Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỀ THI NGỮ VĂN QUỐC GIA THPT 2015 : THIẾU VĂN

Văn Lê
Thứ ba ngày 21 tháng 7 năm 2015 8:57 PM
Đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia 2015 theo khuyến cáo sẽ nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt được mục tiêu chung vừa tốt nghiệp vừa tuyển sinh vào ĐH, thỏa mãn kỳ vọng của phụ huynh, học sinh cũng như những ai quan tâm đến GD nước nhà.
Nhưng sau kỳ thi và chấm thi kết thúc, dư luận “nóng” lên về đề thi và đáp án môn Ngữ văn được phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng với những luồng ý kiến khác nhau có khi đối lập nhau . Và hiển nhiên là không phải ý kiến nào cũng thỏa đáng. Vì vậy khi kỳ thi đi qua việc xem xét, đánh giá lại đề thi nhằm rút kinh nghiệm không chỉ cho cho những kỳ thi tiếp theo mà cho cả việc dạy- học văn chương trong nhà trường sẽ rất cần thiết. Với tinh thần đó, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề trên tinh thần xây dựng.
Điều chúng tôi quan tâm nhất là đề thi Ngữ văn quốc gia 2015 có đảm bảo đặc trưng của bộ môn không, nghĩa là có văn không? Chúng tôi không bức xúc như nhà báo V. M. C. trong bài: “ Bụng thì bức mà sức còn hèn” khi đặt câu hỏi: “ Đây là văn chương hay là chính trị- GDCD? Đây là đề thi văn quốc gia hay là bài tập huấn cho cán bộ, đảng viên xây dựng nông thôn mới?”, ( Báo Tầm nhìnnet ngày 12/07/2015), cũng không quá lời như nhà thơ T. M. H. cho rằng: “ Người ra đề thi tốt nghiệp môn văn THPT Quốc gia năm 2015 là một ông (hay bà) dốt văn, không có trình độ thẩm mỹ văn chương, không biết thế nào là văn hay văn dở”. Nhưng bình tĩnh nghiền ngẫm sẽ dễ dàng thấy đề thi văn vẫn là: “ Bình mới rượu cũ” và có những sai sót hết sức đáng tiếc.
Dễ dàng nhận thấy đề ra ôm đồm, tủn mụn với 11 câu hỏi cho hai phần : Đọc hiểu và Làm văn. Mười một câu hỏi cứng nhắc, theo kiểu hỏi đáp của thi trắc nghiệm thiếu chất văn, không gây được cảm hứng trong thí sinh. Mười một câu hỏi chỉ có 1 cách hỏi đơn điệu, tẻ nhạt. Ở phần đọc hiểu có 8 câu thì có đến 3 “nào” (Thể thơ nào? Từ ngữ, hình ảnh nào? Suy nghĩ như thế nào?), 3 “ gì” (tình cảm gì? thái độ gì? Nguồn gốc…là gì?) và 2“ chỉ ra” ( chỉ ra phương thức biểu đạt, chỉ ra và nêu hiệu quả biện pháp tu từ). Ở phần tập làm văn có 3 câu thì 2 câu là “ trên ” (đoạn trích trên, vấn đề trên). Cách hỏi vụn vặt này khiến học sinh chỉ cần trả lời vắn tắt từng câu một là đáp ứng được yêu cầu của người ra đề. Đối chiếu với đáp án chấm của Bộ, thấy rất rõ yêu cầu văn chương bị hạ thấp đến mức ngạc nhiên.
Tôi không tán thành với một số GV khi cực đoan cho rằng đề văn năm nay “ phù hợp với tâm thế năng lực của học trò”. “ Đề bài đáp ứng khả năng kiến thức cơ bản của các em”, “ phân hóa được đối tương”. Qua kết quả chấm chúng ta có thể thấy đề ra chỉ phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp, phù hợp với đối tượng học sinh có sức học trên dươi trung bình, còn không có đất cho học sinh khá và giỏi sáng tạo và tung tẩy bài viết một cách thăng hoa và hứng thú. Đề ra 11 câu, xé lẻ, chắp vá, manh mún, xơ cứng như đã nói làm sao gợi cảm hứng được cho những tâm hồn bay bỗng, sáng tạo? Đề ra đã lấy mất cơ hội thăng hoa với bài viết của những học sinh khá và giỏi. Thay vì tái tạo, tưởng tưởng, sáng tạo, các em làm một việc việc hết sức nhạt nhẽo là trả lời từng câu hỏi vụn vặt. Cho nên năm nay hầu hết các hội đồng chấm thi Ngữ văn không được đọc những bài văn hay, thú vị, những bất ngờ sáng tạo của thí sinh như những lần thì trước đây. Những bài văn đã mang lại niềm hứng thú cho cả người chấm. . Kỳ thi Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2015 sẽ có em đạt điểm 10 môn văn mà vẫn không có bài văn cho ra hồn là vì thế. Đâu phải lỗi ở các em?!
