Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn Hoàng Minh Tường: Người viết dễ trở thành đồng loã với cái ác, nếu chỉ tâng bốc, tô hồng cuộc sống

Võ Thị Xuân Hà thực hiện
Thứ ba ngày 23 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

hspace=20 

Đầu năm 2005, nhà văn Hoàng Minh Tường đã cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết Ngư phủ, một tiếp nối trong bộ tiểu thuyết Gia phả của đất. Bạn đọc đã từng có ấn tượng sâu sắc ở cuốn thứ nhất trong bộ về một thế giới Thuỷ hoả đạo tặc, tiếp đến cuốn thứ hai là Đồng sau bão. Sau Ngư phủ, tiểu thuyết Hoàng Minh Tường hoặc sẽ sáng chói, hoặc có thể bị lu mờ. Nhất là cuốn tiểu thuyết mới gần đây: Thời của thánh thần.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà có cuộc trò chuyện với Hoàng Minh Tường để bạn đọc hiểu thêm góc nhìn của nhà văn.
               .


1. Giữa phố phường nhộn nhạo và bụi bặm, tại sao anh lại chọn một lăng kính đậm màu thôn dã, như Thủy hỏa đạo tặc, Ngư phủ … và gần đây nhất là Thời của thánh thần?

*Tôi thuộc cái tạng người dù có comple cravat, cổ cồn áo trắng, giày giôn đen bóng... cũng không thể đóng được vai thị thành hay trí thức . Cái máu nhà quê nó ngấm vào hồn vía rồi. Giống như anh giáo Thứ của nhà văn Nam Cao, dù có lên tỉnh mở trường dạy học, tiếp xúc với đủ hạng người bợm bãi, thập thành, thì đêm đêm vẫn cứ phải bầu bạn với lão Hạc, với Chí Phèo và Thị Nở. Thôn quê vẫn luôn ám ảnh tôi, phủ lên tôi một thứ ánh sáng, một trường lực khiến tôi không thể thoát ra được. Vì thế, những năm công tác ở ngành thuỷ sản( 2000-2004), hễ có dịp là tôi lại đi lang thang đến những làng chài ven biển. Tất nhiên là tôi đã đi dọc phá Tam Giang, đầm Cầu Hai của Thừa Thiên Huế. Đã được sống những ngày cực nhọc vất vả của các làng chài. Ngư dân thực chất chính là người nông dân làm nghề cá. Và những làng chài, những thân phận ngư phủ nổi lênh đó khiến tôi nhận ra rằng họ là một phiên bản của những người trồng lúa. Khác chăng là họ phải đối mặt với một thiên nhiên nghiệt ngã và dữ dội, khốc liệt hơn nhiều trong cuộc mưu sinh...

Từ giã ngành thuỷ sản để về Hội Nhà văn, tôi có dịp trở lại nhiều hơn với làng quê. Và thế là cái chất quê mùa lại hiện về. Tôi bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết mới. Tiểu thuyết “Thời của Thánh Thần”.

2. Hình như thoạt đầu cuốn tiểu thuyết không có tên gọi như vậy?

       - Vâng. Tôi đặt tên là Tốt sang sông. Với ý tưởng: mấy mươi năm qua, những người lính-nông dân chúng ta làm một cuộc cách mạng long trời lở đất. Ví như một cuộc cờ thế sự mà những con tốt là những người nông dân. Họ đã sang sông (sang hà) và thừa thắng xốc tới, trở thành xe, pháo, mã, tiến thẳng vào cung bắt Tướng. Đến khi biên tập, nhà văn Nguyễn Khắc Trường bảo với tôi rằng nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã từng có cuốn tiểu thuyết “Khi con tốt sang sông” in ở NXB Quân Đội Nhân dân  hơn chục năm trước. Thế là tôi phát hoảng, vội đổi tên là “Thời của Thánh Thần”. Nhiều người khen cái tựa đề mới này. Thực ra đó là tên tập thơ của nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ, nhân vật chính trong tác phẩm. Đó là một thời kỳ mà cả dân tộc Việt Nam ta sống như trong huyền thoại, như trong truyền thuyết. Tất thảy mäi người đều như nhập đồng, thăng hoa...Bây giờ nhiều người trong cuộc nhớ lại cái thời lãng mạn ấy mà vẫn không khỏi bàng hoàng. Bởi nó, quyết liệt qóa, hào sảng quá, thơ mộng quá mà cũng gian khổ quá, dữ dội quá,...Thế hệ trẻ hôm nay không thể hiểu cha ông mình đã trải qua nửa phần sau của thế kỷ XX như thế nào đâu. Chỉ có thể nói đó là thời của Thánh Thần. Cả dân tộc sống trong ánh sáng của lý tưởng, âm hưởng của tráng ca, ám thị tôn giáo, đời sống chiến trận...

