Trang chủ » Truyện

ADAM KHÔNG CÓ TỘI

Khiếu Quang Bảo
Thứ năm ngày 22 tháng 10 năm 2009 12:27 AM
 
Truyện ngắn 

       Người theo đạo Thiên Chúa dòng đạo gốc xứ đạo toàn tòng, ngay từ khi lọt lòng mẹ đã phải chịu phép bí tích thứ nhất, là Phép rửa tội - tội tổ tông truyền. Đến khi tín đồ nhận thức được ý nghĩa Mười điều răn của  đạo Chúa ( khoảng chừng chín mười tuổi), kẻ đó phải chịu phép bí tích thứ hai, là Phép xưng tội lần đầu. Kẻ đó phải vận dụng trí nhớ dựa vào Mười điều răn tự soi xét xem mình giữ tốt được điều nào, điều nào sai phạm  cùng mức độ sai phạm để xưng tội với linh mục. Tuỳ theo tính chất của tội lỗi mà linh mục buộc kẻ đó phải đọc kinh lần hạt bao nhiêu lần và kéo dài bao nhiêu ngày để chuộc tội. Và được chịu lễ - nhận bánh thánh trên đầu lưỡi – từ tay linh mục ban vào lúc cuối các lễ hằng ngày ở nhà thờ. Khoảng mười ba tuổi, tín đồ được chịu phép bí tích thứ ba, là Phép thêm sức củng cố lòng tin. Đến tuổi trưởng thành lấy vợ lấy chồng, thì cả đôi vợ chồng đó cùng chịu phép bí tích thứ tư, là Phép hôn phối. Cuộc đời tín đồ ngắn hay dài tuỳ theo sức khoẻ hoặc may rủi, chỉ biết vào phút lâm chung, kẻ đó phải chịu phép bí tích thứ năm, là Phép xức dầu thánh và giải tội lần cuối. Khi qua đời tín đồ chịu một phép bí tích cuối cùng, là Phép xác. Vậy là từ khi biết thở cho tới khi tắt thở, tín đồ đạo Thiên Chúa phải chịu sáu phép bí tích cả thảy. Hội Thánh đặt ra lề luật ấy chính là buộc loài người vào  khuôn phép kể từ khi tổ tông ta làm Đức Chúa Trời nổi giận tống phạt loài người xuống dưới trần gian này. Loài người ngày nay phải liên đới gánh chịu tội lỗi từ thời Adam – Eva. Tội đó gọi là tội tổ tông truyền.
                                                            *
       Nếu trách thì trách tổ tông ta. Là ông Adam và bà Eva. Khi tạo ra ông bà - tiền thân của loài người - Đức Chúa Trời đã ban cho ông bà một Địa Đàng mà ở đó sản vật đầy ắp, không phải lao động cũng có ăn. Ở nơi ấy, không có cây hoang cỏ dại, không có thú dữ côn trùng độc hại. Muông chim cầm thú sống êm đềm cùng hoa lá tươi tốt quanh năm. Khí hậu chỉ một mùa mát mẻ dịu êm đến nỗi Adam - Eva ở trần truồng suốt. Đức Chúa Trời gọi đó là Thiên Đường cực lạc. Sản vật nơi Thiên Đường Chúa Trời ban cho ông bà được dùng tất thảy, trừ một cây “ Trái Cấm” thì quả của nó ông bà không được ăn. Cái tên “ Trái Cấm” đã nhắc nhở điều đó. Chúa sẽ phạt tội rất nặng nếu không vâng lời. Adam và Eva vốn dĩ hiền lành “ nhân chi sơ tính bản thiện” không một chút thắc mắc. Nhưng Quỷ Sa Tăng thì luôn tìm mọi cách phá hoại sự tôn nghiêm của Chúa Trời, chia rẽ Chúa và loài người. Chúa Trời là chúa của muôn loài Quỷ Sa Tăng không thể làm gì  được,  Quỷ  bèn “ chọc ngoáy” thông qua Adam – Eva.
       Vào một buổi sáng như thường ngày, Adam đi tập thể dục dưỡng sinh phía bên kia Thiên Thuỷ Hồ. Eva đã mang thai tháng thứ hai, Adam bảo bà không nên nhún nhẩy mạnh, mà nằm nghỉ, nghỉ ở dưới gốc cây “ Trái Cấm”. Qủa cây “ Trái Cấm” vào độ chín mọng toả hương dịu ngọt nồng nàn phủ thơm cả một vùng không gian vườn Địa Đàng. Eva nằm ngửa tênh hênh, ngước mắt lên ngắm chùm “ Trái Cấm” chín đỏ, lung linh rung rinh dưới tán cây xanh loé sáng ánh mặt trời. Vườn Địa Đàng khi nào cũng nên thơ thế cả.
