Trang chủ » Truyện

NGƯỜI DẠI

Nguyễn Tiến Hoá
Thứ bẩy ngày 28 tháng 11 năm 2009 3:52 PM

                                                     
Truyện ngắn  
Anh chính trị viên đập tay xuống bàn gầm lên: Láo đến thế là cùng, phải nghiêm trị. Lập tức Nghị bị đuổi khỏi khoá học cấp tốc đi B, xuống đơn vị hậu cần. Nghị là bạn cùng lớp, cùng trường, cùng làng với tôi. Thằng bạn cố tri nối khố,con chấy cắn đôi. Tính nó bộc trực, thẳng thắn nhưng lại ngang nghạnh. Cái gì cho là đúng, nó bảo vệ đến cùng. Vào quân ngũ được năm tháng tôi và nó cùng được chọn học khoá đào tạo kỹ thuật cấp tốc vào Nam. Tiêu chuẩn lựa chọn gồm  những quân nhân đã tốt nghiệp mười (lớp 12 hiện nay). Hồi đó việc đi B rất hệ trọng, tối mật. Học viên phải đủ tiêu chuẩn, thành phần lý lịch cơ bản trong sạch, có trình độ văn hoá mới được tuyển chọn, không phải ai muốn đi cũng được. Đơn vị yêu cầu học viên ở nhà dân, phải giữ đúng qui định  bảo mật. Có quan hệ tốt với dân, nhưng không được yêu đương luyến ái, để giữ uy tín bộ đội, cũng như bảo đảm được qui định phòng gian. Tất cả học viên đều răm rắp chấp hành, chỉ có Nghị là không. Nó ngang nhiên cặp kè với  con gái chủ nhà. Mà cô con gái chủ nhà lại phải lòng nó thật. Ông bà chủ cũng mừng vì con gái mình được bộ đội yêu. Tình thế trở nên căng thẳng và nan giải, khi ban chỉ huy đơn vị biết Nghị vi phạm. Anh Chí chính trị viên, trình độ lớp bốn gọi Nghị lên chấn chỉnh. Nó ầm ờ nhận khuyết điểm, nhưng được vài hôm đâu lại vào đấy. Sau buổi học nó vẫn cập kè với con bà chủ. Đã có nhiều trường hợp sau đợt đóng quân, nhiều cô gái làng vác trống mà không kịp cưới xin - Hậu quả của tình yêu sét đánh. Một số trường hợp kẻ gây ra hậu quả lại chạy làng, ảnh hưởng xấu đến uy tín bộ đội. Không thể để Nghị tiếp tục vi phạm, anh chính trị viên gọi nó lên ban chỉ huy, làm kiểm điểm yêu cầu chấm dứt quan hệ. Sau nửa tiềng ngồi cắm bút, nó nộp bản kiểm điểm cho chính trị viên vỏn vẹn với ba dòng chữ:
                                Tôi đã yêu                                             
                                Tôi đang yêu
                                Và tôi tiếp tục yêu.
                                                 *      *       *
 Về đơn vị hậu cần, nó chăm chỉ làm việc không một lời ca thán. Sức  nó như trâu, công việc nó làm băng băng, bằng cả mấy người gộp lại. Nó  khéo tay, hát hay đàn giỏi, nấu ăn ngon nên ai cũng mến. Phải nói là Nghị đa tài. Cái tài của nó đàn ông phải nể, cái duyên của nó đàn bà phải ghen. Nó không phải  người đẹp mã, nhưng có duyên thầm. Mấy cô nuôi quân phải lòng chàng Nghị. Nó không muốn ngưòi ta đàm tiếu dị nghị về cái khả năng “sát gái”  trời cho. Nhưng dù nó có giữ đến đâu, thì việc đến vẫn cứ đến. Cái Hằng hoa khôi hậu cần yêu nó, yêu đến chết mê chết mệt. Nó bảo Hằng: Anh mới bị kỷ luật về chuyện này, để từ từ đã. Cái Hằng cũng không vừa: Em yêu ai là quyền của em, chả ai cấm được. Hôm Nghị về quân khu công tác, cái Hằng trực ca sáng, lấy hai cái bánh mỳ nhồi thịt mức “đặc táo” cho Nghị ăn đường. Chuyện chỉ có vậy, nhưng khi công tác về, ban chỉ huy đơn vị gọi Nghị lên làm việc. Anh đại đổi trưởng đập bàn:
- Sáng nay đồng chí có vào nhà bếp không?
