Trang chủ » Truyện

HUYỀN THOẠI

Đoàn Nhất Trí
Chủ nhật ngày 22 tháng 11 năm 2009 2:44 PM
Truyện ngắn
                          
1-                        Chí Phèo là ai
                           Chí Phèo là ta
                           Giận đời đen bạc
                            Ta ra Chí Phèo.
          Vừa đi vừa nghêu ngao hát, cái đầu chúi về phía trước ngúc ngắc, tay phải cầm chai rượu, tay trái vung vẩy, chân nam đá chân chiêu, đấy là bộ dạng gã đi trên đường. Hình hài gầy guộc bọc trong chiếc áo véc sờn cũ tứ thời, chiếc quần âu tướp gấu và đôi giầy da há mõm cùng cái cặp có quai đeo bất ly thân luôn trên người . Tất cả đều bẩn thỉu, dơ dáy và cũ mèm như vừa lôi từ đống rác ra.
         Còn nhớ đêm đầu tiên gã xuất hiện ở cái xóm nghèo chân cầu này trong tư thế nằm úp mặt xuống mép nước của con sông chảy qua thành phố. Chả là vì gã say khướt, không biết trời đất gì bèn lần xuống bờ sông tìm nước uống cho dịu cơn khát đang đốt cháy ruột gan. Đi được một đoạn, gã ngã lăn, không đứng lên được nữa, bèn cứ thế bò ra mép nước, vục mặt xuống uống nấy uống để cái chất nước sông đục ngầu và đỏ lòm như máu rồi lăn ra, ngủ luôn ở đấy. Bọn trẻ bụi đời thường trú ở gầm cầu cùng mấy cư dân xóm liều ngay đấy thương tình cùng nhau ra khênh gã về cái ổ của chúng. Họ sợ đêm đến, nước sông lên, gã sẽ chết đuối.
         
          Có mấy sợi nắng chiếu thẳng vào mắt âm ấm làm gã thức dậy, nhìn quanh. Gã nhận ra đây là cái tổ của bọn trẻ bụi đời dưới gầm cầu. Chúng đã che chắn nơi này làm chỗ tá túc khi màn đêm buông xuống hay ngoài trời có mưa to gió lớn. Chỗ này khá kín đáo và ấm cúng. “Mái nhà” cùng mảng tường sau lưng là những khối bê tông cốt thép khổng lồ, vững chãi và vĩnh cửu. Mảnh tôn rách, bìa cát tông, ni nông đủ loại là những vật liệu chúng nhặt về quây kín ba phía còn lại tạo thành cái tổ, hay gọi là “nhà” cũng được. Chúng lót tổ bằng rơm rạ rồi trải lên những manh chiếu rách đủ loại cho êm khi nằm và giảm bớt độ ẩm. Gã nhìn quanh, thấy trong một cái hốc có cả hai ba mẩu nến, ba bốn mảnh chăn rách dùng để ngủ qua đêm, hai cái xoong nhôm rách, mấy cái bát mẻ cùng mấy đôi đũa ăn cơm...Khi ngồi hẳn dậy, từ ngực áo gã rơi xuống mảnh giấy học trò bẩn nhem nhuốc. Gã nhặt lên. Tờ giấy ghi: “chú tỉnh dậy mở xoong sẽ có cái ăn. Nước uống ở chai nhựa. Chúng cháu đi kiếm ăn đây. Tối, nếu chưa có chỗ nào ngủ, chú cứ về đây ngủ với chúng cháu. Chào!” Chữ to như con gà mái ghẹ, viết bằng bút chì lại thiếu nét, thiếu dấu lung tung. Đọc xong mảnh giấy, bất giác gã mỉm cười. Lần đầu tiên trong đời gã cười một nụ cười thoải mái, chân thành và vô tư đến thế. Gã vội vơ cái cặp, kéo khóa lấy ra quyển sổ, cái bút bi rồi nghiêng ghé ra chỗ có mấy tia nắng sáng, ghi ghi chép chép gì đó. Cũng cái cặp này, nghe nói, xưa kia gã từng có hai vật cũng bất ly thân đựng cùng giáo án cho các giờ lên lớp. Đó là chiếc máy ảnh kỹ thuật số và chiếc ghi máy