Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÕI ĐÊM & MẸ,GÁNH HÀNG RONG VÀ CU SỨT

Đoàn Nhất Trí.
Thứ tư ngày 24 tháng 6 năm 2009 7:19 PM

  truyện  ngắn

1-            Căn phòng bảo vệ xây sát góc lô đất của cơ quan. Bức tường đầu hồi của nó nối liền với tường rào sắt vững chãi kết hoa văn sơn xanh màu nước biển rất đẹp, bất khả xâm phạm. Phía trong tường rào là lãnh địa thiêng của một cơ quan quan trọng. Ngoài tường rào, vỉa hè rộng lát gạch gốm trang trí màu mận chín có những đường hoa văn bắt mắt ngăn cách với mặt đường phố rộng và dài hun hút của một con phố đẹp và sầm uất nhất Thủ đô. Bức tường hậu của phòng bảo vệ xây cách tường rào trái của khu đất đến gần một mét vuông, mái lợp tôn Oslam của nó chùm qua tường cho nước chảy ra con hẻm bên ngoài, tạo thành một cái trái nhà( trong trường hợp này, đúng ra là hậu nhà ) khô ráo và kín đáo. Mấy tay bảo vệ thường dùng cái mái phía sau này làm nơi chứa những đồ cũ, phế thải như ghế hỏng, phích đựng nước vỡ, bàn gẫy chân...
Lần ấy, đêm đã khuya, người bảo vệ có tên Thiện chợt nghe như có tiếng đập đâu đó phía tường sau của căn phòng, anh rón rén vòng lại. Cái cửa nhỏ hẹp vẫn ra vào trái nhà sau không hiểu ai đã dùng mặt chiếc bàn làm việc gẫy chân chặn kín. Thiện lấy tay đẩy mạnh lấy một khe hở rọi đèn pin vào. Thiện giật mình thấy trong đó là cái ổ rơm, trên trải manh chiếu rách tơ tướp giống cái ổ chó. Một hình nhân giống bộ xương trong phòng thí nghiệm được đắp qua loa một ít da thịt phía ngoài. Bộ quần áo tả tơi buộc túm bởi trăm mảnh giẻ nhặt được. Cái hình người ấy đang vật vã hết nằm lại ngồi, cứ hai ba phút một lần, nó lại đập cái đầu bù xù những tóc lẫn rơm rạ vào tường. Sau mỗi cú đập, nó lại quay đơ ra, chân tay giẫy giẫy. Dáng điệu và cử chỉ giống một con người đang đau đớn đến cực độ.

Thiện lấy hết can đảm lách người qua khe cửa chui vào. Anh rọi thẳng đèn pin vào mặt con vật người ấy. Một khuôn mặt người đen sạm, hốc hác, đôi tròng mắt trắng giã vô hồn vô cảm. Nhìn nó, không ai có thể đoán được tuổi. Khi bị rọi đèn, hình như nó lập tức dồn hết sức còn lại, phủ phục đập đầu sát đất vái lạy Thiện. Từ cái miệng vêu vẩu của nó phát ra những tiếng khò khè, lắp bắp: " Con lạy ông! Con lậy ông trăm lạy, ngàn lạy! Ông đừng bắt con, cũng đừng đuổi con đi khỏi chỗ này. Con mà đi khỏi đây, con không chết rét, cũng chết đói hay chết vì tay những đứa ăn mày khác khoẻ hơn. Con cắn cỏ cắn rơm, lạy ông, ông tha cho con. Kiếp này con không có gì, xin để kiếp sau con đền đáp ơn ông...Ông để con sống, được làm người ngày nào, con mang ơn ông ngày ấy, để con còn có cơ hội tìm gặp con trai con. Dẫu có phải sống kiếp trâu ngựa thế này con vẫn cứ mong được sống, được làm người, được gặp lại con gái con..".Hai cánh tay của nó như hai que củi, một ngắn hơn, cong vẹo sang ngang, che lấy mặt cứ ngẩng lên lại cúi xuống vái lấy vái để. Cái tay còng quèo của nó làm Thiện nhớ đến cánh tay trái của cha mình ở quê cũng cong vẹo như thế vì một tai nạn lao động khi ông đang khai thác đá bên sườn núi. Lòng Thiện trào lên một điều gì khó tả. Anh không còn sợ hãi hay ghê tởm nữa. Thiện ngồi xuống nâng cái hình người nửa thú ấy lên hỏi:
            - Ông đang đau đớn lắm phải không?
            - Dạ, con bị đau đầu. Đầu con như có ai đang dùng búa tạ đập vào. óc con, mắt con như có bàn tay nào đó thọc vào nhào bóp, đau không chịu được. Thiện vỗ vỗ vào người ông ta, nhẹ nhàng ép nằm xuống, nói giọng lo lắng:
            - Ông cứ nằm đây, chịu khó chờ, tôi về lấy cho ông cái gì ăn rồi uống thuốc!
Thiện chui ra, vào phòng bảo vệ lấy chiếc bánh mì kẹp thịt và gói mì tôm anh vẫn thường chuẩn bị dùng để ăn giữa đêm. Anh hối hả cắm điện đun nước rồi lục tủ thuốc cứu thương treo tường xem có thuốc cảm hay thuốc đau đầu. Tủ thuốc cơ quan là sản phẩm của thời kì bao cấp mà cơ quan này vẫn giữ được. Nó không có những loại thuốc cao cấp nhưng những loại thông thường thì thường là đầy đủ. Thiện vội vã đổ nước sôi vào tô mì ăn liền, cầm bánh mì, cùng hai vỉ thuốc Pamin. Thiện nâng người ấy ngồi dậy, lấy thìa múc từng thìa nước mì đổ vào mồm ông ta rồi véo từng miếng bánh mì nhét vào. Không thể gọi đấy là cái mồm của một con người đúng nghĩa. nó méo xệch, chỉ hở ra một cái lỗ tị hin và bao quanh cái lỗ tin hin ấy là cái vành môi trên, môi dưới sần sùi, sứt sẹo giống bờ đê trồi sụt bởi sóng, gió, mưa bão, cốt ngăn không cho thức ăn đổ ra ngoài. Cứ thế, hết nửa chiếc bánh cùng gần nửa tô nước mì. Ông ta tỉnh lại dần, đòi tự tay cầm bát mì xúc ăn. Nhìn cái vẻ ăn uống của người đói khát, Thiện chạnh lòng nhớ về hoàn cảnh gia đình mình hồi còn thơ bé. Chẳng biết cái con người ngồi trước mặt mình đây bao nhiêu tuổi, Thiện cứ gọi bằng ông, xưng cháu:
          - Bây giờ ông đã thấy đỡ chưa? Uống hai viên thuốc này, chắc sẽ đỡ nhiều. Sáng sớm mai cháu mua mấy ổ bánh mì nữa để ông ăn cả ngày. Ăn sáng xong, ông uống hai viên. Qua bữa trưa, Ăn tối xong ông lại uống hai viên nữa, chắc sẽ khỏi. Ông nhớ đừng gây ra tiếng động gì làm người ngoài chú ý. Tối mai đến phiên cháu gác cháu sẽ nói chuyện tiép với ông. Thiện định đứng dậy chui ra thì ông lão vồ lấy bàn tay anh:
          - Con xin cảm ơn ông! Cám ơn ông nhiều lắm...Thiện nhẹ nhàng rút tay ra:
          - Thôi ông nghỉ đi, chốc cháu vất sang cho chiếc chăn cũ cơ quan đã bỏ đi để ông đắp cho ấm, nhất là phải để cho nó ra mồ hôi nhiều vào.

