Trang chủ » Truyện

CHUYẾN XE ĐÊM

Lương Văn Chi
Thứ bẩy ngày 19 tháng 9 năm 2009 7:00 PM
 
Truyện ngắn

Sau khi thả được ông khách ngồi sau vào một con ngõ tối hun hút, chiếc xe Dreem Tàu gầm gừ quay đầu,  dướn lên, bò nhanh ra con đường liên thôn rải nhựa. Gió lạnh của một tối cuối xuân réo ù ù bên tai làm Trần thêm tỉnh táo, tự đáy lòng anh thầm cảm ơn sự bằng phẳng của con đường, bởi nó phần nào tạo điều kiện để anh tháo lui nhanh hơn khỏi cái làng thâm u, bí ẩn nằm lọt thỏm giữa một cánh đồng rộng vùng ngoại ô hẻo lánh này. Trần thở phào nhẹ nhõm vì chuyến đi trót lọt, mọi nguy hiểm mà cánh xe ôm  dễ gặp trong những cuốc xe đêm thế này đã không xảy ra. Và nếu chiếc xe không giở chứng phản chủ, thì Trần chỉ cần tăng tốc một chút là anh có thẻ về kịp giờ hẹn đón Hoà.
Hơn chín giờ tối, ông khách mà Trần vừa chở mới đến gọi xe. Tưởng khách “sộp”, cánh xe ôm cùng bến với Trần nhao ra gạ gẫm. Khi ông ta nói địa danh phải đến, thì họ ngãng cả ra: nơi ấy, một vùng quê cách trung tâm thành phố hơn hai chục cây số, đêm thì sắp khuya rồi...họ không thể liều vì hai chục nghìn, dù khéo nài nỉ, thấm chí bắt bí đi chăng nữa cũng chỉ đến hai nhăm nghìn là cùng. Trong khi xe của họ là những chiếc Dream xịn hoặc RS đời mới, chí ít cũng là những chiếc 97, bỏ rẻ cũng hơn chục triệu đồng. Nhưng Trần thì khác! Anh có thể liều được vì cả ngày hôm nay anh nhấp nhổm: khi đứng, lúc ngồi, chốc chốc lại lật yên lấy miếng giẻ vốn là cái ống tay áo công nhân bảo hộ - lau đi chùi lại chiếc xe cũ kỹ. Đến nỗi những cái nan hoa hết mạ cũng đen thẫm hơn, kể cả những cáu, muội ở cái ống bô đã bục cũng nhẵn nhụi, tinh tươm hơn...mắt anh không hề bỏ sót một người đi bộ nào tắt ngang ngã tư, nơi anh đỗ xe. Thậm chí mấy lần khát nước anh cũng không dám sang cái quán gốc cây bên đường, nơi có anh mù bán sáo đang ngồi, uống một cốc chè chát, bởi trong ví của anh, ngoài giấy tờ ra, anh chỉ còn chẵn 10 nghìn để đổ xăng.
Trần phải liều vì một ngày đằng đẵng đã qua, anh chưa kiếm được đồng nào. Anh không muốn đêm nay cũng như nhiều đêm đen đủi khác, khi anh về, giữa lúc mà nhà nhà hàng phố đang ngồi trước màn ảnh truyền hình, theo dõi những phim dài tập, thì vợ anh vẫn đứng đó, tựa cửa, bồn chồn. Dù anh có bình an, vô sự, nhưng trong ví rỗng không, thì lãi lờ gánh rau bán dạo của chị làm sao đủ cơm cho bốn cái miệng ăn trong một ngày dài.
Trần còn liều vì anh nghĩ: không phải những khách đi đêm về xa đều là những quân trộm cướp. Ông khách mà Trần vừa chở cỡ như anh, đã đứng tuổi rồi! Còn những vụ cướp xe, giết tài xế mà báo chí vẫn đăng chỉ là hi hữu. Chẳng qua mấy tay bán báo nào đó cho vào băng phát tướng lên, gây chú ý để báo bán chạy hơn. Chứ sự thật mà đúng như báo, nhiều như mấy tờ báo nọ, thì nền giáo dục con người của đất nước ta suốt mấy chục năm qua lại kém hiệu quả đến mức đó sao? Vả lại, cái xe của anh, nếu mua bán đàng hoàng, đúng luật pháp, hết giá chỉ vài triệu, bõ bèn gì với những kẻ ác tâm, mất công đặt bẫy lộ trình.
Riêng anh, với cái xe như thế, anh phải nhặt lại những cuốc khó khăn, như con chó già chầu chực phòng ngoài, chờ cơ hội gặm lại những miếng xương xẩu mà đồng loại của nó nhè ra, trong khi cái bến đỗ xe của anh ngày lại thêm nhiều tài trẻ và xe mới!
Trần tăng ga, chiếc xe long sòng sọc, hộc lên, lao ra đường quốc lộ. Bỏ lại đằng sau con đường liên thôn trải nhựa vắt dọc qua cánh đồng hoang vắng.
Phía xa kia, lơ lửng trước mặt Trần là quầng sáng của thành phố. Cái thành phố mà suốt mấy chục năm qua anh chỉ biết sống và làm việc, chưa một lần nào được đặt chân vào những nơi sang trọng và rực rỡ hoa đèn. Và biết đâu đó trong những làng quê thiêm thiếp chìm vào đêm sâu mà xe anh đang qua, giờ này vẫn còn nhiều người cho rằng: tất cả những người dưới quầng sáng đó đều sung sương, đủ đầy.
Có ánh đèn pha ôtô ngược chiều, lợi dụng ánh sáng vừa  quét ngang, Trần liếc nhìn đồng hồ đeo tay: còn hai mươi phút nữa! Khi chiếc ôtô vượt qua, Trần kéo hết ga. Tiếng máy gào to như muốn vỡ ống bô, chiếc xe khó nhọc dướn lên khi trong đầu Trần quẩn quanh ý nghĩ: “còn kịp! Hoà vẫn chờ mình...!”

