Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Về một nghị quyết lịch sử

T.S. Lê Trung Nguyệt*
Thứ tư ngày 9 tháng 4 năm 2014 9:52 PM

T.S. Lê Trung Nguyệt*

   

Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc có một sự trùng lặp ngẫu nhiên thú vị. Đó là con số 15 - liên quan tới hai nghị quyết quan trọng của Đảng: Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng khóa II năm 1959 về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng miền Nam sang đấu tranh vũ trang và Nghị quyết 15 của Trung ương cục miền Nam ngày 29-3-1975 về “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”.

Trung ương Cục miền Nam (TWC) đã được thành lập từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị (BCT), TWC đã luôn phát huy tinh thần cách mạng tiến công, bám sát thực tiễn, chủ động và sáng tạo đề ra những chủ trương và biện pháp đúng đắn nhằm giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Kế hoạch mùa khô 1975 đã được TWC hướng dẫn chuẩn bị từ tháng 8 năm 1974. Ngày 30 tháng 9 năm 1974, BCT bắt đầu họp bàn nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước trong hai năm 1975-1976. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, tình hình trên chiến trường miền Nam đã có những chuyển biến mới. Chính quyền Thiệu tuy còn lúng túng, dè dặt trong đối phó, nhưng cũng chưa tung hết lực lượng để đối phó với ta. Còn ta đã có thắng lớn bước đầu, song cũng chưa thể đánh giá hết các nhược điểm của địch. Trung ương đã có chủ trương sẽ tăng mức chi viện và đưa thêm đơn vị mới vào chiến trường miền Nam. TWC hiểu được ý định chiến lược của

Trung ương đối với mùa khô này và thời gian tiếp sau đó, tuy nhiên, với

 

* Nguyên Trưởng phòng Khoa học Chính trị Viện Nhà nước & Pháp luật

tương quan lực lượng và tình hình cụ thể trên chiến trường, nếu TWC sớm có thêm lực lượng dự bị thì có thể triển khai kế hoạch mùa khô mạnh tay và giành chiến thắng lớn hơn, chẳng những có thể vững vàng chống phản kích mà còn có sức phát huy những thành quả đã đạt được và sẵn sàng chớp thời cơ giành những thắng lợi đột xuất. Vì vậy, trong khi Bộ Chính trị đang họp để ra Nghị quyết “Về quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam” (Nghị quyết này được Bí thư thứ nhất Lê Duẩn ký ngày 20-1-1975)[1], thì ngày 15 tháng 1 năm 1975, căn cứ vào tình hình cụ thể ở chiến trường và để chớp thời cơ, TWC đã có điện số 99/B01 gửi BCT kiến nghị: “…chúng tôi đề nghị BCT xem xét lại, nếu có cách điều chỉnh thì cho sư mới vào sớm hơn ngay đầu năm nay, chúng tôi càng có điều kiện chủ động, vừa tăng cường cho hướng đồng bằng, vừa bảo đảm hoạt động mạnh mẽ ở miền Đông nhằm hỗ trợ trực tiếp cho đồng bằng và chuyển mạnh vùng phía Đông của Sài Gòn[2].

Nhờ chủ động thực hiện tấn công tổng hợp trong đợt 1 kế hoạch mùa khô 1975 của TWC, tới cuối tháng 2 năm 1975, ta đã giành được những thắng lợi to lớn trên chiến trường miền Nam. Ta đã giải phóng và làm chủ trên nhiều vùng đông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, đã mở ra những địa bàn căn cứ và hành lang quan trọng gồm nhiều huyện lỵ và tỉnh lỵ Phước Long ở phía Bắc và Đông Bắc Sài Gòn, làm cho vùng giải phóng và căn cứ địa phạm vi B.2 thêm rộng lớn hoàn chỉnh với dân số 1.800.000 dân (giải phóng hơn 600.000 dân trong đợt 1, bằng dân số giải phóng khi có Hiệp định Pari và bằng dân số giải phóng 11 tháng của năm 1974)[3]. Thắng lợi này đã góp phần tạo ra thế và lực mới cho cách mạng miền Nam.