2-                   Tối hôm sau, Thiện vẫn gác ca đêm. ở cơ quan này, chỉ có hai người bảo vệ. Họ thay nhau, mỗi người trực một tuần ca đêm lại đến một tuần ca ngày. Người gác trước vừa lên xe máy rời cổng, Thiện đã lại bí mật chui vào cái xó của người ăn mày. Bây giờ thì ông đã tỉnh táo hẳn. Anh đoán chỉ cần uống nốt vỉ thuốc là ngày mai ông ta sẽ khoẻ. Thiện cũng mang sang một cây mến, anh quẹt diêm châm lửa, để nó vào góc rồi lấy mấy thứ ở đó che gần hết ánh sáng, chỉ còn một khe hở rọi ra khoảng giữa chiếc ổ đủ để hai người lờ mờ thấy mặt nhau trong khi nói chuyện. Thiện đã vất vả chắp nối từng đoan đứt quãng trong tiếng nấc và tiếng thở dài nghẹn ngào của người đàn ông ngồi trước mặt mới rõ dần ra câu chuyện thương tâm như mới xẩy ra hôm qua đối với một kiếp người Ơ một làng quê bình yên thời chiến tranh chống Mỹ, nơi có phong trào năm tấn thóc trên một ha, có một gia đình nông dân chăm chỉ cần cù chịu khó làm ăn trên một diện tích canh tác chưa được năm sào lúa. Ông bà cũng chỉ có duy nhất một con trai. Dòng họ Phạm của ông bà, mỗi đời duy nhất chỉ sinh được một người con trai nối dõi. Chàng trai lớn lên khoẻ mạnh, xốc vác, học hết lớp mười hai nhưng không thi đại học, quyết ở lại quê nối chí cha mẹ. Không ngại gian khổ, xa xôi hay tiêu tốn tiền bạc, anh đi khắp nơi tìm gặp những nông dân có kinh nghiệm làm giầu từ đồng đất chính nơi họ sinh sống. Trong số ấy có người nuôi ba ba giỏi, nuôi ếch, nuôi cá, nuôi nhím, nuôi giun...giỏi. Có người làm giỏi mô hình VAC hay trang trạiv.v...Về nhà, anh bàn với cha mẹ áp dụng mô hình vườn- ao- chuông, kết hợp với thâm canh gần năm sào đất trồng lúa. Vì thế là nông dân nhưng gia đình cũng có bát ăn bát để. Năm mười tám tuổi, cha, mẹ cậu cưới cho cô vợ quê ở làng bên xinh gái vào loại nhất vùng. Đến khi họ có được đứa con gái hai tuổi thì cha mẹ họ lần lượt về với tổ tiên. Đúng thời kì đó, khắp nơi trong cả nước có phong trào công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa. Nhiều diện tích đất canh tác được đưa vào khu công nghiệp, lấy làm sân gôn hay, xây những khu đô thị cao tầng, lập nhà máy hay chỉ đơn giản thôi, mở mang đường xá, cầu cống.... Gần năm sào đất ruộng trồng lúa của vợ chồng nọ cũng nằm trong diện quy hoạch. Người ta thương lượng với nông dân về giá đền bù. Những người chủ ruộng cho rằng giá cả của nhà nước trả họ rẻ như bèo, trong khi mặt bằng giá thị trường coa ngất ngưởng. Không những thế, đằng sau nó còn có cái gì đó không rõ ràng minh bạch, lợi dụng mưu lợi cho một số quan chức địa phương. Hầu hết các gia đình không đồng ý với mức đền bù nói trên. Thế nhưng, bằng đủ mọi cách, nhữnh ông quan địa phương vẫn ép được họ nhượng lại với cái giá họ đã định sẵn. Chỉ riềng vợ chồng nhà kia là kiên quyết không chịu. Anh chàng lực điền mới hơn hai mươi tuổi đầu, miệng còn hơi sữa, cầm con dao băm rau lợn mài sáng loáng, đướng dạng chân ở đầu bờ ruộng nhà mình thách đố xem ai dám đến quy hoạch.
Không ai dám đến thật. Họ không dám đến không phải vì họ sợ cái lưỡi dao cùn băm rau lợn, hay vì sợ cái sức vóc căng tràn thớ thịt của chủ nhân mấy sào ruộng đó. Mà là họ sợ mang tiếng. Sợ đấu trực diện giữa thanh thiên bạch nhật, sợ cái đúng không thuộc về họ. Tuy nhiên, đối với những cái đầu có sỏi sạn của các quan làng hay nói đúng hơn là " ma làng" thì họ có sợ ai. Quan xa, nha gần mà. Đã thách thì họ sẽ đấu. Họ rất giỏi đánh đòn ngầm, cũng đã từng trăm trận đánh trăm trận thắng rồi đấy thôi. Đối thủ của họ dù có nặng ký đến mấy cũng bị họ cho đo ván. Chết không kịp ngáp, lại chẳng để lại dấu vết gì. Quan trên về. Thanh tra, khiểm tra xuống, dù đèn trời có sáng đến mấy cũng không soi tìm được chứng tích gì trên hai bàn tay quá sạch sẽ của họ, nhờ được tẩy rửa bằng hết ăn nhậu lại đến quà cáp, biếu xén bằng đô- la xanh lè hay được họ cho tươi mát, tẩy trần bằng gái tơ hảo hạng. Khi đoàn rút, để lại cái tờ biên bản như chiếc bùa hộ mệnh tiếp tục để các quan làng quan xã cùng núp vào đấy làm tiếp những phi vụ mờ ám sau. Phi vụ sau bao giờ cũng lớn hơn, hoành tráng hơn phi vụ trước. Chỉ có cái anh đi kiện là thiệt đơn thiệt kép. Có khi cả thiệt mạng chứ chẳng nói chơi. Chính vì thế, chưa đầy một tuần sau lần chàng lực điền cầm dao băm rau thách đố chính quyền đến lấy đất, chỉ qua một đêm, năm sào lúa chiêm đang vào đòng xanh tốt mơn mởn, hứa hẹn một vụ thu hoạch thắng lợi lớn, bị tàn phá tua tướp không còn một nhánh nguyên lành bởi một đàn vịt thả đồng có đến hàng nghìn cọn đi qua. Chàng lực điền nửa khóc, nửa cười ngồi viết đơn gửi lên xã, lên huyện. Chỉ vài hôm sau chính bức thư ấy lại quay trở về thôn. Buổi tối, triệu tập nhân dân toàn thôn lại họp"cái gọi là phát hiện" người có đàn vịt phá hoại tài sản công dân. Cả thôn có năm gia đình nuôi vịt đàn, không ai nhận. Trưởng thôn tuyên bố kết thúc cuộc họp và khuyên chàng lực điền có của phải biết giữ, đừng để xẩy ra lần thứ hai. Thế nhưng, lần thứ hai vẫn cứ xẩy ra. Lần này cũng qua một đêm, một vườn chuối và một vườn mía, mỗi thứ cũng gần hai trăm cây bỗng dưng như có một trận bão cấp mười hai tràn qua, đổ sạch không còn mống nào. Kẻ phá hoại dùng dao sắc, mỗi cây phạt hai nhát, một ngang thân, một tận gốc. Chuối non thì chúng phạt ngang buồng. Gia chủ có muốn bán vớt vát ít tiền cũng chẳng ai mua. Lại vẫn như lần trước, chàng lực điền còn mong manh hy vọng vào chân lý nên lại viết đơn lên xã, lên huyện. Đơn ấy lại được gửi về, lại được trưởng thôn đọc và lại kết luận không tìm ra thủ phạm. Uất ức tưởng phát điên lên được, chàng lực điền đêm đêm bí mật cầm dao sắc tuần tra ruộng lúa trước đây đã bị vịt đàn tàn phá nay đang ngoi ngóp gượng dậy, may ra có thể vớt vát được cân thóc nào. Chẳng ngờ người đi phục kích lại bị rơi vào ổ phục kích. Nửa đêm, giữa đồng không mông quạnh, chúng đánh hội đồng. Chàng lực điền có kêu cũng chẳng ai nghe thấy. Mãi gần sáng, chẳng biết bằng nghị lực nào, cái tấm thân tướp nát vì đòn thù, khắp người bê bết máu bò được về đến sân nhà mình thì chết ngất, không biết là lần thứ mấy. Sáng dậy, chuẩn bị đi làm đồng, cô vợ vấp phải tấm thân còn thoi thóp thở của chồng liền hô hoán lên, nhờ bà con xóm giềng khiêng đi bệnh viên. Nạn nhân, sau ba tháng nằm viện cứ teo tóp dần, chỉ còn da bọc xương. Có thứ gì bán được trong nhà, cô vợ đều đã bán hết cho chồng chữa trị mà bệnh tình tiến triển không được bao nhiêu. Đang loay hoay không biết kiếm đâu ra tiền tiếp sức cho chồng thì lão trưởng thôn vác cái mặt nhăn nhở sang nhà ngọt nhạt:
 - Thím ạ, còn người là còn của. Thím xem còn gì bán nốt đi. Chú ấy khỏi bệnh ra về, hai người lại chịu khó làm ăn , mua sắm lại. Tuổi còn trẻ mà, lo gì không trả được nợ. Hay...còn ngôi nhà và mảnh đất thổ cư đây, hãy mang đi cầm cố lấy ít tiền đã?
 - Nhưng bác bảo vay ai? Cầm cố cho ai bây giờ? Nhà nào trong thôn ta cũng chạy ăn từng bữa...
 - Thì sáng mai sang tôi, tôi còn cầm gần ba chục triệu tiền bà con đóng góp làm đường bê tông đấy, cứ tạm cầm. Cứu người như cứu hoả. Từ cái lỗ miệng có hai hàm răng khập khểnh, vàng khè khói thuốc lào của lão trưởng thôn phun ra míêng mồi nhử chết người. Vợ chàng lực điền không biết rằng mình đã mắc câu từ đấy.

Được lời như cởi tấm lòng. Sáng sớm hôm sau, vợ chàng lực điền đã có mặt tại nhà lão trưởng thôn. Chẳng cần biết trong hai ba cái giấy lão trưởng thôn đưa ra viết những thứ gì, vợ chàng lực điền cứ ký đại để mau chóng được cầm tiền. Chị tin vào cái chức trưởng thôn và hơi hướng họ hàng của gã với gia đình chồng. Trước khi " thím ấy" ra về, lão còn kịp kéo sát mặt " thím" vào hôn cái chụt rồi vỗ cái đét vào mông, kèm theo lời bình: "Thím đẹp lắm, gái một con trông mòn con mắt! Thật phí của giời!" Vợ chàng lực điền cầm nắm tiến trong tay mắt còn lúng liếng dài mãi ra đến ngõ. Không hiểu có phải vì cái phát nẩy mông mà má thị cứ đỏ mãi lên như gái mới về nhà chồng. Nhìn thị đi ra, trong đầu lão trưởng thôn đã hình thành trọn vẹn một kế hoạch chiếm đoạt người đàn bà lẳng lơ ấy.

