Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

YÊN ĐỨC CÒN LẠI MỘT TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC

Trần Chiểu
Chủ nhật ngày 9 tháng 8 năm 2009 2:35 PM
TNc: Nhà thơ Yên Đức từ Quảng Ninh về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam cùng làm việc với tôi một ban. Chúng tôi chỉ gần gũi được chừng 2 năm rồi anh vội vã ra đi. Vậy mà đã gần 6 năm Yên Đức đi xa. Tưởng nhớ anh, nhà văn Trần Chiểu đã gửi cho Trannhuong.com bài viết này. Xin các bạn cùng đọc để nhớ về nhà thơ Yên Đức...
 

Mảnh đất chôn cái nhau khi cất tiếng khóc chào đời vì một lẽ nào đó phải xa nó, mấy ai không bâng khuâng, nhung nhớ? Trịnh Đức Dực rời cái xã Yên Đức, “sống ngâm da, chết ngâm xương” đi lập thân, lập nghiệp để rồi trở thành nhà thơ ( Năm 1996,Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam,) nhưng tình yêu quê hương thì lúc nào cũng canh cánh trong trái tim Anh. Chả thế mà bài thơ “Núi canh,” viết về mảnh đất “cắt rốn chôn nhau” đăng trên tờ Văn nghệ Quảng Ninh ngày 2 tháng 9, năm 1966, Trịnh Đức Dực đã lấy tên Yên Đức, làm bút danh bài thơ, khai sinh sự nghiệp thơ của mình và cái tên Yên Đức sau đó đã nổi tiếng trong giới Thơ Việt Nam với chùm thơ: “Thung lũng Than,” “Đỉnh cao Yên Tử,” “Bình minh vang động,” “Nguồn sáng...”
Quê hương là nguồn cảm hứng và sáng tạo thi ca của Yên Đức.
Tháng Giêng hội cỏ xanh triền đê vắng
 Mưa trắng mờ sẫm núi Thung
 Chùa Cảnh Huống đèn nhang nghi ngút
 Dưới mái tranh nâu thấp thoáng áo hồng
 Lòng nhẩm tính từng ngày tháng lộc
Anh dẫu xa, em chẳng  trở về
 Hội quê mở tinh mơ mười sáu
 Anh đứng đợi ai e ấp ngõ tre
( Trích Hội Quê 2000)
 Từ ấy, cái tên Yên Đức đã thay cho cái tên “cúng cơm” Trịnh Đức Dực cha mẹ đặt cho.
Học xong Trung cấp Ngân hàng, chàng trai trẻ Yên Đức đã có chỗ đứng chân khá vững chắc, đó là Ngân hàng Nhà nước Quảng Ninh do ông bác Trịnh Kiểu, người đứng đầu cơ quan này đủ điều kiện sắp xếp cho Anh một công việc “ngon” như bao người mơ ước, nhưng Yên Đức đã không nghĩ vậy và, Anh tình nguyện về thị xã Than và Điện Uông Bí. Năm 1996, Anh viết bài thơ“Thị xã”thật hào sảng:
Một nháy mắt đùa tạo hoá
ba lăm năm thị xã
Ta đi từ không đến có
Anh đi từ mình đến em 
San mặt bằng, đổ móng
Khánh thành và chiến tranh
Khói trắng và khói đen
 Báo động và báo yên
 Ta đã không còn tuổi trẻ
 Bao trái tim bạn ta không còn đập nũa
 Còn đây thị xã
 Ông khói cao lưng trời khói toả
Hai bờ sông đã bắc nhịp cầu
Đổ bê tông con đường vào mỏ
Bạn tôi ơi bây giờ các anh đang ở đâu
Có nhớ về thị xã
Một thời trai trẻ
Một thời đạn bom
Một thời có ta mà đâu biết có mình
Mất còn chẳng ai kịp nghĩ...
Còn đây thị xã
Bao người lại hiến dâng tuổi trẻ
Lại hy vọng sướng vui, đau khổ
Lại yêu nhau làm điện, đào than
Như chúng mình
Hát về thị xã. 
Và, ngay tự khi “bập” vào mảnh đất trung dũng, kiên cường ấy, Yên Đức đã coi đó là quê hương thứ hai của mình và, Anh đã gắn bó với nó cho đến lúc cận hưu mới quyết định chuyển về Hà Nội với cương vị Phó Ban Dự án xây dựng Bảo tàng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam.