ghi âm nhỏ xíu. Chiếc ghi âm, thì không biết bằng cách nào mà kẻ cắp lấy trộm được hòng ngăn chặn những thảm họa do nó sẽ gây ra cho chúng. Còn chiếc máy ảnh, nghe nói, do xô xát với công an xã, nó đã bị kẻ kia giằng ném tuột xuống ao mất rồi. Viết lách một hồi, gã thấy bụng cồn cào đói, miệng thèm rượu. Gã bò vào mở vung chiếc nồi nhôm. Có một nắm cơm và nửa chiếc bánh mì. Gã thèm thuồng cầm nắm cơm lên ăn. Ăn hết, gã tìm chai nước tu ừng ực. Trước khi chui ra khỏi tổ của lũ trẻ, gã không quên đem theo cái vỏ chai đựng rượu. Gã lại tiếp tục đi trên đường, lại tiếp tục hành trình, miệng nhai mãi một điệp khúc:
          Chí Phèo là ai
          Chí Phèo là ta
          Giận đời đen bạc
          Ta ra Chí Phèo, đầu chúi về phía trước ngúc ngoắc. Tay phải cầm vỏ chai, tay trái vung vẩy. Chân nam đá chân chiêu. Mắt chẳng nhìn ai, gã đi về phía thành phố.
          Cũng từ đấy trở đi, cư dân xóm đầu cầu này quen dần với hình ảnh gã say. Từ sáng đến tối, không lúc nào tỉnh, gã đi, la cà hết chỗ nọ đến chỗ kia. Đêm đến, gã trở về chui vào cái tổ của bọn trẻ bụi đời gầm cầu, ngủ chung với chúng ở đấy.
2- Trong hình hài của kẻ nửa say, nửa điên, nửa người nửa ngợm, có người tinh mắt và có trí nhớ siêu phàm, nhận ra gã chính là cái ông giáo cấp ba nổi tiếng trong vụ tố cáo những việc làm gian dối, vụ thành tích, lừa đảo của một hội đồng thi tốt nghiệp PTTH ở t huyện X, tỉnh Y bằng cách dùng điện thoại di động quay phim. Căn bệnh này đã trở thành thâm căn cố đế mấy chục năm qua của ngành giáo dục, biết nhưng không ai có chứng cứ nên không thể nào tiêu diệt được nó, nay có đoạn phim này do ông giáo ấy gửi lên, ông ta bỗng nhiên trở thành người anh hùng trong cuộc chiến chống tiêu cực do ngành giáo dục phát động. Đích thân Bộ truởng rồi cả Phó thủ tướng đã bắt tay khuyến khích, động viên gã, còn tặng gã cả bằng khen. Giáo viên, nhân dân và học sinh trong cả nước tới tấp gửi thư ca ngợi, chúc mừng gã. Kịp thời nắm bắt cơ hội vàng, đài truyền hình trung ương cũng mời gã lên ngồi ghế long trọng phỏng vấn gã trong chương trình người đương thời. Họ tung hô gã năm lần bẩy lựot trên màn hình nhỏ. Có thể nói, thời gian ấy, các phương tiện thông tin đại chúng từ địa phương tới trung ương, từ báo viết, báo nói đến truyền hình đều nhất loạt ngợi ca, đánh bóng hình ảnh gã tới mức chỉ còn thiếu thêm vào trước tên gã hai chữ : anh hùng nữa mà thôi. Chả thế mà, có trường PTTH nổi tiếng không chỉ ở Thủ đô mà còn nổi tiếng toàn quốc đánh tiếng nếu gã muốn về Thủ đô giảng dậy thì trường ấy sẵn sàng tiếp nhận. Còn chính quyền Thủ đô thì nói, nếu gã về công tác trên Đất thánh, chính quyền sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để gã di chuyển cả vợ con gã cùng về. Trước tình thế nói trên, gã như người đã cưỡi trên mình hổ, không thể nào thoái lui được nữa, đành cứ phải xốc tới thôi. Gã bóp hầu bóp miệng vợ con mua máy ảnh kỹ thuật số, trang