Trang chủ » Tin văn và...

Bao giờ giáo dục bằng xưa ?

Phạm Đạt Nhân
Chủ nhật ngày 10 tháng 8 năm 2014 4:36 PM

Giáo dục: từ mối yêu thương gia đình 
đến tinh thần "Tổ quốc trên hết"

Miền Nam trước 75 đã chọn triết lý giáo dục là Dân tộc - Nhân bản - Khai phóng. Vì đề cao tinh thần dân tộc mà trong giờ địa lý, học sinh nào vẽ bản đồ Việt Nam mà thiếu hai quần đảo Trường Sa và Hoàng sa sẽ bị phạt nặng; ở phòng học nào cũng có treo câu khẩu hiệu: "Tổ quốc trên hết"...

Sách giáo khoa và kinh điển nói chung là cái hồn cái hạnh của giáo dục. Một công dân đã từng cắp sách đến trường đều có mang trong huyết quản cái hồn cái hạnh từ những trang sách giáo khoa - nghĩa là đã hấp thu trong tâm hồn một nền giáo dục chân chính. Tình yêu gia đình, nghĩa gia tộc, tình yêu quê hương đất nước đã từng được di dưỡng tưới tẩm từ thuở học trò. 

Nhà thơ Giang Nam có mấy câu thơ nói lên tầm ảnh hưởng của sách giáo khoa đối với tình yêu quê hương:

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường  
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ  
Ai bảo chăn trâu là khổ  
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao 
 
Những "trang sách nhỏ" đã hun đúc tình yêu quê hương của nhà thơ chính là bộ "Quốc văn giáo khoa thư" do học giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn. Bộ sách nầy được chính thức giảng dạy ở các trường Tiểu học vào những thập niên tiền bán thế kỷ XX. Nhà văn Sơn Nam trong cuốn Hương rừng Cà Mau có kể câu chuyện "tình nghĩa giáo khoa thư" thật cảm động . 

Chuyện kể một ông phái viên nhà báo được tòa soạn cử đi đòi nợ một độc giả mua báo dài hạn ở tận vùng xa xôi hẻo lánh. Nhà báo và độc giả qua một đêm tâm tình tương đắc và đồng cảm những bài học trong sách "Quốc văn giáo khoa thư" mà cả hai đã thuộc nằm lòng từ thuở nhỏ đã khiến sáng hôm sau nhà báo lên đường trở về tỉnh thành mà không hề đề cập đến chuyện tiền nong với anh độc giả nghèo yêu sách báo. Nhưng anh độc giả nọ đã chủ động nhắc món tiền nợ báo và xin được trả nợ bằng những sản vật hiện có trong nhà. Đọc "Tình nghĩa giáo khoa thư" người đọc cảm thấy hạnh phúc khi tìm lại chính mình qua từng trang sách nhỏ. Bộ "Quốc văn giáo khoa thư" gồm có ba quyển:

- Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng 
-Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị 
-Luân lý giáo khoa thư lớp đồng ấu 
 .
Ảnh: TL


Riêng luân lý giáo khoa thư chuyên đề dạy về phong hóa, lễ giáo cho học sinh từ thuở còn thơ. Đây là quyển sách giáo khoa lớp khai tâm dạy làm người. Đây cũng là nền tảng văn hóa Việt và đây cũng là trường hợp giáo dục đã làm tốt nhiệm vụ kép: vừa xây dựng cơ sở văn hóa cho ngày mai thụ hưởng; vừa vun bồi tưới tẩm truyền thống tốt đẹp của ngày hôm qua. Tôi xin được dẫn ra đây một số bài học luân lý trong quyển giáo khoa nầy: Thương yêu kính trọng ông bà cha mẹ, thương yêu nhường nhịn anh chị em; thờ cúng tổ tiên; giúp đỡ người trong họ, thương yêu tôi tớ trong nhà; yêu thương thầy dạy, tôn kính thầy dạy...
Những bài học trên đây có thể ngày nay nhiều người cho rằng không còn hợp thời nữa. Nhưng có những việc "biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nói mãi hóa nhàm mà làm mãi vẫn chưa xong. Ngay đến những người lớn tuổi cả những kẻ thành đạt trong cuộc sống, nếu một ngày tự soi sẽ thấy mình còn vô vàn thiếu sót. 
.
"Quốc văn giáo khoa thư" và Luân lý giáo khoa thư" được NXB Trẻ cho in lại - Ảnh: TL
Một trong tám chữ học làm người (hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sĩ) chữ ‘hiếu’ đứng hàng đầu, chữ ‘để’ đứng hàng thứ hai. Hiếu là bổn phận đối với ông bà cha mẹ. ‘Để’ là trên kính dưới nhường - anh chị em trong nhà phải hòa hợp, nhường nhịn, thuận thảo cùng nhau. Quan điểm của các soạn giả "Quốc văn giáo khoa thư " là làm sao thể hiện được nét văn hóa đặc thù của Người Việt: lấy gia đình làm nền tảng cho xã hội, quốc gia, dân tộc. Một đứa trẻ không biết yêu thương ông bà cha mẹ, anh chị em trong nhà thì lấy gì bảo đảm rằng khi lớn lên nó biết yêu quê hương, đất nước, đồng bào, đồng loại? Gia đình, gia tộc là cái nôi của tình yêu thương và cũng là nơi trú ẩn an toàn nhất khi gặp phong ba bão tố trong cuộc đời. 
Xưa, có một bức tranh vẽ cảnh gia đình một nhà sum họp có tựa đề "Buổi tối trong gia đình": cha ngồi đọc báo, mẹ ngồi khâu vá, con học bài, bà kể chuyện cổ tích cho cháu. Trong bài thơ "Lượm" có câu thơ "Ở đồn Mang Cá / Thích hơn ở nhà" của Tố Hữu ca ngợi những đứa trẻ thoát ly gia đình... chỉ thích hợp với giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ!
Thời bây giờ tuổi trẻ ít gần gũi gắn bó với gia đình, không coi trọng các mối quan hệ trong thân tộc là do sách giáo khoa khai tâm thiếu những bài học đề cao tinh thần gia đình! Thậm chí đêm giao thừa là thời điểm thiêng liêng nhất để gia đình sum họp tiễn năm cũ, đón năm mới mà cũng không còn giữ được nếp xưa. Ngày nay, đêm giao thừa ta thấy thanh niên thiếu nữ tập trung ở các lễ hội (hội nhiều hơn lễ). Lễ lại chỉ là cái cớ để tụ họp vui chơi múa hát. Nếu giao thừa mà cả nhà ăn mặc tươm tất, sửa soạn bàn thờ ông bà, chuẩn bị cúng tổ tiên rồi sau đó là mừng tuổi chúc tết lẫn nhau ... thì theo người viết, thế mới gọi là đậm đà bản sắc dân tộc.  

Vậy phải chăng nói đến văn hóa là phải đề cập đến nhiệm vụ kép của giáo dục: nhiệm vụ xây dựng cơ sở văn hóa cho thế hệ mai hậu thụ hưởng, đồng thời bảo tồn di sản văn hóa của tiền nhân để lại?...

Phạm Đạt NhânNguồn: Một Thế giới.