       Cơ hội tuyệt vời cho Quỷ Sa Tăng. Hiện dưới hình một con rắn, Quỷ cuốn đuôi vào cành cây, thả mình xuống nơi Eva nằm, tươi cười thè thè cái lưỡi ngúng nguẩy:
       - Chào Eva! Bà không khoẻ ư?
       Đức Chúa Trời cũng đã cảnh báo tính cách xảo trá của Quỷ. Vậy bà sẽ xem xem hôm nay Quỷ diễn trò gì đây. Eva điềm tĩnh:
       - Vâng. Cũng thường thôi.
       Quỷ Sa Tăng ngắt một quả  “ Trái Cấm” đưa cho Eva:
       - Bà dùng cho mát. Sẽ khoẻ ngay.
       - Ấy đừng. Chúa cấm.
       Quỷ õng ẹo nói với Eva:
       - Hẳn Eva không biết vì sao Chúa Trời lại cấm ông bà ăn quả “ Trái Cấm”? Ăn “ Trái Cấm” ông bà sẽ có quyền năng hơn Chúa.
       - Quỷ đừng hòng cám đỗ ta. Không mắc lừa đâu! – Bà nói.
       - Eva cứ nghĩ kỹ đi. Cùng sống nơi Địa Đàng mà ông bà có quyền hành gì đâu. Lại ở dưới cả Chúa Con và Thánh Thần.
       Eva nhận quả “ Trái Cấm” từ tay Quỷ, vẫn nằm. Quả có thế. Đức Chúa Trời có ba ngôi: Ngôi nhất là Cha, ngôi hai là Con, ngôi ba là Thánh Thần.
       - “ Trái Cấm”. Quyền năng. Thật thế không?- Eva hỏi lại quỷ.
       Quỷ Sa Tăng cười:
       - Chắc chắn rồi. Bà ăn ngay đi rồi chờ xem, kẻo…
       Quỷ chào Eva và biến mất vào lùm cây.
       Eva nghĩ, mình là cái xương sườn cụt của Adam. Anh ấy mà có quyền năng trên cả Đức Chúa Trời, nghĩa là mình và anh ấy sẽ không còn là dân nữa. Mà ta lại sắp có con…
       Eva ngồi dậy, bẻ đôi quả “ Trái Cấm” đưa vào miệng ăn một nửa, nửa kia phần cho Adam. Nuốt xong, bỗng nhiên bà thấy mình biết xấu hổ, và nhận thức được mình đang ở truồng, liền chạy vội ra giàn vạn liên thanh bứt một đoạn dài quấn quanh háng và mông, ngắt hai chiếc lá nho rồi lấy dây vòng qua cổ treo chúng buông thả xuống che hai gò vú.
       Adam về, thấy vợ quấn lá quanh người thì phì cười. Eva kể lại đầu đuôi câu chuyện cho Adam nghe, và đưa nửa quả “Trái Cấm” còn lại cho chồng. Nể vợ quá, không dám trách cứ, càng không thể to tiếng, “ Ta đã tạo ra Eva từ chiếc xương sườn cụt của con”- Chúa đã dặn thế - “ là chính thân thể của con đấy!”. Nghĩ vậy, Adam ăn “ Trái Cấm”. Nuốt tới giữa chừng cuống họng thì nó mắc lại, khạc ra không được. Adam sờ tay lên cổ, ở đó đã trồi ra thành cái yết hầu. Lại đến lần Adam biết xấu hổ khi nhận ra mình cũng đang ở truồng. Ông cũng vội chạy ra giàn vạn liên thanh ngắt mấy đoạn dây quấn quanh háng và hông như Eva.
       Cả hai hối hận nhưng đã muộn. Không còn cách nào khác là cùng nhau đến nơi Chúa Trời ngự xin nhận tội.
       “Đây là sự thử thách lòng tin của Thiên Chúa với loài người”. Đức Chúa Trời nói vậy. Và Adam – Eva chịu hình phạt bị đầy xuống trần gian, phải lao động mới có ăn. “ Sướng không biết đường sướng!”
       Hỡi tổ tông của loài người! Adam – Eva, các cụ có lường trước được hệ luỵ này, sáu tỷ con- cháu- chắt- chút- chít…hậu duệ của các cụ ngày nay đang phải lao động toé khói phấn đấu cật lực, để nuôi một mơ ước được sống trong một Thế giới Đại đồng như Thiên Đường mà các cụ đã có trong tay từ Chúa ban? Bây giờ chúng con phải sống trong bí tích. Mà phép bí tích đầu đời phải chịu lại là Phép rửa tội Tổ tông truyền do hai cụ để lại!
