Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đọc “Sóng hận sông Lô”:

Đông La- Phạm Thuận Thành
Thứ tư ngày 14 tháng 8 năm 2013 5:21 AM

 

VÀI Ý KIẾN PHÊ PHÁN GỬI  ĐẾN BUỔI TỌA ĐÀM (10/8/2013)

 

Lời thưa: Diễn đàn “Thư viện café sách Đông Tây” từ khi thành lập đến nay luôn là diễn đàn mở. Mọi sự khen- chê đều trung thực, khách quan; đều là vì cái chung và vì nhau giữa cộng đồng bạn đọc, bạn viết. Tiếp theo 2 bài lược thuật về buổi tọa đàm ra mắt cuốn “Sóng hận sông Lô” của GS Huệ Chi (trên trang BVN) và PGS.TR Vũ Nho (trên trang Tễu- NXD) đi kèm với bài viết của nhà văn Lê Mai, chúng tôi công bố thêm hai bài viết mang tính phê phán. Do điều kiện các anh ở xa, không trực tiếp đọc tham luận, nhưng BTC đã trân trọng in thành tài liệu tham khảo trong buổi tọa đàm. Hy vọng nhận được thêm nhiều bài viết khác trên mạng để tác giả VNT có thêm bài học kinh nghiệm viết tiếp 2 cuốn khác, trong bộ tiểu thuyết giáo trình “Ba vụ thảm án thời Lê”… 
                                                                        TTVH Đông Tây & Tác giả VNT
  


ĐỌC “SÓNG HẬN SÔNG LÔ”:
                  LÊ LỢI GIẾT TRẦN NGUYÊN HÃN?...
                           
Đông La (Nhà văn TPHCM)

