Trang chủ » Truyện

Chuyện một người đảo ngũ

Trần Kỳ Trung
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Gửi trannhuong.com!

Sắp đến ngày 30 tháng 4 rồi! Như vậy cuộc chiến tranh khốc liệt nhất của dân tộc Việt Nam đã im tiếng súng được hơn 30 năm.
     Chúng ta hay nói với bạn bè quốc tế Hãy quên quá khứ, hướng tới tương lai..Đấy cũng là một cách nói để dân tộc chúng ta hoà nhập với các nước trên thế giới. Nhưng riêng với những người như chúng tôi, một thời mặc áo lính, một thời đi dọc Trường Sơn vào Nam, một thời giữa cái sống và cái chết không hề có khoảng cách... thì không thể nào quên được quá khứ! Nhắc lại những năm tháng đó để nhớ, để thương và tuyệt đối không bao giờ được quên những cái chết của những người lính. Họ chết để mong đất nước này mọi người sống nhân ái hơn.
          Ngày hôm nay cả loài người đã và  đang chứng kiến một nước Đức thống nhất theo  phương pháp không đổ máu. Một Trung Hoa hoà hợp theo kiểu một nước, hai chế độ..Một Bắc Triều Tiên và một Nam Triều Tiên, tuy còn những bất đồng, nhưng Một Triều Tiên thống nhất không qua con đường bạo lực là con đường mà cả dân tộc có món Kim Chi  nổi tiếng, mong muốn. Viết đến đây, tôi lại nhớ câu nói của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một bài viết gần đây, đại ý, cuộc chiến tranh vừa qua đã kết thúc, có một triệu người Việt Nam vui thì cũng có một triệu người Việt Nam buồn.
          Vậy,  những người chết ở Việt Nam do cuộc chiến tranh vừa qua gây nên, nếu hương hồn họ vẫn còn lẩn khuất bên cạnh chúng ta .Tôi tin họ sẽ cùng một suy nghĩ với những người đang sống trên dải đất hình chữ S này.Tất cả đều mong dân tộc ta, trong tương lai, đừng bao giờ xảy ra những cuộc chiến tranh như cuộc chiến tranh vừa rồi.
Tôi viết truyện ngắn này với suy nghĩ đó!
 
 
    Chiều ấy, đoàn địa chất của tôi nghỉ tạm ở một buôn heo hút của người dân tộc.
    Tôi ngồi trên một tảng đá, cạnh con suối khoả nước kỳ cọ đôi chân, cốt lấy thư dãn sau một ngày trèo núi mệt nhọc.Từ bên kia có một đoàn người Thượng gùi bắp lội suối đi sang rất gần chỗ tôi ngồi, tiếng cười, tiếng nói râm ran. Bỗng !...có một người đàn ông tách khỏi đoàn người Thượng ấy, lội ào đến chỗ tôi, bất chấp nước bắn tung toé. Người đàn ông  dân tộc nhìn tôi, reo to:
       

 - Có phải anh Cường đấy không ?
    Tôi ngẩn lên nhìn người đàn ông dân tộc vừa gọi tên mình, ngỡ ngàng, chưa biết tính sao ?Tại  sao ở đây, một nơi heo hút tận cùng thế này, lại có một người dân tộc biết tên tôi? Hay là mình nghe nhầm? Nguời đàn ông dân tộc đó cứ nhìn chăm chăm vào tôi, ánh mắt lộ vẻ vui mừng, miệng không ngừng lắp bắp:
        - Đúng anh Cường rồi!  Anh có nhận ra tôi không ?
    Tôi vẫn không trả lời, nhìn người đó nghi hoặc,Tôi không quen người đàn ông dân tộc này, người ở Buôn heo hút này tôi lại càng không quen vì nơi đây là lần đầu tiên đơn vị địa chất của tôi đặt chân đến. Nhưng sao người đàn ông dân tộc này biết tên tôi? Anh ta gần như không để ý đến sự ngạc nhiên của tôi, mà cứ cầm tay tôi lắc lắc :
        - Anh không nhận ra tôi sao ? Tôi là y tá Phước, bên quân đội Việt nam Cộng Hoà, đã ra hàng bên anh ở núi Tà Lích đây.  Lúc tôi bị các anh đem đi bắn, nghe lời anh Hảo, anh không bắn tôi, cho tôi trốn cùng anh Hảo.