Để truyền đạt “Chỉ thị số 02/CT.75 của TWC” về “chỉ đạo đợt 2 nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch mùa khô năm 1975”, ngày 2 tháng 3 năm 1975, Thường vụ TWC đã có điện: “Gửi các Khu ủy, các Tỉnh ủy, anh Sáu Mạnh, Quân ủy Miền và các Ban, Ngành”, trong đó đánh giá đợt 1 thực hiện kế hoạch mùa khô 1975 và những khả năng triển vọng tới, đồng thời xác định rõ những yêu cầu xây dựng và chỉ đạo kế hoạch đợt 2. Trong bức điện này, bên cạnh việc đánh giá đầy đủ những thành tích ưu điểm của lãnh đạo và chỉ đạo đợt 1, Thường vụ TWC cũng đã “nghiêm túc phân tích sâu sắc những khuyết nhược điểm dưới ánh sáng của tình hình mới”. Bức điện nêu rõ: “cần xem xét phê phán những nhận thức tư tưởng chưa chuyển kịp với sự phát triển của tình hình, do đó còn rất nhiều cán bộ, đảng viên, nhiều đảng bộ và cơ quan đơn vị chưa thể hiện được sự kiên quyết, táo bạo, rất khẩn trương và linh hoạt tích cực trong tấn công địch cũng như xây dựng thực lực mọi mặt của ta để đảm bảo liên tục phát triển tấn công giành thắng lợi tối đa”[4].

Ngày 29-3, Đà Nẵng được giải phóng và cũng trong ngày lịch sử này, Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 15 đã thông qua Nghị quyết đặc biệt, trong đó khẳng định: “…Cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam không những đã bước vào thời kỳ phát triển nhảy vọt, mà thời cơ chiến lược để tiến hành cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam thực hiện thống nhất nước nhà… Tất cả hãy vươn lên với khí thế táo bạo, thần tốc, quyết chiến và quyết thắng. Tất cả cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch. Toàn thắng ắt về ta”[5].

Trong Điện “Gửi anh Bảy Cường (đ/c Phạm Hùng)” hồi 16 giờ 30 ngày 29-3-1975, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: “Tôi rất đồng ý với các anh là lúc này cần hành động hết sức kịp thời, kiên quyết và táo bạo. Trên thực tế, có thể nói chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu từ đây.

Trong khi gấp rút xúc tiến thực hiện quyết tâm chiến lược đã định, tôi nhấn mạnh một điểm cấp thiết phải làm ngay là mạnh bạo tăng thêm lực lượng thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược phía Tây Sài Gòn, ở vùng Mỹ Tho, Tân An.”[6]

Còn trong Điện “Gửi anh Bảy Cường (đ/c Phạm Hùng), anh Sáu (đ/c Lê Đức Thọ, anh Tuấn (đ/c Văn Tiến Dũng)” hồi 14 giờ ngày 01-4-1975, đồng chí Lê Duẩn khẳng định:

“2.Cách mạng nước ta đang phát triển “một ngày bằng hai mươi năm”. Do vậy Bô Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc…”[7]

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị đứng đầu là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, căn cứ vào thực tiễn ở chiến trường, TWC đã chủ động và sáng tạo đề ra những chủ trương kịp thời nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả ba thứ quân trên cả ba vùng chiến lược vùng lên “đánh cho ngụy nhào”. Nghị quyết đặc biệt tại Hội nghị lần thứ 15 của TWC ngày 29-3-1975 đã khẳng định tư tưởng “táo bạo, thần tốc, quyết chiến và quyết thắng” trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tư tưởng này đã được Bí thư thứ nhất Lê Duẩn trích dẫn, đưa vào trong ngoặc kép trong Điện “Gửi anh Bảy Cường (đ/c Phạm Hùng), anh Sáu (đ/c Lê Đức Thọ, anh Tuấn (đ/c Văn Tiến Dũng)” hồi 14 giờ ngày 01-4-1975 như đã nêu ở trên. Sự trích dẫn chuẩn xác này là một cử chỉ văn hóa chính trị có tính nguyên tắc của Đảng.

