Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VINH DANH CHƯA PHẢI LÚC

Mai Vũ
Thứ sáu ngày 18 tháng 9 năm 2009 12:03 PM

ý kiến nhà văn:
Đồng hồ đếm ngược bên Hồ Gươm đã chỉ sang con số 380. Vậy là từ nay đến đại khánh mừng 1.000 năm tuổi của Hà Nội không còn bao xa nữa.
Để chuẩn bị cho ngày đại khánh này, các giới chức chính quyền từ Trung ương tới Thủ đô đã rậm rịch khởi động dễ có đến 10 năm về trước. Vậy mà ngày kỷ niệm 1.000 năm tuổi của Thủ đô đã đến rất gần mà xem ra còn rất lình xình. Trong những thứ lình xình ấy, có lẽ lình xình về phim ảnh là đáng nói hơn cả.
Phải nói rằng, chúng ta đã rất chú ý làm một bộ phim hoành tráng đúng với tầm cả một ngàn năm văn hiến của Thủ đô, nên đã phát động một cuộc thi viết kịch bản phim hẳn hoi, với sự tham gia của rất nhiều nhà văn, nhà biên kịch tên tuổi và đã chọn ra được một kịch bản: Thái tổ Lý Công Uẩn của nhà biên kịch Thiên Phúc - thuộc Hãng phim truyện Việt Nam.
Tới nay, sau rất nhiều lần góp ý, mổ xẻ, kịch bản Thái tổ Lý Công Uẩn đã nát như tương và nhà biên kịch Thiên Phúc đành ngậm ngùi cho đứa con tinh thần của mình vào… kho lưu trữ để không biết đến bao giờ mới tái xuất giang hồ!
Đây là bài học thấm thía và đau xót cho những nhà văn, nhà biên kịch khi phải đưa đứa con tinh thần của mình cho những nhà giải phẫu không phải là thầy thuốc.
Việc đổ vỡ của phim Thái tổ Lý Công Uẩn chẳng có gì lạ khi những người được giao quyền thẩm định đeo kính lúp và đọc với động cơ bới lá tìm sâu.
Nếu chỉ có vậy thôi ắt hẳn chẳng có gì đáng nói. Nhưng đùng một cái, từ đâu thò ra phim Trần Thủ Độ, mà cũng từ nguồn Ban tổ chức lễ hội ngàn năm Thăng Long và chi phí cũng chừng răm chục tỷ. Tôi không phản đối việc làm phim Thái sư Trần Thủ Độ, bởi ông là nhân vật trụ cột tinh thần của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông - một anh hùng cái thế. Cái tài nữa của ông mà các triều đại sau ít người học được ấy là đã tiến hành một cuộc lật đổ ngoạn mục, một cuộc chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần, mà không hề đổ máu. Phương thức này ngày nay người ta thường gọi là cuộc cách mạng nhung. Việc này há mấy ai đã làm được.
Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là để tôn vinh Lý Công Uẩn và công nghiệp của nhà Lý mà lại làm một bộ phim về Trần Thủ Độ - kẻ đã kết liễu triều Lý thì là một việc làm kính không bõ phiền. Hay nói trắng phớ ra là vinh danh mà lại hoá ra làm nhục Lý Công Uẩn.
Trần Thủ Độ hay rất nhiều những bậc anh hùng khác của đất nước đều rất cần tôn vinh, làm phim, viết sách hay dựng kịch, nhưng xin hãy để dịp sau 1.000 năm Thăng Long có lẽ hay hơn chăng?
 
Mai Vũ
Chi hội nhà văn Công an