Trang chủ » Truyện

QUẢ BÁO NHỠN TIỀN

Đàm Lan
Thứ năm ngày 3 tháng 9 năm 2009 2:00 PM
 
Truyện ngắn
 
         Tôi tần ngần trước cái điện thoại, tần ngần trước một hàng số. Một hàng số mà đã lâu, rất lâu rồi tôi không nhấn đến, bởi trước khi nhấn đến thì đã hình dung ra gần như toàn bộ nội dung cuộc trao đổi là gì. Tần ngần mãi thì rồi tôi cũng nhấn đến một hàng số, cho dù biết có thể nội dung cũng chỉ loanh quanh chừng ấy thôi.
- Alo, mẹ cháu có nhà không ?
- Cô là ai đấy ?
- Có mẹ cháu ở nhà không thì gọi mẹ cháu nghe điện đi.
- Dạ, để cháu gọi.
         Mấy giây chờ, tôi không nói tên là vì nếu biết tôi là ai thì chủ nhà sẽ không nghe máy, sẽ bảo con thoái thác bằng một lý do nào đó.
- Alo, ai gọi đó ?
- Mình đây.
- Ai vậy ?
- Không nhận ra giọng mình nữa sao ?
         Mấy giây im lặng, và..
- A…sao dạo này khoẻ không ?
- Vẫn khoẻ. Thế nào ? Nhà cửa sao rồi ? Làm ăn có khá không ?
- Chán lắm. Làm ăn thì chả ra sao, lại hết chồng đau con ốm.
Thằng lớn đi lái xe cho người ta năm ngoái một tai nạn, gãy tay, năm nay lại một tai nạn nữa, không…không sao, nhưng phải đền mười mấy triệu.
- Thế á.
- Thằng kế thì đi làm cho người ta, lương lậu không được bao
nhiêu, mà cứ ốm đau miết, ra vào bệnh viện như cơm bữa vậy.
- Nó lúc bé cũng khoẻ lắm mà.
- Ừ, chả biết sao mấy năm gần đây lại đổ bệnh ra lắm thế. Làm
đầu tắt mặt tối cũng chẳng đủ tiền thuốc cho cha con.
              -    Ông ấy thế nào ? 
- Ông ấy nay phải chống gậy rồi.
- Mới hơn bốn mươi mà đã phải chống gậy rồi à ?
-  Ừ, bị gút nặng, lại áp huyết cao nữa, hôm nọ suýt bị biến chứng.
Nhà mình không biết tại sao mà cứ sùi sụt mãi, không ngóc đầu lên nổi. Năm ngoái mình bị liệt mấy tháng, may mà nhúc nhắc lại được không thì cũng chết. Bà chị mình lại mới bị phát hiện là ung thư vú giai đoạn hai rồi.Thật chán, chỉ muốn chết cho xong. Từ hồi xây cái nhà này thấy cứ lụn bại đi. Chả hiểu có phải vì nhà cửa làm sao không ?
- Mình chẳng tin những chuyện ấy. Vận hạn làm ăn thế nào còn
do nhiều lý do, do cả những hệ luỵ hệ quả gì đó nữa, chứ …
- Sao lâu rồi không thấy vô chơi ?
         Một câu hỏi ngắt ngang.
- Mình cũng bận lắm, đi hoài à. Để lúc nào rảnh thì vô.
- Ừ nhé. Lúc nào vô chơi nói chuyện nhiều nha.
         Tôi mỉm cười, thừa biết người bên kia muốn trốn chuyện cho nhanh, ít nhất là không phải nghe thêm một câu hỏi.
- Ừ, thế thôi nhá.
- Chúc ngủ ngon nha.
