Trang chủ » Truyện

LUẬT CHƠI

Đoàn Nhất Trí
Thứ tư ngày 30 tháng 9 năm 2009 9:06 AM
 
                           truyện ngắn
                    Cả nhà chỉ có một chiếc ti vi Nhật, cũ, 21 ing cho ba người. Ông bà Phúc mới về hưu. Cậu con trai vừa tốt nghiệp trường học nghề, làm ngoài, buổi đực buổi cái. Lương hưu của hai ông bà cộng lại chưa được hai triệu rưỡi. Đấy là nguồn sống chủ yếu của mọi người. Bà Phúc phải lo toan chèo khéo léo lắm mới giữ được cho con thuyền gia đình tồn tại trong thời buổi bão giá này, nói chi đến việc đổi đời hay mua thêm một chiếc ti vi mới. Nếu có tiền, ấy là nói thế chứ chắc chẳng bao giờ có, ông Phúc sẽ mua thêm một cái nữa. Cũ cũng được, mỗi phòng một cái. Ông sẽ giành cho bà hẳn một cái. Chiếc còn lại, cho ông và thằng con trai. Dù sao thì thị hiếu xem ti vi của ông và nó cũng gần nhau hơn. Dễ điều đình, thương lượng. Chứ thế này mãi...
                  Ông Phúc phải công nhận từ ngày cái anh truyền hình mở ra các tiết mục vui chơi giải trí trên đó, đã làm mê mệt không biết bao nhiêu khán giả cả nước. Nhất là đối với lớp trẻ và các bà phụ nữ. Họ đã dấy lên được một phong trào ăn:giải trí TH, nấu cơm: giải trí TH, bán hàng: giải trí TH. Cả ngủ cũng giải trí TH. Có người khó ngủ, cứ mở giải trí TH xem mãi cho đến ngủ thì thôi. Mặc người dẫn, người chơi, khán giả... trong đó hò hét đến khi nào thì đến. Có người còn ướcgiá đeo theo được cái ti vi bên người để cứ có trò chơi hay giải trí TH mở ra thì tốt biết mấy. Ông Phúc công nhận họ làm loại chương trình này rất giỏi. Ai xem cũng phải cười vui. Mọi âm thanh, ánh sáng, cử chỉ, hành động và tiền bạc trong các cuộc vui ấy đều vượt quá ngưỡng bình thường hàng nghìn lần. Người dẫn luôn có nụ cười trên khuôn mặt rạng rỡ. Giọng nói phải to, át được tiếng ồn đám đông, đồng thời phải sôi nổi, cuốn hút. Ăn mặc, cử chỉ phải ga lăng, đẹp mắt. Người chơi cũng phải dầy dạn thông minh không kém. Còn người xem hay còn gọi là khán giả phải biết vỗ tay khi có ai đó vỗ trước. Phải gào thật to khi có ai đó gào trước. Phải nhẩy, phải đung đưa, ngả nghiêng người như gặp bão cấp mười một mười hai. Đồng thời họ phải cầm cờ, cầm hoa, ăn mặc đồng phục...theo yêu cầu. Bởi vì trong trò chơi truyền hình, họ là người quan trọng nhất. Không có sự ủng hộ của họ, trò chơi mất vui.
               Cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, bà Phúc mê trò chơi truyền hình như điếu đổ. Cứ có điều kiện là bà không bỏ sót một hình thức chơi nào, từ đuổi hình bắt chữ, chiếc nón kì diệu, đường lên đỉnh Olempia đến ai là triệu phú, đoán giá đúng v.v... Xem các trò chơi ấy bà như hóa thân vào nó. Khi là khán giả, bà vỗ tay, cười nói hớn hở, sung sướng hoa chân, nhấp nhổm ngả nghiêng người tưởng đến đổ sập cái thân hình ục ịch trên sáu mươi cân xuống nền nhà. Lúc, bà tưởng mình là người đang dự thi, trả lời rất thông minh những câu hởi do người dẫn chương trình đặt ra và đạt được số điểm cao nhất. Bà mang về nhà khi chiếc xe máy sang trọng, lúc cái máy giặt đời mới hay cái điều hòa không khí Hitachi. Cũng có khi chỉ là tiền. Tiền rõ nhiều. Số tiền đó lên tới bốn nhăm hay năm mươi triệu đồng. Trong trí tưởng tượng của bà, những phần thưởng ấy, bà sẽ bày trí hay chi tiêu thật hợp lý trong gia đình. Bà như thấy mình giành được phần thưởng và vô cùng sung sướng. Cái cảm giác ấy nó khác xa, thậm trí đối nghịch với cái cảm giác xúi xó tủi hổ của người quá ít tiền xưa nay.
