Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lò Ngân Sủn- Người “Con của núi” đã về với núi

Thái Sinh
Thứ ba ngày 24 tháng 12 năm 2013 6:46 AM

Chiều 17/12/2013 tôi vào trannhuong.com thất kinh với cái tin do nhà thơ Trần Nhương đưa lên trang mạng của mình “Nhà thơ Lò Ngân Sủn tạ thế”. Tôi lặng người một lúc lâu mới gọi điện cho Lê Minh Thảo- Chủ tịch Hội Văn Nghệ Lào Cai. Lê Minh Thảo cho hay ngày 18/12 sau khi tổ chức lễ viếng ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số  5 Trần Thánh Tông sẽ đưa thi hài nhà thơ về Lào Cai làm ma theo phong tục dân tộc Giáy, an táng tại quê hương Bản Qua- huyện Bát Xát-tỉnh Lào Cai. Lê Minh Thảo cho biết thêm: Tôi đang báo cho anh em hội viên tới dự lễ viếng tại Lào Cai, bởi Lò Ngân Sủn là chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật đầu tiên của tỉnh Lào Cai sau ngày tái lập...Tôi điện cho Ngọc Dương-nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Lào Cai, anh bảo: Buổi chiều khi mình đang trên Sa Pa chụp ảnh tuyết rơi thì Đoàn Hữu Nam điện báo tin cho biết. Thương Lò Ngân Sủn quá...
Thế là người “Con của núi” đã trở về với núi, trở về với đất mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng hồn thơ Lò Ngân Sủn đi khắp các chân trời. Vậy là anh đã trở thành người thiên cổ, tôi cứ rưng rưng nhớ lại những năm tháng cùng anh trong ngôi nhà Văn nghệ Hoàng Liên Sơn.
Tháng 12/1984 tôi được nhận về Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, khi đó ở cơ quan thường trực Hội đã có những tên tuổi lẫy lừng: Hoàng Hạc, Mã A Lềnh, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn, Lê Vân, Quách Hùng...Nhớ lại những ngày ở Hội Văn Nghệ Hoàng Liên Sơn thật kinh khủng với những cuộc đấu đá nội bộ tôi xin được kể vào một dịp khác.
Năm 1988, sau Đại hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, nhà thơ Ngọc Bái từ Quân khu II về nhậm chức Chủ tịch, Lò Ngân Sủn trúng chức Phó chủ tịch Hội, tôi được phân công làm biên tập. Ngày ấy ba tháng mới ra một số báo phải xin phép giấy xuất bản của Sở Văn Hoá-Thông tin, nên chẳng có việc gì làm, chúng tôi dành phần lớn thời gian để sáng tác văn học nghệ thuật.
Ngọc Bái và Lò Ngân Sủn thấy rằng nhiều tác giả ở Hoàng Liên Sơn đủ số lượng tác phẩm để đứng tên riêng trong một tập sách, còn cứ đứng chung trong các tập sách thì không thành tác giả được. Đó là nhu cầu của các tác giả, nhưng kẹt nỗi ngân sách không thể cấp tiền cho tác giả in sách được, nên tác giả phải tự bỏ tiền ra in sách. Tất nhiên Hội Văn Nghệ có hỗ trợ trong việc xin giấy phép xuất bản, giới thiệu tác phẩm...
Tập thơ đầu tiên của Lò Ngân Sủn “Chiều biên giới” xuất bản năm 1989, tôi được phân công biên tập. Nói biên tập cho vui, chứ tôi là lính mới tò te sao dám biên tập thơ của Lò Ngân Sủn? Tuy nhiên, khi cầm tập bản thảo mà Lò Ngân Sủn đưa cho, tôi nhớ anh viết bằng bút mực tím, chữ đều và đẹp, trên loại giấy xỉn màu. Anh bảo tôi: Thái Sinh xem rồi trao đổi với mình nhé. Mới đầu anh chọn khoảng 35-40 bài, tôi trao đổi với anh: “Chiều biên giới” là bài thơ nổi tiếng của anh, đã được phổ nhạc. Nếu anh chỉ in một tập thì dồn những bài hay vào tất cả trong tập này, nếu anh định in thêm vài tập nữa thì anh cần để dành cho những tập sau.
