Trang chủ » Truyện

Hiến bao tử

Cao Năm
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Ai có bảo tôi là anh chàng dở hơi, tôi cũng vui lòng. Nhưng còn tình cảm của tôi với ông Thân, giám đốc, bao năm nay vẫn tôi như bát nước đầy, không chê vào đâu được. Cũng do chỗ tình cảm của tôi với giám đốc Thân như bát nước đầy, tôi mới có câu chuyện làm quà đầu xuân cho chư vị đây.
Như lệ thường, cứ vào tháng cuối năm, giám đốc Thân của chúng tôi chẳng mấy hôm được ngồi ở phòng làm việc lấy nửa ngày đẫy buổi. Dẫu là khi tiết trời nắng ấm hay mưa phùn gió rét căm căm, ông vẫn rời căn phòng ấm cúng, chứ không chịu ngồi yên lấy nửa ngày, đẫy buổi. Là lái xe, hay như mấy người thích nói chại, thường gọi cánh lái xe là cán bộ đường lối, tôi dạo mới về phục vụ sếp cũng thấy là lạ cái cách đi đứng của ông. Nhưng cái gì cũng trước lạ sau quen, chỉ sau mỗi cái tết đưa giám đốc đi đây đi đó là tôi tỉnh ra. Mà không tỉnh ra sao có thể phục vụ được sếp đi đứng bất cứ lúc nào. Này nhé, sáng ra đón sếp từ nhà riêng đến cơ quan, suốt chặng đường dài chừng vài... trăm mét, không thấy sếp nói gì. Nhưng chỉ sau khi đến cơ quan chừng mươi mười lăm phút, nửa giờ, lệnh từ văn phòng đã ban xuống: chuẩn bị xe đưa sếp đi nhá! Thế là đi. Hết buổi sáng lại sang buổi chiều. Hết ngày dài lại đến tối khuya. Hết hôm nay lại đến ngày mai. Không bao giờ lái xe được biết trước lộ trình. Chỉ đến khi giám đốc ngồi yên vị vào cái ghế dành cho ông, lúc đó lái xe mới được nghe một câu gọn mà đanh: Đến X! Thế là đi. Lúc thì đến tài chính, kế hoạch đầu tư, khi lại sang tổ chức, thanh tra, có lúc xe đang chạy ông nhoài người về phía trước, vỗ bộp vào vai tôi: Dừng xe, dừng xe!. Tôi hoảng hồn cho xe dừng, đã nghe ông bảo: Cậu ở ngoài này để ý, mình vào một tý ra ngay. Chưa kịp hiểu ông bảo để ý là để ý cái gì, chẳng lẽ chỗ này mới có trộm cắp cướp ô tô con hay sao, đã thấy sếp tôi ở trong xe đi ra, mắt ngơ mày ngáo như sợ có kẻ nào rình, hay người nào đang theo dõi ông chăng. Tôi nhìn theo, sếp đang bước vội vào cái cổng sắt của ngôi nhà trông như biệt thự, mà có lẽ đến một nửa dân ở thị xã này đều biết đấy là nhà ông nào.
 Đến hết quan hàng tỉnh, sếp tôi lại lên hàng trung ương. Đận này mới vất vả. Xe thường phải đi từ mờ sáng, cho quang đường, vì khi ấy còn vắng xe cộ. Nhưng cái chính hình như là để cho sếp được đến hết những nơi cần đến trong một cua ngày hôm ấy. Còn ngày mai, ngày kia, lại một cua khác, những nơi cần đến khác, có thể muộn một hai ngày cũng không sao. Có thế mà cũng mãi đến cái tết năm sau, năm sau nữa, tôi mới hiểu ra cách sắp xếp thần kỳ ấy. Chứ còn năm đầu tôi cũng không hiểu, lại cứ ngỡ theo phép vận trù học tiện đường nào vào luôn chỗ đó, mai khỏi phải quay lại. Thế nên, có lần tôi bị mắng té tát chỉ vì đang đi đường Hoàng Hoa Thám, chỗ ngang Hãng phim truyện Việt Nam, tôi còi inh ỏi xin đỗ xe, liền nghe tiếng sếp quát toáng lên: Sao lại đỗ? Đi đi chứ!. Tôi nháy đèn xin đường, và nói: Em tưởng sếp vào cơ quan.... Sếp tỏ ra thông cảm với lái xe, nhẹ nhàng bảo: Chỗ này để mai. Hôm nay đi cho hết những nơi cần đi hôm nay đã!. Thế là tôi hiểu, việc đi của sếp cũng không đơn giản chút nào, tất cả đều có hoạch định trước, chứ không thể à uôm.