               Nghị chột dạ, có người thấy mình rồi, không nhận không được,   Nghị nhanh nhẩu trả lời:
          -   Tôi có vào
- Đồng chí đã lấy cắp mấy chiếc xong?
 -   Hai chiếc.
-    Đồng chỉ viết kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật.
 Đúng là hoạ vô đơn chí, tai bay vạ gió ở đâu đưa đến. Hai cái bánh mỳ lại thành hai cái xoong. Số là gần đây đơn vị bị mất xoong liên tục, không biết  dân lấy hay quân lấy. Dư luận xôn sao, ai cũng muốn nghiêm trị kẻ ăn cắp. Sáng nay lúc Nghị vào nhà bếp, vô tình ông chủ nhà đi tiểu nhìn thấy. Ông ta liền mật báo cho đơn vị điều tra. Lại khổ cho Nghị, đúng đêm hôm đó đơn vị cũng bị mất hai xoong. Tình thế vô cùng bất lợi, tình ngay lý gian. Ngưòi ta xì xầm bảo Nghị lấy xoong về Hà Nội bán. Cái Hằng cũng không hiểu vì sao Nghị làm như thế. Thà Nghị cứ nói thẳng là Hằng cho mình. Hằng xin chịu kỷ luật. Hằng mới vào quân ngũ, binh nhì thì còn hạ đến đâu. Đằng này Nghị đã vào quân ngũ nhiều năm, lại có bằng cấp. Thật  trớ trêu thay. Riêng tôi, tôi tin Nghị  không lấy. Nó vốn trọng danh dự, có bản lĩnh. Nó không thể là kẻ chộm chỉa lèm nhèm.
                              
                                       *       *        *
Nghị bị điều về bộ phận giữ kho. Đồng đội cùng nhập ngũ đều đeo quân hàm trung uý, thượng uý, nhưng Nghị vẫn đeo quân hàm thượng sĩ.  Chả bao giờ thấy nó kêu ca phàn nàn về quân hàm cả. Nó vẫn làm việc theo khả năng mìmh. Ai hỏi, nó chỉ xuề xoà: Làm tướng làm quan đều có số. Về kho lên quân hàm rất chậm, tưởng nó  thối chí quậy phá ra quân. Nhưng mọi người đã lầm. Sau những ngày thăng trầm, Nghị báo cáo đơn vị xin phép cưới Hằng. Nó bảo: Phải an cư thì mới lạc nghiệp. Cái Hằng sau lần Nghị nhận tội thay mình nó càng nể phục và càng thương Nghị hơn.Đám cưới họ là trường hợp đầu tiên tổ chức trong đơn vị. Cuối năm vợ chồng Nghị có con trai đầu lòng. Anh em mừng cho Nghị, tai qua nạn khỏi. Sông có khúc người có lúc. Ngạn ngữ này không biết có đúng với mọi người, nhưng với Nghị thì hoàn toàn đúng. Luồng gió đổi mới, đã cho vận hội mới. Vốn có đầu óc làm kinh tế từ lâu, gặp cơ hội đến, Nghị làm việc miệt mài từ sáng đến tối, không kể giờ giấc. Nghị xông xáo, liên hệ, liên kết với các đơn vị bạn, tổ chức sản xuất vật liệu xây dựng, và trồng  cây công nghiêp phủ xanh đồi trọc quanh đơn vị. Chưa đầy một năm thu nhập anh em trong đơn vị tăng gấp hai lần. Qũi phúc lợi được tích luỹ nhiều hơn. Đơn vị còn tham gia xây nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sĩ, thương binh. Tổng kết cuối năm, đơn vị được nhận cờ thi đua quyết thắng. Nghị được bầu  chiến sĩ thi đua, được xét thăng quân hàm vượt cấp.