 3. Tôi đã nhận ra cái không khí “Thời của Thánh Thần” ngay từ Thuỷ Hoả Đạo Tặc, Đồng sau bão. Ngay cả trong Ngư Phủ, trường nhân vật của anh vẫn là những con người lý tưởng. Đọc Ngư Phủ , thấy nhân vật lão Đàm như có họ hàng với ông Điền bí  thư chi bộ trong Thuỷ hoả đạo tặc và Đồng sau bão.Và cả ông Cử Phúc trong Thời của Thánh Thần nữa. Phải chăng đó là mối liên kết mà tác gỉa đã ngầm nối giữa những sáng tác của mình?

*Cũng có thể gọi đó là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại của tác giả với các nhân vật . Viết Ngư Phủ, tôi đưa sex vào như một thử nghiệm.Tôi tự coi Ngư phủ như tập ba trong bộ tiểu thuyết Gia phả của đất, mà tập một là Thuỷ hoả đạo tặc, tập hai là Đồng sau bão. Vũ Trọng Lịch và Duyên, những nhân vật của Ngư phủ có họ hàng rất gần với Thanh và Vy trong Gia phả của đất. Họ là những người thừa sự thông minh dũng cảm, lòng nhân hậu vị tha, vậy mà cuối cùng họ vẫn không thắng nổi cái ác, thói ti tiện, vô nhân...

4. Đọc anh, thấy rõ tính nhân bản vẫn là một yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm. Nhưng ngược lại, sự bặm trợn, thô thiển đến thô tục, nhân cách méo mó - thể hiện trong một số nhân vật của tiểu thuyết Hoàng Minh Tường có một dấu ấn rất riêng biệt, khiến người đọc nhiều khi cảm thấy hụt hẫng mất phương hướng, hay đóng hơn là mất niềm tin giữa cuộc sống đầy rẫy bất an. Anh định đưa ra thông điệp gì? Hay chính anh cũng đang muốn hỏi người đọc một thông điệp đáng sợ nào đó?

         *Tôi sợ câu hỏi của người phỏng vấn. Chị đã đi guốc vào bụng tôi rồi. Tôi chẳng có thông điệp gì đưa tới người đọc mà chính tôi đang muốn hỏi người đọc. Tôi chỉ biết cảm nhận và trình bày cuộc sống đầy rẫy những bất an. Mà chị thấy đấy, nhà tiểu thuyết có phải bịa một tẹo nào đâu, bản thân cuộc đời nó đã phơi bày hết cả rồi. Trong tiểu thuyết Ngư Phủ, tôi làm sao bịa ra được những nghĩa địa tàu, “ sản phẩm” của cuộc đầu tư ồ ạt nhằm tăng nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ, vẫn đang nằm chềnh hềnh ở nhiều cảng cá từ nam chí bắc; làm sao mà dám vu cho bọn thuỷ tặc dùng mìn, dùng kích điện và đủ mọi thủ đoạn, đang hằng ngày tàn sát ngư trường, phá hoại môi sinh? Hay trong tiểu thuyết Thời của Thánh Thần, tôi làm sao bịa ra nổi không khí đấu tố thời Cải cách ruộng đất, cảnh Trương Phiên định chôn sống các chiến sĩ giải phóng tại mặt trận An Lộc? Người viết sẽ dễ trở thành đồng loã với cái ác nếu chỉ tâng bốc, tô hồng cuộc sống. Đọc lại mình, nhiều khi chính tôi cũng thấy “ sự bặm trợn, thô thiển đến thô tục”. Tôi như hoá thân trong cái lão chủ nhiệm dỏm Lưu sáu ngón, cái gã đĩ đực, thớ lợ và đểu giả Lưu cá ngựa...(trong Ngư Phủ), gã Phèng Cửu Tựu, Trương Phiên ( trong Thời của Thánh Thần), để trình bày với độc giả...
Nhân đây xin nói thêm một chút về “ Thời của Thánh Thần ”.Có người bảo tôi có cái nhìn đen tối, u ám về cách mạng. Đó là một cách nghĩ khiến cho văn học của chúng ta lâm vào căn bệnh tô hồng, văn chương rơi vào minh hoạ thô thiển, nhiều nhà văn, chục năm sau đọc lại mình cũng thấy ngượng, thấy chán chính mình. Ở tiểu thuyết này, tôi muốn tự lột trần mình, bắt chính mình phải trung thực với từng trang viết. Tôi muốn các nhân vật của mình đi lại con đường đầy rẫy những chông gai, thấm đẫm máu và nước mắt, trước khi họ trở thành thánh thần hay ác quỷ. Bởi họ sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không trở thành một mẫu hình hay một ám ảnh để giúp độc giả nhận ra chính mình... 

