Trang chủ » Truyện

Văn chương tỉnh lẻ

Nguyễn Thẩm Văn
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

 - Mình có khách đấy!

Nghe tiếng vợ từ tầng dưới vọng lên, Nguyễn bỏ dở trang bản thảo, thò cổ ra ban công ngó xuống rồi thụt luôn vào. Anh đã nhìn thấy cái thân hình béo ụ của bà phó chủ tịch hội Văn Nghệ tỉnh trước sân nhà, vội cúi xuống cầu thang bảo vợ:

- Mình này, bảo bà ấy là tôi đi vắng nhé!

- Chết, em lại nói là mình có nhà rồi! Thôi chịu khó giải lao một tý. Em cũng phải đi chợ đây. Mình xuống đi, vừa tiếp khách vừa trông nhà một thể.

Đành vậy! Nguyễn khẽ lắc đầu, quay vào phòng tắt máy vi tính rồi đi xuống tầng dưới. Đây là lần đầu tiên anh được tiếp đón bà phó chủ tịch Hội tại nhà riêng.. Trước khi sang Hội, bà ta là công nhân sàng tuyển than, nhờ có thành tích sản xuất giỏi được cử đi học lớp gì đó rồi chẳng biết thế nào khi về lại được chuyển lên làm cán bộ tuyên giáo tỉnh chuyên đi nói chuyện thời sự tại các diễn đàn trong thành phố. Hồi năm ngoái năm kia gì đó, Nguyễn đã có dịp gặp bà ta. Lần ấy người ta tổ chức cho văn nghệ sỹ học nghị quyết. Mặc dù trước đó đã được học ở cơ quan báo, nhưng vốn tính tò mò, Nguyễn vẫn cứ đi nghe xem có khác gì không. Quả nhiên khác thật. Tại đây anh đã được chứng kiến một cảnh tượng vui chưa từng thấy. Số là sau khi truyền đạt tinh thần nghị quyết cho các “nhà” xong, diễn giả nhường chỗ cho nhà tuyên giáo lên định hướng về công việc sáng tác và biểu diễn trong tình hình mới. Thực ra chẳng có gì mới, vẫn là những điều trước đó đã nghe rồi, nhưng sự khôi hài của tình huống không nằm ở nội dung mà ở cách bà ta diễn đạt. Trong khi nói, bà ta rất hay nhấn mạnh mấy chữ cuối câu, đồng thời gõ gõ ngón tay xuống bục, tiếng gõ bắt vào micro, hệt như tiếng trống cà rùng của thiếu nhi, nghe rất sướng. “Hiện nay, chúng ta đang chống tham nhũng rất quyết liệt, vâng, rất quyết liệt các đồng chí ạ, tùng tù rùng, tùng tù rùng… Tham nhũng là biểu hiện của cái xấu, cái ác, văn nghệ sĩ chúng ta phải biết phẫn nộ trước vấn đề nhức nhối này và chúng ta cần phải lên án nó, vâng, phải lên án nó các đồng chí ạ, tùng tù rùng, tùng tù rùng… Để khỏi lấn cấn về tư tưởng, chúng ta phải nắm vững tinh thần nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, vâng, phải nắm vững các đồng chí ạ, tùng tù rùng, tùng tù rùng…”

Khán giả ở dưới trợn tròn mắt nhìn nhau, buồn cười quá nhưng cố nín. Ông chủ tịch Hội giả vờ ho, đưa một tay bưng miệng, còn tay kia chỉ trỏ ra hiệu bảo mọi người trật tự, cấm được cười. Mãi đến lúc bà ta kết thúc bài giáo huấn của mình, vui vẻ nói: “Đúng không các đồng chí, đúng không? Tùng tù rùng, tùng tù rùng…”, tất cả mới oà lên: “Đúng ạ!” rồi vừa vỗ tay rào rào, vừa ngả ngốn vào nhau, cười thả cửa. Mấy cậu bên đoàn kịch ra sức nện thình thình xuống mặt bàn, hưởng ứng một trận cười vỡ rạp…

Giá mà chỉ thế thôi thì còn đỡ, đằng này bà ta lại nổi hứng làm thơ mới chết. Ai về vùng biển quê ta/ Đoàn thuyền nâng cấp hóa ra đoàn tầu/ Con đường hội nhập năm châu/ Nâng tầm cao mới làm giàu quê hương…Một loạt bài thơ như thế ra đời, được in trang trọng trên báo Văn nghệ tỉnh. Thế rồi đùng một cái, bà ta được điều ra làm phó chủ tịch Hội, kế cận ông chủ tịch sắp nghỉ hưu.

