Trang chủ » Truyện

TRUYỀN KỲ VỀ CÔ CHÚA SỨ

Khiếu Quang Bảo
Thứ hai ngày 23 tháng 11 năm 2009 10:09 PM
 
Truyện ngắn
       1.
       Vào một ngày của tháng đầu năm một năm lâu lắm rồi không ai nhớ nữa, vua Miên có chuyến tuần du qua vùng Bến Đá Núi Sam. Khi leo lên tới đỉnh một quả núi, bỗng nhà Vua và đoàn tuỳ tùng sửng sốt bắt gặp bức tượng một cô gái ngồi xếp chân bằng bằng trên một phiến đá ong, bàn tay trái dâng lên giữa ngực năm ngón khép duỗi hướng lên phía cằm dáng của người ngồi thiền cầu trời khấn Phật. Bàn tay phải cũng khép ngón đặt úp lên hai gót chân. Gương mặt hướng nhìn về phía xa xăm của dãy Cửu Sơn. Ngạc nhiên hơn là bức tượng trắng trong như sứ, bộc lộ thân hình trần truồng của một cô gái trẻ mười bảy mười tám tuổi. Bởi phần nào trên cơ thể cô gái cũng mây mẩy vồng lên vừa đủ như đoá hoa chớm nở, từ bầu má, bờ vai, gò vú đến vòng hông, bắp đùi, cổ chân cứ thuôn thon đều mịn như ngọc chuốt. Vua Miên mắt sáng lên, càng ngắm nhìn càng thích. Ngài đoán chừng có một cô gái nào đó ngồi trên ngọn núi này thiền ngóng vọng một thứ gì đó cao cả rồi hoá đá. Chứ không thể là có một người thợ tài hoa nào đã tạc nên bức tượng tuyệt mỹ như thế này. Vua Miên bất giác đưa tay vuốt lên vai bức tượng, nhưng ngài rụt phắt tay lại ngay vì không ngờ có một luồng khí màu xanh xoáy phóng mạnh làm bàn tay ngài tê dại. Ngài ân hận về cử chỉ thất lễ của mình.
       Vua Miên sai đoàn tuỳ tùng thuê người khiêng bức tượng xuống núi, để rồi chuyển về Miên đặt bên hồ vườn Thượng Uyển. Thế nhưng hàng chục trai tráng to khoẻ không làm sao khiêng nổi bức tượng lên. Bỗng có một bé gái đứng gần đó bước lại bên vua Miên, nói: “ Ta nhân danh Cô Chúa Sứ Bến Đá Núi Sam thưa với Ngài rằng, muốn đưa ta xuống núi, Ngài cần chọn ra chín cô gái đồng trinh!”
       Vua Miên sung sướng quá, sai tuỳ tùng làm theo lời cô bé. Chẳng cần hò reo gắng sức, chẳng cần đòn khiêng, chín cô gái đồng trinh nâng bức tượng lên đưa xuống núi nhẹ nhàng như bức tượng đó bằng bông chứ không phải bằng đá. Vua Miên và đoàn tuỳ tùng phải rảo bước mới theo kịp chín cô gái. Nhưng thật bất ngờ, khi khiêng bức tượng xuống đến một khu đất rộng phẳng có cây sồi cổ thụ, lúc ấy chỉ còn cách chân núi vài chục bộ, bức tượng trở lại sức nặng ghê gớm và các cô gái không thể nào lay chuyển được, phải đặt bức tượng xuống cạnh cây sồi. Vua Miên bỗng hiểu, Cô Chúa Sứ Bến Đá Núi Sam muốn tượng mình ngự tại nơi này. Mà cũng phải. Báu vật của nước Nam phải thuộc về dân nước Nam. Nghĩ vậy, nhưng Ngài vẫn buồn bã vì đã không thực hiện được mong ước của mình.
