Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Rằm tháng Bảy

Nguyễn Linh Khiếu
Thứ năm ngày 7 tháng 8 năm 2014 3:32 PM
 

Khi những ngọn thu dài rộng lồng lộng đỉnh trời, những giọt thu sụt sùi ngậm ngùi trời đất, nắng sớm khoe vàng bất chợt và khi những cánh đồng lúa mùa thơm ngát, dòng sông ăm ắp phù sa đỏ cuồn cuộn về xuôi... Ấy là tháng bảy của xứ Bắc với biết bao cảm xúc ngổn ngang lòng người. Trời đất như thế, lòng người sao mà thờ ơ, yên ổn được. Người trẻ bồn chồn rạo rực, người già xao xác nỗi niềm xa xăm.

 

Tháng bảy mưa ngâu. Mưa tầm tã ngày đêm sũng nước. Rằm tháng bảy lễ Vu lan, xá tội vong nhân. Dân gian thì không phân biệt nhưng thực ra đó là hai việc: một đằng là báo hiếu, cầu siêu cho cha mẹ, ông bà tổ tiên và một đằng làm phúc, bố thí cho những vong hồn côi cút, vật vờ không nơi thờ cúng. Cả hai tích này đều có nguồn gốc từ các kinh sách cổ nhà Phật.


Lễ Vu Lan 


Tích xưa kể rằng, ông bà Phổ Tướng và Thanh Đề sinh người con trai tên là La Bộc. Do nhà nghèo, La Bộc phải xa nhà lặn lội đi buôn bán ở tỉnh Kiên Liên. Khi khá giả, La Bộc sai người mang tiền về biếu mẹ. Mẹ ông là người hoang tàng với bao việc làm quái dị, ngược đời. Bà không chỉ tiều sài hết nhẵn số tiền con vất vả xứ người dành dụm gửi về mà còn giết con chó nhà nuôi làm nhân bánh biếu sư, báng bổ Phật giới. Nhưng khi con về, bà lại nói bao nhiêu tiền con gửi bà đã đem dâng cúng cả vào đền chùa.

La Bộc đinh ninh như thế, khi mẹ chết, sau khi chịu tang mẹ ba năm, ông đi về nơi đất Phật và xin ở lại tu luyện theo hầu. Phật giao cho thầy Kha Na cắt tóc ông, đưa ông về chùa Lã Bí ở rừng Quít Sơn tu và đặt tên hiệu là Đại Mục Khiên Liên. Muốn đến rừng Quít Sơn phải đi qua chùa Thiên Giai là nơi những âm hồn lẩn quất nghe kinh. Mục Liên giật mình chỉ thấy hồn cha mà không có hồn mẹ. Phật hiện lên bảo rằng: mẹ ông khi sống điêu ngao, gian ác, lừa lọc nên bị đày xuống ngục - A Tỳ (âm ty địa ngục). Sau khi tu luyện chứng quả, Mục Liên lập tức tìm xuống địa ngục và tận mắt chứng kiến cảnh mẹ đang chịu muôn ngàn cực hình khủng khiếp. Gặp con, người mẹ vô cùng ân hận khóc lóc xin con tìm cách cứu bà ra khỏi địa ngục. Người con dắt tay mẹ đi nhưng lũ quỷ không cho đi.

Mục Liên cầu cứu đức Phật. Ngài chỉ rằng dù đã có phép thần thông, dù lòng hiếu thảo của ông có thấu trời đất nhưng một mình Mục Liên không thể cứu được mẹ bởi nghiệp chướng quá nặng. Phật dạy, phải thành kính đi rước chư tăng - nhất là các vị tu tập đã chứng quả - khắp mười phương về đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi mới có thể cứu vong linh mẹ thoát khỏi địa ngục. Ngài chỉ dẫn, Mục Liên phải chăm lo cho các chư tăng chu đáo, nhằm ngày rằm tháng bảy lập trai đàn cầu nguyện. Phật dạy các chư tăng không chỉ chú tâm cầu nguyện cho mẹ Mục Liên thoát khỏi địa ngục mà đồng thời phải cầu nguyện cho ông bà tổ tiên bảy đời của thí chủ được hoàn toàn siêu thoát.