bị máy ghi âm mini làm vũ khí đấu tranh chống tiêu cực. Tuy nhiên, thói đời đen bạc không thuận theo ý muốn của gã. Gã càng chống, mảnh đất tiêu cực càng sinh sôi nẩy nở. Gã càng đấu tranh cho sự trong sáng của ngành giáo dục bao nhiêu, càng nhiều học sinh, thày cô giáo và phụ huynh quay lưng lại với gã bấy nhiêu. Sự thật cay đắng này có cùng tỷ lệ thuận với kết quả nhỏ nhoi thu được trong công cuộc cải cách và chấn hưng lại ngành giáo dục. Và cũng vì thế, gã ngày càng bị cô lập. Đồng nghiệp không thân thiện, gần gũi, trao đổi chuyên môn đã đành, học sinh cũng xa lánh, lạnh nhạt với gã. Phụ huynh thấy gã đi trên đường, họ tìm cách rẽ sang đường khác. Bất đắc dĩ, ai đi qua mặt gã đều cũng cúi mặt nhìn xuống đất, không thèm chào hỏi gã nửa lời. Đã có kẻ ném trộm đất đá, gạch phân chó vào sân, lên mái ngói nhà gã. Chúng còn rình rập đánh lén gã mấy lần nhưng hụt. Vì thế, vợ con gã suốt ngày cứ ru rú trong nhà, như cá nằm trên thớt, không dám đi đâu. Nhìn hai đứa trẻ nhà gã cứ rúm ró teo quắt lại lại trước những lời đe dọa của thiên hạ mà thương tâm. Bản thân gã, có công việc đi ra khỏi nhà cũng nơm nớp lo sợ, mắt trước mắt sau, chân bước cuống cuồng. Mà phải chuẩn bị kỹ càng lắm gã mới dám bước ra khỏi nhà.
          Một lần, ông bạn chí thân cùng tổ văn với gã, chờ trời tối len lén bước vào nhà gã, sợ có người nhìn thấy. Ông bạn nói với gã những lời có cánh sau đây. Thôi đi ông ạ, đừng chống tiêu cực làm gì nữa cho khổ. Hãy nghĩ đến vợ ông và hai đứa trẻ. Họ làm gì có tội mà phải chịu khổ thế. Ông cứ nghĩ mà xem, một bó đuốc làm sao đốt được trời xanh. Đành rằng Bộ “phát” nhưng chỉ một mình ông “động” thôi, còn cả ngành, cả xã hội đứng yên , thậm chí còn thụt lùi nữa thì thử hỏi kết quả sẽ đi đến đâu. Thời buổi này ai cũng phải lo cái ăn cho gia đình mình. Như ông đấy, lương hai vợ chồng làm sao đủ sống cho bốn con người, lại còn hai con ăn học, thuốc men đủ thứ. Muốn sống được, ông cũng phải mở phòng vi tính, phô tô, phải chụp ảnh... thêm vào. Anh chị em giáo viên khác cũng vậy, ai có thế mạnh gì họ tận dụng cái ấy, vì thế nó mới có tiêu cực. Ông không nghĩ đến mình, chỉ chăm chăm đi triệt phá ngồn sống của người khác thì ai để yên cho ông. Miếng ăn đã đưa đến mồn rồi mà còn bị ông lôi ra người ta mới cú. Điên lên, người ta cũng phải cấu kết với nhau phản công lại ông chứ, đành rằng, việc ông mở hiệu vi tinh, phô tô chụp hình là chính đáng. Một khi người ta đã bè cánh, liên kết, có chủ tâm thì chính đáng thế nào người ta cũng bẻ quặt ra phi pháp được. Cứ cho là ông đã làm được cái việc nghiêm túc ở cái hội đồng có ông coi thi, do đó chỉ có ba mươi phần trăm con em trong hội đồng ấy đỗ rồi được đi thi được học đại học, ra trường có công ăn việc làm. Số còn lại trượt hết. Thế nhưng ở hàng trăm hội đồng thi tốt nghiệp khác trong huỵện, trong tỉnh, trên toàn quốc, người ta không nghiêm túc, con em họ đỗ chín mươi, chín nhăm