Trang chủ » Truyện

VỢ CỦA CHA

Khiếu Quang Bảo
Chủ nhật ngày 25 tháng 10 năm 2009 11:50 AM
 
Truyện ngắn
 
       Nửa năm đầu trước hôn nhân.
      Mẹ tôi qua đời. Cha sống một mình ở tầng trên của một căn hộ chung cư phía bên kia sông Hồng. Khi ấy ông đã năm mươi nhăm tuổi.
      Ở nơi đó, có bà hàng xóm cũng ở một căn hộ tầng trệt toà nhà chung cư liền kề. Khi ất bà cũng sống một mình sau ly hôn.
      Cửa ra vào căn hộ của bà nhìn lên ban công và cửa sổ căn hộ của cha qua một cái sân khuôn viên không rộng, có thể nhìn rõ khuôn mặt nhau đến từng chi tiết, ví như sung sướng hay giận hờn.
      Cha là bác sĩ. Cán bộ giảng dạy khoa tâm lý người bệnh Đại học Y. Nhưng cha lại đa mang tâm hồn nghệ sĩ, vẽ tranh và viết văn ở tầm nhiều người biết tới. Ngày nghỉ cha có nhiều khách thăm. Bạn bè trong ngành thì ít mà văn nghệ sĩ thì nhiều. Các cô gái trẻ còn nhiều hơn. Họ đến làm mẫu vẽ, cùng vẽ, đàm đạo về giải phẫu hình và y khoa, hoặc đến hỏi cha tư liệu xã hội, lịch sử…vì cha rất giàu có về khoản này chất đầy đầu cha và trên giá sách. Ví như một cô gái cần tư liệu cho cuộc thi sinh viên thanh lịch chẳng hạn, muốn biết sự tích trả gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm của vua Lê; hay nàng Tiên Dung phát hiện ra chàng trai họ Chử nghèo không mảnh vải che thân ở bãi cát quãng nào của sông Hồng…
      Bà là nhà giáo. Một phụ nữ duyên dáng và xinh đẹp của cái tuổi bốn lăm bốn sáu, có thể còn trẻ hơn. Y phục bà mang khi nào cũng chỉnh chu phong thái bậc khá giả. Bà luôn vui vẻ và hoà nhã với cha.
      Sáng đi làm và chiều về cha thường gặp bà vô tình ra cửa, chào nhau và hỏi han dăm câu ba điều như “ Anh đi có bị tắc đường không?” “ Sáng ở bên này có mưa nhỏ, bên thành phố có mưa không?”. Có lần cha về rất khuya thấy bà đang quét ở sân chung, bà dừng chổi chào cha và hỏi “ Anh có hội chẩn hay sao mà về muộn thế?”. Cha có xuống thăm căn hộ của bà đôi lần. Bà cũng đã lên căn hộ của cha vài lần, và những lần ấy bà thường mang quà cho cha, khi là cốc chè bột sắn nấu với long nhãn, khi là ít trái quả tươi với những lý do rất hợp lý…
      Cho tới một hôm cha bệnh. Một bệnh chỉ gây phiền toái chứ không dẫn đến tử vong. Những búi trĩ sưng mọng. Tôi và em gái sang thăm cha. Gặp bà ở sân, hay chuyện, bà lo lắng cùng theo lên căn hộ của cha. Bác sĩ nơi bệnh viện cha thường làm việc với sinh viên nội trú cũng đã tới. Thăm khám xong, ông nói: “ Hết phù nề tôi sẽ thắt cho bọn chúng hoại tử”. Nhìn sang tôi ông tiếp: “ Lẽ ra giải quyết từ lâu rồi. Bố cháu cứ nghĩ chung sống hoà bình, nhưng nó là bọn khủng bố thỉnh thoảng lại gây sự!” Rồi ông cười: “ Các cháu chuẩn bị tìm thuê cho bố một ô-sin trong một tháng. Bố phải nằm. Đại tiểu tiện trên giường bằng bô dẹt lùa dưới hông. Sau đó dùng bình nước treo có vòi dẫn xịt rửa, không chùi. Nghĩa là một cô ô-sin biết làm chức năng người hộ lý. Đừng trẻ quá nhưng cũng đừng già. Hiểu chưa?” Ông đúng là bạn của cha.
      Ông về rồi, bà nói với tôi: “ Hai anh em để cô giúp”. Chúng tôi nhìn nhau ngần ngại. Bà xua tay: “ Thuê người lạ trong nhà không tiện. Cô cũng rỗi rãi. Hàng xóm giúp nhau lúc tắt lửa tối đèn mà…Quyết thế đi”. Cha không nói gì. Hai anh em tôi tuy ngại ngùng nhưng rất vui và chân tình cảm ơn bà. Bà nhận chùm chìa khoá cửa cha trao.