         Một tiếng tít báo cuộc điện đã ngắt. Tôi tắt máy, cười buồn rồi ngẫm ngợi. Quả thật là xưa nay tồi không hề tin vào những bói toán, dị đoan, Nhưng tôi vẫn tin vào một thứ quyền năng vô lượng rất công bằng luôn hiện hữu giữa thế giới loài người này. Thứ quyền năng này có thể nhìn thấy rõ nhất ở những phạm trù “VAY TRẢ, NHÂN QUẢ, BÙ TRỪ”. “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” “Người chết cái nết vẫn còn”. Mỗi con người khi sinh ra đã có sẵn một lập trình cho cả cuộc đời. Cái lập trình ấy có tên gọi khác là “Số Phận”. Tôi lý giải nó bằng một công thức “Hoàn cảnh + Cá tính + may rủi + Số phận.” Đã có những lúc tôi thầm trách ông trời ban chi cho tôi cái tính “dại dột”. Dại, dại lắm cơ. Cái tính chi mà cứ ai nỉ non nói khó vài câu là dốc túi. Hết cho vay, lại bán thiếu, (tôi bán mặt hàng nông phẩm, các loại hạt giống, các loại thuốc trừ sâu bệnh), lắm khi còn cho không. Để rồi phần lớn trong số ấy một đi không trở lại. Cái tính chi mà khi móc túi cho người ta thì dễ như không ấy, mà khi mở mồm hỏi đòi thì cứ như mình mới là người đi xin vay. Không làm sao cất tiếng nói được. Còn người vay, người thiếu mình thì mồm loa mép giải, nhiều khi vội hàm hồ, chưa đợi mình lên tiếng để kể lể khó khăn, đã sắp sẵn hàng đống lý do để chối tránh. Nghe người ta nói vài câu thế là thôi, lại cắp nón đi về. Lâu dần đánh cái tặc lưỡi là xong. Cứ tự bảo mình “Phải khôn lên nhá, kinh nghiệm rồi đấy nhá”, nhưng rồi lỡ một trường hợp nào khác, y như rằng đâu lại đóng đó. Không ít người chê bôi, mắng mỏ. Biết người ta chê đúng, mắng đúng, nhưng khốn nỗi cái tính mình nó thế, chẳng làm sao khác đi đuợc. Thấy ai khó khổ thì động lòng trắc ẩn, không thể làm ngơ, rồi lại khi nhiều khi ít bỏ ra, dù biết trước khó lấy về, nhưng không làm thế thì cứ gút mắc mãi trong lòng, lại cứ như thấy mình có lỗi. Biết là dại, dại lắm, dại vô cùng, nhưng lại tự lập luận để giải toả và cũng là vỗ về mình “Thôi coi đó như là những món nợ đời mình phải trả, còn nếu không phải thì những người ấy đã vay thì sẽ phải trả dù bất cứ dưới hình thức nào” Tôi tin vào sự công bằng của cái gọi là “Luật đời”. Câu chuyện trên có thể coi như một minh chứng.
         Mười mấy năm trước. Cả hai vợ chồng cô bạn ấy rơi vào một cảnh thắt ngặt. Đã bốn đứa con lít nhít, chạy ăn từng bữa, nhà chỉ có vài sào ruộng, không đủ thiếu vào đâu, lại dính ngay một cái thai sinh đôi, lại sinh khó. Vốn quen biết qua những khi mua bán, nghe than thở, tôi sẵn lòng giúp đỡ cả tiền lẫn vật phẩm canh tác. Những con số nho nhỏ cứ cộng dồn cộng dồn lại, không chỉ là một thời gian ngắn, mà kéo dài suốt mấy năm liền. Cái dại dột nhất của tôi là quá cả tin. Chẳng một chút sổ sách giấy tờ gì cả, chỉ cộng nhẩm từng khoản, từng khoản, cứ nghĩ ai cũng như mình, đâu ra đó, chẳng thể nào sai lệch, khi nào có điều kiện ắt sẽ hoàn lại thôi. Cho đến một ngày tôi nói lên một con số. Một con số đáng kể mà chính tôi cũng không ngờ nó đã hình thành trong suốt một thời gian dài ấy. Nhưng con số ấy nhanh chóng bị đánh trượt xuống một nửa, theo hình thức “Tôi chỉ nhớ chừng ấy, không giấy tờ gì nên giờ nói bao nhiêu chẳng được”. Ngậm đắng nuốt cay biết mình thất lý, đúng là không có chút gì làm bằng thì có cãi trắng đi cũng được chứ một nửa hãy còn là nhân đạo. Thực ra thì, nếu có thể họ cũng đã cãi trắng đi rồi, chỉ vì trong quá trình ấy có những người trung gian “Cầm về giùm”, nên có cãi trắng cũng không được. Cái một nửa ấy kéo dài suốt từ đó đến nay đã mười mấy năm, chính xác là chỉ có hai lần, nhín một chút gọi là có trả để tôi không bức xúc. Những thông tin không hay về gia đình họ tôi không chỉ nghe từ chính chủ, mà còn từ nhiều người khác. Cũng bởi vì những thông tin ấy mà đã từ lâu tôi không hỏi đến chuyện nợ nần. Bởi biết hỏi đến cũng chẳng nhận được gì ngoài những ta thán kể lể. “Vay thì phải trả chứ, bạn cứ yên tâm, mình mà có sẽ trả ngay, không để bạn phải buồn đâu.” Leo lẻo thế, nhưng rồi một cái nhà tuơm tất mọc lên với những thứ tiện nghi tương đối. “Cũng phải có