*

Dịp may đã đến với Trần thật tình cờ. Một đêm đã khuya, Trần chán nản dong xe về sau một ngày không có thu nhập. Bỗng có tiếng gọi xe bên đường. Dưới ánh sáng đèn cao áp, anh nhận ra khách là một cô gái trạc 25, 26 tuổi, nét mặt bờ phờ, dưới mái tóc chải vội. Cái túi xách giả da hoa khoác trễ nải bên sườn. Yên tâm, Trần giảm ga, nép xe vào lề đường nơi cô đang đứng. Phía sau lưng cô gái là một con ngõ rộng, thừa sức cho một  chiếc xe ta-xi bon vào.  Một nhà trong ngõ nhấp nháy ánh đèn màu của một quán karaoke cỏ. Thoáng chút, Trần nhận ngay ra cô ta là tiếp viên của quán này. Giấu nỗi mừng gặp khách, Trần hỏi luôn:
- Cô về đâu?
Khác hẳn cái giọng nhấm nhẳn, ỡm ờ như những cô cave mà Trần đã gặp, Hoà trả lời từ tốn:
- Anh cho em về bên kia cầu Quay!
Trần giật mình! Anh không lạ gì nơi ấy, nó nổi tiếng vì những vụ cướp giật giữa ban ngày. Trần nhìn ra xa, cách nơi anh và Hoà đang đứng một cây đèn cao áp, hai gã xe ôm thượng lưu đang ngồi ngáp vặt. Anh biết, cuốc này là xuất của anh. Giả sử Hoà có gọi, với những chiếc xe xịn và láng coóng như thế, Hoà có trả gấp đôi, họ cũng chịu chẳng  dám đưa cô về qua cây cầu sắt đáng sợ lúc giữa khuya này.
Sau khi  căng mắt luồn  lách qua mấy cái ngõ nhỏ và tối như chui trong lòng ống  cong queo, Hoà vỗ vai ra hiệu để Trần dừng lại trước một căn nhà thâm thấp lợp tôn, mái xoải ra ngõ. Cánh của được ghép bằng những miếng gỗ hòm. Ánh đèn trong nhà xiên qua khe hở ở những miếng ván ghép, vạch trên nền ngõ năm, bảy vạch dọc như những chấn song, đủ độ sáng soi rõ một vũng nước lõng bõng mấy cái lõi ngô và vỏ chuối ngay bậu cửa.
Trần loay hoay tắt máy cùng lúc cánh cửa kẹt mở. Một vùng sáng vàng vọt như một chiếc chiếu đụp phủ lên mặt ngõ tối sẫm.
Đứa bé gái chừng năm sáu tuổi hấp háy mắt dưới cái trán dô, xô ra trước cửa, reo lên:
- Mẹ!...
Đột nhiên, mặt nó xịu xuống, vẻ hờn mát:
- Lúc nãy, cũng có tiếng xe máy, con cứ tưởng!...
Hoà nhảy vội xuống xe, bước qua vũng nước, đến bên con bé, Tay cô lập bập mở nắp túi da bên sườn lấy ra một cái bánh Chocopai đã bị bóc vỏ giấy bóng bên ngoài và một chai Côcacôla đã bật nắp giúi vào tay con bé:
  - Thôi, mẹ xin lỗi...mẹ đền!
Hoà đảo mắt suốt lượt trong nhà, yên tâm, cô ta quay lại đặt vào tay Trần tờ giấy bạc 10 nghìn:
  - Anh cầm cả đi!
Cô cúi xuống ôm lấy đứa bé gái đang lúng túng trong tay hai món quà, thơm lên vầng trán dô của nó mấy cái, nói tiếp:
   - Nếu có thể được, bằng giờ này đêm mai, anh đến đón em ở quán “ Chiều tím”.
Từ tối ấy, giữa Trần và Hoà hình thành một hợp đồng. Tuy ít ỏi chỉ 10 nghìn một chuyến, nhưng là khoản thu đều đặn, bù đắp và an ủi Trần vào những ngày ế ẩm, giữa thời buổi mà những người như Trần đang hàng ngày hàng giờ giành giật nhau từng người khách nơi góc phố, ngã tư. Trong lòng Trần vẫn thầm cảm ơn sự ưu ái mà Hoà đã giành cho anh.

