Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Một mô hình mới, một vẻ đẹp mới

Song Toàn Vân ghi
Thứ tư ngày 26 tháng 3 năm 2014 3:40 PM

Trò chuyện với nhà thơ, nhà báo TRẦN ĐĂNG KHOA                        

Cái “mô hình mới, vẻ đẹp mới” ấy là xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Tây, nay là Hà Nội. Liên tục trong dịp Tết, cả trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VTC16, một kênh Truyền hình tam nông chuyên biệt dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông đã hết lời ca tụng một vẻ đẹp mới trong cách làm ăn và tổ chức đời sống xã hội, ông còn muốn mô hình mới này được các nhà lãnh đạo quan tâm, nghiên cứu rồi nhân rộng ra cả nước. Theo lời ông, tôi “mò vào mạng”, thấy báo chí cũng đã nói rất nhiều về một mô hình xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh văn, Thanh Oai Hà nội. Những gì xã làm được theo báo chí nói thì công lớn là ở dân, ở chi bộ đảng xã này đã có những cách làm mà khó có nơi nào làm được: Cán bộ khi mới được bầu, hay đề bạt, đều phải thề độc khi nhậm chức, trước sự chứng kiến của nhân dân: "Nếu tham nhũng, hay xà xẻo của công, dù chỉ một đồng, cũng sẽ bị trời tru đất diệt !". Và rồi lời thề ấy luôn được dân giám sát. Tại sao “Lời thề” ấy  không được dùng ở các xã, các tổ chức hay các làng quê khác? Phải chăng các nơi khác không có quan thanh liêm, không có chi bộ đảng trong sạch vững mạnh thật sự như Thanh Văn?
 Tôi cũng đã tìm về xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, không phải một lần mà ba lần. Quả là ở đây, đúng như báo chí nói, đời sống nhân dân rất nề nếp, ổn định. Dân rất tin Đảng. Đảng luôn nghe Dân. Một bầu khí quyển trong vắt như ở thời đại cụ Hồ. Tôi không gặp mấy ông cán bộ mà la cà trong dân, nghe dân nói, dân kể. Người dân ở đây rất yêu kíp lãnh đạo của mình. Họ đều là cựu chiến binh, từng kinh qua chiến tranh, vào sinh ra tử, đặc biệt là ông Bí thư Đảng ủy xã Quang Văn Thỉnh, một người đã ở cái tuổi “cổ lai hy”. Họ gọi: “Bác Thỉnh của chúng tôi”, “Bí thư của chúng tôi”…Và những người nói lời đặc biệt yêu mến ấy lại không phải là đảng viên. Cán bộ được dân yêu bây giờ không nhiều đâu, nếu không nói là rất hiếm. Rất rất hiếm trong thời buổi phức tạp, lòng dân đang ly tán này. Họ còn hào hứng kể cho các nhà báo nghe về việc họ đã phải “đấu” với huyện để “giành lại” ông Bí thư của mình như thế nào. Điều này thì nhà báo nổi tiếng Vũ Hữu Sự cũng đã tổng thuật trên báo “Nông nghiệp Việt Nam”.