Quyết định ấy quả thực không dễ dàng đối với Anh, bởi ở đó, anh có được mối tình ngọt ngào, đắm say:
Nhọn hoắt nét trăng cong treo chếch bên trời
Anh chợt thức nỗi nhớ em trằn trọc
Có phải linh tính làm anh không ngủ được
Mong đêm chóng tan, đau đáu nhớ ban ngày
(Trích-Gửi từ phố Mỏ1988)
Thị xã Than và Điện ấy đã thổi vào trái tim nóng bỏng của thi sỹ, Anh đã viết bài thơ “Tình yêu lặng lẽ”khi tình yêu đã sang độ chín:
Ai cũng có một tình yêu lặng lẽ
Đốm lửa thẳm sâu âm ỉ
Bóng dáng ngày xưa
ánh mắt dọc đường thu
ấm nóng một bàn tay đưa
Nụ cười thầm lặng sáng
Bất chợt nhớ thương vương vấn...
Em là ai mà thiêu đốt lòng ta
giá lạnh trong bùng cháy
bùng cháy trong giá lạnh
Nửa đêm bừng thức
gió thổi mùa sang chiều mờ
giữa ồn ã phố xá bạn bè
như có như không có...
Muốn quên đi càng day dứt nhớ
Muốn nén xuống càng trồi lên
Muốn nhen lên tại tắt vỡ
Một nụ mầm không xòe lá, không tàn
tình yêu lặng lẽ
 (1996).
Tôi nhớ lại bài thơ Yên Đức đọc cho tôi và nhà báo Ngô Mai Phong nghe đêm ba thằng trong cái phòng khách Ngân hàng Công thương Uông Bí sau khi tán hươu tán vượn về tình tình yêu:
Yêu nhau cũng chẳng dễ đâu
Bao nhiêu cay đắng, khổ đau, ngọt ngào
Lúc gần e ấp lời trao/ Khi xa lòng những cồn cào bâng quơ
Quá yêu đến nỗi nghi ngờ
Quá thương đến nỗi bơ vơ hao gầy
Con đường từ ấy sang đây
Xa ngàn vạn dặm hay tày tấc gang
Mà sao đang nắng chang chang
Thoắt mưa bay, thoắt sương giăng mịt mờ
Hồn chưa ngây ngất cơn mơ
Đã bồn chồn những đợi chờ đêm thâu
Mười người được mấy vun vào
 Vừa khen trước mặt, ngoảnh sau đã dèm
Yêu nhau chẳng dễ đâu em
( Không đề)
Đó là bài thơ Yên Đức viết cho chị Dực để kỷ niệm mối tình đầu của họ chứ không phải viết cho cô người yêu nào đấy như ai đoán!
Sau đó ít lâu, tôi lại được nghe Anh đọc bài “Em yêu anh”để khẳng định mối tình chung thuỷ của chị:
Một lần nữa thôi, nhắc lại đi em
Cho anh nghe nóng bỏng nhịp đời truyền
Lời xưa cũ nói bằng hơi thở
Lời bình thường xa lạ hoá thương quen
Một lần nữa thôi, nhắc lại đi em
Cho thấu cảm những gì chân thật
Sắc xanh trời và sắc cỏ xanh
Tiếng hương bay, tiếng mầm non mở mắt
Một lần nữa thôi, nhắc lại đi em
Cho anh tự tin hơn phần tốt đẹp mình
Tin hơn cuộc đời, tin hơn bè bạn
Khi thốt tự trái tim nhắc lại mấy cũng không nhàm
Một lần nữa thôi, nhắc lại đi em
Mai trước biển mênh mông, cheo leo vực thẳm
Anh biết mình không cô độc
Đã cất thành lời chẳng ngăn được dưới trăng xanh
Một ngày kia, cái máu si tình trong con người Yên Đức bỗng nổi gam đỏ cũng rứa mặt cánh mày râu khác chứ chẳng vừa. Chị Dực biết chồng “máu mê,” nhưng chị vẫn nhận được trái tim Anh hoàn toàn thuộc về mình nên những đêm chồng đi công tác xa, không chút trạnh lòng. Chỉ có người vợ yêu chồng tha thiết mới thanh tao đến thế... Tôi đã nhặt được hai câu thơ Yên Đức bày tỏ lòng mình với vợ sau cơn đại “khủng hoảng tinh thần”:
Và tôi mãi mãi yêu em với tình yêu thứ nhất
Với tình yêu phố mỏ đang tự dỡ tung ra sếp đặt lại đời mình
(Trích Gửi từ phố mỏ-1988)
Và, sau nữa là những câu thơ tài hoa, Anh tụng ca người bạn đời đầy lòng nhân ái và vị tha của mình qua bài “Hoa mùa thu”:
Hoa mùa thu đằm dịu và trầm
Như sắc đẹp em ngày bắt đầu làm vợ
Trên vòm lá nắng thu không choí loá
Mà hanh vàng bâng khuâng.