Món tiền đi vay quả đã phát huy tác dụng. Nhờ nó, hai tháng sau, chàng lực điền được ra viện. Đòn thù đã cướp đi con mắt trái, làm chùn vẹo, cong queo cánh tay phải, và để lại những bước chân lê lết trên mặt đường sau mỗi bước đi khó nhọc. Bộ khung xương bọc da ấy về được đến nhà không thấy vợ con đâu nữa. Như một bản năng, nó  đi vào trong buồng, thọc tay vào cái hốc thường để những vật quý chỉ hai vợ chồng biết. Chỉ có mảnh giấy học trò xé từ vở học của đứa con gái và hơn triệu đồng vợ để lại. Mảnh giấy ghi:" Hãy tha tội cho mẹ con em. Đừng mất công đi tìm làm gì nữa. Còn lại hơn triệu bạc, anh mua thêm thuốc mà tẩm bổ cho chóng lại người. Ngôi nhà và mảnh đất này do cha mẹ để lại giờ thuộc về lão trưởng thôn rồi vì em đã thế chấp để vay tiền lão mà không có trả. Kí tên, người vợ bội bạc của anh! " Chàng lực điền không sửng sốt trước cái tin này. Hàng xóm kể, thằng chăn vịt đàn không biết nguồn gốc ở đâu đến dựng lều, quây chuồng ở bãi đất đầu làng từ nhiều tháng nay, vốn là kẻ thân tín của lão trưởng thôn vẫn thường đến lân la khi thì xin que diêm, khi hút nhờ điếu thuốc lào trong khi anh đang nằm viện đã quyến rũ vợ anh. Biết tin anh sắp ra viện, nó cuộn lều, nhổ cọc lùa đàn vịt đi, lùa luôn cả vợ con anh theo...

Một đêm tối trời, ngôi nhà của chàng lực điền từ đời ông để lại đột nhiên phát hoả , cháy bừng bừng. Nhà làm biệt lập nơi đầu xóm, lại bị gió đông thổi tạt lửa khói ra cánh đồng nên sáng ra, mọi người mới biết đến cứu thì chỉ còn một đống tro tàn vẫn còn nóng hôi hổi. Chủ của nó đã lặng lẽ bỏ đi. Không ai biết đi đâu. Chỉ biết từ đấy trở đi trong đội quân ăn xin của một vùng hay nói rộng ra của cả nước, nếu có đội quân này thật, lại có thêm một người. Người này lấy nghề ăn xin để sống nhưng lại lấy việc tìm lại đứa con gái làm mục đích tối thượng và làm động lực. Đôi bàn chân dặt dẹo thế đã đi khắp các nẻo đường không biết mệt mỏi. Từ những khu công nghiệp mới mở đang tuyển thợ với đồng lương rẻ mạt, vùng núi hoang vu, cùng rừng thiêng nước độc nơi có các mỏ vàng mỏ bạc đang khai thác đến những miền biên giới giáp ranh có cơ man là hàng hoá tuồn lậu ngược xuôi đang cần đến nhưng đội quân cửu vạn liều chết kiếm miếng ăn, anh đều đã đi qua. Con gái chẳng thấy đâu, chỉ gặp những cảnh đời ngang trái. Bây giờ, cái đôi bàn chân lê lết ấy lại đang lệt sệt trên các ngõ ngách của thành phố này. Thế mà đã năn năm rồi...

3-           Tối nay, Thiện tay cầm cái phích nhãn hiệu Trung Quốc của cơ quan vứt đi vì nó đã gẫy núm hút khí, cùng nắm cơm nắn còn nóng hổi và vài miếng thịt kho gói lại anh đã chuẩn bị từ nhà mang đi. Khi quẹt diêm châm ngọn nến để sát góc, Thiện chợt nhận ra cái ổ hôm nay còn có thêm một đứa con gái chắc mới chưa đầy bốn tuổi. Đứa bé khoẻ mạnh, mặc chiếc áo hoa còn lành, vận chiếc quần âu màu xanh công nhân, chân đi đôi dép...Rõ ràng, nó vừa rơi từ cái nơi gọi là tạm đủ ăn, đủ mặc vào cái ổ nửa thú nửa người này. Người ăn mày cho biết, đêm qua, lúc nửa đêm về sáng, trong lúc trời rét lại mưa nặng hạt, nghe bên ngoài có tiếng trẻ con khóc rấm rứt gọi mẹ, anh ta đã chui ra ngoài, thì thấy đứa trẻ này đang run cầm cập, đói lả ngồi gục ở gốc cây bên đường , chỉ cách cái ổ này chưa đầy dăm mét. Kéo đứa bé vào đây, ủ mảnh chăn rách Thịên cho rồi cho nó ăn chiếc bánh mỳ Thiện cho vẫn còn để lại. Đứa bé ăn xong lăn ra ngủ như chưa bao giờ được ngủ. Tỉnh dậy nó kể câu được câu chăng rằng mẹ nó nói là mặc đẹp để cho lên phố chơi. Đến phố mẹ nó mua cho chiéc bánh gì ngon lắm bảo nó ăn rồi cứ ngồi chờ mẹ nó ở một cái ghế đá nào đó rồi mẹ nó đi. Đợi mãi, đợi mãi không thấy mẹ  quay về. Nó đói và khát quá liền cứ đi để tìm mẹ... Nhìn đứa bé gái tội nghiệp, Thiện càng nghĩ ngợi mông lụng. Chưa giải quyết được rắc rối này, đã lại nảy ra rắc rối khác. Suốt ba bốn ngày nay, cứ đêm trực, ngày chạy đôn chạy đáo tìm một chỗ yên ổn để gửi gắm thân phận con người xấu số này mà chưa được. Vào những nhà tế bần, họ bảo bây giờ nhiều người " bần" quá, lấy gì mà " tế". Đến các nhà dưỡng lão, họ trả lời ở đấy chỉ được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, còn đâu gia đình hay người thân, người bảo trợ phải đóng góp. Đóng góp nhiều thì được hưởn nhiều. Ơ nhà dưỡng lão cũng có đẳng cấp là vì thế. Thôi đành chạy đến gõ cửa chùa mong được che chở bởi lòng từ bi hỉ xả của đức phật vạn năng. Đã có ngôi chùa phía nam thành phố đồng thuận việc nhận kẻ tứ cố vô thân vào ăn mày cửa phật. Sư trụ trì chùa này hẹn Thiện chiều mai đến làm việc lần chót trước khi anh dẫn người đến. Bây giờ lại nẩy thêm ra con bé, thật khó giải quyết. Thiện thoáng nghĩ đến việc phải thuyết phục thêm sư trụ trì để ông nhận thêm cả cháu. Cứ coi như họ là hai bố con. Kẻ ăn mày ngồi trước mặt Thiện đây chẳng đã hàng mấy năm giời phiêu bạt chịu đói rét, khổ sở đi tìm con trai đấy thôi. Ông ta sống được đến ngày nay cũng là vì ý chí tìm con thôi thúc mãnh liệt. Cũng vì giọt máu cuối cùng của dòng họ Phạm. Nếu qủa thật có người mẹ nào đó vì một lý do đặc biệt nào đó phải bỏ đứa bé này bơ vơ thì để nó làm con nuôi kẻ ăn mày khốn khổ kia là hợp lý nhất... Loang loáng những ý nghĩ như thế trong đầu Thiện nhưng anh chưa nói ra với họ. Thiện chỉ giục hai người ăn cơm rồi đi nghỉ sớm, mai anh có chuyện quan trọng  cần bàn.

4-            Hôm nay là tối chủ nhật, buổi trực đêm cuối cùng trong tuần, Thiện đến cơ quan sớm với vẻ mặt phấn khởi vì đã thoả thuận xong công việc với sư trụ trì. Sáng mai anh sẽ phải đưa " hai bố con" kẻ ăn mày đến nương nhờ cửa phật thật sớm để còn kịp quay về nhận bàn giao ka trực ban ngày của tuần tiếp theo. Vừa dựng chiếc xe vào nơi quy định, Thiện đã nghe tiếng dắt xe lọc cọc cùng lời thông báo có tính chất bàn giao công việc của người đồng sự: "Chiều nay, mình phát hiện có hai bố con thằng ăn mày chui qua cái lỗ ngoài tường vào kho để đồ của cơ quan ở phía sau. Khiếp, chúng làm cái ổ như ổ chó ăn ở đấy không biết từ bao giờ mà chúng mình không phát hiện ra. Mình đã lôi cổ chúng ra và tống khứ đi rồi. Mai cậu làm ban ngày, kiếm mấy viên gạch, trộn ít xi- măng bịt kín cái lỗ ấy lại. Cũng may, "xếp" không biết gì, nếu không có mà cắn cỏ lạy xin ông ấy cũng không tha. Bị đuổi việc là cái chắc!" Mấy tiếng cuối cùng trong lời thông báo cũng là lúc anh bạn đồng sự đã nổ được máy chiếc xe rồi phóng vụt đi rất nhanh và nhẹ tênh. Thiện không nói được câu nào, anh đứng như trời trồng trước phòng bảo vệ,  hết nhìn trân trân vào cái lỗ tường đen ngòm và sâu hoắm, lại nhìn ra đường phố. Đường phố về đêm dài hun hút đến vô tận. Bóng cây xen lẫn ánh sáng đèn đường làm nên những mảng sáng tối, đậm nhạt bí ẩn, bất trắc khôn lường.  Cái lỗ đen kia cũng vậy, anh đổ tội cho nó, không hiểu nó sâu, nó rộng đến chừng nào mà có sức tàn phá ghê gớm đến thế. Có biết bao nhiêu số phận, bao nhiêu kiếp người đã bị nó hút vào và cuốn đi, nhận chìm trong đó? Thiện cũng lại nghĩ đến thân phận anh. Anh được học hành, được đào tạo bài bản để làm nghề bảo vệ. Anh hồn nhiên ở đây để bảo vệ ai, bảo vệ cái gì nếu không gặp hai cuộc đời khốn khó ấy thì làm sao biết được ở ngoài kia còn có biết bao nhiêu số phận còn bị tước bỏ và trà đạp. Đến chỉ có hai con người một nhớn, một bé đang trong vòng điêu linh lại trong tầm tay anh thôi mà cũng không bảo vệ được thì làm nghề bảo vệ làm gì?