Sau nhiều ngày suy nghĩ Lò Ngân Sủn quyết định chỉ in 30 bài, anh bảo: Tập đầu tiên mình muốn thăm dò dư luận ra sao. Tập thơ này Ngọc Bái chịu trách nhiệm xuất bản, Thái Sinh biên tập, hoạ sĩ Kim Tiến vẽ bìa, E Sun sửa bản in. E Sun chính là Lò Ngân Sủn, đây là bút danh của Lò Ngân Sủn mà anh đã ký ở một số tác phẩm. In xong tác giả tự phát hành, với số lượng in 720 cuốn chỉ vài tháng anh bán hết veo. Một hôm anh mời tôi cùng Ngọc Bái, Kim Tiến và một số anh em văn nghệ ra quán thịt chó dựng ngay cổng Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn do ông Chi làm chủ quán. Lò Ngân Sủn cười hè hè bảo chúng tôi: Bữa thịt chó này mừng cho tập “Chiều biên giới” của tôi... Nói rồi anh dùng đũa đánh bát nước chấm mắm tôm sủi bọt rồi mút đầu đũa cười hè hè khiến mái tóc quăn đen nhánh bung xuống trán. Chúng tôi cụng chén mừng cho “Chiều biên giới” của anh.
Năm 1990 Lò Ngân Sủn in tiếp tập thơ “Những người con của núi”, tôi lại được cử biên tập. Ban đầu anh lấy tên tập sách  Người con của núi, trong tập sách có bài thơ Những người con của núi, tôi hỏi anh: Những người con của núi, tên hay như thế, sao anh không lấy làm tên chung của tập thơ? Lò Ngân Sủn không nói gì, mấy ngày sau anh mới bảo tôi: Mình đồng ý lấy tên Những người con của núi theo đề nghị của Thái Sinh.
Tập thơ được in ra, có một chi tiết khiến tôi nhớ mãi. Lò Ngân Sủn là người xuề xoà, chẳng để ý hay chấp nhặt ai. Khi tập thơ Những người con của núi in ra tôi được Hội Văn Nghệ cho một tập theo “tiêu chuẩn” biên tập. Sau vài tháng Lò Ngân Sủn bảo tôi: Mình phát hành hết tập Những người con của núi rồi, có một người bạn rất thân nhưng bây giờ không còn tập nào để tặng người bạn đó nữa, Thái Sinh cho mình xin tập thơ do Hội phát để mình tặng người đó...Khi tôi đưa tập thơ cho Lò Ngân Sủn anh cười hè hè rồi cảm ơn tôi rối rít dắt chiếc xe đạp cà tàng phóng đi.
Lò Ngân Sủn sống giản dị không cầu kỳ, ở Hội văn nghệ anh có một phòng riêng, nhưng do anh hút thuốc lào nên có một cái điếu cày mọi người ai hút thuốc lào đều vào phòng của anh. Phòng phó chủ tịch Hội trở thành “trung tâm” hút thuốc lào, mọi người trong cơ quan và khách văn nghệ đều tới đó hút. Phòng anh có chiếc giường một, nhiều hôm uống rượu thịt chó xong anh về phòng nằm trên chiếc giường đó đánh một giấc cho tới chiều mới dậy. Khi anh chuyển lên Lào Cai tôi tiếp nhận phòng làm việc của anh, khi lật chiếc chiếu lên mới giật mình, chiếc gối đầu của anh là mấy viên gạch. Hoá ra suốt mấy năm trời ông Phó Chủ tịch Hội Văn Nghệ Hoàng Liên Sơn đều gối đầu bằng những viên gạch xây đó.
Ngọc Bái kể rằng một lần Uỷ ban bảo vệ chăm sóc trẻ em mời một số người chấm giải những tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài vận động sinh đẻ có kế hoạch. Lò Ngân Sủn có bài thơ “Những cô gái Lang Khay đi đặt vòng”, Ngọc Bái không chấm bài đó vì muốn giữ uy tín cho nhà thơ Chiều biên giới. Lò Ngân Sủn trách: Ông chán bỏ mẹ, chấm cho tôi cái giải khuyến khích cũng được để có tiền uống rượu thịt chó...
Thơ Lò Ngân Sủn đẫm chất dân ca Giáy, tôi có cảm giác anh sinh ra từ vùng núi Bản Qua, đắm mình trong những bài dân ca quê mình nên thơ anh giàu chất dân ca. Anh đã phát triển nhiều câu dân ca, ngạn ngữ của dân tộc mình thành một bài thơ với cách suy nghĩ rất hiện đại. “ Không sợ nhà chật/Chỉ sợ lòng người chật” để sáng tác bài thơ Lòng người (Con của núi –NXBVH Dân tộc-2001)với những câu
“Lòng người như biển cả, trời đất mênh mông
 Lòng người như cái ống bơ đong bữa ăn hàng ngày

