Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Một vụ trộm và một vụ cướp thế kỉ

Trịnh Kim Thuấn
Thứ sáu ngày 25 tháng 4 năm 2014 9:49 PM

 

Riêng tặng   Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhà thơ Trần Nhuận Minh và cô Vũ Thị Phương Anh .

 Vụ Trộm : Mấy hôm nay có vụ trộm, giá trị tài sản không lớn, rát nhỏ, trị giá 20.000 đồng mà thôi, nhưng gây xúc động nhiều người.

Đó là vụ trộm sách : Bị làm nhục vì lấy cắp hai cuốn truyện

15/04/2014 04:45 (GMT + 7)

TT - Chỉ vì lấy hai cuốn truyện trị giá 20.000 đồng trong siêu thị, một học sinh đã bị bắt, trói chặt hai tay vào lan can, dán lên người dòng chữ “Tôi là người ăn trộm”. Hình ảnh phản cảm này ngay sau đó xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội.

 

Chiều 14-4 thầy Thái Duy Hằng, hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai), xác nhận người trong bức hình bị bêu xấu với tấm bảng có dòng chữ “Tôi là người ăn trộm” lan truyền trên mạng mấy ngày qua là S., học sinh của trường. “Chứng kiến học sinh bị như vậy thật sự hết sức đau lòng. Hai cuốn truyện chẳng đáng là bao, còn nhiều cách giáo dục khác nhưng giờ đây tất cả đã đi quá xa, một hành vi bêu xấu hết sức phản cảm và để lại những hậu quả lớn về mặt tâm lý” - thầy Hằng nói.

…………………………………………………………………….           Thái Bá Dũng

 Hủy hoại nhân cách của trẻ

Tội của đứa trẻ quá nhỏ so với hình phạt của người lớn. Với hành vi phạt đứa bé, người lớn ở đây đang gây nên “tội” và cái tội này quá lớn dù họ nghĩ họ vô tội, họ có quyền. Vậy là tội ăn cắp lại bị trừng phạt bằng một tội khác lớn hơn: tội hủy hoại nhân cách của một con người. Thay vì cảm hóa, người ta đã chọn cách dễ nhất là trừng phạt đứa trẻ mà không nghĩ rằng tổn thương này sẽ theo em suốt đời, không ai có thể lôi những ký ức đau buồn này ra khỏi đầu một đứa trẻ. Trừng phạt sẽ khiến đứa trẻ hoặc co lại, sợ hãi, hoặc sẽ hằn học, thù hận, đấu đá với xã hội, với cuộc đời.

Thạc sĩ xã hội học TRẦN ĐÌNH DŨNG. (TTO.)

 

Tiếp theo :

 

Phải truy tố bọn hành hạ cháu bé lấy 2 cuốn sách

Trần Nhuận Minh

Thứ tư ngày 16 tháng 4 năm 2014 1:54 PM

 Tôi rất đau lòng khi đọc báo Tuổi Trẻ, qua sự phản ánh của nhà báo Thái Bá Dũng , báo Hải Dương Điện Tử đăng lại ngày 15 / 4 / 2014, về nhóm người gồm bảo vệ Phan Văn Hải, kế toán Trần Thị Kim Oanh, và các nhân viên Cung, An, Tâm, ở siêu thị Vĩ Yên, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ngày 10 .4. 2014, một cháu bé gái học sinh trường THCS thị trấn Chư Sê, vào siêu thị, vì quá thích 2 quyển truyện tranh mà không có tiền mua, cháu đã lấy giấu trong người. Khi ra cửa bị phát hiện, đáng lẽ ra, nếu các cô Oanh, Cung An, Tâm... không ai còn lòng tốt của một người từng làm mẹ , mỗi người dám bỏ ra 5 000 đ, để có 20 000 đồng mua sách cho cháu, thì cũng nhắc nhở cháu, đừng có lấy trộm sách, rồi cho cháu về, đằng này các người  đã trói chân tay cháu bé vào lan can lại dán lên ngực cháu, dưới  khăn quàng đỏ cái bản chữ viết to: TÔI LÀ NGƯỜI ĂN TRỘM
Nhiều người có mặt ở đấy, xin cho cháu, yêu cầu thả cháu ra, nhưng nhóm này cứ trói cháu để làm nhục như vậy trước đông người. Bảo vệ Phan Văn  Hải còn chụp ảnh rồi tung lên mạng xã hội “cho vui”

