Trang chủ » Truyện

Kỷ niệm buồn

Cao Năm
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
 

Không hiểu sao, mỗi khi nghĩ đến những tháng năm làm báo, tôi lại nhớ đến cái bài viết chết tiệt ấy với một tâm trạng man mác buồn. Nó cứ như một vật vô hình nằm sâu đâu đó trong hộp nhớ của tôi, chỉ chờ cơ hội là bật dậy rõ hình hài gân cốt.
Đấy là một dịp làm số báo đặc biệt. Tôi nhớ thời hạn bài gửi theo đường bưu điện, mà chúng tôi quen gọi là bài bên ngoài, đã hết, ngay cả bài của những người trong toà soạn, chúng tôi quen gọi là bài trong nhà, cũng hãn hữu có người nào được ưu ái lắm mới còn hạn nộp. Vậy mà không hiểu sao, tôi lại được tổng biên tập đích thân gọi lên:
-Cô đi xuống  cơ sở nào làm ngay cái phong sự nhá. Nhớ là ngắn thôi, số đặc biệt nhiều trang, nhiều bài, lại viết dài nữa thì không ai người ta có thì giờ đọc đâu. Ngắn, nhưng phải có tính chiến đấu, chứ không thể xuôi chiều đâu đấy.
Thoạt nghe, tưởng đề bài cũng đơn giản. Nhưng tôi về ngẫm nghĩ thấy không đơn giản chút nào. Chẳng thế dù đã gấp, tổng biên tập vẫn cho tôi những bốn ngày, nghĩa là, đầu giờ thứ hai tới mới phải nộp. Cái không đơn giản chút nào ấy, nằm ngay trong câu cuối lời dặn của ông:phải có tính chiến đấu. Khó quá. Phê bình trực diện thì thì nặng nề, khô khan, không ai muốn đọc; mà viết cho văn hoa mềm mại thì rất dễ xuôi chiều. Cả hai thái cực ấy, ông tổng biên tập khi giao bài đều dặn rất kỹ. Thôi mặc, tôi đã có cách. Chí ít tôi cũng có tới dư mười năm mang thẻ nhà báo, chứ đâu phải con bé mới tập tọng vào nghề mà lo.
Tôi không lo. Nhưng vẫn dành hẳn hai ngày cuối tuần đi cơ sở. Lại dành cả ngày chủ nhật cặm cụi viết, để sáng thứ hai có thể nộp bài cho tổng biên tập, y hẹn.

Có lẽ mấy ngày đi cơ sở tôi chuyên chú gặp người này, người kia để lấy thật nhiều tài liệu, biết mười viết một, như lời khuyên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần mấy anh chị em nhà báo trẻ chúng tôi đột nhập được vào nhà riêng của Đại tướng ở đường Hoàng Diệu chúc mừng sinh nhật. Chuyên chú gặp người này người kia để lấy thật nhiều tài liệu, nên dù là ngày nghỉ, sáng chủ nhật ấy tôi ngồi viết cũng rất hứng thú. Không cà phê, thuốc lá đứng lên, ngồi xuống như cánh nam giới, tôi ngồi liền một mạch từ bảy giờ đến mười giờ rưỡi đã có thể đặt dấu chấm hết cho bài phóng sự gần nghìn chữ. Đặt dấu chấm hết xong, tôi mỉm cười đứng dậy đi sửa soạn bữa cơm trưa cho chồng con. Một lát, chồng tôi cũng đi thăm người bạn ốm nằm bệnh viện về. Rỗi việc, anh vào bàn viết của tôi tìm cái gì đó đọc cho tiêu thời gian. Thấy bài tôi mới viết còn để trên bàn, anh cắm cúi đọc. Tính chồng tôi vẫn thế, bài của vợ viết xong để trên bàn anh hay đọc duyệt-như anh thường nói vui. Khi tôi ở nhà dưới lên, hẳn anh cũng vừa đọc xong, liền xô ghế đứng dậy:
-Cô viết thế này thì người ta để tôi yên à? - Mặt chồng tôi đã có vẻ hồng hào đáng ghét.
-Có gì mà anh ầm lên thế. Đâu, ở chỗ nào, anh chỉ cho em xem lại. - Tôi nói dịu dàng. Chồng tôi cũng có chiều bớt nóng. Anh lia ngón tay chỉ mấy dòng ngay trang đầu:
-Đây đây, rõ là cô viết ra giấy trắng mực đen đích thị công ty tôi rồi nhá.
Tôi cố ghìm tiếng cười chỉ chực bục ra, nói nhẹ nhàng, pha chút hài hài cho chồng hạ hoả:
-Ông chồng yêu quý của em ơi! ở cái thành phố này có biết cơ man nào trưng biển trung tâm này, trung tâm nọ, công ty kia, công ty kỉa, công ty kìa, chứ đâu phải duy nhất chỉ có mỗi trung tâm nơi anh làm.