- Bắt tay nhà văn một cái nào!

Bà phó chủ tịch Hội vui vẻ nói và chìa bàn tay múp míp ra. Nguyễn đưa cả hai tay ra bắt một cách cung kính:

- Vinh hạnh! Vinh hạnh!

- Thế nào, tiểu thuyết viết đến đâu rồi?

Nguyễn chưa kịp trả lời, bà ta đã tiếp:

- Xin thông báo cho đồng chí biết: Hội ta vừa lập quỹ sáng tác. Chúng tôi đã quyết định đầu tư cho một số tác giả, trong đó có ông.Tuần trước đã cho gửi giấy báo đến từng người, ông nhận được chưa, sao không thấy gửi đề cương tác phẩm?

- Dạ thưa đồng chí, tôi…

- Gửi luôn đi, để chúng tôi còn duyệt chứ!

- Dạ thưa đồng chí, tôi… thú thực là tôi không có. Tôi chưa làm đề cương tác phẩm bao giờ.

- Thế thì ông viết làm sao được nhỉ? Tiểu thuyết là phải có đề cương, tác phẩm đặt vấn đề gì, giải quyết vấn đề như thế nào và kết thúc ra sao chứ? Ông nên nhớ rằng chúng ta không chỉ phải viết cho hay mà cần viết đúng. Phải không nào?

- Vâng, rất phải ạ! Nhưng …

- Cần phải có đề cương ông ạ! Ít nhất chúng tôi còn biết là ông viết cái gì, để có cái mà duyệt đầu tư chứ!

- Vâng, cám ơn chị, nhưng tôi…Hay là chị cứ duyệt đầu tư cho các tác giả đã gửi đề cương đi, tôi sau cũng được.

- Làm thế không hay. Đằng nào chúng tôi cũng đã đề nghị với cơ quan báo, cho ông nghỉ công tác ba tháng để sáng tác rồi, không lẽ…Vả lại tôi đã đọc những bản đề cương của một số anh em gửi đến, thấy ít hy vọng lắm, xem ra họ đều đi chệch hướng. Các nhà văn phải nên bám sát hiện thực cuộc sống, phản ánh công cuộc đổi mới một cách chân thực và sinh động, biểu dương cái tốt, phê phán cái xấu, làm sao tác phẩm phải ngang tầm thời đại. Đằng này họ toàn đi vào khai thác những chuyện riêng tư, tình yêu tình ót lằng nhằng, thu mình vào những suy ngẫm nhỏ nhoi, chẳng có tầm gì cả...

- Tầm gì ạ?

- Tầm vóc thời đại chứ còn tầm gì? Cái ông này, nói từ nãy đến giờ mà không hiểu.

- Xin phép chị, tôi sợ rằng nếu đọc của tôi, chị cũng sẽ thất vọng mất thôi.

- Nghĩa là ông cũng viết theo hướng đó?

- Tôi không biết mình theo hướng nào, nhưng những gì tôi viết xem chừng cũng nhỏ nhoi thôi chị ạ.

- Sao tôi nghe nói những cuốn trước đây ông viết có tầm lắm kia mà?

- Đấy là người ta nói thế.

- Vậy thì…

Bà phó chủ tịch Hội khẽ cau mày, có vẻ suy nghĩ rất lung. Nếu nhân vật “Lão Phật gia” trong phim Trung Quốc khi suy nghĩ về vận mệnh của nhà Đại Thanh có vẻ mặt thế nào thì vẻ mặt bà ta lúc này cũng y như thế. Nguyễn cố giấu nụ cười bằng cách quay sang bên vớ lấy phích nước, chế vào ấm trà thanh nhiệt rồi rót thêm vào cốc của bà ta. Không để ý đến cử chỉ đó của anh, bà ta hơi nghiêm mặt, gõ ngón tay lên mặt kính trên bàn và nói:

- Tôi hỏi thật nhé: ông có cần chúng tôi hỗ trợ không? Quỹ văn học hiện nay chưa nhiều, nhưng nếu đầu tư trọng điểm thì mỗi anh em cũng được kha khá đấy!

