Trang chủ » Truyện

Không gian đa chiều

Đình Kính
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Tôi sinh ra ở giai đoạn nhọc nhằn, thời mà mỗi khi nhớ lại, tưởng như bịa đặt, không thể tin. Thời của bao cấp. Thời, như một nhà văn đã viết, mọi thứ đều định giá bằng tem phiếu. Khẩu phần tinh thần, khẩu phần vật chất đều tiêu chuẩn hoá và phân phối... Con người giai đoạn đó được hiển thị bằng rổ rá, nón mê, gạch vỡ, thậm chí cả dép nhựa vẹt gót, đứt quai... Xếp hàng lặp đi lặp lại ở bất cứ đâu, dần dà trở thành thói quen cắm sâu trong tiềm thức, trở thành một văn hoá. Hễ thấy chỗ nào đông người là vội vội huých cánh lách người chen vào. Không cần biết cái gian nhà bán hàng thường che chắn rất bí hiểm bằng cót, chỉ hở một lỗ nhỏ nhỉnh hơn bàn tay bán gì, cứ là nhanh chóng xí một chỗ đã. Nhiều lúc đến lượt, thò được cổ vào cái nơi chỉ nhỉnh hơn bàn tay ấy mới té ngửa, người ta bán cám thối cho lợn. Chưa kịp quay ra đã có kẻ rướn lên cầu cạnh: “cho tôi xin lốt nhé”. Vậy là rồng rắn người chuyển động, lao nhao, la hét, lườm ngúyt... Bởi vậy thời ấy đã đẻ ra một nghề mà ai sinh sau này rất khó hình dung. Những người hành nghề này thường dậy rất sớm, họ la cà tới các cửa hàng, đánh hơi, rồi lấy gạch vỡ, thậm chí một hòn sỏi, một mảnh giẻ rách nhặt được đâu đó, xếp hàng lấy lốt, để sau đấy bán lại cho những ai không nhiều thời gian. Đã chẳng ít cãi lộn ẩu đả. Gạch vỡ, sỏi đá và nón mê đảm nhiệm vai trò đại diện cho con người nhưng khốn nỗi lại không biết nói, và cũng hao hao như nhau, nên nhầm lẫn là dễ hiểu... Con ngươi trở nên cam chịu, bé nhỏ, bần tiện.

 Nhưng nhờ văn hoá xếp hàng mà tôi có mặt trên cõi này. Chuyện đó, mãi gần đây, hơn 35 năm sau, trước giờ lâm chung, người mẹ tội nghiệp và khốn khổ của tôi hiểu rằng không còn gì để sợ hãi, sẽ chẳng còn thời cơ, và cũng là nhằm giải toả, tựa một lời xưng tội trước khi về thế giới bên kia, đã vẫy tôi lại, khó khăn, đứt nối thều thả kể ra mọi sự... Tôi lặng đờ, choáng váng. Đáng khóc và cũng thật đáng cười. Trời ơi, cuộc đời sao nhiễu sự, lắm đa đoan, nhiêu khê và rối rắm như thể trò đùa đến vậy! Té ra cô gái có tên Thìn khá điệu đàng này lại là con một ông lớn, cái kẻ không ít người xum xoe cầu cạnh, con người tuần tuần vẫn chiềng mặt lên ti vi nở nụ cười xã giao, dạy lẽ phải, và vẫn mang bộ mặt nghiêm nghị, lúc nào cũng tỏ ra quan trọng thường ngồi trên đoàn chủ tịch trong những cuộc họp lãnh đạo thành phố. Một người đạo mạo và khả kính...
Không rõ sao nghe hết chuyện, vô thức, tôi liếc nhanh về phía bố tôi, lúc ấy đang mệt mỏi, buồn rũ ngồi một góc vì quá lo lắng cho bệnh tình người vợ, rồi quay qua mẹ, hỏi nhỏ, giọng tỉnh queo: “Cái người mẹ bảo là bố đẻ của con, biết chuyện này không?”. Mẹ tôi im lặng. Từ đuôi mắt khô khốc trũng sâu trên khuôn mặt bợt bạt và không còn sinh khí của bà, hai giọt nước rịn ra. Bà run run quờ tay tìm khuôn mặt tôi, một lát, nhè nhẹ lắc đầu. Mấy tiếng sau, mẹ tôi tắt thở...