Đấy là trông lên.
Còn trông xuống. Nghĩa là những nơi trực thuộc lãnh đạo của giám đốc, hoặc có quan hệ với đơn vị, thì thôi đấy, không sao có thể biết trưa, chiều, sớm, tối sếp đi đứng ra làm sao nữa. Có hôm trong người thấy hơi mền mệt, muốn tranh thủ qua chỗ bảo vệ ngả lưng nhờ lên cái giường con cho thư giản, chả là cứ diễn mãi cái kiểu ngủ gà ngủ vịt, nửa nằm nửa ngồi trên xe cũng thấy gò bó, tôi gặp chánh văn phòng hỏi liệu giám đốc có đi đâu chiều nay nữa không? Nhưng chỉ được nghe câu trả lời muôn thủa, làm sao mà biết được, tốt nhất xe pháo luôn trong tư thế sẵn sàng. Đúng là luôn trong tư thế sẵn sàng. Bởi đùng một cái giám đốc đến tổng công ty T, khu chế biến L, doanh nghiệp M, rồi nhoáng một cái ông đã có mặt ở công trường X, khu sinh thái Y, văn phòng đại diện Z... Toàn những nơi thân tình, chỗ quan hệ tốt với mình, tết nhất không thể không đến. -Như ông nói mỗi khi bước chân lên xe.
Tôi lái xe đưa sếp đi hết ngày này sang ngày khác, nhiều hôm mãi chín mười giờ đêm mới về, người mệt rã rời, đặt lưng xuống giường không còn biết vợ nằm đâu, con nằm đâu, có lần gần sáng thức giấc choáng choàng ôm chặt lấy con mà miệng lại lảm nhảm: Quay lại đây anh sờ tý!, làm vợ nó mắng cho dơ cả mặt. Những lần như thế, tôi lòng nhủ lòng, thôi, mai xin sếp nghỉ hôm cho khoẻ. Nhưng sáng dậy lại phải xua tan ngay tắp lự ý nghĩ dại dột ấy. Bởi đã nghỉ lái xe, dù chỉ là một ngày, thì cũng nghỉ luôn cái khoản tối tối về đưa cho vợ. Và đấy là điều chẳng những vợ tôi không muốn, mà chính tôi cũng thấy nó thế nào ấy, nếu không muốn nói là mắc bệnh ẩm ương.
