thuốc bắc. Còn chàng ca sĩ may mắn xin vào được đoàn văn công của tỉnh nhờ có chất giọng tốt và hát hay.
         Một liều, năm bẩy cũng liều, mẹ đành theo sự xếp đặt của người yêu, đồng ý về thị trấn mỏ này tá túc qua ngày, chờ sinh đẻ xong sẽ tính sau. Thế nhưng, chỉ hai tháng đầu người ấy gửi đều tiền nong cho mẹ em sinh sống, sau đó biệt vô âm tín. Mẹ định quyên sinh. Người em chủ nhà rất tốt, ông khuyên can. Rồi mẹ lấy ông làm chồng. Cuộc sinh nở mẹ tròn con vuông. Đứa trẻ ra đời trong đau đớn, tủi hổ của bà, đấy là Hạnh. Trong cơn túng quẫn của cuộc đời mình, Mẹ đã bám được vào chiếc phao cứu sinh ấy là người mà sau này, ngay từ tiếng bập bẹ học nói, em đã gọi là cha. Voòng A Sáng khi ấy hai mươi bẩy tuổi, mẹ, mới mười sáu, chưa đủ tuổi kết hôn. Cô con gái tên Hạnh mang họ Voòng từ đấy. Cho đến bây giờ mẹ con em vẫn chưa hề gặp lại ngưòi bố đích thực là ca sĩ trước đây. Em hỏi mẹ quê quán ở đâu, thôn xóm, làng xã gì, tên ông bà ngoại, anh chị em của mẹ, mẹ đều không trả lời, chỉ gọn lỏn một câu : khi nào con học hành tấn tới, thi cử đỗ đạt, lúc ấy mẹ dẫn con về thăm ông bà, cùng các cô cậu cũng chưa muộn. Mẹ muốn ra đi lẩn lút từng ấy năm trời, nay về phải trong tư thế đàng hoàng khỏi hổ thẹn với cha mẹ và dân làng. Có hỏi nhiều mẹ cũng không nói. Sợ em tự ý trốn về. Có thể nói, gia đình em đã sống hạnh phúc. Lâu dần, không ai biết em là con riêng của mẹ em. Không ai biết, trong em hoàn toàn chỉ có dòng máu thuần Việt. Tưởng cuộc đời cứ thế trôi đi trong bình yên và phát triển, nào ngờ, năm em học lớp năm, đột ngột bố dượng mất trong vụ sập lò cùng với ba chú công nhân khác. Mẹ em đau buồn và yếu đi hẳn. Cách một năm sau, năm em học lớp bẩy, mẹ lại mất do tai nạn đổ xe chở công nhân lên công trường dốc Khe Sim vì trời mưa, dốc cao, đường hẹp và hai xe tránh nhau ngược chiều. Liền trong ba năm, em mất cả cha lẫn mẹ. Em đâu đớn không biết sao kể xiết. Ông bác là anh ruột bố dượng nhận nuôi nấng giúp đỡ em. Mẹ ra đi đột ngột, không một lời chăn chối. Em đã lục tìm thư từ và tư trang của mẹ nhưng tuyệt nhiên không tìm ra dấu vết quê mẹ ở đâu. Chỉ biết là tỉnh Thái Bình. Em đành cam phận với cái tên Hạnh, họ Voòng. Đành là người Việt gốc Hoa. Đành sống giữa những người xa lạ. Tiếng Hạnh cứ nhỏ dần đi, lẫn trong tiếng gió. Sương sớm se se lạnh. Nguyên quàng tay ôm lấy đôi vai gầy mảnh của Hạnh kéo sát vào mình như thông cảm, lại như che chở cho một cuộc đời mới chập chững bước những bước ban đầu đã bị gió mưa phũ phàng tới tấp dội xuống. Nguyên nói:
- Cám ơn em đã tin tưởng kể câu chuyện về hoàn cảnh của gia đình em. Thế còn chân, vì sao lại đi tập tễnh và dưới mắt phải em hình như có vết tím do bị đánh? Nguyên cảm nhận được trong vòng tay ôm của mình, đôi vai mảnh dẻ của Hạnh rung lên. Hạnh trả lời:
- Đấy là những vết do bác em đánh!