Thiếu chất văn còn thể hiện ở các văn bản làm cứ liệu. Trong đề ra có 4 ngữ liệu thì có đến 3 ngữ liệu là có vấn đề. Đoạn trích: “ Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa, bài tập Bài tập văn 12” là một đoạn trích rối rắm, lủng củng thiếu trong sáng. Một đoạn văn như vậy không nên mang vào đề thi THPT Quốc gia. Còn đoạn trích “ Chiếc thuyền ngoài xa- Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, Tập 2…) không những không phải là đoạn văn tiêu biểu của tác phẩm còn có vấn đề phức tạp, nhạy cảm về nội dung. Đoạn trích là cuộc đối thoại giữa người đàn bà và nhân vật kể chuyện. Trong đoạn trích người đàn bà ý thức được nỗi đau khổ là do đẻ nhiều và còn một lý do quan trọng nữa là chồng trốn lính ngụy. Chúng ta hãy đọc kỹ đoạn đối thoại này: “ Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình.
- Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chồng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn , từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trươc kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối….
- Lão ta trước hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không?- Tôi bỗng hỏi một câu lạc đề.
- Không chú à, cũng nghèo khổ túng quẩn đi vì trốn lính- bỗng mụ đỏ mặt- nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền để nhiều quá, mà thuyền lại chật”.
- Một đoạn văn còn có thể gây ra những cách hiểu mập mờ như thế này thiết nghĩ không phải lựa chọn tối ưu cho một đề thi tầm Quốc gia. Rất tiếc là ở đáp án, chỉ dừng yêu cầu cảm nhận chung chung: “cuộc đời, số phận, nghèo khổ bất hạnh” của người đàn bà mà thực ra trong đoạn trích nội dung quan trọng nhất là người đàn bà ý thức được sâu sắc nguyên nhân của nghèo khổ, bất hạnh và sự bế tắc: lên bờ không sống được mà ở biển cũng không sống được. Câu hỏi “lạc đề” của nhân vật kể chuyện với người đàn bà rát dễ làm học sinh lạc đề!?
Một đề thi Ngữ văn tầm Quốc gia thiết nghĩ phải chuẩn mực. Chúng tôi thấy làm thất vọng khi ở câu 1 (Phần làm văn) người ra đề lại chủ quan đưa ra một câu vừa không văn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. “ Có ý kiến cho rằng: Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức”. Một câu nói trời ơi đất hỡi, vu vơ. Thiếu gì danh ngôn nỏi tiếng mà người ra đề không lựa chọn nhỉ?
Cuối cùng, tôi muốn bàn đến sự thiếu chính xác của một số khái niệm được dùng trong đề. Đó là khái niệm “ dòng” và chữ”. Ở câu 4 và câu 8 (Phần đọc hiểu) người ra đề yêu cầu thí sinh trình bày vấn đề “5 đến 7 dòng” và ở câu 1 (Phần làm văn), người ra đề yêu cầu thí sinh trình bày “600 chữ” khiến cho thí sinh không khỏi lúng túng.
Đã từng nhiều năm giảng dạy chương trình Ngữ văn THPT, trong những kỹ năng mà GV cần rèn luyện cho HS khi tổ chức văn bản là kỹ năng dùng từ, đặt câu, kỹ năng tổ chức đoạn văn, bài văn, còn không thấy yêu cầu tổ chức dòng văn. Có thể HS viết được 5 đến 7 dòng văn mà vẫn chưa ra câu văn và như vậy không thể lấy tiêu chí dòng văn để chấm bài. Còn không thể đánh đồng chữ với/ từ./ hay âm tiết/ vì mỗi khái niệm có nội hàm và ngoại diên khác nhau.
Tất cả những bất cập trên đây của đề Ngữ văn Quốc gia 2015 bắt nguồn từ một đề văn không có văn, không đổi mới nhưng khuyến cáo của Bộ.
Để khắc phục tình trạng này chúng tôi đề nghị: Sau khi kỳ thi kết thúc, Bộ cần nhìn nhận đánh giá lại cái được và chưa được của đề thi trong đó có đề Ngữ văn để rút kinh nghiệm cho những kỳ thi tiếp theo. Mặt khác cần thiết xem xét đánh giá lại cấu trúc đề văn, các dạng đề văn những năm trước đây một cách bài bản khoa học khách quan để cái gì hay cần tiếp thu, cái gì chưa hay cần thay đổi, chứ không phải nôn nóng rồi rơi vào vòng luẩn quẩn như hiện nay.
Để không rơi vào tình trạng bị động như năm vừa qua đến mãi tháng 4 mới chuyển đổi đề Ngữ văn từ thang điểm 20 xuống thang điểm 10 khiến cho HS và GV không khỏi lúng túng trong tổ chức ôn tập, nên chăng Bộ nên chỉ đạo các Sở GD&ĐT ngay trong hè này cho GV sinh hoạt chuyên môn trong đó có nội dung ra đề cho HS. Nội dung này phải nằm trong sinh hoạt chuyên môn định kỳ của tổ văn các trường THPT. Sau đó, Sở GD&ĐT tập hợp các đề Ngữ văn được đề xuất từ cơ sở. Trên căn bản ấy, Bộ sẽ xây dựng ngân hàng đề.
Nếu có thể, các cấp từ Sở, đến Bộ nên tổ chức cuộc thi ra đề. Năm 2014, Tạp chí Văn học tuổi trẻ đã tổ chức thành công cuộc thi ra đề cho môn ngữ văn THCS và rút được nhiều bài học bổ ích.
Khuyến khích các nhà văn, nhà báo, những ai có tâm huyết ra đề, đề xuất với Bộ những đề ra hay .
Những đề Ngữ văn phải là Văn, phải mang đậm chất văn là mong ước không chỉ riêng ai