Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn Thanh Châu - "Bài học trông nhìn và thưởng thức"

Bùi Việt Thắng
Thứ sáu ngày 14 tháng 3 năm 2014 8:48 PM

(Đọc Thanh Châu tuyển tập, Nxb Hội Nhà văn, 2014)

  
TNc: Chiều 14-3-2014, tại NXB Hội Nhà văn đã tổ chức ra mắt Tuyển tập Thanh Châu. Ông là nhà văn tiền chiến nhưng cũng bị khuất lấp. Rất nhiều nhà LLPB và nhà văn đã nói lên giá trị óng ánh của văn chương Thanh Châu. Xin giới thiệu bài viết của nhà LLPB  Bùi Việt Thắng.



 1.Thanh Châu tuyển tập có trong tay độc giả hôm nay, tuy chưa phải là toàn bộ văn nghiệp của nhà văn, nhưng là những gì tinh túy nhất, hoặc có thể gọi là “văn sản” (tại sao không trong khi chúng ta tùy tiện ghép chữ “sản” với bao nhiêu lĩnh vực phi văn chương?!) của một cây bút mà theo dư luận là chưa nhận được sự công bằng trong đánh giá. Trong bài “Nhà văn Thanh Châu sống và viết” (như là lời giới thiệu tuyển tập), nhà phê bình văn học Văn Giá viết: “Tôi nghĩ rằng, văn học Việt Nam hiện đại còn mấy “món nợ” với nhà văn Thanh Châu” (Ba “món nợ” mà nhà phê bình Văn Giá đề xuất, tôi và nhiều người khác cùng nghĩ như thế). Nhưng sự công bằng ở trên đời này có phải lúc nào, ở đâu cũng hiện hữu, cũng được thực thi cả đâu! Vì thế mà một vĩ nhân đã nói: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Tôi thiển nghĩ, tài năng cũng như nhan sắc là hai thứ trời phú cho con người, tất cả chỉ có chừng ấy, nó sẽ phát lộ lúc này hay lúc khác, chứ không thể mãi mãi phát tiết, tỏa sáng. Vậy thì tại sao ta lại cứ băn khoăn về việc nghệ sĩ này, vì sao trong giai đoạn (sau) này lại không phát lộ được tài năng như giai đoạn (trước) kia?! Nhiều khi tôi cứ vân vi nghĩ: nếu như (một triết gia đã nói: “vì chữ nếu như mà lịch sử có thể thay đổi”) Nam Cao còn sống lâu hơn cái thời điểm ông hi sinh (1951), liệu nhà văn  có thể để lại cho hậu thế những kiệt tác kiểu như Chí Phèo (1941)? Ngay trong Nhà văn hiện đại (1942) của Vũ Ngọc Phan thì Nam Cao vẫn chưa được “điểm danh”, trong khi từ năm 1941, tên tuổi của ông đã “nổi như cồn”. Đấy cũng là một bất công trong lĩnh vực văn chương nước nhà. Tương tự, nhà văn Thanh Châu không có mặt trong tập sách có tính chất tổng kết này (theo quan điểm của nhà phê bình Văn Giá thì: “Có thể nói, giai đoạn những năm trước 1945 của nhà văn Thanh Châu đúng là một thời “vang bóng”). Tôi nghĩ, đó là vấn đề số phận. Gần đây nhất (ngày 10-3-2014), Hội Nhà văn Hà Nội có mời nhà văn Xuân Cang trình bày chuyên đề “ Phê bình văn chương dưới ánh sáng của Kinh Dịch”. Tôi có tham dự và rất chú ý đến kết luận của diễn giả: “Văn chương là bản sao hành trình số phận của nhà văn”.

     Đọc Thanh Châu tuyển tập, riêng tôi rất quan tâm đến truyện ngắn của nhà văn. Vì sao? Tôi cho rằng chính trong truyện ngắn, nhà văn Thanh Châu mới thể hiện rõ cái “tạng” văn, mới thực sự có phong cách; và nói cho cùng thì cái “dư vị văn chương” mà tác giả để lại cho độc giả chính là nhờ vào thể loại “nhỏ”. Ai đó nói: “Thể loại chọn nhà văn chứ nhà văn không chọn được thể loại”, trong trường hợp này là sát hợp nhất!