- Bác em đánh bao giờ, vì sao?
- Xưa nay người ta vẫn nói, cha chết thì ở với chú. Nào ngờ, chưa được hai năm đầu, khi em càng lớn, em cảm thấy bác đối với em càng khác. Những buổi chiều khi bác gái đi chợ, buổi tối, khi em ngồi học bài, bác thường kiếm cớ lân la gần gũi em. khi thì như thể ghé qua xem em học bài thế nào rồi ngồi cạnh, sát bên, không vuốt tóc cũng đụng chạm chỗ này chỗ kia. Cũng có khi ra vẻ giúp cháu, bác ngồi cạnh nhặt rau, đun bếp nhưng cũng là để đụng chạm vào người em. Em hiểu ra, hai bác lấy nhau mãi vẫn chưa có con. Không hiểu sao cả bố dượng em cũng vậy. Giờ thấy em bơ vơ một mình, bác muốn lợi dụng em. Biết vậy nên em chủ động đối phó tất cả. Tối, em vào buồng riêng đóng chặt cửa học xong ngủ đến sáng. Nấu cơm hay làm gì cũng lôi bác gái cùng vào làm chung. Em biết cũng không thể tránh mãi được, nhưng được đến đâu hay đến đấy. Tối hôm kia, do sơ ý, em ngồi học mà qưên chốt cửa, lúc ấy bác gái không có nhà, bác vào, ngồi cạnh rồi ôm lấy em nói là chiều bác ấy thì bác sẽ cho ăn sung mặc sướng, lại không phải làm gì. Sau này đẻ cho bác một đứa con trai thì gia tài thuộc về em hết. Em giẫy dụa rất mạnh bác không buông ra. Cuối cùng, em vơ chiếc thước kẻ, đâm mạnh vào bụng làm bác ngã ngửa. Em sợ quá, đứng ngây người. Bác chồm lên, giật cái phất trần, dùng cán vụt tới tấp vào người em. Chân em đau, đi tập tễnh là vì thế.
Hạnh ngưng kể từ lúc nào. Người Nguyên vẫn rung lên vì giận dữ và cũng vì bất lực. Anh biết rõ, giống như mẹ em, một cuộc đời khổ cực mới đang chờ Hạnh phía trước. Nguyên không cầm được nước mắt, anh nói với Hạnh:
- Hay em về quê thày ở Hải Dương, đấy cũng sát với Thái Bình, sau này có điều kiện sẽ lân la tìm lại quê. Em sẽ là con của bố mẹ thày.
- Không được đâu ạ. Ở đây em còn được sổ gạo chứ về nông thôn sẽ bị cắt vĩnh viễn. Quê thày chỉ trông vào cây lúa. Em nghe đồn, một công gặt chỉ được không phẩy hai lạng thóc thì lấy gì mà ăn. Khổ thế. Nhiều người phải lên miền ngược kiếm củ khoai củ sắn. Lại còn hộ khẩu nữa chứ. Em không có bất kỳ một loại giấy tờ tùy thân nào thì sống làm sao được ở đấy. Thôi, em cám ơn thày đã lo cho em. Trước mắt, em hãy cứ như thế đã. Nước đến đâu, nhảy đến đấy. Miễn, không ướt là được. Vả lại , thày không nhớ sao, chỉ còn hai tháng nữa là em học xong lớp chín. Thêm một năm nữa là tốt nghiệp cấp ba. Em sẽ thi vào học một trường trung cấp, cao đẳng hay đại học nào đấy rồi ra trường về một vùng nào đó công tác. Chỉ hơn một năm nữa em sẽ vĩnh viễn rời khỏi ngôi nhà ấy.
