Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trường ca Trường Sơn”-Lớp lớp nhân vật về hội tụ.

Nguyễn Tiến Hải
Chủ nhật ngày 12 tháng 5 năm 2013 6:09 PM


(Đọc “Trường ca Trường Sơn”của Nguyễn Anh Nông-NXB Văn học-2009)
 
         Trường Sơn oai hùng,ngút ngàn đã,đang và chắc chắn sẽ mãi là đề tài thu hút sự sáng tạo không ngưng nghỉ của mọi loại hình nghệ thuật.Chỉ tính riêng đợt kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của bộ đội Trường Sơn (1959-2009) đã có hàng vạn trang văn,thơ viết về đề tài này với tấm lòng trân trọng cùng cảm xúc thẳm sâu.Trong đó,thể loại trường ca đã tô đậm thêm dấu ấn của mình,tiếp nối bền bỉ những trường ca đã từng ra mắt bạn đọc.Đó là các trường ca “Vạn lý Trường Sơn”của Nguyễn Hữu Quý, “Âm vang Cự Nẫm”của Trần Hải Sâm, “Ký ức Trường Sơn”của Phạm Minh Tâm, “Trường ca Trường Sơn”của Nguyễn Anh Nông…Mỗi trường ca mỗi vẻ,bởi cách tiếp cận,khai thác,phản ánh khác nhau,song có thể khẳng định rằng:Tất cả những trường ca viết về Trường Sơn đều là kết quả của cảm xúc bão giông,sự khám phá miệt mài,quá trình tích lũy trải nghiệm lâu dài và tấm lòng tri ân nặng sâu,khắc khoải…Nếu nét nổi bật ở “Vạn lý Trường Sơn”là sự hòa quyện giữa khái quát và cụ thể,giàu tính triết lý;ở “Ký ức Trường Sơn”là sự đan xen xoắn xuýt quá khứ với hiện tại,nồng cháy trong liên tưởng,hồi tưởng;ở “Âm vang Cự Nẫm”là một câu chuyện sinh động bằng thơ về một làng nhỏ-điểm khởi đầu của con đường Trường Sơn huyền thoại…thì,nét nổi bật trong “Trường ca Trường Sơn”là sự tụ hội của lớp lớp nhân vật đã góp phần nâng cao vóc dáng Trường Sơn,hóa Trường Sơn thành tượng đài bất tử!
          Mở đầu trường ca,nhà thơ Nguyễn Anh Nông đã phác thảo Trường Sơn bằng cách của riêng mình- “nén”đại ngàn vào những điểm nhấn đặc trưng: “Rượu cần vít cong niềm vui/Lời khan ủ men thấp thỏm…”; “Tiếng trâu đi hoang hoải rừng già/Tiếng mõ lắc nghiêng chiều ai tìm lại…”; “Con đường chồng lên con đường/Như ta chồng lên nhau những ước mơ khát vọng”…Tiếp đó,các nhân vật lần lượt hiện ra sắc nét,vừa khiêm nhường vừa cao vời cùng dáng núi.Giữa hoàn cảnh khắc nghiệt “Sống chết trong gang tấc/Bom đạn rơi đâu có hẹn người nào”người chiến sĩ lái xe vẫn một lòng hướng ra tiền tuyến: “Ánh mắt căng nhức chọc vào đêm đen/Tìm đường tránh bom nổ chậm”.Anh đâu có cô đơn,sát cánh cùng anh là núi rừng,đồng đội,là những người con gái thanh niên xung phong kiên trung: “Dáng hiên ngang em đứng đếm bom thù/Từng chớp rạch mịt mù lửa khói”.Đau đớn thay,những chuyến hàng nối  tiếp những chuyến hàng về đích,nhưng em đã anh dũng ngã xuống bên con đường chông chênh lửa đạn. “Anh trở lại,gom nỗi buồn vương vãi/Đắp mộ em bông huệ trắng mơn man/Thắp ngọn nến niềm tin em gửi lại/Nỗi buồn anh thăm thẳm đại ngàn”…
           Ngọn nến niềm tin em gửi lại…là sự khái quát về niềm lạc quan phơi phới,là tài sản chung vô giá tạo nên sức mạnh thần kỳ cho lớp lớp người ra trận.Qua ngòi bút của nhà thơ,chân dung vị Tư lệnh hiện lên càng khắc đậm niềm lạc quan phơi phới ấy: “Vị tư lệnh đại ngàn Trường Sơn/Khoát vòng tay ôm trọn câu hát/Kẻ vào đêm ánh mắt dịu dàng/Vạch vào nắng câu thề sắt thép…”.Và đây là hình ảnh nhà thơ-chiến sĩ: “Bên hông anh đeo cái đài/Anh và nó,thi nhau vừa đi vừa nói và hát/…Trái tim nhà thơ không lầm lạc/Bánh xe lăn rát bỏng con đường…”.Dẫu thi nhau nói và hát với chiếc đài,nhưng bánh xe vẫn rát bỏng trên đường thì quả là say mà vẫn tỉnh.Câu thơ hóm hỉnh làm người đọc càng thêm yêu,thêm tin nhà thơ chiến sĩ biết mấy!