- Tốt quá chứ ạ! Anh em chúng tôi đều “hoàn cảnh” cả mà, thưa chị!

- Vậy thì ông làm đề cương đi, và cả đơn đề nghị đầu tư nữa. Cố gắng xây dựng tác phẩm theo tinh thần tôi vừa nói ấy. Hai ngày nữa chúng tôi khóa sổ, mong ông lưu ý, đừng lỡ hẹn.

Tiễn bà phó chủ tịch Hội ra về, Nguyễn quay vào nhà, vừa châm thuốc hút vừa trầm ngâm suy nghĩ về câu chuyện vừa qua. Thế kỉ hai mốt rồi mà người ta vẫn giữ nguyên nếp cũ, chẳng có gì thay đổi. Làm đề cương trình duyệt ư? Tác phẩm có tầm ư? Thế nào là tác phẩm có tầm? Ném ra một loạt nhân vật để xâu chuỗi các sự kiện lịch sử, mô phỏng hiện thực lịch sử bằng cách kể hành kể tỏi linh tinh đủ thứ từ sự kiện này đến sự kiện khác, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác nhằm dựng lên một tượng đài oanh liệt cho một vùng đất đang vươn lên một tầm cao mới? Eo ôi, thế thì cao quá, kì vĩ quá! Tác phẩm có đến cả ngàn trang chứ ít à? Tài hèn sức mọn như mình làm sao kham nổi. Mình chỉ có thể viết về những con người bình thường với những niềm vui nỗi khổ tầm thường hàng ngày vẫn sống, đang sống, phải sống và phải vượt lên cái mỗi ngày để sống như một con người, để rồi khui ra từ những cái tầm thường nhỏ nhoi kia những điều người khác không nhìn thấy, chỉ ra cái gì mới là giá trị thực trong cái thực tại này, cái gì khả dĩ người ta có thể nương tựa được vào, dù rất mong manh, mà vui sống. Có vậy thôi. Những điều này khó có thể truyền đạt được thông qua một đề cương tác phẩm. Vậy phải làm thế nào đây? Kể ra giờ mà có một khoản tiền đưa vợ thì tốt quá. Nhưng ăn rồi đã vậy múa gậy mần răng? Chao, nghĩ cái chuyện này quả thực đau đầu hơn cả viết. khổ ơi là khổ!

Một vệt nắng xiên từ chái nhà bên cạnh chiếu thẳng vào góc sân trước cửa, nơi vợ Nguyễn vừa đặt một vài chậu cảnh mới mua của một gánh hàng rong, trong đó có chậu Xương rồng bát tiên, lúc này đang hồng rực lên dưới nắng. Vẻ đẹp của nó đã thu hút ánh nhìn của Nguyễn. Anh ngồi lặng ngắm hồi lâu, mãi đến lúc vợ anh ở chợ về mới rời mắt đi chỗ khác.

- Khách về rồi à?

- Về rồi.

- Em nghe nói bà này mới lên phó chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh, phải không?

Nguyễn mỉm cười:

- Nếu nói về chức vụ thì là xuống chứ không phải lên, nhưng được cái oai là sắm vai chỉ đạo văn nghệ sỹ.

- Sao bảo bà ấy làm thơ hay lắm?

- Hay chứ, hay nhất tỉnh!

- Thế cơ à? Chứng tỏ phụ nữ tỉnh ta cũng nhiều người tài đấy chứ!

- Tất nhiên rồi. Mỗi tội bày chậu cảnh thì không hay lắm.

- Mình bảo sao cơ? Bày chậu cảnh làm sao?

Nguyễn chỉ tay vào chậu Xương rồng bát tiên đặt giữa mấy chậu hoa trà, hoa cúc, bảo vợ rằng bày như thế không hợp điệu chút nào. Thoáng nhìn thì đẹp nhưng nhìn kỹ thấy toàn gai là gai, đâm ra tua tủa, trông rất chướng.

Vợ anh ngó theo ra, lắc đầu cười:

-  Cái ông này, ngắm hoa không ngắm lại đi ngắm cái gai, rõ thật là…

 Làng Khương 8 -2008

NTV