        -  Trời! - Tôi thốt lên một tiếng, rồi lấy tay ôm chầm người đó. Cuộc gặp gỡ thật không ngờ.Trong sâu thẳm  tâm khảm của tôi oội lên hình ảnh người anh thân thương, cho đến tận bây giờ, hơn hai chục năm tôi không biết tin, ngoài mấy chữ Mất tích vì đào ngũ.
           Chuyện đào ngũ của anh Hảo còn liên quan đến ông Tư Mẹo, trung đoàn trưởng, sau đó đến Phước, người hàng binh xưa kia, hiện đang đứng trước mặt tôi.
 ...Vào B(1), Xuống đường (2), tôi được phân công về trung đoàn hai linh tư, trung đoàn tăng cường của Miền. Tôi làm  phòng địch vận kiêm luôn công việc ghi chép lời khai của tù, hàng binh cho Ban chỉ huy Trung đoàn. Người phụ trách tôi là anh Hảo.  Trước khi đi bộ đội, anh Hảo là giáo viên dạy văn cấp ba, còn tôi mới là sinh viên năm thứ nhất, trường Đại học Mỏ - địa chất. Vì thế, hai anh em tôi chơi với nhau rất thân, anh Hảo hay chỉ bảo cho tôi điều hơn, lẽ thiệt trong cuộc sống. Những đêm hai anh em nằm mắc võng trong rừng tâm sự. Nhớ quê hương, lớp học, nhớ những lứa học sinh đã dạy dỗ...giọng anh Hảo buồn man mác. Không biết bao giờ mới được trở lại khung cảnh ấy ?- Anh Hảo nói với tôi như thế. Còn tôi đăm đăm một nỗi nhớ giảng đường, bạn bè, những trang giáo trình và những con đường hào chằng chịt nơi sơ tán...
        Chiến trường ngày càng lan rộng, ngày càng khốc liệt, người chết của hai bên mỗi ngày một nhiều hơn.Tù binh bên phía đối phương, kẻ ra hàng, kẻ bị chúng tôi bắt sống trong mỗi trận chiến đấu cũng thêm nhiều. Đối xử với tù binh, anh Hảo thường dùng tình người để cảm hoá. Có những lúc tôi với anh Hảo giải tù binh về trại.Trong đám tù binh có người đói, anh Hảo nhường cả nắm cơm ít ỏi của mình cho họ. Người tù binh nhận nắm cơm đó của anh Hảo, nét mặt cảm động lắm.
        Tinh cách của anh Hảo như vậy, ngược hoàn toàn với tính cách của ông Tư Mẹo, Trung đoàn trưởng.Ông Tư Meo đánh giặc đến độ gần như cộc cằn.Trong ánh mắt của ông, khi nhìn đối phương, lúc nào cũng như có lửa, đỏ ngầu. Có lần ông nói với tôi: Tau căm thù chúng nó đến tận xương tuỷ. Không bắt được tau, bọn lính nguỵ  bắt vợ tau rồi chúng hãm hiếp cô ấy đến chết, còn con tau chúng mổ bụng lấy gan ăn...Với bọn tù binh, không cần phải nhân đạo với mấy thằng dã thú đó..
        Một lần chúng tôi bắt sống được một tù binh, khi tra hỏi, anh ta khai cũng là một sinh viên Văn khoa. Anh ta đã rất nhiêù lần trốn lính, nhưng không thoát. Bị bắt lại, cho vào quân trường và anh ta bị đẩy ra chiến trường, đánh nhau với chúng tôi. Giữa người tù binh này với anh Hảo, điều tôi ngạc nhiên là những cuộc trò chuyện của họ, mới đầu có sự e dè, nhưng càng về sau giữa hai người, gần như có một sự đồng điệu. Té ra người tù binh vốn là sinh viên Văn khoa thuộc rất nhiều thơ, kể cả thơ của Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận...