Tôi biết rõ Anh chân thành chứ tuyệt nhiên không “nịnh” để rồi phản bội lại tình yêu của chị như ai đó “thọc gậy bánh xe” nhằm hại cái tổ ấm của đôi uyên ương. Hoạ chăng đã đôi lần, Anh về muộn, mâm cơm đã nguội tanh, nguội ngắt, chị đến cơ quan tìm chồng, nhưng khi bắt gặp khuôn mặt nghệt ra của chồng trước bàn giấy, người vợ quay đi tự dưng nước mắt cứ trào ra... Kể với tôi chuyện này, giọng Yên Đức chùng xuống trông như một gã tội đồ trước lòng nhân ái thanh tao. Ngã đâu ta dậy đấy, đó là bản ngã Yên Đức để đối mặt với lầm lỗi chứ không chạy trốn...Tôi quý cái chất Xứ Thanh này của Yên Đức bởi chúng tôi thân nhau tự bữa cơm gia đình tại làng Chí Linh ngày xưa ấy.
 Cuối năm 1998, Yên Đức đọc cho tôi nghe nguyên văn bài thơ “Buổi chiều mong ước”sau khi đã sửa lần thứ năm:
Má em hồng bên ngọn lửa bếp ga
Khúc nhạc lan trong mùi xào nấu
 Anh đọc báo
 Con gái Thuỳ Chi xách nước lau nhà
Bàn ăn mâm đã dọn ra
Đèn bật sáng ngoài hiên và phòng khách
Mùa hạ thổi gió xanh cánh quạt
Mùa đông đầy phích điện nước sôi
Một buổi chiều như mọi buổi chiều thôi
Một buổi chiều thân thuộc một niềm vui
Chẳng có gì to tát/ Như thể là vụn vặt
Em gắp cho con, ta gắp cho mình
Đũa chạm nhau ấm áp mắt nhìn
Xa mọi buồn lo mệt nhọc
Những bàn phím, màn hình và mùi cơm hộp
Một buổi chiều bình dị như em
Quen đến nỗi ta quên
Mà anh cứ thầm mong ước
Sẽ là những buổi chiều thế kỷ đang sang.
Một tổ ấm như thế, một người vợ như thế, một cô con gái như thế và cái thằng tôi dẫn thân vào nhà anh vào lúc đèn ngoài hiên vừa bật sáng...thì còn gì hạnh phúc hơn? Yên Đức có thể hy sinh tất thảy cho cái buổi chiều huyền diệu ấy, không thể khác!
Một lần nữa, tôi và Yên Đức tham gia trại viết Xứ Thanh. Hai thằng lại chung phòng. Lại một đêm thức trắng đêm, tôi nghe Anh kể:Tao đang ôm eo  thằng bạn trên mảnh đất cha ông tạo dựng đây, Chieu này, tao họ Trịnh thứ thiệt dòng Trịnh Kiểm. Phải rồi, tôi nhớ ra rồi. Thuở sinh thời, ông Trịnh Kiểu, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam , chi nhánh Quảng Ninh bậc cha bác ruột thịt với Trịnh Đức Dực, trong một bữa cơm thân mật gia đình tại làng Chí Linh có mặt Yên Đức, ông đã nói: Quê tớ ở Xứ Thanh. Tổ nghiệp tớ bị nhà Nguyễn truy bức mới trôi dạt về đây, tímh đến đời thằng Dực là đã bảy tám đời toạ lạc trên mảnh đất Yên Đức rồi.