       Còn dân xứ Bến Đá Núi Sam thì rủ nhau nhà nhà gom gạch xây lên một ngôi miếu bao quanh bức tượng và đề chữ “ Miếu Cô Chúa Sứ Bến Đá Núi Sam”. Hôm đó là ngày rằm tháng giêng. Và cũng từ năm đó vào ngày rằm tháng giêng hằng năm nhân dân trong vùng cùng nhau hành hương về đây mở hội tế lễ Cô Chúa Sứ. Kỳ lạ thay, từ khi có miếu thờ Cô Chúa Sứ, cả vùng được trời thương mưa thuận gió hoà mùa màng bội thu cuộc sống nhà nhà no đủ. Ai đi lễ cầu phúc cầu may cầu sức khoẻ đều ứng nghiệm. Và rồi lời đồn về Miếu Cô Chúa Sứ linh thiêng bay xa khắp các vùng từ Nam ra Bắc. Truyền kỳ về Cô Chúa Sứ khởi đầu là thế.
      2.
      Cô Chúa Sứ là ai? Tương truyền có nhiều nguồn. Nguồn thứ nhất nói rằng cô xuất thân từ một gia đình danh tướng. Nơi biên thuỳ chinh chiến triền miên vì những căn cơ đất đai sắc tộc. Cả một vùng rộng lớn hiếm khi thanh bình. Mùa màng thất bát. Lòng dân bất an. Trai tráng vào tuổi mười bảy mười tám là đăng lính cầm súng ra trận mạc. Rồi ra đi không trở về. Cô Chúa Sứ nói với cha xin được hiến tế tuổi thiếu nữ trinh trắng xinh đẹp của mình lên núi cao thiền cầu xin cho thiên hạ thái hoà, cho lòng người nhân ái và cao thượng. Cho tới khi Cô Chúa hoá đá thì cả xứ Bến Đá Núi Sam trở nên thái bình thật. Và tên Cô Chúa là Sứ đổi thành một cụm từ gắn Cô Chúa với địa danh nơi Cô Chúa ngồi thiền, là Cô Chúa Xứ Bến Đá Núi Sam.
       Nguồn thứ hai lại kể rằng, Cô Chúa Sứ là một cô gái xinh đẹp hiền thục và đoan trang nhất vùng. Nhân gian ngợi ca cô nào ngờ tiếng loan tới Kinh thành. Cận thần nhà vua bèn sai Tổng quản Thái giám dẫn một đội binh đến vùng Bến Đá Núi Sam bắt Cô Chúa Sứ về cung nạp phi. Hay tin, Cô Chúa bỏ trốn lên một đỉnh núi cao, thiền nguyện giữ gìn sự trinh trắng và sắc đẹp của mình cho thiên hạ chiêm ngưỡng mộ. Quyết không thể thuộc riêng ai. Rồi Cô Chúa hoá đá trên ngọn núi đó.
       Nguồn thứ ba lại kể, sắc đẹp nghiêng trời nghiêng đất của Cô Chúa Sứ đã làm nhiều chàng trai con cái các quan lại chức sắc trong vùng Bến Đá Núi Sam yêu mê mẩn và xin cầu hôn. Nhưng tất cả cùng bị cô khước từ với lý do không làm họ bị thuyết phục: “ Cô Chúa muốn giữ đồng trinh suốt đời!” Đã có một hai công tử gia đình có quyền thế lập kế hoạch tiếm đoạt cô. Song cô được giải cứu. Người giải cứu cho Cô Chúa Sứ là một nho sinh nghèo nhưng học rộng tài cao. Sau khi được giải cứu, chàng nho sinh đưa Cô Chúa Sứ lên một ngọn núi cao, khuyên cô, nếu cô muốn giữ trinh trắng suốt đời, thì nên ở lại đây sống ẩn dật mới tránh được cạm bẫy thế gian. Cô Chúa khẽ khàng gật đầu cảm tạ. Chàng nho sinh cầm bàn tay thon mảnh của Cô Chúa đặt giữa hai lòng bàn tay mình: “ Cầu mong nàng toại nguyện. Bảo trọng!” Rồi chàng nho sinh xuống núi đi về phía dãy Cửu Sơn. Cô Chúa Sứ cảm nhận đó là một chàng trai tốt đáng tin cậy. Và Cô Chúa đã dõi theo bóng hình chàng nho sinh tới khi khuất nẻo. Điều đó giải thích tại sao tượng Cô Chúa Sứ gương mặt lại hướng nhìn đăm đăm về phía Cửu Sơn.
