Trang chủ » Truyện

Con heo núi

Võ Tấn
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Xóm tui nhiều người đi cày, tui tay cày tay viết. Tui viết truyện không đăng báo chỉ để bè bạn đọc chơi. Năm nào tui không ra được truyện thì Tết chẳng có ma nào tới nhà vì độc giả của tui thừa biết thế nào thì tui cũng ngồi ì bỏ ăn mà gõ cho ra. Mấy ông bạn độc giả kể cho tui nghe một câu chuyện đêm hôm trước, hôm sau hỏi lại ngay “Chuyện ra lò chưa. Có ra trò gì không?”. Nếu tui nói “bí” lập tức có chuyện “Đ...mẹ chuyện đời hay như thế mà …Đ…mẹ…chả có ai chịu viết?”. Độc giả kỳ cục của tui giận dai như đỉa, không thèm nhìn mặt “nhà văn xóm” cho tới khi tui xách cái truyện mới ra “xin lỗi” mới tha. Là dân lao động ở ven thành phố trồng rau, trồng lúa nên nói năng thô thiển thế, bụng dạ thì mát. Sở dĩ đa số nói năng quá nhiều tiếng chửi thề cũng tại cái tính dân giã, cái thói quen “cà lăm”. Mấy lần trượt danh hiệu “Xóm văn hoá” là do như vậy.
Hôm qua, sau khi đi tất niên nhà gã độc giả thân cận, về tới nhà đã xế chiều tui ngồi vô máy vi tính định gõ cái chuyện “con Thằng Lằn Bông” đi máy bay sang Sing-ga-po du lịch khi về lại quê hương đã sinh con “Mẹ Thằng Lằn con Cá Sấu”. Chuyện này theo ý của mấy gã thì viết làm sao cho mấy đứa con gái đọc thấy “quê một cục” là cực hay. Tui mà viết ra truyện được chắc bắt một gã cùng đứng tên đồng tác giả, lỡ có đụng phải con cái nhà ai họ cho tui ăn “Lẫu đồ” đi nằm viện làm sao. Tui không nói dóc đâu, mấy ngày còn lại năm cũ, nhiều chuyện ly kỳ về heo, mà với một “nhà văn xóm” như tui thì làm sao viết về “Heo” cho nổi, các nhà khoa học nghiên cứu cả đời vẫn chưa hiểu hết “tính cách, tình cảm riêng tư của Heo” huống hồ tui. Khất chẳng xong, sẽ bị nghe nhiều tiếng “Đ…mẹ” điên luôn, đến nổi tui chẳng còn biết chọn chi tiết của gã nào hay để đưa vào truyện cho thích hợp khẩu vị của mấy ông bạn “độc giả độc quyền”. Tui trở thành “nhà văn xóm” là do mấy ông gã độc giả nhiều chuyện ấy, tự nhiên mấy gã thích cái tạng viết “cà đung” mới khổ chứ lỵ.