5. Anh có tự coi những nhân vật phản diện của anh là rất sống động...

* Tức là các nhân vật phản diện của tôi thành công? Tôi làm cho họ hoang mang, “nhiều khi cảm thấy hụt hẫng mất phương hướng”, “mất niềm tin giữa cuộc sống đầy rẫy bất an” như chị nói. Mấy người bạn học phổ thong với tôi khi được tôi tặng Ngư Phủ đã bảo rằng“ không dám cho con cái mới lớn đọc”. Hãi đến thế kia đấy. Nhưng cấm làm sao được độc giả, khi báo chí hằng ngày đầy rẫy những vụ án, sự đểu giả; để tuyên truyền, quảng bá, để cảnh báo, để thức tỉnh lương tri... Hay nói như chị là tôi “đang muốn hỏi người đọc một thông điệp đáng sợ nào đó”.
Riêng với Thời của Thánh Thần, thì các nhân vật phản diện của tôi đều bị cả ta và “địch” phản đối kịch liệt. Ngay ở Hội Nhà văn, nơi tập trung những gương mặt được coi là sáng giá nhất của nền văn học, khi họp thẩm định, có người bảo rằng , tại sao một nhà xuất bản quan trọng như NXB Hội Nhà văn mà lại để “lọt” một tác phẩm đen tối như Thời của Thánh Thần , rằng nhiều nhân vật ác ý , ám chỉ, như Tư Vuông, Chiến Thắng Lợi chẳng hạn. Rồi cả tác phẩm là một tập hợp hổ lốn, lắp ghép xô bồ từ cải cách ruộng đất, đến cải tạo tư sản, chống Nhân văn giai phẩm, chống xét lại. Rồi ngoặc sang di tản, hội nhập... Chỉ một cây bút kém cỏi  như Hoàng Minh Tường, thoái hóa biến chất, không lập trường tư tưởng mới viết như thế... Còn phía “ địch” cũng lên án tôi kịch liệt. Bạn tôi từ Canađa điện về nói, ông Tổng biên tập một tờ báo tiếng Việt ở Văngcuvơ phản đối kịch liệt việc tôi vu khống các nhà văn hải ngoại không kiếm sống nổi bằng ngòi bút mà kiếm tiền bằng trồng cần sa.  Một người bà con ở Califoocnia gọi điện về phản đối tôi xây dựng hình tượng nhân vật chuẩn tướng Trương Phiên. Ông ta không bao giờ tàn ác như thế. Không có tướng nguỵ nào nỡ mang máy ủi để cán đầu các chiến sỹ giải phóng như thế. Có nhà văn chỉ mặt tôi mà bảo rằng , tôi cóc hiểu gì về thuyền nhân và di tản, viết về di tản sai bét. Làm gì người mình lại ăn thịt nhau, người Việt mình dù chết cả tàu vẫn thương nhau lắm, vẫn cưu mang đùm bọc nhau đến hơi thở cuối cùng. Viết như thế là phỉ báng dân tộc... vv...