Lòng người là dòng sông không đáy
Lòng người là cái máy sinh sự...”

Hoặc anh dẫn câu “ Rễ cây ngắn/ Rễ người dài” trong bài Thương nhau:
Thương nhau
Núi cũng thấp xuống
Trời cũng gần lại
Để ta nhìn thấy nhau”
Hay như câu “ Ngồi thì co/ Đứng thì thẳng/Làm người thật khó” trong bài Làm người:
“Để trở thành một người biết sinh con đẻ cái
Như thế chưa khó
Để trở thành một người biết ăn ngon mặc đẹp
Như thế vẫn chưa khó
...
Làm người khó nhất là: Sống!”

Thơ Lò Ngân Sủn ít vần điệu như cách nói dân dã của người miền núi, nhưng giàu hình ảnh và đầy triết lý. Chính vì thế mà thơ Lò Ngân Sủn có gương mặt rất riêng không lẫn với ai được.
Tháng 10/1991 Khi Hoàng Liên Sơn tách thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, Lò Ngân Sủn vận động tôi cùng anh lên Lào Cai, nhưng tôi không đi được, vì đã xin vợ con về Yên Bái rồi. Như vậy chỉ có một mình anh trong cơ quan thường trực Hội Văn Nghệ lên Lào Cai lập Hội. Tôi được cử đưa tiễn anh lên tận Lào Cai, chiếc xe tải Zinkhơ thuê của Ban Định canh định cư, đồ đạc là mấy cái bàn gãy chân, hai thứ đáng giá nhất là chiếc xe máy “cánh cụp cánh xoè” và chiếc máy chữ. Hội Văn nghệ Yên Bái dành chiếc xe Cub cho Hội Văn nghệ Lào Cai. Tất cả đều chất lên chiếc xe tải đó. Lò Ngân Sủn không biết kiếm ở đâu được mấy cái chăn rách để chèn cho chiếc Cub không bị hỏng, vì đó là phương tiện duy nhất để anh đi từ Tằng Loỏng -nơi tập kết -lên Lào Cai. Khi chia tay anh ở Tằng Loỏng, anh hỏi tôi: Thái Sinh giới thiệu cho mình một người biết sáng tác văn học nhưng làm được công tác Hội. Tôi không ngần ngại giới thiệu Đoàn Hữu Nam, nguyên là công nhân cầu đường sau về Phòng Văn hoá huyện Bắc Hà. Bởi khi làm biên tập tôi phát hiện thơ Đoàn Hữu Nam giàu chất suy tưởng đã giới thiệu với Ngọc Bái và Lò Ngân Sủn. Nghe tôi nói vậy Lò Ngân Sủn đồng ý ngay. Nay Đoàn Hữu Nam đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai.
Sau Lò Ngân Sủn trúng Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, anh được điều về Hà Nội công tác, từ đó tôi thi thoảng mới gặp được anh. Kể từ khi anh bạo bệnh thì chưa lần nào gặp anh cả, mặc dù gặp bạn bè văn nghệ vẫn nhắc tới tên anh. Nay anh đã khuất núi, Người “Con của núi” đã trở về với núi tôi viết những dòng này xin được thắp một nén tâm nhang cho một người bạn văn một thuở.
Ảnh:
A1-Những tập thơ Lò Ngân Sủn tặng Thái Sinh.
A2- Lò Ngân Sủn (trái) và Thái Sinh hồi công tác ở Hội Văn nghệ HLS.
A3- Bìa tập thơ đầu tay của Lò Ngân Sủn