Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÔNG TRẦN THIÊN LƯƠNG CHỦ TÂM “ ĐÁNH NGUỘI“ TRÊN VĂN NGHỆ CÔNG AN ?

Phạm Viết Đào
Thứ ba ngày 18 tháng 8 năm 2009 3:14 PM
TNc: Tôi nhận được bài viết này của nhà văn Phạm Viết Đào nhờ tôi cho lên trang nhà. Trong bài có nhắc đến Trannhuong.com cho lên một loạt bài của nhà thơ Bùi Hoàng Tám và một vài bài khác. Việc trao đổi là cần thiết nên tôi đưa bài lên để bạn đọc nhìn cả hai phía...


Báo Văn nghệ Công An, Chuyên đề của báo Công an nhân dân số ra ngày 17/8/2009 có bài: Nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong ( NXCĐNNCX)? của tác giả Trần Thiên Lương; bài viết dẫn đề Trao đổi với nhà văn Phạm Viết Đào là tôi. Vậy xin phép được có đôi lời thưa lại với ông Trần Thiên Lương và độc giả...
1/ Trước tiên tôi xin chân thành cảm ơn ông Tổng Biên tập báo Công an nhân dân đã giành một trang để tác giả Trần Thiên Lương trao đổi về 5 bài viết của tôi, trong đó 4 bài tôi viết trên blog phamvietdanv; chỉ một bài xuất hiện trên Website Hội Nhà văn Việt Nam đó là bài: Chúng ta đang làm méo mó Thăng Long của Lý Thái Tổ...
2/ Đọc xong bài báo tôi có cảm nhận được tác giả Trần Thiên Lương chủ tâm “ đánh nguội” những ý kiến trong các bài viết của tôi; Trần Thiên Lương không dừng lại ở sự trao đổi, tranh luận, làm rõ những thông tin sai lạc ( nếu có ), những nhận xét vội vã nào đó của tôi đã viết ra, để bạn đọc hiểu đúng bản chất vấn đề.
Tác giả Trần Thiên Lương quy chụp cho tôi là hay trùm lấp ý kiến người khác nhưng chính ông lại đang tranh luận theo theo kiểu vơ bèo gạt tép, nói lấy được, bất chấp phải trái, đúng sai...
Trong bóng đá những cú vào bóng khi không có bóng, hoặc bóng bay một đường, cầu thủ lại ngáng chân, khoèo tay một chỗ khác, hành vi đó được coi là đánh nguội...
3/ Về tựa đề bài viết: Nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong; có thể coi là một đòn “đánh nguội” phủ đầu của tác giả Trần Thiên Lương giành cho các ý kiến trong 5 bài viết của tôi.
Trong nghề báo, người ta sợ nhất các trường hợp có những cây bút lúc viết thế này, lúc viết thế khác, ( Nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong như chữ của tác giả Trần Thiên Lương) về một vấn đề nào đó, thành ra dư luận không biết đường nào mà hiểu?
Cách đặt tiêu đề bài viết của ông Trần Thiên Lương lấp lửng kiểu đó sẽ mặc định với độc giả ý rằng: cái ông nhà văn Phạm Viết Đào này thuộc loại  “ tắc kè hoa “ trong viết lách đây...
Xin đi vào các bằng chứng để chứng minh cái tiêu đề mà tác giả Trần Thiên Lương viết chẳng ăn nhập gì với các dẫn chứng tác giả nêu ra để phụ họa; nói cách khác các dẫn chứng mà ông đưa ra chứng minh lại không đủ sức tải chở cái ý tưởng đánh nguội của ông ...

- Dẫn chứng 1 ( trong bài của tác giả Trần Thiên Lương):