6. Thế còn nhân vật chính diện? Các nhân vật trong Thời của Thánh Thần đầy tính nhân văn, nhất là các nhân vật nữ. Tôi thật sự ấn tượng với nhân vật Đào Thị Cam .

* Nhiệm vụ của văn học là tôn vinh con người. Thực ra trong Thời của Thánh Thần, không có con người phản diện. Cũng như nhân loại, luôn có trong mỗi người phần ánh sáng và bóng tối. Tất cả các nhân vật đều được tôi chăm chút, nâng niu. Trong khi viết, tôi luôn nghĩ mình phải làm sao như người soi đèn ban đêm, phải bằng mọi cách chiếu rọi cho độc giả thấy phần ánh sáng phát ra trong mỗi nhân vật. Ông Tư Vuông, ông Chiến Thắng Lợi là người có cương vị trong cơ chế. Nhiệm vụ buộc họ phải bảo vệ cơ chế đến cùng. Trước việc xử lý Nguyễn Kỳ Vỹ, chính họ đã có lúc hoang mang. Họ dằn vặt đấu tranh giữa phép công, kỷ luật sắt của tổ chức, sự sống còn của quyền lực với tình người, quyền con người, quyền tự do sáng tạo của nghệ sỹ...Trong họ không hẳn là những hình nhân bằng thép của quyền lực, mà là những thân phận người trong chủ thuyết, trong guồng máy cơ chế... Về những nhân vật phụ nữ, thì đúng là tôi có dành rất nhiều ưu ái cho họ. Bà Cử Phúc, bà Ba Yên là những người mẹ mẫu mực. Chịu đựng. Nhân hậu. Vị Tha. Thuỷ chung nhất mực. Các bà con gái, con dâu của họ cũng vậy, những Đào Trinh Khiêm, Ma Thị Là, Bính, Nhi, Thuỳ Miên... đều mang đậm phẩm chất người phụ nữ Việt. Nhà văn Ma Văn Kháng khi đọc xong tác phẩm, gặp tôi, bảo : “Đào Thị Cam là người đẹp nhất trong Thời của Thánh Thần.” Đó là một lời khen và cũng là một nhận xét công bằng của một người sành nghề. Cam có một số phận đầy bi kịch, một cuộc đời không bình lặng, nhiều chói sáng, nhưng cũng lắm lẩn khuất, quanh co. Một chiến sỹ cách mạng kiên cường, một cán bộ phụ nữ tận tuỵ, mẫn cán, nhưng lại là người mẹ của hai đứa “con hoang” : Nguyễn Kỳ Quặc, con của đồn trưởng Tây lai Trương Phiên, sau này là chuẩn tướng quân đội Việt Nam Cộng hoà, và Nguyễn Kỳ Chu, con đẻ của đồng chí Chiến Thăng Lợi, một cán bộ cao cấp của cách mạng. Bi kịch này không hề cá biệt mà nó  hàm súc như một biểu tượng của thân phận người đàn bà Việt... Cách đây mấy hôm, gặp mét chị trong ban l•nh ®¹o NXB Phụ Nữ ở một tiệc cưới, chị nói đùa tôi: “Lẽ ra anh phải gửi bản thảo cho mét NXB phô n÷ ”. Đấy là một lời khem gián tiếp nhân vật Đào Thị Cam của tôi. Tôi còn biết thêm rằng, ngay khi sách còn đang ở tình trạng “phát hành chui”, các cán bộ ở khu Hàng Chuối của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã rủ nhau đi mua liền mấy chục cuốn. Hình như cái pha thủ dâm trong chùa khiến họ có vẻ bị xúc phạm. Họ tò mò xem tôi viết về phái nữ thế nào ...