                 Trước một người " nghiện" trò chơi giải trí truyền hình như thế, ông Phúc nỡ nào tranh giành chiếc ti vi duy nhất của cả nhà với bà. Ăn ở với nhau, vợ chồng đầu gối tay ấp đã hơn bốn chục năm rồi, chả nhẽ, đến bây giờ chỉ vì chiếc ti vi mà phai tình nhạt nghĩa hay sao. Ông tự nhủ, tốt nhất là nhịn, nhường bà ấy cho cửa nhà êm ấm. Chờ cơ hội xem thằng con có làm ăn ổn định, nhất thiết ông sẽ cùng nó cóp nhặt sắm thêm chiếc ti vi thứ hai. Ông an ủi con trai:" Thôi con ạ, bố con mình nhường cho mẹ mày vui. Mẹ con chứ người ngoài đâu mà thiệt!" Cậu con nghe bố, không nói gì. Cho nên, ở nhà ông Phúc, tối đến, từ tám rưỡi trở đi đến mười rưỡi hay mười một giờ, trong khi bà Phúc bật xem các trò giải trí trên các kênh truyền hình thì cha con ông, mỗi người tự tìm cho mình cách giết thời gian khác nhau. Cậu con trai đi làm cả ngày mệt nên thường ngủ sớm cho khỏe. Cũng có khi cậu ta kiếm bạn ngồi tào lao trà thuốc, tán gẫu, chán rồi về chui vào giường nằm. Riêng ông Phúc, cái ngày bà mới chớm nghiện xem trò chơi này, ông còn cố gắng chịu đựng mọi thứ tiếng gào thét quá cỡ bằng cách lên giường nằm rồi để sát chếc đài du lịch vào một bên tai, vặn sao cho tiếng phát thanh thời sự át hẳn tiếng gào thét của chiếc ti vi dội vào. Tai kia, ông lấy bông nút lại. Nằm một chiều mãi mỏi, ông lại đổi vị trí của miếng bông và chiếc đài cho nhau. Thế nhưng, phương cách ấy cũng chỉ được một thời gian. Đâu như vài tháng. Bởi vì ông không thể tối nào cũng nằm thế được. Tuổi già, nằm mãi sinh mệt. Vả lại dẫu có nằm thế, cũng có lúc ông phải dậy đi giải, uống ngụm nước hay đi lại cho dãn gân cốt. Còn nhà đài, chả nhẽ, lúc nào người ta cũng đọc thời sự? Ông chỉ thích nghe thời sự, mọi thứ khác, ông chả thiết. Thế là, trong lòng ông Phúc, có một cái gì đó cứ ngày càng lớn lên. Đó là sự giận dữ. Một sự giận dữ vô cớ chẳng nhằm vào đâu. Giận bà thì chắc chắn không phải vì ông và cậu con đã thông tư tưởng rồi. Giận các trò giải trí, các anh dẫn chương trình, người chơi, khán giả? Cũng không phải nốt vì đấy là những trò chơi bổ ích, phát huy trí tuệ, gắn bó trong tinh thần tập thể...hàng vạn người xem cả nước cùng sướng vui , ủng hộ...Thôi, chẳng cần truy nguyên giận ai, chỉ cần tìm cách thoát ra khỏi tình huống chớ trêu này là được. Cuối cùng, ông cũng tìm ra cách là cứ mỗi khi bà Phúc ngồi vào chiếc ghế quen thuộc trước ti vi, ông lại đẩy cửa bước ra khỏi nhà. Khi thì ông tìm đến một nhà người bạn nào gần đấy giả vờ như tiện thể rẽ qua, ngồi chơi vì lâu nay không gặp. Khi, ông bịa ra cớ xem nhờ một bài báo nào đó trên tờ Nhân dân hay Quân đội để vào nhà một ông bạn khác, kà kê ngồi hút thuốc vặt. Chớ trêu thay, ông cũng chỉ có dăm người bạn như thế gần nhà. Chẳng lẽ, luân phiên nhau, cứ dăm hôm lại đến chơi một nhà. Thời gian ông ngồi chơi nào có phải ít, có gia đình người ta cũng muốn ngủ sớm...cuối cùng, ông nhận ra rằng, chỉ có cách đi bộ một đoạn độ dăm chục