Tôi lặng đau, bải hoải buồn tủi cùng bố tôi tổ chức đưa mẹ ra nghĩa trang trong sự nuối tiếc, thương xót và đắng chát.
Người đàn ông mấy chục năm sau mẹ bảo là cha đẻ tôi hồi đó trên ba mươi. Ông to khoẻ. Mới một con, nhưng bà vợ hậu sản, đau yếu luôn luôn không có khả năng làm phận cái để ông cưỡi hằng đêm, khiến ông lúc nào cũng bí bức, háo đói phát cuồng phát rồ. Hễ thấy nơi đâu đông đàn bà con gái là mắt sáng lên, rồi tìm cách sà tới, lách vào, xô chen xếp hàng. Ông ít có nhu cầu mua đồ, cũng không có ý định tăng thu nhập bằng cách bán lại lốt. Người đàn ông có mục đích khác. Ông giải toả sự thèm muốn quá ngưỡng của mình bằng cách lợi dụng sự úp thìa dán dính vào nhau khi xếp hàng để cọ cái vật thể cương cứng nóng rực nơi ngã ba giữa bụng dưới và hai chân của mình vào những cái mông thây nẩy của đám đàn bà con gái... Có người mải xô đẩy không để ý. Nhưng cũng khối kẻ biết, thoáng chút bối rối, đỏ mặt, nhưng làm bộ vô tình, không phản đối, thậm chí còn thích thú biểu hiện cử chỉ đồng loã... Suy cho cùng có mất gì mòn gì, mà vẫn giữ được thể diện. Nào ai hay, chỉ cái vật ấy của người đàn ông và cái mông của họ cảm nhận được mà thôi... Sự thông đồng ngỡ vớ vẩn bệnh hoạn đó của dương vật đàn ông và mông đàn bà cũng là món hay hay, một thứ thuốc phiện khiến không ít nạ dòng, kể cả gái tơ nghiện. Thiếu, lại thèm thèm, bứt rứt bồn chồn. Chưa đứng yên chỗ, đôi mắt trên gương mặt cố tỏ ra dửng dưng, cao đạo, bất cần đã liếc ngang, hau háu ngóng người đàn ông ấy tới để được cọ xát mà khoái trá hưởng cảm giác lạ... Mẹ tôi là một trong những mụ đàn bà như thế. Ban đầu biết cái vật thể ấy như chiếc dùi đang cố tình chọc vào phần nhậy cảm, bà giật mình, hai má nóng ran, rồi hốt hoảng, lo sợ và bất bình quay ngoắt ra phía sau. Nhưng khi bắt gặp đôi mắt tình tứ cụp xuống như thể có lỗi, lại như thể cầu xin van nài và khao khát, không rõ sao bà dịu xuống. ý định quát tháo, mắng mỏ biến mất. Bà biểu hiện thái độ phản ứng tế nhị hơn: cố nhích cơ thể lên phía trước. Song người đàn ông nhiều kinh nghiệm và tinh quái đã không mấy khó khăn đọc được tình cảm bối rối yếu đuối và thiếu quyết đoán ở người đàn bà, nên mạnh bạo dấn tới. Cái vật nóng ấm thô bạo lên tiếng rõ hơn. Mẹ tôi chóng mặt, bải hoải. Như thể bị thôi miên, bị ma lực gì đó ám, khuôn mặt tái nhợt, hai mắt đờ đẫn, bà cố nén tiếng thở dài và rồi đứng yên, dửng dưng như không có việc gì xảy ra. Thậm chí còn giả vờ chao chát cãi cọ với người đang cố tình chen ngang bên cạnh...
Ma quỷ xui khiến, mẹ tôi năng đi xếp hàng mua đồ hơn...