    Trước khi đọc Thanh Châu tuyển tập (với 49 truyện ngắn và vừa/3 tiểu thuyết/10 phóng sự, hồi ký, bút ký, phê bình/2 tác phẩm dịch và 4 bài thơ lẻ), tôi có dịp đọc truyện ngắn của nhà văn qua các tuyển tập như: Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1920-1945), tập V, quyển III, phần văn xuôi 1930-1945/ Nxb Văn học, 1995 (gồm hai truyện: Rước xuân vào, Hoa “Ti-gôn”); Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam chọn lọc, gồm 8 tập, tập2/ Nxb Văn học, 1996 (truyện: Hoa “Ti-gôn”); 100 truyện ngắn hay Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, 1997, tập 1, (truyện Hoa “Ti-gôn”); Văn xuôi lãng mạn Việt Nam (2 tập)/ Nxb Khoa học xã hội, 1998 (gồm 4 truyện: Hoa “Ti-gôn”, Cơn giông, Vườn chanh, Truyện qua rồi); Tuyển tập truyện ngắn lãng mạn 1930-1945/ Nxb Văn học, 2003 (gồm 6 truyện: Bó hoa quá đẹp, Nhớ quê, Hoa “Ti-gôn”, Vườn chanh, Cái ngõ tối, Chuyện qua rồi); Văn học Việt Nam thế kỉ XX. Truyện ngắn trước năm 1945, Quyển hai, Tập II/ Nxb Văn học, 2001 (gồm 10 truyện: Trong bóng tối, Lớp học cuối cùng, Bó hoa quá đẹp, Nhớ quê, Hoa “Ti-gôn”, Cơn giông, Rước xuân vào, Truyện qua rồi, Vườn chanh, Cái ngõ tối).
    Nhà văn Thanh Châu có tên trong các bộ sách, từ điển: Nhà văn Việt Nam hiện đại (Nxb Hội Nhà văn 1992, 1997, 2007 và 2010); Từ điển văn học. Bộ mới, Nxb Thế giới, 2004; Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ cuối thế kỉ XIX đến 1945), Nxb Văn học, 2001; Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng cho nhà trường), Nxb Đại học Sư phạm, 2004.
    Tôi nghĩ sự hiện diện của nhà văn Thanh Châu trong những bộ sách quan trọng như thế là một sự khẳng định vị trí của ông trên văn đàn hiện đại Việt Nam.
    2.Chất thơ của văn xuôi là đặc trưng sáng tác của các nhà văn lãng mạn, trong đó có Thanh Châu. Có thể khẳng định truyện ngắn của nhà văn Thanh Châu thuộc kiểu loại truyện ngắn trữ tình (một thuật ngữ có thể còn gây tranh cãi!), nghĩa là kiểu truyện ngắn giàu chất thơ (nó không nổi trội về cốt truyện, tình tiết; mà nghiêng về thể hiện nội tâm nhân vật và quan trọng hơn cả là nội tâm ấy luôn gắn với ngoại cảnh - ở đây hiểu là thiên nhiên - kết cấu có vẻ “lỏng lẻo”, chú ý biểu hiện cái chủ quan,…). Đọc truyện ngắn của nhà văn Thanh Châu trước 1945, tôi cứ váng vất nhớ tới truyện ngắn của các nhà văn cùng thời như Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ DZếnh, Thế Lữ, Đỗ Đức Thu, Đỗ Tốn,…Nói cách khác họ gần gũi nhau ở cách cảm đời sống, cách viết nghiêng về “tìm vào nội tâm”, văn chương trau chuốt (đôi khi đạt tới những áng văn “có cánh”). Nói như nhà thơ Huy Cận thì các nhà văn lãng mạn đã có cái khả năng làm cho “chất liệu của cuộc đời và cảm xúc của tác giả đã luyện thành một thứ hợp kim nhuyễn từng phân tử”.