Đúng thế. Cũng giống như mỗi khi giám đốc của tôi bước chân ra khỏi cổng không thế đi bộ hay đi xe đạp. Ô hay, tôi đang lảm nhảm cái gì thế nhỉ? Đi bộ, đi xe đạp à? Ngày nay mấy ai còn đi bằng đôi chân ngay ngắn của mình nữa đâu, phần đông các sếp đi khom khom, cúi khom khom, vì mỗi khi lên xe con, xuống xe con đều phải cúi người mới ra vào được cửa, lâu ngày cái sống lưng nó thành quen. Lại cũng chỉ tại cái sống lưng. Cũng giống như mỗi lần giám đốc của tôi bước chân ra khỏi cổng, không thể đi bộ hay đi xe đạp, mỗi lần sếp đến cơ quan này, công ty kia, doanh nghiệp nọ, toàn là những nơi thân tình, quan hệ tốt với mình, khi ra về thường không thể đi người không, mà hầu như bao giờ cũng phải có cái gì đó tiễn chân ông về tận nhà. Lại cũng là lẽ tự nhiên, giám đốc có cái gì tiễn chân về tận nhà, thì người phục vụ giám đốc đi đến nơi về đến chốn là tôi, tất cũng phải có cái gì, chứ lại không, thì ra kẻ cạn tàu ráo máng quá thể. Điều ấy thì tôi biết tỏng là không riêng sếp tôi, sếp nào cũng không nỡ làm thế, bởi của người phúc ta, chứ mất quái gì của sếp. Mà sếp lại có lợi dài dài, nay bảo đưa mẹ con nó về bên nội đám cưới, mai bảo đưa bà ấy về bên ngoại ăn giỗ hộ mình tý, lái xe nào lại nỡ chối. Thế nên, tôi biết có chỗ mải vui họ quên cả tôi, sếp đã bước đi còn quay lại tế nhị nhắc khéo:ấy, còn cậu lái xe. Thế là nhân viên hành chính ba chân bốn cẳng chạy ra chỗ tôi, nói như người đứt hơi: Em xin lỗi, lần sau không dám thế nữa ạ!, y như tôi cũng đã lên sếp lúc nào rồi.
Vậy mà, mới hôm kia tôi đánh xe đưa ông ra thành phố Hạ Long dự tổng kết với một đơn vị có quan hệ tốt với mình - Như ông nói. Xe về đến nhà đã sẩm tối, thùng quà, không biết bên trong có những gì, rượu ngoại, bánh kẹo Trung Quốc hay sâm Cao Ly, vì những thứ này ở ngoài đó gần biên giới Trung Quốc đưa sang nhiều, nhưng món cá mực khô bắt chết thể nào cũng có, vì thấy mùi bay ra gắt lắm. Một mình bê cái thùng không nổi, ai lại nỡ bảo giám đốc hộ một tay, tôi vội gọi vào trong nhà bảo chị giúp việc ra khênh với. Thế mà sáng hôm sau, như lệ thường, tôi đánh xe đến đón sếp đi cơ quan. Cổng trong cổng ngoài khoá chặt. Gọi mãi mới thấy cô gái út  ngó đầu ra, giọng vẫn còn ngái ngủ, nói rời rạc từng tiếng:
-Bố cháu đi... bệnh viên...
Mới nghe, tôi đã phát run lên. Thế này thì hỏng, hỏng ráo thật rồi! Giám đốc mà nằm viện cả tuần, cả tháng thì không khéo mình... nằm khèo! Chứ lại không. Giám đốc nằm viện thì lái xe cũng nằm khèo, chứ lấy đâu ra những cái gì đó tiễn chân về tận nhà. Những thứ ấy, với nhà sếp có thể chỉ là nho nhỏ. Nhưng với nhà tôi, có khi là một niềm vui lớn, đến mức không thể nào tả được. Mỗi lần tôi lái xe đưa sếp đi đâu về, thể nào cậu con nhỏ tôi cũng chạy ra xách làn, nắn túi, cười tíu tít: Có gì không hả bố?. Rồi nó lôi từ trong chiếc làn nhựa màu xanh lá cây, hay từ trong túi áo khoác kiểu Na-tô thủng thình ra, khi thì chai rượu ngoại uống dở chỉ còn một phần ba, nhưng tôi biết mỗi chai rượu này khi thanh toán với nhà hàng đã phải trả tới mấy triệu đồng chứ không ít, nên dù chỉ còn một phần ba tôi cũng tiếc, thủ luôn về. Nhiều khi thằng con lôi ra chiếc phong bì dầy cộm dán nửa kín nửa hở, vợ tôi liền cười tít mắt, vội giằng phắt phong bì từ tay con đút ngay vào tủ. Thế đấy, những thứ người ta tiễn chân tôi, về cho vợ con thật là vui cửa vui nhà, và cũng không phải là nhỏ đâu. Mà dẫu có nhỏ thì như người ta nói tích tiểu thành đại, nhiều cái nhỏ cũng thành cái lớn, có thể làm thay đổi cuộc sống gia đình. Chả thế ối anh chạy chọt không biết bao nhiêu cửa, mới lọt được vào cái cửa xe con cho giám đốc đấy à!