Hoàn cảnh mẹ cũng tựa tựa như người đàn ông nọ. Bố ốm luôn. Nghề giáo viên càng khiến bệnh hen suyễn của ông thêm nặng. Nên mẹ tôi, nói cho công bằng, cũng là người thiếu thốn. Do vậy sau đó không cưỡng được, đã thậm thụt với người đàn ông ấy, dẫu chỉ một lần duy nhất, cũng là điều dễ hiểu, ở nghĩa nào đấy coi ra phải lẽ, thông cảm được...
 Hôm đó đang kỳ trăng, nhưng mây đầu hạ mỏng mảnh giống những giải lụa xoè ra che chắn, khiến ánh sáng chìm khuất. Dưới gầm chiếc cầu bị bom Mỹ đánh sập mấy năm trước, lổn nhổn xi măng và gạch vỡ, mẹ tôi hấp hả và luống cuống cố gỡ đôi tay cứng như thép đang riết chặt cơ thể mình. Nhưng bà cưỡng không lại. Môi người đàn ông đã dính vào môi bà. Bà yếu ớt ẩy khuôn mặt nóng phừng như viên gạch vừa lấy ở lò ra, thở gấp:
- Chỉ thế thôi nhé!
 Người đàn ông không đáp, nhanh chóng và thuần thục thọc tay qua cạp quần người đàn bà. Mẹ tôi giật nảy, co rúm. Nước ứ ra nơi đám cỏ rậm rạp phản bội bà. Người đàn ông sành sỏi nhận ngay ra yếu điểm ấy. Ông giật mạnh chiếc quần lụa, rồi cúi xuống cuống quýt úp khuôn mặt tựa khuôn mặt kẻ uống nhiều rượu vào chỗ lặm nhặm cuối bụng dưới người đàn bà. Có cái gì đó giật giột lan toả khắp cơ thể, mẹ tôi sợ hãi thoảng thột bật lên:
- Đừng!
 Song đôi chân đã rủn rảo quỵ xuống, toàn thân mềm nhũn, rồi châng lâng trong trạng thái vô thức, bà buông xuôi, cuồng nhiệt và hối hả hưởng ứng sự liều lĩnh, bạo liệt của người đàn ông trong niềm thăng hoa bản năng đực cái...
 Dòng sông có chiếc cầu bắc qua hôm ấy thưỡn thẹo ườn ra giả bộ ngây thơ tựa mụ già hay rình mò, thóc mách chuyện người đời vờ vịt liu riu ngủ, dửng dưng mặc gió mơn man lướt lên vuốt ve. Đêm tĩnh lặng. Thoảng trong không gian có vị tanh tanh của bùn non...
Sau phút yếu đuối để cho sự kìm nén lâu nay bung mở tới tận cùng, ý thức được mọi sự, mẹ tôi luýnh quýnh mặc lại quần, vuốt tóc, hơ hải vọt khỏi gầm cầu. Đường phố ngái ngủ, thấp thỏm, nhập nhẹm dưới ánh sáng những ngọn đèn thiếu điện. Thinh thoảng lắm mới có chiếc xe đạp cọt kẹt đạp qua. Rỗng rễnh, mẹ tôi bước gấp như ma đuổi. Bà thốc vào nhà, nặng nề đổ xuống giường.
- Mình ơi, mình làm sao vậy?- Bố tôi vẫn ngồi bên bàn đọc sách chờ vợ, lo lắng bước tới, ngạc nhiên hỏi.
- Tôi... hận mình!
Mẹ vùng dậy, giật chiếc khăn mặt, vọt vào nhà tắm.
Bố tôi châng hẩng, ngớ ra. Tiếng dội nước ào ào như có cái gì đó bất bình, gột tẩy vọng ra khoan vào nỗi thấp thỏm khó hiểu của ông...
Đêm ấy mẹ ôm bố rất chặt. Một tay duỗi ra để chồng gối đầu, một tay sờ nhẹ khuôn mặt ông. Rồi thủ thỉ:
- Mình à, vợ chồng ta sơ tán về quê sống nhé.
- Về quê? – Bố xoay lại, ngạc nhiên- Còn công việc của tôi, của mình?... Với nữa chiến tranh gần kết thúc rồi.