 Đồng đội mừng cho Nghị gặp thời. Mừng cho anh đã vượt qua vận hạn. Một năm sau, anh được bổ nhiệm chức trưởng ban hậu cần. Cứ đà này chức chủ nhiệm kho không vuột khỏi tay anh. Rồi hạnh phúc cũng mỉm cười với anh sau tháng năm trăn trở. Nhưng cuộc đời ai học hết chữ ngờ. Anh bị loại khỏi đối tượng kết nạp Đảng vì lý do bố vợ “Xỏ nhầm giầy”. Lý do này Nghị đành bó tay, vô phương cứu chữa. Anh không còn cơ hội để lên chức, lên quân hàm nữa. Hoạ đâu chỉ vậy. Chủ nhiệm kho móc nối với cô tài vụ tham ô công quĩ, Nghị cũng bị liên quan. Phen này chủ nhiệm Thuần chắc chắn bị kỷ luật. Ông lo lắng đến rạc người. Nhưng khi ban kiểm tra công bố kỷ luật ông hoàn toàn vô can. Người chịu trách nhiệm chính trong vụ này  là Nghị.
                                                   *      *       *
Đến nước này tôi không chịu nổi nguồn cơn. Người đâu lại dại đến như vậy. Mình nó đã đành một nhẽ, đằng này còn vợ còn con. Gia đình nó sẽ tồn tại thế nào? Lấy nguồn gì để sống? Nửa đêm tôi lao đến nhà nó. Nghị chưa ngủ đang ngồi bắn thuốc lào. Tôi te tát luôn:
- Tại sao ông Thuần chủ nhiệm và cô tài vụ tham ô công quĩ, cậu lại nhận cả trách nhiệm về mình? Cậu không nghĩ đến bản thân, đến vợ con à?
- Về bản thân thì tớ không nghĩ?
- Cậu là một kẻ ích kỷ, chỉ sống theo ý mình.
- Cậu đừng quá nhời, hãy nghe mình đã: Tớ với Thuần chủ nhiệm cũng thân tình như cậu với tớ. Ở chiến trường sống chết có nhau. Nay nó gặp hạn tao không nỡ bỏ. Con nó đang lâm bệnh nặng, vợ nó lại bị tâm thần, tình cảnh thật thương tâm. Nó đến nhà tao trần tình nhờ  giúp đỡ. Nghĩ đến tình bạn bè, vào sinh ra tử, nghĩ đến hoàn cảnh bi đát của bạn, tao không cầm lòng được. Mà tao thì kịch “trần” rôi, nó còn hướng phát triển.
        - Thế còn lần mày nhận xằng, lấy cắp xoong nhà bếp là nghĩa thế nào?
        - Thế mày bảo tao nhận lấy bánh mỳ của Hằng cho à?
        -  Thế còn đỡ hơn tội cắp xoong.
        -  Mày muốn cho Hằng cũng bị kỷ luật à? Tao thà mất cả chứ không để mất một người.
Tôi ngồi thừ mặt. Là bạn cố tri mà nhiều khi tôi không hiểu nó. Cách xử lý tình huống chỉ có nó mới dám làm như vậy. Tôi vừa giận vừa thương . Tính nó thẳng, thẳng đến mức làm nhiều người phật lòng. Nó  ghét cay ghét đắng, đập đến cùng thói xum xoe, nịnh bợ. Người ta bảo thằng Nghị: Khẩu xà tâm Phật, đời nó sẽ còn khổ. Nó biết nhưng lại chấp nhận sự khổ này. Cái số nó phải thế. Người lười thì không phải làm là sướng, còn nó không được làm là sự đoạ đầy. Cả đời Nghị chỉ lo cho người, mà không nghĩ đến mình. Kể cả với người bình thường chứ không phải thân quen. Cái đận Hằng lấy bánh Mỳ cho người tình mà đơn vị biết được thì tội to lắm. Hồi ấy người ta quan tâm cái dạ dày còn hơn cả văn chương. Ban bè, người thân gặp nhau ai cũng giành câu cửa miệng: Đã ăn cơm chưa? Dù bất cứ cảnh ngộ nào Nghị cũng lấy phần thiệt cho mình, dành phần lợi cho bạn. Âu cũng là một lối sống hiếm có thời nay. Lần đơn vị bảo tôi đi tìm Nghị về học nghị quyết. Gặp Nghị tôi bảo nó, vì tình bạn mày hãy quay về học. Nó bảo:
- Tao không muốn học nghị quyết
- Sao lại thế?
- Vì tao biết rồi.
- Mày không về, tao bị vạ lây.
- Mày cứ bảo  không gặp tao để khỏi ảnh hưởng tới mày.
Đến nước này thì tôi đành chịu.
