Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN NGỌC TẢO, NHÀ THƠ CỦA NGƯỜI LÀM THAN

Trần Chiểu
Thứ ba ngày 11 tháng 8 năm 2009 12:20 PM

Nhắc đến các nhà thơ làm thơ về những người làm Than ở Vùng mỏ Quảng Ninh, trước hết phải nhắc tới Trần Ngọc Tảo,“Những ngôi sao trong lòng đất,” một nhà thơ xuất thân là công nhân mỏ Than Đèo Nai. Anh đã có thơ viết về những người làm Than từ những năm 1976, có lẽ “Những ngôi sao trong lòng đất là bài thơ đầu tay, Trần Ngọc Tảo viết về những người thợ lò đào than trong lòng đất. Sau những năm, tháng chiêm nghiệm và hoà nhập vào đời sống những người lao động làm Than, anh công nhân mỏ Đèo Nai, Trần Ngọc Tảo như hòn than được thử lửa đã tạo chất xúc tác mới mãnh liệt cho thi phẩm về những người thợ mỏ đào than trong lò sâu ra đời:“Những ngôi sao trong lòng đất”:     

Ngọn đèn ắc quy trong tay

Chấm sáng chỉ bằng hạt đỗ

Trước cửa lò ngọn đèn bỡ ngỡ

Bởi bốn bề ánh sáng mênh mông.

Vào tới lò sâu

Hạt lửa bỗng thành vầng sáng

Như ngôi sao hiện về lòng đất

Và, nóc lò là khoảng trời riêng

Bấm ngón chân trườn qua vỉa nghiêng

Lộ Trí thẳm sâu than dày nục nạc

Ngọn đèn soi vào cột chống

Nơi sức đè của núi xuống đây

Lò chợ cắt ngang lửa than dầy

Than qua máng cuộn như nước xối

Ngọn đèn như người bạn đường dẫn lối

Phá những điều bí ẩn của đêm.

Vào trong lò niềm vui nhân lên

Khi bắt gặp những vì sao trên vầng trán thợ.

(Những ngôi sao trong lòng đất- Thống Nhất 1976)

Đã có không ít giai thoại về bài thơ này. Nhiều thợ lò kể lại rằng, Trần Ngọc Tảo có nhiều bạn thân là thợ lò. Anh không chỉ trân trọng và quý mến đức tính cần cù và sáng tạo của họ trong lao động dưới lòng đất “làm Than cho Tổ quốc như đánh giặc” mà còn học tập ở họ được phẩm chất cao đẹp trong lối sống và cách sống thường ngày.Vì vậy, khi làm xong bài thơ“Những ngôi sao trong lòng đất,”Anh đã đọc cho nhiều anh em thợ lò nghe để tranh thủ ý kiến đóng góp của họ. Anh chân thành, tha thiết đề nghị họ chỉ bảo có từ nào chưa ổn, câu nào cần phải sửa, nhưng lần đầu chỉ nhận được những lời khen. Sau đó, Trần Ngọc Tảo vào tận mỏ Thống Nhất đọc cho cả tổ thợ lò đi ca hai hôm ấy nghe trong lúc giải lao giữa ca, cũng vẫn chỉ nhận được lời khen. Lần thứ ba, Trần Ngọc Tảo mời một số anh em làm thơ ở thị xã Cẩm Phả về nhà mình cùng nghe anh đọc thơ mình cho các bạn nghe, bấy giờ vấn đề mới được làm sáng tỏ. Họ thành thật và cởi mở góp ý với Anh nên thay những từ không đúng ngôn ngữ thợ lò vì bài thơ nói về họ. Ví dụ như câu Trần Ngọc Tảo viết: Nơi sức đè của núi. Nghe xong, một trong số thợ lò mạnh dạn góp ý nên thêm vào hai chữ xuống đây thành Nơi sức đè của núi xuống đây. Trần Ngọc Tảo như bừng tỉnh. Bấy giờ Anh mới nhận ra cái sự đắt giá của hai từ xuống đây làm cho câu thơ có sức nặng hơn.

