Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN CỦA TUYẾT NHI

Lê Huy Quang
Chủ nhật ngày 19 tháng 7 năm 2009 8:23 PM
                                        
     Nếu không có tấm lòng thương yêu loài vật,
     Con người không thể thương yêu đồng loại.
                                  Lê Huy Quang
    
       Ngày bé, tôi vẫn thường nghe người lớn nói với nhau- Khuyển, mã chi tình. Bố tôi giải thích nôm na, dễ hiểu – Đó là một nhận xét của người xưa. Khuyển là chó, mã là ngựa. Trong các loài vật, thì chó và ngựa là có tình, có nghĩa với con người hơn cả. Vào tuổi lên sáu, lên bảy, bắt đầu đi học lớp một; tôi biết ở Hà Nội, đang rộ lên phong trào nuôi chó Nhật- mà người lớn vẫn gọi là chó cảnh. Đến chơi một bạn học cùng lớp, nhìn chú chó Nhật bé bé, xinh xinh, lông trắng tinh như tuyết, hai mắt đen láy, tròn xoe như hạt nhãn, nô đùa với chúng tôi vui như trẻ con, nhẩy lên nhẩy xuống trên ghế, trên giường…lại nghe cậu ta kể, tối còn ôm chó đi ngủ; tôi mê lắm. Về nhà, nói chuyện với bố, muốn có con chó Nhật để nuôi trong nhà cho vui; ông xoa đầu tôi, cười thông cảm- cả nhà ta, ai cũng rất thích, nhưng một con chó Nhật hiện nay có giá đến hàng triệu bạc, thậm chí nếu đẹp“tướng”, đúng “ số”, hợp chủ…thì có khi lên đến hàng chục triệu…cho nên, chỉ có những gia đình giàu có, mới dám “ chơi” chó cảnh  Nhật. Tôi nghe mà phát hoảng, mới hiểu rõ cái giá của chó Nhật, và lại càng biết rằng- mơ ước có một chú chó, mãi mãi chỉ là một mơ ước mà thôi. Đó là giữa những năm tám mươi, đầu chín mươi của thế kỷ XX; trước và sau thời kỳ Đổi mới của đất nước; bố tôi nói - đời sống còn khó khăn lắm, cái ăn, cái mặc còn chưa đủ; làm sao mà có tiền chơi chó cảnh được. Cũng thời gian này, trong khu văn công Mai Dịch, không ít các văn nghệ sỹ bạn bố tôi- từ tác giả, đạo diễn, nhạc sỹ, ca sỹ, nhạc công…đã phất lên nhờ cái nghề kinh doanh chó Nhật- được các “ đại gia” Hà Nội sành điệu về chó mách bảo, hướng dẫn- họ đã bỏ vốn, học nghề, cuối cùng, cũng sống được bằng cái nghề từ trên trời rơi xuống này. Một năm bán một vài lứa chó, mỗi lứa vài chục triệu; có năm trúng quả to- cũng nhờ trời phù hộ- trúng cả hàng trăm triệu để mua sắm tủ lạnh, ti vi, dàn nghe nhạc, điều hòa, bàn ghế, giường tủ sang trọng…để đổi đời. Có ông nhạc sĩ, đạo diễn vào loại tầm cỡ, nổi tiếng, khoe vui ( mà chắc là trong lòng cũng xót xa lắm)- sáng tác, dàn dựng bao nhiêu năm, cộng tất cả nhuận bút lại, cũng không bằng vài ba năm kinh doanh chó Nhật. Và họ khuyên bố tôi cũng nên đi vào cái nghề này; biết đâu đấy, hợp cách thì lại giàu to…