Trong thực trạng nhiều học sinh được điểm 0 môn sử, học sinh một trường cấp III ở TPHCM khi biết không thi môn sử đã vui mừng xé đề cương ném như bươm bướm bay trắng cả sân trường, thì nhà văn Vũ Ngọc Tiến cho chào đời một tác phẩm viết về lịch sử. Phải chăng đó cũng là một cái duyên, một sự sắp đặt của đấng vô hình. Vũ Ngọc Tiến là một nhà văn viết khá nhiều về Đạo Phật, hôm nay, cuốn Sóng hận sông Lô cũng lại có nhiều đoạn viết về Đạo Phật. Trong kinh Tạp A Hàm, Phật đã dạy: “Vạn pháp không nằm ngoài nguyên lý: Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt”.
Cuốn Sóng hận sông Lô viết về nhà Hậu Lê, thời Lê Sơ, tái hiện lại giai đoạn Lê Lợi tụ nghĩa tại núi Lam Sơn, khởi binh kháng chiến trong vòng 10 năm, cuối cùng đã đuổi cổ được giặc Minh, giành lại giang sơn.
Hiểu lịch sử tưởng dễ mà khó. Hồi tôi đi học không có khái niệm học giỏi môn sử. Chả ai học giỏi môn sử mà được coi là thông minh cả. Vì chỉ cần đọc là biết thì cần gì thông minh? Vậy mà hôm nay, khi tham gia tranh biện nhiều vấn đề từ chính trị xã hội nên đã dẫn tới chuyện lịch sử, tôi mới nhận ra một thực trạng: hiện người ta cứ lo học sinh chán ghét môn sử nên không hiểu lịch sử cha ông, nhưng có điều còn đáng ngại hơn nhiều, và thật là kỳ quặc, đó là có những người thuộc tầng lớp trí thức, thậm chí cả những người được gọi là nhà sử học, giảng viên môn sử cũng có những cái nhìn không đúng về lịch sử; không chỉ lịch sử xa mà ngay lịch sử gần, kể cả cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gần đây. Thì ra, để hiểu lịch sử cũng cần phải có sự thông minh, không, sự thông thái thì đúng hơn. Để có cái nhìn minh triết, thấu suốt về những sự kiện lịch sử cần phải có sự thông thái, nó không giống với trí thông minh giải các bài toán, mà nó cần sự nhạy cảm, sự từng trải, sự tinh thông và cái tâm trong sáng.
Cuốn Sóng hận sông Lô của anh Tiến có hai ý chính: một là công trạng của Lê Lợi cũng như của tất cả tướng sĩ Lam Sơn trong đó có Trần Nguyên Hãn; hai là mối quan hệ riêng giữa Lê lợi và Trần Nguyên Hãn.
Ý đầu thì mọi người rất dễ thống nhất. Bởi với lịch sử thì công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại nền độc lập là công lớn nhất. Hơn nữa Lê Lợi lại khởi binh trong tình trạng nước ta hoàn toàn bị giặc Minh cai trị, không như một số triều đại chúng ta thắng giặc khi nước ta đang cường thịnh, có vua hiền, tướng giỏi, quân sĩ thiện chiến. Năm 1075, khi biết Vua Tống dấy binh, Vua Lý Nhân Tông đã sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem hơn 100.000 quân đi đánh chặn ngay trên đất giặc, chém chết Trương Thủ Tiết, Tri phủ Ung Châu là Tô Giám khiếp vía mà phải tự thiêu. Cuối năm 1284, giặc Nguyên lần thứ 2 xâm lược nước ta, với quy mô lớn nhất hơn 50 vạn quân, bằng thế "gọng kìm", Thoát Hoan đi từ hướng Bắc đánh xuống, còn Toa Đô đi đường biển từ hướng Nam đánh lên. Nhà Trần dùng chiến thuật "vườn không nhà trống" hóa giải thế mạnh quân giặc, đợi thời cơ, năm 1285, đã tổ chức phản công, giết Toa Đô, khiến Thoát Hoan trốn chạy. Còn Lê Lợi tụ nghĩa trong bối cảnh những cuộc nổi dậy chống Minh của nhà Hậu Trần, Nhà Hồ đã bị đánh dẹp tàn khốc. Vua Trần, Vua Hồ đều bị bắt, quân khởi nghĩa bị chặt đầu, đốt xác, cuốn ruột vào cây. Trương Phụ đã thiết lập bộ máy cai trị vững chắc trên đất nước ta. Nhưng với chí lớn, tính tình khảng khái, Lê Lợi quyết không thèm làm quan cho giặc với câu nói bất hủ: "Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người!". Ông quả xứng danh là minh chủ trong giai đoạn tăm tối đó