Trang chủ » Truyện

MỘT NGÀY VÀ MỘT ĐỜI

Trần Quang Vinh
Thứ tư ngày 2 tháng 9 năm 2009 4:11 PM

                                     Truyện ngắn           
      Đã qua tiết lập thu mà vẫn oi bức khác hẳn mọi năm. Đằng Tây mặt trời như quả cầu lửa chìm dần sau bờ đê cống Trộm, hắt lên những quầng sáng hình rẻ quạt vàng rộm. Không một lọn gió. Muỗi vo ve từng bầy trong bầu không khí ngột ngạt.
    - Giời với đất cứ như quỷ sứ!
     Mụ Phó Kền ngước nhìn trời miệng làu bàu nguyền rủa. Rồi, giống như những lần trước, mụ bước ra đầu ngõ ngoảnh mặt về phía nhà Gái hoa cất tiếng chửi .
     … Cha tiên sư tam đại, tứ đại, ngũ đại … cái quân giang hồ tứ chiếng, đánh đĩ mười phương! Mày cậy ái ố mỹ miều, cổ kiêu ba ngấn thì cứ việc xắn quần vén váy giữa bàn dân thiên hạ cho cú rúc, quạ đâm, kiếm cơm phúng cha, dưỡng mẹ, cớ sao lại vập mặt về đây quyến rũ chồng bà? Này, bà nói cho mà biết nhá! Con chim  của chồng bà ở nhà là giống là má, là vàng là ngọc. Chui vào bướm mày là rắn, là rết, là ma là quỷ. Tổ sư cha cái giống gà què ăn vụng cối xay, chín kiếp ăn mày, bảy đời sãi mõ, chó cái có hom! Bà chửi cho mày phải khoan tai ra mà nghe, khoét mắt ra mà nhìn. Chớ tưởng mặt bà rỗ mà xem thường nhá! Bà rỗ mặt đấy, nhưng là rỗ hoa, rỗ ngọc, rỗ thóc, rỗ tiền. Còn cái mặt mẹt của nhà mày dẫu tròn, cái bướm  của mày dẫu to, vẫn chỉ là loại đĩ voi, đĩ ngựa, đĩ chó, đĩ mèo, nửa trinh không đáng! Muốn sống mà nằm ngửa thì cuốn xéo đi nơi khác cho khuất mắt bà. Mày còn ở xóm Trại thêm một ngày, bà ăn thêm một bữa cơm chửi mày một ngày. Ở thêm hai ngày, ba ngày, bà ăn hai ba bữa cơm chửi mày hai ngày, ba ngày… Rát họng bà uống nước chanh, mệt bà ngậm sâm, qua tuần ăn chay lại mổ gà tẩm bổ chửi cho sướng miệng nhá!...
          Mụ Phó dừng chửi, hậm hực quay vào thềm cửa, chiêu ngụm nước vối trong chiếc ấm đất nuốt ừng ực, thở hào hển. Phía bên kia hàng rào tre nhà Gái Hoa đã thắp đèn, yên ắng như không có chuyện gì xảy ra. A, hỗn láo, quá hỗn láo! Nó dám coi thường, không thèm chửi gia bà đến một câu! Cả làng này ai chả biết cái giống mạt hạng nhà nó. Thằng bố chuyên nghề sãi mõ. Ông nội nó cũng là sãi mõ. Cụ kỵ nó vẫn là sãi mõ! Quanh năm rạc cẳng lốc cốc, bốc bải xôi thừa, thịt ôi ở đình làng. Còn mẹ nó thì thong manh, con lão ăn mày tứ cố vô thân. Rõ một phường cua đồng, ếch nhái, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Nó là con Hĩm, vắt mũi chưa sạch đã ngứa nghề, bỏ nhà theo giai. Bây giờ lại đổi tên Hĩm thành Hoa, trơ trẽn ôm con hoang về làng lên mặt thành phần bần cố, đòi chia vườn, chia ruộng. Vẩy mông ưỡn ngực chim chuột đàn ông. Nghĩ mà căm! Thời buổi lộn tùng phèo mất rồi ! Mụ phó bực bội kéo vạt áo lau mồ hôi trên mặt, tiện tay hất hất phía ra phía trước cho đỡ nóng. Chợt nghe tiếng cựa mình cạu cọ của lão chồng say xỉn đang nằm lăn lóc trên chiếc phản gỗ, mụ bèn  giả bộ đi ra sau nhà đóng cửa chuồng gà. Dẫu sao mụ vẫn sợ chồng bắt gặp đang chửi cạnh Gái Hoa. Người làng ai cũng biết điểm yếu đó của mụ. Họ thường bàn tán rằng, sự đời thật trớ trêu. Cái con mụ trời đánh thánh vật, đanh đá cá cày, chua ngoa hơn mẻ ấy lại biết sợ chồng mới là chuyện lạ! Mà lão Phó Kền, chồng mụ thì củ mỉ cù mì, hiền như cục đất, chưa bao giờ thấy lão to tiếng gây gổ với ai.