Sau khi cha mẹ cháu, nhà rất nghèo, nộp phạt 200 000 đ và mua 20 000 đ 2 quyển truyện tranh ấy cho cháu, tâm trí cháu vẫn hoảng lọan, thường la hét, không dám đi qua siêu thị đó, không dám đến trường... Đây là nỗi sỉ nhục lớn, chắc chắn sẽ đi suốt đời cháu bé thành một tồn thương tinh thần không gì bù đắp được. Mà tổn thương tinh thần còn ghê gớm hơn tổn thương thể xác rất  nhiều
       Tôi đề nghị các ngành chức năng huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai vào cuộc, xem xét vụ việc một cách nghiêm túc để truy tố trước pháp luật nhóm người này về tôi bạo hành và sỉ nhục con trẻ

Trần Nhuận Minh            Nhà thơ. Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh

Ông Trần Nhuận Minh có nhã ý gởi tặng cho cháu bé gái kể trên số tiền 500.000 đồng để cháu mua sách đọc. Tôi có ý kiến : Qua quan hệ bạn hữu như Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai, ông chuyển tiền đến những người bạn nầy, nhờ vào nhà sách trên mua 1 số sách như : Sách học làm người, Tâm Hồn cao thượng, Người Việt cao quý …. không tặng cho cháu gái ( vì cháu còn tâm trí đâu mà đọc) mà tặng cho cô kế toán Oanh, anh Hải, Cung, An, Tâm …. Ông nhé !

 

Trường hợp các cháu học sinh vì bị nghị là trộm đồ vật hay tiền trong lớp học, cô giáo và Hiệu trưởng trường bắt các học trò nầy giao ngay cho Công An sở tại, gia đình không hay biết, đến khi hay biết thì các cháu tâm hồn hoảng loạn …., bỏ học . Chuyện nầy xảy ra nhiều, rất nhiều. Nay việc xảy ra tại Siêu thị Vĩ Yên, huyện Chư Sê – Gia Lai lại dã man hơn : Ở đây các nhân viên siêu thị tự cho phép mình là Công An và Toà Án, bắt ngay và không cần tra hỏi ,cho thi hành án : trói, buộc tay và đeo bảng : TÔI LÀ NGƯỜI ĂN TRỘM . Ôi ! Đất nước Việt Nam tôi ?

 

Đến nay được biết : các nhân viên siêu thị nầy đã đến nhà xin lỗi gia đình em học sinh nầy…. Nhưng sự xin lỗi nầy có đem sự bình yên tinh thần của em hay không ? Có trả lại sự ngây thơ, trong trắng trước đây của em hay không ? Tôi nghĩ : Cô Oanh, kế toán , anh Hải … họ có 1 mái ấm gia đình hay không ? họ có con hay cháu nhỏ hay không, mà họ nỡ hành xử như thế ? Tôi đồng tình với ý kiến Nhà thơ Trần Nhuận Minh phải khởi tố nhóm người nầy về tội “ bạo hành và sĩ nhục trẻ em”.

 

Hằng ngày cô Oanh, anh Hải, Cung, An, Tâm… đến siêu thị làm việc, trên đường đi quí vị có nhìn thấy nhà của ông Chủ tịch, Bí thư huyện Chư Sê… nhà của ông Bí thư tỉnh uỷ cùng các Phó bí thư và các ông Chủ tịch , Phó chủ tịch …

Họ có ăn cắp không ạ ? Xem báo có đọc bài Biệt điện của TTTra Trần Văn Truyền, Biệt thự của ngài Bí thư tỉnh Hải Dương….. Lương tâm hãy trả lời đi nhé !