      Bà là người đảm đang. Có sáng kiến dùng nước phèn chua pha đặc thấm bông đắp vào các múi trĩ cương sưng nên chúng teo lại rất nhanh, đến nỗi ông bác sĩ “chuyên khoa hậu môn” bạn cha cũng phải sửng sốt. Sau ngày thắt trĩ, bà chăm sóc cha không chê vào đâu được, trên cả yêu cầu của một hộ lý. Bác sĩ điều trị ba ngày sang với cha một lần. Ông ghé vào tai tôi nói nhỏ: “ Cha cháu vớ được một bà hàng xóm tốt bụng! Ở hiền gặp lành!”
      Sau một tháng điều trị trên giường với đôi bàn tay chăm sóc của bà, thể trạng cha đã lên con số 75 cân. Khoẻ khoắn và hoạt bát. Nhưng hệ luỵ của việc nằm lâu và biếng nhác hoạt động, lại tăng cân, cha đi đứng khó khăn, xiêu vẹo, “trọng tâm luôn có xu thế rơi ra ngoài chân đế”. Bà dìu cha tập đi giữa các phòng trong căn hộ, tập ngồi bệ xí, như dẫn dắt một đứa trẻ. Bà có vẻ khoái chí khi cha cứ ngoan ngoãn làm theo ý bà. Giống như niềm vui của người mẹ khi đứa con biết vâng lời vậy. Ngày đầu trở lại làm việc bà dùng xe máy đèo cha đi và đón về. Một tuần sau cha xin bà để cha tự lái xe, vì đồng nghiệp và sinh viên tăm tia được đã bỡn cợt cha.
      Không lâu sau, cha nói cha sẽ kết hôn với bà. Tôi phì cười. Sau khi mẹ mất cha từng tuyên bố cha sẽ sống một mình để lấy lại tự do một thời trai trẻ. “ - Tuỳ cha, con chỉ mong cha vui!”. Bà cũng công bố quyết định như thế với các con của bà.
      Và một bữa tiệc đại gia đình diễn ra vui vẻ trên căn hộ của cha ghi nhận sự kiện cha và bà tái hôn, có sự chứng kiến của vài bậc bề trên trong họ của đôi bên. Rồi cha và bà tới chính quyền phường đăng ký. Bà bảo phải thế. Phải là “giàng buộc bền chặt chứ không giàng buộc lỏng lẻo” được. Bà nhại lại đúng cái câu cha hay nói. Gậy ông đập lưng ông.
      Ba năm sống trong hôn nhân.
      Có thể nói ba năm ấy cha và bà sống rất hạnh phúc. Bà chăm sóc cha  như chăm sóc cho một con cún con yêu dấu. Chiều chiều lùa cha vào nhà tắm xả nước gội đầu và kỳ cọ kỹ càng tới cả chỗ sâu kín nhất như kẽ chân, vành tai. Trong bữa ăn bà chọn gắp vào bát cha những miếng ngon. Đi họp hoặc hội thảo ở những nơi trong thành phố, thậm chí ở tỉnh ngoài bà đều đi cùng săn sóc cha như một vệ sĩ.
      Bạn bè thỉnh thoảng lại giải thoát cho cha bằng các chuyến đi trại viết văn ở Đại Lại, các cuộc họp hoặc đi vẽ ở Đồ Sơn, Đầm Sen, Lạc Thuỷ sáng đi tối về. Bà không thể từ chối khi họ cung kính xin phép bà rất đúng mực. Nhưng trong những ngày như thế khoảng hai giờ một lần chuông điện thoại của cha lại reo trong túi với số máy quen thuộc của bà cùng đôi lời thăm hỏi vu vơ “ Có vui không anh?”. Bạn cha xui “ Cho điện thoại ngoài vùng phủ sóng đi!” Cha lắc đầu “Đó không phải là giải pháp hay!”
      Các bạn gái của cha thì dần dạt hết. Họ ngại rắc rối. Một bạn gái đến thăm cha, khi về xe máy rủi ro hết xăng. Bà nhanh nhảu xuống buồng kho xách ra một can đầy. Nạp xăng rồi mà máy xe không nổ. Cha dắt xe ra hiệu sửa. Người sửa xe phát hiện không phải xăng mà là nước cất. Bà xin lỗi đã nhầm lẫn vì trong kho quả có hai bình chất lỏng.
      Cha có một chiếc áo len mềm dài tay màu ghi sáng đẹp mà cha thích mặc, bà biết, nó có trước khi cha kết hôn với bà. Một hôm có chú em họ hàng ở quê ra chơi, đúng ngày tiết trời se lạnh, bà mang chiếc áo ấy ra tặng người họ hàng. Cha ngơ ngác mà không dám nói, vì áo ấy mang kỷ niệm gì đó của riêng cha.
       Vào một đêm ở bên cha, bà đột ngột hỏi:
       - Anh có biết em yêu anh từ khi nào không? Không à? Từ khi anh chưa biết em cơ. Khách đến thăm anh qua cửa em nắm được cả. Từng nhân vật. Duy có một cô gái hay mặc chiếc áo đỏ tóc tết đuôi sam em chưa biết rõ nhân thân.
      Cha rùng mình như bị trúng lạnh.