- Một năm nữa, những bấy nhiêu ngày, một mình em non dại, lại ở trong nhà người ta, ăn, ở, học hành cũng do người ta chu cấp, làm sao em đối phó được? Vả lại...rồi đây...em chỉ có một mình.!
- Đâu phải chỉ có một mình. Em còn có thày! Nguyên xiết mạnh đôi vai mảnh dẻ của Hạnh hơn nữa, anh ngập ngừng thổ lộ:
- Hạnh à, thày rất thương em, lo cho em nhưng không biết làm thế nào. Rồi đây, sẽ chẳng bao lâu nữa thày sẽ phải xa em...Chưa nghe hết câu, Hạnh đã bắn người lên như điện giật:
- Xa em? Thày đi đâu?
- Thày đi bộ đội! Thày đã được báo chuẩn bị sẵn sàng mọi tư trang vật dụng khi cần là có thể đi ngay. Thày lo cho em lắm nhưng không biết làm thế nào. Chính thày rồi đây cũng không biết số phận sẽ ra sao. Nhân đây, thày dặn dò em những điều quan trọng này, em cần phải nhớ kỹ. Hãy noi gương ý chí kiên cường của mẹ em, hãy sống tốt, học thật giỏi, thi đỗ vào một trường cao đẳng hay đại học nào đó thoát khỏi ngôi nhà ấy để rồi sau này có cơ hội tìm về quê ngoại em trong tư thế đàng hoàng như ý nguyện của mẹ ngày còn sống. Thày sẽ không bao giờ quên em. Nếu may mắn không bỏ mình ngoài mặt trận, thày nhất định trở lại đây với em, cùng em đi tìm quê ngoại.
          Hạnh khóc. Nguyên hiểu rõ tâm trạng em lúc này. Em như cánh chim non đang bay giữa dòng đời đầy bão tố phũ phàng. Lát sau, trấn tĩnh lại, Hạnh nghẹn ngào nhưng quả quyết:
- Em sẽ thi vào trường sư phạm của tỉnh mình để sau này cùng được làm nghề dậy học như thày. Lúc ấy, thày trò mình dễ gặp nhau hơn!
- Thày đồng ý. Với học lực giỏi của em, thày tin chắc, vào trường cao đẳng sư phạm không khó. Nhưng mà, đồng nghiệp, phải cứng rắn lên, không bao giờ được phép gục ngã!
- Em thề! Còn thày, nếu được ra quân, phải về lại tỉnh này công tác cơ!
- Thày cũng thề!
Họ tin tưởng tựa vào vai nhau, như anh với em, như bè bạn và một chút nào đó như đôi tình nhân. Họ cùng nhìn về phía ngôi trường cũ, nhìn về cái lòng đĩa khổng lồ, nơi có bông hoa xinh đẹp mà họ vô cùng mến yêu, đó là ngôi trường cấp ba của họ. Hạnh và Nguyên, mỗi người một nỗi niềm, một tâm trạng. Họ đón đợi ngày mai với những phấp phỏng, háo hức cùng lo sợ.
                                                         *
                                                      *    *
          Sau một tuần dã ngoại tập dượt cuộc sống tự lập, tập thể nơi sơ tán, lớp 9A cùng các lớp khác của trường trở về nơi học cũ, bắt đầu những ngày học bình thường. Chưa được mươi hôm, đột nhiên sáng ấy, mới tám giờ, tiếng kẻng báo động cùng tiếng còi tầm nhà máy vang lên náo động cả một vùng thung lũng. Chưa đầy mươi phút sau đã nghe tiếng máy bay phản lực rú rít trên đầu, cùng với nó là tiếng nổ chát chúa của bom xen lẫn tiếng pháo phòng không, tiếng súng trường dân quân và bộ đội ta từ mặt đất bắn lên. Bến Tây Đoan và cửa lò chợ Khe Sim, khói lửa bốc lên mù mịt. Người chết. Cửa lò sập. Và đám tang tập thể liền ngay sau đó. Khăn trắng bồng bềnh trong bụi than cùng sắc xanh quần áo thợ dài hàng cây số đưa người tới nghĩa địa.
