Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẠ VŨ MỘT TÍNH CÁCH MÀ TÔI YÊU MẾN

Vinh Anh
Thứ năm ngày 30 tháng 7 năm 2009 7:35 PM

Tôi dến với văn chương muộn. Rẽ ngang mà. Biết tên tuổi Tạ Vũ từ lâu. Cùng sinh hoạt trong một câu lạc bộ mà ngại, không dám gặp. Với tôi, Tạ Vũ lừng lững. Tôi chỉ biết về ông qua bạn bè. Ngại mà. Nhìn vẻ ngoài của ông đã ngại rồi. Lênh khênh và dầu dãi. Mọi vết đời khó khăn đều ghi lại trên vóc dáng và hình hài của ông. Thấy ông là thấy một cuộc đời vất vả, lăn lộn sương gió. Nhìn cái dáng cao, hiu hắt có vẻ như đã cam chịu số phận an bài, với cái dáng đi dáng đứng lòng khòng khi tuổi về già, cứ thấy tồi tội thế nào ấy.
Đặc biệt cái kiểu nói bỗ bã, khi đã uống kha khá, ông như phớt hết mọi sự trên đời, kể cả những người cùng trang lứa xung quanh. Tạ Vũ đã nói là to, tiếng to, nhưng lại không phải nói cho tất cả mà cũng chẳng cho riêng ai, nó vẫn có vẻ lấn lướt, át những người khác. Người khác, trẻ hơn ông, ngại. Cái kiểu ngại không muốn dây. Tôi nghĩ thế.
Nhìn bề ngoài, người ta cũng dễ nể. Một ông già chính hiệu, chứ không phải chỉ già vì cái phom người, vì cái lận đận. Một chòm râu dài và bạc đập ngay vào mắt. Dân ta mấy ai để râu dài đâu chứ. Trông thấy người có râu dài là nghĩ ngay người đó ở bậc cha chú rồi. Ngoài ra còn bộ răng móm mém, thiếu mọt số cái, mái đầu nếu bỏ mũ ra, tóc không nhiều lắm, và tất nhiên cũng bạc trắng gió sương với bụi đời bươn bả. Nhìn dáng bộ đó, ai mà chẳng nể.
Thêm nữa, đã nói thì phải nói cho hết cái oai của Tạ Vũ. Với bất kể ai, Tạ Vũ đều xưng “mày tao”. Riêng cái khoản dùng đại từ nhân xưng như vậy cũng phải là một người có uy, có thế chứ. Mấy ai dám đột ngột “mày tao” với người mới quen!
Rồi một buổi đi điền dã trên Phú Thọ, về thăm căn cứ của cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Tiên Động, do Ngô Quang Bích lãnh đạo, tình cờ thôi, tôi ngồi với Tạ Vũ. Đúng là tôi không lọt mắt ông. Tạ Vũ tưởng tôi là dân viết của đất Trung du, được phân công cùng đi theo đoàn. Trong câu chuyện, Tạ Vũ đôi khi hỏi tôi về miền đất Trung du này. Tạ Vũ đối với tôi lừng lững là thế. Tôi cũng biết thân biết phận, với thái độ của ông, tôi không trách.
Tạ Vũ coi tôi như một thằng em, khi biết tôi cùng đoàn thơ văn của Hà Nội lên Phú Thọ. Ông kéo tôi ngồi cùng bàn, gọi đồ uống chứ không gọi đồ ăn. Tạ Vũ ăn rất qua loa, ăn nhưng lại không ăn, chỉ uống. Tôi giục ông ăn. Ông cầm đũa lên rồi lại đặt xuống. Một bữa ăn sáng có lẽ phải nhắc ông tới cả chục lần mà bát cháo buổi sáng không hết.
Những điều đó không để cho tôi quí và có ấn tượng tốt với Tạ Vũ. Tạ Vũ gây ấn tượng và nổi tiếng trong làng văn. Ai chẳng biết. Người quí Tạ Vũ cũng mỗi người mỗi kiểu. Đời mà, chiều hết sao được. Tôi thì tôi chưa biết quí gì ở Tạ Vũ.