       Nhưng rồi, như một quy luật của “ cung, cầu”; quy luật đào thải tự nhiên của cuộc sống- cái gì cũng đến hồi kết của nó- cuối cùng, sau thời đại “ hoàng kim”, chó cảnh Nhật cũng đến hồi tụt dốc- các đại gia giàu có, sành điệu Hà Nội đã chuyển sang chơi chó Bắc Kinh- được gọi là chó xù “ tép bưởi” ( lông trắng xù lên như các múi bưởi đã bóc ra) - và cụm từ  “chó Nhật thời xuống giá” đã xuất hiện từ cửa miệng mọi người hằng ngày- đó là đầu năm 1994, tôi tròn mười tuổi, học lớp 4; đã bắt đầu hiểu “ lơ mơ” đôi điều về đời sống. Các nghệ sỹ kinh doanh chó Nhật trong khu văn công buồn lắm- phải bán rẻ, phải tặng người quen, bạn bè. Có nhà, chó sinh một lứa sáu, bảy con- nếu ngày trước là trúng to vài chục triệu- nay thì đi cho, đi tặng, bán rẻ mãi mới hết cả đàn như trút đi được cả gánh nặng- và buồn nhất, là phải giải nghệ; phải vứt bỏ một cái nghề giời ơi, đất hỡi nhưng lại cho mình tiền bạc…Trong lúc đó, trên các vỉa hè, bãi rác, đã xuất hiện nhiều chú chó Nhật mà các nhà kinh doanh bỏ nghề đã ném nó ra đường- với bộ dạng già nua, bẩn thỉu, ốm yếu, các chú cứ lang thang kiếm ăn như thế rồi vật vã chết đói, chết rét. Ở các chợ, người ta đã buôn bán chó Nhật đi kèm với chó ta cho các chủ hiệu “ cầy tơ bảy món”; và các “trung tâm” nghiên cứu, chế biến đặc sản thịt chó trên đường Âu Cơ- Hà Nội nổi tiếng cả nước- thịt chó Nhật đã pha trộn vào thịt chó ta; mà dù tinh mắt, sành sỏi đến đâu cũng khó mà phát hiện được. Mẹ tôi có hôm đi chợ Bưởi về, kể rằng đã ứa nước mắt, khi thấy mấy con chó Nhật bẩn thỉu, đen đúa, đói run lên, được nhốt trong cái chuồng sắt; bầy bán cùng chó ta để rồi biến thành một nồi xáo chó tổng hợp. Ôi! Buồn thay chó Nhật thời xuống giá! Còn với tôi, đang ít tuổi, nên không nghĩ ngợi quá nhiều về việc lên cấp hay xuống cấp làm gì; nhưng tôi vẫn cứ rất thích có một con chó Nhật- dù chỉ nghĩ thế thôi, chứ không muốn nói điều đó với bố mẹ mình nữa…
         Vậy mà, một niềm vui đã đến với tôi thật bất ngờ. Vào một chiều tối đầu tháng tư, năm một chín chín tư, đi học về; chị tôi đã đón ngay ngoài cửa. Ôm chầm lấy tôi, chị reo lên- Nhà mình có con chó Nhật rồi em ơi, xinh lắm; và chị kéo tôi chạy ào lên gác. Không thể nào tả hết cảm giác của tôi lúc ấy- trước mắt tôi là một chú chó Nhật bằng xương, bằng thịt bé xíu, lông trắng tinh, hai mắt đen tròn như hai hòn bi ve, mà mẹ tôi đang ẵm nó trên tay. Tôi sung sướng chạy ào đến, bế ngay chú chó. Bố tôi vỗ vai, đùa vui- Thôi, chó Nhật thời xuống giá nên hai chị em mới có được nó; nhưng con này tuổi Giáp Tuất, tốt đấy, nên yêu nó, nuôi nó, thật hay vào. Vừa