          Ngay lập tức, trường được lênh rời đến cơ sở sơ tán trong núi. Nguyên cùng hai nam giáo viên nhận lệnh lên đường nhập ngũ. Hạnh chỉ kịp chạy theo, dúi vào tay Nguyên chiếc khăn mùi xoa trắng có thêu đôi chim câu đang bay và dòng chữ “em đợi thày về”
          Chiến tranh kết thúc, may mắn, thân thể Nguyên còn toàn vẹn. Anh được Sở giáo dục đề bạt làm phó phòng huyện Hưng Thịnh. Qua thăm hỏi, Nguyên cũng biết Hạnh đang là giáo viên cấp hai dậy ở một truờng bổ túc văn hóa huyện này.
          Lần ấy, Nguyên gặp Hạnh ở hội nghị nhân điển hình tiên tiến ngành học bổ túc văn hóa vừa học vừa làm, địa điểm đặt ở xã Hà An. Anh đến thẳng khu lều trại trường Hạnh. Không khó nhận ra Hạnh đang ngồi trong trại cùng với học sinh của mình. Hạnh giờ là cô gái cân đối, khỏe mạnh với vẻ đẹp đằm thắm và hút hồn làm Nguyên xốn sang trong lòng. Cả hai cùng cố trấn tĩnh và đè nén tình cảm của mình vì họ biết rằng, ở đây, không ai biết gì về câu chuyện giữa họ. Lúc chia tay, Nguyên ghé sát vào tai Hạnh nói nhỏ: ăn cơm chiều xong, khoảng bẩy giờ tối, em ra chỗ gốc phi lao cụt sát mép biển kia nhé, tôi chờ!
          Tối hôm ấy, bên gốc cây phi lao bật rễ chỏng trơ trên cát, Hạnh và Nguyên ngồi sát bên nhau, như truyền cho nhau hơi ấm trước cái gió mang hơi nước lành lạnh thổi ngược từ biển vào. Nguyên mạnh dạn quàng tay ôm lấy bờ vai căng tròn đầy sức sống của Hạnh. Hạnh tin tưởng dựa đầu vào vai Nguyên. Rất lâu, họ chẳng nói với nhau lời nào. Xa nhau chừng ấy năm trời, tưởng gặp lại sẽ nói không hết chuyện, thế mà bây giờ ngồi cạnh nhau, mọi lời dường như tan biến cả. Cả hai cùng lặng nhìn những con sóng biển cứ ào ạt liếm vào bờ cát rồi lại tinh nghịch lùi ra rõ xa. Rừng phi lao phía sau lưng họ cũng rì rào hát lời của gió. Mãi sau, Nguyên lấy từ túi áo ngực ra chiếc khăn mùi xoa Hạnh tặng anh ngày ấy, nói :
      -   Tôi đã giữ đúng lời thề! Hạnh mở chiếc khăn đã ố vàng ra dưới ánh sáng của trời biển vào lúc nhập nhoạng tối, những nét chữ thêu còn đọc rõ: “Em đợi thày về”
- Em cũng đã giữ đúng lời nhắn gửi thày!
Cả hai cùng đỏ mặt lên. Cười. Họ quay lại ôm ghì lấy nhau. Nguyên nhìn sâu vào mắt Hạnh:
- Bây giờ thày, à tôi hỏi em một câu quan trọng!
- Câu gì ạ?
- Câu...Câu...Em có cho phép thày yêu và ...lấy em làm vợ không? Hạnh sung sướng đỏ mặt lên, tim muốn nhẩy khỏi lồng ngực nhưng lại tinh nghịch trả lời:
- Không!