Thiện cứ đứng đấy, cứ nghĩ miên man. Từng đợt gió bấc ào qua, thốc vào tận tim anh buốt nhói. Lá vàng ào ào trút xuống phủ đầy lối đi. Nửa đêm, Thiện mới lê đôi chân mỏi mệt, tê cứng về vị trí đứng gác của mình.

       Hà Nội, mùa thi 2008.
                  
                     
                        MẸ, GÁNH HÀNG RONG VÀ CU SỨT

1 -                Sáng tinh mơ, con phố chính của Thủ Đô vẫn chìm trong giấc ngủ mệt nhọc của một đêm hè oi bức, ngột ngạt. Đèn đường vàng khè le lói sau những tán lá cây đẫm sương. Chốc chốc lại có đôi ba chiếc hon-da chất hàng lặc lè, bật pha đỏ lòm, máy nổ phành phạch như đại liên nã đạn, hộc tốc chạy qua, cho kịp phiên chợ bán lẻ đâu đó. Lác đác, từng tốp một, những ông già mặc áo may ô ba lỗ, quần sóc trắng ngả màu cháo lòng, mặt nhẽo, bụng phệ lững thững đi bộ qua ngã tư, đài Trung Quốc rẻ tiền đeo sau đít nheo nhéo đọc những bản tin thời tiết, thời sự hay hướng dẫn nông dân cách bón phân cho cây trồng. Dăm bà sồn sồn, lặc lè tha những chiếc mông quá cỡ, rướn người bước thấp bước cao chạy gằn trên vỉa hè như có ma đuổi sát gót. Tiếng những con vạc ăn đêm về muộn gọi nhau nhớn nhác vọng từ ngang trời xuống, đập vào trí não người nghe một cảm giác nao nao khó tả.
Không phải là vạc, nhưng vào cái thời khắc giao hòa giữa đêm và ngày, giữa bóng tối và ánh sáng này, bà Nhẫn cùng thằng Sứt đã có mặt tại cái vị trí quen thuộc trên vỉa hè của một con phố khá đông đúc của Thủ Đô. Từ hơn ba năm nay, ngày nào cũng vậy, đến đây, hễ hạ đôi quang gánh trên vai xuống, việc đầu tiên bà Nhẫn phải làm là rút ba nén nhang từ thẻ hương buộc trên nóc chiếc quang bên phải, bật diêm, che gió đốt rồi cắm vào hốc phượng già, nơi bà ngày ngày nương bóng cây bán hàng nuôi con ăn học. Gốc phượng xù xì cóc cáy dễ gần hai người ôm mới xuể. Cái hõm trong thân cây phần do thời gian, do sâu đục, phần do lũ trẻ của ngôi trường kế  cạnh nghịch dại, chúng hay ra đây túm tụm đốt giấy sưởi ấm về mùa đông mà tạo thành. Hôm nay, bà Nhẫn không vội bày hàng, bà sai cu Sứt đổ ít nước trong can nhựa, rửa sạch cái đĩa con mang sẵn từ nhà rồi ra chỗ có cành phượng xà thấp nhất, kiễng chân hái năm bông hoa đỏ rực như lửa bày lên. Bà đặt đĩa hoa trước ba nén hương trong hốc cây làm đồ lễ. Xong đâu đấy, kéo cu Sứt lại ngồi cạnh bà, xếp bằng tròn, bệt xuống nền gạch vỉa hè, chắp tay khấn Thổ công, Thổ địa. Bà khấn rằng, chỉ còn hôm nay là ngày cuối cùng bà cháu bà được phép bán hàng ở đây. Từ mai trở đi, theo lệnh cấm của thành phố, bà cháu bà sẽ không còn được bán hàng ở đây nữa, phải tìm kế sinh nhai khác. Bà chỉ mong các Ngài linh thiêng, theo chân bà cháu bà mà phù hộ cho chân cứng đá mềm, luôn khỏe mạnh, đủ sức vượt qua mọi trở ngại để bà vẫn có thể kiếm được tiền nuôi con tiếp tục học nốt năm cuối cùng của trường đại học. Khi ấy dẫu ông trời có bắt chết, bà cũng lấy làm thanh thản. Còn cu Sứt, ngồi cạnh bà đây, bà đã nhận nó là con, các ngài cũng phù hộ độ trì để cháu cũng có thể vuợt qua được những lúc khó khăn trong cuộc đời đến tuổi trưởng thành có cơm ăn áo mặc như những con người bình thường khác...
Khấn xong, hai bà cháu quệt ngang nước mắt, ra bày hàng đón khách ăn sáng.
Cũng khác với mọi ngày, hôm nay, vừa bán hàng, bà Nhẫn vừa chốc chốc lại nhìn với sang nơi gốc cây sấu cách bà khoảng chừng hơn hai chục mét. Chỗ ấy vẫn có mẹ con cô hàng bán xôi trẻ, hôm nay chưa thấy ra, bà lo cho hai mẹ con họ qúa. Ây là cái tính bà cứ mang lo mang nghĩ vào người. Còn cô bán xôi, đã trẻ người lại đẹp nết. Nghe đâu, ngày xưa chỉ phải cái tội tin người quá, yêu hết mình, trao gửi hết tất cả cho người mình yêu, đến khi có bầu, thằng bạc tình chạy trốn. Cô quyết giữ lại giọt máu của mình, bỏ quê lên thành phố tìm người quen tá túc, sinh đẻ rồi làm đủ thứ việc kiếm tiền nuôi con. Có lần đông khách, nhãng đi một tí, thằng bé lẫm chẫm đi xa, mẹ nó liền vứt bỏ tất cả, tá hỏa chạy tìm khắp nơi. May có người quen, bế cháu trả về. Từ đó mẹ con không rời nhau ra nữa. Ơ cái thành phố này, có bao nhiêu hè phố, có bao nhiêu gánh hàng rong là bấy nhiêu cuộc đời. Bí ẩn có, éo le có. Ngang trái, dữ dằn có. Và bình thường cũng có. Mọi người gặp nhau đấy, quen, thân nhau đấy nhưng có mấy ai thổ lộ cặn kẽ cho nhau về thân phận mình? Ây là bà Nhẫn cũng nghe đâu phong thanh về cuộc đời cô bán hàng xôi thường ngày vẫn ngồi bên cạnh như thế. Hôm nay, mãi gần bẩy giờ cô ta mới đến. Bà Nhẫn mau miệng:
          - Rõ khổ, hôm nay là ngày được bán hàng cuối cùng, sao mẹ con không tranh thủ ra sớm...Mà lại còn đi xe đạp nữa? Bà Nhẫn ngạc nhiên.
Cô hàng xôi gạt chiếc chân chống dựng xe, trả lời:
          - Thì cũng tại cái xe đạp này đấy bà ạ. Chả là hôm qua, con xin ông bà chủ được chiếc xe đạp cũ. Thế là con nẩy ra ý định chuyển đổi cách bán hàng chỉ ngồi một chỗ, sang cách mọi thứ cứ để trên chiếc xe đạp này mà bán, có động tĩnh gì, chỉ việc gạt chân chống, dắt đi. Thế là xong, vô tư. Công an, dân phòng có hỏi chỉ bảo tôi đang dắt xe đến chỗ được phép bán đấy chứ. Tôi có bán hàng ở đây đâu. Bu Nhẫn ơi, bu trông cái xe của con đây này, có gọn không?
Bà Nhẫn nhìn ra. Cả gánh hàng xôi và thằng cu con của cô ấy đang trên cùng một chiếc xe đạp thật. Nơi chiếc đèo hàng buộc chặt một thúng xôi to, ủ kỹ bởi những mảnh bao tải sạch sẽ để giữ nóng. Phía trước, giỏ xe đựng giấy báo và lá gói xôi, vừng, lạc, ruốc, thịt kho, chai đựng nước uống...Chiếc ghế đèo trẻ con buộc giữa khung xe, thằng bé đang ngồi trên ấy, nó đang quay người lại vẫy vẫy bà. Thật là cả một gia đình gọn nhẹ trên một chiếc xe đạp. Một chiếc xe như thế, có thể đạp cũng được, dắt cũng được, gạt chân chống có thể dừng lại bất kể chỗ nào cũng được. Bà Nhẫn nghe cô gái nói thế liền sợ hãi hạ giọng:
          - Thế từ mai cô định chuyển đổi sang cái cách bán hàng như thế thật đấy à. Các ông ấy cho thế là chống đối thì sao?
          - Khổ lắm bu ơi, con có dám ngồi bán xôi trên vỉa hè nữa đâu mà bảo con chống đối. Con chỉ đẩy xe trên vỉa hè tới chỗ được phép bán đấy thôi. Nhưng con đi qua phố cấm, có ai mua, con cũng có thể dừng lại hai ba phút để bán. Các ông ấy có trông thấy, từ xa đi lại thì con cũng đã lẩn vào được trong ngõ hẻm rồi.
Bà Nhẫn rầu lòng chép miệng:
          - Như thế, chỉ khổ cho thằng bé. Nó mới hơn hai tuổi. Suốt ngày bị treoởcên xe đạp.
          - Thì biết làm sao được hả bu. Muốn sống được qua những ngày này chỉ còn có cách ấy!
Bà Nhẫn lại thở dài:
          - Cô còn trẻ khỏe, còn đi được chứ tôi già lão thế này, hơi sức đâu. Từ đầu gối đến chân tay, xương, khớp, chỗ nào cũng đau nhức. Tận cùng nơi chỉ có tủy của từng ống xương, cũng như có hàng ngàn hàng vạn con sâu con mọt đang đục khoét, không chịu để yên phút nào. Ngày mai, bà cháu tôi chẳng biết chuyển sang làm nghề gì nữa đây. Thằng con tôi chỉ còn một năm học nữa là nó thi ra trường khéo phải bỏ dở giữa chừng mất thôi. Nhờ có cái gốc cây này, cái vỉa hè này cùng gánh hàng bánh giò mà mẹ con tôi rau cháo nuôi nhau, cháu nó vượt qua được ban năm học rồi đấy. Nay chỉ còn một năm nữa thôi thế mà...Bà Nhẫn sụt sịt, lấy ống tay áo quệt ngang lau nước mắt. Vài người khách hàng nghe cuộc đối đáp của hai người, ăn xong họ cố tình rút tờ tiền lớn hơn vài nghìn đưa trả rồi từ chối những đồng tiền trả lại của bà. Họ bảo để biếu bà uống nước. Bà Nhẫn không nhận cũng không được. Họ cứ thế leo lên xe máy phóng ào đi. Cô hàng xôi lại hỏi vọng sang:
          - Thế ngày mai bu bán hàng gì, ở đâu?
          - Tôi cũng chưa biết nữa. Để tối nay về còn bàn với cháu nó đã.
          - Con thì con vẫn cứ bán hàng xôi nhưng cơ động thế này, chắc là ổn. Bu tính xem, có biết bao nhiêu người bán hàng rong ở Hà Nội này dồn cả vào mấy con hẻm và mấy cái phố nhỏ thì bán cho ai. Vạn người bán mới có trăm người mua. Ây là chưa kể cái việc tranh nhau chỗ ngồi cũng khổ cực lắm rồi. Lại còn cái chuyện khách lạ, chưa quen hàng mình, ai người ta ăn. Thật là trăm nỗi cơ cực. Con thì con cứ ra đây đứng bán. Khách ghé vào mua rồi cầm gói xôi đi ngay. Công an, dân phòng đến, con đẩy xe đi, nói là qua đây để đến nơi được phép bán.
Bà Nhẫn chỉ thở dài, không nói gì. Hai bà cháu cố bán cho hết bánh. Đường phố lên đèn mới lục tục dắt díu nhau về. Hôm nay, ai cũng cố ngồi bán muộn, tận thu được đồng nào hay đồng ấy. Đi qua những người bán hàng quen, bà cháu bà đều có lời chào từ biệt cứ như là từ ngày mai họ không còn cơ hội gặp nhau nữa ấy. Hai bà cháu lầm lũi đi về phía xóm trọ nghèo vùng ngoại ô thành phố.
2 -                         Căn phòng trọ thuê được chỉ rộng có tám mét vuông, tuềnh toàng như một túp lều rách, tường quây tôn, mái lợp tấm xi măng, thế mà mỗi tháng phải trả cho chủ ba trăm năm mươi ngàn đồng. Ba con người, chen chúc, gắng gượng sống tạm bợ qua ngày. Đối với bà Nhẫn, thuê được căn phòng này cũng là may mắn lắm, vì giá càng rẻ, càng nhiều người tìm thuê. Hà Nội bây giờ còn ít gia chủ làm những căn phòng cho thuê tạm bợ như thế này lắm.
Tối nay, không khí oi nồng, ngột ngạt đến không thể chịu được. Hình như sắp có một cơn giông tố tức thời, hoặc giả như đang có một cơn bão lớn đang rình rập ở ngoài khơi xa. Ba bà cháu kéo nhau ra sau nhà, nơi có bờ kè đá của con mương thoát nước chạy qua để ngồi hóng hớt vài cơn gió hiếm hoi của mùa hè nóng nực. Nói là mương nước nhưng không còn là mương nước nữa. Lòng con mương này giờ chỉ là một dòng chẩy đen ngòm, đặc quánh, nhầy nhụa với cơ man nào là vỏ chai, túi nhựa, rác rưởi, xác xúc vật chết... lềnh phềnh, khi thì tắc nghẽn, khi lừ đừ trôi xuôi. Từ ruột gan nó, phả vào không gian, nơi nó đi qua một thứ mùi khăm khẳm, nồng nặc không thể nào chịu được. Người yếu đuối hít phải thứ mùi này có thể bị chết ngất ngay lập tức. Người khỏe mạnh cũng về nhà mà ốm chứ chẳng thể đùa. Thế nhưng, đối với bà Nhẫn và hai đứa trẻ, họ ở đây đã lâu nên quen rồi. Kiếm một chút gió trời thoảng qua và đỡ được dăm hào dầu đèn bây giờ còn cấp bách hơn cả phải ngửi thứ mùi hôi thối kia cũng như phải chịu phơi người cho đàn muỗi hoang, đói khát bay đến xâu xé khắp người. Ngồi đã hơn nửa tiếng, vẫn chưa ai nói với ai lời nào. Tuy ngồi sát cạnh nhau nhưng mỗi người hình như đang theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình với một tâm tư nặng trĩu. Nhưng rồi cậu con trai cũng lên tiếng trước:
             - Mẹ ơi, hay để ngày mai con cũng đi tìm xem có công việc gì. Việc, chắc sẽ có. Rửa bát, chạy hàng, bưng bê, phát tờ rơi...gì cũng được. Con sẽ làm nửa ngày, còn nửa ngày đi học. Bà Nhẫn không đồng ý:
    - Không được! Chỉ còn chưa đầy năm nữa, con phải tập trung vào việc học cho kết quả. Mẹ nhất quyết không để con đi làm bất cứ một công việc gì. Năm học thứ nhất, thứ hai, con cũng đã làm thêm giúp mẹ rồi đấy thôi. Mẹ và Cu Sứt sẽ cố, khổ mấy mẹ cũng chịu đựng được. Chỉ cần con vì mẹ, và cu Sứt mà cố học cho tốt, cuối năm thi đỗ ra trường là mẹ mãn nguyện lắm rồi. Bây giờ mẹ quyết thế này, sáng mai mẹ và Cu Sứt dạy sớm, đi lấy một ít bánh giò, chỉ độ bằng một phần tư số lượng mà ngày thường ta vẫn bán thôi xong tới con phố nhỏ cận kề với phố chính, nơi bà cháu vẫn bán xem có bán được không đã. Nghề này thì hai bà cháu đã quen nên chưa vội gì phải đổi. Các con cũng biết rồi đấy, ở Thủ Đô này, khi chưa có lệnh cấm, thì đâu đâu cũng đã chật ních những người bán hàng, khó có thể kiếm được một tấc vuông đất không có người ngồi bán. Bây giờ lại có lệnh cấm những phố chính, người bán đổ dồn vào các phố nhỏ thì lấy đâu ra chỗ mà ngồi. Bà cháu mình giả dụ, có chỗ ngồi hẳn hoi, cũng phải vài tháng sau mới quen khách, vậy bán cho ai. Nhưng thôi, từ mai hãy cứ liều xem thế nào đã- Bà Nhẫn kéo Cu Sứt vào lòng rồi giục con vào nhà châm đèn học bài- Bao diêm nẹ để ở đầu giường ấy.
Cu Sứt, không phải là cháu ruột hay có họ hàng gì với bà Nhẫn. Nó là đứa trẻ mồ côi,  lang thang bụi đời. Cách đây hơn một năm khi bà đang ngồi bán hàng, thấy có thằng bé trạc tuổi lên sáu, lên bẩy, trên người chỉ có manh áo người lớn rách tả tơi. Không có quần, chiếc áo chùm đến đầu gối làm quần luôn. Môi bên trái nó có một vết sẹo nhỏ. Nó lân na đến cạnh bà lễ phép hỏi:
 - Bà ơi, bà cho con vét lại những mẩu bánh còn dính trong đống lá bỏ đi kia nhá. Con xin bà!
Đang lúc đông khách, bà Nhẫn trả lời cho xong chuyện:
 - Ư mày muốn làm gì với đống lá ấy thì làm. Nó chỉ là đống lá bánh vứt đi.
