Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thấy gì về cách ra đề văn dạng mở của Trung Quốc?

Trần Quốc Thường
Thứ tư ngày 16 tháng 4 năm 2014 8:19 PM

 

                                                    

                             Ảnh: Tác giả chụp chung với cố  GS Phan Trọng Luận tại Hội thảo về dạy văn-học văn.


         Gần 1 tháng nữa là đến kì thi tốt nghiệp THPT, việc ra đề Ngữ văn dạng mở vẫn còn được đưa ra thảo luận nên hay không? Tôi muốn trao đổi vài điểm về dạng đề mở mà người Trung Quốc đã làm gần đây, ít nhiều sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này và đồng thuận với ngành Giáo dục khi họ đưa ra dạng đề mở trong kì thi sắp tới là quyết định đúng.

      Người Trung Quốc hiện nay ra đề không rập khuôn, cứng nhắc. Không như ta học gì thì ra đề, thi nấy. Cuối năm thi TN, CĐ ĐH luôn có hạn chế chương trình: “Chủ yếu kiến thức nằm ở lớp cuối cấp bài nào chưa học thì không được ra đề vào bài đó.  Giáo viên nào ra đề ngoài các văn bản đã học sẽ bị khiển trách, kỉ luật, học sinh có khi ghi cả vào bài làm của mình câu: bài này em chưa được học.  Quay đi quẩn lại chỉ có mấy văn bản đã học mà khai thác, mấy kiểu bài quen thuộc mà làm, thật là nhàm chán. Dạng đề “truyền thống” thường kèm theo những “mệnh lệnh”, gợi dẫn về thao tác lập luận như: “hãy chứng minh…”, ( hãy làm sáng tỏ...) “hãy phân tích…”,( Em hiểu…) “hãy giải thích…”, “hãy bình luận”…; hoặc phương thức biểu đạt như: “hãy phát biểu cảm nghĩ”…, “hãy kể…”.  Từ đó nạn văn mẫu, học tủ, luyện thi nhiêu khê ra đời.

      GS Phan Trọng Luận đã đánh giá: "Cái dở nhất của đề thi Văn hiện nay là chủ yếu nhắm đến khâu tái hiện kiến thức theo kiểu "nhớ lại" chứ không chú ý đến vận dụng kiến thức của học sinh", "quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy kiểu đề với mấy chủ điểm quen thuộc: không bình giảng thì phân tích, không phân tích thì chứng minh, không chứng minh thì cao hơn là bình luận. Trở đi trở lại cũng chỉ có mấy bài thơ, mấy đoạn trích quen thuộc".

       Đề của người Trung Quốc ra luôn mở ra một chân trời sáng tạo cho học sinh. Học sinh được cởi trói trong cách nghĩ. Từ cách đặt tiêu đề cho bài viết của mình đến tự do bày tỏ quan điểm, hướng khai thác, cách cảm thụ, cách  chọn thể loại để viết. (một vài đề trừ thể thơ ca) Họ chỉ hạn chế số chữ tối đa, hoặc tối thiểu cho một  bài viết. (Thông thường là phải xấp xỉ hoặc trên 800 chữ cho một bài viết). Nội dung đề cũng rất mở, mở ra một không gian rộng lớn để phát huy tính tự do sáng tạo của học sinh. Văn học thực sự bước ra khỏi tháp ngà để đi vào hoà nhập với cuộc sống hiện thực. Đề ra ở Trung Quốc ít khi  lấy ở các bài đã được thầy dạy trên lớp, trong chương trình năm học, cấp học nào. Đề của họ ra dựa trên trình độ, vốn hiểu biết của học sinh về văn học sử, lí luận văn học, kiểu bài, tác giả, tác phẩm … đã được giáo viên ở cấp học đó cung cấp. Đề của họ không thuần tuý kiểm tra tái hiện kiến thức, mà chủ yếu kiểm tra sự sáng tạo của học sinh; kích thích học sinh tìm ý tưởng, mạnh dạn phát biểu chính kiến của mình. Các đề nghị luận văn học hầu hết không ra về các tác giả nằm trong chương trình, đề nghị luận chính trị đều lấy từ thực tế của cuộc sống cả. Phải chăng quá “tả” so với cách ra đề của ta những năm qua?

