Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THI NHÂN QUYỀN

Ái Văn
Thứ sáu ngày 31 tháng 7 năm 2009 4:13 AM
 
         Trước tình trạng nhân quyền trên khắp thế giới luôn bị vi phạm nhưng các nước, nhất là những nước kém phát triển và đang phát triển không chịu nhận nước mình quyền con người bị vi phạm nhiều nhất, ông tổng thư ký liên hiệp quốc liền nghĩ ra cách tổ chức một cuộc thi toàn cầu với mục đích dựa vào cuộc thi này sẽ cho kết quả đúng mà không cần phải nhiều lời, mất công sức tranh luận với nhau trên bàn hội nghị.
         Theo chủ chương này, mỗi năm cứ đến ngày nhân quyền thế giới (10 tháng 12), mỗi nước phải gửi về ban tổ chức một một người đại diện cho công dân nước mình để tham dự cuộc thi. Căn cứ vào kết quả cuối cùng của cuộc thi, Liên hiệp quốc sẽ thông báo xếp hạng nhân quyền giữa các nước trong cộng đồng quốc tế.
         Năm nay, tại trụ sở Liên hiệp quốc, để ra đề thi, người ta thiết kế một đoạn đường dài một trăm mét chỉ được đi thẳng, không có lối rẽ. Một đầu của con đường ấy là thí sinh dự thi. Phía đầu đường đối diện, người dự thi sẽ giả định rằng đấy là ngôi nhà của mình và mình có nhiệm vụ phải đi về nhà. Ở giữa đoạn đường, cách đều mỗi đầu năm mươi mét là một khung cửa chữ nhật, có hai viên cảnh sát lực lưỡng đứng hai bên, trong tay họ là một khúc gậy gỗ dài nửa mét, sần sùi và vững chắc chỉ nhăm nhăm chờ bất kì thí sinh nào đi qua là đánh. Thí sinh muốn về nhà, bắt buộc phải đi qua khung cửa này.
         Ban giám khảo là Hội đồng bảo an sẽ căn cứ vào kết quả phản ứng của thí sinh mỗi nước trước hai nhân viên cảnh sát để cho điểm.
         Đến giờ thi. Sau một hồi trống báo hiệu, cuộc thi bắt đầu, thí sinh là đại biểu công dân Mỹ đã đứng vào vị trí dự thi. Trước con mắt quan sát của đông đảo các nhà báo trên khắp thế giới và hàng trăm người do LHQ cử ra, có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cuộc thi đảm công bằng, vô tư.
        