       Nhưng nói đi phải nói lại. Ngày trước mụ Phó cũng là một thiếu nữ hiền thục đoan trang. Tên cha mẹ đặt  là Ngô Thị Vân. Về nhan sắc tuy có phần lép vế, mặt rỗ hoa, thân hình cao to rắn chắc, nhưng bù lại Vân là con gái cưng của một gia đình nền nếp khá giả. Nghe nói, ông nội từng đỗ cử nhân ở khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn. Năm Vân mười tám tuổi, gia đình gả cho anh cu Kền, con trai thứ tư của ông thợ đóng coi xay thóc ở làng bên. Ngày về làm dâu, cu Kền, tức chồng Vân, mới mười ba tuổi, tanh như ngóe, gọi vợ là chị. Làm dâu được sáu năm, khi  Kền đã biết làm người chồng thực sự, bố mẹ vợ bèn mua cho miếng đất ở xóm Trại rồi bỏ tiền xây căn nhà gạch ba gian để vợ chồng ở riêng. Lại cắt thêm năm sào ruộng mật  ở đồng La làm của hồi môn. Người ta bảo, lấy vợ như Kền đúng là chuột sa chĩnh gạo. Nhưng thật ra anh Kền  không mấy quan tâm đến của nả. Anh tiếp tục theo nghề phó cối  của bố, quanh năm lang thang khắp tổng Hà đóng cối cho dân mấy làng, năm thì mười họa mới ghé qua nhà ngủ với vợ một đêm. Phó Kền có tiếng là tay thợ vừa khéo vừa chịu khó. Những chiếc cối xay thóc do anh ta đóng kéo rất nhẹ, tiếng kêu u u như tiếng sáo diều, trấu tróc đều mà hạt gạo lức không hề vỡ đớn. Phó Kền thường đóng cối tại nhà chủ, cơm no rượu say rồi ngủ lại qua đêm. Khoản tiền công thì tùy lòng, không mè nheo tính toán thiệt hơn. Dân trong vùng rất thích tính nết của Phó Kền, bởi thế anh phó cối không bao giờ thiếu việc làm. Nhưng đó cũng là nguyên do gây ra nỗi đau đớn, uẩn ức mà  mụ vợ phải gánh chịu. Ấy là cái sự Phó Kền đã lén lút ăn nằm với một người đàn bà góa ở làng La mà mụ Phó không hề hay biết. Chỉ tới khi con mẹ góa ấy ẵm đứa bé trai ba tháng tuổi, giống Phó Kền như lột, đến trả để đi tái giá mụ mới điếng người trước sự việc đã rồi. Cụ cố nội bảo rằng, trong cái rủi có cái may. Rằng mình là vợ điếc, có lỗ đái mà chẳng có lỗ đẻ, không nhẽ thằng chồng cam chịu tuyệt tự? Thôi thì hỏng nồi vơ rế, dù sao cũng là giọt máu chồng mình, cứ nín nhịn nuôi dưỡng nó cũng là con mình, lúc về già còn có đứa chống gậy. Coi như số phận đã an bài, đành chịu lép với ông giời. Mụ lặng lẽ chấp nhận, đặt tên đứa bé là Kển.
    Nuôi cu Kển cũng vất vả bận rộn nhưng căn nhà ấm cúng hẳn lên. Lâu dần mụ Phó cảm thấy cu Kển như con mình đẻ ra. Những tưởng ông giời đã bù đắp ân huệ. Nào ngờ, cái con mẹ góa đĩ thõa ấy đùng đùng vác mặt trở về, trâng tráo đòi lại cu Kển. Tổ sư cha cái quân ăn cháo đái bát, mặt dày, mày dạn. Lúc nó vụng trộm với chồng bà, rồi cào bướm  ăn vạ, vứt con vào nhà bà thì xơn xớt nói rằng giọt máu của lão Kền, giữ lấy mà nuôi. Lúc muốn đòi con thì lật mặt bảo, cha đứa bé là người danh giá đàng hoàng chứ không phải thằng đóng cối(!)       