                                                 
                                                *     *     *
 Cô tài vụ và Nghị bị kỷ luật ra quân. Thế là hai mươi năm trong quân ngũ, Nghị về nhà trắng tay. Không lương hưu, không bảo hiểm, không được phân nhà, phân đất. Nghị về quê xin một vùng thùng đấu bỏ hoang. Mấy bố con, tươm tả vượt đất làm nhà. Làm ao thả cá, trồng cây ăn quả và làm trại chăn nuôi. Không bao lâu, mô hình trang trại của anh đạt hiệu quả cao. Báo đài truyền hình  phát sóng trên cả nước. Nhà anh tấp nập người ra vào. Người đến thăm quan học hỏi, người đến phỏng vấn ghi hình. Anh tận tình truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn cho mọi người áp dụng. Anh dựng vợ gả chồng lần lượt cho con cái rồi bất ngờ xuống tóc đi tu. Bạn bè vợ con níu kéo thế nào, cũng không được. Tính anh là thế. Thích gì là làm. Ai gàn cũng mặc, ai can không nghe. Anh bảo số anh phải ăn mày cửa Phật cuối đời, mới được thanh thản. Điều này có thể đúng với anh. Tôi có dịp gặp anh khi vào chùa lễ Phật.Tôi chào, anh lạnh lùng chắp tay: Mô phật, thí chủ có việc gì?. Tôi báo tin cho anh về sự thăng quan tiến chức cuả Thuần, chủ nhiệm kho cũ, người được Nghị xả thân cứu rỗi. Tưởng anh vui, ai ngờ anh lại lặng thinh, tư lự. Tôi hỏi anh:
 -     Thuần nó lên cục trưởng, có hay về thăm cậu không?
 -     Mô phật! Không thăm, mà còn lánh mặt.
 -     Lánh mặt làm gì?
 -     Mô phật! Để quên quá khứ.
 -     Sao nó lại cư xử như vậy?
 -    Mô phật!. . . Tôi thấy Nghị dừng lại giây lát, mắt anh như bừng tỉnh. Chẳng có gì lạ, nó quên mình là may, có kẻ còn rắp tâm hại cả ân   nhân để xoá nhoà dấu vết. Nhưng bạn bè đồng đội vẫn đến mình đều, mà cậu Chí chính trị viên là hay đến nhất. Nói đến đây, tôi thấy giọng anh trùng xuống. Từ cõi đời anh lại trở về cõi tu hành. Mắt anh lơ đãng nhìn  xa xăm
 -     Chắc Chí muốn sám hối với cậu?
 -      Mô phật! Có gì mà sám hối
 -     Thế cậu có gì hối tiếc không?
 -     Mô phật! Bần tăng thấy thanh thản
                               
                                       *      *       *
Rời ngôi chùa, lòng tôi chộn rộn ngổn ngang. Những thân phận, những khái niệm xấu tốt, thiện ác, sướng khổ của con người, đan chen líu díu trong đầu: Người thì khẩu xà tâm Phật, người thì khẩu Phật tâm xà. Người  khôn lại dại, người dại lại khôn. Chính nó mà không phải nó, nhưng lại là chính nó. Rồi khái niệm: có mà không, không mà có, triết lý nhà Phật  toả sáng lung linh.  Sông thẳm, biển sâu có thể đo lường, nhưng biết được lòng người, có khi phải dành một  kiếp. Mê mải nghĩ suy, tôi rẽ vào cơ quan của Thuần lúc nào không hay. Thấy tôi phờ phạc Thuần xăng xái lấy nước quả mời tôi và  hỏi:
- Cậu bị ốm à? Tôi lắc đầu.
- Sao cậu mệt mỏi thế?
- Tớ vừa gặp thằng Nghị
- Nghị nào?
- Thằng Nghị cứu cậu cái vụ thụt két ấy.
- Két nào? Làm gì có chuyện ấy?
Tôi  lặng người, ù tai. Thôi thế là thằng Nghị nó nói đúng rồi. Ở đời có người muốn rũ bỏ quá khứ để thăng tiến, có người muốn quên quá khứ để  thanh thản. Nó đã cam chịu mất cả để giữ  một người, còn Thuần thì thà mất một người để được tất cả. Hai số phận, hai kiếp người chưa biết ai được, ai thua. . .Mô phật!                                                          
                                                                           NTH