Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HOÀNG DÂN bình thơ ĐƯỜNG VĂN

Hoàng Dân
Thứ năm ngày 24 tháng 4 năm 2014 5:29 AM

HOÀNG DÂN bình thơ ĐƯỜNG VĂN

                  

 

                                         NHỚ, QUÊN?!


 

- sao thầy nhớ tên em,

Sau bao năm tháng triền miên xa rồi?

 

Em cười, lúng liếng nhìn tôi,

Tự nhiên lúng túng, bồi hồi quay đi…

 

- Có gì đâu! Chẳng nhớ chi!

Chiều mưa xuân ấy em thì đã quên!

Vô tình một khắc vào tim…

                                      

                                               17.2.2006

      (Trích Tuyển thơ ca  Lá nhặt cuối chiều (2014)

 

      * Bình  của HOÀNG DÂN

 

Thầy giáo và học trò (cố nhiên phải là nữ sinh!) thường có ba mối quan hệ. Đó là: quan hệ thầy - trò (qui phạm), quan hệ xã hội (các công dân bình đẳng) và quan hệ giới tính (nam - nữ). Ranh giới giữa ba quan hệ này là cực kì mong manh, chúng luôn đan xen vào nhau, xuyên thấm vào nhau và thẩm thấu nhau…

Thường thì trên bục giảng, ranh giới này tường minh, nghiêm ngặt; nhưng khi đã rời khỏi bục giảng, ra khỏi cổng trường thì quan hệ xã hội là chủ yếu. Còn khi học trò đã học xong khoá học thì với độ lùi thời gian càng xa, quan hệ thầy - trò càng mờ nhạt; nhưng quan hệ xã hội lại có thể tiếp tục được củng cố và phát triển. Trong quan hệ xã hội phát triển ấy có quan hệ cá nhân khác giới. Trong thực tế, việc một số thầy và nữ sinh sau này nên vợ nên chồng đâu phải là ngoại lệ? Ngoài ra, còn không ít những tình cảm âm ỉ cứ đeo bám suốt cuộc đời cả thầy lẫn trò; và nếu có cơ hội là có thể… bùng nổ! Những kẻ ngoại đạo và nông nổi có thể cho rằng thứ quan hệ tù mù này là mất nết, là hư hỏng! Xin thưa, thầy và trò chỉ là những “vai xã hội” đầy tính ước lệ, còn cái “vai” mà trời sinh ra mới là vĩnh cửu. Đó là “vai con người” với một trái tim ấm nóng và vô cùng nhạy cảm, yếu đuối.

Nói hơi dài như trên để khẳng định bài thơ NHỚ, QUÊN của Đường Văn là một lời giãi bày chân thành.

- Vì sao thầy nhớ tên em

Sau bao năm tháng triền miên xa rồi?

Câu hỏi của cô học trò thật đáng yêu và cũng thật oái oăm!

Chỗ này tôi xin có lời bàn theo lối “lòng vả cũng như lòng sung”: có thể em không biết rằng, ngay từ cái nhìn đầu tiên, thầy đã “chết” trước em, rồi sau đó, cứ mỗi giờ lên lớp, thầy lại kín đáo ngắm em, một kiểu ngắm vừa công khai vừa vụng trộm… Nhưng dù sao thì em cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho mỗi giờ dạy của thầy. Vì thế mà thầy nhớ tên em, nhớ em và không bao giờ quên tên của em được! Trong nỗi nhớ ấy có cả tình thầy trò, tình yêu và lòng biết ơn nữa đấy, em ạ!

- Có gì đâu! Chẳng nhớ chi!

Chiều mưa xuân ấy em thì đã quên!

Lời đáp của ông thầy khá “cáo” và hóm! Khi cô học trò ngạc nhiên (hay giả vờ ngạc nhiên?) về việc thầy vẫn nhớ tên mình thì chính ông thầy lại giật mình giống như tâm trạng của kẻ bị bắt quả tang là có tình ý gì đó có vẻ thiếu trong sáng? Nhưng vốn là kẻ “đầy mình kinh nghiệm” nên thầy đã ngay lập tức chối phắt “Có gì đâu! Chẳng nhớ chi!”, nhưng lại cài một ý thật tình tứ: “Chiều mưa xuân ấy em thì đã quên!”.

Có một buổi chiều (cái nôi cho mọi cuộc tình), lại là chiều mưa (người ta buộc phải xích lại gần nhau hơn) và là mưa xuân (đủ chút lạnh khiến ta có nhu cầu ủ ấm cho nhau)…, với chừng ấy cái trời cho mà hai kẻ khác giới “tình trong như đã…” không biết tận dụng để… đốt cháy nỗi đam mê trần thế thì đúng là… thần kinh có vấn đề! Tất nhiên có thể chỉ là một tình yêu đơn phương, thầy yêu trò nhưng chưa đủ can đảm để đổi từ vai “thầy” sang vai “anh”. Còn trò “thì đã quên” cái “chiều mưa xuân ấy”! Tại thời điểm cái buổi chiều trong kí ức ấy, trò không có lỗi gì, vì em còn quá ngây thơ, quá hồn nhiên trước một ông thầy từng trải trong trường tình bể ái! Nhưng “sau bao năm tháng triền miên xa rồi”, nay bất ngờ gặp lại thầy, thấy thầy vẫn nhớ tên mình thì trò chợt hiểu và cảm nhận được tấm lòng của thầy…Một chút ngạc nhiên và xúc động thấp thoáng trong ánh nhìn và nụ cười của em…

 

Ở đời, khối óc có lí lẽ của khối óc, trái tim có lí lẽ của trái tim; chẳng nên đem lí lẽ của khối óc áp đặt cho trái tim; bởi xét cho cùng, tình yêu làm gì có lí lẽ? Và trong tình yêu, ai lại dở hơi dùng lí sự để tranh hơn thua bao giờ?!

                                                                                        

                                                                                 

                                                                              Thạch Bàn – Long Biên – Hà Nội,

                                                                                                Tối 18.4.2014.