Vãn khách, bà nhìn ra, thấy một thằng bé rách rưới, tiều tụy. Nhìn nó liếm láp những vụn bánh còn dính lại trên lá, bà tưởng nó chết đói đến nơi. Đống lá bánh đã được liếm sạch, xem ra, thằng bé có vẻ tỉnh táo và khỏe khoắn hơn. Nó tự động thu dọn rồi bê đổ vào chiếc xe rác đang đậu phía bên kia đường. Từ đáy lòng bà Nhẫn, niềm xót thương, thông cảm truớc số phận một con người còn non dại, tự nhiên trỗi dậy. Bà gọi thằng bé lại gần hỏi han tên tuổi, quê quán. Nó bảo nó không biết tên gì, cha mẹ là ai, quê quán nơi đâu. Nghe thằng bé nói thế, từ ở nơi nào đó trong trái tim bà Nhẫn trào lên một tình thương vô tận. Nó lại lân la hỏi bà:
 - Bà ơi, cháu rửa hộ bà những chiếc thìa, dĩa, bát đĩa này nhé?
 - Ư, cũng được, nếu cháu muốn giúp bà. Nhưng, khoan đã. Hình như cháu đang đói lắm phải không. Đói run lên rồi kia kìa. Đây, cháu ăn chiếc bánh này đi đã. Thằng bé nhìn chiếc bánh giò còn nóng hôi hổi trong tay bà Nhẫn, nó không dám tin nên cứ ngập ngừng, nửa muốn đưa tay ra, nửa không dám. Bà Nhẫn phải giục lần nữa:
 - Này, cháu cứ cầm lấy, ăn đi. Bà cho thật đấy!
Nó rưng rưng cầm lấy chiếc bánh, bóc ra, ăn ngấu nghiến, không quên liếm sạch sẽ từng chiếc lá gói. Xong đâu đấy, nó lại sang đường, bỏ lá vào xe rác.
Thế là hôm ấy nó cứ quanh quẩn bên bà đến tận chiều tối. Lúc thì nó bê ghế cho khách ngồi. Lúc nó rửa bát, đĩa, thìa cho bà. Khi bà sắp quang gánh chuẩn bị ra về, nó lễ phép đứng trước bà, nghiêm trang:
 - Cháu chào và cám ơn bà. Cháu đi bà nhé!
Nói rồi thằng bé quay lưng lủi thủi đi. Chẳng biết nó sẽ đi về đâu. Bà Nhẫn lại rơm rớm nước mắt nhìn theo, chẳng thốt lên lời. Đột nhiên từ sâu thẳm tận đáy lòng bà Nhẫn như vừa mất mát một thú gì đó vô cùng quý giá, bà thức tỉnh, vội vàng gọi với theo thằng bé:
 - Này cháu ơi, đợi đã. Quay lại đây bà bảo cái này. Thằng bé quay đầu lại, thấy bà đang vẫy tay gọi. Nó lập tức quay lại. Tới nơi, bà Nhẫn kéo nó ngồi xuống ghế hỏi:
 - Cháu có muốn ở với bà, giúp bà bán hàng không? Ơ với bà tuy là nhà trọ thôi nhưng có chỗ ăn, chỗ ngủ, không phải lang thang xin ăn nữa...
Thế là từ đấy, bà cháu dựa nhau, ngày ngày quang gánh lên phố bán bánh giò. Bánh của bà nóng và ngon, mọi thứ sạch sẽ, tính bà xởi lởi lại có khách quen nên chắt chiu, tằn tiện lắm bà cũng nuôi được ba con người lúc no, lúc đói và nhất là trả tiền đầy đủ cho con trai bà đang ăn học đại học. Riêng về quần áo cho cu Sứt thì không phải lo, cứ quần áo cũ của con trai bà chịu khó sửa đi một chú là nó mặc được rồi. Thấm thoắt thế mà đã hơn một năm từ khi bà nhận Cu Sứt về ở với mẹ con bà...Thế mà, đang yên lành, bỗng dưng có chuyện thành phố có lệnh cấm bán hàng rong.
3 -              Ngày thứ nhất từ khi có lệnh cấm bán hàng rong
Ngày thư hai từ khi có lệnh cấm bán hàng rong.
Ngày thứ ba....
Ngày thứ tư...
Ngày thứ năm...
Mỗi ngày, đi mỏi cẳng từ sáng tinh mơ đến tối mờ tối mịt, bà Nhẫn và cu Sứt cũng chỉ kiếm được hơn chục nghìn bạc lãi từ việc bán bánh giò. Bây giờ không thể tìm được một chỗ ngồi ổn định vì đông người bán quá. Giành giật nhau từng chỗ đứng chứ nói gì đến chỗ ngồi. Lạm phát, kinh tế suy thoái, đồng tiền mất giá từng ngày, từng giờ, đời sống khó khăn, nên người mua hàng vì thế cũng ít đi rất nhiều. Bữa ăn của ba bà cháu cố lắm giờ cũng chỉ còn giữ lại được ba thành phần chính, đó là: cơm, rau và bột canh. Chẳng biết cứ tình hình này rồi sẽ còn phải giảm hay lược bỏ thành phần nào nữa. Những đồng tiền còm chắt chiu, tích cóp được bấy lâu giắt chặt trong cạp quần phòng khi cơ nhỡ, giờ, bà Nhẫn phải moi ra tiêu dần. Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa là hết sạch. Không hiểu vì nỗi lo quay quắt đã hiện ra trên nét mặt bà Nhẫn hay vì tuy còn bé nhưng cu Sứt đã rất nhậy cảm nên tối hôm ấy, sau bữa ăn đạm bạc của ba bà cháu, nó bịn rịn đến bên bà nói:
 - Bà ơi, cháu nghe mấy đứa bạn nói, đi bới rác cũng kiếm ăn được đấy bà ạ. Hay từ mai bà cho cháu đi theo chúng nó xem có được không?
Nghe cu Sứt nói vậy, bà Nhẫn lại rơm rớm nước mắt. Tính bà vốn thế. Bà càng quý mến và cảm phục cu Sứt. Mới chừng ấy tuổi đầu, nó không hề lợi dụng lòng tốt của bà mà bám víu, mà ỷ lại. Nó lo cho hai mẹ con bà. Trong tình cảnh hiện nay, chỉ chạy ăn và kiếm đủ tiền đóng học phí cho cậu con trai bà cũng là khó khăn lắm rồi. Đèo bòng thêm nó, khổ cho hai mẹ con và cũng khổ cho cả cu Sứt. Nhưng để nó ra đi, bà cũng không yên lòng. Nó còn bé thế sao có thể trụ vững được trước cuộc đời quay quắt và khốc liệt thế này. Bà Nhẫn không trả lời ngay mà quay ra quàng tay, ôm nó vào lòng, lúc sau bà mới nghẹn ngào nói được:
 - Con ngoan lắm! Bây giờ mẹ quyết định thế này. Từ sáng mai, mẹ vẫn đi bán bánh giò. Bán rong, tuy được ít nhưng còn hơn không. Còn con, con cứ đi theo mấy đứa bạn mà bới rác. Đến tối, mẹ và con cùng về căn nhà này, ăn uống, nghỉ ngơi rồi hôm sau tiếp tục lại đi làm. Trong khi tạm thời vẫn bán bánh giò, mẹ sẽ để ý xem có việc nào tốt hơn thì chuyển nghề. Con cũng vậy. A nhưng mà con đã biết bãi rác ấy ở đâu chưa?
 - Con nghe chúng nó bảo ở phía nam thành phố.
Bà Nhẫn ái ngại:
 - Như thế thì xa quá nhỉ. Đi đi về về thật khổ!
Có điều gì đó như một bóng mây đen thoáng lướt qua đầu bà Nhẫn. Không nói ra, nhưng bà đã nghĩ đến chuyện thằng bé có thể vì mải bạn mới mà quên bà, không trở về nữa. Cũng có khi nó lấy cớ thế để đi hẳn để bà đỡ được chút nào gánh nặng vì có thêm nó. Cũng có khi vì một hoàn rủi ro hay may mắn khác... mà nó vĩnh viễn không quay trở về với mẹ con bà nữa. Giá như nó gặp may mắn thì bà mừng, còn như rủi ro... Tuy mới hơn một năm, nhưng mẹ con bà đã coi nó là thành viên, là ruột thịt của bà rồi...Bà Nhẫn cẩn thận lần giở gói tiền từ cạp quần ra, soi sát vào ngon đèn dầu của cậu con đang học, bớt lấy một trăm nghìn đồng rồi ấn vào tay cu Sứt:
 - Đây là số tiền ít ỏi mẹ cho để con phòng thân thôi, tuyệt đối không được dùng vào việc gì. Ăn uống đã có ở nhà rồi, ban ngày đi làm, tối về ngủ. Không làm gì phải dùng đến tiền cả. Con nhớ đấy nhé. Thôi, thế này cho chắc, để mẹ đi lấy kim chỉ khâu chặt vào chiếc quần con đang mặc là tốt nhất.
Cu Sứt giẫy nẩy lên:
 - Không, con không cầm đâu mẹ ạ! Ăn uống ở nhà, tối ngủ nhà, con cần tiền làm gì hở mẹ.