       Nhưng từ khi nhân dân trong vùng Bến Đá Núi Sam xây dựng lại miếu thờ Cô Chúa Sứ cho tới bây giờ thì truyền kỳ về Cô Chúa Sứ được khẳng định nguồn thứ nhất là chính thống. Bởi vì tấm lòng bác ái yêu nước thương dân của Cô Chúa rất đáng được tôn vinh phụng thờ.
       3.
       Sân bay Cần Thơ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng một đường băng vào đầu năm nay. Việt Nam Air line mở luôn một đường bay thẳng từ Hà Nội vào đó phục vụ các tua du lịch giá rẻ. Và chàng nghiên cứu sinh đam mê truyền thuyết có tên là Thi Ngọc, đã không bỏ lỡ cơ hội đáp chuyến du lịch giá rẻ này để tới được thị xã Châu Đốc viếng thăm Cô Chúa Sứ Bến Đá Núi Sam đầy truyền kỳ bí hiểm.
       Châu Đốc xa xưa là vùng đất do Thoại Ngọc Hầu lãnh địa khai phá mở mang bờ cõi núi cao gần kề nước Miên, và cũng chính ông tạo dựng nền bang giao hữu hảo dài lâu giữa hai vùng biên cương. Và vì thế, ông được đảm nhận hai trọng trách: Khâm sai Thống chế Án thủ Châu Đốc đồn, Lãnh bảo hộ Cao Miên quốc ấn Kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ.
       Căn cứ vào nguồn sử liệu này thì Cô Chúa Sứ có trước thời của Khâm sai Thống chế Án thủ Châu Đốc đồn Thoại Ngọc Hầu, thời mà vùng biên cương này đang còn binh lửa. Và lần vua Miên có chuyến tuần du qua đây, là cùng thời với Thoại Ngọc Hầu, vì xứ Bến Đá Núi Sam đã yên bình biên cương bang giao hữu hảo, Thoại Ngọc Hầu kiêm vai trò Lãnh bảo hộ Cao Miên quốc ấn.
       May cho Thi Ngọc là anh có được một cô hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp thông minh và hoạt khẩu mang một cái tên rất hay: Phan Cầm Châu. Nhưng suốt chuyến đi cô cứ gọi anh là Chàng-Mộng-Mơ, còn anh lại kêu cô là Nàng-Bầu-Hóm. Cả hai cùng khoái với cái tên đó. Họ quên bẵng đi tên thật lúc nào không hay.
       Miếu Cô Chúa Sứ Bến Đá Núi Sam là một quần thể kiến trúc mang màu sắc tôn giáo đồ sộ, mà toà nhà thờ nào cũng xây hai tầng, toạ lạc trên một khu đất rộng tới ba, bốn héc-ta. Về quy mô nó giống như một thiền viện của Phật giáo. Về kiến trúc bài trí, nó nguy nga tráng lệ như cung điện. Nàng-Bầu-Hóm nói rằng người ta đã đầu tư vào công trình này hàng trăm tỷ đồng. Nguồn tài chính khổng lồ ấy là từ nước ngoài công đức về. Họ vốn là dân Châu Đốc, được hưởng lộc từ Cô Chúa Sứ đã phù hộ độ trì cho họ làm ăn phát đạt nơi xứ người. Nó khác xa với những ngôi miếu vốn dĩ từ xưa xây nhỏ gọn ba mặt ở giữa có bệ cao để bát hương chiếm một không gian hẹp nằm nép dưới gốc một cây đa, cây sồi hoặc cây đề nào đó.