- Vì sao?
- Vì... thày giáo không được phép lấy học sinh!
- Bây giờ em không còn là học sinh nữa. Là đồng nghiệp rồi.
- Là đồng nghiệp thì... được!
Cả hai lại lao vào nhau. Cuộn. Xoắn. Tưởng không bao giờ rời ra nữa. Sau đó Hạnh kể cho Nguyên. Từ sau vụ bắn phá bến cảng và lò chợ Khe Sim, thị trấn mỏ nhỏ bé ấy của họ trở thành trọng điểm đánh phá. Không tuần nào ngớt tiếng bom đạn. Ông bác sợ hãi, suốt ngày chui hầm ẩn nấp, cảm thấy yên ắng dài lâu mới dám ra khỏi lòng đất, không còn bụng dạ nào quấy nhiễu Hạnh nữa. Hạnh học Cao đẳng sư phạm, xa nhà, trường sơ tán vào sâu một xã miền núi. Một năm, cô chỉ về nhà hai lần vào dịp nghỉ hè và ngày tết nên không hề hấn gì. Tốt nghiệp, ra trường dậy học, cũng một năm, cô chỉ về nhà vào những ngày ấy. Còn Nguyên, anh bảo chẳng có gì để kể với em suốt những năm tháng ấy. Tất cả chỉ là hành quân và nhả đạn về phía giặc. Anh cũng bảo có lẽ anh sống sót trở về được là do có lá bùa hộ mệnh là chiếc khăn mùi xoa em tặng luôn để ở túi áo ngực.
          Mùa hè năm sau, Nguyên đưa Hạnh về gia đình ở quê giới thiệu. Họ định sang năm nữa được tuổi, vào dịp giáp tết sẽ làm lễ cưới. Thế nhưng, vào giữa năm ấy, trong một lần đi chơi với Nguyên, Hạnh buồn ra mặt. Nguyên hỏi, cô không nói. Mãi sau, cô bảo:
- Nguyên ạ, có lẽ em không có duyên được làm vợ anh. Chúng ta không lấy nhau được đâu. Chỉ tiếc cho bấy nhiêu năm chờ đợi! Nguyên hốt hoảng ôm chặt lấy Hạnh như thể ngay lập tức, cô bay biến đi đâu mất:
- Sao thế? Có gì cản trở chúng ta? Hay ông bác em đã...
- Không, không phải bác em. Cũng không tại ai cả!
- Thế tại cái gì?
- Anh ạ, từ mấy tháng nay rồi, trong cộng đồng người Hoa ngấm ngầm lan đồn một tin gây hoang mang, lo lắng cho tất cả mọi người...
- Tin gì? Em nói nhanh xem nào?
- Tin... Tổ quốc đang kêu gọi người Hoa trở về. Nếu ai không về, nhà nước việt Nam cũng không cho làm việc, không cho làm ăn sinh sống. Cố tình ở lại sẽ bị bỏ tù. Họ thì thầm, lén lút bàn nhau, truyền tin cho nhau dữ lắm. Họ nói, họ sẽ ra đi nhưng không phải trở về Trung quốc. Trung Quốc nghèo khổ và hà khắc lắm. Họ bàn đi Hồng Kông, Sangapo, Mỹ, Anh, Canada ,Úc. Đêm đêm tiếng chân người cứ ình ịch xen lẫn tiếng chó sửa lúc xa lúc gần khắp các ngõ xóm làm em không ngủ được. Qua một đêm, trước cửa những gia đình người Hoa đều bị ai đó lấy máu chó hay mực đỏ đánh dấu vào trước cửa nhà. Em ở với một chị bạn trong một gian nhà khu tập thể giáo viên cũng bị họ bôi máu chó lên cửa...Em sợ lắm Nguyên ơi!
- Em thì việc gì phải sợ? Em có phải người Hoa đâu? Nhà nước mình đâu có xua đuổi người Hoa?