Tiến tới kỳ niệm 40 năm Đại thắng mùa Xuân năm 1975, mong rằng cần tiếp tục khẳng định trên các phương tiện thông tin đại chúng bản quyền về quyết tâm chiến lược “táo bạo, thần tốc, quyết chiến và quyết thắng” là của TWC - đứng đầu là Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Hùng, nêu trong Nghị quyết đặc biệt lần thứ 15 ngày 29-3-1975 về “Tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Tôn trọng sự thật lịch sử là yêu cầu cơ bản của văn hóa chính trị và cũng là nguyên tắc đầu tiên đối với công tác nghiên cứu, tuyên truyền và giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng đầy hy sinh anh dũng của dân tộc ta./.

 

 

 

VỀ MỘT HỘI NGHỊ LỊCH SỬ

                                                          T.S. Lê Trung Nguyệt

Đảng giao cho Bác trực tiếp lãnh đạo. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, v.v. thì phụ trách việc tổ chức, huấn luyện chỉ huy[8] (Hồ Chí Minh).

“Ta không chủ quan, khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn…

Bởi vậy, về chiến lược, chủ lực của ta phải lấy vận động chiến làm chính, nhưng vận động chiến cơ động, linh hoạt. Dùng vận động chiến cơ động, linh hoạt tiêu diệt từng miếng một của địch, không phải đánh ào ạt, tiêu diệt luôn một lượt[9] (Trường Chinh).

                                                                 *

                                                             *      *

Thắng lợi Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 do Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo trên tất cả các phương diện chính trị, quân sự và ngoại giao, trong nước và quốc tế. Ngay từ tháng giêng năm 1953, Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ tư (khoá II) từ ngày 25 tới ngày 30 để đưa ra các quyết sách quan trọng về cuộc tiến công chiến lược đó.

Trong Báo cáo khai mạc Hội nghị lịch sử này, Bác Hồ đã phân tích rõ ràng tình hình thế giới và trong nước, đồng thời đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong “Lãnh đạo kháng chiến và chính sách quân sự” trong thời gian tới. Người chỉ rõ: “Để đánh thắng thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ và lũ Việt gian bù nhìn chó săn của chúng, ta phải có một quân đội nhân dân thật mạnh và luôn luôn tiến bộ”. Bên cạnh khẳng định những mặt tiến bộ của quân đội ta sau những lớp chỉnh huấn, Bác Hồ cũng đã thẳng thắn phê bình: “Tuy vậy, một số đơn vị còn mắc những khuyết điểm như: ham đánh to, ăn to, chủ quan khinh địch, tự kiêu tự mãn, tổ chức quá kềnh càng, chế độ tài chính không chặt chẽ, ham chuộng hình thức, cán bộ chưa biết thương yêu chiến sỹ như anh em ruột thịt… Từ nay quân đội ta phải quyết tâm sửa đổi những khuyết điểm ấy.”[10]

Trong “chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự”, Người yêu cầu phải làm 10 việc cụ thể, trong đó có:

“7. Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội.”[11]

 “10. Cần phải tăng cường và cải thiện dần dần việc trang bị cho bộ đội, nhất là xây dựng pháo binh.[12]

Cũng tại Hội nghị lịch sử này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trình bày Báo cáo của Trung ương, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạophương châm đánh chắc tiến chắc cho toàn bộ cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954: “Ta không chủ quan, khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn…

Bởi vậy, về chiến lược, chủ lực của ta phải lấy vận động chiến làm chính, nhưng vận động chiến cơ động, linh hoạt. Dùng vận động chiến cơ động, linh hoạt tiêu diệt từng miếng một của địch, không phải đánh ào ạt, tiêu diệt luôn một lượt.[13]

Trong khi HNTW4 đang họp, để tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Trung ương Đảng đối với quân đội và đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng “quân đội nhân dân thật mạnh và luôn luôn tiến bộ” chuẩn bị cho chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, ngày 29/1/1953, Bác Hồ đã tới dự Hội nghị tổng kết chiến dịch Tây Bắc và trực tiếp huấn thị:

“Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác bằng lòng các chú lần này nhưng chưa phải là hoàn toàn, nhưng hơn mọi lần trước.