Tôi chỉ mới biết sơ sơ “thời hiện taị” của Tạ Vũ. Nói là biết nhưng sao mà biết hết được. Làm thế nào để biết cuộc sống và thông cảm với cách sống của ông trong một thời gian ngắn. Đó là điều tôi muốn tìm hiểu. Muốn là vậy nhưng đâu có dễ. Cứ ngẫm như cái thân tôi, bỗng nhiên một ai đó muốn tâm sự, tìm hiểu về cuộc sống của mình, cũng khó đấy!
Cuộc đời Tạ Vũ không thiếu bạn bè. Người thương Tạ Vũ nhiều, người không thương cũng có. Tôi chỉ dám nói là không thương chứ không dám nói là ghét. Tạ Vũ sống thiếu tình cảm gia đình, hai tuổi mồ côi cha, sáu tuổi mồ côi mẹ. Cuộc đời thời thơ ấu là một chuỗi những ngày sống cô đơn: “nhà tôi ba tầng/đứng cô đơn trong dãy phố/nhà tôi mười người/sống cô đơn cùng nhau” là thế. Có phải vì sớm mất cha mất mẹ, thiếu cái tình cảm thiêng liêng đó mà cái tên bây giờ của ông chính là họ mẹ họ cha ghép lại.
Với tính phóng khoáng của con người quen với sương gió, phôi pha, lăn lộn với mọi tầng lớp cuộc đời, con người ấy có nhu cầu giao tiếp nhiều lắm. Điều đầu tiên tôi nhận biết về ông là thế.Mỗi lần đến kì sinh hoạt câu lạc bộ, Tạ Vũ phải bỏ hai chục nghìn đi xe ôm. Lúc về, nhờ bạn bè đèo về cho đỡ mất tiền. Nhưng với điều kiện hiện tại, với cái tuổi đã già, không thể chủ động đi lại bằng xe máy được cộng với địa chỉ nơi Tạ Vũ an cư rất chi là “bí hiểm và âm u” như câu thơ: “Nhà tạm/ngõ xa/âm u địa chỉ” mà Tạ Vũ đã viết, mới thấy hết cái khao khát và mong muốn được giao lưu của ông. Hình như tôi có cảm tưởng, những cuộc trò chuyện với Tạ Vũ không thể kết thúc, nếu như mình không chủ động, quyết dứt áo đứng dậy ra đi. Cứ tằng tằng đều đều, chuyện đời, chuyện bạn, chuyên thơ, chai rượu mà chị Điều mang ra vơi đến đáy lúc nào không biết.
Tạ Vũ thành danh sớm nhưng không thành đạt. Số phận con người thường là thế. “Cái danh”  đầu tiên tôi nghĩ nó là cái câu lạc bộ thơ tự phát hình thành những năm sáu mươi ở ngôi nhà số 1, phố Hàng Chiếu của chàng trai Hà thành chính hiệu Vũ Hùng. Ngôi nhà chứa đầy kỉ niệm của ông thời thơ bé, lọt vào cái không gian của “ba sáu phố phường”sầm uất và rất có giá ngày nay. Vậy mà, cuộc đời xô đẩy, Tạ Vũ hiện đang sống ở cái nơi “âm u địa chỉ”.
Nói đến Tạ Vũ là phải nói đến rượu và thơ. Rượu và thơ hình thành tính cách của ông trong cuộc đời. Có thể nói, Tạ Vũ được bạn vì thơ và mất bạn vì rượu. Bởi rượu mà gia đình Tạ Vũ đã có lúc chông chiêng. Chị Điều, người vợ, cả một thời đất nước gian nan, đói khổ suốt ngày ngồi cuốn thuốc lá để nuôi ông chồng nát rượu và đầu óc trên chín tầng mây, đi làm mà không biết đến lương, làm thơ đăng báo mà không biết nhuận bút. Bởi rượu mà đôi khi người ngoài cảm thấy ông sống có phần buông thả. Có bạn thơ nào của Tạ Vũ lại không uống rượu. Rượu vào thì thơ ra. Không ai yêu cầu, Tạ Vũ vẫn đọc. Già rồi, răng cái có cái không mà giọng đọc vẫn rõ rành. Những câu thơ tôi nghe từ miệng ông đọc ra chất chứa những nỗi đời nhọc nhằn và cả số phận đen bạc nữa. Ông dùng thơ để san sẻ bớt nỗi đau trần thế mà ông thấy lúc nào cũng cánh cánh bên mình. Thơ làm ông dịu đi nỗi buồn thất bại ở cuộc đời và làm ông tăng thêm sức mạnh để chống trọi với cuộc đời. Một người thật mà tôi thấy đúng là “vịn câu thơ” để đứng lên, để tồn tại.