7. Anh viết về sex có vẻ điệu nghệ lắm...Nhưng thôi. Gác chuyện ấy sang một bên, giờ ta nói chuyện đứng đắn...Với nhiệm vụ Phó Trưởng Ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, anh có suy nghĩ gì về  khuynh hướng sáng tác? Đưa ra công luận cuốn tiểu thuyết mới như Thời của th¸nh thần? hẳn anh có dụng ý?

*Tôi vốn đã có mười năm làm biên tập văn xuôi ở báo Văn Nghệ, và từ Hội Nhà văn đi làm báo ở ngành Du lịch, ngành Thuỷ sản đến tám năm. Được về Ban Sáng tác của Hội Nhà văn VN, tôi có cảm giác như người thợ cày được về với mảnh ruộng của mình. Một tờ báo khi biết tin tôi từ ngành thuỷ sản chuyển về Hội đã viết rằng tôi là con cò trở về vạt đất lành. Cũng đúng thôi. Có những mảnh đất ra đi rồi, chúng ta không muốn và không đáng quay trở lại. Nhưng với Hội Nhà văn thì đó là mảnh đất hứa của những người coi nghiệp văn chương là sự nghiệp của đời mình... Được công tác ở Hội rồi thì làm một nhà văn mới là quan trọng hơn mọi thứ chức tước.Trưởng hay phó ban sáng tác đâu có ý nghĩa lắm đối với nhà văn. Chúng tôi chẳng định hướng được gì cho ai cả. Mỗi nhà văn là một thế giới sáng tạo, họ góp vào dòng văn  học bởi cái riêng của mỗi người. Tôi có thể làm mọi thứ mà Hội yêu cầu để các nhà văn chúng ta có điều kiện sáng tác và có tác phẩm hay. Mà viết hay là điều khó nhất. Điều này thì không một ai có thể làm thay cho nhà văn cả...

Còn nếu nói tôi viết Thời của Thánh thần là muốn đưa ra gợi ý gì như chị nói, thì chính tôi cũng phát hoảng, như tôi và mấy vị ở NXB Hội nhà văn từng phát hoảng khi nhà chức trách có động thái lúc sách vừa in ra. Quả thực là một tác phẩm văn chương khi ra đời, nó không còn là của riêng người viết ra nó nữa.Nó có thể bị chối bỏ hoặc được chào đón. Chỉ cần một câu nói xúc phạm đến dân tộc của một vị giám mục, như trích dẫn trên báo chí hồi đầu tháng 9 vừa qua, đã khiến cả nước bừng bừng phẫn nộ. Huống như cả một cuốn sách Thời của Thánh Thần dày 650 trang. Độc giả đã đón nhận nó như đó chính là sản phẩm của họ, là tiếng đồng vọng của lương tâm và trách nhiệm của họ. Tiếc rằng tác giả và Nhà xuất bản không được giành quyền nối bản, mà phải nhường phần việc truyền bá tới bạn đọc cho những người in sách lậu...

8. Tôi đọc thÊy trên mạng Trannhuong.com, phần commens, có người viết Thời của Thánh Thần đã bị in lậu không dưới 30.000 bản, một con số kỷ lục...

* Chính tôi đã phải ra các hiệu sách phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Hà Nội mua nhiều lần những cuốn sách của tôi bị in giả ( không có bìa gấp có ảnh ký hoạ chân dung tác giả của hoạ sỹ Lê Lam và những dòng lạc khoản về tác giả; bìa láng trơn chứ không phải láng sần; giấy mỏng và xấu hơn...) để tặng bạn bè. Các chủ hiệu sách không hề biết tôi là tác giả, nên họ cứ mạnh tay chém đẹp. Tôi hỏi một thanh niên bán ở cửa hàng số 7 Đinh Lễ, cháu cho biết, cứ ba ngay bán hết 100 cuốn Thời của Thánh Thần...giả.

9. Sao anh không kêu cứu với Trung tâm bản quyền tác giả, với Bộ Văn hoá Thể thao và Du Lịch? Bộ Truyền thông và Tuyên truyền ?