Thế, bây giờ sếp Thân của tôi lại lăn đùng ra ốm thì thật tai hại biết chừng nào. Mà bệnh gì không bệnh, lại bệnh dạ dầy! Từ trước đến giờ có thấy sếp kêu đau dạ dầy khi nào đâu. Vậy mà đùng một cái lại bục dạ dầy thì lạ thật! Nghĩ mà tiếc cho sếp tôi quá chừng. Đang là giám đốc một tổng công ty cỡ con chim đầu đàn hhàng tỉnh, làm ăn như diều gặp gió, lại nghe đâu sắp lên chức giám đốc một ngành quan trọng nay mai cũng chưa biết chừng. Hôm lâu ông đã nửa kín nửa hở bảo tôi: Tớ lên tỉnh thể nào cũng kéo cậu đi theo. Lái xe cho quan đầu ngành thì đúng là đường ta ta cứ đi là cái thật rồi!
Vậy mà giờ sếp Thân của tôi lại bị bục dạ dầy. Liệu người ta có cách gì thay dạ dầy không nhỉ? à, đúng rồi! Y học ngày nay hiện đại lắm. Tim, thận, gan, răng, mắt người ta còn thay được huống hồ cái dạ dầy thì nghĩa lý quái gì. Mà này, cái dạ dầy của sếp tôi mới bục chứ chữa vỡ, thế là còn thay được, khâu vá vào dùng tàm tạm được, chứ chưa đến nỗi là loài bỏ đi đâu. Thôi đúng rồi, qua khỏi cái hạn này cứ gọi là giám đốc tha hồ khoẻ, tha hồ đi. Mà đi là không thể nặng bồng, nhẹ thếch được rồi, cứ phải hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Ngày nay thử hỏi cái gì mà không có giá, đến rau má, vỏ dừa còn xuẩt khẩu nữa là. Tôi nảy ra ý nghĩ đó, liền hăm hở đạp xe vào bệnh viện, gặp thẳng ông bác sĩ trưởng khoa trình bày về mối quan hệ như bát nước đầy giữa tôi và giám đốc Thân. Ông bác sĩ nghe tôi nói chỉ mủm mỉm cười, rồi khi tôi dứt lời, ông vỗ vai tôi giọng thân tình:
-Này, chàng hiệp sĩ, có thần kinh không đấy?
Tôi bực, nhưng cũng cố nén để thuyết phục vị bác sĩ chấp nhận cho nguyện vọng của tôi:
-Thưa bác sĩ, từ lúc lọt lòng mẹ đến giờ, tôi chưa một giây mắc bệnh thần kinh. Mong bác sĩ hiểu cho tình nghĩa của tôi với giám đốc Thân...
Mới nghe tôi nói đến đấy, ông bác sĩ vội nghiêm giọng:
-Vậy thì cũng từ khi vào ngành y đến giờ, tôi chưa thấy trường hợp nào lại cắt dạ dầy của người này thay cho người kia.
-Dạ, thưa bác sĩ, người ta chẳng đã cắt gan người này khâu vào gan người khác, lấy tim người này thay vào tim người kia là gì đấy ạ. Đằng này tôi tự nguyện hiến dạ dầy của tôi cho giám đốc, chứ có phải mua bán gì đâu.
Nghe tôi nói cứng vậy, vị bác sĩ trưởng khoa liền tuôn ra một tràng:
-Tôi hiểu cái tự nguyện của anh rồi, anh bạn dở hơi ạ! Không cần chúng tôi cắt cái dạ dầy của anh thay cho dạ dầy ông Thân, mà chỉ cần ông ấy biết tin có người lái xe ăn ở với ông như bát nước đầy, đang đến xin tự nguyện hiến bao tử cho ông, cũng đủ làm ông ta cảm động rơi nước mắt rồi!./