     Hôm cu Kển bị bắt mang đi, nó co rúm lại, ôm chặt lấy mụ Phó khóc thét gọi bu ơi! Mụ Phó uất quá, ngất xỉu. Dù thuộc loại bà chằn ở làng, nhưng mụ Phó buộc phải chịu thua. Thôi thì tránh voi chẳng xấu mặt nào. Nghe nói, con mẹ goá nạ dòng ấy đã kiếm được ông chồng quyền thế nhưng mắc căn bệnh oái oăm gì đó, không có khả năng làm con giống nên mới giành lại cu Kển .
      Từ ngày mất con, nhà mụ Phó lanh tanh như có đám. Lão chồng về đến nhà là say xỉn. Chưa thật say thì rót thêm rượu trong chiếc hũ sành uống cho say, rồi lăn ra ngủ. Nếu có người gọi đóng cối, lão lẳng lặng gánh đồ đi khỏi nhà. Không có việc lão ngồi một mình nhâm nhi chén rượu suông, chẳng thèm đi kiếm việc làm như trước nữa. Còn mụ Phó thì sinh tật thích gây gổ với láng giềng. Trước kia mụ đã thuộc loại đàn bà chua ngoa độc địa, nhưng cũng chỉ độc địa với những người dám cà khịa với mình. Bây giờ mụ tức đời chửi tuốt tuồn tuột, chửi để vơi nhẹ nỗi đắng cay. Ngày nào mụ cũng tìm ra những đứa khốn nạn để chửi. Không chỉ ra tên tuổi thì chửi cạnh chửi khóe. Kẻ nào chạnh lòng ngứa miệng đối đáp, tức thì mụ vồ lấy chửi tới tấp, chửi ba họ bảy đời, bới lông tìm vết để lăng mạ nguyền rủa. Ở xóm Trại này mụ Phó căm nhất cô Gái Hoa, con lão Sãi Oản. Gái Hoa mới được chia miếng đất làm nhà kế mảnh vườn trồng bưởi  nhà mụ. Nghe nói, bố của Sãi Oản, tức ông nội Gái Hoa, là dân tứ chiếng lưu lạc đến làng Cốc. Dạo ấy lão mõ làng vừa bị chó dại cắn chết nên kẻ lạc loài kia mới được thay chân sãi mõ. Làng dựng cho túp lều nhỏ  góc cuối chợ Cốc để ở. Rồi Sãi Oản thừa kế chân mõ của bố. Do thân phận nghèo hèn nên gần tuổi băm vẫn không lấy được vợ. Một lần có ông lão ăn mày qua làng dẫn theo cô con gái mặt mũi tròn trĩnh trắng trẻo nhưng hai mắt thong manh. Sãi Oản xin lão ăn mày lấy cô gái mù làm vợ. Người vợ thong manh ở cữ bốn lần nhưng chỉ nuôi được con Hĩm. Năm Hĩm mười sáu tuổi đã thành một thiếu nữ xinh đẹp, thắt đáy lưng ong, nước da trắng mịn như trứng gà bóc. Trai làng nhiều anh si mê nhưng không ai dám cưới con gái ông sãi mõ thuộc loại hèn kém nhất làng làm vợ. Thế rồi Hĩm biến khỏi làng. Có người bảo Hĩm theo Việt Minh ra vùng tự do. Cũng có lời đồn rằng Hĩm đánh đĩ theo giai chứ Việt Minh việt miếc nỗi gì. Ngày hoà bình lập lại, Hĩm trở về làng với tên mới là Hoa, lại có đứa con gái nhỏ xíu nên người quê thường gọi  là Gái Hoa. Theo lời Gái Hoa thì bố của đứa bé  là liệt sĩ nên được chia miếng đất mới tịch thu của  địa chủ ở xóm Trại, kề bên mảnh vườn nhà Phó Kền. Nhờ đội cải cách giúp đỡ, Gái Hoa dựng căn nhà tre để ở. Bấy giờ Sãi Oản đã mất, Gái Hoa đón bà mẹ mù lòa về ở với mình.