         Ông tổng thư ký LHQ hô: “bắt đầu”, người công dân Mỹ bước đi trong dáng điệu tự tin, bình tĩnh lạ lùng về phía trước. Khi bước chân qua khung cửa, anh ta bị hai viên cảnh sát vung cao gậy định bổ xuống. Nhanh như chớp, người công dân Mỹ tóm gọn cả hai chiếc gậy rồi quật lại hai viên cảnh sát làm mỗi người này văng xa đến hơn chục mét. Vất lại chiếc gậy bên khung cửa, anh công dân Mỹ to lớn, tràn trề sinh lực thản nhiên đi tiếp đến  đích, tức  là “về nhà” của mình.
         Thí sinh tiếp theo là một công dân người Anh. Đây là một người cao kều, lênh khênh, mảnh khảnh, mũi khoằm, mũ phớt. Anh ta cũng bước đi trong dáng điệu tự tin, bình thản và tâm trạng còn vui vẻ nữa. Đến gần khung cửa, người ta thấy anh ta nói những gì đó với hai viên cảnh sát. Nói nhiều lắm, vung cả chân, múa cả tay. Hai viên cảnh sát nhiều lần cứ vung gậy lên rồi lại hạ gậy xuống chứ không thấy đánh vào người anh ta. Thay bằng nhiệm vụ phải đánh, hai nhân viên này lại nói nhiều chẳng kém gì người công dân nước Anh kia. Họ nói về luật pháp, pháp lý, về quyền con người thì phải. Thế rồi, cuối cùng, hai viên cảnh sát chống gậy xuống đất để người công dân Anh đi qua bình yên vô sự “về nhà” của mình.
         Người tiếp theo là thí sinh Trung Quốc cũng là một công dân vạm vỡ, có đôi con mắt một mí tinh ranh cũng bước đi một cách tự tin hướng về khung cửa có hai viên cảnh sát. Cánh nhà báo cũng như giới quan sát không thấy người công dân này nói gì hay làm gì. Chỉ vài người tinh mắt lắm mới có thể nhận ra anh ta giả đò sờ mó kiểm tra xem hai cây gậy to, chắc đến đâu, nếu nó nện vào người thì đau đến mức độ nào rồi tuồn hai gói gì đó vào tay hai viên cảnh sát nhanh như làm xiếc. Hai người này cho anh ta đi qua mà không bị đánh một nhát nào. Dĩ nhiên, ban giám khảo toàn những ông già năm sáu mươi tuổi, lại đeo kính lão chẳng nhìn thấy gì.
         Đến lượt thí sinh đại diện cho công dân Việt Nam. Người này gầy ốm tỏng teo. Xương sườn, sương sống đội cả áo xống lồi ra ngoài. Anh ta vừa bước đi vừa run lẩy bẩy như cầy sấy. Cứ mỗi lần ngước mắt lên nhìn vào chiếc khung cửa và hai viên cảnh sát, anh ta lại cụp mắt xuống, nhắm nghiền lại, cúi gằm mặt. Đoạn đường có năm mươi mét đến khung cửa mà đi như sên bò làm cho ban giám khảo chờ đợi rất sốt ruột. Đi gần đến, sắp bước qua khung cửa, thí sinh này liền nhanh tay cởi áo, tụt quần đến tận đầu gối rồi mằm ép xuống đất, nói:
         - Các ông cứ đánh con đi!
         Hai viên cảnh sát ớ người đứng ngẩn ra vài giây trước lời đề nghị rồi chợt nhớ ra nhiệm vụ của mình, họ bèn cùng nhau vung gậy đánh cật lực vào cái thân hình còm nhom và trắng ởn đang nằm dẹt đét dưới đất. Kỳ lạ, người công dân ấy tỏ ra đau đớn tột cùng nhưng không hề biểu hiện ra nét mặt, cũng không hề kêu la, van xin nửa lời. Anh ta chỉ oằn người nẩy lên rồi rơi uỵch xuống như một bị bông sau mỗi cú đánh nhà nghề của các viên cảnh sát. Các thành viên của ban giám khảo đã bắt đầu thấy máu chẩy đầm đìa trên lưng, trên mông, trên bắp đùi của thí sinh. Họ xót xa và cuối cùng yêu cầu hai viên cảnh sát thôi đánh. Với sự trợ giúp của hai giám khảo cơ bắp này, thí sinh là công dân người Việt Nam đã được đỡ dậy, chỉnh chang quần áo, ngồi vào chiếc ghế trước mặt ban giám khảo. Một thành viên Ban giám khảo hỏi:
- Tại sao anh không đi qua lại cởi quần áo nằm xuống tự nguyện chịu đánh?
- Dạ thưa ông, thân con thế này, qua mặt hai ông ấy làm sao được. Đằng nào cũng sẽ bị đánh, thà giơ lưng ra trước. Ở quê con có truyền thống đã đánh là đánh “tuốt xác”. Người bị đánh phải lột hết quần áo. Có như vậy mới thấm roi đòn và nhớ lâu.
         Vị khác lại hỏi:
- Sao anh không đánh lại cảnh sát mà đi qua như thí sinh người Mỹ?
- Dạ thưa ông, cũng ở quê hương chúng con, từ đời ông cho chí đời cha đời đời ăn đói mặc rách, ông bảo lấy đâu ra sức lực mà đánh lại người ta. Giả dụ có đánh lại được thì cũng đến nước trở về nhà mình để rồi lại cùng với vợ con lang thang đầu đường xó chợ nếu không sống kiếp người cày thuê cuốc mướn thì cũng phiêu bạt kỳ hồ nhặt nhạnh ve chai đồng nát, tạm bợ qua ngày. Đồng xôi ruộng mật quê con bây giờ người ta thu gom làm sân gôn, xây đô thị, quy hoạch làm dự án, cấp đất khai thác vàng, than và các loại khoáng sản khác... hết cả rồi lấy đâu ra nguồn thu nhập. Một miếng ăn thường ngày còn khó khăn mong gì có tiền mà đút lót như cái vị thí sinh người Tầu đã làm vừa rồi với hai ông cảnh sát?
         Một vị giám khảo thứ ba lại hỏi:
- Giá như anh nói lý lẽ với hai viên cảnh sát, có lẽ anh sẽ được qua mà không hề hấn gì?
- Thưa ông, ở đất nước chúng con luật pháp làm ra chỉ để cho người dân thi hành chứ không ai mang luật pháp, quy định hay quy chế này nọ ra để đấu lý bào chữa cho mình.
- Anh thử ví dụ xem sao?
- Ví như dân thường chúng con khi mua điện, mua nước, mua xăng dầu hay bất thứ cái gì của nhà nước đều có ký kết hơp đồng đầy đủ lệ bộ đấy thế nhưng nếu chúng con có chậm trả tiền một chút là họ phạt, họ cắt. Ngược lại về phía họ, họ tùy tiện cắt điện, cắt nước, hay tăng giá...chúng con có muốn kiện cũng chẳng kiện được ai. Chẳng ai đứng ra xử kiện...Còn như đấu lý với họ thì bị cho là xúi giục, kích động chống phá...Thôi thì đằng nào cũng thua thiệt. Chịu thiệt, chụi hèn đi cho nó qua chuyện và yên ổn cốt kiếm được miếng cơm đút vào lỗ miệng. Các ngài không biết chứ ở đất nước của chúng con, có đầy đủ tất cả các truyền thống tốt đẹp, chỉ riêng truyền thống dân chủ là từ ngàn đời nay là không có.
         Trước những câu trả lời bộc trực của thí sinh Việt Nam, cả Ban giám khảo là Hội đồng bảo an LHQ đều rất cảm động. Họ cùng quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt cứ tự nhiên lăn xuống trên gò má.
         Kết thúc cuộc thi, thí sinh người Việt Nam đã giành được giải nhất. Ban giám khảo cho rằng, đúng như Bộ ngoại giao Việt Nam nói: Nhân quyền còn phụ thuộc vào yếu tố địa lý, lịch sử truyền thống xã hội, phụ thuộc đặc điểm tâm sinh lý mỗi dân tộc và chế độ xã hội ở mối nước. Ở Việt Nam, mọi người đều sống và làm việc theo pháp luật. Và pháp luật ở Việt Nam cũng đã thấm sâu, nhuần nhuyễn trong dòng máu của mỗi công dân, tới mức pháp luật chẳng cần làm gì hết, xã hội tự nó vững vàng và trường tồn.
         Vị thí sinh đại diện cho công dân Việt Nam đã nhận được một giải thưởng rất lớn, tới dăm ngàn đô. Về tới đất nước của mình, mặc dù gia đình còn vô cùng đói khổ, anh ta vẫn mang cả số tiền nói trên tình nguyện dâng tặng cho quỹ “xóa đói giảm nghèo” của đất nước để được ghi tên vào danh sách những người biết lấy lá rách ít đùm bọc lá rách nhiều và làm vẻ vang cho dòng tộc.