Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“THƯỢNG BẤT CHÍNH, HẠ TẮC LOẠN”- BÀI HỌC TỪ TRẦN THỦ ĐỘ

Hoa Tử Huyền
Thứ bẩy ngày 19 tháng 9 năm 2009 3:19 PM

Nhà Trần là triều đại đã lập được nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Triều đại này gắn với những tên tuổi vĩ đại như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải… Những đóng góp của họ cho dân tộc mãi mãi được sử sách ngợi ca. Bên cạnh những tên tuổi lừng danh đó, Trần Thủ Độ là nhân vật khiến các sử gia phong kiến khá lúng túng khi đánh giá công, tội.
Trần Thủ Độ (1194-1264) từng làm chức Điện tiền chỉ huy sứ dưới thời Lý Huệ Tông. Lý Huệ Tông lấy chị họ ông là Trần Thị Dung sinh được hai người con gái, người em tên là Phật Kim, được phong là công chúa Chiêu Thánh. Trần Thủ Độ đã ép Huệ Tông bỏ ngôi lên làm thái thượng hoàng để nhường ngôi cho Phật Kim, tức là Lý Chiêu Hoàng, khi đó mới lên 7 tuổi. Sau đó chính ông đã “đạo diễn màn kịch” nhường ngôi hoà bình nhất  giữa các triều đại phong kiến Việt Nam. Trước hết, ông để con trai Trần Thừa là Trần Cảnh (sau này là Trần Thái Tông), mới 8 tuổi, vào hầu Lý Chiêu Hoàng, rồi dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và nhường ngôi, chuyển ngai vàng sang cho họ Trần vào cuối năm 1225. Nhà Trần thay nhà Lý một cách êm ái bởi tay Trần Thủ Độ. Thượng hoàng Huệ Tông bị ép đi tu, truất làm sư Huệ Quang. Nhà Trần thành lập, ông được phong là Thống quốc thái sư, lo toan mọi việc cho triều đình nhà Trần.
Để củng cố quyền lực nhà Trần, ông đánh dẹp các sứ quân Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng bên ngoài, sắp xếp quan lại trong triều. Năm 1232, nhân lúc tôn thất nhà Lý về quê ngoại ở làng Hoa Lâm (nay là xã Mai Lâm, huyện Gia Lâm, Hà Nội) làm lễ cúng tổ tiên, ông đã làm bẫy sập chôn sống nhiều tôn thất nhà Lý, bắt những người sống sót đổi sang họ Nguyễn và một số họ khác để trừ tuyệt hậu họa.
Nhìn vào những việc làm trên của ông ta hiểu tại sao các sử gia phong kiến lại lúng túng khi viết về nhân vật Trần Thủ Độ. Tuy nhiên, nhìn trong sử sách, ta thấy triều đại nào mà chẳng tìm mọi cách để củng cố quyến lực, kể cả cách dã man nhất là triệt tiêu hậu duệ của triều đại trước. Xưa nay, quyền lực chính trị vẫn là thứ dễ hấp dẫn con người nhất.
Trần Thủ Độ tuy ít học nhưng khôn ngoan mưu mẹo là thế. Tuy vậy, trong Đại Việt sử kí toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên đã chép những câu chuyện về cách ứng xử của Trần Thủ Độ mà thiết nghĩ người làm quan đời sau nên học tập.
Vợ Trần Thủ Độ là Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung có lần ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm, người quân hiệu không cho đi. Bà trở về nhà thuật lại và khóc bảo Thủ Độ rằng: Mụ này là vợ ông mà bị bọn quan khinh nhờn như vậy! Trần Thủ Độ tức giận sai bắt người lính chạy cờ về trị tội. Nhưng sau khi nghe người này trình bày nguyên do thì ông cười và nói: Ngươi ở dưới cấp thấp mà biết giữ phép nước, ta còn trách gì nữa, sau đó ban thưởng vàng lụa.
Lần khác, Quốc Mẫu có xin riêng cho một người làm câu đương (chức dịch nhỏ trong xã, lo việc bắt giữ và áp giải phạm nhân), ông nhận lời. Đến lúc xét, ông gọi người ấy lên mà bảo: Ngươi vì có Công chúa xin cho được làm câu đương nên không thể so với người khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt”. Người ấy sợ quá xin mãi mới được tha. Từ ấy không ai dám đến nhà riêng xin xỏ nữa.
Qua cách ứng xử của Trần Thủ Độ, ta thấy câu chuyện tuy nhỏ nhưng bài học thì lớn. Cán bộ ngày nay theo như Bác Hồ nói là đầy tớ của dân nhưng có người còn hạch sách, nhũng nhiễu, làm khó dân đen con đỏ, hưởng đặc quyền đặc lợi vượt cấp. Họ không chỉ “làm hư dân” như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã nói mà luật bất thành văn là “một người làm quan, cả họ được nhờ”, con ông cháu cha ngồi mát ăn bát vàng, tha hồ xin xỏ. Trần Thủ Độ mà sống lại chắc không đủ sức mà chặt ngón chân.
 Nhà dột từ nóc dột xuống, thượng bất chính, hạ tắc loạn, lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước. Nhân dân mãi mãi là động lực chính của mọi cuộc cách mạng. Hãy biết khoan thư sức dân để làm kế bền gốc sâu rễ đó là sách lược giữ nước.
Xin mượn lời của G.s Cao Huy Thuần trong bài “Hồn cây” (Trích “Thấy Phật”) thay cho phần kết: “Lâu hay mau, sớm hay muộn, kẻ nào cai trị mà không nhìn xa hơn lòng tham của mình, kẻ ấy tự thắt thòng lọng cho mình và cho dân tộc mình.”
Phải chăng có một chiếc thòng lọng vô hình đang đung đưa trước mắt dân tộc đã từng chịu nhiều đau thương mất mát của chúng ta?
 Nguồn:
http://vn.myblog.yahoo.com/