Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Khi “4 ệ” trở thành mầm họa!

Bùi Hoàng Tám/Dân trí
Thứ sáu ngày 5 tháng 9 năm 2014 8:20 AM

 

Trong một bài viết nhân Kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thốt lên: “Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...” trong công tác cán bộ”.

 Một câu “thành ngữ mới”, một “công thức” tuyển dụng và bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ mang vần “ệ” lưu truyền lâu nay trong dân gian đã được chính người đứng đầu Nhà nước thốt lên như một nỗi xót xa, đau xót.

Thực tế cho thấy cái “công thức 4 ệ” đã và đang báo động cho một hiểm họa đối với dân tộc.

Đất nước trì trệ cũng vì đây. Nền độc lập và vẹn toàn lãnh thổ bị đe dọa cũng từ đây. Sự bất công cũng từ đây và sự tha hóa cũng từ đây.

Mầm họa cho non sông, đất nước cũng từ đây bởi “Cán bộ là gốc của mọi công việc” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói.

Công bằng, tình trạng con ông cháu cha không phải bây giờ mới xuất hiện. Từ xa xưa, nhân dân đã đúc kết: “Con vua thì lại làm vua – Con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

Thế nhưng trong thời đại hiện nay không được phép để xảy ra tình trạng “Con vua thì lại làm vua”, quyền chức không thể là món hàng mua bán, trao đổi...

Trả lời báo Pháp luật TP HCM ngày 3/9, bài “Nhìn thẳng sự thật, hành động thật sự”, TS Nguyễn Hữu Nhựt, Ủy viên Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cho biết: Những tiêu chí đánh giá đảng viên còn chung chung quá dẫn đến có nơi muốn đưa ai lên cũng được và muốn hạ ai xuống cũng được. Ví dụ anh muốn đưa một người “con cháu các cụ” lên thì anh lý giải người này có lập trường giai cấp vững vàng lắm, còn nếu muốn hạ một ai đó xuống lại nói anh này có lập trường giai cấp mơ hồ. Tôi nói ví dụ, anh A và chị B đều là đảng viên, anh A được báo lên trên là “con nhà nòi, cha là đảng viên”… Nhưng khổ nỗi lập trường giai cấp, lập trường chính trị có phải chỉ vì là con ông này ông kia mà nên đâu. Trong khi các tiêu chí khác lại ít được đề cập hoặc đề cập sau. Mình phải có những tiêu chí cụ thể để đánh giá người tài và nên chọn người tài giỏi.

“Có lần tôi hỏi các em sinh viên rằng khi học xong các em về quê làm không, ai cũng bảo không vì về quê các cụ đã bố trí con cháu các cụ hết rồi, không còn chỗ nào cho tụi em làm nữa?”. Ông Nhật kể.
 
Những trăn trở của Chủ tịch nước hay sự lo lắng của TS Nhựt là điều rất đáng suy nghĩ nếu một khi thực tế được phản ánh đúng như câu thành ngữ “4 ệ”.
 
Bởi không thể có một đội ngũ cán bộ có năng lực khi mà việc bổ nhiệm, cất nhắc lại dựa trên “hậu duệ”.
 
Không thể có cán bộ trong sạch nếu việc bổ nhiệm lại dựa vào “tiền tệ” để đổi chác, bán mua.
 
Không thể có cán bộ có tài, có tâm nếu như việc bổ nhiệm lại dựa vào các mối “quan hệ” chồng chéo, lắt léo và hoàn toàn có thể mang tính bè phái…

Đất nước cũng không thể phát triển bền vững nếu như cán bộ là những “cậu ấm” con ông cháu cha hay được mua bán, trao đổi bằng “tiền tệ” hoặc là “quan hệ”.

Đây là những hiểm họa mang tên “4 ệ” bởi chính nó là một trong những nguyên nhân “làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta, là mầm họa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Theo Dân trí