     Qua những lần nói chuyện với nguời tù binh này, nét mặt anh Hảo hay đăm chiêu, suy nghĩ, rồi anh nằm trên võng thở dài... Những điều đó không qua được mắt ông Tư Mẹo, ông gọi tôi ra một chỗ nói nhỏ Dạo này tao thấy hình như tư tưởng thằng Hảo có vấn đề. Mày chú ý theo dõi, có gì báo cáo ngay cho tao biết để xử lý....
          Một thời gian sau,Trung đoàn của chúng tôi phải tham gia vào một trận đánh lớn.Trận đánh này, phải đảm bảo bí mật tuyệt đối. Qua hai ngày hành quân rất mệt nhọc, tôi và anh Hảo cùng đơn vị được nghỉ một ngày dưới chân núi Tà Lích, để ngày mai có sức hành quân tiếp, thì ở dưới tiểu đoàn đưa lên một hàng binh. Dáng anh ta tiều tuỵ, có lẽ do trốn trong rừng đã lâu. Bộ quần áo rằn ri khoác trên người anh ta rách nát, bẩn thỉu. Người lính hàng binh đó nói với tôi và anh Hảo :
          -Em xin hàng mấy anh giải phóng Bắc Việt. Em tên là Phước, thuộc đơn vị KBC 1925, làm y tá...đánh nhau giữa hai bên thế này, em sợ quá đã đào ngũ. Mấy cấp chỉ huy cho lính lùng bắt em. Em đã trốn trong rừng gần một tuần rồi, em xin hàng các anh.
         Chuyện Phước xin hàng  với dáng người thế kia, rồi sau đó với kinh nghiệm tra hỏi tù binh của anh Hảo, chúng tôi khẳng định Phước sang bên tôi để đầu hàng không có ý định xấu. Nhưng đối với ông Tư Mẹo không thể có chuyện như vậy.Trong cuộc họp khẩn của ban chỉ huy Trung Đoàn ngay trưa hôm đó, dưới chân núi Tà Lích, ông Tư Mẹo có nhận xét : Bây giờ bọn Nguỵ thả biệt kích, thám báo đầy rừng. Ai dám khẳng định với tôi, thằng hàng binh kia không phải là thám báo, biệt kích.?Còn chuyện này nữa, cuộc hành quân của chúng ta phải giữ bí mật tuyệt đối, chúng ta không có người áp giải tên hàng binh này về lại cứ...Chúng ta phải quyết định chuyện này ngay, không làm ảnh hưởng đến kế hoạch hành quân.
         Thế là số phận của Phước đã được định đoạn, rất nhanh, rất gọn. Người thực hiện công việc ấy, ông Tư Mẹo lại giao cho tôi. Sau cuộc họp, buổi chiều, Ông Tư Mẹo gọi riêng tôi ra, nói nhỏ: Ban chỉ huy trung đoàn đã nhất trí,  tôi giao nhiệm vụ cho anh, anh dẫn ra tên hàng binh ra sau vách núi kia...anh xử lý ngay, phải giữ hết sức bí mật, không cho ai biết....Tôi nghe lệnh của ông Tư Mẹo mà phát hoảng, sợ hãi thực sự.Tôi không đủ cam đảm để làm một chuyện như vậy.Cả một ngày tôi và Phước  nói chuyện, tuy chưa nhiều nhưng cũng đã hiểu được nhau. Phước còn nói với tôi Sau này đất nước hoà bình, không đánh nhau nữa.Em mời anh giải phóng Cường về quê em chơi. Nhà em cạnh sông Thu Bồn, cảnh đẹp lắm.... Tôi đã nhận lời. Thế mà bây giờ lại phải làm một cái việc qúa khủng khiếp. Thà đánh nhau giữa chiến trường, mọi việc dễ giải quyết, lúc đó việc giết nhau đâu có thể tính toán.Thấy tôi có vẻ chần chừ, ông Tư Mẹo nghiêm nét mặt: Nếu đồng chí không làm việc này, chúng tôi sẽ kỷ luật. .Tôi hiểu, đã là mệnh lệnh của Ban chỉ huy Trung đoàn, dù mình không muốn, cũng phải chấp hành.