phần trăm, rồi cũng được thi, được học đại học, ra làm việc...Thế có phải cái số con em trong bẩy mươi phần trăm ở hội đồng ông coi sẽ thiệt không. Chúng không được thi, được học đại học, không được công tác, thành trẻ lêu lổng, không công ăn việc làm rồi thành hư hỏng, chán đời nghiện ngập. Nó khổ, cha mẹ, gia đình nó khổ. Nó oán ông cả đời. Ai chịu được? Ai chấp nhận cảnh ấy? Nếu trong số bẩy mươi phần trăm ấy có hai đứa con ông thì ông nghĩ thế nào, ông có đau lòng không? Giá như Bộ phát động chống tiêu cực, toàn ngành, toàn xã hội cùng đồng lòng, cùng tích cực chống như ông thì nó đi một nhẽ và chẳng mấy mà ngành giáo dục được chấn chỉnh lại. Đằng này người ta chỉ nói xuông, nói mà không làm, tất cả đều giả dối, lừa đảo, che mắt thiên hạ. Có một ông Bộ truởng tiến bộ, mạnh mẽ, quyết liệt chứ đến mười ông như thế nhúng tay vào cũng chẳng xoay chuyển được gì hết. Thế nào cũng sẽ lại nguyên như thế, còn tồi tệ hơn là khác.
               Chẳng nói gì, tiễn bạn ra cửa, gã chỉ nói vẻn ven một câu: Tôi tin tưởng vào tôi, tôi tin ông Bộ trưởng!
               Cũng sau đó vài hôm, nhân một buổi gã đi họp ở đâu về, thấy vợ con đã thu vén bỏ đi, nhà trống hoang trống hoác. Mảnh giấy vợ gã ghi mấy chữ: Mẹ con em về ngoại. Anh hãy giữ gìn sức khỏe.
3- Nghe tiếng hát
          Chí Phèo là ai
          Chí Phèo là ta
          Giận đời đen bạc
          Ta ra Chí Phèo,
ngẩng đầu lên nhìn, đã thấy gã đi ngang qua trước quầy hàng, bà hàng hoa quả rối rít gọi bà hàng thực phẩm kế bên:
- Này, này...bà có nhìn thấy không, cái người say vừa đi qua ấy. Kia kìa, cái người trời nắng như đổ lửa thế này mà vẫn mặc chiếc áo vét bẩn thỉu ấy...
- Thì làm sao, tiếng bà hàng thực phẩm?
- Lão là cái ông giáo chống tiêu cực nổi tiếng trong ngành giáo dục, đã mấy lần ngồi trên ti vi ấy. Bà quên rồi à? Lão là người đương thời đấy!
- Thế ư? Rõ khổ, sao bây giờ ông ta lại ra nông nỗi này?
- Thì cũng nghe người ta đồn chứ nào tôi có đi đâu mà biết. Người ta bảo ngành giáo dục bây giờ nó be bét lắm rồi toàn những tiêu cực là tiêu cực thôi. Căn bệnh thâm căn cố đế này trường tồn những bao nhiêu năm nay không chỉ làm hại dân trí trong nước mà còn làm mất mặt hình ảnh nước ta cả với thế giới, vì thế mà ông Bộ trưởng mới quyết tâm phát động cuộc chiến chống tiêu cực cùng với công việc cải cách trong ngành. Trước chủ chương đúng đắn này, cả xã hội phấn khởi cùng đồng tâm quyết chí lắm nhưng thực tế, chẳng ai làm gì cả , chỉ mỗi ông giáo Nguyễn Việt Khôi một mình hăng hái xông lên phía trước với một ý chi phi thường cùng tấm lòng trong sáng đến khờ dại. Kết quả là chỉ có một mình ông ta đứng ở tuyến đầu và mọi mũi nhọn tiêu cực lại chĩa hết về phía ông. Một khi cái xấu kết thành bè tảng, ông ta trở thành người đơn độc, chẳng ai chìa tay về phía ông ta nữa. Vợ con cũng bỏ ông đi nốt. Ông ta sinh nghiện rượu từ đấy. Cũng từ đấy ông bỏ ngành dậy học và đi lang thang.