Nhưng các chú còn có những khuyết điểm sau:

1…2…3…Không nên tách riêng chiến dịch Tây Bắc mà xem. Từ biên giới chuyển đến đồng bằng, có chú hoang mang, nhưng Trung ương Đảng bảo đánh thì các chú đánh được đồng bằng. Đánh đồng bằng quen mùi, không ưng lên núi nữa. Khi đánh Hòa Bình, Trung ương nói: địch thò cổ ra cho ta bóp. Lên Tây Bắc, Trung ương nói: quyết tâm thì đánh được. Thế rồi các chú có quyết tâm và đánh thắng, do đó chiến sĩ tin tưởng ở cán bộ. Tất cả bộ đội tin tưởng ở Trung ương Đảng và Chính phủ, nhờ đó mà thắng lợi lớn. Như thế là Trung ương đúng. Trung ương nói đánh, các chú quyết tâm đánh cho nên nhất định thắng.[14]

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đợt tấn công lần thứ nhất ngày 13-3-1954, tiếp theo ngày 30-3-1954, ta đã bắt đầu cuộc tiến công đợt hai vào các ngọn đồi phía Đông. Cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra rất gay go và quyết liệt. Kết thúc đợt hai, ta mới chiếm được một nửa đồi A1 và C1. Tình hình tư tưởng ở các đơn vị có vấn đề hữu khuynh, dao động, thiếu quyết tâm v.v. Bộ Chính trị và Bác Hồ đã chỉ đạo học tập, chỉnh huấn và uốn nắn kịp thời.

Ngày 19 tháng 4 năm 1954, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết “Về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ”, chỉ rõ:

“1.Hai đợt tấn công của quân ta ở Mặt trận Điện Biên Phủ đều thắng lợi, tiêu diệt hơn 2/5 sinh lực địch…

Những thắng lợi đó chứng tỏ sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương và sự trưởng thành của quân đội. Trung ương rất vui mừng nhận thấy các cấp ủy, các đảng viên, các cán bộ của chúng ta đã cố gắng và tiến bộ nhiều…

Nhưng vì cán bộ ta mắc nhiều khuyết điểm: chủ quan khinh địch, chủ quan tự mãn, còn ngại thương vong mỏi mệt, tinh thần trách nhiệm không đầy đủ, tác phong quan liêu đại khái còn phổ biến; nguyên nhân chủ yếu là vì tư tưởng hữu khuynh còn nghiêm trọng. Vì vậy cho nên đã gây nên ít nhiều tổn thất không cần thiết và hạn chế thắng lợi của ta một phần…”[15]

Trong số các nhiệm vụ đề ra, Nghị quyết đã khẳng định: “…b) Ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, củng cố và đề cao quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm vừa qua, tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đồng thời tích cự tranh thủ thời gian, triệt để chấp hành mệnh lệnh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ, giành toàn thắng cho chiến dịch này.”[16]

Hai ngày sau, ngày 21 tháng 4 năm 1954, Ban Bí thư cũng đã có Thư gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp: “… Bộ Chính trị đồng ý với nhận định của anh về kết quả hai đợt tấn công của quân ta vừa qua và kế hoạch chuẩn bị hiện nay. Bộ Chính trị nhắc anh chú ý mấy điểm: vì địch cũng nhận rõ sự quan trọng của trận này, nhất là bọn can thiệp Mỹ ra sức thúc đẩy, nên chúng tiếp tục cố gắng đối phó. Chúng có thể:

-Rút kinh nghiệm chống giữ đồi A mà tổ chức chống giữ ở khu trung tâm;

-Tập trung hơn nữa máy bay và trọng pháo phá trận địa ta;

-Ra sức phá hoại đường tiếp tế của ta một cách có trọng điểm.

Mục đích của chúng là cố giữ đến mùa mưa, cho rằng lúc đó quân ta phải rút vì không khắc phục được những khó khăn về cung cấp.