- Em xin nghỉ tự do, mình cũng như vậy. Về dưới đó không khí trong lành, hợp cho sức khoẻ của mình...
- Thôi dạy học, thôi đi làm, không lương, vất vả lắm.
- Vất vả mấy em cũng chịu được. Em sẽ làm vài ba sào ruộng nuôi mình... Mình khỏi lo.
 Mục đích của mẹ là trốn thật xa thành phố xếp hàng này để quên mọi chuyện. Năm đó bà xấp xỉ tuổi tôi bây giờ. Bà lắng nén, một mình mình hay, một mình cam chịu xoay trở để nuôi chồng, và để tôi ra đời bình an...
... Sau khi mẹ qua đời, không chỉ hẫng hụt, thương xót mà tôi còn cảm thấy mình châng lâng như kẻ đi trên sợi dây mảnh. Con người đạo mạo, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên ti vi, cười cười nói nói, hạ cố bắt tay người này, người khác ấy dù hết sức xa lạ cứ ám ảnh, bắt tôi phải nghĩ, phải để tâm. Giá chi mẹ đừng cho tôi hay nguồn gốc mình thì đỡ. Và chẳng rõ sao từ đó tôi lại khoái tìm hiểu ông ta. Tôi không thể giải thích được rành rẽ, có thể nhằm thoả mãn chút tò mò, vốn là thuộc tính của phụ nữ chăng?... Kẻ này lạ lắm. Những năm chiến tranh, khi những người cùng lứa lần lượt ra trận thì ông ta chỉ loắng quắng trong vai trò một thanh niên xung phong làm nhiệm vụ sửa đường sửa cầu khi có bom đạn ném xuống, rồi sau đấy chẳng rõ bằng cách nào được điều về thành phố, phụ trách một bộ phận gì đấy để chủ nhật nhăm nhăm chen lấn xếp hàng cùng đám đàn bà con gái...  Trừ tôi, liệu ông còn đứa con nào nữa ngoài giá thú? ... Ông leo lên con đường quan chức rất nhanh, sau hoà bình, xoẹt một cái, làm người đứng đầu sở quan trọng nhất thành phố. Từ đó thăng tiến vun vút...
Khi tôi, nhờ thời gian đắp rịt, nguôi ngoai và quen dần với hoàn cảnh thì hay tin ông ấy được điều lên Trung ương, và ít lâu sau đột ngột  qua đời.
Tin ông ra đi khiến nhiều người ngạc nhiên. Còn ba năm nữa vị cán bộ đáng kính này mới chạm tuổi bảy mươi; ông khoẻ mạnh, mỗi lần nói trước đám đông giọng vẫn vang vang. Và nghỉ công tác chưa đầy nửa năm. Càng sửng sốt hơn khi hay rằng nguyên nhân khiến vị lãnh đạo cấp cao lìa bỏ cõi đời mà ông đã có nhiều cống hiến là... chiếc máy điều hoà không khí.
 Khổ! Cái sự, việc lớn việc nhỏ đều do cấp dưới và trợ lý làm thay đã đẩy ông vào bi, hài kịch này khi về với đời thường
Thời còn công tác, mỗi lần chuông điện thoại đổ, người trợ lý lon ton chạy tới nhấc máy, rồi: “Thưa anh, có anh Y. bên tổ chức Trung ương gọi!”. Và khi muốn trao đổi công việc, ông nhát gừng: “Gọi để tôi nói chuyện với anh Q. nhé!”. Người trợ lý bấm số và lúc biết chắc rằng đầu dây kia đã có người nhấc máy, mới cung kính hai tay trao ống nghe. Bàn việc xong, ông bỏ ống nghe xuống, nhưng bị lệch sang một bên. Biết thủ trương chưa thạo sử dụng, từ đó, chực ông nói xong, người trợ lý lại hấp hả bước tới, sốt sắng đỡ lấy, đặt vào cho đúng vị trí...