Lúc này đây, ngồi vào bàn viết bài viết này, tôi mới có thể nói điều bí mật về Anh: Chuyển công tác về Hội Nhà văn Việt Nam để có điều kiện thuận lợi hơn cho sáng tác, bởi theo Anh từng tâm sự với tôi, lâu nay mình mải mê với công việc nên phần sáng tác xem ra không vượng được như trước, tuy đã muộn màng nhưng còn nước còn tát, con cá to chắc là khó bắt nhưng chả lẽ không bắt  được cái còng cái cáy... không chỉ có vậy, mà còn điều kiện thuận lợi để chữa trị căn bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư chứ không như dư luận cho rằng vì “tham quyền,”sắp cận tuổi hưu rồi,Yên Đức đánh bài “chuồn”về Hà Nội để khỏi phải cầm cái sổ hưu tại Ngân hàng Quảng Ninh. Điều này Yên Đức đã tâm sự với tôi không dưới ba lần, lần cuối cùng tại nhà Anh vào một buổi chiều tà, gió hiu hắt buồn. Yên Đưc bảo tôi, cô ấy(vợ Anh) vẫn tiếp tục làm việc đến khi về hưu, hiên tại tạm thời vất vả, ngày nghỉ cuối tuần về Hà Nội sum vầy gia đình, cũng khổ lắm, nhưng cái số mình nó bắt phải vậy. Nghe chồng tâm tình với bạn, chị nhìn tôi cười, bảo em chỉ thương anh ấy bệnh tật mà không được chăm sóc chu đáo...
Tôi biết Yên Đức lâm bệnh trọng tự hồi đi trại sáng tác Sa-Pa năm 1997.Trong cái đêm tiết trời se lạnh, hai chúng tôi bừng thức ngồi bên cửa sổ nhìn lên đỉnh Phan-xi-Păng, Yên Đức đọc cho tôi nghe bài thơ “Uống rượu dưới Chân núi Phan-xi-păng” đề tặng Trần Nhuận Minh. Bài thơ gồm bốn khổ, tôi xin trích khổ thơ mà nhà thơ tâm đắc bảo, cuộc du hý này biết đâu đây là cuộc du hý tao với mày dốc cạn đây:
Ta chẳng thể là Phan-xi păng chất ngất
Chẳng thể cháy hoang sơ như rượu San Lùng
Ta chỉ là ta thịt da bình dị
Dốc cạn đời mìmh trong vực thẳm yêu thương
(Trích-Uống rượu dưới chân núi Phan-xi-păng).
Cận sáng, Yên Đức đánh thức tôi dậy bảo, Chiểu này, mày có biết Tự không? Sao lại không, biết quá nữa là đằng khác. Tôi nói.Trời, tôi thốt lên, vỗ đùi Yên Đức bảo làm một choác San Lùng đi cho đã. Người đàn bà mà Yên Đức xướng danh ấy đẹp mỹ mãn.Tôi biết Tự khi nàng còn là một doanh nhân nổi tiếng, nhưng không hoan lộ và đường duyên ái cũng bấp bênh như chính cuộc đời nàng. Chuyện vui dai dai đấy thôi, rồi nó cũng chóng qua đi như cơn gió thoảng vậy.
Năm 1999, Yên Đức đưa cho tôi đọc trước bản thảo tập thơ “Thơ tặng và Ngày mới”và bảo đưa cho hoạ sỹ Lê Vân Hải, nhờ ông vẽ cho cái bìa. Yên Đức chủ ý vậy là vì Anh quý hoạ sỹ và muốn có chút kỷ niệm người Quảng Ninh ta với nhau. Tôi mừng tập thơ đầy thi vị nhất là mảng tình yêu và thực hiện một cách cẩn trọng lời Anh cậy tới Lê Vân Hải. Hoạ sỹ đã làm đẹp lòng bạn. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm bảo trợ khâu in ấn, chắc là giấy tốt, giá mềm.Tập thơ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành khá bắt mắt.
Năm 2001, dù đã chữa trị ở nhiều nơi và bằng nhiều phương thuốc quý nhưng nghiệm thấy bệnh tình không thuyên giảm, Yên Đức thán:
Mảnh vườn quê, bóng mẹ khuất rồi
Đất tiên tổ bây giờ người khác ở
Ta đón bao tự hào quá cỡ
Để chỉ dịu dàng em bé bỏng nhỏ nhoi
Em là chấm xanh tít tắp cuối trời
Ta nhắm tới khát khao hy vọng
Bạn và thù đổi thay chốc lát
Ta lấy lòng mình gạn chắt niềm vui
(Trích-Viết đầu năm 2001)
Tôi về thăm Yên Đức. Hôm ấy có đông bè bạn xa gần, Anh thủ thỉ bảo mình ăn kém, bập món gì lạ bụng là đi phân sống liền. Người Anh xanh hơn, yếu hơn nhưng vẫn làm việc tốt. Tôi hỏi còn cách nào chữa trị tốt hơn không? Ra nước ngoài thì không có tiền, mà trong nước thì xem ra nan giải lắm Chiểu ơi.