. Từ đấy đã thành thông lệ, cứ có tác phẩm mới nói về những người làm than, Anh lại đem ra đọc cho những người bạn làm than và bạn thơ nghe. Những người bạn làm than của anh trân trọng cái tình Anh đối với họ. Họ không chỉ thường xuyên mang thơ Anh vào đường lò đọc cho nhau nghe mà mỗi khi lao động vất vả những câu thơ hay lại vút lên trước các gương than, lấy đó động viên, khích lệ nhau làm “Tăng Những Tấn Than Cho Tổ Quốc.”Chỉ có như vậy và như vậy, Anh mới học tâp được ở họ những cái tinh tuý của con người để chắt lọc cho trang thơ về họ lấp lánh như hòn than đã được rửa sạch. Đúng như Trần Ngọc Tảo đã tự bạch: Chỉ đến khi làm công nhân mỏ Đèo Nai rồi làm nghề báo chuyên viết về mỏ, được sống với những người làm than và hơi thở của Vùng mỏ ùa vào tâm khảm hồn thơ mới có sức sống hơn. Sau đó ít lâu, Trần Ngọc Tảo công bố bài “Vòm trời thợ lò.” Bài thơ này cũng lấy tứ ngợi ca người thợ lò:

Vào lò, bạn sẽ thấy vòm trời riêng của chúng tôi

Bầu trời của những người con trai

Không nơi nào có

Đèn lò sáng trên vầng trán thợ

Soi sáng vào thẳm sâu.

Chúng tôi vào lò chẳng mang gì đâu

Trừ que diêm, điếu thuốc

Chỉ mang quả tim giữ đều nhịp đập

Và lưỡi búa như mảnh trăng đầu tháng

Treo góc trời.

Nơi nnày không có người ăn xin

Không nhà hàng, quán xá

Nơi với nhau không màu mè, xã giao

Chẳng hẹn đâu, ngày nào cũng gặp

Gánh lên vai sức nặng hòn than.

(Vòm trời thợ lò- không rõ ngày tháng, năm ra đời bài thơ này)

Chỉ hai bài thơ trên cũng đủ nói lên tấm lòng nhà thơ đối với những người thợ lò nói riêng, những người làm Than ở Vùng mỏ Quảng Ninh nói chung. Có thể nói, nhiều người làm than thế hệ Trần Ngọc Tảo thuộc thơ Anh và rất tự hào về Anh, một nhà thơ của những người làm than. Trần Ngọc Tảo là người rất kỹ tính, Anh cẩn trọng trong cách dùng câu, chữ và hay nổi khùng khi bài thơ của mình bị sửa chữa vô lối trên một số tờ báo sử dụng bài của Anh.

Trần Ngọc Tảo kể cho tôi nghe câu chuyện trên khi tặng tôi một số bài viết về vấn nạn than thổ phỉ mà Anh là người tiên phong dùng ngòi bút sắc bén vạch mặt bọn lợi dụng danh nghĩa Nhà nước bòn rút tài nguyên quốc gia

Tôi có sự đồng cảm với Trần Ngọc Tảo khi Anh công bố những bài viết lên án vấn nạn than thổ phỉ ở Quảng Ninh cách đây khoảng trên dưới một thập kỷ. Chúng tôi tuy không có điều kiện sống gần nhau, nhưng ý tưởng về thơ và một số vấn đề thuộc phạm vi báo chí tuyên truyền về ngành Than thì luôn luôn đồng cảm trên nhiều lĩnh vực xung quanh “Sự kiện Vùng Than 1999”:Lãnh đạo Tổng Công ty Than Việt Nam ra quyết định; từ tháng 6 đến hết tháng 12-1999, 8,2 vạn cán bộ, công nhân làm than phải ngưìng việc và giãn việc. Đây là cuộc giãn thợ với quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử Vùng mỏ, thậm chí thời Tây đế quốc bóc lột công nhân đến tận xương tuỷ cũng chưa từng xảy ra. Trước nỗi khốn đốn của hàng vạn thợ mỏ đang có nguy cơ lâm vào bước đường cùng, Nhà thơ, Nhà báo Trần Ngọc Tảo đã dũng cảm dùng ngòi bút sắc sảo, tinh tế chĩa thẳng, vạch rõ đâu là chân, đâu là ác thật rạch ròi con bệnh...Trong thời gian đó, Nhà báo gầy rạc đi vì trăn trở ra hàng loạt bài báo có tính chất định huớng: “Ngành Than: Phương án giảm tồn khốc điều gì bất ổn?” Tổng Công ty Than Việt Nam: Điều chỉnh lại phương án sản xuất Than,”“Sự nỗ lực chưa đủ xoay chuyển tình thế!”“Giải pháp gì để công nhân cơ khí mỏ thoát khỏi cảnh đói nghèo”“Giả thoát bằng cách chuyển đổi công nghệ, tìm dự án để thi công”Đó là chưa kể những bài báo đồng tác giả in trong các báo trung ương. Nhưng thôi, khỏi cần những bài báo đó đã đủ khẳng định Trần Ngoc Tảo, một nhà báo chịu trách nhiệm công dân của mình trước cộng đồng để nhìn thẳng vào sự thật mà Tổng Công ty Than Việt Nam đang đấy những người thọ mỏ vào bước đường cùng. Đặc biệt, bài viết “Tự sản xuất thuốc nổ ANFO chịu nước- Một thành công sáng chói.” Thuốc nổ ANFO của Xí nghiệp Hoá chất mỏ Quảng Ninh tự sản xuất đã thay thế thuốc nổ P2560 của Hãng ICI (Ô-xtrây-li-a) trên khai trường Quảng Ninh. Đây là một thành công trong cuộc đọ sức giữa hàng nội với hàng ngoại.Có thể khẳng định, Nhà báo Trần Ngọc Tảo-loại thuốc nổ ANFO, người “thành danh trong lửa khói khai trường Than Quảng Ninh!” Đó là cái mốc son ghi nhận thời làm báo vẻ vang của Nhà thơ Trần Ngọc Tảo.