          Tuy huyền bí,linh thiêng,nhưng Trường Sơn đâu chỉ toàn những cánh rừng hoang rã.Trong trường ca,Trường Sơn hiện lên kiêu hãnh bởi truyền thống văn hóa độc đáo,đậm dầy với những Đam San,Xinh Nhã,Nữ Thần Mặt Trời,Hơbnhi…với vầng trăng thẹn thùng,mặt trời đỏ ứa,mà trung tâm là hình ảnh Già làng.Nhà thơ thật khéo khi mượn lời Già làng để tự khắc họa chân dung: “Những già làng như ta-da đồng hun,tóc cước,râu bạc,kể Khan như lên đồng-ong bay,bướm lượn/Vắt vẻo rượu cần/Cồng chiêng say ánh mắt/Bàn chân bàn tay vụng dại/Múa lên trời hoa văn…”.Đọc những câu thơ này,tôi ngỡ như được chiêm ngưỡng một bức tranh đặc tả vừa chân thực vừa sinh động về Già làng giữa Trường Sơn hùng vĩ.
          Trong “Trường ca Trường Sơn”,nhà thơ Nguyễn Anh Nông dành hẳn một chương để nói về người cha-chiến sĩ Trường Sơn một thuở.Trở về sau chiến tranh,người cha mang theo vóc dáng Trường Sơn về quê hương,làng xóm,nhờ vậy,Trường Sơn chẳng còn xa xôi nữa,mà gần gũi thân thương trong trái tim nhân hậu của mỗi người.Với người cha, “Trường Sơn dằng dặc niềm khắc khoải/Ngày tháng găm dầy những vết thương…”,bởi thế nên “Trắng đêm vò võ/Bạc ngày hư hao”.Cuối cùng “Cha,bay bay về miền cực lạc”để lại cho mỗi người một Trường Sơn của niềm tự hào,của khí phách vươn lên, cùng lời dặn về mẹ “Vạn lời ca chưa đủ để tặng người”,bởi nhờ mẹ, cha đã vượt Trường Sơn rồi “mang”Trường Sơn cùng về ngày tụ hội…
          Có một loạt nhân vật đặc biệt trong “Trường ca Trường Sơn”,đó là “Căn hầm dã chiến”, “Cây cầu tạm”, “Con đường”, “Mây”, “Cánh bướm”…Nói là nhân vật,bởi tất cả đã được nhà thơ nhân hóa để lưu giữ những kỷ niệm sâu sắc,những nỗi buồn vui tận cùng của thời Trường Sơn khói lửa.Hãy nghe lời Căn hầm dã chiến: “Tôi chứa vào lòng bao số phận/Núi non lá chắn vững vàng chưa?/…Tôi đau nỗi đau người cha/Tôi buồn nỗi buồn người mẹ/Nỗi đau buồn bầm tím ruột gan”.Sự tàn khốc của chiến tranh buộc căn hầm cũng phải thốt lên những lời buốt xé.Thêm nữa,căn hầm như một biểu trưng thu nhỏ của Trường Sơn để chở che,ôm ấp con người.Cũng như Căn hầm dã chiến,sự hy sinh cùng niềm vui lặng thầm của Cây cầu tạm như một nét khắc đậm sâu về vóc dáng Trường Sơn: “Nơi nào có suối có sông/Ai người ngóng đợi,chờ mong,tôi về/Xoạc chân đứng đỡ đoàn xe/Tấm thân lấm láp ,xù xì, đã sao?/Cõng bao xe pháo sang cầu/Tôi vui,đồng đội mau mau an toàn…”.Đã từng nhiều năm là người lính Trường Sơn,đã từng được hàng trăm cây cầu “Xoạc chân đứng đỡ…”,đọc những câu thơ này tôi càng thêm nhớ Trường Sơn,nhớ những cây cầu biết mấy.Vẫn là những lời bày tỏ,vẫn là cái “tôi”nhân hóa như Căn hầm dã chiến,Cây cầu tạm,nhưng Con đường còn thổ lộ giấc mơ riêng: “Tôi mơ giấc mơ đẹp đẽ/Bao người nằm xuống hôm qua/Bỗng dưng đội đất sống dậy/Rưng rưng niềm vui chói lòa.”.Vẫn biết giấc mơ chẳng thể thành hiện thực,song sự thủy chung của Con đường với những người đã khuất làm Trường Sơn thêm linh thiêng,làm người đọc thêm nghẹn ngào khi nhớ về quá khứ.