mét ra ghế đá vườn hoa cạnh bờ hồ gần đấy ngồi chơi hóng mát, khỏe người lại chẳng lệ thuộc vào ai là thượng sách. Vì thế, từ đấy trở đi, những người thường hay đi bộ quanh bờ hồ, những người bán nước, thuốc lá, trẻ đánh giầy...nghĩa là tất cả cư dân sống, hoạt động, vui chơi quanh bờ hồ này bắt đầu quen với sự có mặt của ông Phúc trên chiếc ghế đá quen thuộc cạnh lùm cây cảnh được cắt tỉa rất đẹp. Từ chiếc ghế đá này, ông Phúc thường ngồi nghĩ vẩn vơ về quá khứ. Nghĩ về cái ngày ông mới quen bà, về những đứa con , về những năm tháng cuộc sống đầy khó khăn mà gia đình ông rộn ràng niềm vui và ngập tràn hạnh phúc. Bây giờ cuộc sống của ông bà có dễ dàng hơn đôi chút thì cả ông lẫn bà đều đã qua cái tuổi lúc nào cũng bện lấy nhau như đôi sam. Ông thoáng thấy lòng buồn vì có một cái gì đó như đang li tán, không còn tụ hội như ngày xa xưa đói khổ nữa. Vẫn biết hợp tan là quy luật của vạn vật. Ông cứ man mát buồn. Nhất là mỗi khi nghĩ về bà. Bây giờ bà chỉ đam mê giả trí truyền hình, xem xong, bà lăn ra ngủ. Mỗi khi ông có " đụng chạm" đế, bà kêu mệt đuổi ông ra quầy quậy. Bà quên, hay cố tình làm ngơ trước những cử chỉ săn đón, chăm sóc của ông giành riêng cho bà như hồi nào còn trẻ. Lại còn lấy cớ ông ngáy to đòi ngủ riêng nữa chứ. Thì thời trai trẻ ông cũng đã ngủ ngáy rồi đấy thôi. Hồi ấy bà đã chẳng kêu còn quyết không ngủ một mình vì sợ tối. Bây giờ khi ông vẫn còn khao khát bà thì bao nhiêu nỗi sợ ngày xưa bay đi đâu hết cả, còn lại độc nhất niềm đam mê trò giải trí truyền hình. Đối với ông, trò ấy thật là ồn ào quá mức. Nó không để cho tâm trí người ta nghỉ ngơi, suy ngẫm những điều sâu lắng của cuộc đời. Về mặt thời gian, nó miên man lúc nào cũng có, kênh nào cũng đua nhau mở. Đài tỉnh nào cũng có giải trí truyền hình. Về mặt tiền bạc, nó lãng phí đến xót xa, dù rằng đó chỉ là tiền chùa, tiền tài trợ. Ai đời, trên đất nước này, có hàng vạn người suốt ngày đêm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, một ngày công chắc gì kiếm được ba, bốn nghìn bạc. Thế mà trong giả trí TH, có người chơi, chỉ mới trả lời hai ba câu hỏi khởi đầu dễ ợt, đến trẻ con cũng có thể trả lời được, loáng trong dăm phút họ đã kiếm hai ba triệu như không. Kết thúc trò chơi, có người ôm về hăm nhăm ba mươi triệu là chuyện bình thường. Trò chơi nào cũng lấy tiền triệu ra làm chất xúc tác...Rồi thì "nhà đài" liệu có minh bạch không trong chuyện mời người chơi? Có người đăng kí năm bẩy năm chưa được chơi một lần. Có người chỉ thời gian ngắn cũng được chơi đến hai lần? Thật buồn. Ây là ý nghĩ của riêng ông thôi. Chứ ông đâu dám thổ lộ với ai, sợ người ta cho ông là người bảo thủ, lạc hậu. Cả nước đang rầm rầm cuốn hút bởi giải trí truyền hình. Nhà nào cũng mở oang oang... Đang suy nghĩ miên man thì ông thoáng nhận ra trong gió mùi nước hoa con gái rồi tiếp đến câu chào dịu dàng và nhỏ nhẹ:
               - Em chào anh! Anh cho em ngồi nghỉ nhờ một lát được không?
