Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Những cái lợi không lường của việc nắn đường

Nguyễn Duy Xuân
Thứ hai ngày 7 tháng 4 năm 2014 4:28 PM


 
Đường Trường Chinh là trục giao thông huyết mạch của Hà Nội. Theo bản đồ quy hoạch thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đó là một tuyến đường thẳng thế mà bỗng dưng nó lại bị nắn cong như cái ghi đông xe đạp.


Giải thích chuyện này, ông Nguyễn Đức Hưng, Trưởng phòng Dự án 3, Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội - chủ đầu tư dự án này cho hay: “Nếu mà thẳng thì dễ quá, cong mới phải tính toán các yếu tố kỹ thuật đi kèm.” Nhờ thế mà dự án mở rộng đường Trương Chinh đã tiết kiệm được khoản tiền khủng 130 tỉ cho ngân sách nhà nước.


Quả thực, nói như ông Trưởng phòng, làm đường thẳng thì có gì là khó, dễ ợt ! “Thẳng mực tàu” cần gì phải tính toán cho đau đầu. “Ngang bằng sổ thẳng” thì ai mà chẳng làm được. Văn hóa góc cạnh không còn phù hợp với cái gu thẩm mĩ của thời đại. Do đó đường cong mới là chuẩn mực của cái đẹp thời cơ chế thị trường. Nhưng cong cho ra cong mới là khó. Cong như đường Trường Chinh lại càng khó. Phải là tay cao thủ mới làm được. Lí lẽ của ông Trưởng phòng thật cao siêu ! Các đại lộ ở Hà Nội mà rơi vào tay chủ đầu tư có những cán bộ tài năng như ông thì chắc chắn bộ mặt đường sá thủ đô sẽ đẹp như…mơ (!)


Còn chuyện tiết kiệm 130 tỉ từ việc nắn đường thì quả đúng là một kì tích. Kì tích bởi chỉ cần né tim đường sang đất quốc phòng một tí để tránh nhà các quan chức là tiền bồi thường tài sản trên đất giảm đi một phần năm, tức là tiết kiệm cho ngân sách lên đến…500 phần trăm (!). Thử hỏi xưa nay đã có dự án nào làm được như vậy ? Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đấy, vốn chẳng đã đội lên đến hai ba lần là gì ? Cho nên, không nghi ngờ gì nữa, chủ đầu tư phải “có gan” lắm thì mới dám mạnh tay thực thi một giải pháp hữu ích, vừa làm lợi cho nhà nước lại vừa không đụng đến nhà của các quan chức có công trạng lớn lao. Đúng là vẹn cả đôi đường. 

 

Bởi thế, bảo chuyện nắn đường thẳng thành đường cong là kì tích quả không sai. Mà đã là kì tích thì cần phải được tôn vinh. Trong khi nhiều quan chức trong các vụ đại án tham nhũng đục khoét công quĩ không nương tay thì đây là một gương điển hình cho thiên hạ học tập. Nếu không vinh danh, khen thưởng kịp thời, ví như tặng danh hiệu anh hùng hay chiến sĩ thi đua chẳng hạn, thì thật không phải với những người đã lao tâm khổ tứ bao tháng ngày lo toan tính toán chi li việc nắn đường, sinh lợi cho đất nước hàng trăm tỉ đồng.


Và người tham gia giao thông cũng sẽ được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời từ kì tích này. Chạy xe đến chỗ đường cong, miết tay lái một cái thì tha hồ mà tận hưởng cái cảm giác mạnh của một tay đua công thức 1 chánh hiệu.


Thế mới biết những cái lợi không thể lường hết của việc nắn đường giữa thủ đô ngàn năm văn hiến.