 Chiếc điện thoại di động loại xịn cơ quan sắm, mỗi lần có chuông, ông hoay loay bấm loạn xị, không biết làm thế nào để nghe, tay trợ lý ngồi cạnh khuôn mặt đờ dại như người có lỗi giúp ông kết nối cuộc đàm thoại. Ông cáu: “Thôi, cậu cầm lấy, ai gọi thì đưa cho mình. Lằng nhằng quá!”. Số điện thoại của cấp trên cấp dưới không biết đã đành, số điện thoại của mình, ông cũng không thuộc. Tất tật đã có người lo. Muốn gọi ai, xướng tên lên là xong.
  Xuống địa phương H. khánh thành khu công nghiệp, ngồi trên xe ông yên tâm lim dim mắt thư giãn, bài phát biểu sáng nay đã có bộ phận soạn sẵn, lát nữa sẽ có người đưa tới tận bục để đọc... Trưa nghỉ lại, đã có người bật sẵn máy lạnh, và không sợ ngủ quên, đến giờ khắc được mời dậy... Việc đi đứng, họp hành ăn ngủ của ông đã được lên lịch hàng tuần trước đó. Ông như một cái máy, giờ nào có người sắp xếp để vào việc ấy... Thói quen biểu thị quyền lực và được hưởng quyền lợi từ quyền lực bằng cách có người khác lo và làm cho mình mọi sự cũng giống như hút thuốc phiện, nghiện rồi rất khó bỏ. Không được vậy sẽ trở nên khó chịu. Đến cái vé máy bay cũng chưa bao giờ nhìn thấy cụ thể để biết hình thù nó thế nào, và đương nhiên càng không rành giá là bao nhiêu...
 Một lần ông khiến người trợ lý toát mồ hôi. Trưa, đang ngủ trong căn phòng thơm nức của khách sạn 5 sao do công ty du lịch nọ hân hạnh được mời mà người trợ lý chỉ là kẻ ăn theo, thì nghe tiếng đập cửa rầm rầm. Nhận ra cách gọi của sếp, người trợ lý liền bật dậy. “Tới điều chỉnh ti vi sang kênh VTV.1, khẩn trương! Bấm mãi không được”. Biết giờ này, trên kênh đó đang phát lại bài phát biểu hôm qua của của sếp, tay trợ lý vội vàng nhao sang phòng... Nhưng khi điều chỉnh xong, trên ti vi chỉ còn lại chút hình ảnh cuối cùng: ông rời bục, đi xuống. “Hiện đại với chẳng hiện đại, chỉ rắc rối.”- Không mấy vui, ông buông một câu.
   Lần đi thăm đồng lúa tỉnh V, mặc dù đã có người cầm ô che, nhưng nắng tháng năm vẫn khiến ông đổ mồ hôi, ông liền đưa ngón tay trỏ ra ngoắc ngoắc. Người trợ lý vội chạy lên: “Dạ, anh cần gì ạ?”.  “Khăn!”. Người trợ lý lúng túng móc vội chiếc mù soa, rúm ró đưa. Ông nhăn nhó, tỏ ý không hài lòng. Từ đó trong danh mục chuẩn bị mỗi lần công cán của thủ trưởng có thêm một gạch đầu dòng: “ Khăn các loại, 5 chiếc”.
    Hồi mới về nghỉ, mỗi lần có việc ra phố, ông lạ lẫm, lớ ngớ, lóng ngóng hệt gà công nghiệp xổng chuồng, khi sang đường, mấy bận xuýt bị ô tô chẹt. Bạn bè đến thăm, ông lắc đầu phàn nàn: “Xã hội ta lộn xộn quá! Không quy củ gì cả”.
  Trận mưa cuối mùa gặp phải trên đường đi bộ theo lời khuyên của bác sĩ, khiến ông sốt ly bì. Gia đình vội đưa vào bệnh viện. Đương nhiên tiêu chuẩn là một mình một phòng. Buổi trưa, thấy ông lim dim, nghĩ rằng để chồng yên tĩnh, người vợ khóa cửa và ra ngoài đi dạo. Một tiếng sau, ông thấy lạnh. Cũng rõ là tại máy điều hoà không khí đặt nhiệt độ thấp quá, ông vớ cái điều khiển, run rảy bấm. Nhưng hình như càng bấm càng lạnh. Ông liền quờ chiếc điện thoại di động để cạnh. Nhưng không có cách gì liên lạc được. Hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập, ông cáu, ném cái điều khiển và cái đi động vào tường. Rồi lịm dần...