Chuyện “con Thằng Lằn Bông” gã Văn Nhu lượm mẫu ở đâu đó đem về xóm kể ỏm tỏi, chuyện này báo chí nói toạc móng heo luôn chứ có nghĩa địa gì phải “ngụ ngôn”, mẫy gã kể cho nhau nghe rồi bắt tui viết. Thường tui viết được truyện là vậy, viết như để ghi lại cái nhận thức về tình hình cuộc sống của chúng tôi, chứ thật tình mà nói chúng tôi luôn bị khinh khi “dân lạc hậu”. Chuyện kể của mấy gã đã có cốt truyện, tui chỉ ngồi vào bàn phím gõ y như lời kể của mấy gã, bỏ đi mấy tiếng chửi thề “Đ…mẹ” sẽ có ngay một cái truyện cực kỳ hấp dẫn. Các nhà văn chuyên nghiệp, họ viết cũng bao nhiêu chữ đã học, có khác gì xếp lại những “con chữ ông cha” xài nát bét sắp lại cho có logic, mấy khi họ đẻ ra con chữ “thần”. Tui bắt chước thế mà mấy gã độc giả xóm cứ khen tui có khả năng làm văn chương! Tui hăng lên viết rất nhiều mà chẳng biết có ra trò gì với độc giả Xã, Huyện, Tỉnh…Trước mắt là hàng năm vào dịp xuân về có cái kỷ niệm của những người gác cày cầm viết, đọc cho nhau nghe đàm luận sự đời.
Văn Nhu gợi ý đổi nhân vật con Thằng Lằn Bông là con Heo Vàng, năm Đinh Hợi tin đồn sinh con tốt, lộc trời cho Heo Vàng mà nhiều người mụ mẫn bắt buộc “vỡ kế hoạch” sinh đẻ, cái vụ này dân số tăng nhanh đấy. Tui thấy viết cho rõ tính cách con heo đã khó, viết được Heo Vàng tui chịu không hình dung ra, tui có nhìn thấy Heo Vàng hồi nào mà dám “chơi”. Dù hằng ngày tui hay nhìn heo, nghe kể chuyện heo…và thậm chí xơi luôn cả thịt của heo nhà, heo rừng vẫn thấy lo lo, lỡ tui viết không chính xác, bịa không khéo người đọc hiểu “nhầm” có mà toi.
Còn ít ngày quá, chữ nghĩa tui về cái giống quái quỷ này lại ít, tui loay hoay tìm cuốn Tự Điển Động Vật tra cứu xem nên thể hiện cái gì? Bực mình ghê còn chưa đến chục ngày nữa là Tết, cuốn Tự Điển bị thất lạc chỗ nào tìm chẳng ra. Tui đi ra ngõ gọi thằng Út về xem nó có lấy coi hình rồi bỏ chỗ nào đó.
-Út ơi… về ba cho bánh nè! - Gọi thế nó mới về còn goi suông không thì cứ bắn bi nhà hàng xóm, có nghe nó cũng trả lời:
- Dạ. Con mắc bắn bi với thằng Còi, thằng Cọt. Con chưa về được.
Biết làm sao, nó học cả năm mới rảnh được mấy ngày tết nên tui cho nó thoải mái cái tuổi thơ chút xíu. Cũng hên năm nay nhà trường cho nghỉ tết sớm hơn tuần nên nó có thì giờ tung tăng với bạn bè. Tuổi thơ của tui qua rồi. Nhưng tức đến độ phải ngăn không cho nó chơi vì cuốn Tự Điển Động Vật.
Không cần nữa, tui nhớ lại ở cái huyện miền núi, tháng trước tui gặp một con heo nuôi một bầy chó con nên dẹp ngay cái ý định tra từ điển tìm kiếm như những nhà nghiên cứu. Tui quyết định đi một chuyến thực tế lên núi để gặp chủ nhân viết thực tế, năm nay mấy gã độc giã của tui sẽ giật mình.
 Ông Ka Tơr vui mừng kể lại câu chuyện ly kỳ năm Đinh Hợi. Tôi hỏi:
-Ông có thấy Heo Vàng không?.
-Thấy rồi. Heo đất.
- Không phải. Con Heo màu Vàng chứ.?
- Ờ…ờ heo… heo bằng vàng của các đại gia. Ha… ha…ha – Ông cười như chuyện trên đời này không thể có thực con heo màu vàng sống chung với dòng họ nhà heo.