                                                           *
       “ Adam không có tội!”. Đó là lời thanh minh được viết trong bài tham luận tại cuộc Hội thảo “ Phúc âm Thiên Chúa giáo trong Cộng đồng tôn giáo Việt Nam” của Thạc sĩ thần học Nghiêm Đa Nguyên. Tham luận của Thạc sĩ Nghiêm lạ lẫm về triết luận, táo tợn trong tư duy tới mức khiến cử toạ ngỡ ngàng khi anh đặt vấn đề: “ Nếu như Adam – Eva không mắc tội ăn “ Trái Cấm” để rồi bị Đức Chúa Trời đầy xuống trần gian này, thì loài người đâu có cơ hội lao động và lao động sáng tạo, làm nên một nền văn minh nhân loại siêu việt như ngày nay, và còn đang tiếp tục sáng tạo hơn thế nữa. Nếu như Adam – Eva không ăn “ Trái Cấm”, thì có thể quả quyết rằng, đến bây giờ loài người sống trên Địa Đàng vẫn là loài động vật đần độn ngu si chỉ biết ăn bám ăn sẵn sản vật Chúa Trời ban. Chẳng có một thứ gì dù là bé tí tẹo do chính mình tạo ra.”
       Chàng Thạc sĩ họ Nghiêm còn lãng mạn nhìn nhận các phép bí tích Thiên Chúa giáo thuộc phạm trù tư duy tích cực. Các phép bí tích ấy là hành lang giáo ước trong tâm thế giáo hữu tuân thủ Mười điều răn của đạo Chúa. Mà mười điều răn ấy chỉ có ba điều đầu dành cho việc kính Chúa, còn bảy điều sau dành cho việc hiếu thảo với mẹ cha, chung thuỷ với vợ chồng, thương yêu loài người như mình vậy.
       Dù thế nào đi nữa thì tham luận của Thạc sĩ Nghiêm Đa Nguyên đã thức tỉnh những ai bấy lâu luôn nhìn nhận các truyền thuyết tôn giáo như một trò lừa dối ma mị. Cử toạ còn ngờ rằng chàng thạc sĩ am tường giáo lý và phúc âm Thiên Chúa giáo đến vậy hẳn anh xuất thân từ một gia đình có đạo gốc, ở một xứ đạo toàn tòng!
       Không phải thế. Chàng Thạc sĩ họ Nghiêm là bổn đạo mới, rất mới, làm chiên Chúa được hai năm nay. Anh quyết định theo đạo để được cưới cô gái hát Thánh ca trong nhà thờ xứ đạo Gíap Nhân, nơi anh đang tá túc tiếp tục nghiên cứu đề tài thần học cho chương trình luận án Tiến sĩ. Thật lãng mạn.
       Cô gái hát Thánh ca ấy xuất hiện như một thiên thần trong một buổi lễ đồng tế. Cô vận bộ đồ dài lụa trắng nõn nà, tóc buông sóng quá vai, thân hình thanh mảnh đứng trên bao-lơn hát. Giai điệu Thánh ca mượt mà uyển chuyển lại díu dắt qua âm giai giọng cô vút lên trên nền âm nhạc trầm mặc du dương của đàn óoc. Cô hát, khẩu hình cứ dẻo tròn như ca sĩ từ nhạc viện. Chàng thạc sĩ kín đáo  dùng máy ảnh ghi lại gương mặt thánh thiện ấy vào thời khắc mà anh cho là cô xinh đẹp nhất. Anh đã từng nghe nói, con gái Thiên Chúa giáo thường có gương mặt trái xoan, sống mũi dọc dừa, đôi mắt thẳm sâu mà sáng ẩn dưới hàng mi cong cong, một gương mặt đẹp hiền thục và nhân hậu như gương mặt Đức Mẹ trong tranh Thánh. Vì người mẹ mang thai hằng ngày cầu nguyện và ngắm nhìn ảnh Đức Mẹ đồng trinh treo trên ban thờ đã in sâu hình ảnh đó trong tâm khảm người mẹ, và thai nhi thụ hưởng hình ảnh xinh đẹp. Chàng thạc sĩ nhận ra cô gái hát Thánh ca như một bản sao bức hoạ Đức Mẹ của Raphael. Bức hình anh chụp cô gái hát Thánh ca đã là món quà tặng để anh có cơ hội làm quen với cô. Cô tên là Hằng. Tình yêu của anh với Hằng cứ như được bề trên lập trình sẵn. Hằng là bổn đạo gốc. Nhà ở phố Nhà Chung. Cách phố nhà anh ở hai con phố. Anh của Hằng lại là bạn học cũ của linh mục chánh xứ Gíap Nhân – Cha Giuse Trinh. Hằng đang là thực tập sinh của một trường phổ thông trung học gần nhà xứ. Cha chánh xứ giao cho Hằng quản giáo ban nữ ca nhà thờ xứ. Những tiền đề thuận lợi như vậy đã trải rộng cơ hội cho chàng thạc sĩ đến với Hằng mà không có một ngăn trở nào, ngoài việc anh không phải là tín đồ đạo Thiên Chúa. Giuse Trinh tủm tỉm cười bảo anh “ Cửa ải ấy có gì lớn lao? Con theo đạo đi!”