       Toà đường nơi đặt tượng Cô Chúa Sứ ngự sáng trưng đèn nến, trần thiết lộng lẫy, lúc nào cũng nghi ngút khói hương huyền ảo. Cô Chúa ngự nơi cao trong bộ xiêm y trắng thêu hoa văn kim tuyến và nhiều vùng dát ngọc lấp láy. Đầu Cô Chúa mang miện phủ khăn voan dệt sắc kim. Chỉ để trần có gương mặt và đôi bàn tay. Vào ngày thường mà người tứ xứ tới miếu lễ Cô Chúa vẫn đông chật, chen vai thích cánh. Ban quản lý di tích phải tổ chức hẳn một trung đội bảo vệ chuyên nghiệp sắc phục tề chỉnh để giữ gìn an ninh trật tự.
       Người đi lễ khấn cầu điều gì trước Cô Chúa Sứ? Chàng-Mộng-Mơ không quan tâm. Anh tới đây chỉ khao khát được khám phá bức tượng trần Cô Chúa Sứ thần bí, mà anh đinh ninh đó là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật quý hiếm. Anh xin Nàng-Bầu-Hóm hãy kể trước anh nghe về đêm tắm tượng mà anh cho là sẽ rất lý thú. Nàng-Bầu-Hóm đã hiểu thấu tam can Chàng-Mộng-Mơ…
       “ Một năm một lần và chỉ một lần thôi. Vào ngày rằm tháng giêng. Đúng 12 giờ đêm. Tại toà đường Cô Chúa ngự diễn ra lễ tắm tượng. Các cửa ra vào đóng kín, kể cả cửa sổ và cửa thông gió. Dân lễ ở ngoài hết. Ở trong đó chỉ có những người tắm tượng. Họ là ai? Chín cô gái đồng trinh và bảy cụ ông không còn khả năng cương dương đã được tuyển chọn kỹ càng. Chín cô gái đồng trinh vận xiêm y trắng. Bảy cụ ông bận lễ phục vàng. Số người này trước đó một tuần phải tách khỏi gia đình đến nhà cấm phòng ở đây ăn chay tĩnh tâm luyện trí. Nước tắm tượng là nước mưa hứng trực tiếp ngoài trời suốt tháng chạp năm trước, gom lại chứa trong bể ốp men kính. Nước này lại được thả cánh sen nhuỵ sen để hấp thụ hương thơm. Bẩy cụ ông đảm nhận việc cởi bỏ xiêm y, mũ miện, đai lưng, khăn trùm, đồ trang sức cho Cô Chúa. À quên, cả bẩy cụ ông phải mang kính dâm. Còn chín cô gái đồng trinh đảm nhận việc tắm. Dùng lụa tơ tằm sấp vào nước thơm hương sen chuốt lau cho tượng, mềm mại và nhẹ nhàng như các bà mẹ tắm cho Baby bằng sữa tắm Johnson & Johnson quảng cáo trên truyền hình ấy. Tắm xong, chín cô gái đồng trinh dùng khăn vải bông thấm nhẹ lần nước mỏng, rồi sau đó thoa phấn thơm toàn thân. Xong công đoạn tắm, chín cô gái lùi xuống nhường chỗ cho bẩy cụ ông lên mặc áo mới, đội miện, choàng khăn, thắt đai lưng và đeo trang sức cho Cô Chúa Sứ. Bộ y phục mới này đã được chọn lựa từ hàng trăm bộ do các hội đoàn và nhân dân cúng dường trong thời gian từ ngày mồng một đến ngày mồng mười tháng giêng, tức là trước ngày lễ tắm tượng năm hôm. Toàn bộ công việc tắm cho Cô Chúa chỉ được diễn ra trong một canh giờ. Không sớm hơn và cũng không được muộn hơn. Có điều, những người tham gia tắm cho Cô Chúa buộc phải giữ một lời nguyền độc, rằng, họ không được mô tả lại với bất kỳ ai về hình hài bức tượng Cô Chúa Sứ đẹp đẽ biết nhường nào khi tượng để trần.” Nàng-Bầu-Hóm mỉm cười nhìn Chàng-Mộng-Mơ, như đo sự háo hức của anh. Rồi cô tiếp tục.