Cứ như lời ông Vũ Hữu Sự, thì ngày 1/8/2010, Đại hội lần thứ 22 của Đảng bộ xã Thanh Văn nhiệm kỳ 2010- 2015 khai mạc. Chủ trương của Huyện uỷ Thanh Oai là nhiệm kỳ này ông Quang Văn Thỉnh sẽ nghỉ, vì tính đến lúc đó, ông đã làm Bí thư Đảng uỷ liên tục 7 khoá, 23 năm, tuổi cũng đã 70. Một đoàn cán bộ, trong đó có 3 Phó Bí thư Huyện uỷ, đã được Huyện uỷ cử về Thanh Văn để dự đại hội và chỉ đạo trực tiếp. Tại đại hội, Phó Bí thư Huyện uỷ phụ trách cơ sở Đảng đã công bố quyết định của Huyện uỷ để ông Quang Văn Thỉnh, Bí thư Đảng uỷ xã đương nhiệm, nghỉ hưu. Bản thân ông Thỉnh cũng xin nghỉ với lý do tuổi cao. Nhưng ngay lập tức, hàng chục đảng viên đã liên tiếp có ý kiến không nhất trí với quyết định của Huyện uỷ và với cả ý kiến của ông Quang Văn Thỉnh. Những tiếng nói đều rất thẳng thắn, rất thật lòng và quyết liệt: Quang Văn Thỉnh là một bí thư có tâm, có tài, có đức, đặc biệt là có tầm nhìn xa, trông rộng, có lối sống trong sạch, đã lãnh đạo đảng bộ và nhân dân Thanh Văn một cách đúng đắn, sáng tạo, mang lại đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, bình yên cho nhân dân... Khi vào đảng, mỗi đảng viên đều có lời thề “Phấn đấu đến hơi thở cuối cùng cho dân, cho nước, cho lý tưởng”. Vì vậy, khi đảng bộ và nhân dân còn tín nhiệm thì đảng viên không được thoái thác nhiệm vụ. Chọn bí thư là quyền của đại hội chứ không phải quyền của Huyện uỷ. Yêu cầu ông Thỉnh không được rút. Sau mỗi ý kiến ấy, tiếng vỗ tay lại ran khắp hội trường. Bên ngoài, nhân dân cũng kéo đến rất đông, thiết tha xin ông Thỉnh hãy tiếp tục nhiệm vụ. Kết quả là đại hội đã bầu ông vào cương vị bí thư với số phiếu tuyệt đối. Và thế là ông lại phải làm Bí thư. Cũng theo lời ông Sự, đó quả là một “đại hội lịch sử”, một đại hội “vô tiền khoáng hậu”.
Tất nhiên, nói cho thật công bằng, ở đây cũng cần phải ghi nhận sự mới mẻ của Thành ủy Hà Nội, đặc biệt là Đảng bộ cơ sở Thanh Oai. Nếu cứ rạch ròi, theo đúng nguyên tắc khô cứng, không ai làm bí thư xã đến tuổi 70, lại làm liên tục đến 7 khóa, 23 năm liền. Nếu cơ sở bầu, dù phiếu cao, nhưng Đảng bộ cấp trên không chuẩn y, vì những lý do cũng rất chính đáng như đã nêu trên, thì ông Bí thư Đảng ủy xã Quang Văn Thỉnh cũng không thể tại vị được.
Trong cuộc gặp gỡ của Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Tiến cùng các cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam với các cán bộ của Trung ương Đoàn qua các thời kỳ kỳ, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26-3 vừa qua, trong đó có nhiều cán bộ đang tại vị của huyện Thanh Oai, tôi có nhắc đến Thanh Văn và nói rất thật lòng rằng, nếu tôi phục ông Quang Văn Thỉnh một, thì phục Đảng bộ Thanh Oai và Thành Ủy Hà Nội mười. Bởi ở đó, Đảng đã biết nghe dân, đã hành xử theo ý nguyện của dân. Tôi cũng rất mừng khi gần đây, Bí thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã cho nghiên cứ mô hình phát triển và quản lý xã hội của Thanh Văn, để có thể nhân rộng ra trên các địa bàn Hà Nội và cả nước. Như thế sẽ rất hay. Ngay cả tuổi cán bộ cũng vậy. Có người tuổi cao mà vẫn trẻ. Có người chưa đến 40 mà đã già. Già hay trẻ không phải ở tuổi tác mà ở sức nghĩ, ở tầm nhìn, ở khả năng sáng tạo và tổ chức thực hiện công việc. Ở những trường hợp đặc biệt như “ông Thỉnh Thanh Văn”, nếu được hỏi ý dân, tôi cũng sẵn sàng và rất hạnh phúc nếu được bỏ lá phiếu bầu ông tiếp tục tại vị…