một chút cho con cái nó không xấu hổ với mọi người, chứ cũng phải vay mượn lung tung cả đấy.” Phân bua, biện hộ cho một chủ đích, và tôi lại cười cho qua. Món nợ của tôi, với bây giờ thì không gọi là lớn, nhưng nó là những đồng tiền khổ nhọc, xương máu của tôi trong những tháng ngày. So ra với những số tiền thuốc họ phải trả, thì chắc đã gấp lên rất nhiều lần rồi. Tôi thật tình là không hề có ý rủa sả gì họ, cho dù chỉ để bõ tức, nhưng những gì liên tục xảy ra trong gia đình họ, đã làm tôi phải nghĩ đến hai chữ “Luật đời”. Nếu đúng thế thì tôi chả có gì phải suy tư nữa, họ đã phải tự chịu hậu quả từ việc họ đã làm, chỉ tội cho những đứa con, nếu đúng theo câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Chúng ra đời từ người cha người mẹ không nhân đức, chúng mặc nhiên phải chịu những hệ luỵ đáng buồn. Những chuyện vay trả, hay gọi là “Quả báo nhỡn tiền” luôn thấy rõ trong dời sống hàng ngày. Khu tôi ở có một câu chuyện chứng thực. Hai vợ chồng nọ, vợ thì chuyên ăn cắp ăn giật của bao người, chồng thì ra vẻ dao búa hiếp đáp, thu lợi bất chính ai cũng biết. Nhiều người không muốn tiếp xúc, nhưng không dám tránh né ra mặt sợ chuyện hằn thù. Một ngày kia, anh chồng gây tại nạn giao thông, làm chết một đứa trẻ con của người dân tộc Eđê. Luật tục của người Eđê là khi nhà có người mất thì tổ chức ma chay bằng ba ngày ăn uống cho cả làng, cả buôn. Nhà có gì thì đem ra cái ấy, ai đến cũng ăn. Sẵn ghét vợ chồng nhà nọ, nên khi xảy ra chuyện, họ báo cho cả ba làng, kéo đến nườm nượp kêu đòi mổ bò giết heo. Vợ chồng nhà nọ cứ tha hồ mà bày cỗ. Chưa hết, lại còn thương lượng đền bồi, chạy chọt công an để khỏi đi tù. Vẫn chưa hết, hơn tháng sau, bà mẹ chồng trượt sàn nước ngã gãy tay, con gái đi đường bị xe đụng gãy chân. Hầu hết ai cũng bảo “Đấy, quả báo nhỡn tiền đấy”. Nhìn rộng ra xã hội, cũng không hiếm thiếu gì những chuyện tương tự. ông to bà lớn, cậy chức cậy quyền, dùng bao nhiêu thủ đoạn để mưu lợi hàng tỉ, rồi cũng đến ngày ra vành móng ngựa, của thiên trả địa, thân mình mang tội, con cái bơ vơ, người khinh kẻ nhiếc. Lại có những người ngọt nhạt lường gạt tiền của bao người rồi bỏ trốn, cho dù họ đủ tinh xảo để tránh cái lưới pháp luật, nhưng cả đời họ sống thế nào nhỉ? Tất nhiên là lúc nào cũng trong tâm trạng nơm nớp bị phát hiện, bị kêu đòi, trong giấc ngủ đêm đêm mệt nhoài vì thấy mình bị săn đuổi. Có thể khi mưu toan ăn được của người, họ rất hỉ hả, nghĩ rằng mình thật khôn. Nhưng cái khôn của họ có thật sự đem đến cho họ một cuộc sống tốt đẹp không ? Không hiểu khi họ nhìn những nạn nhân của họ kêu khóc, chết lên chết xuống thì họ nghĩ gì nhỉ “chúng mày dại cho chúng mày chết”, chắc thế. Chứ nếu lương tâm họ biết cắn rứt, biết mình làm vậy là có lỗi, có tội, thì họ đã không thể làm được. Bởi nếu là tôi, không cách gì tôi thò tay vào túi người ta một cách vô lương tâm được. Đành rằng, cuộc sống phải có những tính toán lợi nhuận để phục vụ cho đời sống, cho mình và cho cả người thân. Nhưng những tính toán bất lương, gây ra những hậu quả thất thoát lớn cho người khác, thì đó là những món nợ truyền kiếp, những món nợ không khác một cái chẻ ba mắc ở cổ, để rồi có hàng nghìn lý do, phương cách mà trả ra. Những cách trả không hề được thoả thuận trên một thứ văn bản pháp lý, nhưng luôn là những cách trả với cấp số nhân về mặt lãi suất.
         Còn tôi. Dại. Vâng đúng là dại, rất dại. Nhưng nếu cái dại của tôi được đổi lại bằng những tháng ngày bình yên, vui vẻ và mạnh khoẻ, như tôi đã có, thì tôi chấp nhận dại, tự nguyện dại, dại không những suốt kiếp này mà luôn cả những kiếp sau nữa. Dại để con cháu tôi không phải trả nợ thay cho tôi. Dại để không phải nghe “Đấy, Quả báo nhỡn tiền đấy!”.
                                                                  ĐÀM LAN
                                               (Đàm thị Tuyết Lan 74 Y Jut TPBMT
                                                 Email :
damlanbanme@yahoo.com.vn
                                                      ĐT :  0985183225)