Tác giả Trần Thiên Lương nhận xét về ý kiến của tôi trong bài Chúng ta đang làm méo mó Thăng Long của Lý Thái Tổ đưa trên mạng Hội Nhà văn Việt Nam . Ý kiến tôi viết được trích đó là:” Trận mưa lũ này còn làm bộc lộ cả sự thụ động, lúng túng, thiếu nhạy bén của bộ máy công quyền Hà Nội mà bình thường nếu ai đó nói ra điều này thì hãy coi chừng...”
Tác giả Trần Thiên Lương nhận xét: “ Nói ra thì nhiều người nói ra rồi. Vấn đề còn lại là phải coi chừng ai và coi chừng đến bao giờ?”
Theo thiển ý của tôi, tác giả Trần Thiên Lương đã ngầm cho rằng: tôi đã cố tình phóng to, nghiêm trọng hóa cái vấn đề mà nhiều nhà báo đã từng viết: đó là những cái sai, thiếu sót của các cơ quan công quyền Hà Nội; đây là việc này chẳng có gì là đao to búa lớn do vậy tôi viết hãy coi chừng là tôi đã phóng đại, tô màu một nguy cơ không có thật nhằm cố tình bôi xấu các cơ quan công quyền Hà Nội ?
Cách đây vài hôm, Bộ Thông tin Truyền thông đã thu thẻ nhà báo của 2 nhà báo Tuổi trẻ vì viết về vụ tiêu cực liên quan tới các quan chức ở tỉnh Khánh Hòa; năm kia 2 nhà báo Tuổi trẻ và Thanh niên đã bị bắt vì viết về một số quan chức ngành công an? Chuyện này chắc các nhà báo chuyên nghiệp hiểu hơn tôi vì họ phải dựa vào nghề để mưu sinh! Việc tôi viết các nhà báo hãy coi chừng khi viết về các cơ quan công quyền là có cơ sở, là một cảnh báo thiện chí và khách quan, không hề nghiêm trọng hóa vấn đề như ý của tác giả Trần Thiên Lương kết cho tôi!
Dẫn chứng đầu tiên mà tác giả Trần Thiên Lương đưa ra để buộc cho tôi cái tội: NXCĐNNCX là không có cơ sở; bài viết này tôi chỉ nói ngược một chiều !

Dẫn chứng 2:

Đó là bài viết có tiêu đề: Lề phải hay là lề trái đây trên Blog phamvietdaonv của tôi. Tác giả Trần Thiên Lương cũng đã kết rằng: tôi đã viết ẩu tả và vô trách nhiệm về một số bài báo được đăng trên Trannhuong.com; việc tôi cho rằng các ý kiến này chỉ dám đăng “ tư luận”, không Tổng Biên tập nào thuộc công luận dám đăng là nói bừa.
Trần Thiên Lương căn cứ theo thông tin của nhà thơ Bùi Hoàng Tám cung cấp thì loạt bài này đã được giải chính thức của Hội Nhà báo nhưng do tôi không nắm được thông tin nên viết ẩu? Tóm lại Phạm Viết Đào đã dựa vào những thông tin thiếu chính xác, sai sự thật để quy kết cho Bộ Thông tin Truyền thông những cái sai không có thật ?
Một vài dẫn chứng về các bài viết của nhà thơ Bùi Hoàng Tám trong bài Lề phái hay lề trái đây chưa chuẩn xác theo thiển ý của tôi: trách nhiệm một phần thuộc về nhà thơ Bùi Hoàng Tám.
Đáng lý ra và theo thông lệ, khi đăng bài in lại báo khác trước đó, tác giả Bùi Hoàng Tám phải ghi nguồn: bài này đã in ở báo này, báo kia...Tác giả Bùi Hoàng Tám không ghi đã in ở đâu cả thì việc tôi căn cứ theo tác giả là có cơ sở, là không sai. Mặt khác, tôi đã vào Google tìm kiếm, có cái thì quá nhiều dữ liệu nó nằm ở phần cuối nên không thấy, cũng có trường hợp in ở báo không có mạng điện tử nên không tìm thấy ở mạng điện tử Google.
Trường hợp ý kiến của nhà báo Phan Quang trả lời phỏng vấn mạng Hội Nhà văn VN được nhà thơ Bùi Hoàng Tám đưa ra dẫn chứng không có đoạn sau đây:” Tôi rất khâm phục những vị có học hàm, học vị cao vì sự học là gian nan, vất vả lắm, sự học tạo nên tri thức của con người. Tuy nhiên không phải ai có học hàm, học vị cao đều là những trí thức đầy đủ, đúng với ý nghĩa của hai từ ấy. Có thực học và có hư học. Hư học không phải chỉ là bằng giả, học giả mà là suốt đời học những điều “hư”, không mấy lợi ích cho đất nước, cho nhân dân. Những người này thời nay không ít. Và có lẽ tại hư học cho nên họ không dám nói và nhất là không có gì nhiều của riêng mình để mà nói. Còn trí thức đích thực thì không hèn, không thể hèn, không được hèn.
Theo tôi, chính sách trọng dụng nhân tài không nằm ngoài ba mặt. Thứ nhất, đưa những người có thực tài vào những vị trí xứng đáng, tạo điều kiện tối thiểu về khoa học và đời sống để họ yên tâm làm việc. Sử dụng nhân tài phải đúng như chính sách đã ban hành: Không phân biệt người đó là đảng viên hay là người ngoài Đảng. Thứ hai, kiên quyết đưa những người bất tài ra khỏi những cương vị quá tầm năng lực của họ. Đặc biệt xử lý nghiêm những người học giả, bằng cấp giả, học hàm học vị giả hoặc hư học bất kể họ là con ai, cháu ai. Thứ ba, các cơ quan đầu não quốc gia phải là tấm gương quy tụ những người có thực tài của đất nước. Kiên quyết bịt những lối đi tắt, từ đó những kẻ bất tài song khéo xử sự, bằng cách này hoặc bằng cách khác len lỏi lên tới đỉnh cao quyền lực.”
Trong khi đó mạng Trannhuong.com có, đây là ý kiến quan trọng? Bài phỏng vấn nhà báo Phan Quang trên Website Hội Nhà văn VN nhiều chỗ không giống với bài trên Trannhuong.com?
Bài Quyền quyết định là quyền tối hậu của người làm chủ hiển thị trên Trannhuong.com theo nhà thơ Bùi Hoàng Tám thì đã đăng trên báo NB&CL số 20 – 2009 với tiêu đề “Làm gì để đẩy nhanh quá trình dân chủ”. Sau này, báo Dân trí điện tử và báo KH&DT số 22 năm 2009 in lại với tiêu đề “Góp phần phấn đấu cho mục tiêu dân chủ theo tư tưởng của Bác”.
Tôi không có điều kiện đọc Nhà báo và Công Luận vì không đưa lên mạng nhưng tôi có đọc bài phỏng vấn Nguyên Chủ tịch Nguyễn Văn An trên Dân Trí thì nội dung không hoàn toàn giống bài trên Trannhuong.com; nhiều ý trên Trannhuong.com có nhưng Dân trí không có ? Bạn đọc có thể kiểm chứng vì Google còn lưu...
- Bài Hãy rửa tai mà nghe sự thật... theo nhà báo Bùi Hoàng Tám đã in trên Nhà báo và Công luận, tôi không rõ bài này có giống bài in trên Trannhuong.com không vì không đưa lên mạng?
Việc nhà thơ Bùi Hoàng Tám công bố một số bài trên Trannhuong.com không hoàn toàn giống với những bài đã công bố trước đó nên nếu tôi viết rằng: Các tổng biên tập của các tờ báo thuộc diện công luận không đăng là không có gì sai !

Dẫn chứng thứ 3:

Tác giả Trần Thiên Lương dựa vào bức thư ngỏ của ông Văn Chinh hiển thị trên blog của ông Văn Chinh gửi cho tôi và Trannhuong.com nhưng chúng tôi không trả lời để làm căn cứ kết tôi hay viết theo kiểu NXCĐNNCX.
Trong bài viết của ông Văn Chinh có ý kết cho tôi Phạm Viết Đào là kẻ “hiểu luật pháp sơ sài nên cứ kết bừa” được tác giả Trần Thiên Lương vớ làm bằng chứng; vụ việc này liên quan tới chuyện Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu với báo chí một ý kiến mà tôi cho là vi hiến, bài viết của tôi viết trên Blog?
Trong vụ này, nếu như tôi vào vai “Công tố viên nhân dân” ( không ai bổ nhiệm và không ai trả lương) đứng ra buộc tội Bộ trưởng Bộ Xây dựng thì ông Văn Chinh nhận vai “luật sư nhân dân”, ( luật sư không có chứng chỉ hành nghề và không được thuê) đứng ra bào chữa cho hành vi vi hiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trước những lời buộc tội của tôi? Phiên tòa xảy ra vụ tranh tụng này là mạng...
Tôi xin nói rõ lại việc này như sau: Khi trả lời phỏng vấn Vietnamnet về quy hoạch thành phố Hà Nội mở rộng, ông Bộ trưởng Bộ Xây dựng có mào đầu buổi phỏng vấn bằng câu sau đây: Quy hoạch là ý chí của lãnh đạo ? Sở dĩ tôi thấy chướng tai là vì: nếu một anh cán bộ quản lý trật tự xây dựng phường mà nói như vậy thì thôi cho qua; đằng này người đứng đầu ngành xây dựng, không chỉ do lỡ lời mà là ý chí, là tư tưởng chỉ đạo cho hoạt động quy hoạch xây dựng trong cả nước thì nguy to.
Theo Hiến pháp và Luật Đất đai thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân; muốn quy hoạch, làm gì đụng đất đai phải hỏi ý kiến người chủ đó là nhân dân; nói như Bộ trưởng Bộ Xây dựng thì nhân dân là chủ phải làm theo lệnh đầy tớ ư? Phát biểu như vậy theo tôi là sai, là vi hiến.
Tôi có viết thư cho Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông và tôi được biết trong giao ban báo chí kỳ đó, Tổng Biên tập Vietnamnet đã bị phê bình về bài phỏng vấn vi hiến này!
Thế nhưng trong vụ việc này ông Trần Thiên Lương chỉ căn cứ vào ý kiến bào chữa của “luật sư nhân dân” Văn Chinh để chứng minh cái việc tôi hay có tật nói nói xuôi nói ngược là không đúng, là sai bét, là nực cười...
 
Dẫn chứng thứ 4:

Ý kiến trở lại với ý kiến của nhà văn Trường Giang trên Trannhuong.com
Nhân chuyện báo Tuổi trẻ Thủ đô đưa tin về Lễ kỷ niệm Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Lạt, Tân kỳ Nghệ An, nhà văn Trường Giang đã viết bài trên Trannhuong.com cho rằng việc Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận Cột mốc số 0 về cơ giới tại Tân Kỳ, Nghệ An là một hành vi xuyên tạc lịch sử, xúc phạm vong linh những người có công đích thực mở đường Hồ Chí Minh...
Tôi là người có biết ít nhiều thông tin về việc ban hành quyết định công nhận di tích này vì tôi làm việc tại Bộ Văn hóa-Thông tin và nhà lại ở gần Cột mốc này. Tôi có viết lại bài thông tin những thông tin mà tôi nắm được vì sao Thị trấn Lạt Tân Kỳ Nghệ An được công nhận di tích, những thông tin này được lấy từ hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa do Tổng Cục chính trị và Bộ Tổng tham mưu đề nghị với Bộ Văn hóa-Thông tin trước đây ký quyết định công nhận.
Tôi có ý kiến với nhà văn Trường Giang: có quyền đưa ra những ý kiến, bằng chứng phản bác, chứng minh sự công nhận trên là không đúng nhưng không nên kết luận hành vi công nhận Cột mốc số 0 cơ giới tại Tân Kỳ của Bộ Văn hóa-Thông tin là xuyên tạc lịch sử, là xúc phạm vong linh liệt sĩ.
 Nhà văn Trường Giang theo tôi là đã nổi nóng mắng lại tôi: Không rõ ông ( tức Phạm Viết Đào ) làm việc ở đâu nhưng qua hai bài ông đã viết, ông là người thật sự khó hiểu về sự bao biện, ôm đồm việc của người khác, trong khi những người trong cuộc chưa ai nói gì và nguy hiểm hơn, ông cứ bơm phồng vấn đề lên như tôi sắp kiện để đưa các đồng nghiệp của tôi vào vòng lao lý vậy?
Việc viết về chuyện công nhận Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh không phải là chuyện riêng của ông Trường Giang, càng không phải là việc riêng của một cá nhân nào cả kể cả những người trực tiếp tham gia mở con đường này. Do đó tôi có thông tin lại những thông tin tôi biết không thể coi là tôi ôm đồm, là xía vô chuyện của người khác.
Đáng tiếc ý kiến trên lại được tác giả Trần Thiên Lương lấy làm căn cứ để làm bằng chứng kết tôi là người NXCĐNNCX...Kết như vậy có chính xác và khách quan không hay cố tình trùm lấp ?