nên hào kiệt các nơi mới tụ về. Từ con ruột Lê Tư tề, cháu ruột Đinh Lễ, Đinh Liệt (gọi Lê Lợi bằng cậu), người nhà Nguyễn Xí (như con nuôi),  đến đồng hương cùng quê, cùng Thanh Hóa như Lê Sát, Lê Ngân, Lê Lai, Phạm Vấn…, và đặc biệt có 2 nhân vật kiệt xuất xứ Bắc Hà, một văn, một võ, có nội ngoại đều xuất thân từ dòng dõi nhà Trần, anh em con cô con cậu, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn. Chính từ lực lượng trí dũng toàn tài ấy, Lê Lợi với cái uy, cái tài dùng người của mình đã làm nên chiến thắng vĩ đại. Ông xứng đáng được lịch sử suy tôn là anh hùng dân tộc. 
Còn Trần Nguyên Hãn, vị tướng khai quốc công thần, có những công lao to lớn có tính quyết định dẫn tới toàn thắng. Đặc biệt trận công thành Xương Giang, sau các đợt vây hãm Lê Sát, Nguyễn Đình Lý... vẫn không hạ được, Trần Nguyên Hãn được thay thế. Ông đã cho đào từ các khu rừng lân cận hầm ngầm luồn vào trong thành giặc, rồi tiến hành nội công ngoại kích, đã hạ được thành. Trong lịch sử chống ngoại xâm, đây là lần hiếm hoi quân ta triệt hạ được một thành trì quan trọng và có quân số lớn. Các nhà chép sử đã coi thành công tại Xương Giang chỉ đứng sau sự kiện Lý Thường Kiệt hạ thành Ung Châu. Đặc biệt, mấy trăm năm sau, phải chăng mưu lược của Trần Nguyên Hãn đã được vận dụng trong việc công binh ta ở Điện Biên Phủ đào đường hầm dài tới 82 m với đất gan gà cực kỳ rắn dưới đồi A1, để đặt 1000kg thuốc nổ, làm sập cả hệ thống hầm ngầm của đồi A1, giúp quân ta chiếm được đồi sau 4 lần tiến công bao thương vong mà vẫn chưa chiếm được, vào đêm 6 rạng sáng 7-5-1954, đánh một đòn quyết định mở cửa dẫn tới đích toàn thắng!
Vì vậy, công lao của Lê Lợi và Trần Nguyên Hãn được ghi trong chính sử và hôm nay, cuốn Sóng hận sông Lô của nhà văn Vũ Ngọc Tiến tái hiện lại không có gì phải bàn cãi.
Nhưng ý lớn thứ hai trong Sóng hận sông Lô là mối quan hệ giữa Lê Lợi và Trần Nguyên Hãn thì việc đánh giá không thống nhất. Đó là việc sau khi đại nghiệp hoàn thành, Lê Lợi lên ngôi, Trần Nguyên Hãn được phong quan đầu triều nhưng rồi từ quan về quê. Ông đã bị tố cáo làm phản nên Lê Lợi đã sai quân đi bắt ông về triều xét hỏi, khiến ông tự sát trên dòng sông Lô như chính sử ghi. Còn trong Sóng hận sông Lô viết, Lê Lợi ngầm sai làm đắm thuyền chở Trần Nguyên Hãn, khiến ông bị chết đuối.
 Anh Vũ Ngọc Tiến đã xây dựng nhân vật Lê Lợi trong Sóng hận sông Lô là một thủ lĩnh nghĩa quân quyền uy, mưu lược, biết dùng người, nhưng luôn có ý đề phòng để giữ vững quyền lực cũng như ngai vàng của Nhà Lê về sau. Cộng với sự phân chia bè phái, tranh giành ảnh hưởng của các nhóm tướng lĩnh khai quốc công thần, phe ủng hộ Tư Tề, phe ủng hộ Nguyên Long, mà phe Nguyên Long thắng đã vu cáo Trần Nguyên Hãn thuộc phe Tư Tề. Lê Lợi đã vin vào cớ đó diệt trừ Trần Nguyên Hãn.
Với con mắt của thời dân chủ ngày nay thì hành động của Lê Lợi rõ ràng là độc ác, vô ơn. Nhưng dưới thời quân chủ, việc triều sau triệt hạ tận gốc triều trước; việc cha con, anh em tiêu diệt nhau vì ngai vàng lại là chuyện thường.