 Mấy tiếng sau, người bác sĩ khám cho ông ngẩng lên, khuôn mặt thất vọng: “Bị lạnh đột ngột, suy tim và suy hệ thống hô hấp... nặng”
 Hơn tuần sau, mẩu tin ông qua đời chạy loang trên các trang báo.
Tôi hết sức phân vân, cuối cùng cũng nhao lên Hà Nội. Nghĩa tử là nghĩa tận! Tôi đứng lặng trước ngôi mộ vòng hoa chất chồng cao như núi và cắm xuống bó nhang, vái ba vái. Dẫu thế nào, tôi vẫn là giọt máu của ông ấy...

*

Tôi chuyển vào phía Nam công tác, rồi mê mải lần theo dâu vết những con tàu không số, và lang thang cùng các đoàn làm phim, nên bẵng đi một thời gian khá dài không có điều kiện gặp Thìn.
Khi trở lại thành phố, hay tin cô gái đa đoan và ít may mắn này đã cùng thân sinh chuyển nhà ra ngoại thành, vội tuông đi tìm.
 Cũng như người mẹ trước đây, Thìn mặc cảm rằng mình có lỗi với bố, nên sau khi lên Hà Nội về, Thìn bàn với ông bán ngôi nhà đang ở để mua một mảnh đất ngoại thành, hai bố con sống với nhau. Thìn muốn chăm sóc bố nhiều hơn và muốn ông sống thật lâu, thật thanh thản... Chưa bao giờ cô thấy yêu thương, quý trọng bố mình đến  vậy... Với nữa cuộc sống phố xá ồn ã không hợp với ông giáo. Đã hưu, về cùng vườn tược, cây trái; về với thiên nhiên, với không khí thoáng đãng trong lành là hợp lẽ...
Sau nhiều năm gặp lại, tôi mừng thấy Thìn rắn rỏi, đẹp ra. Không kiêu sa hồn nhiên như trước, nhưng đằm, nền nã. Sâu sắc và nhiều nghĩ ngợi. Ông thân sinh thì yếu hơn. Mấy tháng nay lại trở bệnh. Hình như bệnh tình thuộc loại nan giải nên khi Thìn có ý đưa bố về nhà chăm sóc, những người làm ở bệnh viện không cản. Thậm chí trân trọng tình cảm của cô.
 Tôi ít gặp người con gái nào hiếu thảo đến vậy. Thìn không nề hà tiếc sức, không mệt mỏi trong chuyện gắng chữa chạy cho ông giáo. Nghe phong thanh nơi đâu có người có thể chữa khỏi bệnh bố là nhẫn nại dò hỏi, lần tìm, rồi nằn nèo mời bằng được về nhà. Chẳng một thứ thuốc nào được mách bảo, không mua... Song cố gắng đó chẳng mang lại mấy kết quả. Sức khoẻ ông giáo không khá hơn, thậm chí bắt đầu dấu hiệu muốn cướp đi sự sống. Tôi sợ rằng nếu không may ông giáo qua đời thì có lẽ đây là đòn tinh thần nặng nhất giáng xuống cuộc đời người con gái này. Thìn luôn sống trong nỗi bồn chồn, thấp thỏm và áy náy của người có lỗi. Những lúc ngắt cơn đau, ông giáo ngủ thiếp, Thìn lặng lẽ thả mình ngồi cạnh, đờ dại và thương xót nhìn bố như muốn thổ lộ, giải bày và cầu xin điều gì. Cô ngồi thật lâu, khuôn mặt tư lự... Những lúc thế, nom Thìn giống con chiên mộ đạo đang thầm xưng tội...