               - Dạ, không dám, mời cô cứ ngồi tự nhiên!
               Ông Phúc ngẩng đầu lên nhìn. Là cái cô gái khoảng chưa đầy ba mươi tuổi, vẫn thấy một mình tự tập thể dục phía xế bên tay trái, cách chỗ ông ngồi khoảng hơn chục mét đây mà. Cô mới xuất hiện lại tập khá đều đặn từ hơn chục ngày nay rồi. Của đáng tội, cũng từ hơn chục ngày nay, ông Phúc mỗi khi ra đây ngồi, không biết tại sao cứ luôn nhìn về phía cô. Đấy là một cô gái khá xinh, da trắng trẻo. Đặc biệt, cô có  thân hình quyến rũ lạ lùng bởi cái cổ vươn cao, đôi chân thon dài cùng bộ ngực nở nang, săn chắc. Cứ mỗi khi cô vươn hai tay, uốn người phô ra tất cả những đường cong uyển chuển, thanh thoát là y như có ma lực hút mạnh đôi mắt ông nhìn về phía ấy. Những đường cong, những cua uốn lượn trên thân hình cô, như phát ra lực hút của một thỏi nam châm điện cực mạnh. Nó chiếm lĩnh tâm trí ông , không sao cưỡng nổi. Đôi lúc ông tự thấy xấu hổ về hành vi vụng trộm của minh của mình. Ông cũng sợ mọi người nhìn thấy cái ánh mắt khác lạ ấy của ông, nên nhiều khi ông tự cưỡng lại mình để nhìn đi chỗ khác mà không được. Chỉ một chốc rồi đâu lại vào đấy. Thật là xấu hổ. Đang trong lúc những ý nghĩ miên man nhẩy nhót trong đầu thì từ một giác quan nhậy cảm đặc biệt, ông Phúc cảm nhận được cô gái đã chuyển dịch đến sát người ông. Cái mùi cơ thể đàn bà trẻ trung, quyến rũ cùng hơi ấm lan tỏa của cô làm tê liệt mọi giác quan trong ông. Sợ ánh mắt mọi người qua lại, ông Phúc định đứng lên đi ra chỗ khác thì đột nhiên cô gái ôm đầu đổ người về phía ông kêu lên:" Ôi! Anh ơi, em sao thế này!" Ông phúc quay đầu lại, nhanh tay đỡ cô gái ngồi tựa lưng vào ghế. " Cô có sao không, để tôi gọi xe đưa cô đi bệnh viện?" Ông nói. " Em không sao, thỉnh thoảng vẫn hay bị thế mà! Nhà em ở phía bên kia đường thôi ". Nhìn theo tay cô chỉ, ông Phúc nói:" Thế để tôi đưa cô về nhà nhé?". "Dạ, không cần. em khỏi ngay bây giờ ấy mà. Em vẫn bị chứng đau đầu và thiếu máu về tim. Anh giúp day mạnh hai bên thái dương cho em!" Cô gái cầm hai bàn tay ông ấn vào thái dương mình. Ông Phúc cuống quýt làm theo. Khuôn mặt ông giờ gần kề khuôn mặt cô gái. Ông cảm nhận được hơi thở thơm tho và nóng hổi từ khuôn mặt trẻ trung và xinh đẹp của cô. Trong ông cũng bừng lên một cảm giác gì đó không thể tả nổi, cũng không thể dập tắt đi được. Thở hổn hển như là sắp chết đến nơi, cô gái kéo mạnh hai tay ông xuống, ép sát vào lồng ngực mình. Đôi tay ông như bị điện giật khi chạm vào bộ ngực căng tròn, rắn chắc, thây nẩy và nóng hôi hổi của cô. "Anh cứ bóp mạnh vào đây, đây... chỗ... này này. Em khó thở quá. Thế! Thế...". Ông phúc mê đi, làm theo lệnh cô như cái máy, nhưng đồng thời cũng như bản năng của con thú đã ngậm được mồi. Cô gái vòng tay ra sau, phía dưới thắt lưng ghì ông ép chặt vào người cô. Ông Phúc bồng