         Tôi đến chỗ Phước ngồi mà trong đầu cố tìm ra một lối thoát cho tôi, cho Phước.Thực hiện lệnh của Ban chỉ huy Trung đoàn, tôi bí mật dẫn Phước đi ra sau một tảng đá to, cách chỗ đóng quân của đơn vị khá xa.  Cố kếo dài thời gian, tôi lục trong túi xách của mình một phong lương khô Trung Quốc.Tôi đưa phong lương khô Trung Quốc  cho Phước:
               - Anh ăn đi !
       Cầm phong lương khô Trung Quốc tôi đưa, ánh mắt Phước lộ vẻ cảm động, nói run run:
                -Em cảm ơn anh giải phóng Cường!  Em ăn xong, các anh dẫn em đi đâu ?
        Tôi không dám nhìn Phước ăn bánh lương khô mà quay mặt đi chỗ khác, nói nhỏ:
                - Ạn cứ ăn hết bánh luơng khô ấy, rồi tính sau.
        Nghe tôi nói thế, tự nhiên Phước không ăn nữa, mắt nhìn vào khẩu AK tôi đang đeo trên người đựơc hạ nấc an toàn, rồi Phước ngồi thụp xuống lạy tôi như tế sao:
                -Em lạy các anh! Các anh đừng bắn em...Em đã trốn trong rừng, nhịn đói, nhịn khát cả tuần nay rồi.Các anh cho em sống! Em van các anh.
           Tôi nhìn Phước, thấy thương anh ta vô cùng:
                - Anh bình tĩnh, tôi không bắn anh !
          Phước vẫn khóc lóc thảm thiết:
                -Các anh đưa em ra chỗ vắng như thế này là để bắn em thôi. Các anh cho em sống, em còn má và các em... Em có muốn đánh nhau đâu.
          Nước mắt ràn rụa, cả người Phước run lẩy bẩy.
          Chẳng lẽ để cho Phước chạy thoát rồi tôi bắn mấy phát súng giả như đã thực hiện xong nhiệm vụ!?? Không được, biết đâu ông Tư Mẹo cho người đi kiểm tra thì sao ? Kỷ luật chiến trường rất nghiêm khắc, chuyện ấy lộ ra, rất dễ tôi là người thế mạng...
           Đang trong tình trạng tiến thoái, lưỡng nan , chợt nghe thấy tiếng động mạnh ở phía sau, tôi giật mình quay lại. Anh Hảo tay lăm lăm khẩu AK, anh bí mật đi theo tôi và Phước từ lúc nào, tôi không hay. Anh Hảo đến gần, nói với tôi:
                - Anh đã biết quyết định của Ban chỉ huy Trung đoàn. Bây giờ em về lại chỗ đóng quân đi! Để anh ở lại với người hàng binh này.
                - Chẳng lẽ anh ...-Tôi ngạc nhiên, làm sao anh Hảo có thể làm việc này thay tôi.
                - Em cứ về  - Giọng anh Hảo dứt khoát -  Anh sẽ đi với người hàng binh.
                - Anh nói sao ?- Gần như tôi không tin vào tai mình. Anh Hảo có ý định đào ngũ. Tôi định nói anh Hảo không nên làm một việc như vậy thì anh đã quay hẳn khẩu AK  vào người tôi, nói rõ từng tiếng một:
               - Cường không quay về, không nghe lời tôi.Tôi bắn !