- Mọi giấy tờ của em đều khai Voòng A Sáng là bố, dân tộc Người Việt gốc Hoa. Vậy thì lấy gì để chứng minh em là người Việt, bố mẹ em là người Việt? Có ai biết gì về câu chuyện riêng tư trong cuộc đời ngắn ngủi và xấu số của mẹ em đâu? Nguyên ngớ người ra không biết nói gì, lúc sau anh đề nghị:
- Hay em về ở với cha mẹ anh. Đằng nào ta cũng cưới nhau?
- Không! Ở cái đất mỏ hàng vạn công nhân này còn có thể lẩn trốn được chứ về quê anh, làm sao giấu mặt mãi? Không có sổ gạo còn rau cháo qua ngày chứ không có hộ khẩu là coi như một người khả nghi. Giấy tờ em là người Hoa sẽ liên luỵ đến anh và gia đình. Hôm qua, em lại nhận được thư bác gọi về để chuẩn bị ra đi. Bác định đi Hồng Kông, ở đấy tỵ nạn một thời gian rồi xin sang Canada định cư. Ở Canada bác có người họ hàng. Liều theo hai bác thôi anh ạ. Em chỉ còn nơi nương tựa duy nhất là bác...Hạnh buồn rũ người ra. Cô khóc và kể tiếp, ở chỗ bác em từ mấy tháng nay đã có nhiều gia đình trốn đi. Phần lớn họ mua hoặc thuê đóng những con thuyền chạy bằng máy. Nhiều người trốn được. Những người không thoát đều bị công an bắt đem về trại giam. Có người trốn đến hai ba lần mới được. Mỗi lần trốn mà bị bắt coi như mất sạch của nả. Lại thu vén, lại gom góp. Có những gia đình bị đắm thuyền, chết cả hoặc chết nửa. Có những thuyền nhân bị cướp biển tấn công, thu sạch tiền nong, vàng bạc rồi hoặc bỏ lênh đênh trên biển cả, hoặc chúng cướp đàn bà con gái mang đi, hoặc chí ít cũng hãm hiếp thỏa thuê rồi vất xác xuống biển làm mồi cho cá mập. Thảm lắm anh ơi! Đôi vai tròn trịa của Hạnh rung lên nhè nhẹ trong vòng tay ghì riết của Nguyên. Lát sau, Hạnh ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt Nguyên, cô hỏi:
- Hay là anh đi cùng em sang Canada? Câu hỏi đột ngột làm Nguyên bối rối. Hạnh cũng nói ngay, em biết ở cương vị anh, không dễ gì bỏ đi được. Cứ suy nghĩ thật kỹ, anh quyết định thế nào cũng được.         