 

Toà Án không sửa trị kẻ bị treo cổ mà dùng hắn để sửa trị những kẻ khác .

                                                         Mongte nhơ (Lời Vàng Danh Ngôn tr.298).

 

VỤ CƯỚP VĂN : Đó là chuyện của cô Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan, chuyện nầy nhiều người biết,  Cô Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan làm luận văn Thạc sĩ, được chấm đậu, nhưng sau 3 năm, nhà trường cho là không được, tổ chức Hội đồng chấm lại, kết quả : “rớt “ như thế có phải là Cướp Văn không ạ ! , nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ…. Đến độ các bậc nhân sĩ, trí thức nổi tiếng trên thế giới lên tiếng .

 

Bài luận văn :Vụ luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên không phải là việc mới. Cách đây hơn nửa năm, vụ này đã gây xôn xao dư luận, mà khởi đầu của nó là một loạt bài phê phán nặng nề nội dung cuốn luận văn đã hoàn tất trước đó 3 năm (và đạt điểm tuyệt đối 10/10) được đăng trên báo Văn Nghệ TP HCM. Dựa vào kinh nghiệm về những gì đã xảy ra từ trước tới nay, người ta lập tức đoán ngay rằng loạt bài ấy có lẽ nhằm mục đích chuẩn bị dư luận và là tiếng chuông báo hiệu một kết cuộc không lấy gì làm tốt đẹp cho tác giả của cuốn luận văn cũng như người hướng dẫn nó.Thật may (?), loạt bài ấy bộc lộ quá nhiều sơ hở trong lập luận nên hoàn toàn không thể thuyết phục được công chúng. Đã có những bài đáp trả lại những lập luận yếu kém của loạt bài tấn công, khiến cho công tác chuẩn bị dư luận của bài báo kia bị vô hiệu hóa.

 

Theo những nguồn tin bên trong mà tôi được biết, ngay từ lúc ấy người ta đã có ý định thành lập lại hội đồng thẩm định lại luận văn và tước bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên rồi. Nhưng có lẽ do hoàn cảnh bên ngoài không thuận lợi, nên người ta chỉ tố chức một buổi trao đổi về nội dung luận văn và sau đó Nhã Thuyên vẫn được (tạm thời) tiếp tục giữ tấm bằng thạc sĩ mà cô đã từng bảo vệ với số điểm tuyệt đối. (Trích Nhã Thuyên 8 câu hỏi về luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên – Vũ Thị Phương Anh)

 

Một luận văn văn chương bảo vệ xuất sắc nhiều năm về trước bất ngờ bị chấm lại, tác giả sau đó bị 'tước bằng', giáo sư hướng dẫn bị 'cho về hưu non' là những dấu hiệu bất thường của một quyết định hành chính 'chính trị hóa' và 'phi khoa học' theo một nhà phê bình văn học từ Việt Nam.

Hôm 23/3/2014, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng chính quyền đã có những hành xử không bình thường với luận văn "Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn học" và nhóm thực hiện gồm tác giả luận văn - giảng viên hợp đồng Đỗ Thị Thoan và người hướng dẫn luận văn, PGS. TS Nguyễn Thị Bình thuộc Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội 1.

Theo ông Nguyên, việc bà Bình, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, phải nhận quyết định 'về hưu non' năm năm trước khi tới tuổi, đồng thời giảng viên hợp đồng của Khoa, Đỗ Thị Thoan, bị cho chấm dứt hợp đồng có thể liên quan tới việc họ đã lựa chọn khách thể nghiên cứu là tác phẩm của các tác giả thuộc nhóm Mở Miệng, một nhóm không được nhà nước công nhận.