- Gớm, bà chỉ ngồi đây bán mấy thứ hoa quả mà sao cũng biết lắm chuyện thế. Rồi sao nữa, bà kể tiếp đi xem nào. Câu chuyên bà kể cứ như truyện trinh thám ấy, nghe hay hay là. Ông ta lang thang thế thì lấy gì mà ăn, mà sống đến ngày nay?
- Cái bà này rõ là...Lang thang là đi bụi đời chứ là gì nữa. Bụi đời thì gặp gì ăn nấy, ai cho thì lấy, đói quá thì xin, gặp đâu ngủ đấy. Ấy cũng là tôi nghe người ta nói thế thôi chứ nghe đâu cũng còn có nhiều thày cô giáo, học sinh và cả các bậc cha mẹ tốt lắm cơ. Họ quý mến, thương tiếc và cảm phục thày nên vẫn ngấm ngầm gom góp nhau lại rồi cử người thường xuyên tiếp xúc với thày qua vai của những người xa lạ làm như vô tình trên đường cứu giúp thày khi thì vài đồng bạc, khi nắm cơm, chiếc bánh. Có những em học sinh đóng giả trẻ bụi đời cũng làm như vừa xin được món hời nào đó bèn hào phóng chia chác cho thày hầu hết. Dĩ nhiên, không ai dại gì giúp thày một món to để thày có cơ hội sa đà thêm vào cái thứ nước giết người ấy. Thế đấy, bà bảo trần đời, có ai khốn khó, điên dại lại được người đời quí mến, cưu mang như thế, nếu người ấy không thực sự có tâm và có tầm như ông thày giấo nọ
- Vâng, bà nói cũng phải, tôi còn nghe nguời ta đồn, ông giáo này nửa điên, nửa say, nửa tỉnh nhưng không hề quậy phá hay làm hại ai bao giờ. Cứ rượu vào, say là ông ta đi và tìm đến một ngôi trường nào đó tìm chỗ ngoài bờ rào đứng hàng tiếng liền chỉ để ngắm nhìn học sinh và nghe không bỏ sót một lời của các thày cô giáo giảng bài trong lớp. Bảo vệ hay bất kỳ ai trông thấy là đuổi. Nhưng cứ đuổi chỗ này thi ông ấy lại ra chỗ khác đứng rồi nhìn chăm chắm vào trong cứ như bị thôi miên. Lâu dần người ta mặc kệ, chẳng ai đuổi nữa vì ông chỉ nhìn và nghe thế thôi chứ có làm gì hại đến ai đâu.... Vâng, mời ông cứ mua đi, giá gói cà phê ấy ba mươi tư đồng. Vâng, thưa ông khách tình hình chung ấy mà, giá cả cứ tăng chóng mặt. Quả thật nó có lên chút ít...quí khách thông cảm cho. Trả rẻ như thế, em lấy gì bù lỗ...