*

Trần đã về đến điểm hẹn. Anh giảm ga, ngoặt xe vào ngõ, dán mắt vào biển hiệu mica với những dòng chữ xanh đỏ: “Quán Chiều Tím...càphê, giải khát, thư giãn, karaoke vi tính chọn bài...” kê dựng đứng bên chậu cây dừa nước, trên ngọn và lá quấn nhằng nhịt những dây đèn nháy xanh đỏ các màu. Trần dựng xe bằng chân chống giữa dưói lùm cây trứng cá, đối diện với cửa quán, vểnh tai nghe ngóng. Từ trong buồng hát được quây bắng kính tối màu, có rèm che phía trong, vốn dĩ được chủ quán cải tạo phần dưới gác lửng, vẳng ra tiếng hát ồ ề, khàn đục của một gã đàn ông nào đó, cùng tiếng cười hơ hớ, vô cảm của Hoà.
Yên tâm, Trần nhảy lên ngồi trên xe chờ đợi rồi đưa tay lên túi ngực móc ra bao thuốc Bông sen. Dưới ánh đèn mờ ảo hắt ra từ trong quán, Trần đưa bao thuốc ngang tầm mắt nghiêng ngó, hình như chưa tin chắc vào đôi mắt của mình, anh thò ngón trỏ vào lòng bao khua khoắng. Bực bội, Trần vo viên vỏ bao rồi đảo mắt tìm một quán nước. Vô tình mắt Trần bắt gặp một gã đang ngồi vắt vẻo trên một chiếc JUPITE còn láng coóng phía bên trong cây trứng cá mà lúc mới đến, do vội vàng anh không để ý. Điếu thuốc gã cắm trên môi đỏ lên soi rõ một khuôn mặt đen với gò má cao đầy vẻ sương gió. “ Một tay xe ôm thượng lưu! Chắc hắn đi khứ hồi cho ông khách đang hát trong kia...?” Trần nghĩ rồi anh nhảy xuống xe, chậm rãi đi sang quán nước gần đấy: “ Hôm nay kiếm được, cũng nên xả láng mấy điếu thuốc thơm!”
Thấy Trần bà chủ quán vồn vã:
  - Chú mua gì?
  - Bác cho em hai điếu Vina!- Trần trả lời rồi móc tờ giấy bạc 10 nghìn đặt lên bàn nước. Bà chủ quán rút ngăn kéo, loay hoay chọn nhặt một lúc rồi ngẩng lên bất lực:
 - Hết cả tiền lẻ! Hay chú mua thêm cho chị cái gì nữa đi!
Cái cảnh sáng sáng trước khi đi học, hai đứa con Trần, mỗi đứa một bát một thìa, chằm bặp lưng cơm nguội thoáng hiện lên. Một chút đắn đo, Trần dứt khoát:
  - Bác cho em phong bánh nào cũng được!
Bà bán nước đưa cho Trần hộp bánh bích quy, chặc lưỡi:
  - Còn thiếu của chị năm trăm! Mai chú đến đón cô Hoà trả cho chị cũng được!
Trần cầm hộp bánh về chỗ để xe, Hoà đã đứng đợi anh từ lúc nào. Thái độ của Hoà lộ vẻ lúng túng:
  - Thấy muộn, anh không đến, em chót gọi xe khác mất rồi. – Hoà chỉ tay vào gã xe JUPITE đang mím môi thổi bật cái tóp thuốc ra xa. Gã nhảy xuống xe, đến bên hai người, gật gật đầu thừa nhận.
Nhìn nét mặt thuỗn ra vì cụt hứng của Trần, Hoà an ủi :
  - Anh cứ chờ! Cái lão già trong kia- Hoà chỉ tay vào phòng hát, nơi phát ra tiếng rè rè như một cái rôbinê gỉ đang nhả nước- Đi bộ đến đây xí xớn, lúc về thế nào chả gọi xe ôm...