Là chỗ quen biết, khá rõ về ông giáo nên tôi rất thông cảm. Các buổi tối, sau giờ làm việc, tôi thường phóng xe ra ngôi nhà ấy thăm chừng. Cũng hiểu chẳng giúp được gì ngoài những lời an ủi, động viên chung chung nhưng sự có mặt của tôi khiến căn nhà đỡ tẻ. Mỗi lần nghe tiếng xe ngoài cổng, Thìn ngẩng lên, đôi mắt thiếu ngủ ánh chút vui mừng. Cô mời ngồi, sốt sắng thông báo tình hình sức khỏe ông giáo. Rằng hôm nay ông ngủ được khá nhiều. Rằng đỡ ho hơn. Rằng đã có thể ăn hết bát cháo... Và như muốn khẳng định điều mình nói, Thìn kéo tôi vào chỗ ông giáo nằm, nhè nhẹ vén màn, và quay sang có ý hỏi: Anh thấy bố tôi khá hơn không?. Nhìn thần sắc người bệnh, tôi không khỏi ái ngại, song lần nào cũng vậy, chẳng đủ can đảm đánh mất chút ảo tưởng trên gương mặt lo lắng người đứng cạnh. Tôi khẽ gật gật đầu và cùng Thìn ra phòng ngoài.
Vậy mà hôm đó tôi không gặp ở cô những biểu hiện như thể có ý thông báo sức khoẻ người bệnh. Thìn bình tĩnh hơn nhưng dễ dàng nhận ra sự ủ dột, khác lạ trên gương mặt.  Không vồ vập, song hình như cô có ý ngóng đợi tôi.
- Đã lo anh bận, không đến...
Bình thản ngồi xuống ghế, Thìn lẳng lặng pha nước. Khuôn mặt khô lạnh, điềm tĩnh...
- Tôi muốn hỏi anh một việc...
Thìn nói, không tỏ ra vội nhưng rõ là có chuẩn bị. Chút xã giáo ấy đủ hiểu điều Thìn sắp giãi bày chắc hệ trọng. Sự rào đón khiến tôi tò mò.
- Bố tôi ... bệnh đã nặng hơn... Mấy hôm này chỉ nhấp chút nước cam. Cũng không ngủ. Ông dặn dò đủ chuyện... - Thìn quay nhìn vào phòng trong, hạ giọng- Cụ vừa thiếp đuợc một lát.
- Hay là...
- Đưa đi viện?... Chẳng ai rõ bệnh bố hơn tôi. Hơi thở hắt ra đã nặng lắm... E chỉ ngày một ngày hai... Nhưng anh cứ bình tĩnh... Tôi muốn anh nghe nốt phần cuối chuyện của mình... Lâu nay tôi cũng nghĩ là bố khó qua. Song không dám nói ra. Dù thế, chẳng thể lừa mình mãi. Bệnh có thể chữa, mệnh trời thì khó cưỡng... Tôi vốn tin anh, nên chuyện gì cũng phô, kể cả những điều riêng tư nhất... Anh đọc nhiều, lại thông cảm được với người khác, nên muốn anh cho một lời khuyên...
 Giọng Thìn trở nên khó khăn, có cái gì đấy lúng túng, là tôi nghĩ vậy, nhưng vẫn kiên nhẫn nghe.