4- Chợt nghe tiếng hát:
          Chí Phèo là ai
          Chí Phèo là ta
          Giận đời đen bạc
          Ta ra Chí Phèo,
Mấy tay xe ôm vỉa hè nơi góc phố đã nháy nhau: Này, người đương thời di qua đấy. Gã đi qua thật. Mọi người chăm chú nhìn vào chiếc áo vét tứ thời của gã. Ở đấy, từ phía trên hai vai áo, dưới cái nắng hè gay gắt, những sợi mỏng manh như sương khói bốc lên, lan tỏa và tan biến vào không gian. Không biết nó là mồ hôi, là hơi nước hay là vô vàn lít rượu tích tụ trong người gã bốc lên. Đợi gã đi một đoạn xa, tay thanh niên có vẻ thạo tin nhất nháy mắt cho mọi người rồi lớn tiếng: Này các ông, trông người ta thế thôi nhưng mà đừng có coi thường đấy nhé. Các ông có biết không, ông này cứ say rượu là lần đến trường học, mon men đến sát một lớp học nào đó chăm chú nhìn vào xem học sinh học và nghe giáo viên giảng bài không biết chán. Lần ấy, đang say xưa xem một cô giáo dạy tập viết ở một lớp một, đột nhiên ông ta hét lên: Không đúng! Cô giáo nhận xét thế là sai rồi! Cô giáo và học sinh lớp ấy giật mình ngó ra thấy một người ăn mày bèn gọi bảo vệ lôi đi , không cho đứng nhìn nữa. Bị hai bảo vệ xốc lách hai bên lôi đi xềnh xệch, mồm ông ta còn lẩm bẩm: Không đúng! Sai rồi. Dậy học như thế thì bằng giết học sinh!
         Tưởng như thế câu chuyện đã kết thúc rồi, thế nhưng, các ông có biết không, đoạn tiếp tôi kể sau đây mới ghê chứ, các ông có mốn nghe tiếp không? Bạn nghề xe ôm lại nhao nhao: Chuyện làm sao? Thì kể tiếp đi! Chàng trai trẻ lại kể: Sáng hôm sau, chẳng biết bằng cách nào, ông ta qua mặt được bảo vệ và lớp tường rào có song sắt, đột nhập vào đúng căn phòng ông hiệu trưởng trường ấy. Vừa bước vào phòng đã thấy có người đàn ông ngồi trước bàn làm việc của mình rồi, tưởng là phụ huynh, ông hiệu trưởng hỏi:
- Thưa ông, ông có việc gì cần gặp tôi ạ?
- Dạ không. Tôi đến đây là vì muốn phản ánh với ông một trường hợp đặc biệt. Có một cô giáo lớp một của trường ông hôm qua đã dậy không được đúng lắm trong một giờ dậy các em tập viết! Ông hiệu trưởng trố mắt nhìn người lạ:
- Chắc trước đây ông cũng là giáo viên?
- Cũng có thể! Ông ấy gãi gãi tai, cười cười trả lời. Cũng may, ông hiệu trưởng là người điềm tĩnh và nhân hậu, nên ông ấy cũng cười lại và hỏi người đột nhập:
- Vậy thế theo anh thế nào mới là đúng ?
- Theo tôi, cô giáo yêu cầu các em phải viết chữ đúng như quy định của Bộ là đúng rồi và không sai nhưng cứ nhất thiết bắt các em phải viết chữ giống y hệt lại là sai. Ví dụ các chữ h,l, k...phải cao hai ô ly rưỡi, các chữ t, đ, d... phải cao hai ôly và các chữ phải thẳng đứng, vuông góc với dòng kẻ. Thế nhưng một em nào đó, viết chưa đủ độ cao 2,5 ô ly (hoặc cũng có em viết cao hơn thậm chí đến 3 ôly) thì giáo viên có thể coi như các em vẫn viết đúng nhưng chưa tuyệt đối đúng và do đó thang điểm mười giáo viên cũng chỉ nên trừ đi từ 0,5 đến một điểm là cùng. Không nên trừ đi từ nửa đến một phần ba tổng số điểm  rồi phê phán các em là ngu dốt, mãi cũng không luyện được, rồi cho điểm thấp xuống còn một hai là không đúng. Nhận xét như vậy là phản khoa học giáo dục. Nó gây tổn thương một cách nặng nề về mặt tâm lý trong các em. Còn nữa, Ta quy định chữ viết phải ngay ngắn, vuông góc với dòng kẻ, nhưng có em viết chữ luôn nghiêng về bên trái hay nghiềng về bên phải cũng