Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÂU CHUYỆN HOÀNG ĐẾ…CỞI TRUỒNG

Hoa Tử Huyền
Thứ năm ngày 30 tháng 7 năm 2009 3:57 PM
 
Sáng nay, đọc bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Quang Lập về vở kịch “Tình sử ngàn năm” trên Lethieunhon.com, mình thấy ngứa ngáy chân tay lạ. Tuy chưa được xem công diễn nhưng mình đã đọc qua kịch bản ở trên mạng và đồng ý với cách tiếp cận nhân vật lịch sử Lý Thường Kiệt từ góc độ đời thường của Bọ. Sự thật lịch sử là vì tình yêu mà Lý Thường Kiệt tự nguyện làm thái giám để vào cung nhưng trước đây, chính sử cố lập lờ dấu nhẹm đi kẻo ảnh hưởng đến uy danh của ông. Tình sử ngàn năm “đó là một câu chuyện buồn về thân phận Lý Thường Kiệt. Thuở mới lớn, ông đem lòng yêu một cô gái cùng quê song chẳng bao lâu sau cô bị tiến cung. Để có cơ hội gặp được người yêu, ông tình nguyện trở thành thái giám để rồi khi tương phùng, cả hai đều phải đối đầu với một bi kịch khác. Lúc vua băng hà, các cung tần mỹ nữ được cho về quê, Lý Thường Kiệt khi ấy cũng nghỉ hưu, về tìm kiếm mới hay người xưa đã xuống tóc đi tu”. Vậy thì đó là câu chuyện đầy tính nhân văn, không bao giờ là sự tầm thường hoá nhân vật lịch sử, cũng không phải là sự giải thiêng.
Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, hơn năm mươi năm qua, “ nhiều thần tượng đã đổ”. Nói theo lí luận thì đó là sự đổ vỡ của các đại tự sự, những grand récits đã thống trị từ thời trung cổ. Nó bắt con người rung đùi tin vào những điều không có thực. Những ngộ nhận lầm lạc, tín điều lỗi thời, những thói đạo đức giả, phản tiến bộ xã hội… đã khiến con người ngày càng xa rời sự thật. Họ thành tâm tin đến mức nếu có người đập dậy thì còn tức giận, la lối, mắng mỏ cái “bọn xấu” đã làm tan mất giấc mơ hồng của mình. Dần dần, nói như Vladimir Tenđriacov thì “tất cả chúng ta đều tham gia vào một trò chơi, nơi có điều kiện là cần phải xem sự dối trá là sự thật, nhưng chúng ta hãy nên nhớ là, cái trò chơi đó - đem sự giả dối thay cho sự thật - lại chính là cuộc sống của chúng ta”.
  Và chán nhất ở xứ ta là cái tư duy, hễ là yếu nhân là phải có khoảng cách sử thi với quần chúng. Họ bị xức dầu phong thánh đến mức không dám sống bình thường, như thường. Đó là bi kịch. Cần phải hiểu rằng, trước và sau khi đã thành VIP, ai cũng là người thường cả (có chăng chỉ khác địa vị xã hội), cũng hỉ nộ ái ố như ai. Mình không mấy tin vào các thần đồng, mà có lẽ bọn thần đồng cũng có bi kịch - bi kịch không có tuổi thơ bình thường. Khổ nhất là làm lãnh tụ thì lấy vợ cũng phải có… nghị quyết. Ở nước các nước Tây Âu tuy “kém” dân chủ hơn mình nhưng nếu thủ tướng, tổng thống của họ làm sai, phát ngôn bừa bãi, không làm được gì có ích cho dân cho nước là xơi trứng, cà chua thối của dân liền.
Lý Thường Kiệt là hoạn quan thì đã làm sao? Đầy người đủ các bộ phận mà chẳng làm nên trò trống gì. Tư Mã Thiên cũng thiếu "cái ấy" nhưng ai dám bảo bộ Sử kí là tệ?
Ngày còn học đại học, mình đã định mắng cho con bạn vì thần tượng thầy dạy văn quá mà nghĩ chắc là thầy không ăn uống và …đi vệ sinh như người thường nhưng nghĩ tội nó lại thôi. Sau này, thỉnh thoảng nó thấy thần tượng mặc quần đùi, áo ba lổ, nhồm nhoàm đứng ăn bánh mì sáng ở gần nhà thế là nó tự “giải thiêng” chẳng cần mắng hi hi…
Đến như Bác Hồ từng là vị chủ tịch nước mà Người cũng chỉ ao ước khi cách mạng thành công thì chỉ cần một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với cái vòng danh lợi mà!( Theo “Di chúc”)
Vậy thì đến bao giờ bạn mới dám nói: Ê! Hoàng đế cởi truồng kìa!

NGUỒN:
http://vn.myblog.yahoo.com/toloannl/