     Đúng là gái một con trông mòn con mắt, Gái Hoa bây giờ còn mặn mòi xinh đẹp hơn thuở trước. Cánh đàn ông trong làng như bị hớp hồn, nhiều ông vợ con đề huề vẫn kiếm cớ thậm thụt tìm đến. Mụ Phó thường cạnh khóe bảo, tao ghét loại ếch nhái nhảy lên làm người, lại còn ra vẻ chó đéo bà đây! Nhìn thấy Gái Hoa là mụ nhổ bọt hấm hứ.
     Có lần mụ để ý thấy Gái Hoa lén lút đào hố chôn mớ lông gà ở góc vườn. A, con này ghê thật! Giữa bàn dân thiên hạ nó xưng xưng kể nghèo kể khổ, vậy mà dám mổ gà tẩm bổ, chẳng thua kém gì ông chánh, ông lý ngày trước. Ở làng này, giàu có phong lưu như Bạ Sùng cũng chỉ dám thịt gà vào dịp giỗ tết hay thết khách quý trên tỉnh về. Còn nó là quân mạt hạng, tiền ở đâu ra? Hay nó bắt trộm gà hàng xóm? Tung tích con này thật đáng ngờ, phải theo dõi làm cho ra nhẽ mới được. Chờ tối hẳn, mụ Phó lách rào mò sang nhà Gái Hoa rình ngay ở bức vách sau nhà. Nghe tiếng thì thào rên rỉ, rồi tiếng va chạm cót két phía trong, mụ hồi hộp ghé mắt áp vào tấm liếp che cửa sổ. Trong ánh đèn dầu tù mù, mụ thấy một gã đàn ông to khỏe đang đè ngửa Gái Hoa trên giường, cả hai trần như nhộng. Mụ ngẩn người một lúc, định hô hoán hàng xóm đến bắt quả tang. Thoáng do dự, mụ lại lặng lẽ dán mắt vào tấm liếp nhìn trộm quân đĩ bợm  làm tình. Đang độ tuổi hồi xuân, dẫu lấy chồng đã trên hai mươi năm, nhưng chưa lần nào mụ có cảm giác rạo rực như lúc ấy. Lúc trở về nhà, mụ nằm lăn ra chõng tre thở hổn hển … Ngó sang phía chồng đang ngáy khò khò ở giường bên, bất giác mụ bật tiếng thở dài. Lão Phó Kền kém mụ năm tuổi, còn đang sung sức lắm. Nhưng ở đâu thì không biết chứ đối với vợ lão quá thờ ơ. Thường về tới nhà là say. Có đêm mụ phải chủ động đánh thức lão mới chịu miễn cưỡng làm phận sự vợ chồng. Mụ Phó luôn cảm thấy ngao ngán tức tưởi cho thân phận mình. Người đời không hiểu nỗi chua cay u uẩn của mụ. Để làm một người đàn bà chính chuyên mụ phải kìm lòng nén chịu, mất mát nhiều thứ. Mụ vẫn đau đớn nhớ ngày mới về làm dâu. Khi ấy chồng mụ là đứa bé thò lò mũi, tất nhiên không thể làm được chuyện chăn gối vợ chồng. Nhưng mụ, tức cô gái tên Vân, lại đang ở độ tuổi thanh xuân hừng hực, khát khao được làm đàn bà. Bố chồng Vân  là một gã dê cụ, nhiều đêm rình xem Vân tắm ở bờ ao. Có lần lão ta còn gạ gẫm đòi giở trò đồi bại. Suýt nữa cô con dâu tuổi còn hơ hớ sa chân vào chuyện loạn luân. Nhưng Vân đã cố gắng chống đỡ. Để thoát khỏi sự cám dỗ Vân uống thật nhiều nước rau răm theo lời khuyên của sư bà trên chùa Đông. Sau này Vân kể cho mẹ  nghe chuyện ấy, bà đã chửi là con ngu! Có thể đó là nguyên nhân khiến mụ Phó mất khả năng sinh nơ chăng ?