Tháng 8-2001, Yên Đức viết bài thơ “Bắt đầu:”
Nắng chếch sang chiều muộn chân ngày mờ vệt sương
gối đã mỏi lòng đã buồn
Em ơi ta lại bắt đầu gây dựng
một ngôi nhà che mưa nắng
 một con đường nhiều thử thách
một tình yêu
và anh phải tái sinh mỗi tế bào
Có thể ngay ngaỳ mai, có thể tháng sau
là những ngày của anh cuối chót
như quy luật cuộc đời này rồi ta giã biệt
bao năm vẫn hăm hở bắt đầu
đó chính là sự sống
trong trái tim ta mãnh liệt
trong sắc cỏ tươi dưới mưa nắng bão bùng
trên phun thạch xưa mọc dậy những cánh rừng
phi lao reo rợp xanh cồn cất trắng
như lòng tin người không bao giờ nản
ngay cả với ánh mắt dửng dưng, dửng dưng đồn đoán ngày anh chết
Em ơi nào ta bắt đầu
bắt đầu từ tình yêu em, từ mỗi tế bào
từ hơi ấm mồ hôi bàn tay bạn
từ ngọn lửa tâm hồn ta mong manh gió tạt
sự sống nghìn năm luôn là những bắt đầu.
Như nhà thơ đã thốt lên với người vợ rất đỗi yêu thương: Em ơi , nào ta hãy bắt đầu.Sự bắt đầu này khó khăn lắm Anh mới rời khỏi cái thị xã mà suốt 35 năm gắn bó máu thịt để mưu cầu sự sống.
Nhưng con người ta, không ai vượt ra khỏi quỹ đạo tử sinh. Biết rõ điều đó Yên Đức bình thản và hăm hở bắt đầu với công việc của một Phó Ban Dự án xây dựng Bảo tàng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Mới đây thôi, nhà văn Trần Nhương, nguyên Trưởng Ban Dự án xây dựng Bảo tàng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Yên Đức về cộng tác với ông, hai nhà thơ đã nhanh chóng hoà hợp. Trần Nhương lo cho Yên Đức nhiều thứ khi Anh mới chân ướt chân ráo về Hội Nhà văn Việt Nam chỉ có “bán vợ con xa mua bạn thơ gần” Trần Nhương là người nhạy cảm, ông sớm phát hiện ra bệnh trọng đang quật đổ Anh từng giờ, nên bằng mọi cách động viên, an ủi bạn điều đó đã làm khuây nỗi buồn nao nao trong trái tim Yên Đức. Tôi cũng mới chỉ lên thăm Anh một lần trong khoảng thời gian hữu hạn với mấy lời sẻ chia nỗi gian truân Anh đang gánh chịu. Yên Đức đưa cho tôi bài thơ tưởng nhớ nhà thơ Bế Kiến Quốc:
Thêm một nhà thơ giã biệt thế gian này
từ xưa đến nay
cuộc đời nhà thơ thường ngắn ngủi
 và đến chết vẫn như còn khờ dại
vẫn còn như thơ ngây
bao nỗi đắng cay
không dưng mà chuốc lấy
rầu rĩ phận mình đã vậy
trời còn bắt buồn đau vật vã trước lòng người
thương cánh sen thơm ao tù ô nhiễm
móc cống, ngồi cầu  bạn bầu cửu vạn
cơm nắm khi cơ nhỡ đói việc làm
trăng khuyết lại tròn, lại khuyết
nước mắt chắp sao lành
dập làm sao giặc lửa đốt rừng
Thơ chẳng thể ru con ta nguôi cơn nghiện
chẳng sinh lời hạch toán
Thơ ta làm ta lại ngâm nga
tự chúc ta ly rượu đắng
tỉnh rượu ôm mặt khóc cơn mơ...
Phải thế chăng nên đời ngắn
 hỡi nhà thơ
( Nhà thơ 2002).
Có lẽ đó là bài thơ Yên Đức tự khóc mình trước vong linh bạn, nhà thơ Bế Kiến Quốc.