         * Ai người ta giúp một tác giả “ có vấn đề” như tôi? Nhà thơ Đàm Thị Lam Luyến, giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Hội nhà văn, ái ngại cho tôi lắm, vì tôi là thành viên tham gia đăng ký bản quyền từ ngày đầu mà. Nhưng theo chị Luyến, không biết việc xử lý chuyện in lậu này thuuộc về Bộ VH-TT-DL hay Bộ TT-TT? Cả hai Bộ đều bảo đó không phải là việc của họ(!)

10. Có lẽ Thời của Thánh Thần vẫn chưa thuộc loại ấn phẩm chính thức được lưu hành, nên không thuộc thẩm quyền bảo hộ của Nhà nước ?

* Nếu chị hiểu như vậy, có lẽ đúng. Chính tôi cũng không biết sách của mình đã được lưu hành chính thống hay chưa? Bởi còn 91 cuốn sách bị thu hồi  tôi nộp NXB Hội Nhà Văn theo công văn của Cục Xuất bản Bộ Truyền thông và Tuyên truyền vẫn bị giam trong kho Nhà xuất bản. Tôi đề nghị với giám đốc Trung Trung Đỉnh, ông Đỉnh bảo, chưa có ý kiến của trên, cứ để ở kho đã. Lại nghe nãi tất cả  các báo chí đều từ chối đăng bài viết về Thời của Thanh Thần ( dù là lên án, phủ định nó). Tôi hoang mang lắm. Cứ nghĩ đến tựa đề cuốn tiểu thuyết mới của ông Trung Trung Đỉnh “ Chết khó hơn là sống ” để vận vào mình...

11. Anh đừng có vận vào mình. Cơ chế in ấn xuất bản giờ đã thoáng hơn trước nhiều. Thời của Thánh Thần của anh là một cuốn sách sẽ gây nhiều tranh cãi chứ không phải là một cuốn sách “đen”. Bằng chứng là không hề có một cấm đoán nào của cấp trên...
 
• Trò chuyện với chị thật nhẹ cả người. Tôi nhớ hồi cuốn sách đang là điểm nóng, bỗng tôi nhận đưîc cú điện thoại của nhà thơ Dương Thuấn. Thuấn thông báo với tôi: “ Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vừa điện cho em nói rằng ông vừa đi mua một cuốn, đọc không thấy việc gì phải cấm đoán. Ông điện cho Bộ trưởng Bộ TT-TT hỏi sao lại cấm? Bộ trưởng nói, có ai ký quyết định cấm gì đâu.” Ông Nguyễn Khoa Điềm từng giữ cương vị cao nhất về văn hóa tư tưởng, đâu có đùa? Những thông tin như thế làm mình nhẹ cả người. Những bộ óc lớn người ta thông thoáng hơn cánh nhà văn mình tưởng rất nhiều...

12. Nhưng sao các báo chí, các phương tiện thông tin tuyên truyền vẫn không dám đưa tin về Thời của Thánh Thần? Đến như trang Web chính thống duy nhất là Vietnamnet vừa có bài “ Thời của Thánh Thần, tiếng nổ của văn xuôi VN năm 2008”, năm ngày sau đã phải dỡ xuống? Thiên hạ nói rằng anh tự dựng lên màn kịch “ngừng phát hành” Thời của Thánh Thần để tự đánh bóng tên tuổi, vì đã lâu độc giả gần như quên Hoàng Minh Tường? Hay đó là cách để bán sách, vì hình như không có một đơn vị nào nhận in và phát hành cuốn này, và anh phải tự in, tự phát hành?