Và nếu chúng tập trung được đủ máy bay và quân nhảy dù thì khi cần, chúng có thể nhảy dù ở sau trận địa ta hoặc ở một điểm nào đó có thể giữ trên tuyến cung cấp của ta hòng cứu nguy cho chúng.

Nhiệm vụ trước mắt của ta là một mặt củng cố quyết tâm giành toàn thắng của quân đội, nhất là của các cấp, nắm vững phương châmđánh chắc tiến chắc”; mặt khác đảm bảo cung cấp cho tiền tuyến.”[17]

Như vậy, liên tiếp trong cả hai tài liệu quan trọng này của Bộ Chính trị và Ban Bí thư đều có yêu cầu tiếp tục “thấu triệt” và “nắm vững” phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Ngày 1-5-1954, ta bắt đầu đợt tiến công thứ ba. Nhờ quán triệt sâu sắc và linh hoạt phương châm này, tới ngày 7-5-1954, ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Nhìn lại có thể thấy: ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh tại HNTW4 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội, phương châm “đánh ăn chắc, tiến ăn chắc” và xây dựng pháo binh có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ chỉ đạo tăng cường xây dựng lực lượng pháo binh của Bác Hồ từ tháng 1-1953, nên ta đã có một lực lượng pháo binh khá mạnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ gồm trung đoàn lựu pháo 45, trung đoàn sơn pháo 675, 3 tiểu đoàn pháo cao xạ và 4 đại đội súng cối.[18]

Sau 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, giờ đây khi đọc lại thật cẩn trọng các trang biên niên sử của Đảng và Bác Hồ, càng thấy rõ hơn tầm vóc lịch sử của Hội nghị TW 4 (khoáII) tháng 1-1953 và mới có thể phần nào hiểu được rằng tại sao vào thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược - trong thư “Mừng ngày sinh nhật quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-1954”, Bác Hồ đã viết: “Đảng giao cho Bác trực tiếp lãnh đạo. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, v.v. thì phụ trách việc tổ chức, huấn luyện chỉ huy.[19] Trong dịp kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân Dân Việt Nam vào cuối năm nay, có lẽ đây cũng là một chủ đề quan trọng cần được nghiên cứu tiếp tục để làm sáng tỏ thêm sự lãnh đạo quân đội trực tiếp tài tình của Bác cùng vai trò và trọng trách của riêng từng người mà trong thời kỳ lịch sử đó đã được Bác nhắc tên./.

 

 

 



[1] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân 1975, Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, HN, 2005, tr.32-70

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân 1975, Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, HN, 2005, tr.78

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân 1975, Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, HN, 2005, tr.99

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân 1975, Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, HN, 2005, tr.102

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân 1975, Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, HN, 2005, tr.211-212

[6] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb QĐND, HN, 2005, tr.397

[7] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb QĐND, HN, 2005, tr.400-401

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb CTQG, HN, 2009, tr.411 (in đậm TG)

[9] Văn kiện Đảng toàn tập, t.14, Nxb CTQG, HN, 2001, tr.59 (in đậm TG)

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, NXBCTQG, HN, 2009, tr.12(in đậm TG)

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, NXBCTQG, HN, 2009, tr.13(in đậm TG)

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, NXBCTQG, HN, 2009, tr.15 (in đậm TG)

[13] Văn kiện Đảng toàn tập, t.14, Nxb CTQG, HN, 2001, tr.59 (in đậm TG)

[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, NXBCTQG, HN, 2009, tr.22 (in đậm TG)

[15] Văn kiện Đảng toàn tập, t.15, Nxb CTQG, HN, 2001, tr.87-88

[16] Văn kiện Đảng toàn tập, t.15, Nxb CTQG, HN, 2001, tr.88 (in đậm TG)

[17] Văn kiện Đảng toàn tập, t.15, Nxb CTQG, HN, 2001, tr.92-93 (in đậm TG)

[18] Xem: Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và Bài học, Nxb CTQG, HN, 1996, tr.205.

[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb CTQG, HN, 2009, tr.411 (in đậm TG)