Quả nhiên, sau đó mẹ Mục Liên được giải thoát khỏi kiếp ngọa quỷ nơi địa ngục mà sinh về cảnh giới lành và tổ tiên cũng đều được siêu thoát. Đó là sự tích lễ Vu Lan - rằm tháng bảy. Về chữ nghĩa, thực ra chữ Vu Lan có nguồn gốc từ chữ Sanscrit là Ullambhana được phiên âm sang tiếng Hán Việt là Ôlambàna và đọc thành Vu Lan bồn, nói tắt là Vu Lan và nghĩa gốc của nó là sự giải thoát.  

Tích xưa cho thấy, những người gian ác nơi trần gian khi chết sẽ bị đày xuống chín tầng âm ty địa ngục và lòng hiếu thảo của con người cần không ngừng hun đúc để không chỉ cảm hóa đồng loại mà còn phải cảm động cả trời Phật. Chỉ có thế mới cầu siêu thoát được cha mẹ và ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia.


Ngày Xá tội vong nhân


Chuyện rằng, vào một tối khi ông A Nan Đà - thường gọi là A Nan - đang ngồi tu trong tịnh thất thì một con ngạ quỷ thân gầy đét, cổ dài thượt, mặt cháy, miệng ngậm lửa (diệm khẩu) bước vào. Con quỷ đói phán rằng ba ngày nữa A Nan sẽ chết và luân hồi vào cõi ngạ quỷ và cũng sẽ bị miệng lửa mặt cháy như nó. A Nam hoảng sợ cầu xin quỷ đói giúp đỡ. Quỷ đói bày rằng: ngày mai ông phải thí cho bọn chúng nhiều thức ăn; đồng thời. phải tổ chức lễ cúng dường Tam bảo, có thế ông mới thoát nạn và lũ ngạ quỷ cũng được giải thoát luân hồi sang cõi lành. A Nan thưa với Phật: Phật ban cho bài chú: “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ đa la ni” để tụng trong lễ cúng bố thí và cầu nguyện giải thoát cho loài quỷ đói miệng lửa. Lễ cúng này các tín đồ nhà Phật gọi là lễ Phóng diệm khẩu - tức cúng bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ mặt cháy. Sau khi cúng ông A Na thoát nạn và lũ quỷ miệng lửa cũng được giải thoát khỏi kiếp đày ải nơi địa ngục.

Chuyện nguyên là thế, nhưng khi được lưu truyền trong dân gian lễ cúng này được mở rộng ra là lễ cúng cô hồn, chúng sinh - tức là cúng những vong không nơi nương tựa, không người thờ cúng. Từ lễ Phóng diệm khẩu - thả quỷ miệng lửa, theo cách hiểu của nhà Phật thành tha tội cho vong nhân, cho tất cả người chết - thành xá tội vong nhân. Đó là sự từ tâm khoan dung, độ lượng cao cả của nhân gian.

Như thế, đó là hai tích truyện hoàn toàn khác nhau nhưng trong dân gian chẳng hiểu từ đâu và từ bao giờ cũng lại lưu truyền rằng, khi ông Mục Liên được sự giúp đỡ của Đức Phật xuống địa ngục giải thoát cho mẹ đã được Ngài giao thêm nhiệm vụ cùng với việc cứu mẹ phải giải thoát cho những linh hồn lầm lạc bị giam cầm cùng mẹ dưới địa ngục. Nghĩa là khi giải thoát cho mẹ cũng đồng thời phải giải thoát - xá tội cho mọi vọng nhân đang cùng bị đọa đầy cùng mẹ mà không có người cứu giúp dưới đó. Với cách hiểu nôn na như thế, nên Rằm tháng bảy vừa là lễ cúng báo hiếu, vừa là lế cúng xá tội vong nhân. Đa số dân ta hiểu theo cách thông thường này, nên lễ cúng Rằm tháng bảy được bày cúng chung. Thực là kinh sách hàn lâm khó mà sánh được với tâm thức đời sống sinh động.