            * Đúng là có vấn đề về in ấn và phát hành. Từ khi viết văn tới giờ, tôi chưa bao giờ phải tự đi bán sách của mình. Thường thì  bản thảo vừa viết xong, đã có nhà xuất bản nhận in và phát hành. Ví như Ngư Phủ, tôi viết theo đơn đặt hàng của NXB Công an Nhân Dân. Sách của tôi không được vồ vập như nhiều nhà văn thời thượng, nhưng không hề thấy ế trên các giá sách phủ bụi. Lần này nếu NXB Hội Nhà văn nhận in và phát hành trọn gói thì phúc ( hay hoạ ) cho tôi quá. Hoặc là một ngàn cuốn đã bán hết veo, hoặc là Thời của Thánh Thần cho tới giờ vẫn nằm nguyên đai nguyên kiện trong kho NXB. Nhưng vì lâu nay NXB không có vốn. Ngoài những đầu sách được nhà nước đặt hàng, cấp tiền để in, hầu hết các tác giả phải tìm đối tác in và phát hành cho mình. Lần nµy thì tôi cực quá. Một vài đối tác vừa liếc qua vài chương đã lắc đầu. Họ muốn giữ cho niêu cơm của họ được an toàn. Dính vào Thời của Thánh Thần, sập tiệm như chơi. Rất may rồi tôi cũng tìm được người nhận phát hành giúp, khi Cục XB và NXB cấp giấy phép in... Chuyện in ấn khi đã có giấy phép, chẳng có gì khó khăn, nhưng khi có lệnh thu hồi thì gay go. Có vài người trong thiên hạ muốn đổ tiếng xấu cho tôi rằng dựng lên màn kịch để bán sách. Mét nhà văn cũng từng bêu xấu tôi như thế trên trang Web của Hội nhà văn ngày khai trương.Tôi làm sao dựng lên được màn kịch “ngừng phát hành”, nếu không có công văn số 1837/XB-QLXB ngày 22-8-2008 về việc “Tạm dừng phát hành cuốn Thời của Thánh Thần” do ông phó Cục trưởng Lý Bá Toàn ký. Vụ việc không chỉ đơn thuần là vi phạm hành chính như Quyết đÞnh xử phạt hành chính số 695/QĐ-XPHC ngày 29-8-2008 do Chánh thanh tra Bộ TT và TT Nguyễn Thanh Hải ký. Phaỉ đợi tới cuộc họp thượng đỉnh của nhóm chuyên gia Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ, Chủ tịch Hữu Thỉnh chủ trì ( mà trang Web Trannhuong. com đã tường thuật trong bài “ Mười lăm phút với nhà văn Nguyễn Khắc Trường” ngày 5-9-2008), bằng sự anh minh sáng suốt cũng như sự dũng cảm phi thường của chín nhà văn ( Hữu Thỉnh, Vũ Tú Nam, Nguyễn Trí Huân, Trần Đăng Khoa, Hồ Anh Thái, Trần Hữu Tòng, Lê Thành Nghị, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh), Thời của Thánh Thần mới thoát khỏi vòng lao lý... Việc Vietnamnét dỡ bài về Thời của Thánh Thần xuống, chắc là họ nhầm lẫn trong đánh giá. Chắc là cuốn sách dở. Không đáng được lăng xê như thế, nên toà soạn người ta rút lại. Chứ sách đã được mặc nhiên công nhận phát hành, đã cho bán lậu hàng vạn bản, thì đương nhiên có quyền giới thiệu phê bình, khen chê thoải mái chứ. Luật pháp đã cho phép thế rồi mà.Tôi đồ rằng không có ai viết bài cho cuốn sách, ngoài vài bài trên các trang web cá nhân, chứ nếu hay thì các báo đã đăng ầm ầm. Không nên trách các báo. Không chừng mình lại mắc mưu tâm lý chiến...Chao ơi, tự nhiên tôi bỗng nhớ tới câu thơ của nhà thơ Thanh Hải quê Thừa Thiên Huế mình, viết về cái chết của một anh hùng du kích : “Thằng này là cộng sản . Không được đứa nào chôn”...

.
13. Chúng ta đã trao đổi thẳng thắn về những vấn đề xung quanh Ngư phủ, Thủy hỏa đạo tặc, và Thời củaThánh Thần. Có phải anh thích dùng những danh động từ mạnh trong cách đặt tên tác phẩm để gây ấn tượng, mà thực chất cách chuyển tải vẫn là bình cũ rượu cũ?