Khi Hoà đã lẩn vào trong buồng hát và tiếng cười ằng ặc như có ai luồn tay cù vào nách cô ta vang lên, Trần mới thấm thía sự hụt hẫng. Chỉ một lần trễ hẹn, cái hợp đồng lỏng lẻo giữa anh và Hoà đã có kẻ thứ ba, ưu thế hơn anh nhảy vào. Giờ đây, hy vọng duy nhất của anh là với chiếc xe ấy, gã có đủ can đảm để đêm nào cũng cùng Hoà về qua cây cầu sắt ấy không?
Để giết thời gian và thăm dò cái “gót chân asin ” của người đồng nghiệp, Trần rút điếu thuốc còn lại, áp sát bên hắn, lên tiếng:
  - Ông chờ lâu chưa? Hút điếu thuốc cho ấm!
Cầm điếu thuốc Trần đưa, cắm vào môi. Vừa bật lửa châm thuốc gã vừa phân bua:
  - Nửa tiếng rồi! Cô ấy đã lên xe, nhưng ông khách này tới! Chủ quán nài nỉ cô ấy ở lại, bởi nhà hàng hết tiếp viên!
Trần ngó nghiêng chiếc xe của hắn, giả bộ ỡm ờ:
  - Con JUPITE đời cũ của chú còn long lanh lắm!
Gã chủ xe nhảy dựng lên như dẵm ổ kiến lửa:
  - Bác “tia” lại đi, JUPITE loại vành  la - giăng đấy!
Trần lại giả bộ ngây ngô:
  - Thế à! Xe đời mới tớ cũng chả “thuộc” lắm! Con này dễ phải đến hai chục triệu đấy nhỉ?
Gã chủ xe nổi khùng:
  - Bác nói lại!... Tôi vừa mới mua hai mươi lăm triệu cách đây nửa tháng, lại là của người quen, thấp hơn thị trường mấy giá! Hết cha nó số tiền đền bù đất của liên doanh!
Nhìn hắn nhăn nhó, hai má tóp lại lúc rít thuốc, Trần thấy như mình có lỗi, anh chuyển gam:
  - Giờ chú ở đâu ?
  - Ở trọ!- Gã đã lấy lại bình tĩnh sau hơi thuốc lá, cười gượng gạo- Hết ruộng ra phố. Chồng xe ôm, vợ ô-sin...
Nghe hắn diễn giải, Trần chạnh buồn. Ngồi trên chiếc xe như thế, nhưng đời hắn đã bị dồn vào bước đường cùng. Khốn nạn thay, Trần, hắn, và những người khác có ai đui què mẻ sứt gì đâu, sao không được một việc làm cơ bản, đàng hoàng, mà cứ phải mò mẫm đêm hôm, bám vào một cô gái chân yếu tay mềm, đang quằn quại thân xác trong cái buồng được bưng be kín đáo một cách tạm bợ kia mà sống! Hình như cái đời này là của ai đó, chứ đâu phải của anh, của hắn hay của Hoà.
Vớt vát, Trần hỏi thêm , giọng yếu ớt:
  - Đêm khuya, chú không ngại qua cầu sao?
Tiếng cười vang của hắn đánh gục ý chí của Trần:
  - Em là “tổ trưởng nhân dân” ở xóm chân cầu mà anh!
Hắn không có “cái gót chân A-Sin” như Trần ước. Anh ý thức được rằng: đêm nay là đêm cuối, anh có mặt ở cái quán Chiều Tím này.
Sau một chuỗi cười rú lên ằng ặc của Hoà, tiếng hát trong phòng đột nhiên ngưng lại, chỉ còn tiếng nhạc không lời bập bùng, chập cheng trong loa phóng thanh, cùng lúc cánh cửa phòng hát mở rộng. Trần biết cuộc vui đã tàn. Mắt anh sáng lên khi trong phòng bước ra một gã đàn ông ngoài 50 tuổi, da đen, bụng phệ, cao to như hộ pháp. Dáng ông ta nghiêm nghị, có vẻ như là sếp ở đâu đó... Hoà, quần áo xộch xệch, tóc tung tơi tả, nhỏ thó, lẵng nhẵng theo ra, đưa cả hai bàn tay xanh xao của mình bám vào một tay lão giật giật, nhõng nhẽo: - Anh “bo” em đi! Lạnh lùng, lão giật tay mình lại, làm Hoà suýt văng lên phía trước. Tiu nghỉu, Hoà gượng ngừng bước, tựa vội lưng vào quầy bar bên cạnh, mặt tái dại đi, ngực không ngớt phập phồng.