Rằm tháng bảy


Rằm tháng bảy là một ngày lễ lớn trong hệ thống lễ cúng truyền thống hàng năm của văn hóa dân gian Việt Nam. Lễ được tổ chức tại gia, tại đền chùa, nghĩa trang và nơi công cộng linh thiêng. Ngoài cỗ, vật phẩm cúng trời đất, thánh, thần, phật, cha mẹ, ông bà, tổ tiên... như xôi gà, hoa quả, cơm canh, quần áo (gồm quần áo thần linh, ông bà tiên chủ, cha mẹ, chúng sinh...), vật dụng cá nhân, tiền vàng và các loại hàng mã; bao giờ cũng có lễ vật đặc trưng cúng các cô hồn như bỏng ngô, bỏng gạo, kẹo vừng, bánh chè lam, cơm nắm, khoai luộc, trầu cau... Đặc biệt, nếu cúng báo hiếu bắt buộc phải có bát canh thì lễ xá tôi vong nhân dứt khoát phải có cháo. Đó là cháo hoa. Cháo trong các gia đình được cúng bằng bát còn nơi công cộng cháo được đựng trong các bồ đài bằng lá mít cắm dọc theo vệ đường cho chúng sinh. Cúng cháo với tục cướp cháo của trẻ mục đồng và tục đốt nhiều vàng mã, quần áo, tiền vàng... là những nét đặc sắc của lễ cúng Rằm tháng bảy. Bên cạnh đó, ngoài cúng người đã “quy tiên”, Rằm tháng bảy mỗi gia đình truyền thống còn phải làm một mâm cơn thịnh soạn cung kính dâng biếu cha mẹ già. Đây là một nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc thể hiện sâu sắc bản sắc đạo hiếu Việt Nam.

Rằm tháng bảy với lễ Vu Lan báo hiếu, siêu thoát cho ông bà tổ tiên và lễ Xá tội vong nhân làm phúc, bố thí cho mọi vong linh côi cút không nơi nương tựa là minh chứng hùng hồn cho sức sống trường tồn của bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Rằm tháng bảy thể hiện những giá trị nhân văn cao quí của dân tộc ta. Đó là sự hiếu đễ, thủy chung, từ tâm, bao dung, nhân hậu, thương người. Đó là ứng xử văn hóa của một dân tộc thiện tâm thấm nhuần đời sống tâm linh.


Tái bút


Viết đến đây tôi chớt nhớ lễ cúng Rằm tháng bảy năm ngoái. Chuyện thế này, trong một đêm ngâu sụt sùi, hơi may lành lạnh phảng phớt trước rằm trằn trọc mãi không ngủ được và khi thiếp đi chợt tôi thấy cô em gái của tôi chết đã mấy chục năm bỗng hiện về đứng lấp ló sau bụi dứa dại nơi đầu ngõ. Em vẫn nhỏ bé và gầy guộc như ngày xưa, quần áo có phần rách rới. Tôi gọi mãi em cứ đứng trân trân ở ngoài đường làng nhìn tôi mà không chịu đi vào ngõ. Khi tôi đi ra tới nơi thì em bỗng biến đâu mất tôi gọi mãi không được. Sau đó tôi giật mình tỉnh dậy buâng khuâng nằm nghe mưa buồn tới sáng.

Tôi kể lại chuyện này với mẹ, mẹ tôi nói thể là ở dưới âm còn nhiều người đói rét lắm nên quần áo nhà mình vẫn gửi xuống cho em nhưng đã bị ma đói ma rét người ta cướp mất. Vì thế em mới phải mặc quần áo rách, thế có tội không chứ. Rằm Tháng bảy năm ấy mẹ tôi mua nhiều đồ cúng, đồ lễ và vàng mã hơn mọi năm. Tôi biết, mẹ muốn gửi cho em, cho ông bà tổ tiên và dĩ nhiên cho cả các vong linh lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa nhiều hơn để dưới âm bớt phần nào đói rách. Bởi lẽ, trong tâm thức mọi người, dương sao âm vậy./.