Trang chủ » Truyện

CHÙM TRUYỆN NGẮN MINI CỦA TRẦN QUỐC MINH

Trần Quốc Minh
Chủ nhật ngày 8 tháng 11 năm 2009 3:22 PM
 
Nỗi đau đồng vọng
 

 Hòa bình rồi.
 Hòa... bình... rồi!
 Tiếng reo đập vào vách núi, nhờ những cơn gió hoang chở đi. Lá rừng như ức triệu vành tai nghe ngóng. Thiên nhiên hùng vĩ lại chỉ có hai người yêu nhau. Cô gái vít cổ chàng trai, anh nhào xuống cỏ...
 Bây giờ là lúc tay trong tay, họ nằm ngắm mây... những bông mây nõn nà bay qua cánh rừng đã nhuốm chất độc màu da cam.
 Họ trở về làng nguyên vẹn hình hài. Cái tươi tắn của tuổi thanh xuân tưởng hứa hẹn ngày mai tốt lành, nào ngờ...
 Đám cưới được tổ chức ở sân đình to chưa từng thấy. Cô dâu chú rể từ mặt trận trở về, bởi từ nay hạnh phúc trong thanh bình, tiếng khóc trẻ con chào đời, mưa xuân mái ấm...
 Đứa thứ nhất khóc ngằn ngặt ba tháng trời, người mẹ trẻ ôm con khóc theo. Mắt nó mờ đục, ngơ ngác, khi thôi khóc, nó bị mù.
 Đứa thứ hai sau hai năm, nằm bất động nó chưa được làm người đã sông như cây cỏ.
 Đứa thứ ba, thứ tư chẳng may mắn gì hơn anh chị nó.
 Nhìn bốn đứa con, anh chị như rơi vào khoảng trống vô định. Những lời thị phi, ác hiểm lại không cánh mà cứ theo nhau như ngàn mũi kim nhức buốt.
 Đến một ngày Hội Chữ Thập Đỏ thành phố điều tra trên một ngàn gia đình đã từng tham gia chiến đấu trong những miền rừng nhiễm độc; gai đình anh chị là nơi gặp gỡ của những tấm lòng từ thiện.
 Tiền bạc cũng chỉ làm vơi đi những cực nhọc, nhưng nào có thay đổi được số phận những đứa con của anh chị!.
 Chị ngã bệnh qua đời.
 Anh nuốt nước mắt vào trong nuôi đàn con tật nguyền.
 Địa chỉ gia đình anh vẫn được phát trên đài. Cho đến một ngày... Vợ chồng một người Mỹ tìm đến quê anh. Qua lời cô phiên dịch, anh được biết người Mỹ đã từng rải thuốc độc hoá học xuống những cánh rừng phía Nam.
 Anh nghe xong mặt tái đi, nhìn vào giường những đứa con của anh, căn nhà như chao đảo, hình ảnh người Mỹ nhoà đi, anh dồn sức bật ra một từ cộc: Cút!
 Vợ chồng người Mỹ không hiểu, họ cảm nhận sự giận dữ, lơ đãng nhìn ra xa. Cô phiên dịch nói cho anh biết, họ cũng có đứa con bị mù. Bây giờ họ đến thăm anh như chia sẻ, như tạ tội và biếu anh chút quà gọi là tấm lòng thành .
 Anh nguôi nguôi, bỗng anh nắm bàn tay to kềnh của người Mỹ, người Mỹ rút khăn lau nước mắt, nói một câu ngắn, anh nghe qua lời dịch:
 - Con gái tôi năm nay mười chín tuổi, cũng bị mù, nó học đàn dương cầm, nhưng chỉ dạo mỗi bản nhạc của Việt Nam đó là bài "Hồn tử sĩ"
 