Trơ lại đời thơ Trần Ngọc Tảo. Tôimphải nói ngay rằng trong khi bút báo xung trận tung hoành trên trang báo thì nàng thơ vẫn ẩn khuất, có lúc thôi thúc có lúc lặng đi. Nhưng với nàng thơ, Anh vẫn không nguôi ngoai nhớ...Chả thế mà khi đề cập đến chất lượng than, Trần Ngọc Tảo đã lấy ý tưởng bài thơ “Nhà sàng” đề tặng cán bộ, công nhân Công ty Tuyển Than Cửa Ông. Bài thơ mỏ đầu hai câu đắc ý:

Đừng trách

Gặp nhau nơi đây chẳng nói được điều gì.

Đúng là không nói được điều gì thật, bởi một lẽ:

Than rửa sạch ánh lên mầu nguyên thuỷ!

Qua bàn tay“sàng lọc hòn than”đổ mồ hôi và nước mắt người công nhân Tuyển than Cửa Ông tại sao, tại sao lại làm hoen ố cái màu nguyên thuỷ của than? Bài thơ là tiếng nói đanh thép, khiến ta không khỏi băn khoăn day dứt:“Nhà sàng”

Đừng trách

Gặp nhau nơi đây chẳng nói được điều gì

Đan dày tiếng máy

Không ranh giới đêm ngày

Sàng lọc hòn than

Như câu thơ hay chọn trong ngàn chữ

Giọt nước trong lọc từ mưa lũ

Hạt gạo thơm sau lúc giần sàng

Than rửa sạch ánh lên màu nguyên thuỷ

ủ lửa hồng đến khắp nẻo phương xa.

Cán bộ, công nhân Công ty Tuyển than Cửa Ông trân trọng bài thơ Anh đề tặng. Họ coi đó là những lời tri ân, tri kỷ. Không ít người thợ Tuyển than Cửa Ông đã chép tay bài thơ và truyền đọc cho người thân  nghe và giữ gìn như một kỷ vật sau khi nhà thơ qua đời.

“Lửa than” là bài thơ ngắn vẻn vẹn chỉ có sáu câu, nhưng sức bén lửa của nó khá mạnh:

Lửa ơi cháy hồng lên

Than bừng ra sức sống

ánh lửa trong mắt em

Tôi vụng về bỡ ngỡ

Hòn than cháy trong tôi

Câu thơ bén lửa.

(Lửa than-không rõ ngày, năm ra đời bài thơ này)

Hiếm có cuộc hội ngộ văn chương tại nhà Anh.Trần Ngọc Tảo thỏ thẻ tâm s: “Người cầm bút, anh em mình không thể làm ngơ trước miếng cơm manh áo đời thường, nhưng không vì thế mà không thổi tâm hồn vào trang viết vì đã sống thì cũng sẵn sàng chết vì nó. Vì số phận ngàn đời, chỉ mong được làm người bẻ ghi ở nơi bước ngoặt cung đường chuyển than ra cảng, không gì hơn thế!”

Anh đứng trước con tàu

Nơi bước ngoặt cung đường, anh thức thâu đêm

Ôi nếu chỉ vài giây, nếu chỉ vài giây

Mũi ghi kia ghép hờ một chút

Số phận ngàn đời sẽ ra sao?