      Quân khốn nạn! Mụ Phó cảm thấy thù hận Gái Hoa vô cùng. Nó xuất thân mạt hạng! Đánh đĩ tứ phương còn dám trâng tráo vác mặt về đây! Vậy mà lũ đàn ông ở làng vẫn cười cợt nịnh bợ, xoắn xít tít mù, không còn ra thể thống gì nữa. Ưà, mà thằng  nào dám trốn vợ mo đến hú hí với nó thế nhỉ? Mụ cố nhớ lại hình dáng gã đàn ông đè ngửa Gái Hoa trên giường. Hay lão Bạ Sùng? Không thể thế được, Bạ Sùng giàu, lại nổi tiếng máu dê, nhưng bây giờ lão đang lo chống đỡ với thời cuộc, suốt ngay nằm co nghĩ kế thoát tội thành phần bóc lột. Cũng có thể là ông xã đội? Cha này to con, rất hay thậm thụt ghe nhà Gái Hoa. Dưng mà chẳng phải! Ông xã đội chỉ còn một tay, còn thằng đó đủ cả hai tay. Chính mụ nhìn thấy gã mân mê cặp vú thây lẩy của cái con đĩ ấy kia mà! Phải rồi, đích thị là Giáo Ngôn, cháu nội cụ Tiên Chỉ. Đã nhiều lần mụ bắt gap Giáo Ngôn đến nhà Gái Hoa chơi, cho quà đứa bé gái, rồi anh chị trò chuyện tình tứ lắm. Không hiểu sao người đàng hoàng, chữ nghĩa như Giáo Ngôn vẫn ăn phải bùa con đĩ ấy nhỉ? Mà lạ gì sự đời! Đứa nào bên ngoài chẳng làm ra vẻ đức hạnh(!). Hễ mở miệng là răn dạy chữ nghĩa thánh hiền, nhưng bụng dạ thì cứt cả! Rồi mụ lại nghĩ vẩn vơ về số kiếp của mình. Cả đời chưa hề thiếu thức ăn thức mặc, dưng mà cái tâm thì khổ chẳng ai bằng. Lão chồng suốt năm lầm lầm lì lì, coi vợ chẳng bằng người dưng. Đành rằng mụ không sinh nở được, nhưng nào phải mụ muốn thế! Cha tổ cái đức hạnh, cái chính chuyên! Vì nó mà bà mất cả đời làm vợ! Mụ đã nín nhịn chồng, để hắn đi hoang, rồi chấp nhận nuôi  đứa con của lão. Rút cục vẫn sôi hỏng bỏng không, có chồng mà cô đơn  quạnh quẽ .   
      Từ dạo Gái Hoa về ở cạnh nhà đã là lần thứ hai Phó Kền chữa cối xay thóc cho nó. Lần trước lão làm gần một ngày. Lúc về mặt tươi hơn hớn, nồng nặc mùi rượu. Không thấy lão đưa tiền công nhưng mụ không dám hỏi. Chắc con đĩ ấy nó nằm ngửa để trả công rồi. Mụ Phó tức lắm nhưng cũng chỉ chửi cạnh trên mây, trên gió. Lần này nó dìu lão Phó Kền say mèm sang tận ngõ. Mụ điên tiết gạt phắt tay nó, bế thốc lão chồng vào chiếc phản lim, cắt một lát gừng đánh gió. Phó Kền nôn oẹ khùng khục, rồi há mồm ngủ say như chết. Quân chó má! Chỉ  được cái tài chim chuột đàn ông. Bà phải đào mả ông mả cha mày lên cho bõ tức.
       Mụ Phó Kền đã định chửi thêm một chập nữa, nhưng thấy chồng cựa mình thức giấc nên lại thôi. Loanh quanh ngoài vườn một lúc rồi mụ Phó quay vào nhà, thắp ngọn đèn dầu đặt lên bàn. Phó Kền đã tỉnh ngủ lục cục tìm nước uống. Đêm về khuya, làng xóm im phăng phắc. Tiếng con mèo cái động dục gào lên thê thảm. Mụ Phó trằn trọc khó ngủ, lặng lẽ ra ngồi trước hiên nhà, quạt phành phạch. Mụ ngẩng nhìn trời vẻ lo âu. Phía biển những cụm mây đen đang đùn lên che dan các vì sao. Gió bắt đầu nổi lên. Một lúc sau gió mạnh dần, những tảng mây gà con lao vùn vụt trên bầu trời. Thời tiết này chắc sẽ bão to. Lẩm bẩm một mình lòng dạ bất an, mụ đi vòng quanh nhà một lần nữa, xem lại chuồng gà, lấy tấm liếp chắn trước cửa chuồng heo. Ở xóm Trại này chỉ duy nhất nhà Phó Ken được xây cất chắc chắn, có cột gỗ lim, tường gạch, lợp ngói âm dương, đã qua nhiều trận bão lớn vẫn không suy suyển gì.     