         * Tên sách, cũng như tên người, tên đất...nó chính là một tín điệp nói với ta về chủ thể. Đôi khi tôi nghĩ ra tên sách rồi mới đặt bút viết. Ví như tên sách “Tốt sang sông”. Cảm hứng viết về cuộc cách mạng của nông dân đã thôi thúc tôi nhiều năm nay.Tôi tự thấy mình không có tài chơi ngôn từ như nhiều nhà văn khác, nên tôi viết văn như người chép sử. Đúng như chị nói bình cũ rượu cũ. Tôi quan niệm văn chương trọng cái tâm, cái tình, cái chân hơn là cái lạ. Tất nhiên có tài mà thêm cái lạ, cái độc đáo, thì còn gì bằng. Tôi muốn nương vào thời đại mình, nương vào những con người, những sự kiện mà mình đã chiêm nghiệm, nếm trải để viết, ngõ hÇu dựng lại một không khí, một lát cắt cuộc đời. Thực ra cuốn sách nếu giữ nguyên tên đầu “Tốt sang sông ”, cũng có dấu ấn riêng của nó. Cũng như “Thuỷ hoả đạo tặc”, thoạt đầu tôi đặt tên là “Vùng gió quẩn”. Cuốn sách này có một số phận long đong hơn cả Thời của Thánh Thần. Phải mười lăm năm chìm nổi nó mới được ra mắt độc giả.Tôi nhớ buổi trưa đầu hè trong trại sáng tác Vũng Tàu năm 1982 ấy, khi đọc xong bản thảo chép tay “ Vùng gió quẩn”, nhà văn Nguyễn Thành Long không kìm được cảm xúc, đến phòng, đập chân tôi khi tôi đang nằm ngủ mà rằng : “Tường ơi, em viết được lắm. Cứ như Tắt Đèn”. Vùng gió quẩn được hai nhà văn Tùng Điển và Cao Tiến Lê  biên tập, đáng lẽ ra đời năm 1986, nhưng sau đó vì có sự thay đổi lãnh đạo NXB Thanh Niên, ông Tạ Bảo từ Campuchia về thay ông Đỗ Thoan làm giám đốc. Do không ưa ông Đỗ Thoan, ông Tùng Điển , ông Bảo bỏ luôn Vùng gió quẩn. Mười năm sau, năm 1996, thấy cái tên gió quẩn sái quá, tôi phải đổi tên là Thuỷ Hoả Đạo Tặc, và nhờ một mạnh thường quân là Trưởng phòng phát hành sách Tổng công ty sách Trung ương Nguyễn Tiến Lộc bảo trợ, sách mới được NXB Văn Học cho ra mắt bạn đọc... Chị hãy tưởng tượng, nếu năm 1986, Thuỷ Hoả Đạo Tặc ra đời thì số phận tác giả của nó không biết thế nào? Với Thời của Thánh Thần đã là một môi trường xã hội kh¸c. Cởi mở và thông thoáng hơn nhiều. Văn học ngoài nhiệm vụ ngợi ca và xây dựng còn phải đảm lĩnh trọng trách phản biện xã hội. Cả khoá Quốc hội, ông nghị không nói một câu nào thì chỉ là ông nghị gật. Trong cả một đời văn mà  không viết được một dòng nào vÒ D©n téc, vÒ §Êt n­íc m×nh để người đọc tâm đắc thì bẻ bút đi còn hơn...

 14. Cám ơn những điều tâm sự chân thành của nhà văn. 

-Võ Thị Xuân  Hà ( thực hiện)-

**************************************************

Tiểu sử nhà văn Hoàng Minh Tường

-Quê Động Phí, Phương Tú, Ứng Hoà, Hà Tây.(Nay là Hà Nội)
-Cử nhân địa lý, Đại học Sư phạm Hà Nội 1970.
-Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1997 với tiểu thuyết Thuỷ hoả đạo tặc.
-Giải thưởng Văn học công nhân( 5 năm 1985-1990), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với tiểu thuyết “ Những người ở khác cung đường”.
-Từng làm Trưởng Ban Văn xuôi, báo Văn nghệ ( 1988-1998).
-Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Du lịch và Tạp chí Thuỷ sản.
-Hiện là Phó trưởng ban Sáng tác, Hội Nhà văn Việt Nam
-Các kịch bản phim truyện, phim video: “ Hà Nội mùa chim làm tổ”, “ Tình biển”...

Cập nhật ( 22/12/2008 )