bềnh trong cảm giác sung sướng tột đỉnh. Đôi tai ông chỉ còn nghe tiếng hổn hển dồn dập cùng tiếng rên rỉ kích động phát ra từ miệng cô gái. Ông mạnh mẽ ép chặt cô gái xuống ghế bao nhiêu thì cô cong người đón nhận và đáp trả bấy nhiêu. Đột nhiên, có tiếng chân người đuổi nhau huỳnh huỵch. Cô gái và ông vội buông nhau ra. Cô nói với ông:" Thôi, em đỡ rồi, xin cảm ơn anh!". Hai bóng trẻ con đuổi nhau lao qua trước mặt. Chúng đều là những đứa trẻ nhặt rác. Thằng bé chạy phía trước. Thằng nhớn đuổi theo sau.Vừa qua chỗ ông và cô gái thì từ túi quần thằng nhớn văng ra một gói nhỏ. Hình như gói ấy đựng tiền vì nghe rõ tiếng lẻng xẻng của đồng xu bên trong. Nhanh đến không ngờ, cô gái nhặt cái túi lên, nói: " Khổ thân bọn trẻ, cả ngày nhặt rác, được vài đồng, đánh rơi mà không biết. Để em đuổi theo trả nó! ". Ông phúc ngây người nhìn mọi sự việc diễn ra ngay trước mắt mình như xem một đoạn phim ngắn cực nhanh. Đến khi ba người đuổi nhau thật xa, rồi tất cả mất hút vào dòng người đang cuộn chảy dưới đường, ông mới sực tỉnh. Ông nhớ lại mọi việc rồi quài tay về phía sau. Ông giật thót người. Chiếc ví đựng tiền đã mất. Toàn bộ số tiền lương hưu một triệu tư ông lĩnh sáng nay chưa kịp trao cho bà đã không cánh mà bay. Ông lôi ra một mảnh bao thuốc lá. Ông lần giở dưới lờ mờ ánh sáng điện đường. Mấy con chữ to như con gà mái gẹ hiện lên: " Luật chơi phải thế bố già ạ". Chữ được viết bằng son bôi môi của con gái. Ông Phúc lặng người chết đứng như Từ Hải rồi đổ vật xuống chiếc ghế đá vẫn ngồi. Gió hồ thốc lên mát rượi sao người ông đầm đìa mồ hôi.
              
                    Ong Phúc ngồi như thế bao nhiêu lâu và bằng cách nào lần về được tới nhà? Chỉ biết cậu con trai đi chơi muộn thấy bố ngồi bệt trước cửa phòng, người rũ rượi như tầu lá chuối hơ lửa. Nó gọi hỏi thế nào ông cũng chẳng thưa, chẳng nói. Trong nhà, ánh sáng chuyển cảnh của chiếc ti vi độc nhất vẫn loang loáng xuyên qua khe cửa rọi ra ngoài. Cùng với thứ ánh sáng chập chờn ấy là tiếng reo hò huyên náo của trò chơi giải trí truyền hình vọng ra, đập vào màng nhĩ ông Phúc. Ông đã vô cảm, chẳng nghe thấy gì. Cậu con trai bế thốc ông lên đặt vào giường. Nó và mẹ rối rít đánh cảm cho ông. Bà Phúc luôn mồm rên rỉ: " Rõ khổ, sao lại đến nông nỗi này hở ông! ".
                                                            
                                                           
                                                            Hà Nội, tháng 04 năm 2008
                                                                       Đoàn Nhất Trí

______________________________________________
Địa chỉ: Phòng 304, nhà C1, KTT trường CB PNTW
Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội  Điên thoại: NR: (04) 7751603   DĐ: 0984853584.
 Email:
Doan_Nhattri@Yahoo.com.vn