Trang chủ » Truyện

CHIẾC ÁO CỦA MẸ.

Đoàn Nhất Trí
Thứ tư ngày 2 tháng 9 năm 2009 4:44 AM

 1.                      
Thành đã hơn năm tuổi, nhưng vẫn được mẹ chiều, cho ngồi lòng mỗi khi mẹ xem thời sự trên ti vi, sau mỗi bữa ăn tối. Mẹ bảo làm như thế là để mẹ bù lại thời gian một ngày mẹ xa Thành do phải đến cơ quan làm việc.Còn Thành, Thành cũng thích được mẹ ôm như thế để được áp mình vào lòng mẹ, được hít thở cái mùi thơm mát quen thuộc từ mẹ tỏa ra qua lớp áo mẹ đang mặc.
                            Lần ấy, đang ngồi trong lòng mẹ, Thành bỗng nghe những tiếng đập chan chát cùng tiếng trẻ em khóc ré lên từ trong Ti vi vọng ra. Ngẩng lên nhìn, Thành thấy một bà to béo, đang ngồi cho mấy đứa trẻ nhỏ hơn cả tuổi Thành vây xung quanh ăn cơm hay ăn cháo gì đó. Thành sợ nhất là cái cảnh một tay to như hộ pháp của bà ta túm tóc một bé gái, giật ngược ra đằng sau, bắt ngửa mặt lên và tay kia thì cầm thìa cháo tọng vào miệng em. Tọng xong, em bé chưa kịp nhai hay nuốt đã bị bà dùng ngay cái thìa đó đánh tới tấp vào mặt, vào má em bé. Trong khi em bé gái ấy khóc sặc sụa vì nghẹn cháo bà béo đã túm lấy một bé trai khác ngay bên cạnh, lấy roi đánh tới tấp vào bả vai, vào cánh tay rồi nhét cơm vào miệng em. Cũng như em bé gái trên, em trai này chưa  kịp nhai, nuốt miếng cơm, đã bị bà béo dùng ngay miệng cái bát đựng cơm đang cầm, đánh ngược từ dưới lên hàm, lên cằm và cổ em...Những cú đánh mạnh chẳng khác gì đánh người lớn còn các động tác thì thuần thục và nhanh như một võ sĩ Linda... Thành hoa cả mắt, cảm thấy như mình cũng đang bị đánh , đau đơn lắm, liền òa khóc to. Mẹ thành cũng không kìm lòng được, bột phát hét  lên: Có thôi đi không, con mụ quỷ cái kia! Cứ y như là cảnh tượng ấy đang diễn ra trước mắt mẹ thật.
                     
 2.                   Tối hôm sau, ngồi trong lòng mẹ khi mẹ đang xem Ti vi, Thành lại hỏi:
                      -  Mẹ ơi, tại sao các em bé trong Ti vi hôm qua lại bị Bà béo đánh đau thế hả mẹ?
                      -  Vì...Bà béo ấy là người độc ác!
                      -  Thế, bà ấy có phải là mụ phù thủy không?
                      -  Ư, bà ấy là mụ phù thủy độc ác!
                      -  Thế tạo sao các em bé trong Ti vi lại không chạy trốn mụ phù thủy độc ác ấy đi hả mẹ?
                      Mẹ nghĩ ngợi một tí rồi trả lời:
                      -  Vì...con có trông thấy không, nhà bà ấy quây toàn bằng những tường rào sắt nên các em bé không thể nào trốn  ra được!
                      Lát sau, Thành à lên một tiểng rồi nói to:
                       -  Mẹ ơi, con nghĩ ra rồi mẹ ạ. Con sẽ làm Tôn Ngộ Không, thu nhỏ người lại , chui qua lỗ rào sắt, vào nhà Bà béo, dùng gậy Như ý đánh chết mụ phù thủy ấy đi, biến mụ thành con heo ăn cám lợn rồi con cứu các em bé ra...
                      Mẹ Thành khen:
                      -  Ư, con ngoan thật! Hãy cứu các em bé ra khỏi bàn tay mụ phù thủy độc ấc con nhé!