-Đâu phải duy nhất chỉ có mỗi trung tâm, nhưng dứt dây mơ động bờ lá nớn, cô phê bình cái trung tâm dịch vụ nào đây, còn nợ đọng thuế nhà nước cả năm trời mà vẫn sử dụng ô tô lớn, ô tô bé chở bày đàn thê tử nghễu nghện đi Cát Bà, Đồ Sơn, Hạ Long, Bãi Cháy, hết Yên Tử, Cửa Ông lại Bà Đế, Phù Long, sang cả Thiên Trường, Phủ Giầy, Nam Định thì đích thị là trung tâm..., trung tâm tôi đang làm rồi còn gì!
-Cứ giả thiết là thế đi chăng nữa, anh cũng không thuộc diện lãnh đạo trưởng, phó phòng ban hay cán bộ nghiên cứu, chuyên viên, trợ lý chánh phó giám đốc để được đi những chuyến ấy cơ mà!
-Sao tôi không biết thế. Nhưng người ta vẫn suy ra là tôi có vợ làm nhà báo, rằng tôi đã tiết lộ để cô viết họ lên công luận thế kia, cô hiểu chưa? Tôi đã nói với cô bao nhiêu lần rằng, viết gì, ở đâu thì viết, nhưng chớ có viết cái gì xấu xa ở nơi tôi đang làm. Thế mà bây giờ cô lại cả gan phơi áo cho người xem lưng người ta thế này, thì đời nào người ta để tôi yên!
Nói đến đây, chồng tôi như bỗng nhớ ra điều gì, liền đổi giọng:
-Cô cứ bỏ cái đoạn ấy đi cho tôi nhờ. Hay muốn để thì phải thay tên khác, đừng gọi là trung tâm dịch vụ dịch viếc gì nữa, cứ đơn vị X, Y hay U, V gì đó cũng được. - Bỗng chồng tôi đổi giọng thao thiết. - Vì chỗ làm việc của tôi, vì miếng cơm manh áo của chồng, và cả con cô nữa, tôi van cô!
Anh nói đến thế thì không thể đừng được nữa rồi. Tôi cắn môi nghĩ ngợi hồi lâu. Nghĩ ngợi hồi lâu vẫn thấy tiếc. Bỏ thì thương, vương thì tội. Đúng là văn mình vợ người, viết ra một trang, một dòng cũng thấy thấu tình đạt ý lắm rồi. Huống hồ tôi ngồi cặm cụi từ sáng, mà giờ phải bỏ cả một đoạn dài thật tiếc đứt ruột không bằng. Thế nhưng, không nghe anh bỏ đi vài chi tiết cực kỳ quan trọng ấy, nhỡ bài báo đăng lên người ta không để anh yên thật, thì có khi chồng tôi bị đuổi việc cũng chưa biết chừng. Một khi bị đuổi việc, liệu anh còn vui vẻ cho vợ đi làm cái nghề mua vạ vào thân nữa hay thôi? Nghĩ đến đấy, tôi dằn lòng ngồi vào bàn và cầm bút sửa một đoạn dài, để nơi chồng tôi làm việc người ta nhỡ có đọc cũng khỏi hiểu lầm về anh ấy. Người ta khỏi hiểu lầm về anh ấy, chứ thực, tôi không sợ ai. Nhưng vẫn nhớ chuyện anh Mai Cương, trưởng phòng của tôi, mới tháng trước phải trốn vợ con ra một khách sạn ngoài Đồ Sơn nằm mấy ngày liền, để tránh một chiến hữu của giám đốc X lăm le trả đũa, về bài báo lật tẩy nhà hàng cà phê mờ của em gái nuôi ông ấy ở đường Thiên Lôi. Thì ra, thời nào cũng thế, người đời chỉ thích cái tốt phô ra, xấu xa đậy lại mà thôi.
Xấu xa đậy lại tưởng thế là yên. Nào ngờ, đến chiều em gái tôi sang chơi. Giữa lúc tô còn ở ngoài nhà tắm, trong khi chờ đợi, em gái tôi vào bàn viết của bà chị. Và hẳn vì yêu quý bà chị thôi, em gái tôi đọc một mạch hết bài báo tôi vừa viết lại. Khi tôi vừa bước vào, cô em gái liền quay lại nói như van nài:
-Chị sửa lại bài này đi thôi. Viết thế này thì chết em!
-Tôi có động gì đến cô mà chết với chả sống. -Giọng tôi hơi sẵng. Nhưng giọng em gái tôi lại thao thiết:
-Trời ơi! Sao lại không động. Đây này, chị tả ông giám đốc mới ngoại tứ tuần mà mái tóc đã muối tiêu, thì đúng là giám đốc công ty em rồi. Anh ấy mới bốn hai mà mái tóc đã bạc trắng, rất hiếm thấy ở người cùng độ tuổi.
