Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"Qua hàng trầu nhớ mẹ" qua lời bình

Dương Hiền Nga
Thứ hai ngày 21 tháng 10 năm 2013 5:44 AM

 
QUA HÀNG TRẦU NHỚ MẸ

Gian hàng trầu vỏ quen một thuở
Cau tươi, vỏ thắm lá thơm cay
Đi chợ con bớt dăm đồng vặt
Mua để mẹ ăn mỗi thường ngày
 
Quết trầu đỏ thắm làn môi mẹ
Sau bữa cơm đèn trải chiếu hoa
Mẹ ngồi thong thả bên hè mát
Hàng xóm sang chơi ấm cửa nhà
 
Nhưng rồi hình bóng về xa khuất
Mẹ chẳng còn ăn những miếng trầu
Chiếc cơi trống vắng hơi đồng lạnh
Con đặt tay vào ngón buốt đau
 
Mẹ ơi!
Thơm cay một miếng trầu xưa
Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo
Bây giờ đã hết gieo neo
Lại không còn mẹ mà chiều. Khổ không!
 
Từ ngày đưa mẹ ra đồng
Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn.
Nguyễn Thị Mai
 
Đôi lời của Dương Hiền Nga:
Bài thơ “Qua hàng trầu nhớ mẹ” của nhà thơ Nguyễn Thị Mai là tiếng lòng của người con hiếu thảo khi mẹ đã qua đời làm rung động bao trái tim người đọc. Người con đã trưởng thành, không còn trong cảnh nghèo khó bần hàn vẫn luôn nhớ về người mẹ với bao hình ảnh gắn bó thân thương cùng sự day dứt, xót xa, tiếc nuối khôn nguôi.
 Bài thơ kết cấu theo trình tự thời gian từ khi mẹ còn sống cho đến khi mẹ qua đời, từ những kỷ niệm thuở xưa cho đến những tâm sự tự đáy lòng hôm nay, dẫn người đọc qua từng chặng thời gian và cảnh đời, chuyên chở những cung bậc của cảm xúc cùng sự trăn trở vô cùng da diết. Hình ảnh gắn liền với mẹ hiền thân thương là: “Gian hàng trầu vỏ quen một thuở”, đây là nơi nhà thơ gửi gắm tâm sự, là nơi con vẫn ghé vào mỗi ngày để mua: “Cau tươi, vỏ thắm, lá thơm cay” “để mẹ ăn mỗi thường ngày”. Người đọc lặng đi trước cảnh: “đi chợ con bớt dăm đồng vặt”, cuộc sống vô cùng khó khăn, phải tính toán co kéo từng tý một, “dăm đồng vặt” kia mang nặng tình thơm thảo dành cho mẹ. Người đọc cùng nhà thơ ngược thời gian tìm lại hình ảnh giản dị nhưng không thể nào quên: “Quết trầu đỏ thắm làn môi mẹ”. Những ai đã sống qua cái tuổi “tri thiên mệnh” mới thấu hình ảnh quen thuộc và đẹp đến mức khó quên về những bà mẹ ăn trầu ấy. Hiện thực giản dị thân thương nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo của nhà thơ, để rồi câu thơ tự nhiên tuôn chảy, chan chứa một nỗi nhớ sâu lắng, dâng nghẹn trong lòng: “Sau bữa cơm đèn trải chiếu hoa/ Mẹ ngồi thong thả bên hè mát/ Hàng xóm sang chơi, ấm cửa nhà”. Người mẹ Việt Nam cùng tình làng nghĩa xóm xưa cao đẹp như vậy đấy, vật chất tuy thiếu thốn nhưng đầy ắp tình người, người mẹ chân chất giản dị như một điểm tựa vững vàng  ấm áp cho gia đình và cũng vì vậy khi vắng mẹ cửa nhà trống vắng đến lạnh lòng, nỗi đau vỡ òa đến khôn cùng: “Nhưng rồi hình bóng về xa khuất/ Mẹ chẳng còn ăn những miếng trầu”. Có ai không rưng rưng đắng nghẹn trong lòng trước hình ảnh: “Chiếc cơi trống vắng hơi đồng lạnh/ Con đặt tay vào ngón buốt đau”. Nỗi đau không chỉ thấm vào da thịt mà hơn thế như xuyên vào trong tâm. Vẫn biết đấy là quy luật của tạo hóa nhưng  mất mát quá lớn, câu thơ như nén hương lòng thơm ba cõi, như thốt lên trong tiếng nấc: “Bây giờ đã bớt gieo neo/Lại không còn mẹ mà chiều. Khổ không?”. Dấu chấm ngắt câu  cùng từ “khổ không?” và dấu hỏi chấm như sự dồn nén đến tột cùng xót xa của người con hiếu thảo. Hai câu thơ cuối khiến người đọc thấm  thía dư vị đắng cay toát ra từ nỗi lòng của người con thương mẹ tha thiết, đôi nơi cách trở âm dương nhưng hàng trầu vỏ như một địa chỉ thiêng liêng của tình mẫu tử... chỉ có con và mẹ hiểu: “Từ ngày đưa mẹ ra đồng/ Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn”  bởi hình ảnh thân thuộc ấy lại gợi nhớ về bao kỷ niệm khát khao và tiếc nuối và cũng là nỗi đau thầm lặng khi phải mãi cách xa một người thân yêu nhất trong đời !
Bài thơ tự nhiên như hơi thở, cảm xúc chân thực, hình ảnh ấn tượng, chỉ một việc tưởng chừng rất nhỏ mà khái quát được một tình cảm lớn, nhà thơ không chỉ nói lên tâm tư của riêng mình với mẹ thân yêu mà còn gửi đến mỗi chúng ta một thông điệp mang tính đạo lý tự ngàn xưa: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.  
Hà Nội 10.2013
       
       Dương Hiền Nga