      Mưa gió tầm tã kéo dài từ canh hai đến hết đêm. Sáng ngày hôm sau mưa chỉ còn lất phất, nhưng trời đổi hướng gió tây, quật phá ào ạt. Bão to rồi! Tiếng trống thúc hộ đê thình thình hối hả. Ông trưởng xóm cầm loa cuộn bằng kẽm tôn chạy khắp nơi đốc thúc..
       Phó Kền còn đang ngái ngủ đã có người đến đập cửa bảo, bác phó trai đem cuốc xẻng ra đê Cống Trộm ngay nhá! Nguy lắm, không chừng đê vỡ đến nơi! Mụ Phó rang vội bát cơm nguội đe chồng ăn cho ấm bụng. Phó Kền đi rồi, còn một mình ở nhà, mụ Phó mặc áo tơi ra vườn nhặt bưởi rụng. Vườn tược xác xơ, ngổn ngang từng chùm bưởi lẫn giữa những cành cây gãy. Mụ cảnh giác ngó sang nhà Gái Hoa. Thấy mấy chùm bưởi lăn lóc gần chái bếp, mụ lẩm bẩm chửi, tiên sư quân tắt mắt! Nó lợi dụng mưa bão dám nhặt trộm bưởi nhà bà. Đúng lúc ấy, một cơn gió ào tới, giật mạnh, những cành bưởi to gãy răng rắc. Gió quăng tới tấp vào chiếc áo tơi, đẩy mụ ngã chúi, nước mưa quật vào mặt đau rát. Có tiếng động rầm rầm bên nhà Gái Hoa, tiếp theo là những tiếng kêu la thất thanh. Mụ Phó ngoái nhìn, căn bếp nhà Gái Hoa đổ sập. Cho mày chết! Chưa chi đã lên mặt! Đúng là cái đồ ếch nhái nhảy lên làm người! Mụ khoái chí nguyền rủa Gái Hoa.
     Gió mỗi lúc một mạnh lên, hung hãn quằn quại.  Nhiều ngôi  nhà bị tốc mái, kèo cột lung lay xiêu vẹo. Cây cối ngả nghiêng bật gốc. Xóm Trại nằm biệt lập giữa cánh đồng chiêm trũng của tổng Hà vốn thấp hơn mặt nước thủy triều. Nếu đê vỡ tất cả sẽ chìm trong biển nước. Tai họa khủng khiếp đang tới gần. Người ta nháo nhác chuẩn bị thuyền mảng để chạy lụt. Đã có những gia đình hoảng hốt bồng bế con cái, lục tục kéo nhau vào đình làng tránh bão.
     Quá giờ Ngọ, gió chuyển hướng nồm nam. Sức gió giảm dần,  mưa đổ xuống như trút. Dễ bão sắp tan! Mụ Phó mở cửa nhìn ra ngoài trời ước đoán. Bỗng tiếng trống làng thôi thúc dồn dập như cháy nhà. Đầu xóm tiếng người gào to hoảng hốt : “ Vỡ đê rô … ồi, bà con ơi!” Những tiếng ồn ào náo động. Nước réo ầm ầm trên cánh đồng. Mực nước dâng lên cao dần … Chỉ thoáng sau nước đã luồn qua bờ rào, xoáy tròn quanh từng gốc cây, trườn lên khoảng sân, rồi tràn vào thềm cửa. Phút chốc xóm Trại trắng xoá, nước cuồn cuộn chảy …
      Đã từng trải qua bao thiên tai địch họa nơi đồng quê heo hút, nhưng lần này mụ Phó không giữ được bình tĩnh, mặt tái mét, chân tay run lẩy bẩy. Mụ tính, gom tiền bạc quần áo chạy vào làng. Lại kịp nghĩ rằng đường vào làng đã ngập nước, mà ở xóm Trại cũng không còn nơi nào chắc chắn hơn nhà mình. Thôi thì sống chết có số, cũng đành phó mặc ý trời. Chỉ còn cách duy nhất là tránh lụt ngay tại căn nhà này. Vốn là người lanh lợi tháo vát, mụ vội tháo các cánh cửa gỗ gác lên xà nhà, rồi chuyển đồ đạc, quần áo, chăn màn, thóc gạo lên đó. Mụ cũng không quên chuyển theo nồi niêu xoong chảo đề phòng nước ngập lâu dài. Nước đã dâng đến chân giường. Chợt nghe đàn gà quang quác phía sau nhà, mụ bèn xắn quần bì bõm lội ra tháo cửa chuồng, tóm từng con gà nhét vào lồng… Đúng luc ấy mụ Phó nghe tiếng trẻ con  khóc bên nhà Gái Hoa. Bu ơi! Bu ơi! … Tiếng trẻ thơ gào khóc gọi mẹ nghe đến xé lòng, giống như tiếng kêu thảm thiết của cu Kển khi bị bắt mang đi. Ơ! mẹ con Gái Hoa muốn chết hay sao mà vẫn bám căn nhà ọp ẹp đó! Chẳng nghĩ ngợi gì thêm, mụ Phó tất tưởi rẽ nước sang nhà Gái Hoa. Lúc bấy giờ nươc đã ngập ngang thắt lưng, nếu không nhanh chắc không quay về kịp.