Cuộc đời của Tạ Vũ thật nhiều éo le. Vốn xuất thân trong một gia đình khá giả từ đời ông nội của đất Hà thành, trở thành người lang bạt khắp nơi, làm đủ nghề, từ thày giáo đến thợ sơn vôi, từ người công nhân kích kéo cầu đường đến anh công nhân đường sắt. Mười năm làm việc mà không được biên chế, để cuối đời về nghỉ với tiêu chuẩn “một cục”. Cũng có nhiều người trách Tạ Vũ, bởi chẳng ai khác, chính Tạ Vũ cũng góp phần tạo ra cái sự “éo le” đó. Éo le vậy và khó khăn vậy nên bạn bè thương, mọi người tìm cách giúp đỡ và chính vậy, ở đây, Tạ Vũ bộc lộ tính cách “nhếch nhác nhà thơ” khiến ông cũng mất bạn. Bạn bè giận ông là phụ, thương ông là chính. Ai nỡ quay đi với một con người tốt tính, vô tư, chân thật như vậy. Cái chân thật của ông bộc lộ ra ngay cả lúc ông xin tiền. Ít thôi, chỉ năm, mười nghìn. Đủ để đi xe ôm về cái “địa chỉ âm u” của ông, hoặc mua một bao thuốc lá, nhưng nó vẫn cứ tạo ra cảm giác thế nào ấy. Đó là đức tính thứ hai tôi biết.
Nói về cái tính chân thật, Tạ Vũ nổi bật hơn nhiều bạn văn chương của ông. Đời nay, thật giả lẫn lộn khó lường lắm. Tạ Vũ là một người chân thật. Chân thật đến ngu ngơ và ngây thơ Ông không có cái ngoắt ngoéo chính trị. Thơ ông ngày trẻ phản ảnh cái không khí cuộc đời, sắc mầu cuộc sống người lao động thấm đẫm mồ hôi nhưng không cường điệu. Có thể, chất con người của ông như vậy. Không lên gân, không phụ hoạ dù là trong chiến tranh, cũng không lí tưởng hoá như đa phần các trang viết ngày đó. Chân thật là thế. Nhưng ngoài đời ông chân thật hơn. Đôi khi tôi nghĩ, có phải vì không thành đạt trong cuộc đờ nêni ông mới như vậy. Những người thành đạt trong cuộc đời, với tôi, nó vẫn có cái gì đó ngoắt ngoéo. Ông coi tôi như người bạn, bạn vong niên. Ông bảo tao quí mày vì mày chân thật. Tôi ngạc nhiên. Tôi không nghĩ tôi là người như thế. Chỉ có những người tâm hồn quá lương thiện mới nhìn con người trong suốt và vô tư như vậy. Nhưng tôi sợ cho ông, cũng có thể lắm, ông chân thật quá, lương thiện quá và cuộc đời với ông lão nhà thơ ngoài bảy mươi vẫn có thể có bất trắc như thường. Ông cười, nụ cười trút bỏ mọi sự phiền toái trên đời đã gắn bó với ông. Bộ râu dài bạc trắng của ông rung rung, mắt lơ mơ nhắm lại, tay vẫn cầm chén rượu. Một tứ thơ nào đến với ông chăng, ông hoa rau muống? Loại rau thân thuộc nhất với dân tộc ta, khi cằn cỗi lại nở ra mầu hoa sắc tím. Tím của sự thuỷ chung, hi vọng và vẫn đấy đau đáu một niềm tin. Tôi thấy trong cặp mắt lơ mơ của ông nói thế.
Tôi tìm sách giáo khoa để đọc lại bài “Ngày hè”. Nhiều thế hệ sau này mãi còn xúc động với những ngày hè được về quê như ông. Mong những ngày hè còn lại vẫn cứ tím ngắt mầu hoa rau muống. Cái mầu của dân dã đồng quê. Người làng quê vốn chân chất mà ông. Ông cũng mang trong mình mầu đồng quê chân chất đó.

Vinh Anh-13/07/09