 - Con cứ phải cầm, mẹ không cho để con tiêu. Chỉ cần con không tiêu vào nó khi chưa cần thiết là được! Còn khi thấy cần thiết chi vẫn cứ phải chi ví dụ như cả ngày hay một hai ngày không kiếm được gì ăn, đói quá, không ăn thì có thể chết, vậy thì con phải lấy ra hai nghìn đồng mua một cái bánh mì ăn cho tỉnh lại. Hay khi ốm vì cảm cúm, con phải chi ra một nghìn rưỡi mua vỉ thuốc cảm Pa min uống vào cho khỏi mới sống được. Thằng anh đang ngồi học bài cũng góp thêm vào:
 - Mẹ cho thì em cứ cầm lấy. Không tiêu khi chưa thấy cần thiết là đươc.
Bà Nhẫn cứ khâu chỗ tiền ấy vào cạp quần của cu Sứt rồi bắt nó mặc, còn nhẩy nhẩy nữa xem đã chắc chắn chưa.
Sáng sớm hôm sau bà Nhẫn chỉ mang một cái thúng đi lấy ít bánh giò để bán rong. Cu Sứt cuộn tròn chiếc bao tải rách, cầm thêm cái que sắt có móc ở đầu dùng làm công cụ bới rác. Cứ thế, nhiều ngày liên tiếp nhau, họ cứ sáng đi tối về. Mỗi ngày hai bà cháu dồn lại cũng chưa đầy ba chục bạc. Có ngày cu Sứt kiếm nhiều hơn cả bà. Tuy nhiên, số tiền khiếm được của hai bà cháu cũng chỉ đủ ăn một cách tằn tiện. Còn tiền thuê nhà, tiền nước, tiền đóng học cho con không biết trông vào đâu. Bữa ăn giờ đây bà đã cắt giảm tới mức tối thiểu chỉ còn cơm và bột canh, có thêm một phần tư quả ớt để đánh lừa cảm giác của cái lưỡi. Nhìn thằng con học tập miệt mài bên ánh đèn dầu mặt mũi hốc hác mà lòng bà thắt lại. Đã thế, cu Sứt ba hôm nay cũng không thấy về nhà ngủ, lòng bà càng thêm rối như tơ vò. Bà đoán già, đoán non đủ kiểu. Không biết nó ở đâu mà nhắn tới một lời.
Thời gian cứ thấm thoắt trôi đi, bà Nhẫn xoay đi đổi lại đã tới ba bốn nghề mà vẫn chưa có nghề nào khả dĩ có thể trụ được để vừa kiếm miếng ăn cho cả hai mẹ con, vừa chi trả tiền học cho nó. Nếu chỉ để ăn và sống cho hai con người thôi thì cần gì mẹ con bà phải kéo nhau lên đây. Cái quan trọng là con bà phải học xong và thi đỗ đại học. Đã ba bốn đời họ Lê nhà bà chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối, không ngẩng đầu lên được chỉ vì chẳng ai được học hành đến nơi đến chốn, người nhiều chữ nhất cũng chỉ mới đến lớp ba lớp bốn. Bây giờ trời phật phù hộ, nguyên khí tích tụ lại ở thằng con bà, dù thế nào bà cũng không bỏ qua cơ hội. Bà hy vọng rồi đây nó mang cái bằng đại học trở lại quê hương mà làm vẻ vang cho dòng họ nhà bà, cũng là làm vẻ vang cho làng cho xã, quê hương bà. Chính vì suy nghĩ như thế mà mặc dù cuộc sống ngày càng thêm khốn khó, bà Nhẫn vẫn không nản lòng. Từ bán bánh giò không đựơc, bà chuyển sang bán đậu phụ. Bán đậu phụ không xong, bà chuyển sang bán trứng, bán cà chua, bán gạo...nhưng, tất cả đều không được vì một lý do quan trọng là bà không có sức để đi rong, hay nửa đi, nửa ngồi. Cứ trông thấy cái cảnh trật tự với dân phòng giằng nhau gánh rau muống hay mẹt trứng vịt, thúng hoa quả của người bán rong rồi đổ tung tóe ra giữa lòng đường nhựa, tàu xe qua lại như mắc cửi là bà đã hết hồn rồi. Nhiều khi những chiếc xe ô tô vô tình cứ phóng vèo qua, bốn bánh của nó vô tư đè nát cả rau, trứng, cam, nho...Nhìn những trái nho chín mọng, đỏ thẫm nát bét trên mặt đường chẳng khác gì màu máu, bà Nhẫn cứ co rúm hết cả người lại. Bây giờ, vốn liếng đã cạn kiệt, bà Nhẫn chỉ còn đủ tiền ra tận khu chợ đầu mối ở chân cầu Long Biên mua vài cây mía về dóc chặt từng đoạn hay tước vỏ, tiện từng khúc, cho vào túi nylon bán lẻ cho khách hàng ăn liền. Cách bán này cũng kiếm hơn một chút nếu đủ sức ngày mấy lần phải đi đi về về giữa chợ đầu mối và nhà ga xe lửa ở cuối đường Trần Hưng Đạo. Được đấy nhưng bà Nhẫn làm gì có sức đi như thế, nên bán được ba ngày, bà lại bỏ. Không kiếm được nhiều tiền, bà Nhẫn đã cắt giảm chi tiêu hàng ngày tới mức tối thiểu, như dầu đèn cũng không ám mua về đốt nữa. Cậu con trai bảo ra chân cột điện ngồi học càng mát, lại sáng hơn đèn dầu. Thương con bà không biết làm gì giúp nó. Cũng thương con mà bà nhường nhịn chia sẻ cho nó. Hàng ngày đi bán hàng, đi đi lại lại khắp nơi mà đói bà không dám ăn, khát bà không dám uống. Chiu đựng nhọc nhằn tới mức mặt bà bây giờ hốc hác, đen sạm. Thân thể bà gầy còm khẳng khiu. Có lẽ sức mạnh tinh thần từ trong sâu thẳm ý chí của bà đã giư bà trụ vững, tồn tại, để mà gánh vác công việc cao cả đối với cuộc đời của bà là nuôi con ăn học cho đến ngày nhìn thấy thành quả của nó. Lạy trời khấn phật, leo cây đã gần đến ngày ăn quả. Bà không thể dừng lại giữa đường lúc này. Bây giờ mà bà gục ngã thì ba năm qua công lao của mẹ con bà đổ ra sẽ chỉ là công cốc hết. Trong đó có cả công của cu Sứt góp vào từ khi nó ở với mẹ con bà hơn một năm trời. Lo lắng trăm điều là thế mà không lúc nào bà Nhẫn không nghĩ đến cu Sứt. A, phải rồi, mai bà sẽ đi thử một bổi bới rác, nhân thể thăm dò xem cu Sứt hiện đang làm gì, ở đâu. Bới rác lại không phải mất vốn liếng gì.
4 -               Nghĩ là bà Nhẫn làm ngay. Sáng hôm ấy, từ rất sớm, bà Nhẫn đã cầm trong tay chiếc bao tải rách và cái que có móc sắt ở đầu đi về phía nam thành phố, nơi có lần cu Sứt nói đến. Vừa đi vừa hỏi thăm, mãi gần bẩy rưỡi tám giờ mới tới nơi. Còn cách hàng trăm mét bà Nhẫn đã ngửi thấy cái mùi đặc biệt của bãi rác rồi. Ai đó có đến đây mới thấy được người thành phố đã ăn sài lương thực thực phẩm ghê gớm đến thế nào mỗi ngày. Từng đoàn xe tải chở rác lặc lè tiến vào. Đống rác nọ tiếp nối đống rác kia, chất cao như những ngọn núi. Hôi thối bốc lên nồng nặc khuyếch tán ra cả một vùng rộng lớn. Từ chân đến ngọn những núi rác nhấp nhô ấy bâu bám những con người nhỏ bé đủ các thành phần, già, trẻ, gái trai. Tất cả họ đều có chung một điểm đó là rách rưới, bẩn thỉu, hốc hác, không ra hồn một con người. Họ như những đàn kiến bu lấy miếng mồi đang thối rữa, cố kiếm lấy một thứ gì có giá trị khả dĩ ăn được ngay hay mang về bán lấy tiền.
Bà Nhẫn trông thấy cái cảnh tượng trên mà hãi hùng nhưng cũng cố trấn tĩnh, thu hết can đảm, lầm lũi tiến vào vì trót đã đến đây rồi. Chưa đến chân một đống rác gần nhất, bà đã bị mấy thằng trẻ con tầm mươi mười hai tuổi, tay đứa nọ cầm tay đứa kia dăng hàng ngang làm hàng rào cản bước đến trước mặt bà, không cho vào. Chúng nói đây là địa phận của chúng, bà là người mới, không được vào nhặt rác. Nhìn mặt đứa nào cũng bẩn thỉu, nhem nhuốc với đôi mắt tuy còn trong trẻo nhưng đã biết trợn ngược, băm trợn, bà Nhẫn cũng thấy run run. Bất chấp mọi cử chỉ thân thiện cùng những lời lẽ cảm thông, thuyết phục, bọn trẻ cứ trơ ra như đá, không cho bà tiến thêm một bước nào nữa. Bà Nhẫn tiến thoái lưỡng nan chưa biết xử lý như thế nào thì từ trên đỉnh đống rác to như quả núi trước mặt, nghe tiếng ồn ào bên dưới, cu Sứt nhìn xuống. Ai trông như mẹ nuôi nó. Cu Sứt chạy xuống, nó nhận ra bà liền kêu lên, ôm chầm lấy rồi quay lại những đứa bạn nói to:
 - Đây là mẹ tớ! Tớ đã kể cho các bạn nghe rồi đấy...
Thế là tất cả vây quanh lấy bà. Bà Nhẫn lôi từ trong chiếc bao tải ra, gói khoai lang luộc cầm sẵn ở nhà đi bảo vừa để ăn trưa vừa xem có gặp cu Sứt, rồi bẻ cho mỗi đứa một miếng. Bà Nhẫn khóc, khóc ở đây, mà không cần giấu giếm khi nhìn cu Sứt và lũ trẻ ăn khoai nhồm nhoàm và ngon lành, không cần rửa tay hay lau mặt.
Gần một ngày bới rác, nhá nhem tối, cu Sứt dẫn đến trước mặt bà Nhẫn một thằng bé đen nhẻm như củ súng, nhưng có đôi mắt trong veo của bầu trời mùa thu rồi nói:
 - Đây là thằng Tam Thất mà con chơi thân và kết bạn với nó mẹ ạ. Hồi mới đến đây bới rác, bọn nó không cho, còn đánh đuổi con. Thằng Tam thất bênh con nên không đứa nào dám làm gì nữa. Nó có mẹ đang ngồi bán hàng măng tươi và măng chua ở góc chợ Kim Liên. Mẹ nó là người rất tốt. Mẹ nó bảo nếu mẹ muốn về chợ ấy và cùng bán hàng măng với mẹ nó thì mẹ nó sẽ giúp đỡ. Bán chung hay bán riêng cũng được. Bán chung tốt hơn vì chung tiền sẽ nhiều vốn, lại buôn tận gốc, bán tận ngọn. Mẹ nó bảo, mẹ yếu, không đi lại nhiều được thì cứ ngồi mà bán, còn mẹ nó khỏe hơn sẽ ra tận chợ đầu mối Bắc Qua lấy hàng về. Bán hàng măng cũng kiếm được kha khá đấy mẹ ạ. Con cũng định hai hay ba hôm nữa sẽ về nhà báo cho mẹ biết.
Bà Nhẫn nhìn thằng Tam Thất. Nó đen, gầy nhưng khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Tướng nó đúng là khó có đứa nào dám bắt nạt, kể cả những đứa to cao hơn. Cu Sứt bám lấy ống tay áo bà Nhẫn nhũng nhéo như ở nhà:
 - Bới rác mỗi hôm nay thôi mẹ nhá. Mai mẹ con mình đếm chỗ mẹ thằng Tam Thất đi.
 - Ư, mỗi hôm nay thôi... Tuy không nói ra, nhưng trong đầu bà Nhẫn đã hiện ra cái cảnh những đống rác như những trái núi, giữa trưa hè oi nồng ngùn ngụt bốc lên mùi xú uế nồng nặc không thể nào chịu được, thế mà hàng trăm con người như những đàn kiến suốt ngày leo trèo cật lực hì hụi từ sáng sớm đến tối khuya, đào đào, bới bới tìm kiếm. Mới một ngày thôi, nghĩ đến mai lại phải làm công việc này là bà Nhẫn đã thấy rùng mình rồi. Thôi, mai sẽ đến gặp mẹ thằng Tam Thát. Chắc là mẹ cu Tam Thất tốt như cu Sứt nói thật. Người nghèo với nhau mới có lòng thương người như thế. Xưa nay, nghiệm ra, bà luôn có quý nhân phù trợ mà. Biết đâu, từ ngày mai bà lại có nhiều điều để mà hy vọng.
Trời tối hẳn, ba bà cháu cu Sứt mỗi người cõng trên lưng một chiếc bao tải to đùng, bước ra khỏi khu vực bãi rác. Đi một đoạn chưa đầy cây số nữa thì đến chỗ bán phế liệu. Ơ đâu có cầu thì chỗ ấy có cung. Cũng tiện. Chia tay ở ngã ba đường, cu Sứt hẹn với Tam Thất sáng sớm mai sẽ đưa mẹ đến chợ Kim Liên gặp mẹ nó để hai bà bàn cách cùng làm ăn với nhau. Thành phố đã lên đèn. Nóng hè đã có phần giảm bớt. Bà Nhẫn nắm tay cu Sứt lúc thì đi dưới những quầng sáng đèn đỏ quạch, lúc lại đi dưới những cột điện có bóng đèn tắt ngóm vì ngành điện đang thực thi chế độ cắt điện luân phiên. Tâm trí bà Nhẫn đang để vào cu Sứt. Bà tìm lại được cu Sứt như tìm được vàng. Còn cu Sứt thì vô tư, không nghĩ ngợi gì hết. Nó đang thích thú với trò chơi nhìn xuống mặt đường, dõi theo hai chiếc bóng một dài, một ngắn, lúc thì dài ra, lúc lại co ngắn lại tựa cao su. Đi qua những cây cột điện có những cái bóng đèn tắt ngóm thì hai chiếc bóng lại biến đi đâu mất tích.
5. Lần ấy bà Nhẫn tìm đến trường đại học của con trai để đóng tiền học phí kì một của năm học cuối cùng có gặp một cô gái thu ngân tuy tuổi còn trẻ nhưng đã đầy lòng nhân ái. Khi cầm gói tiền to, nặng, gói buộc cẩn thận, khác thường, cô giở ra thấy trong đó toàn tiền năm trăm đồng, một nghìn đồng, hai nghìn đồng, tờ có mệnh giá cao nhất cũng chỉ năm, mười nghìn đồng. Đã thế, đồng tiền nào cũng nhem nhuốc, nhờn trơn, không thể nào đếm bằng máy được. Nhìn đống tiền trước mặt, cô thu ngân ngao ngán nghĩ bụng, đếm hết đống tiền chắc không phải ít thời gian. Bà Nhẫn là người có tiền đóng học phí cũng ái ngại cho cô. Bà năn nỉ xin cô thông cảm cho hoàn cảnh của bà. Rồi như thể để thuyết phục cô, bà ngậm ngùi kể qua hoàn cảnh của mình cho cô thông cảm. Nghe những lời bà Nhẫn phân trần, đến lượt cô thu ngân tưởng bà hiểu lầm là cô coi thường người lao động lam lũ, hay ngại đếm tiền lẻ bằng tay, cô cũng lại vội xin lỗi bà. Cô bảo, cô không chỉ thông cảm mà còn rất cảm động và kính phục những người lao động lam lũ như bà và cậu con trai hiếu học của bà. Đồng thời cô cũng mong bà chấp nhận hai việc làm của cô với ý nghĩa đơn thuần chỉ là chân thành giúp đỡ bà, khi bà đang gặp khó khăn. Một là cô sẽ hướng dẫn chu đáo để bà về quê xin những giấy tờ chứng nhận bà thuộc diện gia đình quá nghèo, lên đây, nhà trường sẽ giảm cho một phần học phí. Hai là, số tiền còn thiếu là hai trăm ngàn đồng lần này của kì một năm học cuối cùng của con bà, cô sẽ lấy tiền riêng của cô thêm vào cho đủ gọi là có chút quà biếu bà và em, để bà khỏi phải ghi nợ trả tiếp kì sau.. Bà Nhẫn vô cùng cảm kích trước tấm thịnh tình của cô gái, không ngớt lời cảm ơn cô. Nhưng bà Nhẫn cũng nói rằng, bà chỉ dám nhận yêu cầu thứ hai của cô thôi. Cô thương, cô cho thì bà xin. Còn việc thứ nhất cũng là điều tốt cô làm cho bà nhưng chỉ còn vài tháng nữa là em nó ra trường rồi. Bây giờ có về quê xin giấy tờ cũng nhiêu khê lắm. Họ bẻ hành, bẻ tỏi đến chồn chân mỏi gối mới xin được, khi ấy, em nó cũng ra trường rồi. Vả lại, bây giờ bà cũng có chỗ bán hàng tương đối ổn định ở chợ. Dù chỉ bán măng tươi chung với bà bạn thôi, số tiền kiếm được hàng ngày cũng đủ cho ba mẹ con bà sống tằn tiện, nhất là, cũng đủ tiền đóng học phí cho con tới ngày nó thi đỗ ra trường.

                                                                    
   Hà Nộ, mùa hè 2008
     Đoàn Nhất Trí

địa chỉ: Phòng 304, nhà C1,KTT trường CB PN TW
              Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
Điện thọa NR: (04) 7751603   DĐ: 098 495 3584
Email:  
Doan_Nhattri@Yahoo.com.vn