***
Làng Đá Ba Cái, cái tên làng đã đi vào truyền thuyết của người Raglai nơi vùng núi rừng từ xa xưa, nay vẫn còn có nhiều câu chuyện huyền bí về loài vật nuôi trong nhà. Câu chuyện kể về “Mẹ Heo con Chó” nhà ông KaTơr làng Đá Ba Cái hơi “liêu trai” nhưng phải nói là không thể không tin.
Chuyện bắt đầu từ một con chó cái nhà ông Ka Tơr được một người bạn dưới phố cho năm Bính Tuất, ông nuôi nấng hết sức tưng tiu, ông đặt tên A Sâu Hoa (tiếng Raglai là chó đẹp như một bông hoa). Tuy ở núi rừng nhưng A Sâu Hoa được ông Ka Tơr chăm sóc, tắm gội như một loại chó kiểng ở những nhà quan chức thành phố. A Sâu Hoa lớn lên mượt mà lông, tròn quay núc ních điệu đà. A Sâu Hoa được giao nhiệm vụ trông nhà với một sợi dây xích sắt dài đủ để chui ra hè lúc cần thiết giải quyết việc vệ sinh thân thể khi vắng chủ. Ngày A Sâu Hoa muốn có bạn tình, ông Ka Tơr tháo dây xích để A Sâu Hoa tự do tìm bạn như ý. A Sâu Hoa đỏng đảnh với những người bạn rừng núi, mặc dù quanh làng Đá Ba Cái có chục “chàng trai” ngày đêm tập hợp lại “phân định tài nghệ” trước mắt nàng A Sâu Hoa ma không thấy nàng chấp nhận. Thế rồi không biết A Sâu Hoa đã phải lòng ai trong làng Đá Ba Cái cũng mang bầu và sinh nở được một bầy 6 cô cậu màu xám nắng của núi rừng. Ông Ka Tơr vui sướng biết bao, ông gùi bầy chó con ra rẫy ý định là tập cho bầy chó thích nghi với bản năng. A Sâu Hoa không thương con nên chẳng hề quan tâm. Mấy hôm liền ông Ka Tơr “năng nỉ dụ” đi lên rẫy nhưng nàng A Sâu Hoa bỏ nhà đi biền biệt. Ông Ka Tơr có được bầy chó con nhưng chẳng biết lấy sữa từ đâu để cho bú. Bầy sơn cẩu sẽ chết nếu không có mẹ.
Cái rẫy ngô, vườn mía nằm giữa đại ngàn núi rừng, bầy Heo núi (heo người Raglai nuôi) là người bạn thân thiện nhất cũng là nguồn kinh tế chủ đạo cho mọi lễ nghi. Con heo đen đẻ xong bầy con ngoài rẫy mía đã bị lũ kiến tấn công chết hết. Ông Ka Tơr bận làm nương không kiểm sót hết vì heo thả đi ăn như môi trường sống tự nhiên. Loài heo núi sống như loài heo rừng bản địa mà tính cách khác xa, mặc dù vẫn đi ăn tự do ngoài rừng nhưng rất hiểu được con người có mối liên hệ với chúng. Đến kỳ sinh nở thì quay về quanh quanh chòi rẫy mà đẻ, khi heo con lớn lại dắt đi ăn, quấn quít với người thân thiện. Ông Ka Tơr thấy Un Đen (heo màu đen) suốt ngày quanh quẩn tìm con thở dài ngao ngán, bỏ ăn. Ông gọi Un Đen về chòi nói to bằng tiếng Raglai, ông nói đại ý “bầy chó con đã bị mẹ bỏ rơi mày có nuôi thì tao cho”. Un Đen như hiểu được ý ông nó nằm xuống để ông ôm bầy chó ra nó cho bú.
Một tuần, rồi hai ba tuần trôi qua sáng, trưa, chiều tối Un Đen đi ăn vẫn nhớ về nằm bên bầy chó cho các con bú. Lạ kỳ thay bầy chó con lớn lên trông thấy, rất lanh lợi như những A Sâu Sơn Cước. Un Đen dắt bầy con nuôi đi ra rẫy, tập săn bắt, tập tắm nước không lúc nào bỏ lơ bầy con thương yêu.

***
Đêm 30 giờ cuối cùng của năm cũ Đinh Hợi, tui trả nợ mấy gã độc giả độc quyền của tui cái truyện ngắn “Con Heo Núi” vừa viết trong thời gian đông tàn xuân đến. Nghe tui có truyên mới mấy gã kéo đến đón giao thừa cùng chia ngọt xẻ bùi. Văn Nhu cho là tui bịa “Làm gì có cái chuyện một con heo sống mãi tận rừng thiên núi độc lại khôn ngoan như người”. Chẳng ai tin, nhưng truyện tui viết là để mấy gã đọc chữa bệnh stress nên càng bàn luận càng giảm cơn đau. Tui thủ sẵng báo vật chờ đến độ “căng” dây thần kinh, tui đưa tấm hình chụp con heo với bầy chó nhà ông Ka Tơr ra làm minh chúng, mấy gã tá hoả:
-Đ….mẹ làm kiếp heo…thật khổ!
-Heo Vàng mới sướng. Nó là con heo đen – Văn Nhu lại lý luận
-Đen vàng gì nó cùng loài heo! Tui viết không sai một lời đó mấy bác ạ
Im lặng một hồi lâu, mấy gã độc giả thân mến chuyền tay nhau xem ảnh, bỗng dưng có gã phán:
-Làm gì có con heo nào màu vàng mấy cha. Con heo đen này nó ở trên núi, nó nuôi chó nếu nó ở thành phố chắc lũ chó nó cắn chết rồi. Đ…mẹ ở đời có con heo mà “Đ… mẹ” sống chốn này khác, sống chốn kia lại khác. Chả biết thế nào mà lần!
….!!!
                                                                            Võ Tấn