          Ai đã từng đặt chân lên đỉnh Trường Sơn hẳn rằng không thể quên mây.Mây giăng trên đầu,mây bay trước mặt,mây nâng bước chân người…Bốn bề mây,bâng khuâng dâng dâng bao suy tưởng.Tôi gặp lại mây trong “Trường ca Trường Sơn”như gặp lại bạn mình,gần gũi,thân thương quá!Khác chăng,mây trong “Trường ca Trường Sơn”tuy vẫn là “Trường Sơn dằng dặc xôn xao nắng/Mây trắng ngàn năm cứ phập phồng”nhưng lại “đang bận”tâm sự với nhà thơ.Và,tôi lặng nghe: “Lòng dạ sáng trong không chật hẹp/Tâm hồn đau đáu nỗi yêu em/Mây nhé cùng ta bay tới đích/Xóa sạch bùn nhơ xóa hết buồn…”, “Ngàn vạn năm mây trắng vẫn còn bay/Ta yêu nhau từ độ nào ấy nhỉ?/Khát vọng.Đê mê.Vầng trăng tri kỷ/Dắt ta đi.Gió nắng đượm duyên tình…”.Thì ra,nhà thơ và mây đang tâm sự với nhau về tình yêu-tình yêu của người lính trên dải Trường Sơn  một thời ra trận.Cảm ơn nhà thơ đã một phần nói hộ lòng tôi!...Khác với những “nhân vật”đã kể trên,cánh bướm trong “Trường ca Trường Sơn”hiện lên cùng hồn trinh nữ.Nhà thơ mượn cánh bướm để bày tỏ nỗi thương nhớ,xót xa khi đi tìm và gặp “Người con gái hồn nhiên bình dị”đã yên nghỉ giữa rừng xanh: “Mộ em trên đồi hoa sim tím/Gặp cánh bướm chập chờn ảo ảnh/…Hãy đậu trên tay anh,linh hồn em trinh trắng/Đỏ mắt ,anh nhìn,lệ chảy vòng quanh.”.
          Tiếp nối Trường Sơn xưa,Trường Sơn nay hiện lên qua lời em bé,lời người con,lời người thợ xây dựng…Mỗi chân dung mang một nỗi niềm riêng,nhưng tất cả đều chung khát vọng: “Đục vách núi tạo hình hài tổ ấm/Khoan nghìn năm hóa thạch sưởi hơi người/Dựng giàn giáo phất lên trời khát vọng…”để Trường Sơn ngút ngàn,linh thiêng và đẹp giàu mãi mãi.
           Thông qua lớp lớp nhân vật về tụ hội,Trường Sơn đã được nhà thơ Nguyễn Anh Nông không chỉ khắc họa rõ nét theo cách của riêng mình,mà còn “gọi”được rất nhiều người cùng về tụ hội,và tôi là một trong những người về tụ hội đầu tiên./.
 NGUỒN: BÀI IN TẠP CHÍ VĂN HÓA QUÂN SỰ THÁNG 5 NĂM 2013
VÀ:(http://giapha.vnweblogs.com/post/1392/415838 )
 &                                              
http://nguyentienhai.vnweblogs.com/post/1988/410685