 
  BỨC TRUYỀN THẦN
 
 Tấm tăng chiến trường bạc nắng mưa. Tấm tăng ấy được căng ở góc khuất toà nhà cao.
 Một cựu chiến binh đang vẽ truyền thần.
 Quanh anh là ảnh những gương mặt "Người muôn năm cũ" đen trắng: họ là dĩ vãng mà. Đôi mắt ai cũng thăm thẳm.
 Chủ của "Quán truyền thần" là Nhân; anh từng chiến đấu ở những cánh rừng Trường Sơn, từng đi tìm đồng đội ở khắp miền viễn xứ, từng làm nhiều nghề để kiếm sống. Nhớ nghề cha truyền lại, anh vẽ truyền thần.
 Thời hiện đại bao sắc mầu, anh thu lại hai mầu đen trắng. Người ta thông tin cực nhanh trên mạng vi tính, anh chuyên cần tìm lại nét xưa. Bao gương mặt người ta quên, anh phủi bụi thời gian để người về trong cõi nhớ. Người ta bảo rằng những bức ảnh đen trắng trên truyền hình trong mục "Nhắn tìm đồng đội" ở  thành phố này được anh truyền lại từ những ảnh ố vàng xưa cũ, nhưng thần thái của người trong ảnh đặc biệt sống động.
 Một hôm có cụ già lưng còng, tóc bạc trắng, đến quán của anh than vãn:
 - Anh à, mẹ coi anh như con mứi dám nói. Con trai mẹ đã hy sinh ở Quảng Trị năm 1972, nó không để lại bức ảnh nào! Bây giờ mẹ muốn có bức ảnh thờ, anh có thể giúp mẹ?
 - Không có ảnh thì rất khó mẹ ạ, tuy vậy xem các bức ảnh chiến sĩ ở đây, có bức nào giống con trai của mẹ, mẹ bảo con.
 Bà mẹ tìm kiếm một lượt rồi nấc lên:
 - Nó đây rồi!
 Anh thực sự sửng sốt, vì đây là bức ảnh anh truyền lại từ một bức ảnh chụp chung của người bạn đã hy sinh ở thành cổ Quảng Trị mà chính anh đã chôn cất. Khi anh nói tên, quê quán người liệt sĩ, người mẹ oà khóc to:
 - Đúng rồi thằng Kiên, con tôi: Phạm Trung Kiên!
 Tiếng khóc của Nhân vỡ ra, anh đặt tay lên đôi vai đang rung lên của mẹ:
 -Mẹ ơi! Con là bạn chiến đấu của Kiên. Kiên đang yên nghỉ ở nghĩa trang Trường Sơn.
 Đường về làng Đông nắng chiều vàng thắm. Người cựu chiến binh đẹp xe về nhà mẹ Tâm, khung ảnh khoác sau lưng. Thế là anh đã mang lại niềm vui thiêng liêng cho mẹ. Bởi anh không những truyền lại ảnh mà anh đã truyền tinh thần của một con người cùng anh đi vào chiên trận.
 
   HAI  NGÔI  NHÀ
 
 Ngôi nhà thứ nhất khang trang lộng lẫy cửa sắt, khoá to, đặc biệt có một đàn chó ngoại bảo vệ. Chủ ngôi nhà là một tổng giám đốc một tập đoàn gì đó.
 Ngôi nhà thứ hai dưới bóng lùm tre xanh, xanh mướt, hai vợ chồng cộng lại mới hoàn chỉnh một người. Anh mất hai chân, chị mất hai tay ở Trường Sơn năm nào.
 Trước đây chủ của hai ngôi nhà là đồng đội của nhau. Một bác sĩ quân y, một chiến sĩ đặc công, một y tá chiến trường và một thanh niên xung phong.
 Trong một trận đột nhập vào kho hậu cần của địch, người chiến sĩ đặc công bị thương nặng phải cưa chân.
 Cô thanh niên xung phong mở đường bị bom dứa, bom bướm nổ mất hai cánh tay.
 Điều trị cho họ là vợ chồng bác sĩ quân y nọ.
 Khi máu ngừng chảy, họ chấp nhận tật nguyền và trao tình yêu cho nhau, họ mang ơn vợ chồng người bác sĩ quân y.
 Bây giờ ông tổng giám đốc đến đâu cũng kể chuyện về gương chiến đấu, về sức chịu đựng của đôi vợ chồng chiến sĩ và không quên" gửi gắm" công chạy chữa của ông ta.
 Ông thăng quan tiến chức cũng vì thế! Ông giàu sụ lên cũng vì thế! Hôm mừng ngôi nhà tình nghĩa của đôi vợ chồng thương binh ông cũng đến để chia vui chứ không giúp sức! Ông bảo đấy là việc của chính quyền.
 Ông bằng lòng với hiện trạng của mình nhưng có phải ông là người hạnh phúc?
 Có một anh đi mua sắt vụn kể rằng: Một hôm bí quá, anh ta... làm cái việc thoải mái ở vườn sau, nghe tiếng đổ vỡ trong biệt thự, tiếng ông tổng giám đốc quát vợ:
 - Có nhanh lên không anh ấy đang chờ!
 Người đàn bà diêm dúa gạt nước mắt, bước lên chiếc xe ôtô bóng nhoáng màu cà phê sữa, anh lái xe đóng sầm cửa, vút thẳng...
 Lại cũng anh chàng mua sắt vụn còn kể rằng: Người con trai lớn của ông tổng giám đốc, bồ bịch thế nào bị tình địch cắt gân gót chân!
 Còn con trai của đôi vợ chồng thương binh vừa tốt nghiệp Đại học nông nghiệp về quê công tác, anh đẹp trai khiêm nhường. Vợ anh là cô giáo làng hiền thảo...