       Mụ Phó lao vào nhà nhà Gái Hoa. Mấy bức vách đã bị nước cuốn bung từng mảng. Mẹ con Gái Hoa cùng bà Sãi mù loà ôm tay nải quần áo, đứng nép vào nhau trên chiếc vạt giường tre lấp xấp nước. Mụ Phó ôm vội đứa bé rồi quát bảo Gái Hoa mau dìu bà Sãi sang nhà mình. Nước mỗi lúc một dâng cao cuốn theo đồ đạc, bàn ghế, chó mèo lợn gà… Phải vất vả lắm mụ Phó mới bế được đứa bé lội ngược trở lại. Ngoái nhìn không thấy Gái Hoa cùng bà Sãi đâu, mụ sốt ruột đặt đứa bé lên chiếc sập gụ, lội ra cửa. Nước đã lên tới ngực, mưa ập xuống xối xả. Thoáng thấy có người vùng vẫy trong xoáy nước, mụ vội lao ra túm tóc lôi lên. Thì ra là Gái Hoa, còn bà Sãi đã bị nước cuốn mất tăm.
       … Trời tối hẳn. Gió đã ngừng thổi, nhưng mưa vẫn ào ào rơi trên mái ngói. Mụ Phó thắp đèn bão treo lên dui nhà rồi lặng lẽ ngồi xuống tấm cửa gỗ gác giữa hai cây xà. Tiếng nước chảy lách tách phía dưới. Một con rắn cạp nong quấn chặt lấy thân cột ngóc đầu lè lưỡi như muốn hăm dọa. Cách chỗ mụ Phó ngồi một đoạn, mẹ con Gái Hoa đang thảng thốt ôm lấy nhau thiu thiu ngủ. Nhìn khuôn mặt tròn trĩnh xanh xao của đứa bé áp trên bầu ngực căng đầy đang phập phồng theo nhịp thở của mẹ, bất giác từ trong khoé mắt khô khốc của mụ những giọt nước nóng hổi trào ra…
   
     LỜI BẠT
    
      Xóm Trại là nơi tôi ra đời. Sau trận bão lụt năm Ất Mùi nhà tôi chuyển đến vùng quê mới để lập nghiệp. Thấm thoắt  nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ về bà Phó Kền cùng những người hàng xóm ở đó. Mới rồi gặp lại người bạn đồng hương, tôi có hỏi thăm về bà Phó Kền cùng mẹ con cô Gái Hoa. Theo lời kể của người bạn thì sau này bà Phó Kền đã xin cưới cô Gái Hoa làm vợ bé của chồng mình. Đáp ơn cứu mạng, cô Gái Hoa chấp nhận. Họ sống với nhau rất hạnh phúc.(Quả là điều kỳ lạ!) Cô Gái Hoa đã sinh cho ông bà Phó Kền cả thảy tám người con, trong đó có năm trai. Tất cả đều học hành thành đạt. Bà Phó Kền đã qua đời, hưởng thọ tám mươi tư tuổi .  
     Người làng nói rằng, bà Phó Kền tuy độc miệng nhưng là người có tâm. Mà sống ở trên đời, có tâm là có phúc, có phúc là có phận! Ông giời chẳng bao giờ quyên ai .
               
   TQV