bế chú chó trong lòng, tôi và chị tôi bàn việc đặt tên, vì mẹ tôi cho chúng tôi toàn quyền việc này. Bàn đi, tính lại mãi, hai chị em tôi bèn đặt tên “ cô bé” là Tuyết Nhi- vì nó bé nhỏ, xinh xẻo, lông trắng như tuyết, vừa tròn một tháng tuổi; và theo tập tục đặt tên nôm cho dễ nuôi; hằng ngày cả nhà sẽ gọi Tuyết Nhi là Nhi Tồ. Đến tối, tôi mới nghe chị mình kể nguồn gốc Nhi Tồ - một  người bạn thân của mẹ tôi có con chó vừa đẻ một lứa bảy cô cậu; đã tặng mẹ tôi một con, mà lại là “ trưởng nữ”. Mẹ tôi hết sức cảm ơn; nhưng xin được trả một số tiền là một triệu ba trăm nghìn đồng- để lấy “lộc” và cũng mang lại một niềm vui cho người bạn của mình; khi mà chó Nhật đã xuống giá. Từ đó, Nhi Tồ trở thành thành viên trong gia đình, và là em út của chị em tôi…
        Thấm thoắt, mười lăm năm trời trôi qua. Chị em tôi đã xong đại học và đã đi làm. Còn chó con Tuyết Nhi đã tròn tuổi trăng rằm, cứ thế lớn lên, xinh xẻo, ngoan ngoãn, vui vẻ, nhưng cái chính là hết sức tình cảm- cũng buồn, vui, hờn giận, cũng có lúc chảy nước mắt như con người khi cả nhà đi vắng…Đêm đêm, Nhi Tồ ngủ chung giường với chị tôi; chủ nhật, hay lễ Tết, cũng được bế đi chơi công viên chụp ảnh… nhưng nó quấn quýt, gắn bó mẹ tôi hơn cả, với một mối linh cảm, tình nghĩa hết sức đặc biệt, khó giải thích- hình như, có một kiếp tu nào đó của nó để sang một kiếp người.Trong trang viết ngắn ngủi này, tôi không thể nào kể hết ra được nhiều câu chuyện về Tuyết Nhi trong mười lăm năm ấy; nhất là tình nghĩa gắn bó vô cùng sâu nặng giữa loài vật và con người- mà nhiều khi buồn lòng chợt nghĩ- còn hơn cả cách ứng xử giữa con người với nhau trong thời buổi kinh tế thị trường ầm ã, xô bồ hôm nay…Nhưng rồi, giống như quy luật “ sinh, lão, bệnh, tử” của con người; từ một “cô chó” xinh xắn, trẻ trung mới đầy tháng tuổi; đến nay Nhi Tồ đã bắt đầu già cả, chậm chạp, biếng ăn, tuy rằng không bị ốm đau, bệnh tật gì ( hàng tháng vẫn tiêm phòng, bồi dưỡng cả thức ăn và thuốc bổ). Có nhiều lúc, đang cho Nhi Tồ ăn, mẹ tôi bỗng thấy nó khựng lại, lùi ra một góc nhà, ngồi im hoặc nằm bất động như ngẫm ngợi, như muốn nói một điều gì đó. Hai chị em tôi vuốt ve, dỗ dành đến mấy, nó cũng chỉ kêu lên vài tiếng, và rồi nước mắt Nhi Tồ cứ ứa ra. Tiếc thay, con người không hiểu được ngôn ngữ của loài vật; để lắng nghe những tình cảm của muôn loài đang sống cùng ta, hay đang ở quanh ta- từ con chó, con mèo, rồi trâu, bò, gà ngựa; cho đến con ong, cái kiến…mà nếu không có thế giới của vạn vật ấy trong vũ trụ; thì có lẽ, làm gì tồn tại được thế giới của chính con người chúng ta?
