Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUY LUẬT “BỐN Ệ” ĐÃ VÀ ĐANG ĐƯỢC HIỆN THỰC HÓA!

Mạc Văn Trang
Thứ tư ngày 21 tháng 10 năm 2015 7:06 PM
Tôi thấy nhiều người cứ thắc mắc chuyện con cháu các vị lãnh đạo tuổi còn trẻ, tài chưa rõ, đức chưa biết ra sao mà cứ được “cơ cấu” vào các chức vụ lãnh đạo quan trọng… Riêng tôi thấy, điều đó là hợp bản chất và quy luật, của chế độ XHCN hiện nay, không như vậy mới là lạ. Dân có buồn bực, thắc mắc, rên la… nó vẫn diễn ra như vậy và vẫn được giải thích là “đúng chủ trương”, “đúng quy trình”!
Trong một bài viết nhân Kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thốt lên: “Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: “NHẤT HẬU DUỆ, NHÌ TIỀN TỆ, BA QUAN HỆ, BỐN TRÍ TUỆ” (Dân trí). Cũng như chuyện tham nhũng nói chung, dù ông Trương Tấn Sang có “trăn trở, đau lòng”… thế nào, quy luật “4 ệ”, như ông nói, nó vẫn diễn ra!
Bà con đều biết, đã bao nhiêu năm nay Đảng và Nhà nước hô hào chống tham nhũng, biết bao nhiêu cuộc họp, tốn bao nhiêu thời gian, công sức, giấy mực… những “bộ phận không nhỏ” ngày càng to ra, “bầy sâu” ngày càng lúc nhúc hơn! Ai cũng hiểu (chỉ một số người vờ không hiểu), rằng với cơ chế như hiện nay không thể nào chống được tham nhũng; tham nhũng đất đai, tiền bạc … chỉ là từng phi vụ; tham nhũng quyền lực mới là “phát triển bền vững”, “ăn chắc”, “ăn dầy”, “ăn lâu”, “ăn toàn diện”… Có quyền lực là có tất cả! Vậy thì tại sao lại không đua nhau tham nhũng quyền lực? Các vị ấy có biết cài cắm con mình vào các chỗ bở béo là dân nghi ngờ, đàm tiếu, chửi rủa không? Biết, biết hết! Cũng như biết rõ, với đồng lương vài chục triệu 1 tháng, làm sao gia đình mình giàu kếch sù như vậy được; biết rõ bằng cách nào, từ đâu mình có được vốn tài sản lớn như vậy; biết rõ trong nước và thế giới chê trách, khinh miệt các “quan tham” thế nào… Biết hết, nhưng đã vào vòng xoáy đó, lòng tham trở nên không kiểm soát được.
Cái gì càng “quyết liệt chống” mà nó cứ “phát triển ổn định”, thì đó là “tính quy luật” rồi (Ví dụ: tham nhũng, mại dâm, cờ bạc…); Cái gì càng tuyên truyền ra sức học tập làm theo mà nó không kết quả, là nó trái quy luật rồi!...
Gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một mẫu hình lý tưởng của chế độ mà quan chức nào chẳng thèm khát noi theo. Ông Dũng có giấu giếm gì đâu, ông công khai cho toàn dân đều biết: Con gái ông lấy người Mỹ (gốc Việt), Cô Phượng mới hơn 30 tuổi đã là Chủ tịch HĐQT những công ty lớn, giàu bậc nhất VN; con trai đầu Nguyễn Thanh Nghị học ở Mỹ về, 39 tuổi đã là bí thư tỉnh Kiên Giang; con trai út học ở Anh về, 25 tuổi đã vào UV BCHĐB tỉnh Bình Định… Chế độ đã tạo cơ chế cho các quan chức có thể phát huy hết năng lực tham nhũng và người nọ kích thích người kia, tạo nên sự “thi đua” giành lấy thắng lợi tối đa. Trong cuộc đua ấy, nhiều người không giành được “thắng lợi toàn diện” như ông Thủ tướng, bởi vì như dân nói “ghế thì ít, đít thì nhiều”, dù các ghế đã được bày biện tối đa rồi!
Còn một quy luật chung mang “tính phổ biến” của những nước XHCN do đảng CS nắm quyền còn sống sót, sau khi Liên xô và hệ thống XHCN châu Âu sụp đổ. Những nước này (Việt Nam, Trung quốc, Triều Tiên, Cu Ba) hiểu rõ nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ và của đảng CS. Đảng không còn tin vào dân, tin vào các lực lượng khác, chỉ còn biết tin vào anh em, con, cháu huyết thống nhà mình. Triều Tiên là điển hình, thái tử Ủn (Kim Jong Ủn), con lãnh tụ Kim Chính Nhật, cháu nội lãnh tụ Kim Nhật Thành, học ở Thụy Sĩ về, mới 28 tuổi, được đưa lên làm “Lãnh tụ tối cao”, Nguyên soái Tổng tư lệnh… Y hệt chế độ phong kiến, cha truyền con nối. Ở Cu Ba thì gần 60 năm qua, hết ông anh Phidel Catstro lãnh đạo tuyệt đối, tiếp đến ông em Raul Catstro tiếp tục, dù ông sinh năm 1931, nay vẫn tiếp tục gánh trọng trách lãnh đạo đất nước, không nhường cho ai.
Trung quốc và VN trước đây khác Triều Tiên và Cu Ba, nhưng nay, theo quy luật “bảo vệ sự sống còn” của đảng CS và chế độ, cũng chuyển dần sang tập trung quyền lực vào các “thái tử đảng” cho nó an toàn và lợi ích của giai cấp lãnh đạo từ trước tới nay được bảo toàn…
Hiểu rõ “bản chất và tính quy luật” như vậy sẽ thấy không ngạc nhiên, không hy vọng vào những lời hô hào “chống” cái này cái nọ… Chế độ này, cơ chế này, tất yếu nó sinh ra như vậy. Thế thôi!
Lại có người tin rằng, dù con cái các vị CS, nhưng đi học ở phương Tây về, quan niệm, tư duy sẽ khác, hy vọng sẽ có cải cách dân chủ…Đừng kỳ vọng vào điều đó. Ông Tổ CS Karl Marx từng phân tích, trong mọi mối quan hệ thì quan hệ kinh tế sẽ quyết đinh nhất, kinh tế quyết định chính trị. Nên những người dù học ở Tây về, vẫn giữ lấy những nguyên tắc của đảng CS, của chế độ, vì quyền lợi kinh tế của gia đình, phe nhóm quá lớn, không để mất được. ..
Thực tế cho thấy, Pol Pot của Căm phu chia từng tu hành thành nhà sư và đi học ở Pháp về, nhưng khi làm thủ lĩnh Khơ Me đỏ, đã thành tên diệt chủng khét tiếng thế nào; Kim Jong Ủn cũng học ở Thụy Sĩ từ nhỏ, nhưng mới lên lãnh tụ tối cao, đã xử tử hàng loạt những người “trái ý” mình, kể cả chú dượng, người đỡ đầu của ông ta. Hiện nay, trong bộ máy đảng CS và chính quyền có nhiều người học ở Mỹ và các nước phương Tây về, nhưng một khi đã nắm quyền trong đảng CS, họ đều phải nghĩ, nói và làm theo nguyên tắc của Đảng; nói và làm khác đi là “suy thoái”, “tự diễn biến”, bị tổ chức loại bỏ… Do vậy đừng có kỳ vọng.
19/10/2015