có làm sao. Chữ viết là nết người cơ mà. Các cụ ta xưa đã nói rồi. Sao cứ bắt em nào viết cũng giống em nào mới là đẹp. Như thế có khác nào nhà trường chúng ta vô tình thủ tiêu cá tính, làm thui chột óc sáng tạo của các em để đào tạo cho xã hội một loạt những rô bốt giống nhau. Thật là tai hại, tai hại khôn lường. Tay lái xe ôm trẻ đột ngột dừng lại hỏi mấy ông bạn đồng nghiệp đang đứng xung quanh “Đấy, các ông xem, gã say rượu có ghê không? Trình độ không? Trình độ quá đi chứ lại! Chớ có coi thường hắn ta nhé. Lại còn thế này mới ghê chứ, trước khi bỏ ra về, kẻ say kia còn hỏi lại ông hiệu trưởng một câu vô cùng hắc búa rằng: Thế tôi xin mạn phép hỏi ông hiệu trưởng rằng nhà trường dậy các em học sinh viết chữ để làm gì? Trong khi ông hiệu trưởng còn đang bối rối chưa biết trả lời ra sao thì hắn ta nói luôn: Để các em đọc được chữ người khác viết cho mình và ngược lại để mình viết cho người khác đọc được những ý nghĩ, những yêu cầu của mình! Vậy thì nếu một em học snh nào đó chưa viết đẹp nhưng viết đúng, người đọc vẫn đọc được, vẫn lĩnh hội đúng những ý kiến của mình thì là được rồi, còn đòi hỏi gì thêm nữa. Chỉ khi nào các em viết thiếu nét, thiếu dấu, hoặc ngược lại, khi ấy, chữ “tác” thành chữ “tộ” thì đó mới là viết sai. Viết sai sẽ làm người đọc hiểu sai ý tứ của người viết. Gã trai lại đột ngột dừng lại phang một câu chí lý: Đấy các ông có thấy gã say có trình độ không ? Tất cả cánh lái xe ôm đồng thanh: Thì tuyệt là cái chắc, còn phải bàn gì nữa! Một gã lái khác già hơn, đen đúa, râu quai nón đầy cằm góp chuyện:
- Đấy là các cậu chỉ mới nghe đồn, chứ tớ là tớ mục sở thị chứng kiến một việc mới oách cơ. Chả là sáng hôm ấy tớ chở một bé trai đến trường. Tớ đỗ xe cho bé trèo xuống thì đồng thời cũng vừa trông thấy một bé gái khác cũng từ xe của ai đó bước xuống, đeo cặp sách trên lưng te tái chạy vào cổng, chẳng may bé vấp ngã ngửa ra. Em này ì ạch mãi không lật mình ngồi dậy được vì cái cặp quá nặng vẫn mắc ở dưới lưng. Lúc ấy trông em bé giống một con rùa bị người ta lật cho nằm ngửa chân giẫy giẫy đạp lên trời, không sao lật úp trở lại được. Mọi người xung quanh đứng nhìn, chưa kịp phản ứng ra sao thì có một người rẽ đám đông lao vào, nhanh tay đỡ em bé gái ấy ngồi dậy. Anh ta lấy hai tay phủi hết bụi đất trên quần áo của em, miệng nói: Ồ, không sao! tại cái cặp nặng quá đây mà! Người ấy lấy hai tay nhấc nhấc chiếc cặp như thể áng chừng xem nó nặng bao nhiêu cân rồi miệng kêu lên như chính mình bị nặng: Rõ khổ, mới vào học lớp một mà đã phải đeo cái cặp nặng đến bốn năm cân thế này thì sao chịu nổi. Rồi ra, xương sống xương sườn sẽ cong vẹo hết. Ác quá chừng! Ác quá chừng! Các ông có biết ai đấy không? Gã người say đấy. Quần áo thì rách rưới, hôi hám. Hơi thở sặc mùi rượu của gã làm mọi người giãn hết cả ra để gã làm cái việc nhân đạo mà ai cũng có thể làm nhưng không ai làm. Gã chở xe ôm có bộ râu quai nón trợn chừng đôi mắt, quai hàm bạnh ra, nói tiếp. Tớ cũng có con gái học lớp một như đứa bé ấy. Nhìn cảnh đó, tớ không sao cầm được nước mắt, phải nén quay đi chùi. Nhà trường bây giờ họ không chỉ tìm cách moi cho thật nhiều tiền của chúng ta, họ còn làm con em ta méo mó về thể chất và tinh thần nữa. Thế mới đau chứ. Biết mà chẳng làm gì được. Chẳng lẽ không cho con đi học nữa!