 3.                   Sáng hôm sau nữa, trời rét quá, đài báo ngoài trời nhiệt độ xuống đến dưới mười hai độ. Để Thành ấm hơn, mẹ đã mặc thêm vào người cho Thành chiếc áo len dài tay rất dầy của mẹ, rồi mẹ chở Thành đi nhà trẻ. Chiếc áo rộng thùng thình nhưng ấm lắm. Thành dang rộng hai tay ra, vẫy vẫy:
                       -  Mẹ ơi, trông con có giống con chim không này?
                       -  Ư, giống lắm. Mẹ Thành đáp.
                       -  A, thế thì...Thành chưa kịp nói hết câu, mẹ đã phóng xe máy vụt đi.                                    Tối về, trời càng rét đậm, mẹ cứ để Thành mặc áo thế cho ấm, ăn cơm rồi ngồi vào     lòng mẹ trong lúc mẹ xem Ti vi. Chiếc áo và hơi ấm của mẹ như ru ngủ, làm Thành     ngủ quên lúc nào không biết. Trong mơ, thành thấy chiếc áo đã biến thành đôi cánh và người Thành thì nhẹ bẫng đi. Thành vẫy cánh mấy cái, thấy mình nhấc khỏi mặt đất. Càng vẫy cánh, Thành càng lên cao. Thế là Thành nảy ra ý định đi tìm Tôn Ngộ Không để nhờ ông giúp cứu các em bé đang bị mụ phù thủy béo hành hạ. Thành bay đã cao lắm,  đã xa lắm , vượt hết ngọn núi nọ đến ngọn núi kia, hết tầng mây nọ đến tầng mây kia mà chưa biết ông Tôn Ngộ Không ở đâu cả. Đang mỏi cánh, lại muốn nghỉ ngơi đôi chút, Thành chợt thấy trên một tầng mây trắng mênh mông, có một ngọn núi nhô lên cao chót vót, liền bay đến, nhẹ nhàng đỗ xuống một tảng đá bằng phẳng. Cạnh tảng đá là một cái cây cổ thụ, trên nó có một tổ chim đại bàng to như ngôi nhà. Trong tổ chim là cả một gia đình gồm bốn con chim  đại bàng to lớn và sải cánh của  mỗi con dài đến hai ba mét. Các con chim đại bàng cùng quay đầu xuống hỏi:
                       -  Xin chào bạn, bạn đang bay đi đâu đấy?
                       -  Tôi đang đi tìm ông Tôn Ngộ Không để nhờ ông ấy giúp đỡ một việc quan trọng!
                       -  Việc gì mà quan trọng thế, bạn có thể kể cho chúng tôi nghe được không , biết đâu, chúng tôi cũng có thể giúp gì đựơc? Thế là Thành kể lại cho các bạn chim đại bàng nghe về câu chuyện các em bé trong ti vi bị mụ phù thủy Béo đánh đập giã man như thế nào và bây giờ Thành muốn cứu các em ra làm sao. Nghe xong, các bạn chim đại bàng nói:
                       -  Việc cứu giúp các em bé ấy bây giờ không thể chậm chễ được. Vả lại đường đến chỗ ông Tôn Ngộ Không còn xa lắm, phải mất cả ngày nữa mới tới nơi. Nếu muốn cứu các em ngay bây giờ thì cả bốn  chúng tôi cùng bạn cũng có thể  làm được. Nghe xong , Thành đồng ý ngay. Họ liền bay một mạch đến nhà mụ phù thủy Béo. Đến nơi, chim đại bàng đầu đàn liền hô "biến", tất cả đều biến thành những con chim đại bàng nhỏ, chui qua những lỗ rào sắt vào nhà. Không thấy mụ phù thủy Béo đâu, chỉ thấy có mười em nhỏ. Mụ Béo chắc đi chợ. Chim đại bàng đầu đàn lại biến các em bé nhỏ lại rồi chia nhau, mỗi chim và Thành cắp hai em đi. Họ bay qua không biết cơ man nào là đồng ruộng , xóm làng, núi cao rừng rậm. Một mạch từ vùng nắng nóng phương Nam, qua vùng khô cạn khắc nghiệt miền Trung ra đến vùng khí hậu lạnh giá Phương Bắc. Đỗ lại trên nóc một trong những tòa nhà cao nhất của thành phố, đại bàng hỏi Thành:
                       -  Bây giời chúng ta đi đâu?
                       -  Về nhà tôi, vào phòng riêng của tôi, cho các em bé ăn no, mặc ấm rồi chờ mẹ tôi về. Mẹ sẽ gọi bác sĩ đến chữa những vết thương cho các em bé rồi mẹ sẽ báo các chú công an!
                       Làm theo lời Thành, tất cả cùng lao xuống, những đôi cánh của họ lại lướt nhanh bên trên những cao ốc, công xưởng , trường học, khu dân cư đông đúc và chi chít những đường xá với muôn vàn là xe cộ, tầu bè. Có những khúc đường, xe đủ các loại ùn tắc lại dài hàng cây số. Họ chui qua cửa sổ, vào phòng riêng của Thành trong một chung cư mới xây dựng. Sau khi các em bé đã ngồi yên trên giường và ghế, Thành nói lời chia tay và cám ơn  các bạn chim đại bàng. Còn các bạn đại bàng thì nói:
                      -  Tạm biệt, chúc bạn ở lại may mắn. Từ nay , nếu có việc gì cần giúp đỡ, bạn cứ tìm đến chỗ chúng tôi. Họ nhà đại bàng chúng tôi rất sẵn lòng.

