Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CỤ BÙI TÀI TỬ HẠNH CẨN: MỘT NHÀ VĂN HÓA CỦA HÀ THÀNH

Hoàng Xuân Họa
Thứ tư ngày 22 tháng 7 năm 2015 5:07 AM


Ở vào tuổi 96, cụ Bùi Hạnh Cẩn vẫn hàng ngày với chiếc máy tính để cặp nhật tin tức trên các báo điện tử và các trang web, blog cá nhân mà cụ thích. Riêng trang VĂN ĐÀN Nguyễn Nguyên Bảy lúc nào cụ cũng “treo” sẵn trên màn hình để khi cần là xem luôn không mất công nhấn chuột máy tính kiếm tìm. Theo ý cụ, trang này nhà báo, nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy cặp nhật đa dạng tin tức, từ văn chương cho đến mọi loại hình nghệ thuật. Đọc mỏi mắt, cụ lại dùng bút dạ màu để vẽ tranh chữ khi một ý tưởng mới nảy sinh trong đầu. Khi vẽ các loài hoa, lúc vẽ hình họa bằng những nét thảo thư, mà cụ gọi là “tự họa” đầy tính siêu thực, ẩn dụ. Tranh chữ của cụ đã được các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Thơ… mời vào triển lãm và biểu diễn tại chỗ, năm 1991.
Triển lãm Tranh Chữ của cụ Bùi Tài Tử được tổ chức lần đầu tại thành phố HCM từ ngày 5 đến ngày 8 tết âm lịch. (Hóa ra Hà Nội, nơi lão nghệ sĩ sinh sống, viết và vẽ lại đi sau Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ một năm). Trong bốn ngày triển lãm đó, theo nhà thơ Bảo Định Giang viết trong bài: Phòng Tranh Chữ Của Bùi Hạnh Cẩn Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, thì cụ Bùi Tài Từ đã gặt hái được những thành công đáng kể. Được lãnh đạo thành phố quan tâm. “Đồng chí Dương Đình Thảo, Trưởng ban tuyên huấn Thành ủy và đồng chí Trần Trọng Tần, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (thời kì 1991) có mặt từ giờ đầu và mở đầu được nhà văn Bùi Hạnh Cẩn “khai bút” viết cho mỗi người một bức theo nội dung hai ông tự chọn lựa. Xem xong, đồng chí Dương Đình Thảo rất thích và yêu cầu viết thêm một bức để tặng bạn thân”. Đặc biệt, ông lãnh sự Tiệp Khắc (cũ) tại Tp. HCM, Vladislav Lausky, Giám đốc nhà văn hóa Tiệp - Việt khi nhận bức tranh chữ cụ Bùi tặng đã nói: “Với nội dung thắm tình hữu nghị và với nét bút tuyệt vời này, tôi sẽ lồng kính treo giữa phòng làm việc của tôi”. Và ông ghi vào sổ lưu niệm của cụ: “Cuộc triển lãm hết sức hấp dẫn, không những vì tranh mà còn cả vì nội dung của chữ nữa”. Theo bài viết của nhà thơ Bảo Định Giang, trong mấy ngày cụ Bùi Tài Tử mở triển lãm tranh chữ của mình tại Tp. HCM, nhiều người chữ nghĩa đầy mình đến xin chữ của cụ. Từ bà tiến sĩ tâm lí học, cho đến các nhà văn, các nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo, sinh viên đến xin chữ trong mấy hôm đó làm cụ mệt nhoài.
Nói như nữ sĩ Mai Thục trong bài Trăng Tây Hồ Còn Mãi Bóng Thi Nhân: “Cái thú ăn chơi của người quân tử, trở thành thuật dưỡng sinh kéo dài tuổi thọ. Bùi Hạnh Cẩn tiếp cận được sự khôn ngoan ấy. Tuổi ngoài chín mươi, ông vẫn bạn mải với trò chơi thư họa. Tết nào ông cũng ra Văn Miếu chơi chữ, vui xuân cùng du khách Đông - Tây. Ông bảo: “Đời chưa chán tớ tớ, còn chơi”(thơ Tản Đà).