 

Tôi chưa bao giờ nặng lời về đàn ông Việt Nam. Vì tôi nghĩ như thế là vơ đũa cả nắm, và bất công. Vì tôi kính trọng cha tôi, yêu người đàn ông duy nhất của đời tôi, cũng như quý mến những người đàn ông khác là thầy, là bạn, là đồng nghiệp mà tôi biết.

Nhưng đọc xong những dòng "Thư cuối năm", cũng là entry gần đây nhất (dù đã cách đây hơn 3 tháng) trên blog của Nhã Thuyên, cô gái vừa bị tước bằng thạc sĩ ở ĐH SP Hà Nội (ai chưa biết có thể google để biết) rồi nhớ lại những gì người ta đã viết và đã làm với cô gái nhỏ ấy (trong độ tuổi 20, vừa bằng tuổi con tôi), thì tôi bỗng thấy vừa phẫn nộ vừa ghê sợ những gã đàn ông có liên quan đến "vụ Nhân văn Giai phẩm hiện đại" này. Và ghê sợ đàn ông Việt Nam nói chung, vì quả thật những gã đàn ông như vậy ở Việt Nam sao nhiều quá.

Thử nghĩ xem: Một bên là rất đông những kẻ có tuổi bằng cha cô ấy, có bằng cấp, có chức vụ, có quyền lực, có cả truyền thông và đám đông sẵn sàng hùa theo tung hô đả đảo. Một bên là một cô gái trẻ, yêu văn học, liều lĩnh tìm cho mình một con đường mới, chọn một góc nhìn mới, và nói lên những điều mình tin với một sự can đảm không ngờ. Cô ấy chỉ có một mình - hoặc đúng hơn, là còn một phụ nữ khác đồng cảnh ngộ, người hướng dẫn của cô ấy, bà Nguyễn Thị Bình, giờ đã bị buộc nghỉ hưu trong khi lẽ ra bà còn có thể làm việc thêm 7 năm nữa. Hai người phụ nữ chân yếu tay mềm, một thầy một trò, bị một bọn (xin lỗi về từ này) đàn ông xúm vào đánh hội đồng. Thật không thể tưởng tượng được.

Tôi nặng lời quá phải không ? Không đâu, hãy đọc những lời lẽ của Nguyễn Văn Lưu, Vũ Hạnh, Đông La... khi viết về Nhã Thuyên (có thể tìm trên mạng), rồi đọc lời lẽ trong bài viết của cô gái trẻ ấy, để đánh giá xem sự phẫn nộ và ghê sợ của tôi như trong những dòng chữ này đã đủ nặng nề chưa.

(Trích Những người đàn ông và cô gái nhỏ của Vũ Thị Phương Anh).

 

Thú thật nghe tranh luận trên mạng, thấy có bài của Phạm Xuân Nguyên, Trần Mạnh Hảo…. nhưng bài luận văn : “Vị trí của kẻ bên lề . Thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn học” thì chưa được đọc, thú thật nếu có đọc chưa chắc tôi đã hiểu !

Đến nay, sự thật đã phơi bày . “Biết rồi ! Khổ lắm ! Nói mãi “ Các bên đều lúng ta, lúng túng cả. Tôi xin bày mấy cách… Ổn  thoả cả thôi .

Cách thứ 1 : Cô Nhã Thuyên làm bản Luận văn ấy, đã được chấm đậu với số điểm cực cao. Trong ngày chấm thi gồm : ông Hiệu Trưởng và Hội đồng chấm thi đều có mặt . Phải vậy không ông Hiệu trưởng ? Văn bằng đã cấp, cô Nhã Thuyên cũng đứng trên bục giảng……. Bây chừ có mấy ông Giáo sư Chu Giang, Phong Lê, nhà văn Vũ Hạnh, Đông La …… không đồng ý , vì cho rằng bản luận  văn nầy vô cùng nhạy cảm, thì không nên chấm lại làm chi, chi bằng ta thu hồi lại, Nhà trường cùng Ban Tuyên giáo TW ra đề thi mới, để Nhã Thuyên thi tài, thử xem học lực, học vấn có đúng như thế hay không ?