         Đề ra dưới đây ở Trung Quốc các em HS  có thể chọn văn miêu tả, văn chứng minh, phân tích hoặc văn nghị luận để làm bài.

        ( Thử tìm hiểu đề văn ra năm 2009 )

 Đọc đề bài dưới đây:

“Tế vũ thấp y khan bất kiến. Nhàn hoa lạc địa thính vô thanh (tạm dịch: Mưa mong manh thấm áo nhìn không tỏ. Hoa rụng đất nhẹ nhàng nghe không thấu) là câu thơ trích trong bài Biệt Nghiêm Sĩ Nguyên (tạm dịch: Tặng Nghiêm Sĩ Nguyên khi từ biệt ) của nhà thơ đời Đường Lý Trường Khanh.

Có những lý giải khác nhau như sau về bài thơ:
1/ Đây là bài thơ ca ngợi vẻ đẹp mùa xuân.
2/ “Mưa mong manh”, “cánh hoa rụng” đặc tả nỗi cô đơn không người thấu hiểu. 

3/ “Nhìn không tỏ”, “nghe không thấu” không chỉ thái độ sống buông xuôi, mà thể hiện cách xử thế không màng danh lợi.
4/ Quan niệm sống trong bài thơ không còn thích hợp với cuộc sống ngày nay...

 Bằng cảm nhận của riêng mình về hai câu thơ, anh /chị hãy viết một bài văn theo những yêu cầu sau:

1. Đề bài tự đặt.

2. Thể thức hành văn không giới hạn.

3. Bài văn không dưới 800 chữ.

Tác giả Lý Trường Khanh chỉ được chọn giới thiệu trong sách giáo khoa cấp tiểu học qua một bài thơ khác của ông. Ông không phải là một tác giả đời Đường quen thuộc nổi tiếng và tiêu biểu như Lý Bạch, Đỗ Phủ.

    Các em thí sinh mười mấy tuổi liệu có thể trong một thời gian ngắn thông hiểu câu thơ được viết từ nghìn năm trước hay không? nắm bắt được cái thần của bài thơ mình chưa từng đọc qua? Liệu có thể giải thích “mưa nhỏ”, “hoa rụng” có nội hàm gì? Ai oán, u sầu hay tươi đẹp mộng mơ? Ở nước ta GS Nguyễn Khắc Phi và nhóm cộng sự mớí đưa mấy bài thơ Tứ tuyệt  Đường luật vào chương trình THCS mà có người đã chỉ trích các nhà soạn sách giáo khoa đưa nó vào dạy là xa lạ, khó hiểu với học sinh thời nay mới 13-14 tuổi đầu. Nếu ai ra đề lấy một bài thơ Đường học sinh chưa được học thì sẽ bị la ó đến mức nào?

Người ra đề trên đã chỉ hẳn cho học sinh bốn hướng đi, bốn cách lý giải. Học sinh được tự do chọn cho mình một ý hợp với mình để phát triển, mở rộng bài viết. Nếu chỉ đơn thuần phân tích từ hai câu thơ này (không sử dụng các dẫn chứng từ các bài thơ khác), với lý giải (1) học sinh có thể sử dụng lối văn miêu tả, tả cảnh mùa xuân đẹp, hấp dẫn lòng người, từ đó có thể tán dương vẻ đẹp mùa xuân như biểu tượng một xã hội.

  Những học sinh nào chọn ý (2), (3) có thể sử dụng văn chứng minh và phát biểu cảm nghĩ để so sánh và đối chiếu quan niệm sống, giá trị biểu cảm, cách nhìn giữa xưa và nay. Những học sinh nào chọn cảm nhận (4) có thể dùng văn nghị luận để làm bài.

  Như thế, đề thi văn này đưa ra hai câu thơ  tuy rất xa lạ với học sinh nhưng nó hoàn toàn là một đề mở. Chỉ trong một đề thi thôi mà đã đưa ra cho học sinh chọn bốn cách viết với nội dung khác nhau. Từng học sinh có thể chọn cách thức hành văn thuộc sở trường của mình (văn tả, văn phát biểu cảm nghĩ, văn phân tích hay văn nghị luận) để phát huy bút lực, khả năng của mình. Một đề văn thật sự tôn trọng tự do học sinh.