          Trở lại Tuyết Nhi của tôi. Sau một cơn ốm đột xuất vào giữa tháng tư vừa qua; mặc dù được bác sĩ thú y tận tình đến tận nhà truyền nước và tiêm hồi sức; nó đã bắt đầu yếu đi trông thấy. Đã được mười sáu tuổi âm ( và như người ta thường nói- một năm tuổi chó bằng mười năm tuổi người- thì Nhi Tồ là quá thọ với một trăm sáu mươi năm tuổi, không có điều gì phải ân hận nữa); nhưng tình cảm của nó với gia đình chúng tôi vẫn hết sức gắn bó. Càng nhìn nó ngày một yếu đi, chị em tôi càng thương cảm; nhất là đến nay, Nhi Tồ vẫn là một “ thiếu nữ”, chưa được sinh con, làm mẹ bao giờ ( hồi đến tuổi được đưa đi tơ, lần nào nó cũng vùng chạy đi, không chịu); nên đến nay Nhi Tồ vẫn cô đơn, và chắc chắn, sẽ cô đơn mãi mãi…Nhưng rồi, cái gì đến cũng phải đến. Ngay cả con người, cũng chỉ là một sinh linh bé nhỏ so với vũ trụ; và vẫn phải nằm trong quy luật tử, sinh, hữu mệnh; huống gì chỉ là một con chó-Tuyết Nhi của tôi. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 2/6/2009 ( ngày hắc đạo Mậu Dần 10/5), Nhi Tồ đổ bệnh, không ăn gì ngoài vài giọt sữa mẹ tôi bơm vào miệng; rồi cứ nằm vật vã như thế cho đến đêm, cả nhà tôi thức trắng để trông nom nó. Trưa ngày hôm sau, hy vọng may ra nó qua được; nên đến chiều, hai mẹ con tôi đưa thẳng đến Trạm xá của Viện Thú y Quốc gia. Được tiêm hồi sức, truyền nước, uống thuốc xong, đi chụp X quang; các bác sỹ kết luận là nó bị viêm phổi do thay đổi thời tiết; và hẹn là sáng mai lại đưa đến để theo dõi, điều trị tiếp. Từ bốn giờ chiều, Nhi Tồ cứ nằm yên lặng, mắt nhắm nghiền như ngủ. Đến hơn bảy giờ tối, chị tôi đi làm về, chạy ngay vào, gọi tên Nhi Tồ ầm lên. Nhi Tồ bỗng mở mắt, nhìn vào chị tôi, và nó bỗng liên tục gật gật đầu ba cái liền như chào vĩnh biệt rồi tắt thở. Thì ra, nó yếu lắm rồi, nhưng có lẽ là cố chờ chị tôi về, rồi mới ra đi. Nếu thế, thì Nhi Tồ thiêng quá; và giống như con người, trước lúc đi xa cũng cố chờ gặp mặt người thân rồi mới chấm dứt nhịp thở cuối cùng. Lúc đó, đồng hồ chỉ bảy giờ ba mươi hai phút tối ( giờ Nhâm Tuất), ngày 3/6/2009. Đúng là Nhi Tồ đã cố gắng chịu đau đớn, vượt qua ngày Hắc Đạo, chờ đúng ngày Hoàng Đạo ( Kỷ Mão, 11/5) mới ra đi. Tôi lại chợt nghĩ, nếu đúng như thế, thì quả thật, Nhi Tồ hình như được trời đất phù hộ để hóa kiếp hay chăng?…
         Vậy là, Tuyết Nhi của chị em tôi đã ra đi. Theo như thông lệ, nó sẽ được thả trôi sông để hóa kiếp cho mát mẻ. Nhưng thật là may mắn, bố tôi có một người bạn là nhà thơ- ông này rất yêu cây cỏ và các loài vật- nên đã lập ra một bệnh viện chữa trị cho chó, cùng một nghĩa địa chôn cất chó, mèo đã mấy năm nay tại phố Trương Định- Hà Nội. Trưa hôm sau ( ngày 4/6/2009- 12/5 Kỷ Sửu) cả nhà tôi đã làm lễ tang, chôn cất Tuyết Nhi chu đáo- có bia mộ in ảnh Nhi Tồ trên đá, có 10 bông hoa hồng trắng, có khói nhang, đèn nến và tụng kinh gõ mõ. Sau khi thỉnh ba hồi chuông trước bức tượng lớn Phật Bà, tôi đọc bốn câu thơ của bố tôi để tiễn biệt Tuyết Nhi mãi mãi đi vào cõi lặng:                        
                                     Tuyết Nhi tròn tuổi trăng rằm,
                                  Đi xa như thể vẫn nằm ngủ ngon.
                                      Vui buồn chia sẻ đâu còn?
                            Bông hoa Trắng, trái tim son nguyên lành…