Anh đứng trước con tàu

Nhưng mấy ai nhìn thấy.

(Người bẻ ghi-Không rõ ngày, tháng, năm ra đời bài thơ này)

Trần Ngọc Tảo một lần nữa khẳng định: “Bây giờ ngẫm lại tôi cảm nhận ra điều, nếu không được về công tác và lập nghiệp ở Vùng mỏ Quảng Ninh, có thể tôi khó tở thành một nhà thơ.” Và, Anh đã thật sự là một nhà thơ của những người làm than ở Quảng Ninh.

Nhà thơ Trần Ngọc Tảo không khỏi đau lòng trước những bất công và bạo lực ở nơi Anh đang sống, nhưng không làm được gì có tầm kinh bang tế thế cứu muôn sinh, đành mượn ngòi bút nói lên tấm lòng mình với nhân quần. Anh lấy “Hạt bụi” để giãi bày:

Đừng coi thường em ơi

Dù đấy là hạt bụi

Bụi cuộn lên như khói

Cơn gió xoáy từ xa

Bụi của đá gan gà

Bay như mưa nặng hạt

Bụi của vùng bão cát

Đất đốt nóng mặt trời

Hạt bụi của biển khơi

Lững lờ trong giọt nước

Rồi hạt bụi quen thuộc

Nằm ở trong góc nhà

Dù bước gần, bước xa

 Bàn chân đều gặp bụi

 Có điều lòng muốn nói

Hạt bụi trong ta

Làm sao mà nhận ra

Làm sao mà che chắn...

(Hạt bụi-Không rõ ngày, tháng, năm ra đời bài thơ này)

Nhà thơ Trần Ngọc Tảo đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta, làm sao nhận ra, làm sao che chắn được hạt bụi? Không thể khinh xuất, chỉ mỗi hạt bụi thôi có thể làm đui con mắt, có thể làm chết dí cả một cỗ máy khổng lồ...

Và, khi trong tận đáy lòng, cảm nhận ra điều bất ổn trong đời sống riêng tư và cả điều bất ổn trong xã hội, nhà thơ có lúc như “ngố”, như “hâm” ấy chỉ còn biết gửi vào trang viết của mình qua bài thơ “Nói với em:”

Em bứt ra khỏi anh như chiếc lá rơi

biết nói gì với em

Điều em cần, anh không có

Điều anh có em không cần

Cứ thế đầy vơi như khúc sông bên bồi bên lở

Đời nghèo đi vì ít nỗi chờ mong

Đến với nhau không thể chỉ một phía nối nhịp cầu

Dù bến bờ xa kia có chấ tbằng kim cương với đủ màu trang sức

Anh đánh mất một cái gì không thể nào tìm lại được

Gặp em không còn ánh mắt ban đầu.

(Nói với em-Không rõ ngày, tháng, năm ra đời bài thơ này)

Nhà thơ Trần Ngọc Tảo đã về miền cực lạc. Khi nhận được tin đau buồn này, tôi đã ngồi ngay vào bàn viết bài thơ tưởng nhớ Anh gửi cho nhà thơ Nguyễn Châu, Phó Tổng biên tập Báo Hạ Long để viếng người bạn quá cố, nhưng rủi vì bài khóc Trần Ngọc Tảo nhiều, Nguyễn Châu “quên khuấy”không sắp xếp hết được nên bài thơ không được công bố. Nay trước vong linh Anh, tôi xin thắp nén nhang thơm bái biệt:

Tôi với Anh, ta họ Trần nước Việt

Mang trong mình dòng máu Than

Đau nỗi đau thợ mỏ giãn việc...

Mỏ hết than, đóng cửa

Đi đâu, về đâu?

Vẫn còn đó con chữ sáng hòn than đen

Vẫn còn đó nụ cười thân thiện

Họ Trần ta vắng một người con trung thực...

(Thương tiếc nhà thơ Trần Ngọc Tảo-Nhân ngày nhà thơ qua đời).

Người thợ làm than ở Vùng mỏ Quảng Ninh,Trần Ngọc Tảo, nhà thơ của những người làm than Quảng Ninh đã trải qua những tháng năm gập ghềnh và sâu lắc...của cuộc đời mới thấm thía được cái giá đích thực của hòn than qua sàng tuyển trên trang viết.

 Tháng Năm-2009