       “ Xong. Các cửa ra vào được mở. Nhân dân ùa vào trong bái đường tranh nhau chiếm nơi gần tượng lễ vái xì xụp cầu khấn rì rào, từ lúc ấy, là hai giờ sáng, cho đến tối khuya. Người ta còn kể lại rằng vào một năm có một chàng trai cỡ tuổi anh, hình như ở Vinh vào, táo tợn lần vào cung thờ vén váy Cô Chúa Sứ lên và sờ vào đùi để xem có thật là bằng đá không, hay bằng đất nung, cũng bị một tia lửa phóng ra cháy xém cả bàn tay. Hệt như trường hợp vua Miên.”
       Chàng-Mộng-Mơ cười sặc sụa: “ Đúng là Nàng-Bầu-Hóm!”
        Nàng-Bầu-Hóm đưa Chàng-Mộng-Mơ bám theo chín cô gái đồng trinh và bẩy cụ ông kiệu bộ áo váy và các đồ vừa thay ra từ Cô Chúa Sứ lên dãy nhà bảo tồn lưu giữ. Chàng-Mộng-Mơ như bị choáng, trước mắt anh là một dãy tủ đứng gần hai chục chiếc dành treo xiêm y Cô Chúa Sứ đã mặc một lần. Kế bên là hai hàng tủ kính thấp chạy dài suốt tầng, trưng bầy xiêm y , trang sức, mũ miện, giầy hài… dân chúng cúng dường còn gấp vuông vức chưa được sử dụng. Số xiêm y này sẽ được Ban quản lý di tích cắt nhỏ thành từng mảnh như chiếc khăn mùi soa, gấp lại, lồng vào phong bì làm quà lưu niệm cho những ai đến miếu lễ cùng du khách. Ai tới đây cũng có kỷ niệm về Cô Chúa. Lòng tràn đầy hân hoan. Cũng có thể lưu niệm ấy là một chiếc vòng xuyến, một chiếc trâm cài tóc, hoặc một chuỗi hạt soàn mỹ ký…Cái gì là lưu niệm của Cô Chúa Sứ Bến Đá Núi Sam cũng quý cả. Chàng-Mộng-Mơ nhận được một phong bì trong đó có một vuông gấm đỏ rực có thêu hoa văn kim tuyến rất công phu. Anh rú lên sung sướng, thơm lên miếng lụa ngát hương. Nàng-Bầu-Hóm nhận được chuỗi hạt ngọc, cô mỉm cười lồng vào cổ Chàng-Mộng-Mơ “ cho anh trọn niềm vui!”
       4.
       Bến Đá Núi Sam, nay được người Châu Đốc dùng như một định ngữ mang màu sắc địa phương, ví như: Miếu Cô Chúa Sứ Bến Đá Núi Sam, bến xe Bến Đá Núi Sam, cà phê Bến Đá Núi Sam, và rồi cả khách sạn Bến Đá Núi Sam.