Tôi cũng có đọc loạt bài trên báo “Nông nghiệp Việt Nam” và nhiều báo giấy báo mạng về “Hiện tượng Thanh Văn”. Đặc biệt rất ấn tượng khi báo dẫn ý kiến của một nhóm nghiên cứu đã so sánh ông Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Văn Quang Văn Thỉnh với Bí thư Tỉnh ủy Vính Phú Kim Ngọc. Có người còn cho rằng, ông Quang Văn Thỉnh có phần còn trội hơn cả Kim Ngọc. Thứ nhất Kim Ngọc chỉ là người ủng hộ khởi xướng của dân. Còn Quang Văn Thỉnh vừa khởi xướng vừa cùng dân thực hiện thành công. Thứ hai, Kim Ngọc chủ yếu là cải cách về kinh tế, mang tính tồn tại. Trong khi đó, cuộc cải cách của Quang Văn Thỉnh ở Thanh Văn không chỉ thay đổi về kinh tế mà quan trọng là xây dựng thành công một mô hình mới, một văn hoá mới. Thứ ba, Kim Ngọc được đánh giá khi sự việc đã là quá khứ, còn Quang Văn Thỉnh - Thanh Văn tự mình khẳng định bằng hiện tại và tương lai”…
Mọi so sánh đều chỉ là tương đối, bởi rất khập khiễng. Ở trường hợp này lại càng khập khiễng, bởi không thể so sánh đơn giản như thế được. Kim Ngọc ở thời bao cấp. Ông bị “đứt gánh” giữa đường và phải trả bằng cái giá rất đắt vì miếng cơm, manh áo của dân. Ông không có môi trường và bầu khí quyển để thực hiện công cuộc “cải cách” của mình. Còn Quang Văn Thỉnh ở thời đổi mới, mở cửa, lại có chính sách Tam nông của Đảng và Chính phủ khơi gợi, được Đảng bộ cấp trên tạo điều kiện, bằng cách không phản đối hoặc ngăn cản. Đặc biệt, ông được dân tin yêu, ủng hộ và bảo vệ. Dân quần tụ quanh ông, cùng ông thực hiện công cuộc cải cách ở cơ sở.
Những việc làm và thành tích cụ thể của Thanh Văn có rất nhiều, nhưng để dễ nhớ, Tiến sĩ Đỗ Quang Tuấn đã khái quát Thanh Văn là xã “7 có”, “3 không”. “7 có” là có khối đoàn kết nhân dân vững chắc với hạt nhân là Đảng bộ xã; có đời sống vật chất khá giả, một bộ phận giầu có, ngày càng ít hộ nghèo; có đời sống văn hóa - tinh thần phát triển; có sinh hoạt dân chủ, công khai; có sự phân phối công bằng, không để tích tụ mâu thuẫn giầu nghèo; có Quỹ Bảo hiểm và Phúc lợi nông dân bền vững; có hệ thống chính trị vững mạnh. Còn “3 không” là: Không mất đoàn kết; không tệ nạn xã hội; không mất trật tự - trị an.
Như vậy, Thanh Văn đã đi trước thực hiện Dân giầu, Xã mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh. Đó là một vẻ đẹp đích thực của một mô hình nông thôn mới. Chính sách Tam nông của Đảng và Chính phủ đã thành công ở Thanh Văn. Đặc biệt ở đây, những người nông dân từ 60 tuổi trở lên còn được nhận lương hưu. Mức lương là 400.000 đồng một tháng. Số tiền không lớn, nhưng cũng không hề nhỏ với một người dân sống ở làng quê. Tôi còn nhớ cách đây không lâu, truyền hình Hà Nội đưa tin, một gia đình nông dân ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, sau một vụ mùa, trừ tất cả mọi dịch vụ chi phí, như phân tro, nước, giống, gia đình chỉ thu được 300 ngàn đồng. 300 ngàn đồng cho cả một vụ mùa lao động vất vả của cả một gia đình, mới thấy 400 ngàn đồng một tháng lương hưu cho một người nông tuổi từ 60 trở lên lớn đến thế nào. Hiện nay toàn xã có gần 600 bà con nông dân có khoản lương hưu đều đặn hàng tháng này. Đấy là điều không nơi nào làm được. Thương dân và vĩ đại đến như Kim Ngọc cũng không làm được.
Riêng điều này thì tôi xin ngả mũ, kính cẩn vái ông Bí thư Đảng ủy xã Quang Văn Thỉnh. Nếu địa phương nào cũng làm được như ông, nếu vị cán bộ nào cũng làm được như ông thì đất nước này đã thực sự đổi khác…

       SONG TOÀN VÂN ghi