Các đề thi gợi ý : 

- Hãy phân tích rõ nền văn học cách mạng tháng 8 và sự nổi loạn của nhóm Nhân Văn – Giai phẩm …..

- Trong văn chương có cần sang trọng và cao quí hay không ? Hãy nói rõ và dẫn chứng…….(gợi ý tấp thơ Việt Bắc, Ngục Trung thi tập …..)

- Bình tập thơ thế kỷ của đại thi hào Hoàng Quang Thuận “Thi vân Yên Tử” một tập thơ nặng nhát và to đùng nhất….. Thử đoán tập thơ nầy đoạt giải Nobel văn chương năm 2014 ?

- Ông Đỗ Minh Xuân đã sửa lại 1/3 truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, cùng đề tựa của GS.Vũ Khiêu, việc làm nầy xem ra được hay không ?

- Bà Tưng, Huyền Chíp, Ngọc Trinh, Lý Nhã Kỳ …. hãy nói về những cái được và những cái không được của những người đẹp nầy .

Cách thứ 2 : Sau khi thi lại, cô Nhã Thuyên được chấm đậu, tuỳ theo nhà trường có giữ Nhã Thuyên lại để giảng dạy hay không thì tuỳ, còn cô Nhã Thuyên tự tìm việc. Nếu được giảng dạy lại, các bài giảng của Nhã Thuyên đều được ngài Hiệu trưởng và Ban Tuyên giáo TW duyệt……. Tốt thôi ! Phải không quí vị ?

Cách 3 : Thu hồi quyết định nghĩ hưu sớm của bà Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình…..

Nếu ngài Hiệu trưởng Trường Đai học sư phạm Hà Nội thuyết phục được Ban Tuyên giáo TW làm theo mấy cách như trên, Ngài sẽ được hoan hô như Ngài Thủ tướng ra lệnh dừng tổ chức Asiad 2019 ấy ! Đồng thời Ngài khuyên GS. Chu Giang, GS. Phong Lê, nhà văn Vũ Hạnh. Đông La cũng nên dừng lại, đừng ném đá nữa …. Cô Nhã Thuyên còn rất trẻ, tuổi đáng cháu nội, cháu ngoại của các vị ấy .

Êm được thì cho nó êm đi ngài Hiệu trưởng ạ ! Ông thấy vị Tư lệnh của ông là Phạm Vũ Luận hiện giờ khó nuốt trôi cái dự án 34 ngàn tỷ đồng. Thiên hạ bảo rằng 34 ngàn tỷ đồng là đường cong mềm mại đó hay sao ? Đồng thời các Học giả, nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước họ sẽ rút lại các bản kiến nghị, kiến cò thôi !

Có mấy vị GS và nhà văn nổi tiếng ví von : Vụ Nhã Thuyên tương tự vụ án Nhân Văn – Giai phẩm ngày nào… nhưng Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan …. đều được xoá án kia mà . cuối đời các bậc tiền bối sống trong vui vẽ và ra đi thanh thản… danh dư được phục hồi phần nào… Có 1 câu nói : Cánh cửa nhà giam mở ra thời đóng lại đươc. Cánh cửa văn hoá khi đã mở thì không đóng lại được ?

Tôi còn nhớ câu nói của GS. Ngô Bảo Châu khi được hỏi : Danh đã thành, thì theo GS nên đi theo lề nào ? GS. Trả lời “ Tôi là con người, không phải là con cừu….” Câu trả lời nầy, nếu GS. Ngô Bảo Châu tốt nghiệp bằng tiến sĩ loại xuất sắc nhất ở trong nước, thì sau câu trả lời nầy , văn bằng nầy cũng bị thu hồi hoặc chấm lại mà thôi.

-       Rằng hay thì thật là hay .

-       Nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào …. ( Kiều . Nguyễn Du )

       Trộm Sách và Cướp Văn  thế kỷ là thế.

22/4/2014 TRỊNH KIM THUẤN