    Người ta thường nói đến chất thơ của văn xuôi (hay là “cái nhìn thi ca với đời sống”) trong văn Thanh Châu đậm đặc trong Hoa“Ti-gôn”. Đúng như thế. Nhưng tôi nghĩ còn rộng hơn thế. Nói đến chất thơ trong văn xuôi, theo tôi, ngoài tâm trạng (rộng ra là đời sống tâm hồn con người) thì cần chú ý đến yếu tố “ngoại cảnh” trong tác phẩm của nhà văn. Ngoại cảnh ở đây là tự nhiên  (trong đó có thiên nhiên và sự vật). Ngay trong một truyện có nhan đề rất buồn bã, u uất như Trong bóng tối (kể chuyện một bệnh nhân nằm trong bệnh viện) thì, thiên nhiên vẫn len lỏi vào và phát sáng trên từng câu chữ: “Mặt trời lên cao, chiếu qua cửa sổ bên cạnh giường bệnh nhân, rải những ánh nắng vàng lên trên tấm chăn dạ xám. Cùng một lúc, phía ngoài cửa sổ, trên hàng rào dâm bụt nở hoa đỏ ối, những con chim sâu buổi sáng đi kiếm mồi ăn, ríu rít kêu những tiếng êm đềm. Ngoài trời đầy ánh nắng, vạn vật như vui mừng, hớn hở, thêm tươi”. Ta cứ hình dung, nếu người bệnh ấy vài ba lần để tâm ngắm cái cảnh sáng sủa, vui tươi ấy thì chí ít bệnh tình cũng sẽ thuyên giảm. Phải chăng khát vọng sống là ánh sáng phát ra từ bên trong tâm hồn con người, và ta gọi đó là chất thơ của đời sống đã đi vào văn chương và cất cánh nhờ văn chương?
    3. Thanh Châu là nhà văn viết truyện ngắn có nghề. Tiêu biểu như Tri kỷ là một truyện đọc rất hấp dẫn nhờ vào cách dựng tình huống khéo léo, ở chỗ kể chuyện ngoại tình của bà Thắm (vợ ông Lâm bán nước đá) với một ông “giáo khổ trường tư” (cách nhà mình có 6 xu tiền xe kéo), mà không lên án, mà không đứng về phe nào cả. Hình như “đời là thế”. Thậm chí bây giờ có người còn viết cả thơ tụng ca “những phút giây ngoài vợ ngoài chồng” đấy thôi. Tôi thán phục cái cách bà Thắm “kéo” nhân tình của mình về ngay trong nhà để chăm bẵm, để tình tự cho “bõ”, để cho thật bất ngờ với chồng mình mà không đề phòng. Đó là một tình huống kịch tính, rất éo le nhưng không có cái căng thẳng, quyết liệt của sự một mất một còn. Hơn thế chồng bà và tình nhân của bà lại còn trở thành tri kỉ nhờ cái bàn cờ!?
    Những chi tiết đặc sắc thể hiện năng lực quan sát của nhà văn rất tinh tường: ví như cặp môi của cô Mai Hạnh, trên mỏng dưới dày, hơi sưng sưng giống như “một thứ quả chín ngon lành khiến ai trông thấy cũng phải thèm thuồng ao ước” (trong Hoa “Ti-gôn”). Lại nữa, cái tật vê đất từ kẽ ngón chân của ông Lâm đã lây sang cả thầy giáo trường tư, vốn là tình địch của mình (trong Tri kỉ). Hình như khi người ta tri âm, tri kỉ thì cả những điều tốt đẹp hay thói hư tật xấu của người này đều có cơ lây nhiễm sang người khia một cách tự nhiên và hồn nhiên?!
    Truyện của nhà văn Thanh Châu có không khí đặc biệt quạnh hiu (một truyện ngắn có nhan đề Quạnh hiu), cái không khí đặc trưng này còn thấp thoáng trong một truyện khác như Những ngôi sao rụng: “Những vệt lửa xanh lập lòe trong đêm tối…một cánh đồng hiu quạnh”. Trong nhiều truyện khác cái không khí đặc biệt ấy như vây, như bủa lấy nhân vật. Vì sao nhà văn lại hay “nhấn chìm” nhân vật của mình vào cái bầu không khí quạnh hiu ấy? Có thể, tôi nghĩ, cuộc đời của con người, trong mắt nhà văn thường dâng lên mùi vị hẩm hiu, tê tái, xót xa.