       Quan hệ giữa anh và cha Trinh rất thân tình. Theo cách xếp loại của anh, thì cha Trinh thuộc lớp linh mục hậu Công đồng Vaticant II, mà tinh thần của Công đồng này là cách tân Gíao hội cho phù hợp với tốc độ tiến bộ xã hội hiện đại. Giuse Trinh có đầu óc hoà hợp giữa đạo và đời, giữa Công giáo và dân tộc, kiến thức của cha rất thông tuệ. Còn cha, cũng thấy cách tiếp cận tri thức tôn giáo của chàng thạc sĩ độc đáo và thú vị, nên cha hết lòng giúp đỡ, cung cấp nhiều tư liệu về giáo lý, kinh thánh, phúc âm, cựu ước, tân ước..., thậm chí cha còn xếp sắp cho anh ăn ở tại nhà phòng như khách của nhà xứ. Hằng cũng cảm nhận về chàng giống như cha chánh xứ vậy.
       Trong thời gian đi thực tế tại đây, chàng học giả trẻ tuổi từ yêu thích đến đam mê và khám phá ra một cấu trúc khoa học truyền giáo, phương thức cộng cảm phát động tính nhân văn của tín đồ đan xen tự giác và thần quyền. Đặc biệt là nó đã tạo dựng nên được hệ thống nghi thức văn hoá hành lễ quyến rũ và thuyết phục, nghiêm trang mà cũng thời trang.
       Thạc sĩ Nghiêm Đa Nguyên quyết định ra nhập cộng đồng chiên Chúa. Anh cần trải qua chịu phép bí tích thứ nhất: Phép rửa tội. Khác với những trẻ mới chào đời được người đỡ đầu ẵm trên đôi tay, và khi linh mục làm dấu thánh bằng nước tro phía trên trán nơi đó còn lơ thơ tóc tơ mềm, đứa trẻ có thể quẫy lên một cái vì nước lạnh. Còn anh, phải quỳ, nơi làm dấu thánh tóc đã dầy và xanh, rẽ ngôi chải mượt xịt gôm, và anh mỉm cười cảm nhận niềm vinh hạnh được là chiên Chúa ở tuổi hai mươi tám. Linh mục đặt tên thánh cho anh là Phero. Nghĩa là đá. Rồi sau đó anh chịu phép bí tích thứ hai: Xưng tội lần đầu. Linh mục cảm thông với bổn đạo mới, đã giải tội “ trọn gói” tội của hai mươi năm kể từ khi anh có trí khôn khoảng tám tuổi. Vì cha chánh xứ tin ở con người này không thể mắc tội trọng.
       Suốt đời Thạc sĩ Nghiêm Đa Nguyên sẽ không quên phép bí tích thứ ba mà anh và Hằng cùng chịu: Phép hôn phối. Trong trang phục lễ cưới trang trọng xung quanh đầy hoa và giáo hữu họ hàng thân quen cùng dự, linh mục ở cương vị thay mặt Chúa Kito giơ tay lên làm dấu thánh, rồi hỏi rành rẽ:
       - Phero Nguyên, con có bằng lòng lấy Anna Hằng làm vợ không?
       - Con có. Thưa cha!
       Linh mục lại hỏi:
       - Còn Anna Hằng, con có bằng lòng lấy Phero Nguyên làm chồng không?
       - Thưa cha, con bằng lòng!