5- Một lần cũng mới chỉ nghe cái điêp khúc:
          Chí Phèo là ai
          Chí Phèo là ta
          Giận đời đen bạc
          Ta ra Chí Phèo, bà bán văn phòng phẩm đã nhanh nhẩu cầm hơn chục quyển vở có kẻ ôly và mươi cái bút bi chạy te tái ra khỏi cửa hàng ngó nghiêng tìm người say. Hướng về người có cái đầu đang chúi chúi về phía trước, ngắc ngư, bà gọi sẽ sàng như chỉ để cho một người ấy nghe được: Này ông giáo, tôi gửi ông mấy quyển vở về cho tụi trẻ nó học. Ông cầm giúp tôi! Người say không bất ngờ vì những việc tương tự thế này đã có nhiều nguời cùng làm. Gã nhận bút vở và khẽ cúi đầu cám ơn rồi bước đi. Đợi gã đi xa một chút, bà bán văn phòng phẩm quay sang nói với bà bán hàng quần áo:
- Bà ạ, chả biết thần thánh ở đâu chứ rõ ràng người hiền lành, ăn ở tử tế, có tài lại có tâm mà trời phật chẳng phù hộ cho. Khổ vẫn hoàn khổ. Còn cái quân lòng dạ sói lang, làm khổ không biết bao người thì thần thánh đâu chẳng thấy vật cho chúng chết hết.
- Tôi cũng nghe nói từ ngày có ông giáo này cùng ở, cái bọn trẻ con bụi đời ở gầm cầu ngày càng tử tế hơn, không quấy phá vô ý thức nữa. Chúng biết nghe theo lời khuyên phải trái của ông giáo, lại còn biết đoàn kết, sống với nhau, với ông giáo như người một nhà. Bản thân ông ta cùng uống ngày một ít rượu đi. Đêm đêm, mấy đứa trẻ trong cái tổ bụi đời ấy cùng chụm đầu bên ánh sáng của những mẩu nến nhặt được nghe ông giáo dậy viết chữ và dậy văn toán. Nhiều đứa, vì thế, đến nay đã đọc thông viết thạo. Nhờ đó, chúng liên lạc được với gia đình và gia đình chúng thỉnh thoảng nhận được thư cũng yên tâm hơn về chúng. Có đứa bỏ hẳn bụi đời về xin vào học cấp hai, cấp ba ở quê.
Bà bán văn phòng phẩm:
- Tôi còn nghe nói hồi này ông ấy còn rất chăm viết cái gì ấy đâu như là cái đề án cải tổ hay cải cách gì đấy về ngành giáo dục để trình lên ông Bộ trưởng và Ông Phó thủ tướng cơ đấy.
- Vâng tôi cũng nghe đồn như thế. Mà, bà này, năm nay mùa thu nắng vàng như thế này, tôi e chỉ mấy hôm nữa, mùa đông đến sẽ rét lắm đây. Có lẽ mai về, tôi cũng phơi phóng một số quần áo cũ rồi gửi cho bọn trẻ. Cái bọn ta vẫn gọi là bụi đời cùng ở chung với ông giáo ấy.

 Hà Nội, mùa thu 2009
ĐOÀN  NHẤT  TRÍ