 4.                  Đang lúc loay hoay, không biết biến đôi cánh trở lại thành chiếc áo như thế nào thì Thành thấy như có ai đó nhấc đôi cánh ra khỏi người Thành. Thành liền túm lấy nó, giữ chặt lại rồi kêu lên rõ to:" không, đôi cánh của tôi. Đôi cánh của tôi!" Mẹ giật mình. Thì ra, thấy Thành ngủ, sợ nóng, mẹ Thành cởi bớt chiếc áo khoác của mẹ trên người Thành ra. Mẹ biết Thành đang mơ, việc cởi áo của mẹ đã làm gián đoạn giấc mơ của Thành. Mẹ hỏi dịu dàng:
                      -  Đôi cánh nào hả con?
                      -  Đôi cánh mà con vừa bay cùng các bạn chim đại bàng đi cứu các em bé bị mụ phù thủy Béo đánh đập giã man trong ti vi ấy. Thế là Thành kể lại tường tận giấc mơ vừa nẫy cho mẹ nghe. Nghe xong , mẹ khen thành:
                       -  Con trai của mẹ ngoan lắm. Con đã làm được một việc tốt. Một việc tốt trong mơ cũng là một việc tốt. Mai sau con lớn lên, nhất định con phải học giỏi và làm được nhiều việc tốt hơn nữa. Từ nay, nếu cần bay đi đâu, con lại mặc chiếc áo này của mẹ vào nhé, mẹ tặng hẳn con trai ngoan của mẹ đấy. Thành " vâng ạ!" rất lễ phép rồi lại ngủ thiếp đi. Mẹ nhẹ nhàng bế Thành đặt lên giường, buông màn, kéo chăn ủ ấm cho Thành. Chẳng biết trong mơ Thành còn bay đến những đâu và còn làm những việc tốt gì nữa. Phải chờ Thành ngủ dậy mới biết thôi.
 

                                                            Hà Nội, ngày 20 tháng 1 năm 2008
                                                                          Đoàn Nhất Trí