Với Trần Nguyên Hãn, ngay trong Sóng hận sông Lô, anh Tiến viết chính ông nội Trần Nguyên Hãn là Trần Nguyên Đán luôn có chí phục Trần. Nên Trần Nguyên Đán mới gởi gắm bạn mình là nhà sư ở Tam Đảo nuôi dạy cháu mình bảo tồn dòng dõi, chờ thời xuống núi. Mà với một tài năng như Trần Nguyên Hãn, khi triều Lê mâu thuẫn, suy yếu, liệu có hành động? Về chuyện này GS Trần Quốc Vượng có ý kiến: “Trần Nguyên Hãn lại “dại dột” làm nhiều nhà cửa, xây bằng gạch hoa, có vẻ như xây biệt đô, biệt cung, thuần phục và tậu voi tậu trâu từng đàn đi lại rầm rập, lại “đóng thuyền, chở binh khí“ nữa, ra cái dáng “sứ quân“, “nghênh ngang một cõi”…“Thế thì chưa biết “động cơ chủ quan“ như thế nào, chứ như thế thì bịt sao nổi miệng thế xầm xì phao tin đồn (cơ chế của tin đồn là mối quan tâm tới một sự kiện nhưng thiếu thông tin về sự kiện đó). Người ta vu cho ông làm phản. Và ông bị giết hại (hay bị “bức tử“, “tự sát“, hay là “chết đuối“…thì cũng vậy thôi) là phải”. (Sách Văn hóa Việt Nam– tìm tòi và suy ngẫm, Trần Quốc Vượng, trang 749).
Lịch sử là thế nhưng hiểu cho đúng lại không dễ. Sự lạc hậu, sự phi lý của thể chế quân chủ thời phong kiến đã bị thời hiện đại phế bỏ, nhưng việc loại bỏ hẳn cái tàn dư rơi rớt lại của nó thì lại là một việc rất khó, kể cả ở chính nước ta; còn một số nước phát triển còn gọi là Vương quốc, còn vua thì cũng chỉ như một nét văn hóa, sự trưng bày đồ cổ mà thôi. Vì vậy, viết về lịch sử cần tấm lòng bao dung về những hạn chế của thời đại, về những sai lầm của tiền nhân. Viết để rút ra bài học bổ ích cho đời sau là tốt. Tiếc là đã có không ít người viết với cái nhìn hạn hẹp, theo ý đồ của cá nhân, hướng người đọc hiểu lệch lạc lịch sử thì đúng là không nên! Ở góc độ này mà xét, tác giả “Sóng hận sông Lô” đã đi quá xa, mất đi tính chân thực lịch sử, tôi e có hại cho bạn đọc, nhất là lớp trẻ mà anh Vũ Ngọc Tiến khi viết tiểu thuyết lịch sử luôn muốn hướng tới…
Về bút pháp như tác giả tâm sự, anh viết Sóng hận sông Lô theo cách viết “Tiểu thuyết giáo trình” ở Mỹ. Tác giả đã có ý cài đặt những kiến thức về tôn giáo, lịch sử, địa lí, triết học quyện trong các tình tiết của cốt truyện, để người đọc bồi đắp thêm tri thức một cách tự nhiên. Đọc truyện mà thành ra “học bài” một cách thú vị, chứ không phải theo kiểu “học gạo” khô khan khổ sở, một đặc tính chính và dở của nền giáo dục của chúng ta. Tôi vốn viết nhiều về tri thức ở các lĩnh vực khác nhau, nên rất thích những đoạn văn cài đặt những ý tứ khái quát, sâu sắc, vừa đúng vừa cần cho mọi người, mọi thời. Vì thế tôi thấy cái cao, cái sâu của Sóng hận sông Lô khiến cho độc giả trí thức tâm đắc, suy ngẫm chính là đoạn Thiền sư Cúc Khê dặn dò đệ tử là Trần Nguyên Hãn trước khi xuống núi. Thiền sư đã dặn chàng là cần phải hòa giải bởi, một người sinh ra trong cảnh hận thù giữa hai triều Trần - Hồ, giữa chính những người trong gia tộc Trần với nhau, thì chỉ để tồn tại được thôi, chính mình đã phải tự hòa giải, tự phá chấp. Hơn nữa, khi nước mất, để thắng giặc ngoại xâm thì giữa những người Việt cần phải hòa giải. Đạo Phật từng có nhiều tông, phái đã được Phật Hoàng hợp nhất thành Thiền phái Trúc Lâm của Đại Việt. Đạo cần hòa hợp thì dân tộc cũng cần hòa hợp mới có sức mạnh. Triều đại nào rồi cũng có hưng, có phế, ai có uy đức thì làm minh chủ, thắng được giặc thì làm vua. Đạo Phật  có phép ứng xử Lục hòa mà thân hòa là cốt lõi, tìm được minh chủ thì phải đem thân mình hòa vào đại nghiệp thì việc đại nghĩa mới thành…
Lời dạy của thiền sư, hay ý của nhà văn nói với bạn đọc? Khi nước ta, dù còn nhiều tệ nạn, còn nhiều người khổ, nhưng nhìn chung đang có mức sống cao nhất nếu so với toàn bộ lịch sử đất nước; nhưng lại có tình trạng phân hóa, chia rẽ sâu sắc. Tiếc là không phải vì đại cục, chỉnh sửa sai lầm, giữ sự ổn định và tiếp tục phát triển, mà họ lại vì sự ích kỷ của mình, của nhóm mình, muốn đập vỡ, lật đổ, thay thế nhau, không cần biết rồi đất nước sẽ đi về đâu!
                                                                                5-8-2013