Biết phận mình, Trần tiến nhanh đến bên lão, lễ phép:
  - Mời anh về xe ạ!
Lão lừ mắt nhìn Trần, rồi cho tay vào túi quần, rút ra cái máy điện thoại di động. Bàn tay vừa giật khỏi tay Hoà đưa lên nặng nề ấn nút. Lão áp máy vào một bên má:
 - Alô! Công ty ta-xi! Cho một xe đến số nhà...phố...!
Một chiếc ta-xi trắng đẹp như chim thiên nga trườn tới. Chỉ hai bước từ cửa quán, lão đã tọt vào trong xe, mặc cho Trần đứng thộn mặt ra. Đêm nay ở cái quán Karaoke Chiều Tím này, Trần đã là người thừa. Cơ hội kiếm thêm mười nghìn theo sự sắp xếp của Hoà đã không còn nữa. Chưng hửng, Trần quay xe, thì Hoà gọi giật anh lại:
 - Anh Trần! để anh chờ đợi không công, lỗi tại em- Cô dặt vào tay anh tờ bạc 10 nghìn- anh cầm lấy...!
Quay lại, Hoà giục gã xe JUPITE :
  - Anh nổ máy đi!
Cái hình ảnh gày bé của Hoà suýt văng lên phía trước nếu Hoà không kịp thời tựa vội lưng vào quầy bar vì cái giật tay của lão khách già sau lời nài nỉ: “Anh bo em đi” ...Cái hình ảnh đứa bé gái trán dô mới chỉ 5 – 6 tuổi bị giam lỏng trong gian nhà tuy chật chội với người lớn, nhưng lại quá đỗi mênh mông với một đứa bé con như nó, suốt từ sáng đến tới đêm khuya, với biết bao rủi ro bất ngờ xảy đến, giữa một xóm nghèo mà Trần biết chẳng mấy an ninh, để hằng đêm phấp phỏng chờ mẹ nó trở về, thí dỗ bằng mấy cái bánh bóc vỏ còn thừa, bằng những chai nước ngọt uống dở mà Hoà lén cất giấu được sau mỗi lần tiếp khách...hiển hiện trước mắt anh. Dứt khoát anh chụp vội lấy tay Hoà khi cô đã ngồi yên vị trên xe, trả  lại tờ 10 nghìn:
  -  Đừng làm thế!
Tiện tay anh với lên giỏ xe phía trước cầm gói bánh bích quy đặt giữa lòng Hoà:
  - Em cầm về, làm quà cho cháu...!Muộn thế này nó khóc hết nước mắt còn gì...!
Khi chiếc xe của Hoà lao đi, cái đèn hậu đỏ rực phía sau nhỏ dần trên đường vắng, Trần vẫn đứng đực ra, bởi anh biết từ đây, cái đồng tiền nhỏ nhoi nhưng đều đặn mỗi ngày, cái bát cơm thêm trong nồi cơm vốn dĩ còn vơi của anh, đã bị đồng nghiệp vô tình hớt mất. Anh không thể trách Hoà, bởi miếng mồi nho nhỏ cô trao cho anh, anh cũng không đủ sức giữ lại lâu dài. Một nỗi lo lắng  lớn dần trong anh: Rồi đây, ngày tháng sẽ làm anh già hơn, chiếc xe của anh sẽ cũ kỹ và chậm chạp hơn, số tài trẻ với xe đời mới lại đông hơn, liệu anh còn kiếm được việc gì mà sống. Giữa đêm lạnh anh muốn gào lên một tiếng thật to để cả gầm trời này biết được cảnh ngộ của mình, nhưng không hiểu sao cổ họng anh đã nghẹn ứ mất rồi.
 
Trại chuối Hải Phòng
Tháng 05 năm 2006