Khoảng ba bốn tháng tiếp sau đó... Một hôm, đang dự cuộc họp ở Huyện, Nguyên nhận một mẩu giấy do người lạ đưa tận tay. Hạnh viết: “Nếu đồng ý, đúng giờ...ngày hôm nay, anh phải có mặt tại Ghềnh Soi. Nếu không, vĩnh biệt!” Nguyên không đến chỗ hẹn. Anh bồn chồn lo lắng suốt đêm không ngủ được. Sáng sớm hôm sau, đúng ngày chủ nhật, từ tinh mơ, Nguyên xách xe đạp, qua phà đạp hơn chục cây số ra Gềnh Soi. Nơi đây là bến đá cho tàu thuyền cập bến. Đây cũng là cửa sông chạy thẳng ra biển. Ven bờ, rừng sú ken dày, chập trùng, tít tắp, rất thuận lợi cho việc ẩn nấp, chạy trốn của những người muốn trốn ra nước ngoài từ con đường này. Đến nơi, trời còn sớm. Hơi nước và sương mù bao phủ. Biển và trời hoà vào nhau làm một. Đứng trước khung cảnh này, Nguyên xót xa tưởng tượng ra Hạnh trong đoàn người bỏ trốn. Em nhếch nhác lội bùn ôm tư trang, đeo bám gốc sú hàng ngày trời cho muỗi dĩn và đủ thứ côn trùng khác của vùng ven biển xâu xé. Cứ mỗi khi có tiếng động khác lạ là phải nhanh mắt, thính tai để còn luồn lủi như con sâu con bọ tránh những lực lượng truy đuổi và càn quét. Nhiều cuộc ra đi bị bắt trở lại cũng ở những địa điểm như thế này. Do bị cài cắm, do phản bội vì tiền, cũng có cả do muốn ăn chặn, cướp của lẫn nhau, đủ thứ. Hạnh của Nguyên chắc khởi đầu may mắn. Nơi đây không có gì tỏ ra đêm qua có một cuộc săn đuổi, vây bắt hay vật lộn. Chỉ có tiếng sóng ào ạt vỗ bờ, tiếng gió lao xao của rừng sú vẹt, tiếng cua cáy chạy rào rào và tiếng những con chim móc coòng chốc chốc lại tu hoét, tu hoét khắc khoải. Cảnh sắc hoang sơ đến nao lòng. Mắt Nguyên  đăm đắm nhìn ra khơi xa. Không có bóng dáng một con thuyền. Mặt biển câm lặng xoá sạch mọi dấu vết của người ra đi. Nguyên không khóc nhưng trong lòng cay đắng biết rằng anh đã vĩnh viễn mất đi một cái gì đó vô cùng quan trọng trong cuộc đời mình, mà vàng bạc hay mọi thứ của cải trên đời này không thể thay thế được.
                                                           *
                                                        *   *
          Mãi gần năm năm sau, Nguyên mới biết những tin tức cơ bản của Hạnh. Chuyến vượt biển lần ấy bác gái mất trên dường đi. Ở Hồng Kông hơn một năm, với giấy tờ mang từ nhà, khai là bác cháu họ nên hai người xin được định cư ở Canada. Đến Canada, được giúp đỡ của người họ hàng, lưng vốn còn bao nhiêu, bác Hạnh mua nhà, mở hiệu, bốc thuốc bắc. Cuộc sống của hai người dần ổn định. Dĩ nhiên, sau đó không lâu, do thân cô thế cô, lại liên tục bị ép buộc, Hạnh bề ngoài là cháu nhưng bên trong đành chấp nhận làm vợ ông bác hơn cô nhiều tuổi.Tuy thế, niềm mong mỏi của ông bác đồi bại ấy không thành. Họ vẫn không có con. Mãi đến khi đất nước đổi mới, Hạnh mới viết cho Nguyên một lá thư nội dung như ta đã biết ở trên.
          Còn Nguyên, từ sau cái lần anh từ chối không vượt biên cùng Hạnh mà sáng hôm sau chỉ đi tiễn bóng cô ở Gềnh Soi trở về, anh cũng đã cố gắng công tác nhưng không hiểu sao không được cất nhắc, tiến bộ. Anh đâm ra chán nản và ngày càng chìm đắm sâu hơn trong đủ thứ nỗi niềm tiếc nối, hổ thẹn, ân hận cùng cô đơn...Ở quê nhà, bố mẹ Nguyên lần lượt qua đời, các anh chị em xây dựng gia đình và ở riêng hết. Anh không lấy vợ.  Ngày được nghỉ hưu, Nguyên trở về quê sống một mình một bóng trong ngôi nhà cha mẹ để lại. Người làng đi qua thường thấy có một ông già tóc bạc trắng, lưng còng, gầy còm, mắt mờ đục ngồi trước hiên nhà suốt từ sáng tinh mơ cho đến tối đêm. Đôi mắt mờ đục của ông lão luôn dõi nhìn ra cổng như chờ đợi ai đó.
 
  Hà Nội, mùa thu 2009