Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NÀ HANG NĂM ẤY

Đỗ Đức
Chủ nhật ngày 21 tháng 6 năm 2009 8:26 AM

Năm 1971 tôi có chuyến lên Khuổi Súng, Na Hang. Xe bò từng đoạn, trườn qua các ổ gà lởm khởm có cái to bằng miệng thúng. Đây giữa ngàn xanh, chiến tranh phá hoại của Mỹ chưa lan tới nhưng loại đường cấp phối liên huyện ít được để mắt, lại luôn bị những cơn mưa mùa hạ bào rửa, đá mặt đường bị cào lên lởm chởm như gai mít. Lái xe vừa chạy vừa xót xa lo lắng khi bộ lớp mòn gần hết ta-lông, hở cả vải bố cứ móm mém
 nhai khan mặt đá, chỉ lo bị chọc thủng. Chiếc Rumani cà khổ bục bạt nóc, sườn xe ghẻ lỗ chỗ cứ lắc lư như bà già đuối sức, đi như say nắng. Đến cua dốc của đèo Aí Âu thì vừa bò vừa ư ử như người lên cơn đau khớp. Đi chậm rùa như thế cũng có cái hay: được ngắm rõ hình sông thế núi. Dòng sông Gâm chưa vào mùa lũ, nước trong vắt sóng sánh trong nắng đầu mùa hè.
Khuổi Súng, xã xa nhất của Nà Hang giáp một huyện sâu tỉnh Hà Giang. Nhà của Chiến sĩ thi đua toàn quốc La Qúy Vãng, người Dao, tuy là bí thư đảng ủy xã nhưng cũng xuề xòa phên nứa mái gianh. Ông có đến tám năm canh giữ danh hiệu này. Bằng chứng là tám cái bằng Chiến sĩ thi đua toàn quốc xếp hàng ngang vương đầy mạng nhện và ẩm mốc minh chứng cho những cố gắng của ông với công cuộc vận động định canh định cư ở vùng khỉ ho cò gáy này. Ông cười móm mém “...Khó khăn nhiều lắm đồng chí ơi, Người Dao chúng tôi lấy rừng làm nhà, lấy đồi làm vườn. Định cư đỡ khổ nhiều rồi mà vẫn chưa bỏ được câu nói chia rẽ dân tộc: Keo kin Tày- Tày kin xả- xả kin phjec( người kinh ăn người Tày, người Tày ăn người Dao, người dao ăn rau  bí).
Bữa cơm phiếu mẫu buổi chiều trong nhà ông có thịt gà nhép băm, nấu với nấm gỗ, sạn và tanh nhưng vẫn là bữa ăn có chất lượng. Còn nhớ trước khi lên đây, ăn cơm ở Huyện ủy Na Hang: 70% ngô độn, cơm vàng ươm như lòng đỏ trứng mà cứng ngắc. Thức ăn có bí đỏ xào muối, bát canh cũng lại là bí đỏ, lềnh loàng mấy sao mỡ. Đi mệt, đói mà nuốt không nổi. Tài liệu viết bài  lấy báo cáo của ủy ban, toàn những con số thống kê viết tay ngều ngào như rau bí, đọc mãi không ra, thế mà rồi cũng thành bài báo!
Từ Khuổi Súng men dòng sông Gâm xuôi về Chiêm Hóa qua bên sườn PácTạ có núi Nàng Tiên chú Khách, lại thêm một ám ảnh. Đó là câu chuyện buồn của một vị tu hành. Khi sắp thành chính quả thì buổi sớm định mệnh ấy ánh sáng rực rỡ gieo vãi ánh vàng xuống lòng sông. Trong tiếng réo của nước, từng đàn cá bống quẫy nắng bơi ngược dòng. Trong đầu vị tu hành bỗng nảy  ra khao khát thèm được ăn một bữa cá bống sông Gâm. Chỉ mới thoáng có ý nghĩ ấy, đất dưới chân dã trở nên nặng trịch, vị tu hành từ từ biến thành đá trong tư thế chân bước lên núi, mặt ngoái lòng sông. Vị tu hành đã đứng đấy nghìn năm nay! Cái việc cuối cùng của ông ta là trèo lên vách núi hái khóm hoa Phặc Phiền để thành chính quả đã không thành được vì trong đầu chưa dứt được ham muốn trần gian. Huyền thoại về núi Nàng tiên chú khách trên đỉnh Pác tạ sâu giữa non ngàn như lời nhắc cho người đời hãy tự nghiêm khắc với chính mình nếu muốn đi trọn con đường đã chọn.
Mới vào đầu hè, cánh đồng huyện Chiêm Hóa mượt mà xanh màu lúa. Những cô gái Tày áo trắng váy thâm đang làm cỏ lúa thấp thoáng sau rặng tre. Lại được nghe câu chuyện hài hước rằng có lần nghe tiếng máy bay rẹt qua Chiêm Hóa lao vào bắn phá thị xã Tuyên Quang thì bỗng các cô nghe quát lớn “ Trắng quá, kéo váy lên che kín đi”. Khi các cô làm theo thì lại vẫn giọng ấy lại hô to một lệnh mới” Thôi, thả váy xuống, để thế trông  còn trắng hơn”. Chẳng đâu như ở nước mình, kể cả trong gian nan cũng tìm được trò hạ nhiệt cho sự căng thẳng.
Những chuyến đi như thế trong đời làm báo chẳng bao giờ có thể quên!
 18/6/2009