 Ở nước ta trước đây ai ra đề thi nằm ngoài chương trình thì bị coi là ra lạc đề, sai đề, thậm chí sẽ bị báo chí chỉ trích, bị ngành kỉ luật. Ai dám ra đề văn miêu tả cho học sinh THPT, ra về một văn bản, văn học cổ chưa học trong chương trình  như đề trên ở Trung Quốc?

      Nói vậy chứ gần  đây ở  nước  ta cũng  đã  xuất  hiện  một  số  đề  dạng  mở, nhưng GV bậc  phổ  thông hầu như vẫn chưa quen với  dạng  đề  này. Những nỗi “ám ảnh” về dạng đề truyền thống vẫn còn khá dai dẳng trong một bộ phận không ít ở giáo viên chúng ta hiện nay. Do đó, trước sự xuất hiện của những câu hỏi “mở” trong đề thi ở những kỳ thi có tính chất quan trọng, đã xuất hiện những ý kiến thái độ khác nhau. Nhiều giáo viên, học sinh tỏ ra thích thú, háo hức. Một số khác lại tỏ ra ngỡ ngàng, lúng túng, băn khoăn. Thậm chí, còn có những phản ánh cho là “đề thi lạ”, “đề thi khó” hay “đề thi có vấn đề”.  

      Vì thế vẫn còn những người “lưu luyến” với dạng đề “truyền thống”. Họ cho rằng: đề “mở” là dạng đề quá mới mẻ, hoàn toàn khác so với cách ra đề thi từ trước tới nay. Vì thế nó sẽ gây khó khăn cho học sinh khi làm bài. Học sinh  khó xác định đúng trọng tâm yêu cầu của đề cũng như không biết nên bắt đầu viết từ đâu.

      Thực ra, trong chương trình SGK mới, từ cấp THCS, đề thi theo dạng “mở” đã được học sinh tiếp cận. Chẳng hạn: SGK Ngữ văn 6, tập 1, trang 47 nêu một số đề: “Ngày sinh nhật của em”, “Kỷ niệm ngày thơ ấu”; SGK Ngữ văn 7, tập 1, trang 88 cũng giới thiệu một số đề: “Loài cây em yêu”, “Vui buồn tuổi thơ”; SGK Ngữ văn 8, tập 1, trang 37, dạng đề “mở” lại tiếp tục xuất hiện: “Tôi thấy mình đã khôn lớn”, “Người ấy sống mãi trong lòng tôi”. Tương tự, SGK Ngữ văn 9, tập 1, trang 42 cũng có các đề: “Một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em”, “Cây lúa Việt Nam ”… Những kiểu đề “mở” như trên cũng đã xuất hiện trong chương trình SGK ở các lớp bậc THPT. Đến năm học 2008 – 2009 vừa qua, học sinh lớp 12 đã được học chương trình SGK bộ mới. Như vậy, việc học sinh “chưa quen” còn “bỡ ngỡ” với dạng đề “mở” phải chăng là do giáo viên chưa cho học sinh “làm quen” hay là do chính giáo viên “chưa quen” với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá?! Chúng ta những giáo viên văn, tại thời điểm này về ý thức nhất thiết phải đoạn tuyệt với lối ra đề văn truyền thống, từng bước làm quen với dạng đề mở.

     Đổi mới việc ra đề thi phải được tiến hành song song, đồng bộ với việc đổi mới phương pháp dạy - học văn trong nhà trường. Phải xem việc đổi mới cách dạy và cách học văn là tiền đề để tạo ra cái nền vững chắc cho việc đổi mới đề thi. Và khi đề thi đã đổi mới, thì nó lại có tác dụng trở lại củng cố cách dạy và cách học văn mới.

      Những năm qua chúng ta đã tạo ra được những "bước đệm" để giáo viên học sinh quen dần với cách dạy - học mới, thích ứng với những đề kiểm tra và cách đánh giá mới, từ đó sẽ có thể tiếp nhận dễ dàng, không bỡ ngỡ trước những đề văn mới, hơn thế còn thích thú với những đề văn này.  Năm học này Bộ GD&ĐT đã quyết rồi thì cứ mạnh dạn ra theo hướng đề mở, nhưng có độ khó vừa phải. Thực tế các phương tiện truyền thông, các cấp học trong ngành giáo dục cũng đã tuyên truyền từ lâu rồi, ta không nên trì hoãn nữa.