             Thấy thái độ anh Hảo như vậy, tôi sợ thực sự.Ngón trỏ của anh Hảo đã để vào cò súng. nấc an toàn đã hạ.Thái độ và giọng nói cương quyết của anh Hảo, tôi hiểu, chỉ cần tôi tiến thêm một bước, anh Hảo sẽ hành động.Tôi vội lùi lại, nhìn ra sau. Bốn bề vẫn yên tĩnh.Tôi quay lại nói vội với anh Hảo :
                -Anh với người hàng binh phải đi thật nhanh. Nhanh lên! Em sợ bên mình phát hiện, sẽ đuổi theo...
             Nghe vậy, ánh mắt anh Hảo dịu lại,  hạ khẩu súng xuống.Tôi quay người toan chạy đi thì anh Hảo gọi giật lại:
               - Em không thể trở về như thế này được đâu. Họ sẽ nghi ngờ. Phải làm thế này...
             Anh Hảo  kéo tôi vào một gốc cây, lấy một sợi dây dù anh hay mang theo, trói tôi lại. Sau đó anh lấy một chiếc khăn nhét vào miệng tôi.Anh nói giọng thương cảm:
              - Anh không muốn làm thế này với em, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Em phải chịu khó chờ đợi một chút. Ông Tư Mẹo và Ban chỉ huy Trung đoàn không thấy em về sẽ cho người đi tìm.Nếu họ hỏi em, em cứ trả lời: Anh Hảo giải thoát cho hàng binh, bắt tôi trói lại....Họ thấy có lý, không làm gì em đâu.
            Tôi gật đầu, hiểu ý anh. Ánh mắt thương cảm của anh Hảo nhìn tôi một lúc lâu rồi anh kéo tay Phước, người hàng binh, ra hiệu cả hai cùng chạy trốn. Bóng hai người chỉ trong một chốc, đã khuất nhanh vào rừng sâu.
              Tin anh Hảo đào ngũ cùng người hàng binh quả thực lúc ấy đã gây chấn động trong Ban chỉ huy Trung đoàn. Đầu tiên là tôi bị điều ngay xuống đơn vị trực tiếp chiến đấu.Ông Tư Mẹo cùng toàn bộ Ban chỉ huy Trung Đoàn nhận kỷ luật cảnh cáo của cấp trên.
Ngay lúc đó, trung đoàn của tôi phải thay đổi hướng hành quân, phương án tác chiến cũng định thay đổi.Nhưng trái với thông lệ, cuộc hành quân của trung đoàn chúng tôi đến vị trí tập kết vẫn an toàn. Phương án tác chiến, cấp trên yêu cầu Ban chỉ huy Trung đoàn vẫn giữ phương án cũ vì chưa có dấu hiệu bị lộ.
            Như vậy anh Hảo và người hàng binh không chạy sang phía bên kia.Họ đi đâu ? Hay là cả hai người đã chết?
           Những câu hỏi cứ ám ảnh mãi trong suy nghĩ của tôi.
 
                             Sau năm một chín bảy lăm, tôi được giải ngũ, trở về với đời thường, tiếp tục học nốt chương  trình đại học đang dang dở.Những ngày sống trong không khí hoà bình, đoàn tụ với gia đình, tôi vẫn không nguôi ngoai nhớ đến anh Hảo, nhất là cuộc trốn chạy của anh với người hàng binh.
               Tôi về thăm gia đình anh ở một miền quê trung du.Căn nhà lá xiêu vẹo nằm khuất trong một xóm nhỏ.Mẹ của anh Hảo lưng đã còng bởi sức nặng của thời gian, tóc bạc trắng hết, giọng nói có phần yếu ớt. Biết tôi cùng đơn vị với anh Hảo trước đây, mẹ khóc:
             - Khổ lắm con ơi! Vì nhà có người đào ngũ theo địch nên bà con làng xóm có thương, họ cũng không dám đến thăm ban ngày, cứ lén lén, lút lút vì ai cũng sợ chính quyền nghi kỵ...Mẹ một thân, một mình, nó có thằng em lại bị chết bom ...Bây giờ không biết trông cậy vào ai...