                MẤY CẢM NHẬN VỀ “SÓNG HẬN SÔNG LÔ” CỦA VŨ NGỌC TIẾN

                                                              Phạm Thuận Thành (Nhà văn Bắc Ninh)   

Là người yêu đề tài lịch sử nên khi cầm cuốn “Sóng hận sông Lô” dầy dặn, đẹp, bắt mắt trên tay tôi rất háo hức tâm thế cho việc đọc. Hăm hở đến với vụ án oan Trần Nguyên Hãn. Hóa ra tôi đã được khám phá cả một chương oai hùng của dân tộc: Cuộc kháng chiến trường kì chống quân xâm lược Minh do Lê Lợi lãnh đạo.
   Với vụ án oan, tác giả đã khéo dựng lên một câu chuyện bảo đảm ngai vàng ngay từ sớm của vị thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn. Chỉ có bậc thiên tài đạo diễn nên vở bi kịch mới hiểu hết tường tận điều tất chết của các công thần. Sự sáng tạo của tác giả đặt vào nhân vật Đinh Liệt, người gọi thủ lĩnh Lê Lợi là cậu ruột. Đi cùng cái chết của một số công thần hàng đầu là người con cả Tư Tề. Họ đều phải tự nguyện gánh chịu nỗi oan mà khi sống không thể hiểu nổi, để củng cố vương triều nhà Lê vững bền. Trên thực tế, vương triều nhà Lê đã phải bao phen sóng gió suốt ba mươi năm mới yên lặng. Không biết việc sắp đặt củng cố ngai vị ấy có đúng hay sai, nhưng nhà Lê đã vững và bao máu oan đã chảy. Thảm khốc. Bội bạc nữa.
   Cùng với vụ án oan do thủ lĩnh sắp đặt là bàn tay kẻ thù sắp đặt cho hậu chiến phá vỡ từng mảng kết cấu chính quyền phe thắng trận nay mai. Dường như kẻ thù của dân tộc mới là Tổng đạo diễn cho máu công thần đổ hậu chiến vậy. Bài học cảnh giác luôn là mới cho dân tộc ta qua những trang văn này.
   Tuy nhiên, lối viết “kí vãng lịch sử” thông qua kiểu sống lại thời xưa của tác giả dường như chưa phải. Kí vãng kiểu này phi logic, phi trật tự thời gian, sự kiện. Người được kí mộng và sự kiện phải đan xen thì mới hay và phù hợp. Thời hiện tại hầu như không xuất hiện trong lòng tác phẩm. Hơn nữa, cái kí vãng ấy nằm trong cuốn tiểu thuyết nên bàn tay tác giả vẫn phải tác động để cho các kí vãng tuy rời rạc nhưng vẫn tập trung cho nhân vật chính Trần Nguyên Hãn. Nhưng ở đây tác giả còn bị hạn chế, quá sa vào sự kiện lịch sử. Một hạn chế nữa là viết về lịch sử là viết về những điều đã biết nên sự hư cấu kiểu thủ lĩnh Lê Lợi được vua Lê Đại Hành báo mộng họ Trịnh sau này phục hưng vương triều nó quá lộ liễu, gượng ép. Về lối viết nặng kể, kể vội chứ không để cho nhân vật hành động, bộc lộ tính cách tự nhiên như nguyên mẫu đã sống, đã hành động cũng làm giảm chất văn của tác phẩm. Chào mừng thành tựu mới của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, xin có vài lời trao đổi để ta cùng rút kinh nghiệm, hi vọng lối viết mới này của ông sẽ được phát huy và chỉn chu hơn với người đi sau.

Thuận Thành – Bắc Ninh ngày 9/8/2013