- Anh có nghĩ ở phút lâm chung, người ta thường rộng lượng, sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm cho kẻ khác?...  Bao năm nay, kể từ ngày mẹ qua đời, tôi canh cánh không yên. Mẹ có lỗi với bố đã đành, nhưng tôi, tôi cũng mặc cảm rằng mình có cái gì đó chưa phải với ông... Vậy nên, dù sao cũng phải thế, nghĩa là phải một lần nói ra thân phận mình dẫu đây là sự nghiệt ngã cuộc đời vô tình hay hữu ý đè lên hai mẹ con. Thân phận mình khiến tôi không thanh thản. Luôn dằn vặt. Anh sẽ hỏi tại sao không cho bố hay khi ông còn khoẻ, minh mẫn? Đúng vậy. Tôi vẫn có ý ấy, nhưng số mệnh trớ trêu khiến mỗi lần định nói lại không thể buột thành lời... Tôi không thể. Không đủ sức. Không nỡ... Càng khó khăn hơn khi bố lâm bệnh trọng... Không nói ra, nghĩa là phải sống trong lừa dối. Canh cánh bất yên. Hoàn cảnh mẹ, bà cần giấu bố, nhưng tôi thì không muốn... Song nói ra, tôi thanh thản, còn bố, liệu ông có bị sốc, nguy đến sức khoẻ? Tôi băn khoăn đắn đo nhiều năm nay. Là người trung thực, ai chẳng muốn sống sòng phẳng. Tôi cũng vậy... Anh cũng rõ, bố tôi vốn vô tâm, hiền lành và thẳng tính. Là nhà giáo, ông ghét sự lươn lạo giảo trá. Sự chung tình, nhất là nỗi lo lắng đến héo tàn và việc chăm sóc hết mình của bố đối với mẹ trong những ngày bà nằm trên giường bệnh khiến tôi hễ nghĩ tới nguyên do mình sinh ra ở cõi này, càng xót xa. Còn tình cảm ông đối với tôi, anh quá rõ... Tôi cảm giác rằng đối với tôi. ông có cái gì đấy thái quá như thể chủ ý bù đắp. Ngoài tình ruột thịt, tôi nghĩ còn do sự xui khiến vô thức của cảm quan nào đấy, rất khó giải thích... Phần tôi, tôi cũng thế, nhưng khác ông ở chỗ, ngoài tình bố con, những gì tôi đối với ông, nhất là sau khi rõ chuyện do mẹ nói lại, tôi có chủ định trong ý thực... Bố tôi càng vô tâm, tôi càng canh cánh, khổ tâm... Bởi vậy hôm nay muốn nơi anh một lời khuyên... Tôi lo thời gian không đủ để đắn đo. Tôi sợ mẹ và có lẽ cả tôi nữa chẳng còn thời cơ để được tha thứ...
Chợt có tiếng thuỷ tinh vỡ. Thìn hốt hoảng nhào vào phòng người bệnh. Tôi bước theo.
Trên giường, ông giáo như thể đang gắng ngồi dậy. Đôi tay gầy guốc quờ quạng. Dưới sàn nhà, mảnh thuỷ tinh vương vãi. Có lẽ ông vừa làm rơi cốc nước.
- Bố, con đây...
Thìn thoảng thốt gọi và cúi xuống đỡ bố mình. Hai tay run rảy, ông giáo bíu vào vai con gái. Tiếng ông thểu thả, mỏng tựa sợi thở nhẹ:
-  Con... Con kể làm gì ... chuyện đó...
- Chuyện gì đâu, bố...
- Chuyện... Chuyện... Mẹ con không có lỗi... Con là con gái của bố...
 Tôi bàng hoang, thì ra ông giáo đã hay mọi điều từ lâu...
Ông cố mở to mắt nhìn con gái, miệng mấp máy như thể muốn nói thêm điều gì.... Song đó là cố gắng cuối cùng của người bệnh. Đôi bàn tay không sinh khí buột khỏi vai Thìn. Ông oặt xuống giường, bất động.
- Bố ơi... Bố đừng bỏ con...- Thìn khóc oà - Bố không được để con lại một mình...
Thìn gục xuống xác ông giáo, tức tưởi kể lể, chốc chốc lại nấc to:
- Con có lỗi với bố... Con có lỗi...
Chưa bao giờ tôi thấm thía bi kịch lớn nhất ở con người, sinh ra để chết, như lúc này...
 Tôi bần thần trơ ra,  xót buốt nhìn Thìn đau đớn vật vã bên cái xác không hồn. 
... Hai hôm sau tôi cùng rất đông bè bạn và người thân đưa ông giáo về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Khi cúi xuống dìu Thìn rời phần mộ, tôi nghe cô nghẹn ngào:
- Chẳng rõ bố có tha thứ cho mẹ? ...
Tôi an ủi:
- Ông giáo chẳng nói rằng bà giáo không có lỗi ...
- Cuộc đời xoay mù tựa vũ điệu tăng gô... Không là mặt phẳng, mà là không gian đa chiều...
 Tôi run run tìm bàn tay em, bóp chặt. Và im lặng.

                                    Hải Phòng, ngày 10 tháng 4 năm 2008

                                                         ĐK