Một nhà thơ thì viết:
- “Anh đã đi qua huyền ảo bảy màu
Để nhận rõ Đạo Thiền chung một ngả
Ngàn thông biếc vẫn thương nhành liễu rủ
Một thân cau trong trẻo giọt xuân tình
Bảy mươi xuân Anh vẫn sống hết mình
Bướm về đậu giữa tờ hoa thơm ngọt
Đừng Anh nhé giận hờn quăng cán bút
Đời tìm đâu tàu chuối để che sương…”
(Thơ Minh Hồng tặng cụ Bùi, năm 1992)
Tranh chữ của cụ được các nhà báo, các văn nghệ sĩ: Thép Mới, Lê Văn Ba, Kim Hiền, Lê Việt, Viên Ca, Lê Xuân Kỳ, Trần Cư, Phượng Kim, Lê Thanh Hải, Ngọc Tú, Mai Thục, Bảo Định Giang… Đăc biệt là những người nước ngoài khi xem tranh của cụ đã có những cảm nhận sâu sắc. Như giáo sư người Mỹ C, D,. Sedalla ghi vào sổ lưu niệm hôm cụ mở phòng tranh ở Thư viện Quốc gia Việt Nam, ngày 23 - 4- 1992: “Cảm ơn tác giả và ban tổ chức phòng trang độc đáo và thiên tài, xứng đáng trưng bày ở Louvre. Ông Cẩn không bắt chước ai, và càng khó ai bắt trước được ông Cẩn. Đó là tư duy riêng của mỗi người”. Một người nước ngoài khác tên là Jeremy F. jones Be, ghi: “Tranh chữ của ông không chỉ lý thú mà còn hấp dẫn - cảm ơn. Nội dung ý tưởng mang tính chất truyền thống dân tộc - Những thế hệ mới cần biết tới - Tôi nghĩ loại tranh này nên được giao tiếp nhiều hơn nữa với tất cả các khán giả trong và ngoài nước. Xin cảm ơn!”. Và đây là cảm tưởng của John Donglas Reak: “Tranh chữ của ông gây cho tôi một sự ngạc nhiên - Cả về ý tưởng cũng như thực hiện bức tranh “Trẩy Hội Chùa” đặc biệt đẹp – Tôi rất thích tranh “Kanguru” - Những bức tranh mang chất thơ và chất truyền thống sâu đậm của dân tộc Việt Nam thời xưa. Cảm ơn”. Cùng vô số lời khen của khán giả trong Nam ngoài Bắc khi xem tranh chữ của cụ đều ghi những lời khen trân trọng đầy cảm hứng từ tranh của cụ khơi gợi.
Tôi may nắm được cụ tiếp chuyện bốn, năm lần. Lần thì tự đến một mình, lần thì một bạn văn nhờ dẫn đến xin cụ Bùi Sách Tranh Chữ; hai lần đi cùng vợ chồng nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy - nhà thơ Lý Phương Liên từ Sài Gòn ra. Lần nào chúng tôi đến gặp cụ đều rất vui. Một không khi vui chân tình, ấm áp, cởi mở. Cụ nói chuyện rất hóm và hài hước.
Các bức tranh: như bức “Lạc đạo” bên bức “Ngồi Thiền” (trang 67), và bức “Mình” bên cạnh bức “Vâng” (trang 75) là những bức tranh mang tính ẩn dụ, siếu thực cao. Mỗi lần gặp cụ định hỏi cho rõ ẩn ý những bức tranh đó và nhiều bức khác, song sợ phạm thượng nên tôi đành im thít mang nỗi ấm ức ra về rồi mở sách tranh của cụ ra xoay đi xoay lại bốn chiều, ngắm và soi, định tự mình tìm ra những ẩn dụ trong đó, nhưng do trình độ hiểu biết về mỹ thuật của mình thuộc diện i tờ ít nên đành chịu thiệt thòi với những khúc mắc riêng. May sao, khi mở đọc bài viết của Mai Thục, nguyên tổng biên tập báo Phụ Nữ Thủ Đô, ở trang 9, chị viết: “Chữ “Đạo” của Bùi Hạnh Cẩn táo bạo và bùng nổ. Chữ “Đạo” được ông vẽ ra, cách điệu tưởng như bầu vũ trụ, như người khỏa thân. Cách đây hai mươi năm, ông trưng bày tranh chữ ở Thành phố Hồ Chi Minh, khách Tây, người ta đều xúm vào chữ “Đạo”. Họ kinh ngạc hỏi ông: - Tại sao ông lại viết chữ đạo thế này? - Chữ Đạo là bản chất của vũ trụ, cân bằng Âm - Dương, sinh sôi nảy nở, tái tạo hay hủy diệt, là con đường gọi lòng người hướng thiện. Tôi mượn chất tượng hình ở chữ “Đạo” vẽ gợi hình thiếu nữ múa lụa. Hầu như nam, nữ, cặp đôi vợ chồng, đều nhận chữ “Đạo” mang về nhà. Có người hỏi: “Ông đọc Freud chưa?”
Thiên hạ đều giỏi cả. Nhân loại hiểu nghĩa chữ “Đạo” theo nét vẽ của ông. Vũ trụ xoay quanh chữ “Đạo”. Thiên nhiên con người, vạn vật đều sống cùng chữ Đạo. Người Trung hoa coi “Đất là mẹ”- Tiền đề triết học sản sinh ra phong thủy. Họ dùng hình tượng nữ âm để tìm huyệt phong thủy. Huyệt phong thủy là những nơi Âm - Dương tương hợp, sinh khí lành, cỏ cây kết trái nở hoa.