      Bà quý yêu và chăm sóc cho tôi với tư cách là một người mẹ không thua kém cha. Nhưng bà sẽ chạnh lòng nếu nhìn thấy cha quan tâm tới tôi quá mức trước mắt bà. “ - Việc chăm sóc nó anh cứ để em lo. Em không để con phải tủi thân đâu!” – Bà nhắc nhở cha. Và đúng thế. Bà muốn độc chiếm cha.
      Ai cũng bảo cha hạnh phúc. Bà cũng nói “- Anh sướng mà không biết đường sướng!”
      Tôi yêu quý cha. Còn thương, không biết có cần thương cha không? Cái đó tuỳ thuộc vào cảm nhận của cha, rằng cha đang sống hạnh phúc hay khổ hạnh?
      Một lần tôi đến cổng trường đón cha đi uống cà phê và ăn bánh pizza. Tôi nhìn cha và rất muốn cười toáng lên. Có chuyện này bà không biết nhưng tôi biết. Cha là một trong nhóm bác sĩ đang tham gia chuyên mục   “Gỡ rối” tư vấn tâm lý trên điện thoại qua số máy 19001999 rất được các khổ nhân yêu thích truy cập tới tấp doanh thu thù lao rất khá. Trong xã hội hiện đại cuộc sống tình cảm cá nhân và gia đình luôn gặp hàng chuỗi rắc rối về tâm lý và bệnh lý. Cha  “gỡ rối” cho người mà không thể  “gỡ rối” cho mình. Cha là người đàn ông sống mực thước. Coi trọng tinh thần an bài. Ngại xáo trộn. Ngay như sắp xếp đồ dùng trong nhà cũng cứ giữ nguyên trạng nhiều năm. Bạn cha cũng từng nhận xét cha thuộc típ người không biết tới phá phách. Cha hỏi: “- Con cười gì?”. “- À không. Tiền nhân nói đúng: Dao sắc không gọt được chuôi!” Đang sẵn con dao ăn trên tay, tôi diễn động tác cố đưa lưỡi dao về phía cán dao mà không được. Chắc là hiểu. Cha bật cười.
      Một năm trong hôn nhân tiếp theo.
      Một năm thấy cha buồn. Luôn tư lự. Cha than với tôi: “ Trầm trọng rồi!” Bức tranh cô gái khoả thân cha vẽ, bà lẳng lặng lấy dao đâm thủng toan. Một đoạn văn cha mô tả vũ nữ múa apsara sau chuyến cha đi Campuchia về, bà trách cứ cha bệnh hoạn già rồi mà toàn nói đến eo đùi và vú ví!
      Hay chuyện, tôi và các con của bà, mấy anh em kéo nhau qua sông sang thăm. Thằng cháu trai con cô gái lớn của bà chạy thẳng lên thư phòng của cha, nhìn bức tranh sơn đầu vẽ cô gái bị dao đâm, nó lấy bút vẽ quẹt vào sơn đỏ trên palest chấm vào hai núm vú cô gái trong tranh. Rồi chạy xuống phòng khách khoái chí cười ha ha: “- Con chữa tranh cho ông đấy!” Mẹ nó hoảng sợ chạy lên xem. Rồi đi xuống cười toe toét: “ Từ khi ông lấy bà ông không còn được thực tế nữa. Cháu Cún sửa tranh cho ông là chính xác. Đầu ti thiếu nữ phải đỏ chứ!”
      Trời ơi! Sao nó bạo mồm làm vậy. Mấy anh em cùng cười sặc sụa. Riêng bà, mặt đỏ dự, tế cho cái đứa con gái lộng ngôn một trận lên bờ xuống ruộng, “ nó lại dám nối giáo cho dượng!”
      - Cô ơi! – Tôi đỡ lời – Oan cho cha quá! Gỉai phẫu hình là môn nghiên cứu cực kỳ quan trọng với hội hoạ và y học. Những tiết giảng môn này trong trường y, các sinh viên (đáng kể là sinh viên gái) rất thích nghe những tiết học mà cha đứng bục. Ông mô tả kết hợp giữa…
      - Thế ư? – Bà ngắt lời – Cha anh là “ người câu cá” bậc thầy nhưng câu bằng lưỡi câu chùm không mồi mà đã không tốn mồi thì quăng câu vô tư. Cứ giật, trúng con cá nào thì trúng!
       Trầm trọng thật rồi!                                                            
       Thấy hoàn cảnh của cha mà tôi sợ lấy vợ. Năm nay bước vào tuổi ba mươi. Không còn trẻ. Mà cũng không thể sợ mãi. Bà mai mối cho tôi vài đám bà cho là tương xứng, vì đó là những cô gái con cái bạn bè giáo học bạn bà. Cô nào cũng xinh tươi ngoan ngoãn dịu hiền. Tôi lựa lời: “ Con biết ơn cô! Cô cho con nghĩ thêm nửa năm nữa cô nhé!”
       Tôi nghĩ gì nhỉ? Tôi nghĩ rằng chỉ nên lấy cô gái yêu mình vừa vừa thôi. Chớ nên lấy cô gái yêu mình như điên!
 3 - 2009