Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHÔNG PHẢI THẾ

Bùi Hoàng Tám
Chủ nhật ngày 9 tháng 8 năm 2009 9:28 PM
 TNc: Chiều nay tôi vừa cho bài Lề phải hay lề trái đây của nhà văn Phạm Viết Đào. Lập tức tôi nhận được ý kiến phản hồi của nhà thơ Bùi Hoàng Tám. Qua bài viết này Bùi Hoàng Tám muốn nói điều gì. Xin mời các bạn độc ngay...

 

Vừa qua, trên Trannhuong.com có đăng bài viết  Lề phái” hay “lề trái” đây?” Của Nhà văn Phạm Viết Đào, trong đó có đoạn khá dài viết về tôi (Bùi Hoàng Tám). Xin trích dẫn:

Nhân chuyện “ lề phải”, “lề trái “mà ông Bộ trưởng Bộ TT-TT đề cập, chúng tôi liên hệ tới một vài ví dụ thực tế đang diễn ra trong hoạt động thông tin báo chí mà bản thân thấy chưa biết loại này nên xếp vào loại “lề phải” hay “ lề trái” đây ? Đó là trường hợp một số bài viết của nhà thơ Bùi Hoàng Tám được hiển thị trên mạng Trannhuong.com ?

Chủ của mạng này là nhà văn Trần Nhương, các nhà văn vẫn gọi vui là mạng “ tư luận” nhưng lại không tư lợi; chủ mạng này chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về mọi viết bài viết của mình và các bạn bè gửi đến “ góp cổ phần “ nhưng lại “ phi lợi nhuận “...

Sau đây là một số thông tin đáng chú ý được nhà thơ Bùi Hoàng Tám, người đang là quân của báo điện tử Dân trí, một báo điện tử có số lượng người truy cập vào loại hàng đầu của Việt Nam.


“ Điều làm cho tôi, người viết bài này băn khoăn khi đọc xong những bài phỏng vấn hết sức công phu, trách nhiệm, đề cập khá sâu sắc, đúng mạch, gợi lên khá nhiều những vấn đề lớn của xã hội và đang là sự quan tâm của khá nhiều người; thế nhưng những bài phỏng vấn đó lại không xuất hiện tại những tờ báo được mệnh danh là công luận có chức năng thông tin những vấn đề mà công luận quan tâm.
Chúng tôi không muốn bình luận nhiều về những ý kiến phát biểu của những con người được nhà thơ Bùi Hoàng Tám trực tiếp phỏng vấn; họ là những con người mà khi nhắc tên không chỉ giới báo chí mà cả người đọc bình thường vẫn nhận biết?
Ý kiến của những con người như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, con người một thời lừng lẫy ở Pari, luôn xuất hiện trên trang đầu của những hãng thông tấn lớn của thế giới; rồi thì nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, con người một thời làm cho các phiên họp chất vấn của Quốc hội trở thành diễn đàn của mọi người dân; rồi ý kiến của nhà báo Hữu Thọ, Phan Quang đứng đầu những cơ quan ngôn luận lớn của Đảng ...Thế mà giờ đây những chính kiến của họ lại không một tờ báo chính thống, được duy danh là công luận dưới quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông “
dám “ đăng ?
Liệu có phải do các Tổng Biên tập bị ám ảnh nặng nề bở cái quy chế
“ lề phải “, “ lề trái
“ mà ông Bộ trưởng Bộ TT-TT đã ấn định?
Chắc chắn không ai dám cả gan xếp những ý kiến của các vị mà nhà thơ Bùi Hoàng Tám trực tiếp phỏng vấn là loại ý kiến thuộc
“ lề trái “ cả? Vậy số ý kiến trên nếu không thuộc lề nào thì có khi bị coi là loại ý kiến mon men ở “ vỉa hè”
cũng nên ???
Trước thực trạng này xin có bài thơ con cóc gửi ông Bộ trưởng Bộ Thông tin  và Truyền thông:

Trước hết, tôi xin cám ơn trannhuong.com (chứ không cám ơn bác Trần Nhương đâu nhé. He!), Nhà văn Phạm Viết Đào và rất nhiều bạn đọc các trang trannhuong.com, nguyenquanglap – quechoa, trươngduynhat… đã quan tâm đến các bài viết của tôi. Đây là niềm hạnh phúc không gì sánh được của người cầm bút. Có những bài viết như “Em biết Bộ trưởng sẽ… im lặng” gần đây chỉ tính ba mạng nói trên đã lên con số cả vạn lượt người truy cập. Số góp ý cũng lên tới hàng trăm lượt người. Điều vinh dự nữa là theo tôi được biết, độc giả của các mạng trên hầu hết là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, trí thức… tức là những người được đánh giá là “dân trí cao”, có trách nhiệm với đời sống xã hội.

Tuy nhiên, trong kết luận của mình, Nhà văn Phạm Viết Đào khẳng định: “…những chính kiến của họ lại không một tờ báo chính thống, được duy danh là công luận dưới quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông “ dám “ đăng?, sự việc không phải như vậy. Tôi khẳng định rằng: Nội dung tất cả các bài tôi đã đăng tại các trang mạng trên đều dã được đăng tải ở ít nhất là một cơ quan truyền thông chính thống thuộc quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đó là hai tờ báo Khuyến học & Dân trí và tờ Dân trí điện tử (Hội Khuyến học Viêt Nam) nơi tôi hiện đang đầu quân và tờ Nhà báo & Công luận (Hội Nhà báo Việt Nam), cơ quan cũ của tôi, tờ Đất Việt…. Tất nhiên, tôi chỉ nhận nhuận bút ở một nơi. Riêng có bài “Em biết Bộ trưởng sẽ… im lặng” chỉ đăng trên báo mạng của Hội Nhà văn Việt Nam do tôi chỉ gửi cho mỗi trang này. Để kiểm chứng, độc giả có thể vào Dantri.com hoặc docbao.com trong khoảng 1 năm gần đây. Đặc biệt, trong số ba bài mà Nhà văn Phạm Viết Đào dẫn chứng có bài nằm trong chùm 5 tác phẩm dự Giải báo chí Quốc gia 2008 được dự vòng Chung khảo, được cấp Giấy chứng nhận của Hội Nhà báo Việt Nam và 1.000.000 đồng (Bác Phạm huy Hoàn, TBT báo tôi còn quyết định thưởng thêm 1 triệu nữa cho “em khỏi tủi thân”. He!).

Điều gợi lên trong suy nghĩ của tôi ở khía cạnh khác. Thứ nhất là sức mạnh rất lớn của các trang điện tử do cá nhân đảm nhiệm. Ở đó có những đối tượng độc giả đông đảo và đặc biệt là có trình độ nhất định và đang từng bước chiếm được niềm tin nơi độc giả. Thứ hai, một xu hướng đọc có tính khu biệt rất đáng quan tâm. Thứ ba, năm 2002 khi còn công tác ở Báo Gia đình & Xã hội, tôi đã viết về một đề tài hết sức gai góc, nhạy cảm: Từ những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng của một số cán bộ cao cấp thuộc quyền quản lý của Ban bí thư, Bộ chính trị, Trung ương Đảng, bàn về công tác cán bộ. Và kết luận cả ba khâu: Đào tạo – Bồi dưỡng, Đề bạt - Cất nhắc, Quản lý – Giám sát đều có vấn đề.  Rất vui là bài báo “xía vào công tác tổ chức” đó không những không bị phê bình, nhắc nhở mà còn được Giải thưởng báo chí toàn quốc (giải thấp thôi. He! He he, khoe một tí). Chuyện đó cũng nói lên khá nhiều điều khiến chúng ta phải bình tâm suy ngẫm. Tất nhiên trong bài đó, tôi phỏng vấn toàn VIP cỡ UV BCT, UV TW Đảng, tướng lĩnh cao cấp, nhân sĩ trí thức…

Trở lại bài báo trên, tôi tự thấy phải có trách nhiệm nói cho đúng sự việc.

Xin cám ơn trannhuong.com, Nhà văn Phạm Viết Đào và mọi người.