    4. Bài học văn chương từ sáng tác của nhà văn Thanh Châu còn nóng hổi ý nghĩa thời sự hôm nay.
    Tình đời trong văn chương Thanh Châu rất đậm đà, sâu sắc. Cũng như các nhà văn lãng mạn cùng thời khác, Thanh Châu nghiêng về tái hiện những vẻ đẹp của đời thường, con người bình thường (thậm chí tầm thường) trong muôn vàn dây dợ éo le của nó. Nói cách khác là nhà văn chú tâm phát hiện những “vẻ đẹp khuất lấp” của cuộc đời và coi đấy là nhiệm vụ vừa cao cả vừa khó khăn đối với người nghệ sĩ ngôn từ. Tôi thấy (qua tác phẩm) cái quan niệm sáng tác của Thanh Châu gần gũi với Thạch Lam (khi nhà văn này tuyên bố: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ, tìm cái đẹp kín đáo, che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”- Theo dòng, Tiểu luận văn học, Nxb Đời Nay, 1941). Cái tình đời đằm thắm của nhà văn rưng rưng trên từng câu chữ trong truyện Những ngôi sao rụng, chẳng hạn, là một ví dụ tiêu biểu trong văn Thanh Châu (lời nhắn nhủ đừng bao giời vô tình trước tấm lòng của người khác, hay là nói về thói bạc tình của người đời, nhất là bọn đàn ông). Cơn giông cũng là một truyện đắm đuối tình người (đứa cháu kể về cô của mình, người được “yêu hơn là mẹ đẻ của mình”). Nhà văn như nghẹn ngào cùng với nhân vật: “Tôi đã hiểu, đã biết thương cô, thì cô đã không còn. Biết làm sao tạ lỗi với người được nữa? Tình cảm của chúng ta đến với chúng ta thật chậm. Hình như ở ngoài chúng ta quả tim là kẻ thức giấc sau cùng”.
     Chữ và nghĩa là điều tối hệ trọng với các nhà văn thế hệ tiền chiến khi cầm bút sáng tác như Thanh Châu. Ứng xử với tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt - cũng chính là văn hóa của nhà văn. Chữ trong tay nhà văn Thanh Châu khi đọc thoạt tiên có vẻ từ tốn, hiền lành, nho nhã nhưng càng đọc càng thấy câu thúc, gấp gáp, khắc khoải bởi cái nhịp điệu (rythme) của nó. Đôi lúc câu văn như là một cú thở dốc, đến nghèn nghẹn, vì quá xúc động của tác giả: “Bà đã được trông thấy những bộ mặt buồn rầu, xanh xao, thất vọng của những nhà văn “bị đời quên” chưa? Bà đã được trông thấy họ thất thểu một buổi chiều hôm Hà Nội mới sáng đèn, thấy họ lê bước đến bên những hàng sách, tẩn mẩn đọc từ cái tên sách đến những tác giả hiện thời, một cách căm hờn, ghen tức chưa? Bà đã trông thấy họ, mắt lóng lánh đầy hi vọng, đi về những cái gác trọ chật hẹp, ẩm mốc, gió lùa tiết rét, nắng nấu mùa hè, tự an ủi, tự dỗ dành, cặm cụi trên bàn viết, nhưng viết không ra, nghĩ không được, mà vẫn chờ, vẫn cố sức chờ những ngày vinh quang rực rỡ không bao giờ có? Bà đã đọc được những nét già sớm trên khuôn mặt trẻ trung, bơ phờ, bạc phếch của họ dưới ánh đèn lúc đêm khuya họ lần giở những tập văn cũ nát nhầu vì năng xem tới, để ôn lại những sự vui sướng thoảng qua ở thời dĩ vãng; trong khi cả một thành phố rộn rịp, vui chơi ồn ào, bồng bột, không có lấy một người nhắc đến tên họ? Vì cái công chúng bây giờ quá quắt lắm, thưa bà. “Họ chỉ biết, họ chỉ nhớ đến tên người viết bởi cái tác phẩm cuối cùng” (Tặng Lan). Một lối văn như vắt ra từ máu thịt như thế làm sao lại không neo được trong kí ức độc giả qua thời gian! Thiết nghĩ, nâng niu yêu quý và sáng tạo tiếng Việt của lớp nhà văn tiền chiến như Thanh Châu, ắt cũng là một bài học quý giá đối với người cầm bút hôm nay./.
                                Hà Nội, tháng 3 năm 2014
                                        B.V.T