          Nhu vậy chuyện anh Hảo đào ngũ rồi mất tích, tin ấy đã về tới xóm nhỏ này.Tôi chỉ biết an ủi mẹ mà không vợi đi nỗi buồn. Biếu mẹ một gói quà nhỏ, tôi chào mẹ rồi đi ra .Mẹ tiễn tôi ra tận đầu xóm.Trước lúc chia tay với tôi, mẹ nói nghẹn ngào :
            -Kể từ ngày giải phóng miền Nam đến giờ, chỉ có một mình con ở đơn vị thằng Hảo đến thăm mẹ.Thôi, phận mẹ khổ như thế này cũng cam chịu, mẹ chỉ thương cho thằng Hảo.Chẳng hiểu sao mẹ vẫn chưa tin nó chết. Đêm nào mẹ cũng mơ thấy nó về thôi. Nếu con vào được miền nam, cố tìm nó hộ mẹ...
           Tôi cầm tay mẹ, gật đầu hứa sẽ tìm anh Hảo  cho mẹ. Hứa với mẹ như thế nhưng thực tế cả đất nước rộng mênh mông đến tìm mộ liệt sỹ có khi còn khó huống hồ lại tìm một người đào ngũ rồi mất tích.
            Có ai ngờ !
      ...Tối ấy, cạnh một đống lửa lớn ở nhà Rông của đồng bào dân tộc, tôi được Phước giới thiệu với mọi người, tôi là bạn cũ của anh Hảo. Nghe vậy mọi người ngồi quanh đều lộ vẻ vui mừng. Tình cảm đó làm tôi ngỡ ngàng, không hiểu sao biết tôi quen anh Hảo mọi người lại lộ vẻ cảm động như vậy? Phước đã có gia đình, vợ là người dân tộc của Buôn này. Phước cùng mọi người kể tiếp cho tôi nghe câu chuyện về anh Hảo cùng Phước trốn dạo ấy:
      ...Sau khi trói anh vào cây, anh Hảo dẫn tôi chạy.Chúng tôi chỉ lo mọi  người giải thoát cho anh rồi đuổi theo hai chúng tôi, nên hai chúng tôi cố chạy thật nhanh, chạy quên cả mệt ,cả đói. Mới đầu tôi cũng hơi nghi ngại, chẳng gì đã ra hàng các anh mà các anh vẫn  tìm cách bắn tôi. Dường như anh Hảo hiểu suy nghĩ đó của tôi: Anh đừng sợ ! Tôi muốn cứu sống anh ....Chạy càng xa, cũng những lúc vượt suối, lách cây, băng rừng mọi nỗi nghi ngờ trong tôi dần tan đi.Và tôi khẳng định: Anh Hảo là người tốt, muốn cứu sống tôi thật.
         Tuy nhiên, thoát khỏi các anh nhưng tôi và anh Hảo chưa biết nên về đâu? Về phía tôi thì không được, tôi đã quá sợ sự tàn ác cùa bên tôi đối xử với mấy thằng đào ngũ. Hơn nữa, anh Hảo nói với tôi: Tôi không phải là thằng phản bội anh em mình .
          Nói thế nhưng ai hiểu cho chúng tôi, ở bên nào cũng là đào ngũ cả. Chúng tôi lại tiếp tục len lỏi trong rừng, tìm hướng đi bằng những vết chân thú. Có lần qua một con suối lớn, chính anh Hảo cứu tôi khỏi chết đuối. Một lần anh Hảo bị sốt rét, tôi lại cứu anh ấy bằng lá thuốc của rừng.Chúng tôi sống khổ gần  như cuộc sống của người rừng, quần áo rách hết phải lấy vỏ cây rừng che tạm.Tình thương của hai anh em khoả lấp tất cả , lúc đó không còn phân biệt kẻ nam hay người bắc mà chỉ còn tình người. Tôi ao ước đất nước hoà bình sẽ trở về quê, đưa cả anh Hảo về, hai chúng tôi sống mãi bên nhau. Anh Hảo cũng có một ước mong như thế.