       Phero Nguyên cầm và nâng tay vợ lên rồi lồng chiếc nhẫn cưới vào ngón tay bên của vợ. Bốn bàn tay chồng lên nhau. Linh mục làm dấu thánh, vẩy nước thánh và xức khói trầm hương thiêng liêng cho bốn bàn tay đó:
       - Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Cầu Chúa nhân từ ban phước lành cho các con. Chúa đã kết hợp hai chúng con làm một. Từ lúc này đây các con đã là vợ chồng. Các con phải thương yêu nhau và chung thuỷ. Không gì có thể chia tách các con. Không gì có thể chia lìa các con khỏi Chúa quyền năng và nhân hậu. Hãy tránh xa những cám dỗ đời thường. Hãy giúp nhau trong mọi nhẽ mọi lúc mọi nơi vững tin nơi Chúa và sống hạnh phúc trọn đời. Amen!
                                                           *
       Anna Hằng đã sinh cho Phero Nguyên một bé trai kháu khỉnh. Đón vợ ở bệnh viện, anh mang hoa và ẵm con vào ngực hôn tíu tít lên trán và đôi má bầu bĩnh của nó, rồi nịnh hở: “ Ôi chàng trai. Bản photo coppy của mẹ Hằng đây!”
       Hai vợ chồng đặt tên cho bé là Nghiêm Khôi Nguyên. Cả hai thống nhất đợi khi trời ấm lên sẽ đưa bé xuống xứ Gíap Nhân để linh mục Trinh rửa tội.
       Linh mục Trinh vui mừng đón tiếp hai người vốn có những ngày bên nhau thân thiết, bằng rượu nho và bánh quy. Chàng Thạc sĩ khoe với cha chánh xứ:
       - Hai năm ở xa cha, con đã làm được vài ba việc có ý nghĩa xin được chia sẻ cùng cha. Con đã hoàn thành chương trình nghiên cứu học vị Tiến sĩ về thần học mà cha đã biết. Là một trong nhóm tác giả xây dựng được phòng trưng bày “ Sống trong bí  tích” thuộc Bảo tàng Dân tộc. Và ở Hội thảo về Phúc âm đạo Chúa, con có tham luận mang tính triết luận có hơi “ sốc”cho rằng  Adam không có tội như ta nghĩ. Adam - Eva có công giải cứu cho hậu duệ của mình thoát khỏi lệ thuộc, tự do sáng tạo nên một cuộc sống riêng cho loài người. Các thế hệ con cháu cụ càng về sau càng thông minh tài trí siêu đẳng, xây dựng hẳn một thế giới công nghệ cao đầy quyền năng mang tham vọng chinh phục cả vũ trụ. Còn đây, bé Nghiêm Khôi Nguyên được sinh ra từ tình yêu trần thế, xin được cha rửa tội tổ tông truyền.
      Cha Trinh cười hào sảng: “ Con vừa nói Adam không có tội cơ mà!”. Rồi cha quay sang nhìn Hằng: “Đúng không?”
       Chàng Thạc sĩ còn cười to hơn:
       - Vâng thưa cha! Chúa Giesu là nhà cách mạng ái hữu. Nhưng ở thời loài người còn mông muội Giesu phải tô vẽ màu sắc thần quyền cho học thuyết của mình. Con không tin là có Thiên Đường cực lạc. Nhưng nó lại là cõi mộng mơ cho loài người nỗ lực hoàn thiện nhân cách sống. Vậy thì, cháu Nghiêm Khôi Nguyên của con được sống trong bí tích, hẳn sẽ tốt hơn là sống ngoài bí tích. Con nghĩ thế có đúng không thưa cha?
       Cha Trinh nhìn chàng thạc sĩ như thấu suốt khối óc mẫn tiệp của anh:
       - Amen! Sao con không phấn đấu để là một chính khách? Hoặc trở thành nhà báo hoặc nhà truyền giáo thì tốt cho đạo Chúa biết mấy? Nhưng cha cũng thấy ngôn luận đó rất gần với điệu ngữ dỗ dụ của Quỷ Sa Tăng!
       - Giesu ma lạy Chúa con! - Hằng giật thót người khi nghe tới Quỷ Sa Tăng. Nhưng lại yên tâm ngay khi thấy cả cha xứ và chồng mình cùng cười bình an.
       Buổi chiều. Là lễ rửa tội cho bé Nghiêm Khôi Nguyên. Bé nằm ngửa trên đôi tay bà ngoại - một bổn đạo gốc. Gương mặt bé xinh tươi đăm đăm nhìn linh mục Trinh oai nghiêm trong tấm áo lễ vuông to dát bạc và  kim tuyến ngời sáng lấp lánh dưới ánh điện và nến. Khi linh mục cầu kinh và dùng ngón tay cái đã nhấn vào nước tro thơm làm dấu thánh phía trên trán nó, nó nhún nhẩy chân và tay líu ríu và cười toe toét sung sướng tưởng như được linh mục Trinh cù đùa với nó vậy.
 
  3 - 2009