Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀI HỌC LOÀI ONG

Đoàn Đình Sáng
Thứ bẩy ngày 12 tháng 9 năm 2009 9:41 PM

Loài người đừng thấy loài ong nhỏ bé mà coi thường nó.
Lý do thứ nhất:
Tuy nhỏ nhưng nó có thể đốt chết người và kể cả trâu bò to xác nữa. Ai bị dị ứng với nọc ong, chỉ một con ong muỗi đốt thôi, cũng đủ làm ngừng tim, ngừng hô hấp, có cấp cứu cũng không kịp, chứ chưa nói đến bị ong đất hoặc ong vò vẽ đốt.
Lý do thứ hai:
Bất kể loài ong nào, đều thiết kế và xây tổ vô cùng hợp lý theo bản năng của nó. Mỗi khoang nuôi ấu trùng hoặc làm kho dự trữ mật và phấn hoa làm thức ăn đều được thiết kế, xây dựng theo hình sáu cạnh đều. Mỗi cạnh của khoang này cũng chính là một cạnh của sáu khoang liền kề. Các nhà bác học, các nhà toán học, các kiến trúc sư xây dựng nếu phải tính toán cũng không thể hơn được cách thiết kế, xây tổ tinh vi, khoa học, hợp lý của loài ong như vậy. Nó vừa tiết kiệm diện tích nhất, vừa ít tốn vật liệu nhất, vừa có khoang gần như hình tròn, dễ bề cho ấu trùng ong xoay xở.
Lý do thứ ba:
Tổ chức của loài ong rất chặt chẽ. (Xin thu gọn, chỉ nói về loài ong mật con người nuôi, vì ta dễ dàng quan sát và có lẽ nó là loài ong nhỏ bé và hiền lành nhất.) Trong đàn ong có một con chúa, vài chục con ong đực và hàng vạn con ong thợ. Con chúa có nhiệm vụ giao phối một lần rồi đẻ liên tục suốt đời. Những con đực có nhiệm vụ tự lo vỗ béo bằng thức ăn ong thợ mang về, sẵn sàng chờ ả chúa mới chào đời để ganh đua nhau giành quyền giao phối. Khi con chúa non chui ra khỏi “ổ”, nó đã đủ sức bay vút lên trời xanh. Những con đực ào ào bay theo. Con chúa chỉ bay chậm lại khi thấy còn một con đực bay bám theo nó. Đó là cách chọn lọc tự nhiên để thế hệ sau khoẻ mạnh. Con đực mãn nguyện hoàn  thành sứ mệnh truyền giống rồi thanh thản đón nhận cái chết nhẹ như lông hồng. Khổ cho những con đực khác, có một số con cũng bỏ mạng dọc đường vì bay kiệt sức. Chúng không truyền được giống, nhưng đã tích cực tham gia trong việc duy trì nòi giống. Con chúa giao phối xong, bay về tổ, kéo theo một số ong thợ đi tìm nơi xây tổ mới. Trường hợp chúa mới cứ ở lỳ tổ cũ, nhất định sẽ có cuộc hỗn chiến xẩy ra. (Trường hợp này người nuôi phải chủ động tách đàn.) Ong thợ có nhiệm vụ vừa xây tổ, vừa đi kiếm thức ăn cho cả đàn và sẵn sàng bảo vệ tổ.
Quan sát kỹ ta thấy con chúa chỉ ăn và cần mẫn đẻ vào hết khoang này đến khoang khác, những con ong thợ líu díu vây quanh. Những ấu trùng lớn đến đâu, ong thợ kiếm sáp về xây cao đến đấy. Mùa đông giá lạnh, ong thợ ken sát nhau phủ kín mặt tổ ủ ấm cho ấu trùng. Mùa hè nóng nực, ong thợ quay theo một hướng, cùng rung cánh vù vù tạo thành làn gió đủ sức làm mát cho cả tổ. Ong cũng phân công lính gác nhưng không biết nó có đổi nhau không hay là chuyên nghiệp, vì thấy con nào cũng giống con nào nên không phân biệt được. Nó gác để không cho kẻ thù, như: dán, thạch sùng, ruồi nhặng, chuột bọ và cả con người nữa, đến phá hoại tổ và cuộc sống yên bình của nó. Nó gác để ngăn không cho những chú ong lười biếng khi đi kiếm thức ăn về không có hai bọng phấn hoa ở hai chân sau hoặc không ngậm mật hoa trong miệng vào tổ. Tưởng tổ ong đông đúc, lao nhao như thế thì kẻ lười có thể nhộm nhoạm được, hoá ra không. Xã hội loài ong hình thành hàng triệu triệu năm rồi  nhưng cũng chưa đạt mức làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, mà vẫn thực hiện công bằng xã hội: có làm có hưởng, không làm không hưởng. Nó gác để ngăn không cho đồng loại nhưng ở tổ khác xâm nhập vào quấy rối, phá hoại tổ của nó. Còn khi có nguy cơ bị đe doạ, bất kể do loài to xác nào, những chú ong gác phát tín hiệu báo động, lập tức có khá đông ong thợ chui ra đứng trước cửa tổ, chân chạng ra, hai cánh giương lên rung rung, sẵn sàng chống trả kẻ thù. Nếu đối phương không động đến tổ chúng, chúng lại lặng lẽ chui vào. Thì ra loài ong cũng rất yêu hoà bình. Còn vô phúc cho kẻ nào có dã tâm phá tổ nó, lúc đầu chỉ một, hai con đốt để xua đuổi, cảnh cáo. Khi đốt, nó cắm sâu ngòi vào đối phương rồi bơm nọc độc. Xong, nó bay đi để lại một đoạn ruột cùng chiếc ngòi đang cắm trong da thịt đối phương, rồi thanh thản chấp nhận cái chết. Nó chết nhưng mùi nọc và mùi ruột nó khuếch tán nhanh báo cho cả tổ có nguy biến thực sự. Mùi đặc trưng của nọc và ruột đồng loại đã kích động hàng vạn con lao vào chống trả kẻ thù để bảo vệ tổ, bảo vệ chúa, bảo vệ ấu trùng. Ong thợ có vũ khí để bảo vệ nòi giống (chứ không phải bảo vệ bản thân nó) duy nhất và chỉ một lần dùng đến là ngòi và nọc độc. Chúng đúng là lính cảm tử dũng cảm.
Con ong chúa có sức mạnh gì mà đám ong đực, ong thợ tuân theo răn rắp và sẵn sàng chết anh dũng như vậy??? Nó không có ngòi và nọc độc để uy hiếp con nào, cũng không thấy đánh lộn, cắn lộn với con nào. Nó sống hiền hoà và chú tâm thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng là sinh con để duy trì nòi giống. Chỉ cần thế thôi cũng đủ để mọi thành viên trong cộng đồng ấy một lòng, một dạ tôn trọng, cung phụng và bảo vệ nó.
Ôi! Loài ong tuyệt vời, tuy chỉ là động vật cấp thấp, dù biết chết cũng đồng lòng bảo vệ nòi giống đến cùng!!!

12- 9- 2009.