          Cứ đi trong rừng như thế chúng tôi gặp một nhóm người Thượng, họ cũng giống bọn tôi, chạy trốn bom đạn. chém giết  vào đến tận nơi heo hút này .Gần như cuộc sống của họ cách ly với cuộc sống bên ngoài.Họ nhìn chúng tôi có phần lạ lẫm, có lẽ họ đoán chúng tôi là người của một Buôn nào đó, giống như họ, chạy vào đây tránh chỗ bom rơi, đạn lạc đang ác liệt .Hôm đó hai anh em xin ngủ lại và xin cơm ăn, nước uống.Tối đó trong nhóm người Thượng này có một đứa trẻ lên cơn sốt nóng, tôi là y tá, sẵn có một chút kinh nghiệm chữa bệnh theo kiểu dân gian,  tôi cứu được đứa bé.Vì việc làm đó, tôi và anh Hảo được mọi người ở đây cảm kích, họ muốn giữ  tôi và anh Hảo ở lại. Hai anh em chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, xung quanh là rừng núi, cây cối đan dày như không có chỗ chui ra, bom và đạn nổ  nghe ỳ ầm bốn mặt. Chẳng còn con đường nào khác, tôi với anh Hảo gật đầu, đồng ý.
        Gần như cuộc sống của nhóm người Thượng này phải tổ chức lại.Tôi làm nhiệm vụ chữa bệnh cho người già,  trẻ nhỏ, thậm chí cả việc đỡ đẻ nữa. Còn anh Hảo cùng mọi người sản xuất lương thực, làm rẫy, chống đói, chống lũ, chống thú rừng, dạy học cho các em nhỏ...Cuộc sống của chúng tôi cứ như thế gần như cách ly với xã hội bên ngoài. Chúng tôi đã xây dựng được một Buôn mới. Mọi người trong Buôn, từ em nhỏ đến  người già  đều quý mến anh Hảo. Cả Buôn coi hai anh em tôi là người của Buôn. Chúng tôi cũng tự nhận điều đó. Tôi và anh Hảo  biết với hành động trốn chạy đào ngũ, bên nào chiến thắng cũng không chấp nhận.Tốt nhất đến đây cứ ở lại đây.Tuỳ tình hình hãy tính sau.
       Một lần anh Hảo cùng đoàn người trong Buôn đi làm rẫy, đường đi phải qua một con suối to.Đến giữa dòng suối, bất chợt có một cơn lũ nóng(3) đổ về. Tất cả đều bất ngờ, trong đoàn người ấy chỉ có một mình anh Hảo biết bơi. Anh Hảo phải chống chọi với dòng nước cuồn cuộn cứu từng người. Cứu được người cuối cùng, anh Hảo đuối sức.Dòng nứơc lũ ác nghiệt đã nhấn chìm anh. Đến khi con nước rút, không hiểu sao xác anh Hảo lại mắc vào một cành cây to, trên cao. Đối với mọi người trong Buôn, chết như vậy là thiêng lắm.Làm ma cho anh, dân trong Buôn làm to như làm ma cho già làng.Còn đối với tôi, cái chết của anh Hảo, không có từ ngữ nào diễn tả hết được sự đau đớn.
      Tôi quyết định, không về quê nữa. Anh Hảo nằm đây,  tôi phải ở lại....
 
      Phước ngừng kể, lấy tay lau nước mắt.
      Xung quanh tôi, mọi người im lặng.
      Ngọn lửa giữa nhà Rông về đêm hình như nó cháy to hơn, ấm hơn.
 
                             
                                                    HẾT
 
--------------
(1) Đi B - Từ thường dùng để chỉ bộ đội Miền bắc vào Miền nam chiến đấu
(2) Xuống đường - Từ của bộ đội Miền Đông nam Bộ để chỉ việc xuống chiến trường trực tiếp chiến đấu
(3) Lũ nóng -  những cơn mưa lớn bất chợt ở thượng nguồn gây nên những cơn lũ này. Nước những con suối dâng lên rất nhanh mà rút xuống cũng rất nhanh.