Vấn đề sex thì có gì lạ. Nhưng sex phải được nhìn nhận và phô bày bằng tư duy, nghệ thuật, triết học, cùng vẻ đẹp trần thế kết hợp với yếu tố thiêng liêng và cảm quan vũ trụ. Đó là “Đạo” (là con đường). Người phương Đông và cả loài người có “Đạo” không chấp nhận sự thô thiển vô giáo dục. Nếu cộng đồng nào thông thái, nghiêm túc giáo dục sex theo tinh thần trên, thì sẽ tránh được những cảnh xấu, người xấu và thảm họa sex gây ra…”. Đọc xong đoạn văn trên tôi thầm reo lên: “Vậy là mình đã hiểu được phần nào ý tưởng ở nhưng bức tranh khác không phải hỏi cụ nữa”. Cảm ơn nhà văn Mai Thục.
Về thơ, cụ có những bài thơ khá hay thời chúng tôi khôn lớn ở giai đoạn thập niên 60, thế kỉ 20. Hồi ấy, đám viết lách lèng nhèng chúng tôi coi cụ là nhà thơ lớn. Thơ của cụ được tuyển chọn in trong nhiều tuyển tập trên khắp đất nước. Như bài Hẹn dưới đây:
- “Hẹn hò nửa phút đơn sai
Tiêu tan hết nhẵn mười hai tháng thề
Thử lần lạc bước cung mê
Người không đến nữa tôi về gặp tôi.”.
(Trích từ tuyển tập thơ Lục Bát Việt Nam)
Theo chúng tôi nghĩ, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn phải là nhà văn hóa lớn của Hà Nội mới đúng nghĩa, đúng với những gì cụ đã đóng góp cho Hà Nội và nền văn hóa đất nước; đúng với những gì cụ đã đóng góp cho thơ, cống hiến cho báo chí, cho những công trình nghiên cứu và dịch thuật. Một trăm đầu sách của cụ hiện có đã nói nên điều này. Với các bút danh: Hạnh, Thôn Vân, Lê Xung Kích, Kiểm Minh, Thạch Như, Hương Nhu, Ông Lang, cụ đã viết nên các tác phẩm:
- Hẹn - tập thơ
- Ký sự lên kinh (sưu tầm, dịch thơ văn Hải Thượng Lãn Ông, 1972)
- Năm đời tổng thống Mỹ (truyện, ký 1973)
- Lê Quý Đôn, (truyện ký, 1984)
- Bà Điểm Họ Đoàn (nghiên cứu, 1987)
- Tục ngũ cách ngôn thế giới (1990)
- Chợ Viềng - Hội Phủ (sưu tầm, khảo cứu, 1993)
- Các ông Nghè ông Công triều Nguyễn (sách tra cứu, 1995)
- Nguyễn Bính và tôi (hồi ký, 1996)
- Hồ Xuân Hương thơ chữ Hán và giai thoại (1999)
- Thăng Long Thi Văn Tuyển (sách biên dịch, 2000)
- Tranh Chữ, (2010)… vân vân… và… vân vân…
Vậy mà, cho tới nay, cụ chưa được các giải thưởng, như giải Hồ Chí Minh, giải Nhà Nước để mắt tới? Cụ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ ngày đầu sáng lập, hội viên Hội Văn Học nghệ thuật Hà Nội, hội viên hội nhà báo. Cụ hoạt động báo chí từ tiền khới nghĩa. Cụ từng làm Tổng thư kí Hội Văn nghệ Hà Nội, ủy viên thường trực hội nhà báo Việt Nam, giám đốc nhà xuất bản Hà Nội… Có lần gặp chị Bùi Cửu Trường, một bác sĩ làm thơ, viết báo - con gái của cụ. Tôi hỏi chị rằng cụ nhà mình được giải thưởng Nhà Nước hay giải thưởng Hồ Chí Minh? Chị Trường cho hay: “Cứ năm năm một lần Hội Nhà văn gửi giấy báo tới, bảo bố em làm đơn xin giải. Bố em bảo: “Nếu thấy mình đáng được thì tổ chức trao cho mình giải xứng đáng với cống hiến. Sao lại bắt mình tự kể công lênh rồi xin xin xỏ xỏ. Nó thế nào ấy… Mình không làm nổi”.
Mới thấy quy định của nhà nước hơi bị nghặt nghèo về thủ tục hành chính. Đáng ra, thấy ai đóng góp cho nền văn hóa dân tộc những tác phẩm chuẩn mực, đủ điều kiện, xứng đáng với giải nào thì hội đồng xét giải cứ việc làm thủ tục trao cho họ, việc gì phải đơn từ kính thưa ông nọ bà kia mà gì? Làm cho mhững văn nghệ sĩ khái tính thấy nhục nên họ không cần. Làm đơn nghĩa là ngửa tay đi xin giải? Chỉ những người hám danh hám tiến mới ngửa tay làm vậy./.
Ngày 9– 7- 2015
Hoàng Xuân Họa