It lâu sau, Yên Đức tại bệnh trầm trọng hơn, nhưng được các thầy thuốc cứu chữa kịp thời(nếu ở Quảng Ninh chắc là Anh không qua cơn bệnh hiểm). Ra viện được mấy tháng, Yên Đức công bố bài thơ dưới tiêu đề “Bài không đề tặng bạn:”
Bạn nắm tay chúc mừng ra viện
lòng ta chợt cũng rưng rưng
sáu mươi tuổi lại khoe tóc mình đang mọc
dù nhiều thêm sợi bạc
râu cũng nên chậm hơn
bị chột thui vì hoá chất ở trong người chứ không phải mật mỡ mưa móc. Dẫu kiêng khem ta cũng phải uống một ly
sẻ chia an ủi
mừng anh lại thăng chức mới
mừng tôi- cái chết tạm lui
Đời lúc đầy lúc vơi
người lúc sáng lúc tối
thôi ta hãy chỉ là ta
cứ xanh che tán cọ xoè
cứ lặng lẽ hòn than chứa trong lòng ngọn lửa
cái gì có cứ có
cái gì không có có cũng thành không
chẳng thể khi là thằng khi lại là ông
thôi ta hãy chỉ là ta giữa bao la vũ trụ...
(2002)
Trong khi nằm trên giường bệnh, bên cạnh Anh chỉ một chỉ một người đàn bà.Anh sờ nắn bàn tay em gầy guộc và thốt lên:
Tay em chăm ngọt ngào bao hạnh phúc 
 
Và, tôi chợt nhận ra khoảng cách của lời...
(
Trích-Khoảng cách 2001)
Những ngày cái chết cần kề,nhà thơ càng nao nao nho mẹ. Anh viết “Khúc ru nhớ mẹ:”
Dù bao lâu dù bao xa
thơ tôi cũng trở về ngõ thợ mưa lầy nắng bụi lời mẹ ru
đố ai đốt cháy ao bèo
để ta gánh đất, gánh đá Đông Triều về ngâm
Tháng ngâu dầm ướt muì than
giọng hát buồn như đá
tôi là hòn đá đen ủ niềm tin của mẹ
mẹ là mẩu than đã cháy rạc mòn
mong đời tôi lo lành
 sống vươn mình như ngọn lửa
Tôi chưa kịp lớn khôn đủ an ủi
mẹ đã ra đi...
( Trích-Khúc ru nhớ mẹ 2002)
Phải nói nhà thơ Yên Đức có nghị lực. Anh biết mình không qua được luỡi hái tử thần, nhưng vẫn bình thản và chuẩn bị một cách thật chu đáo cho mình ra đi... Không phải để đến cận ngày về cõi cực lạc hồi 14 giờ, ngày 25, tháng 9 năm 2003 mà ngay từ tháng 7 năm 2001, Yên Đức đã viết bài thơ“Ra đi”
Thôi buông ra/níu thêm giây lát
rồi anh cũng phải ra đi
hai ta cũng phải xa
nơi anh gặp em duyên mệnh
ba mươi chín năm ngọt ngào mặt xót
hạnh phúc và ngộ nhận
thị xã nhỏ bé hoang sơ
dưới màu mây đục ngầu khói nhà máy điện
ta hiến dâng quãng đời tươi thắm nhất
Đã có một chiều tháng Tư
sóng khơi ào ạt gặp bờ
ta run trong vòng tay trống trải
chợt mùa hè tới
gió nồng thơm hoa trứng gà
câu thơ lấm than bụi
 anh viết dưới ngọn đèn lò
con chúng ta ra đời trong căn phòng tập thể vách nứa mái tre
vui lo hồi hộp
che gió bấc mưa táp
thuở gia đình nhỏ nhoi tựa mầm cây
trước cơn bão giông hiểm hoạ cuộc đời
con khóc đêm mất sữa
Nơi anh đứng lên và vấp ngã
nông nổi cơn mơ
hư vô danh vọng
bỏ quên bên chiều vắng trăng thu
mất những người ruột thịt
những người bạn tốt nhất...
Thế mà tất cả đã trôi qua
Tất cả đã chấm dứt/ đã trở thành hoài niệm
và, anh phải ra đi
(Ra đi 2001).
Đó là lời cáo biệt của Anh đối với những người thân thương trước lúc lâm chung.
Yên Đức đã ra đi, nhưng Anh còn lại một tình yêu đích thực và những câu thơ yêu cháy bỏng, đó cũng đủ đóng góp xuất sắc với nền thơ ca Việt Nam. Và, Anh vẫn sống mãi với bạn đọc và bạn bầu yêu quý nhà thơ. Tôi viết bài viết này để một lần nữa được kính cẩn nghiêng mình trước vong linh Anh, một người bạn thành tâm, tin cậy!