Dẫn chứng thứ 5:

Ông Trần Thiên Lương quy kết cái bài viết của tôi thiên về cảm tính:” Thích thì dở cũng hóa hay, mà không ưa thì dưa có dòi”; để minh chứng cho kết luận này tác giả đã đưa ra một mẩu chuyện tôi viết trên blog, đó là bài viết: Đọc một bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm nhớ một chuyện cũ...
Trong bài viết này tôi có kể lại một cuộc thanh tra mà tôi được ông Nguyễn Khoa Điềm yêu cầu cho biết chính kiến, vào thời điểm ông đang là Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, tôi là nhân viên dưới quyền. Bộ trưởng yêu cầu tôi phải cho biết chính kiến về một số kết luận của một đoàn thanh tra theo lệnh của Bộ trưởng.
Nhân chuyện ông T. bị tố cáo biếu ông T.L.K 4000 viên gạch xây nhà do chính tôi kể trong bài mà tác giả Trần Thiên Lương nhắc tới làm căn cứ để cho rằng: tôi cảm tính...
Việc một nhân viêc nào đó tố chuyện ông T. lấy tiền cơ quan mua biếu ông T.L.K 4000 viên gạch xây nhà mà không đưa ra bằng chứng được ghi trên sổ sách nào thì thanh tra không đủ cơ sở kết luận hối lộ và nhận hối lộ. Nguyên tắc của thanh tra là “án tại hồ sơ “. Hiện nay rất nhiều vụ án rơi vào tình cảnh này. Phát biểu ý kiến trên không phải vì do tôi có gì đó thiên vị, cảm tính với ông K. hay ông T, tôi đưa ra chuyện này để Bộ Văn hóa-Thông tin không chuyển sang các cơ quan điều tra về chuyện 4000 viên gạch.Có chuyển thì cơ quan điều tra cũng không làm được gì hơn thanh tra.
Việc ông T.L.K có tranh thủ đâu đó 4000 gạch để xây ngôi nhà để ở không thể đem ra so sánh, phán xét với việc một số kẻ ăn chặn tiền hỗ trợ người ngèo của Chính phủ mà tôi đã viết bài lên án; nếu coi đây là việc mà tôi là người NXCĐNNCX là so sánh nực cười. Nếu ông K. lấy tiền hỗ trợ người ngèo ăn tết của Chính phủ để xây nhà, tôi biết nhưng một đằng tôi cứ viết bài lên án, mặt khác là gặp lãnh đạo bênh vực cho ông K. thì mới kết như ông Trần Thiên Lương viết...
Trong bài viết, ông Trần Thiên Lương không đưa ra được bằng chứng nào để chứng minh rằng có quả dưa nào đó do tôi không ưa nên đã viết là có dòi; bằng chứng chứng minh thích thì dở tôi cũng cho là hay? Mặc dù lập luận vu vơ như vậy nhưng tác giả Trần Thiên Lương đã viết ra những giòng sau đầy về tôi theo kiểu gắp lửa bỏ tay người trong bài viết của mình:

- ” Về cái “ hở “, chỗ  “khuyết hụt” nhất của ông Đào chính là ở một số bài viết, ông đã thể hiện cách nói trùm lấp. Chữ dùng thì gay gắt, “ chỉ tay day mặt”, song những tình tiết đưa ra có khi lại không có trên thực tế. Một số bài báo còn tạo cho người đọc cảm tưởng là tác giả muốn nói thế nào thì nói. Nói xuôi cũng được mà...nói ngược cũng xong!
- “ Những ai từng đọc các bài viết được tải trên một số trang Web của nhà văn Phạm Viết Đào trong hơn một năm qua, hẳn dễ nhận thấy ông luôn nói như thể con người trong thể chế này luôn bị bịt mồm bịt miệng, lúc nào cũng có thể bị bắt. Vậy thì xin nhà văn Phạm Viết Đào cứ suy từ mình ra, xem là với những bài viết sai lạc nhường kia ( mặc dù chúng chưa thấm tháp gì với những điều ông từng viết mà trong khuôn khổ bài báo này, tôi không tiện trích dẫn) mà sự thể vẫn vậy thì thực chất vấn đề nên hiểu như thế nào? Tôi tin là hơn ai hết, nhà văn Phạm Viết Đào biết rõ điều này. Có điều ông có muốn nghĩ như thế hay không mà thôi.”
                                  P.V.Đ