       Đêm ấy, Chàng-Mộng-Mơ lưu nghỉ ở khách sạn này. Trước lúc đặt mình xuống giường, anh lấy miếng gấm thêu kim tuyến lưu niệm cắt từ chiếc váy áo Cô Chúa Sứ, đặt dưới gối, rồi áp má lên, ngủ. Hương thơm từ miếng gấm thêu thoảng bay. Làm anh mường tượng chuyện kể kỳ khu của Nàng-Bầu-Hóm về đêm tắm tượng Cô Chúa Sứ. Rồi anh lịm thiếp đi như người mộng du. Anh thấy mình lạc vào một cung cấm, dừng đứng trước một khung cửa mở rộng nhưng được giăng che bởi dãy bình phong nửa kín nửa hở. Xung quanh vắng lặng. Từ phía trong vọng ra tiếng khoả nước, tiếng cười rúc rích của vài cô gái. Anh lách người qua cánh bình phong xếp lệch. Trời ơi! Một thiếu nữ ở trần đang nhấn mình trong một bồn tắm gỗ sóng sánh nước bập bềnh những cánh hoa lan phơn phớt hồng. Hai bên bồn có bốn cô gái trẻ khoác áo choàng lụa mỏng tang ướt đẫm nước dán chặt vào da, đang dùng đôi bàn tay bé nhỏ vớt nước vuốt lên tấm thân trắng nõn nà người nằm trong bồn. Gương mặt người ấy thì thảnh thơi mãn nguyện. Thỉnh thoảng rùng mình dướn người lên khi bàn tay các cô gái mơn man thoa lướt qua vùng ngực xuống đùi người thiếu nữ. Bỗng người thiếu nữ ấy phẩy tay, thong thả ngồi dậy đứng lên và bước ra khỏi bồn tắm. Lắc nhẹ. Những hạt nước trong suốt văng ra. Những cánh hoa lan phớt hồng văng ra. Chỉ còn sót lại một cánh dính trên gò vú trái. Chàng-Mộng-Mơ bỗng thốt lên “ Cô Chúa Sứ!” Cô Chúa Sứ thản nhiên như đã biết tỏng anh nhìn trộm từ lâu rồi. “ Chính ta đây. Vào đi! Chỉ được ngắm thôi nhé. Không được sờ mó như vua Miên.” Chàng-Mộng-Mơ rón rén lại gần. Cô Chúa Sứ nhẹ xoay người một vòng mềm mại như một động tác múa. Chàng-Mộng-Mơ từng ngắm nhìn nhiều mẫu thiếu nữ khoả thân nơi xưởng hoạ của bạn bè anh, cũng như những bức ảnh nuy trong tập sách ảnh Xuân Thời, nhưng không ai có thể sánh bằng vẻ đẹp hồn nhiên trời ban tặng cho Cô Chúa Sứ, mà những đường nét cong cong, thoai thoải ban sơ chưa từng bị những va chạm thể xác làm thay đổi dáng hình. Tâm thức Chàng-Mộng-Mơ lâng lâng tựa như rơi vào trạng thái không trọng lượng. Anh không còn biết nên ưu tiên nhìn vào nơi nào vì nơi nào trên thân thể Cô Chúa Sứ cũng đẹp, đẹp ngây ngất. Cô Chúa Sứ mỉm cười: “ Đặc ân cho chàng đấy. Chàng-Mộng-Mơ đam mê truyền thuyết ạ!”
       Tiếng chuông điện thoại đổ hồi reo. Cô Chúa Sứ bước lại gần Chàng-Mộng-Mơ đang đứng ngây ra với gương mặt đần dại, cô đưa tay đặt lên vai anh, lay lay: “ Sáng rồi. Ta phải về bái đường miếu. Mọi người đang chờ vào lễ!” Hình Cô Chúa Sứ nhoè đi rồi tan biến. Chàng-Mộng-Mơ choàng tỉnh. Đứng cạnh giường anh lại là Nàng-Bầu-Hóm và cô nhân viên khách sạn đang lay vai anh: “ Chuông điện thoại đổ to thế mà không nghe thấy ư?” Họ hỏi. Anh ngượng. Vùng dậy. Không quên luồn tay xuống dưới gối thu gọn miếng gấm thêu kim tuyến trong lòng tay rồi chạy vội vào buồng tắm.
       Cả buổi chiều hôm đó ngồi thuyền thăm chợ nổi Cái Răng trên sông Ninh Kiều, Chàng-Mộng-Mơ cứ bị Nàng-Bầu-Hóm nhìn xăm soi rồi mủm mỉm cười.
 4 - 2009