-Dẫu vậy thì đã sao? -Tôi có vẻ bực với cô em gái.
Nó vội nói liến thoắng nửa như phân trần, nửa như van xin tôi hãy bỏ cái đoạn tả ông giám đốc ấy đi:
-Chị không biết đâu. Lâu lâu ông ấy lại gọi em lên phòng giám đốc nửa đùa nủa thật, như dặn dò, lại như răn đe:Cậy duyên có má hồng, cô em có bà chị làm nhà báo, có chuyện gì hay dở ở công ty này, thì ai nắm tay được cả ngày, thể nào chả có khi sơ xuất, em cứ bảo bà ấy nói nhỏ một lời với anh, hoặc em cũng được, rồi em nói lại với anh thì chỉ có nhất. Còn không, cứ hơi tý đưa thẳng lên báo là tôi không để cô yên đâu!.
Trời đất, lại vẫn chuyện để yên hay không yên. Tôi vừa chợt nghĩ, lại nghe giọng cô em gái khẩn thiết:
-Thế nên, em van chị bỏ cái đoạn ấy đi. Chị chỉ cần sửa lại ông giám đốc ngoài năm mươi tuổi, nhưng tóc vẫn chưa một sợi bạc là không ai để ý nữa. Bây giờ, nhiều vị lãnh đạo đã sáu bảy mươi vẫn còn nhuộm tóc cho có vẻ trẻ trung, nữa là một ông ngoài năm mươi. Chị cứ bỏ doạn ấy đi cho em nhờ. Nếu không, ông ấy sẽ đuổi em thật, chị ơi!
  Tôi nhìn cô em rơm rớm nước mắt mà lòng trào lên niềm thương, nỗi giận đến không thể kìm nén. Chẳng lẽ lại như thế? Chỉ vì một bài báo của tôi, cũng mới chỉ động đến chân lông vị giám đốc nào đó, mà chồng tôi, rồi em gái tôi đã giẫy lên như đỉa phải vôi, sợ người ta không để cho yên. Tôi thật không hiểu tâm địa của mấy người ra làm sao, nên chỉ còn biết than thân trách phận: viết lách sao khó thế!
Nhưng rồi tôi cũng không thể lấn lá thêm nữa. Y hẹn, sáng thứ hai tôi vẫn phải nộp bài lên tổng biên tập. Tôi yên trí bài viết đúng chỉ đạo của ông: không dài, có tính chiến đấu, văn phong cũng mềm mại, uyển chuyển hoà hợp màu sắc của số báo đặc biệt. Tôi mừng thầm, dịp lễ lạt này mình lại có bài đăng báo số đặc biệt. Ai làm báo mới hiểu nỗi lòng người phóng viên mỗi khi báo ra số đặc biệt mình lại không được phân công viết bài, cũng tức là không có bài đăng, cũng đồng nghĩa với không có được một tờ báo đặc biệt đăng bài của mình đem tặng bạn bè, người thân. Nhưng lần này thì khác. Chồng tôi khi biết tôi đã viết lại bài báo đem nộp lên đích danh tổng biên tập đúng ngày, đã cao hứng khoe với mấy người bạn đến chơi: Diệu Thanh báo đặc biệt số này có bài đăng nhá. Bọn mình sẽ mua thêm báo biếu mỗi cậu một tờ, đừng mua nữa nhé!.
Nhưng giá anh đừng bốc đồng lên thế, có phải em đỡ ngượng không anh. Khi báo mang từ nhà in về, em giở ra không thấy bài của mình, chỉ còn thiếu nước chui xuống lỗ nẻ. Ngượng ơi là ngượng! Cũng không hiểu ra làm sao. Mãi đến khi nghe anh Mai Cương nói:Đời có bao nhiêu mối quan hệ, đụng đến đâu cũng người quen, bạn thân. Lẽ ra em phải hỏi sếp cho kỹ, trước khi định đi viết về cơ sở nào, rồi hẵng đi lấy tài liệu có phải an toàn hơn không. Trời đất, lại thế nữa! Tôi chỉ còn biết vơ vội tờ báo tiêu chuẩn, rồi chạy ra sân lấy xe vù thẳng về nhà em gái để báo cho nó cái tin, chẳng biết nên vui hay nên buồn, rằng bài báo của chị có nhân vật ông giám đốc mái tóc muối tiêu không được đăng đâu, em ạ! Nhưng tôi lại không đến nhà em gái, mà cho xe ngoằng nghèo vào con ngõ hẹp, nơi có những cán bộ, nhân viên ở công ty đã cung cấp cho tôi tài liệu để viết lên bài báo ấy./.